PHƯỢNG ƠI ! ĐỪNG NỞ NỮA
Đỗ Trường
Không biết có bao nhiêu thi sĩ, văn sĩ có thi hứng gửi gắm tình cảm của mình vào chiều thu vàng xào xạc và những mùa xuân thật mong manh với cơn mưa bay nhè nhẹ. Nhưng với tôi khi tiếng ve kêu và cây phượng trước sân trường trổ bông là mùa đẹp nhất. Tôi không nghĩ là mình sẽ mất, mà đời người ai cũng có một lần, đó là tình yêu và thưở học trò. Thế mà từng cánh phượng rơi, tàn tã trong tôi đã mười năm rồi.
- Đề nghị Phượng hát lại đi
Tiếng vỗ tay, tiếng la thét ầm ĩ của học sinh trung học Chu Văn An. Phượng phải hát đi hát lại đén khản cả cổ, theo tiếng đàn của tôi. Đêm liên hoan văn nghệ từ giã mái trường, từ giã tuổi thơ, nó cứ theo tôi mãi những năm tháng sau này. Phải đến nửa đêm, chúng tôi mới chịu giải tán.Tôi và Phượng dắt xe ra sau cùng. Đêm trời tháng năm thật đẹp, ánh trăng dịu dàng tỏa sáng, thỉnh thoảng những làn mây lững thững trôi, tạo nên một màn đêm thật tuyệt hảo. Gió Hồ Tây nhè nhẹ thổi làm cho làn tóc dài thướt tha của Phượng bồng bềnh như những áng mây trôi. Dưới ánh trăng, chiếc áo dài tím bó sát cơ thể đầy đặn, đang tuổi dậy thì càng làm tăng thêm vẻ đẹp hoàn mỹ của nàng. Đi sát bên nàng, một mùi hương toát ra làm cho tâm hồn tôi rạo rực, ngất ngây. Tôi đưa tay, nắm lấy tay Phượng.
- Hôm nay chúng mình đi bộ về nhé, Phượng không muốn đi xe đâu !
Phượng với mắt nhìn xa xăm và nói tiếp:
- Hôm nay trăng đẹp quá, Long có thấy như vậy không?
Tôi gật đầu và đi chầm chậm bên nàng:
- Phượng này ! Từ mai chúng mình phải xa mái trường Chu Văn An mãi mãi, Phượng có nhớ không?
- Nhớ chứ, vì ở đó chúng mình có nhau. Ôi ! Phượng cứ mong chúng mình mãi mãi như hôm nay.
Rồi Phượng cất tiếng khe khẽ hát : "Thời gian ơi hãy ngừng trôi..."
Cả hai chúng tôi cùng cười. Tôi dựng xe bảo Phượng:
- Phượng có nhìn thấy gì ở mặt hồ không?
- Thấy gì cơ?
- Bóng của Long chồng lên Phượng kìa.
Phượng nhìn theo tay tôi chỉ và cúi xuống nhặt một viên sỏi, ném tõm xuống mặt hồ, làm bóng chúng tôi nhòa theo mặt nước. Bất chợt tôi kéo Phượng vào lòng, nàng cứ để nguyên như vậy. Mùi hương của nàng rất gần, rất gần, làm tôi khẽ rùng mình.
- Long ơi, Phượng hơi lạnh.
Tôi ôm nàng chặt hơn. Một cảm giác lạ chưa bao giờ có, chạy dọc cơ thể tôi. Đôi môi tôi đã tìm đến môi nàng một cách vụng về:
- Phượng ơi, Long yêu Phượng nhiều lắm.
Nàng xiết chặt cổ tôi âu yếm:
- Sao tham thế, hôn lâu đến bỏng cả môi người ta rồi.
Tôi cười:
- Để nhớ.
Nhà Phượng ở phố Nguyễn Cảnh Chân, khu phố Villa dành riêng cho cán bộ trung ương. Cả hai yên lặng đi bên nhau, để tận hưởng hết những hương vị của tình yêu. Không gian như dừng lại, chỉ còn những chú ve sầu kêu rời rã, lọt thỏm vào không gian yên lặng ấy.
Nàng nhẹ hôn tôi, thì thầm:
- Tới nhà rồi, ngủ ngon nhé.
Tôi gật đầu và đứng nhìn theo cái dáng mảnh mai của nàng, khuất sau cánh cửa sắt nặng nề kéo khép lại...
Chiến tranh biên giới phía Nam vẫn còn gay go, quyết liệt, biên giới phía Bắc lại bùng nổ. Lũ con trai chúng tôi, hôm trước mừng rỡ nhận được giấy báo vào đại học, hôm sau nhận được lệnh tổng động viên vào quân đội. Được tin này Phượng buồn lắm. Nàng lo cho tôi phải chịu đựng gian khổ ở chiến trường, sợ buồn khi vắng tôi.
- Hay Phượng nói với ba can thiệp, để Long được nhập trường học nhé.
Nghe Phượng đề nghị như vậy, tôi gạt ngay:
- Không được đâu, ba Phượng là cán bộ cao cấp, gia đình Long như thế này. Ngay quan hệ của chúng mình còn bị cấm, nói chi đến chuyện khác.Tốt nhất, hãy im lặng, bằng không gia đình lại ầm ĩ lên đấy.
Phượng biết nói cũng không được, nên nàng thở dài, đặt bàn tay vào lòng bàn tay tôi, nói một cách dứt khoát:
- Long không được học tiếp, Phượng cũng không học đâu, Phượng sẽ xin đi làm, chờ Long về cùng học.
Tôi cảm động quá, hôn tới tấp lên môi và lên cả những giọt nước mắt của nàng đang chảy xuống...
Sáng hôm sau tôi lên đường, tối nay Phượng đến thật sớm, nàng đã mua cho tôi thật nhiều thứ. Nhưng tấm vỏ chăn nàng thêu cành phượng đỏ rực là tôi thích nhất. Đêm nay chúng tôi dành trọn vẹn cho nhau. Nàng bảo, chúng ta sẽ đàn và hát những bài ca hai đứa cùng thích. Rồi Phượng hát thật nhiều. Chúng tôi quen nhau từ khi còn học tiểu học, nghe Phượng hát đã nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi thấy Phượng hát hay như đêm nay. Đêm thanh vắng càng làm cho lòng tôi khắc khoải, nỗi niềm mênh mang theo từng câu hát.
" Yêu nhau trong cuộc đời... mơ duyên tình dài, gắn bó đôi lời... Rồi từ mai ngăn cách.... Hết rồi là khi đưa đón, có mấy ai không buồn..."
Trăng đã nhạt dần và rọi chếch vào trong khung cửa, mùi hoa phượng theo làn gió về thoang thoảng đâu đây. Tiếng còi tàu rời ga, nghe hun hút, làm cho Phượng khẽ rùng mình. Hình như tôi nghe được cả tiếng thở và con tim của Phượng đang đập dồn nơi lồng ngực. Phượng thu người lại, lọt thỏm vào lòng tôi. Những làn mây như tấm màn nhung dập dờn, bất chợt từ đâu đến, che kín cả bầu trời. Như có hàng ngàn cục than hồng đã được ủ trong người, tôi ghì chặt lấy Phượng. Ngọn lửa đã bùng lên, trong cái man dại của tình ái, chúng tôi đã trao cho nhau tất cả. Và cũng trong hơi thở, vồn vã hạnh phúc ấy, nàng bảo:
- Phượng linh cảm, có một điều gì không may mắn đến với chúng ta.
Tôi an ủi:
- Mọi điều sẽ tốt đẹp cả thôi. Phượng cố gắng đợi Long về.
Sau khi huấn luyện, chúng tôi hành quân lên chót đầu của biên giới phía Bắc. Tôi vẫn thường xuyên nhận được thư của Phượng. Đúng như Phượng nói, nàng đã không học tiếp, xin vào làm ở xí nghiệp may thêu, bất chấp sự phản đối của gia đình. Phượng quyết tâm đợi tôi về...
Thời gian hai năm, trong ba-lô của tôi, đầy thư của Phượng. Quả thực, nếu như không có thư và những lời động viên của Phượng, tôi không thể trụ nổi trên tuyến đầu khắc nghiệt này. Rồi bặt đi một thời gian, tôi không nhận được thư...Người tôi như ngồi trên đóng lửa, bao phen tôi định bỏ về tuyến sau...
Vào một buổi chiều, sau một ngày đêm quần nhau tả tơi với những người lính "anh em" phương Bắc, quần áo tôi còn dính đầy máu và mồ hôi. Chưa kịp trấn tĩnh trở lại, ông bạn quân bưu ấn vào túi tôi một lá thư của người bạn học. Bạn tôi đã báo tin về Phượng, cái tin như một nhát dao đâm vào trái tim tôi. Gia đình ép nàng lấy một kỹ sư mới ở nước ngoài về, con ông Bộ trưởng gần nhà. Nàng đã cự tuyệt. Nhưgn vì củng cố địa vị và danh lợi, gia đình đã ép Phượng đến cùng. Cha Phượng là cán bộ cấp Trung ương, ông lấy mệnh lệnh bảo thủ, những gì ông đang làm ngoài xã hội áp dụng vào chính con gái ông. Nhiều lần Phượng đã phải bỏ đến gia đình bạn bè ở nhờ. Nhưng không được lâu, Phượng lại phải quay về nhà. Ba mẹ Phượng cho rằng, nàng làm vậy chỉ dọa dẫm gia đình, nên lại càng thúc ép...
Dường như Phượng đã chuẩn bị sẵn cho cuộc ra đi mãi mãi này. Cũng vào một đêm mùa hè sau hai năm tôi đi, nàng đã viết cho tôi một bức thư cuối cùng. Không gửi. Phượng đã ra đi , trong cơn đau đớn tột cùng bằng một liều thuốc ngủ mạnh...
Được tin Phượng không còn, tôi cảm thấy không còn là chính mình. Tôi như một cái bóng không hồn. Nhưng chiến sự ngày càng tàn khốc, là người lính trên tuyến đầu, ngày đêm đương đầu với súng đạn gian khổ, người tôi gầy guộc đi. Nhiều lần tôi ngất ngay trên nóc hầm. Đến năm sau, biết tôi không còn sức chiến đấu, đơn vị buộc phải cho tôi xuất ngũ.
Bước chân về đến Hà nội, tôi cảm thấy cô đơn đến lạ lùng. Tất cả là một sự thiếu vắng, chết chóc dưới con mắt của tôi, từ những con đường, hàng cây cũng trở nên xa lạ. Mặt hồ cũng lặng phắt sóng, không gian như dừng lại. Tôi đã đến nhà nàng. Từ ngày Phượng ra đi, mẹ nàng ân hận trở thành điên khùng. Cha nàng nhìn tôi không nói. Ông lạnh lùng đưa tôi bức thư của Phượng, những hàng chữ thân quen đã nhòe đi vì nước mắt. Đọc xong tôi gấp lá thư vào ngực mình. Và tôi khóc, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi đã khóc. Tôi đi như chạy ra khỏi nhà nàng. Đến Cửa nam, tôi mua một vòng hoa trắng, rồi vòng về đường Lý Thường Kiệt bẻ một cành phượng vỹ, sau đó tôi đạp xe xuống nơi nàng yên nghỉ.
Tôi ngồi bên mộ Phượng không biết là bao lâu:
- Phượng ơi! Long đã về đây...
Tôi đã sống trong tâm trạng dằn vặt khổ sở. Tôi đã mất Phượng vĩnh viễn...Phượng ơi! Làm sao Long tiếp tục học đại học khi không còn Phượng nữa.
Tôi muốn chạy trốn tất cả, xung quanh đây đâu cũng là nàng. Tôi đã quyết định đi thật xa, để đừng bao giờ nhìn thấy mùa phượng nở và tiếng ve gọi hè. Tôi đã sang lao động ở Đức. Những ngày tháng làm việc trên xứ người, cũng không làm tôi quên được hình ảnh của nàng. Ai đã cướp đi mùa hè của tôi? Ai đã cướp đi những con đường quen thuộc mà chúng tôi đã đi?
Và Phượng ơi! Phượng cũng không nở trong trái tim Long trên mảnh đất Tây Đức này. Mặc dù ngoài kia nắng đã tỏa, cây đã đâm chồi nảy lộc. Long chỉ có một mùa Phượng nở và mãi mãi không bao giờ nở nữa :
".. Hãy cứ để mùa đông thành vĩnh cửu
Cây thông buồn trơ trọi giữa đồi hoang
Đừng thức tỉnh những chồi non chim hót
Và xin người đừng nói những lời yêu
Vì tình ta đã chết tự bao giờ..."
(Nói với Xuân - Đỗ Trường)
Viết trong những ngày bức tường Berlin đổ.