NHẬT KÝ MIỀN TRUNG (Phần1)
Tác giả: ChiNB
Giữa tháng bảy, chúng tôi nhận được điện thoại của HoanhTV (CL74) từ Đông Hà gọi ra mời cả hội vào dự cưới con trai vào ngày 5/8 (Hoành có 3 con trai, hai cháu đã có gia đình, đây là đứa cuối cùng nhưng là anh cả). Ngay lập tức xuất hiện ý tưởng: nhân dịp này tổ chức đi du lịch xuyên nửa Việt bằng ô tô. Ý kiến được phát qua mail. và các hồi âm bay về: OK, xong ngay, thế nào cũng được, tiếc quá không đi được rồi…
Một tuần trước khi đi, danh sách được chốt lại: có 7 người, đi từ Hà Nội 6 người (MinhCK, ChiNB, HienVC, BuuTH, VinhCX và ThuanTK -OB74). Phương tiện đi: ô tô 7 chỗ, hai lái xe cao cấp đại tá MinhCK và chuyên viên cao cấp BuuTH. Điện thoại vào Quảng Bình và Quảng Trị đặt chỗ nghỉ, kinh phí đóng góp, sức khỏe rất tốt, thời gian vô tư (tất cả đã nghỉ hưu rồi mà)… Mọi việc đã OK, lên đường.
Ngày thứ nhất, 03 tháng 08.
6 giờ kém 5 sáng, HienVC, BuuTH, ThuanTK có mặt tại nhà chúng tôi ở Hoàng Quốc Việt (tác phong nghiêm chỉnh, đúng giờ đã được rèn luyện từ thời KGU và trong quân ngũ) nay vẫn giữ nguyên. 6 giờ 10 phút, xe xuất phát, qua Phạm Hùng đón VinhCX. Quyết định được đưa ra sau khi nghe quân sư Quang nhà BinhPh và một số ý kiến nữa: QL 1A đang sửa chữa đoạn Ninh Bình-Nghệ An, đường xấu, đi khó khăn, đoàn sẽ đi đường HCM, đến đoạn Cầu Giát sẽ rẽ ra đón LocDH.
Xe bon bon trên đường cao tốc Thăng Long, rẽ vào hướng đi Xuân Mai, phía trước có chốt kiểm tra giao thông. Bóng cảnh sát giơ gậy trước mũi ô tô: chết rồi, phạm luật gì đây, chắc là quá tốc độ. Xe giảm tốc độ, cảnh sát liếc vào thấy đại tá lái xe, gậy lại được giơ lên vẫy vẫy ra hiệu đi tiếp, bộ quân phục có giá trị thật. Công an, bộ đội là anh em mà.
Cả xe thở phào, lại lên đường, qua Xuân Mai, rẽ vào đường HCM, Hà Nội xa dần, phong cảnh hai bên thật đẹp với những dãy núi đá bắt đầu của dải Trường Sơn, những cánh đồng, rừng cây của Hòa Bình, khu rừng quốc gia Cúc Phương của Ninh Bình, qua địa danh Cẩm Thủy có suối Cá thần của Thanh Hóa. ThuanTK (mà suốt dọc đường chúng tôi đều gọi là giáo sư) rất muốn dừng lại suối Cá thần nhưng đích của ngày đầu phải là Đồng Hới nên để kịp thời gian, chúng tôi không dừng lại được, hẹn khi về sẽ rẽ qua. Đường HCM thật tuyệt, ít xe, đường đẹp, hai bên đường thông thoáng ít dân cư. Ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xây dựng con đường này thật sáng suốt, tuy nhiên các phương tiện giao thông như xe tải, xe khách rất ít chạy đường này, thế cũng hay cho những xe du lịch như chúng tôi, thả sức bon bon trên đường mà thẳng tiến, mà thưởng ngoạn ngắm phong cảnh đất nước qua cửa kính ô tô.
Đến ngã ba Thịnh Mỹ thuộc huyện Nghĩa Đàn của Nghệ An, chúng tôi lại rẽ ngang vào con đường tỉnh lộ ra QL1A để đón LocDH ở Cầu Giát, đường nhỏ nhưng không khó đi lắm. 11h30 xe đến nhà LocDH, hai vợ chồng ông bà chủ cửa hàng bán thức ăn gia súc Con voi ngay trên QL1A của Thị trấn Cầu Giát ra tận cửa đón đoàn. Một bữa cơm trưa với các hải sản, đặc sản của miền Trung được Lương – vợ Lộc dọn ra, tuyệt ngon, an toàn, sạch sẽ: mực tươi xào, ốc hấp, cá trích kho, canh rau đắng, rau muống xào kèm theo một rổ rau sống tuyệt ngon gồm lá đinh lăng, lá sung, quả sung (cây nhà), dắp cá… Cá trích kho của vợ Lộc làm ngon quá nên chúng tôi lại “đặt hàng” một nồi, lúc ra sẽ mang về Hà Nội. Đúng là vừa được ăn, vừa được nói, vừa sẽ gói mang về.
Tại nhà Đậu Huy Lộc
Sau bữa trưa, hơn 13h, chúng tôi lại lên đường. Đến Hà Tĩnh, dừng uống nước tại quán của một cô chủ, xinh đẹp, da trắng ngần (con gái Hà Tĩnh có nước da trắng thật), phục vụ nhiệt tình làm các anh trong đoàn cũng xao xuyến. Nhưng thôi, phải tạm biệt em, bọn các anh còn phải đi xa lắm.
Xe lại lên đường trên QL1A, cũng may từ Vinh trở vào, đường dễ đi và lưu lượng xe cũng không đông lắm, BuuTH lại thay lái cho anh Minh nghỉ, đi xe của mình lại có hai lái xe thay phiên nhau lái nên thật tiện. Hết Hà Tĩnh, qua hầm Đèo Ngang chúng tôi vào địa phận Quảng Bình. Biển hiện ra trong xanh với những dải cát trắng và rừng cây hai bên đường tuyệt đẹp. Trước lúc đi, chúng tôi cũng có ý định sẽ dừng lại Đá Nhảy để nghỉ nhưng nhiều người khuyên nên đi đến Đồng Hới, vì vậy chúng tôi chỉ ngắm cảnh Đá Nhảy qua cửa kính ô tô. Khu du lịch này cũng đang được đầu tư xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ (năm 2008 gia đình tôi cũng đã qua nhưng chưa có các khách sạn bên đường như bây giờ).
Chiều tối, chúng tôi vào thành phố Đồng Hới, người quen của Cao Xuân Vịnh đã chờ đón và đưa chúng tôi về nghỉ tại khách sạn Kim Long ven cửa biển Nhật Lệ, nhìn sang bên kia sông là khu nghỉ Sun Spa Resort của Quảng Bình mà gia đình chúng tôi cũng đã có dịp nghỉ ở đó hè năm 2011. Bữa tối ở Đồng Hới cũng rất ngon với các món đặc sản của Quảng Bình. Ăn tối xong, bất ngờ chúng tôi lại liên hệ được với anh Tấn Định, bạn của anh MinhCK và là người rất quen của Web KGU chúng ta. Hai vợ chồng anh Tấn Định cùng gia đình đang nghỉ ở đây (Quảng Bình là quê anh ấy mà). Bọn tôi lại sang quán nước ven biển, uống nước khoáng Bang của Quảng Bình (bia rượu suốt ngày rồi, bây giờ uống thanh cảnh thôi), lại tán ngẫu về những ngày ở Liên Xô (vợ anh Tấn Định học ở Matxcơva, tốt nghiệp năm 1975), về Web KGU. Ở đây cũng như suốt dọc đường, các thành viên Web như các em Mèo Mun, HuyenBT, CucNT, NghiPH, LyTM, HaiNV… được nhắc suốt, không hiểu những ngày này, các bạn có hắt hơi nhiều không? Giáo sư ThuanTK cứ ngớ ra khi chúng tôi nhắc đến tên các bạn và cứ hỏi đấy là ai, chúng tôi phê bình luôn: về nhà phải thường xuyên vào Web mới biết được đại gia đình KGU của mình. Nhiều người, nhất là các bạn ở khóa sau chúng tôi đâu có biết mặt nhưng qua Web tất cả đều như đã thân quen, kể cả anh Tấn Định, người rất mê trang Web của bọn mình.
Ngày đầu tiên trôi qua thuận tiện, vui vẻ.
Ngày thứ hai, 04 tháng 08.
Bình minh đã lấp ló biển Nhật Lệ, cảnh sắc trời, biển, sông giao nhau thật tuyệt vời. Không khí mát mẻ dễ chịu (trong khi đó nghe nói ở Hà Nội nóng và oi bức). ThuanTK đã sang bên đường sát biển để tập thể dục, Thuần có bệnh huyết áp cao nên cũng rất chú trọng đến sức khỏe của mình. Sau đó cả đoàn lại xuống biển, nước biển trong xanh, ấm áp, giá như không có cái đích chính là cưới con Hoành ở Đông Hà, chắc chúng tôi sẽ phải ở lại thêm ngày nữa để tận hưởng không khí biển tuyệt vời ở đây. Sau khi tắm biển và ăn sáng với món bún bò giò heo của người nhà Vịnh chiêu đãi, chúng tôi vòng qua tượng đài Mẹ Suốt, chụp ảnh kỷ niệm và lại lên đường, đích tiếp theo: địa đạo Vịnh Mốc.
Bên tượng đài Mẹ Suốt
Xe qua Đồng Hới một quãng, lại có chốt công an giao thông. Lần này, đại tá mặc thường phục, quần lửng, áo phông lái xe. Xe phải dừng theo hiệu lệnh mà cả đoàn đều không biết do lỗi gì vì tất cả trong xe đều rất cẩn thận nhìn các biển hiệu bên đường. Lái xe xuống, xuất trình CMT, công an xem xong hỏi : Bác là bộ đội à? Bác về hưu chưa? Các bác đi đâu thế?. Tôi là bộ đội, chưa về hưu (mặc dù đã lĩnh lương hưu rồi), tôi cùng bạn bè đi tìm mộ liệt sĩ (trên xe có Cao Xuân Vịnh với đầy đủ giấy tờ đi tìm mộ LS là Cao Xuân Trường em Vịnh mà). Tuy nhiên, cảnh sát giao thông lại chỉ xem CMT và hỏi vài câu như vậy rồi cho đi sau khi nhắc nhở chú ý tốc độ (đoạn trước đó có biển báo 40km).
Qua thị trấn Hồ Xá, một địa danh quen thuộc hồi chiến tranh phá hoại của Mỹ, nơi hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn Mỹ, chúng tôi theo biển chỉ đường có trên QL1A để rẽ vào địa đạo Vịnh Mốc. Con đường nhựa nhỏ dẫn vào địa đạo với những hàng cây xanh mát hai bên đường. Thỉnh thoảng gặp một ngã ba, ngã tư, lại phải dừng xe để hỏi, thế mới thấy du lịch Việt Nam chưa thuận tiện thế nào, vào một khu di tích và danh thắng nổi tiếng mà chỉ có mỗi một biển chỉ dẫn ngoài Quốc lộ còn bên trong cứ đi và hỏi đường, đến ngã ba cuối cùng mới có biển chỉ dẫn để vào địa đạo.
Một khung cảnh tuyệt đẹp với những khóm tre thân quen hiện ra khi bước chân vào khu địa đạo, ô tô chúng tôi kiếm được một chỗ để tốt, mát mẻ dưới hàng tre và mọi người thi nhau chụp ảnh. Có tất cả 13 cửa hầm, chúng tôi theo chỉ dẫn xuống cửa hầm số 3 ngay sát nhà bảo tàng. Theo lời giới thiệu, Địa đạo Vịnh Mốc được các chiến sĩ đồn biên phòng 140, nhân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ đã chọn quả đồi sát mép biển, nằm ở phía Nam làng Vịnh Mốc, bổ nhát cuốc đầu tiên khai sinh ra làng hầm Vịnh Mốc kỳ vĩ này vào cuối năm 1965. Làng hầm như một tòa lâu đài cổ nằm trong lòng quả đồi đất đỏ, có độ cao gần 30m, rộng hơn 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước khoảng 0,9m x 1,75m với độ dài 2.034m bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, có 13 cửa ra vào, được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và ngụy trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo chức năng thông hơi cho đường hầm.
Biển Vịnh Mốc nhìn từ phía trên địa đạo
Địa đạo gồm 3 tầng có độ sâu và chức năng khác nhau. Tầng 1 cách mặt đất 8 - 10m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng 2 sâu 12 - 15m là nơi sống và sinh hoạt của dân làng; tầng 3 có độ sâu hơn 30m là nơi trung chuyển hàng hóa, vũ khí xuống thuyền ra đảo Cồn Cỏ.
Khoét dọc hai bên đường hầm là những căn hộ gia đình, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Ngoài ra trong đường hầm còn có hội trường (sức chứa hơn 50 người dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), 3 giếng nước, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm phẫu thuật, trạm gác, máy điện thoại… đặc biệt có nhà hộ sinh. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại (từ 1965 - 1972), có 17 đứa trẻ ra đời an toàn, không một người nào bị thương đã nói lên sự lựa chọn đúng đắn, là sự tích kỳ diệu về mảnh đất và con người nơi đây.
Nhà hộ sinh dưới lòng đất
Chúng tôi đi trong địa đạo (đúng là đi chứ không phải bò như ở địa đạo Củ Chi) qua các căn hầm hộ gia đình, nhà hộ sinh bếp ăn, nhà tắm, giếng nước trong vắt, hội trường… Không khí trong hầm rất thông thoáng, mát mẻ, những vách hầm đất chắc nịch còn mang hơi ẩm ướt. Các biển chỉ dẫn trong hầm rất cụ thể và có đèn chiếu nên chúng tôi có thể tự đi mà không cần phải chờ hướng dẫn viên giới thiệu. Đây đúng là một kỳ tích cho sự tồn sinh để sống và chiến đấu của quân và dân Vĩnh Linh trong chiến tranh chống Mỹ.
Trong địa đạo
Từ cửa hầm số 10 chui ra, chúng tôi gặp ngay một cảnh biển đẹp tuyệt vời, khó có thể nghĩ rằng trước kia nơi đây chỉ có đạn bom cày xới, đất nước thanh bình nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu thế hệ đi trước và cả nhữg bạn bè cùng trang lứa chúng ta. Trước khi rời địa đạo, chúng tôi còn ngả mình để nghỉ trên những cánh võng dưới rặng tre mát rượi, Bưu đã phải thốt lên: thật tuyệt, đã hơn 40 năm rồi, bây giờ mình mới lại được nằm dưới bụi tre. Cây tre Việt Nam cho ta bóng mát và chở che cho ta khỏi quân thù.
Nghỉ bên rặng tre khu địa đạo
Nghỉ ăn trưa tại Cửa Tùng
Từ địa đạo, chúng tôi không ra lại QL1A nữa mà theo một con đường mới mở ven biển thẳng từ khu di tích Vịnh Mốc, qua Cửa Tùng (tại đây chúng tôi dừng xe nghỉ ăn trưa tại một nhà hàng lịch sự ven biển với đầy đủ các món đặc sản biển tươi ngon), qua Cửa Việt rồi đến khu di tích Thành cổ Quảng Trị. Xe chúng tôi dừng ngay bên Nhà hành lễ - Bến thả hoa của bờ Nam sông Thạch Hãn, cả không gian bỗng như trùng xuống. Chúng tôi đứng đó, thắp cho các anh, các bạn cùng trang lứa những nén nhang và xúc động hồi tưởng lại cuộc chiến đỏ lửa của mùa hè năm 1972 đó. Chúng tôi là những người may mắn, quá may mắn, là những người được hưởng sự ưu đãi và sự hy sinh của các anh, khi cầm bút viết những dòng tưởng niệm, cả tôi và Cao Xuân Vịnh đã không cầm được những giọt nước mắt. Bốn câu thơ của Lê Bá Dương cứ như vang mãi, vang mãi xung quanh chúng tôi.
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sông nước
Vỗ yên bờ, bãi mãi ngàn năm.
Từ nhà hành lễ, chúng tôi qua Quảng trường,Tháp chuông và vào khu thành cổ thắp hương cho các anh, qua đài tưởng niệm các chiến sĩ-sinh viên đã ngã xuống trong 81 ngày đêm đó. Tại đây, chúng tôi gặp một người đứng tuổi cũng đến thắp hương, hỏi chuyện mới biết anh là Nguyễn Văn Đính, sinh năm 1950, tốt nghiệp phổ thông năm 1968 - cùng năm với chúng tôi nhưng lên đường nhập ngũ ngay và mùa hè 1972 cũng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị. Những người đồng môn nhưng lại ở hai phương trời khác nhau của mùa hè đỏ lửa: chúng tôi ở Kisinhop, được học tập, vui chơi và sung sướng còn anh lại nắm cây súng trong tay, lao vào cuộc chiến như bao các chiến sĩ khác để giữ mảnh đất này. Anh bảo: cả tôi và các bạn đều may mắn, tôi may mắn vì còn sống sót để trở về, các bạn may mắn vì đã không phải chứng kiến tất cả sự khốc liệt đó. Hiện nay anh là hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh, dịp 27/7 anh đã dẫn đoàn của Trường anh đến đây và hôm nay lại đến đây nữa với các bạn của mình.
Thắp hương cho các anh
Trời đã về chiều, chúng tôi rời Thành cổ về Đông Hà, địa điểm chính trong chuyến đi này của chúng tôi. Cũng như ở Đồng Hới, chúng tôi cũng được bạn Hoành đón đợi bên đường và đưa đến khách sạn đã đặt sẵn. Sau bữa tối cũng rất ngon do một người bạn của tôi chiêu đãi, chúng tôi đến nhà Hoành. Thật mừng cho gia đình Hoành, năm 1996 Hoành chuyển ngành từ quân đội ra ngoài, từ Hà Nội vào Đông Hà gần như tay trắng. Đến nay, gia đình bạn đã có một ngôi nhà hai tầng khang trang, một khu vườn bao quanh với nhiều cây trái. Chúng tôi ngưỡng mộ ngắm cây bơ do Hoành trồng, cây sai trĩu quả. Tôi rất mê món sinh tố bơ nên định liều trèo lên cây hái luôn mặc dù trời tối nhưng nhớ ra đang là đám cưới, nhỡ sảy chân ngã thì sui cho gia chủ nên thôi. Hoành có 3 con trai, người ta thường nói “Tam nam bất phú” nhưng giờ đây 3 con trai Hoành đều đã có gia đình, có việc làm ổn định, có nhà riêng và có cháu còn có ôtô riêng. Chúc mừng cho vợ chồng Hoành.
Kết thúc ngày thứ hai đầy ắp những sự kiện.
Người post: ChiNB
Ngày đăng: 13-08-2012 10:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |