KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 26 Tháng tám. 2012

CẬU TÔI




Tác giả: TẤN ĐỊNH

Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - tất cả chúng ta ai cũng biết về Ông, một vị tướng tài ba, huyền thoại. Rất nhiều bài đã viết về Ông, nhưng giữa đời thường Ông là một người như thế nào thì ít ai biết đến. Nhân dịp sinh nhật Ông 102 tuổi, theo sự "năn nỉ" của tôi, cháu ruột Ông-Tấn Dịnh đã gửi cho chúng ta một trong rất nhiều bài viết về cậu của mình. Kính mời các bạn cùng đọc.

CẬU TÔI
  PHẦN BẢY
 
Hằng năm, cứ vào Tiết Thanh Minh là cả nhà lại cùng Cậu tôi lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ người thân, trong đó có mộ mợ Quang Thái. Thông thường trước đó một hai ngày tôi lên Mai Dịch gặp anh Huấn để nhờ chuẩn bị trước một số thứ. Cũng không phải làm gì nhiều nhưng nếu có chuẩn bị trước thì vẫn hơn, khi cả nhà lên đến nơi thì những người già cả như Cậu Mợ tôi không phải chờ đợi lâu ở ngoài trời giá lạnh. Lần này, Cậu tôi muốn thăm Nhà lao Hỏa Lò trước khi viếng mộ ở Mai Dịch. Vậy là, theo sự phân công của chú Huyên, tất cả bắt tay làm công tác chuẩn bị và liên hệ với Ban Quản lý Khu di tích. Tôi đến gặp chị Dơn, phụ trách Khu di tích đặt vấn đề, chị tỏ ra rất phấn khởi và lên chương trình tiếp đón hẳn hoi.
 
Đoàn đi thăm Khu di tích ngoài Cậu Mợ tôi và các anh chị, còn có anh Huân, anh Lợi, anh Hải và Long bạn của anh Biên. Long là người hết sức nhiệt thành mỗi khi nhà có việc cần giúp đỡ, đặc biệt Long còn là một trợ thủ đắc lực cho những người cao tuổi bởi vì hắn luyện được một số phương thức hỗ trợ người già cực kỳ hiệu quả. Tôi rất cảm phục Long.
 
Khi vào đến Khu di tích, chị Dơn đã chờ sẵn ở đó. Chị dẫn Cậu tôi cùng mọi người sang sân bên để thắp hương ở Đài tưởng niệm. Một khoảnh sân với khu vườn khiêm tốn cùng cụm Đài tưởng niệm với quy mô vừa phải, vậy mà vẫn tạo nên một không gian thiêng liêng đầy vẻ trân trọng. Trân trọng những giá trị lịch sử và trân trọng những người con đã cống hiến trọn đời cho nền độc lập tự do của dân tộc.
 
Có lẽ bất cứ ai đến đây đều phải thầm cám ơn những cựu tù Hỏa Lò với Ban Liên lạc đầy trách nhiệm và những lão thành cách mạng đã đề xuất ý tưởng để lại một phần diện tích của số 2 Hỏa Lò cho Khu di tích bên cạnh dự án Tháp Hà Nội đồ sộ và hiện đại. Từ ý tưởng cho đến khi có được Khu di tích là cả một chặng đường cam go đầy trắc trở. Nếu không có tinh thần bảo vệ những giá trị lịch sử, không có sự kiên trì thuyết phục của các cựu tù Hỏa Lò, không có tiếng nói kiên quyết bảo vệ lẽ phải của các bậc lão thành cách mạng, chưa chắc đã có được Khu di tích Hỏa Lò như ngày hôm nay. Vậy mà tôi ngây ngô cứ tưởng đó là điều hiển nhiên!!
Cậu tôi đề nghị tất cả cùng chụp ảnh kỷ niệm ngay tại khoảnh sân dưới chân Đài tưởng niệm. Tôi đưa máy ảnh cho Long nhờ bấm hộ mấy kiểu, tôi muốn mình phải có mặt bên cạnh Cậu Mợ và các anh chị trong không gian thiêng liêng này.
 
Tiếp đến chị Doan dẫn đoàn vào thăm các phòng trưng bày bên trong Khu di tích. Ấn tượng nhất là chiếc máy chém được đặt ngay chính giữa phòng, bên cạnh là chiếc thùng to đùng đan bằng mây dùng để đựng xác tử tù sau khi hành hình, cạnh đó là một chiếc giỏ để đựng đầu lâu tù nhân sau khi xử chém, cũng được đan bằng mây. Chị Dơn tranh thủ giới thiệu nhanh một số dụng cụ tra tấn đã được sử dụng để tra khảo tù nhân trong nhà lao Hỏa Lò thời Pháp chiếm đóng.
Sau ít phút, chúng tôi đã có mặt trước cửa phòng biệt giam các nữ tù chính trị. Theo lời giới thiệu của chị Dơn thì Mợ Quang Thái mẹ chị Hồng Anh đã từng bị giam cầm tại căn phòng này. Từ song sắt cửa phòng giam nhìn vào, hơi chếch sang trái là bệ xi măng dùng thay giường nằm cho các tù nhân. Trên bệ, các nữ tù bằng thạch cao kẻ nằm người ngồi với các tư thế khác nhau cực kỳ sinh động. Phía trong cùng, một nữ tù gầy gò đang cúi xuống với dáng vẻ ân cần, có lẽ chị đang chăm sóc cho một nữ tù chính trị vừa bị tra tấn trả về. Ngay chính giữa, một nữ tù đang nghiêng người tựa mình vào bạn tù ngồi cạnh, có lẽ họ đang truyền cho nhau chút hơi ấm còn lại trong cơ thể, và dặn nhau hãy vững vàng khí tiết!
Nếu bạn là người dễ xúc động và khó kiềm chế bản thân, tôi tin chắc rằng nếu bạn có mặt tại đây, bạn sẽ tìm mọi cách phá tung cửa sắt chạy vụt vào trong, đến bên cạnh những nữ tù và tìm cách giải thoát cho họ!
 
Trong lúc Mợ Hà đang lúng túng cài những bông hồng đỏ lên khe nhỏ của cánh cửa sắt, những bông hoa tươi rói mà chị Hồng Anh vừa mua sáng nay, thì Cậu tôi vẫn đứng im phăng phắc, mắt dõi nhìn về phía bệ xi-măng bên trong phòng biệt giam như đang kiếm tìm một bóng hình thân thuộc. Dưới đôi lông mày bạc trắng, ánh mắt Cậu trông thật huyền ảo, có cảm giác ánh nhìn đó có thể làm sống lại những hình hài bất động trong kia!
 
Cậu tôi đứng đó, tay phải vịn lên mép cửa sổ của cánh cửa sắt, tay trái Cậu như đang lần tìm thứ gì ở trong túi của áo khoác ngoài. Tôi đoán là Cậu đang tìm chiếc khăn mùi-xoa mà trước khi lên xe Mợ Hà đã cẩn thận đặt vào đó, và cuối cùng tôi đã tìm được chiếc khăn ở túi áo bên kia đặt vào tay Cậu. Cậu tôi cầm lấy chiếc khăn, rồi từ từ đưa lên thấm khô dần những giọt nước mắt vừa trào ra từ đôi mắt già nua đang nhòe ướt. Đứng ngay sau lưng Cậu, tôi nghiêng người tựa luôn vào tường, không kịp bấm máy ghi lại khoảnh khắc đầy xúc động đó. Nếu không có Long cầm lấy tay và bóp chặt, có lẽ tôi đã bật khóc...  
Tất cả đứng lặng im nhìn vào phía trong phòng biệt giam, tạo thành một vòng cung phía sau lưng Cậu Mợ tôi. Bỗng Cậu tôi đứng thẳng người lên, bỏ chiếc mũ len xuống cầm tay, và đầu hơi cúi xuống. Tất cả không ai bảo ai đều tề chỉnh đứng nghiêm và cúi đầu tưởng niệm. Chị Hồng Anh quay sang định nói gì đó với Cậu tôi, nhưng mãi chị không nói được thành lời...
 
Cuối cùng, giọng nói của chị Dơn cất lên đã làm tan bầu không khí im lặng tưởng như đang đặc quánh lại. Chị mời cả đoàn lên tầng trên thăm tiếp các phòng trưng bày khác của Khu di tích. Một tay vịn vào lan can cầu thang gỗ, một tay bám vào vai anh Lợi, từng bậc từng bậc một Cậu tôi từ từ bước lên tầng hai. Trong một căn phòng thoáng rộng, chung quanh tường treo đầy các khung chữ vàng ghi lại đầy đủ danh sách các cựu tù chính trị ở đây qua các thời kỳ, được xếp thứ tự theo từng tháng năm.
Lướt qua một lượt các bảng danh sách, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những cái tên quen thuộc của các chiến sĩ cách mạng, có những cái tên chúng tôi đã được học thuộc lòng từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Với sự hướng dẫn của chị Dơn, chị Hồng Anh nhanh chóng tìm được dòng chữ ghi lại tên tuổi của người mẹ thân yêu: Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Tất cả cùng Cậu Mợ tôi và chị Hồng Anh chụp ảnh lưu niệm bên bảng danh sách này.
 
Xong xuôi, chị Dơn mời cả đoàn vào một văn phòng nhỏ, bày biện đơn sơ nhưng trang trọng và ấm cúng. Trong lúc chờ Cậu tôi ghi lại những dòng cảm tưởng, tất cả ngồi quanh bàn và thưởng thức chén trà nóng chị Dơn mới pha. Đầu phía bàn đằng kia, Cậu tôi tay cầm bút, tay sửa lại mục kỉnh, ngồi lặng im một lúc, rồi cúi xuống và bắt đầu viết. Chị Hồng Anh đứng chênh chếch phía sau lưng, hơi nghiêng người, mắt dõi theo những dòng chữ đang dần hiện ra trên trang giấy, những dòng chữ chất chứa yêu thương và quý trọng đối với người Mẹ muôn vàn yêu dấu.
 
Đang viết, bỗng Cậu tôi dừng bút, tay lật nhanh trang giấy như tìm đọc những dòng vô hình phía đằng sau những con chữ vừa hiện lên. Mái đầu bạc trắng hơi cúi xuống, lặng im, rồi Cậu tôi giữ chặt chiếc khăn mùi-xoa trong tay, từ từ đưa lên lau khô những giọt nước mắt vừa trào lăn. Chị Hồng Anh vội nhoài người, nhanh tay đỡ lấy chiếc kính lão. Tôi lia nhanh ống kính, vội vàng ghi lại khoảnh khắc rưng rưng đó!
 
Sáng hôm sau, cả nhà lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ, thắp hương trên mộ Mợ Quang Thái và những người thân, có cả chị Dơn cùng đi. Chị Dơn tâm sự, trong suốt thời gian làm việc tại Khu Di tích Hỏa Lò, chưa bao giờ chị được chứng kiến một cuộc viếng thăm đầy ấn tượng và xúc động đến vậy.
 


Người post: MinhCK

Ngày đăng: 26-08-2012 06:06






Xem 1 - 10 của tổng số 11 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HuyenBT
28/08/2012 18:02:16

Cậu lái xe của em có lần bảo:" Ở Việt nam, tôi chỉ biết có Hồ Chí Minh và Võ Nguyen Giáp thôi!". Có lẽ cậu ấy cũng có cái lý của mình.


Em cầu chúc cho Đại Tướng sức khỏe, và sự bình yên, thanh thản.



Từ: LyTM
28/08/2012 12:27:10

 


 


Đã com. dài rồi, bấm sửa bị bay mất! Nhìn thấy các ACE được chụp hình với Đại tướng thấy hạnh phúc quá! nhà này anh xã cũng có nhiều năm ở Văn phòng Bộ QP nên có nhiều ảnh chụp chung với Đại tướng! Một chứng nhân của Lịch sử. Tôi cũng đã 03 lần đến dâng hương các Cụ thân sinh ra Đại tướng và cô Quang Thái tại Lệ Thủy. Xin làm mấy câu nôm na, cầu mong Đại tướng của chúng ta luôn khỏe và sống hạnh phúc:


Người đã đi qua trọn vòng hơn Thế kỷ


Phá ách thực dân, rồi chống Mỹ trường kỳ,


Tiếng trung vằng vặc Nhật Nguyệt đã ghi,


Tình yêu nước chẳng có gì hơn thế!


 


Vòng thời gian quay, cho muôn nghìn thế hệ


Hiểu lẽ làm người của vị tướng chiến chinh


Đã sống và cống hiến hết mình,


Cho đất Việt ngẩng cao đầu kiêu hãnh!


 


Qua thăng trầm vẫn hiên ngang, dũng mãnh,


Chí làm người, coi nhẹ mọi công danh,


Chí làm trai, dân Việt sống yên lành,


Tổ quốc trường tồn, lừng lẫy danh Đại tướng! 


 


 


 


 



Từ: VinhDT
27/08/2012 22:18:14


Bác Giáp là Ông Bụt hiện giữa đời thường. Những mẩu chuyện về Bác rất tình Người, gần gũi yêu thương. Nghĩ về Bác chúng cháu vẫn tin là còn nhiều điều tốt đẹp trên đời này. Kính chúc Bác giữ được sức khỏe mãi.




Từ: CucNT
27/08/2012 21:04:28

 


Về Đại tướng đã có rất nhiều những bài viết xuất sắc, những bài viết cho ta hình dung thấy một Đại tướng vĩ đại, lừng lẫy năm châu của dân tộc Việt Nam. Nhưng viết về những điều cụ thể trong đời thường của Người thì đây là bài viết đầu tiên em được đọc với nỗi xúc động nghẹn ngào.


Nhờ sự miêu tả cụ thể của tác giả, em như được theo chân cả  gia đình Đại tướng đến nhà lao Hỏa Lò, thăm lại nơi đã giam cầm những người chiến sỹ yêu nước của dân tộc. Và em lắng lại:


Cậu tôi vẫn đứng im phăng phắc, mắt dõi nhìn về phía bệ xi-măng bên trong phòng biệt giam như đang kiếm tìm một bóng hình thân thuộc. Dưới đôi lông mày bạc trắng, ánh mắt Cậu trông thật huyền ảo, có cảm giác ánh nhìn đó có thể làm sống lại những hình hài bất động trong kia!


 


Một câu đó thôi, đủ để chúng ta hình dung nổi đau nhói buốt trong lòng xuyên suốt cuộc đời Đại tướng. Có lẽ tất cả chúng ta đều đã biết cuộc tình tuyệt đẹp giữa Đại tướng và Người vợ đầu yêu dấu Nguyễn Thị Quang Thái. Vì nghĩa lớn, vì cuộc sống bình yên của tất cả chúng ta hôm nay, họ đã tạm biệt nhau đi hoạt động Cách mạng và rồi Chị Quang Thái mất trong nhà lao Hỏa lò nhưng một năm sau Bác Trường Chinh mới báo cho Đại tướng biết.


"Có cảm giác anh nhìn đó có thể làm sống lại những hình hài bất động trong kia".


Tác giả hiểu từng diễn biến trong tâm can của Cậu mình nên đã quan sát và ghi nhận được ánh nhìn huyền ảo đó.


Rồi đây trong bảo tàng lịch sử về Đại tướng, bài viết của tác giả sẽ được đặt trang trọng bên cạnh những bài viết khác và em tin bài viết này sẽ là tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử.


Cảm ơn anh Tấn Định!



Từ: CucNT
27/08/2012 20:34:56

Bài viết đưới đây đăng trên Báo Tuổi trẻ Chủ Nhật, ngày 26/08/2012, 09:01 (GMT+7)




Cà phê chủ nhật


Huyền thoại mùa thu


TT - Những cuộc gặp gỡ mùa thu bao giờ cũng mang đến những xúc cảm đặc biệt. Mùa của trời trong, nắng vàng, gió mát. Mùa của cách mạng và tri ân... Người lính già được sinh ra trong mùa thu và được trân trọng nhắc tên đầy thương mến vào mùa thu của dân tộc, đã ba năm nay đón ngày sinh của mình và ngày lễ lớn của dân tộc trên giường bệnh trong quân y viện. Nhưng chưa một ngày nào tên ông vắng bóng trong trí óc và trái tim của những đồng chí, đồng đội; vắng bóng trong những trang sách, những hình ảnh, bài ca; vắng bóng trong những câu chuyện của người trẻ về đất nước, chủ quyền, biên cương...


>> Xem ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp 102 mùa xuân cuộc đời


Và mỗi lần đồng đội, học trò, người thân ngồi lại với nhau vào mùa thu để nói với nhau về ông, những xúc cảm bao giờ cũng vẹn nguyên, tràn đầy.


Người lính ấy, người thầy ấy đã thành huyền thoại từ khi còn đang sống: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Người ta có thể tự tạo dựng huyền thoại cho mình. Nhưng thật khó mà gìn giữ huyền thoại ấy mỗi ngày, trong đời sống thường nhật, trong những quan hệ cụ thể với gia đình, bè bạn, cấp trên, cấp dưới, trong những biến động to nhỏ của thời cuộc, trong những niềm vui và nỗi đau rất con người.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp không tạo nên huyền thoại cho mình. Chiến công “lừng lẫy Điện Biên - chấn động địa cầu” đã khiến ông trở thành huyền thoại sống, thành một trong những thiên tài quân sự vĩ đại nhất của nhân loại. Nhưng nhân cách của ông, tác phong đời thường của ông, tình nghĩa thủy chung của ông với đồng đội, trí tuệ mẫn tiệp của ông trong xử trí công việc hằng ngày, thái độ đồng cảm của ông với những bức xúc của nhân dân, lo lắng của ông với những vấn đề sống còn của dân tộc... mới làm cho những huyền thoại về Võ Nguyên Giáp có sức sống lâu bền và mỗi ngày một sống động hơn với người đương thời và hậu thế.


Đại tá Trịnh Nguyên Huân, người trợ lý của ông đã hơn 30 năm, nói mà nước mắt tràn mi: “Tấm thiệp chúc mừng hội nghị khoa học về cải tiến dạy và học môn lịch sử cuối tuần trước ở Đà Nẵng là tự tay ông ký đấy. Biết tin có hội nghị về dạy lịch sử, ông mừng lắm. Ông quan tâm nhất là nói sự thật về lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ. Nên mệt thế mà ông vẫn ngồi dậy đòi gửi thiệp chúc mừng và ký tặng để gửi gắm tâm sự và niềm tin”.


Những cách thể hiện của huyền thoại quanh vị đại tướng cũng thật kỳ lạ: đó có thể là một tấm trướng thêu kỳ công 90 chữ “Tâm” mừng ông 90 tuổi của một phụ nữ đã làm bà ngoại, có thể là một cặp gà quê tự nuôi của một người lính nông dân, là dăm ký nếp của một người vợ lính bắt chồng đi xe đò mang đến tận nhà biếu đại tướng ăn tết...


Ông đã sống qua hai thế kỷ sóng gió của lịch sử dân tộc. Ông đã làm hết những gì mà một Con Người - viết hoa - có thể làm để không hổ thẹn với mùa thu lịch sử của dân tộc nhiều dông bão này. Trong buổi gặp gỡ của những người đã theo ông suốt 40, 50, 60, thậm chí 70 năm cuộc đời, có ai đó chợt thảng thốt với câu hỏi: “Chúng ta nhớ, nhưng liệu thế hệ trẻ có nhớ những gì ông đã làm, những gì ông đang canh cánh mà chưa làm được, những gì ông gửi gắm?”. Nhà sử học Dương Trung Quốc vừa trở về từ một cuộc trao giải “Người trẻ hát quốc ca” do chính những người trẻ phát động trên mạng Internet, mang theo câu trả lời: “Tất cả các bạn trẻ ấy đều biết hôm nay là ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các bạn ấy nhờ tôi chúc mừng đại tướng và nói với các thế hệ tiền bối: các cụ cứ yên tâm, chúng cháu vẫn đang hát Quốc ca, và chúng cháu biết mình phải làm gì cho đất nước này”.


Và như thế, huyền thoại của mùa thu vẫn đẹp đẽ, lung linh trong ánh sáng đời thường.


THU HÀ




Từ: ThanhLK
27/08/2012 18:31:34

Tôi chưa từng có được vinh hạnh gặp Đại tướng, nhưng trong một số cuộc gặp và chuyện trò với người ngoại quốc, khi tôi giới thiệu mình đến từ Việt Nam, nhiều bạn nước ngoài đã hỏi tôi:"Có phải Việt Nam có Tướng Giáp không?". Thật cảm động và tự hào vì nước ta có vị Danh Tướng nổi tiếng Thế giới như vậy !.



Từ: KhanhT
27/08/2012 15:05:19


Tôi có may mắn được gặp Người – Vị tướng huyền thoại, từ năm 1981. Năm đó tôi được giao nhiệm vụ giúp việc và làm phiên dịch cho Cố vấn trưởng KHKT Zaixev. Từ đó đến mấy năm sau (đến 1985) hết nhiệm kỳ của Cố vấn, năm nào tôi cũng được làm việc phục vụ Người khi Cố vấn thảo luận, báo cáo công tác với Đại tướng. Khi Người là Phó Thủ tướng phụ trách công tác KHKT thì Người đã chỉ đạo soạn thảo và ban hành Nghị quyết đầu tiên về KHKT nổi tiếng, mà trong giới KHCN gọi tắt là NQ37. Rất nhiều định hướng chiến lược phát triển KHCN nước ta được đề ra từ thời ấy đến nay vẫn là thời sự, nhiều thành tựu KHCN đạt được xuất phát từ những định hướng của NQ đó. Và có những nội dung mục tiêu rất quan trọng mà về sau, khi Đại tướng tuổi cao đã nghỉ công tác, người ta không thực hiện nữa, hoặc làm không đến nơi. Một việc trong đó là thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, để đến bây giờ thành một tổ chức không chính danh và không có một viện sỹ hàn lâm nào của Việt Nam! Nếu không người KGU ta cũng có mấy viện sỹ hàn lâm KHVN. Những năm còn công tác, hầu như năm nào tôi cũng tham gia Đoàn của UBKHNN và Bộ KHCN sau này đến chúc mừng Sinh nhật Người. Lâu rồi tôi không có điều kiện đến chúc mừng Sinh nhật Đại tướng. Bức ảnh sau đây là kỷ niệm lần đến mừng Sinh nhật Đại tướng gần đây nhất, cách đây 8 năm rồi:




27/08/2012 10:07:14


Do làm việc tại FPT nên những năm trước tôi vẫn cùng 1 số cán bộ FPT đến chúc mừng SN bác Giáp, hoặc đến thăm nhân ngày 7/5 (Chiến thắng Điện Biên Phủ) hay nhân ngày thành lập QĐ 22/12.


Tuy đã cao tuổi nhưng Bác vẫn rất minh mẫn hỏi thăm công việc của chúng tôi, nhất là khuyến khích chúng tôi đẩy mạnh công việc ứng dụng KHKT và đào tạo đại học tại VN. Những lời nhắn nhủ, can dặn của Bác rất chính xác, rất thời cuộc.


Những ngày này rất đông cán bộ chiến sỹ đến thăm Bác Giáp. Thường phải đăng ký, xếp hàng. Có những đội văn công đến thăm rồi hát luôn cho Đại tướng nghe. Tôi cảm nhận sâu sắc sự yêu mến, kính phục vô bờ bến của nhân dân, của quân đội với Đại tướng vào những ngày này.


Gần đây bác Giáp nằm viện 108, chúng tôi không còn vinh dự được đến thăm Bác tại tư gia nữa.


Gửi các ACE 1 trong số nhiều bức ảnh mà tôi được chụp cùng Bác Giáp khi đến thăm. Bác Hà, phu nhân của Đại tướng ngồi bên cạnh (bác Hà là con gái đầu của GS, Đặng Thai Mai, nhà phê bình lý luận văn học hàng đầu của VN). Đứng đằng sau là Võ Hồng Nam, con trai út của Đại Tướng




Từ: UyenNT
27/08/2012 05:03:18

   Tôi đã được đọc nhiều tư liệu về Đại Tướng Kính yêu của chúng ta.Nhưng bài viết của anh Tấn Định thật cảm động,đã cho những người như tôi được hiểu biết thêm và kính trọng thêm gia đình Đại Tướng.Cám ơn cả hai bài còm của NgọcNT và của Tổng biên tập đã cho biết thêm những khía cạnh sâu sắc đầy xúc động trong đời thường của gia đình Đại Tướng.



Từ: NgocNT
26/08/2012 23:18:16

Có lẽ không cần phải nói, không ai trên trái đất này lại không biết đến lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam với nhữung chiến công hiển hách gắn liền với tên tuổi của Đại tướng. Sáng sớm vào Web của Hội em đã muốn còm rồi nhưng không đủ "tư liệu", mãi tối nay mới "xin" được, nên chia sẻ với các anh chị bài thơ Bác của em viết về Đại tướng như sau:


 


KÍnh tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp


 


Nặng mang truyền thống của Cha Ông


Ngời sáng trên trang sử Lạc Hồng


Thế giới tôn vinh Tài Đại tướng


Trời Nam cảm phục Trí Anh hùng.


Nghĩa tình son sắt ngời chân lý


Trung hiếu, kiên cường lập chíên công


Lấp lánh ánh sao Cờ Quyết thắng


Ngàn năm rạng rỡ cả non sông


            &nb sp;        Hà Nội, ngày 7/5/2009


            &nb sp;     Tác giả: Dương Xuân Tấn


Bài thơ đã được chuyển tới Đại tướng. Ngày 26/5/2009, đồng chí Lê Văn Hải, cán bộ giúp việc Đại tướng đã gửi thư cho Bác em với nội dung: Bài thơ đã được chuyển đến Đại tướng. "Đại tướng gửi lời cảm ơn đồng chí và chúc đồng chí và gia đình mạnh khỏe".


Bác em là một kiến trúc sư đã về hưu hơn 10 năm nay, với tấm lòng yêu nước, lòng ngưỡng mộ Đại tướng mà viết nên những vần thơ như vậy nhân dịp Chiến thắng lịch sử Điện biên năm 2009.


Em hy vọng anh Định sẽ vui hơn khi biết về bài thơ này bởi những ý tứ sâu xa mà tác giả gửi gắm trong đó: không chỉ là những lời ngợi ca vị Tướng anh hùng tài ba, mà còn cả sự vĩ đại trong con người Ông qua dòng thơ "Nghĩa tình son sắt ngời chân lý"!


Chúc Đại tướng và gia đình Đại tướng luôn được ấm lòng bởi những tình cảm mà hàng triệu triệu người dân giành cho Ông!




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s