Người xưa, lối cũ
Tác giả: ThaoDP
Phần 4
Anh lính moldovan có khuôn mặt trẻ măng làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Chisinău chăm chú quan sát xem tôi có giống với tấm hình trong hộ chiếu mà tôi vừa xuất trình. Sau đó anh ta hí hoáy vào sổ trên máy tính rồi cộp dấu xuất cảnh vào hộ chiếu của tôi.
- Bà tới Moldova du lịch chăng ? Bà thấy ở đây chỗ chúng tôi thế nào ?
- Tôi không đi du lịch mà trở về quê hương thứ hai của mình. Kisinhôp là thành phố Trắng thân thuộc của tôi.
- Chẳng lẽ Moldova chúng tôi lại là quê hương thứ hai của bà sao ? Vì lẽ gì vậy?
Tôi đọc được sự ngạc nhiên trong mắt người lính trẻ : Sao người đàn bà Á châu mang quốc tịch Pháp này lại nhận xứ sở Moldova của anh ta là quê hương thứ hai chứ không phải là nước Pháp mỹ lệ và giàu có ?
- Vì sao ư ? Vì những năm tháng sinh viên của tôi đã trôi qua ở chốn này. Ở đây tôi đã có biết bao bạn hữu chí tình, biết bao kỷ niệm khó quên. Trong cuộc đời mình tôi đã có tại nơi đây một khởi đầu tốt đẹp cho mọi khởi đầu. Anh bạn ơi, anh còn quá trẻ để hiểu cái gì đáng quí và cái gì lắng đọng trong tâm hồn một con người. Hãy đi tiếp phần đời của mình, rồi bạn sẽ hiểu vì sao tôi lại gắn bó với quê hương của bạn và coi nó là quê hương thứ hai của mình. Chắc chắn một ngày không xa tôi sẽ còn quay lại nơi đây.
Chào tạm biệt và chúc mọi sự tốt lành!
Vào phòng đợi để chờ chuyến bay của mình nhưng đầu óc tôi vẫn ám ảnh hoài câu hỏi của anh lính trẻ. Tôi đã không có thì giờ để giải thích cho anh ta hiểu vì sao mảnh đất Moldova lại thân thiết với tôi như quê hương thứ hai. Để thật sự cảm nhận được điều đó ta phải trải qua một quãng thời gian khá dài đủ để gắn bó với con người và mảnh đất nơi ta ở. Giống như một phản ứng hóa học chỉ có thể xảy ra khi hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết : nhiệt độ, chất xúc tác, thời gian đòi hỏi…
Tôi vừa chia tay ở ngoài kia với ba đứa bạn : Valia, Nellia và Tekla. Chúng tôi cũng đã ngồi im lặng một lúc theo phong tục Nga trước khi đi xa, rồi ôm hôn từ biệt. Tôi hứa với các bạn sẽ thu xếp quay lại đây sớm nhất. Mặc dù vậy đứa nào mắt cũng đỏ hoe dõi theo tôi và một lần nữa vẫy tay chào tạm biệt trước khi tôi bước vào cửa khám vũ khí ở bên trong.
Sylva Dragomir, Valia Tretrel, Thảo, Valia Lazareva.
Vợ chồng đại sứ Thanh Huyền đã đưa tôi ra phi trường, giúp tôi check in và rất tế nhị xin phép về trước khi thấy các bạn tôi lần lượt tới chia tay. Hai em muốn dành những phút giây cuối cùng cho chúng tôi được trò chuyện riêng với nhau sau ngần ấy năm mới hội ngộ.
Các bạn Nga lớp tôi đã tụ tập 2 lần ở nhà Valia Tretrel nhân dịp tôi trở về Kisinhôp. Chúng tôi lần nào cũng làm một bữa tiệc nhỏ, chuyện trò rôm rả, hồi tưởng lại những kỷ niệm vui buồn gắn bó trước đây. Chẳng gì chúng tôi có chung cả một quãng thời gian 5 năm sinh viên với nhau mà dễ ai quên được. Lớp tôi có 3 Liuda và 3 Valia. Hai lần gặp gỡ đều có mặt cả 3 Valia ( Paskalova, Lazareva, Tretrel). Còn có thêm Liuda Semiakova, Sylva Dragomir và Nellia Klưshnikova. Lẽ ra lần gặp mặt này có cả Irina Jakov– cô bạn người Đức nữa, nhưng vì trước khi bay sang Kisinhôp Irina lại lăn ra ốm, thế là phải hủy vé. Tolia Rakul, Liuda Symvak gọi điện hứa sẽ có mặt, nhưng đến phút chót họ đã không tới được.
Valia Paskalova va Thảo( Valia Paskalova là chị ruột của Tanhia bạn 2 Bình)
Tôi được biết Kolia Biriuk - chồng Larixa Vataman đã mất mấy năm nay vì đột quỵ, họ đã có với nhau hai mặt con và hiện nay Larixa đã tái giá. Kolia ngày xưa là vận động viên bơi lội cấp kiện tướng, đứng thứ 10 trong đội tuyển bơi lội Liên bang Xô viết, nên thường xuyên phải bỏ học để tập dượt cho thi đấu. Nhiều lần tôi gặp Kolia ở bể bơi thành phố và được biết Kolia phảỉ bơi 20km mỗi ngày. Gương mặt Kolia với cặp kính cố hữu hiền hòa, sống động hiện ra trong tâm trí tôi. Đời người đúng là « sinh có hạn, tử bất kỳ » ! Larixa từ ngày tái giá không muốn gặp lại các bạn cũ thời sinh viên nữa.
Tôi muốn biết về Ivanov Vitia hiện giờ ra sao? Anh chàng này đi lính nghĩa vụ về rồi mới vào đại học, lấy vợ ngay từ năm thứ 2. Vitia đi thực tập cùng nhóm với tôi ở nhà máy sản xuất đế giày caosu Kisinhôp. Có một sự kiện mà tôi còn nhớ mãi cho tới tận bây giờ. Một hôm trong lúc dọn dẹp Phòng kỹ thuật của nhà máy tôi bất chợt thấy 1 chai cồn 90°. Tôi bảo Vitia khi nào bị sây sát thì có thể dùng nó để sát trùng. Lúc đó tôi thấy mắt Vitia sáng loé lên còn miệng thì tủm tỉm. Tôi hơi chột dạ, nhưng nghĩ rằng quy chế làm việc ở đây rất nghiêm sẽ khiến Vitia không dám làm điều gì bậy bạ.
Thế nhưng điều gì đã xảy ra mà bản thân tôi đã không lường trước được ? Buổi trưa mọi người đi ăn hết, Vitia đã lợi dụng lúc tôi không để ý pha luôn cồn uống với nước. Lúc tôi quay lại thì cậu ta không còn đứng vững được nữa, đang lảo đảo sắp ngã. Làm sao bây giờ ? Nếu người nhà máy biết được thì Vitia bị đuổi tức thì và dĩ nhiên sẽ không được thực tập ở đây nữa. Tôi phải đưa Vitia rời nhà máy ngay khi cậu ta còn có thể bước đi loạng choạng, còn nếu không kịp thời Vitia sẽ ngã lăn ra đây, lúc đó tôi sẽ không đủ sức dìu cậu ta nữa, vả lại mọi người đi ăn trưa sẽ về, chuyện đương nhiên sẽ vỡ lở.
Thế là Thảo « gày » tôi khó nhọc lôi được tên say rượu Vitia ra khỏi Phòng kỹ thuật, dìu nó ra khỏi nhà máy và gặp ai trên đường đi cũng phải phịa ra là bạn mình bị cảm đột ngột. Chỉ kịp đưa Vitia sang vườn hoa ở đối diện nhà máy thì tên say rượu đó đã ngã vật xuống thảm cỏ. Thật hú vía ! Không hiểu Vitia đã pha cồn với nước ở tỷ lệ nào mà hắn có thể say tức thì như vậy. Chắc là 60° !
Có lẽ nào nói đến đàn ông Nga là phải nói tới rượu mạnh, tới vodka ? Thiếu nó là thiếu đi một phần phong cách Nga sao ?
Oleg Sưskin đã chuyển lên sống ở Moskva, còn Misa Oriol và Boria Bêlaous đã sang Israel sinh sống. Tolia Rakul học hết năm thứ 2 với chúng tôi rồi lên Lêningrad học Hoá lý thuyết, bây giờ làm trưởng khoa một Khoa ở trường Đại học nông nghiệp Moldova.
Người duy nhất trong lớp tôi ở lại trường làm giảng viên là Liuda Semiakova. Tất cả bọn con gái lớp tôi bây giờ đều béo xù ra trừ Liuda Semiakova. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi gặp lại cô bạn ấy. Vẫn mảnh mai, duyên dáng như ngày nào, vẫn giữ nguyên kiểu đầu bới tóc lên cao, vẫn giọng nói liến thoắng không lẫn vào đâu được, Liuda hầu như không thay đổi, trẻ trung đến không ngờ. Cha Liuda - giáo sư Semiakov trước đây là trưởng Khoa Sử của trường vì thế « đông, tây, kim, cổ » Liuda rất rành, hơn nữa lại có trí nhớ siêu phàm. Những gì khi tôi nhắc lại mà người khác quên tiệt, riêng Liuda lại rất nhớ và bổ sung thêm các tình tiết cho câu chuyện hồi tưởng lại thời sinh viên của chúng tôi.
Liuda dạy môn công nghệ hoá học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Năm 1987 Liuda có lên Moskva theo chương trình « nâng cao chất lượng giảng viên trong các trường ĐH ở Liên Xô » và lần ấy đã có một chuyện bất ngờ xảy ra. Liuda kể : « Mình đang đi dọc theo hành lang của trường Hóa Menđêleiev chợt chạm trán với một cô gái Á châu. Cả hai sững lại và cùng nhận ra nhau. Hai đứa gọi tên nhau cùng một lúc (Thoa ! ; Liuda !), rồi ôm chầm lấy nhau. Đúng là quả đất tròn ! Hồi đó Thoa đang làm nghiên cứu sinh ở Hóa Menđêleiev… ».
Tôi tiếp lời là Thoa hiện giảng dạy tại ĐH bách khoa TP HCM, được phong danh hiệu « nhà giáo ưu tú ». Bạn có hai con trai và cả hai đã thành gia thất nên bây giờ là bà nội rồi. Lớp tôi có Thuỷ đen cũng lên chức bà, nhưng ngược lại với Phương Thoa, Thủy là bà ngoại chung thân vì có hai con gái.
Chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn lớn bày chặt thức ăn vì ai cũng mang tới ít nhất là một món. Tôi vừa nhấm nháp hương vị các món ăn Nga vừa kể lại cho các bạn nghe lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập KGU và cuộc gặp mặt để đời giữa chúng tôi - những cựu sinh viên Việt Nam với các thày cô giáo.
Các bạn tôi nhao nhao chia sẻ những hồi ức của riêng mình về các giáo sư dạy chúng tôi ngày xưa. Nào là thày Migal già lúc nào trong tay cũng có cây gậy chống mà hăng hái giảng bài cho sinh viên ra sao, nào là thày Gorodetski má đỏ hây hây, hiền lành, tốt bụng ( biệt hiệu Má Đào) thế nào và rất hay bị sinh viên trêu chọc, rồi cô Samus ghê gớm và không muốn cho sinh viên nhóm cô Nazarova điểm cao, thế nên mới có chuyện lớn tiếng giữa Nguyễn Văn Lọ và Nina Mikhainovna Samus... Các bạn kể đến ai thì trong đầu tôi lại hiện ra ngay người ấy - những thày cô giáo quen thuộc của chúng tôi xưa kia mà giờ đây phần lớn họ đã trở về cõi vĩnh hằng. Thế mới biết đời người quả là ngắn ngủi thoáng qua so với sự tồn tại của vũ trụ bao la. Mới ngày nào ta còn non trẻ, hồn nhiên mà giờ tóc đã điểm sương còn trí nhớ thì phủ đầy hồi ức.
Tôi nhớ mãi thày Migal thời đó chê bai sinh viên đi thi là quay cóp, là trang bị đầy « phao » sporganki. Thày kể hồi trước chiến tranh thày còn là sinh viên, cùng đi thi với một ông bạn ( là giáo sư ở trường ĐHTH Kharkôv), hai người tới nhà giáo sư dạy môn Hóa Lý, ngồi dưới giàn nho trả thi chỉ cốt để được thày giáo quay kiến thức suốt buổi, muốn hỏi gì cũng được, chứ không có chuyện bắt câu hỏi như sinh viên bây giờ … Thày đã làm tôi để ý đến bọn Nga trong lớp. Cứ đi thi là con trai đóng cả bộ kostium còn con gái thì diện váy xếp để dễ dàng trong hoạt động tình báo đánh mooc và giải mã sporganki. Ngoại trừ 3 đứa con gái học giỏi trong lớp (Adela Doragan, Tania Ivanova và Liuda Semiakova) mà tôi tin là không mang sporganki vào phòng thi, còn với bọn còn lại : phao sporganki chính là cứu cánh để khỏi phải chết chìm trong đại dương mênh mông của những công thức và phản ứng hóa học... Có lần tôi bảo một cô bạn là thời gian chép sporganki nhỏ li ti như thế thì học quách đi cho rồi. Câu trả lời đã làm tôi ngỡ ngàng : « học thì vẫn học nhưng không chắc 100%, mà đi thi cần sao y bản chính như trong sách, như thế mới đảm bảo có học bổng ». « Thế nhỡ bị bắt thì sao ? ». « Bắt thì đành chịu, nhưng quay cóp là cả một nghệ thuật đấy ! ». Tôi gật gù và thầm nghĩ : phàm cái gì đã được nâng lên mức nghệ thuật rồi thì ta chỉ còn biết thán phục mà thôi.
Hóa ra Valia Tretrel có cảm tình riêng với Nguyễn Văn Lọ. Cô nàng kể rất chi tiết về những giờ chữa bài tập Toán mà Lọ đã bộc lộ như một thiên tài xuất chúng. Nghe Valia kể tôi cười ngất và giải thích rằng Lọ vốn là học sinh chuyên Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội thì với hắn chẳng nhằm nhò gì các bài tập toán loại trình độ B cho dân học Hóa chúng tôi. Các cô bạn Nga lớp tôi còn nhớ cả cái vụ Nguyễn Văn Lọ khi làm thí nghiệm đã lăn quay ra vì không chịu được mùi hóa chất bốc ra từ các phản ứng hoá học. Mọi người xót xa cho Lọ, còn tôi không đưa ra lời nhận xét nào vì không ở cùng nhóm thí nghiệm với cậu ta hôm đó, nhưng tôi biết chắc chắn ý đồ của Lọ là muốn chuyển sang khoa Toán, không học Hóa nữa sau vụ bất bình lớn tiếng với giáo sư Samus vì điểm 4 mà bà đã cho cậu ta môn Hóa Vô cơ.
Tôi lấy USB ra cho vào máy tính của Valia Tretrel để các bạn xem ảnh nhóm Việt Nam chúng tôi sau 35 năm tốt nghiệp giờ đây đã thay đổi đến mức nào. Tôi làm nhiệm vụ cuả một thuyết minh viên. Cả bọn xúm lại xem, nhận xét, so sánh với thời xưa và bình phẩm. Bọn con gái lớp tôi vẫn nhớ như in bạn Thái Minh Sơn học giỏi và đẹp trai như một thanh niên Ý. Đặc biệt đến tấm hình có Lọ và con trai thì không một ai có thể nhận ra Lọ nữa, cậu ta đã thay đổi quá chừng: gày gò, hốc hác, không còn giữ lại nét gì của năm tháng sinh viên xa xưa nữa. Tôi giải thích lý do Lọ thay đổi là vì bị cắt 2/3 dạ dày. Cậu bé 15 tuổi, mặt mũi sáng sủa, khôi ngô đứng cạnh là con trai Lọ và chính nhờ bố huấn luyện nên cháu đã đoạt giải nhất cờ vua trẻ Đông Nam Á. Mọi người ồ lên trầm trồ, thán phục còn Valia Tretrel vẫn tiếp tục xót xa cho Lọ.
Tôi quay sang ngắm kỹ bạn mình. Valia Tretrel thời nay có mái tóc đượm màu sương gió và gương mặt của một con chiên thánh thiện. Xưa kia Valia đã từng là tín đồ ngoan đạo của chủ nghĩa cộng sản, một lòng tin sắt son vào thắng lợi tương lai của chủ nghĩa Mác - Lênin trên toàn thế gìới, còn ngày nay lại tin rằng Chúa tồn tại khắp nơi để cứu rỗi chúng sinh. Valia vẫn sống độc thân trong một căn hộ xinh xắn, vô cùng sạch sẽ, hàng ngày luôn cầu nguyện đức Chúa Trời phù hộ cho Nguyễn Văn Lọ và bè bạn. Valia không theo đạo chính thống giáo Orthodox như dân Môn ở đây mà theo đạo Tin lành như ở Mỹ.
Thời sinh viên thật lắm chuyện trớ trêu !
Theo như tiết lộ của Phương Thoa hôm gặp gỡ khóa 76 chúng tôi vào 02/01/2011 thì Lọ chính là mối tình đầu của cô bạn ấy. Chúng tôi được một phen no cười, tha hồ trêu chọc anh chàng Lọ, người đã phê phê vì men rượu của bữa cơm thân mật ở nhà Dũng - Cẩm. Nếu Thoa không « bật mí » về tình cảm đơn phương của Văn Lọ dành cho Phương Thoa, thì tôi đoan với các bạn, có đánh số đề « đầu đít » về tình yêu của ThoaNP, lũ chúng tôi khoá 76 này đều « phệp » hai chữ to đùng : HOÀNG DŨNG. Tôi - Thảo « gày » này là chứng nhân cuả việc làm quen « đơm hoa, kết trái » giữa Phương Thoa và Hoàng Dũng vào mùa hè 1972 khi kết thúc năm thứ nhất ĐH ở nhà nghỉ Lesnôi.
Còn đến bây giờ tôi mới biết cô bạn Valia Tretrel mộ đạo của tôi hồi đó lại thầm yêu, trộm nhớ Nguyễn Văn Lọ. Ông Trời chắc chắn đã không học khóa « tâm lý yêu đương », nên đã lơ đãng để xảy ra những tình huống đáng tiếc trớ trêu như vậy.
Nhưng thế cũng là may ! Thời đó mà lớ xớ « yêu Tây » là chết ngay lập tức. Đơn vị trưởng Hội đồng hương VN nếu biết được sẽ lôi tên đó ra kiểm điểm như kiểu đấu tố địa chủ, rồi sau đó sẽ đề nghị Sứ quán tống cổ về nước liền. Đi xem phim tư bản hồi đó cũng là một trọng tội đấy !
Tôi gặp Lê Văn Khôi ở Warszawa, cậu ta uất ức kể lại với tôi về cái thời hà khắc ấy và nói chỉ mới được biết gần đây (qua ông giáo của mình ở Kisinhôp) cái quyết định đề nghị đuổi cậu ta về nước của Chi đoàn VL chỉ vì Khôi có cảm tình và vài lần chuyện trò, hò hẹn với một cô thực tập sinh người Môn…
Chúng tôi trao tặng nhau những món quà kỷ niệm xinh xinh. Các cô bạn Nga chung nhau tặng tôi một tấm thảm nhỏ, rất đẹp, đặc trưng của xứ sở Moldova mà nay tôi đem trải trên cái bàn con đặt ở giữa nhà. Chúng tôi hẹn nhau cùng đến thăm giáo sư Hóa phân tích Vera Pavlovna Gontrarenko ( bà giáo của Trần Thu Lan - Hoá77) như tôi đã kể ở phần trên vì chúng tôi coi bà như người mẹ hiền của cả nhóm và hiện nay đang đau ốm triền miên. Tôi cũng hứa với các bạn sẽ trở về đây trong một tương lai gần nhất, lẽ dĩ nhiên không thể để lâu tới 35 năm như lần này. Tôi cũng mời họ sang thăm thú Paris để họ tận mắt chứng kiến chủ nghĩa tư bản " giãy chết " như thế nào…
Tôi phải kết thúc bài viết kể lể dài dòng ở đây thôi, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là tất cả chúng ta những người KGU (kể cả những người không tham gia chuyến đi Về nguồn 10/2011) , đều hài lòng về chuyến đi này. Chúng ta đã gặp may khi tổ chức chuyến Về nguồn vào dịp kỷ niện 65 năm ngày thành lập KGU vì chúng ta đã kịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với nhà trường và các thày cô giáo. Chúng ta đã được ôm hôn và chia sẻ tình cảm với thày Pusnhiak kính yêu, cũng như với thày hiệu trưởng Melnhik mà không ngờ đó là lần gặp gỡ cuối cùng khi giờ đây hai con người đáng kính, đáng yêu ấy đã vĩnh viễn rời xa chúng ta, trở về cõi Vĩnh hằng. May nữa là Đại sứ Thanh Huyền có mặt ngay tại Kisinhôp, đã thay mặt chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và làm những thủ tục cuối cùng đối với người đã khuất.
Người post: ThaoDP
Ngày đăng: 02-08-2012 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |