Mùng Hai Tháng Chín được xuống tỉnh chơi
Tác giả: NghiPH
Thuở thiếu nhi bọn tôi rất háo hức khi ngày lễ Quốc khánh đến gần. Mùng Hai Tháng Chín đến, chúng tôi được xuống tỉnh chơi. Trước đó hàng tháng đã bàn nhau đi từ mấy giờ, đến tỉnh rồi thì đi thăm những đâu, có ghé vào nhà ai không?
Sáng 2/9 mẹ tôi dậy rất sớm nấu cơm và vắt cơm nắm cho mấy đứa con xuống tỉnh chơi. Năm nào mất mùa, mẹ vắt cho chúng tôi cơm nắm ghế với rau má. Ba chị em tôi ăn quáng ăn quàng, xách gói cơm nắm, chào thầy mẹ ra đi. Chúng tôi sang rủ thằng Phấn, thằng Lâm, thằng Đang, thằng Sáo, thằng Oanh, cái Thủy, cái Thoa, cái Ký, cái Suốt… cùng đi. Cả xóm râm ran tiếng gọi nhau đi xuống tỉnh mừng Quốc khánh. Từ xóm tôi xuống tỉnh chỉ có 6 cây số. Chúng tôi đi bộ qua 2 xã Ninh Khánh và Ninh Thành.
Ra đường mới thấy trẻ con, người lớn ở các xã trong huyện cũng ùa ra quốc lộ 1 tiến về thị xã. Ai nấy đều mặc bộ quần áo tươm tất hơn ngày thường, tay xách gói cơm, mặt mày tươi cười hớn hở. Chúng tôi rảo bước đi qua nơi có cây đa to lớn với rất nhiều nhánh, nhiều rễ (được gọi là tòa đa), qua nơi voi đá ngựa đá, qua khu vực Ủy ban hành chính huyện Gia Khánh, cửa hàng bán sách, qua núi Kỳ Lân vào thị xã. Từ đây có hai lối: Lối đi qua cầu Lim và lối đi qua cầu Xi măng. Lối đi qua cầu Lim xa hơn nhưng chúng tôi chọn lối này để đi thăm được nhiều nơi hơn.
Vượt Cầu Lim, mấy đứa chúng tôi đi dọc theo sông Vân xem người ta chèo thuyền, câu cá. Chúng tôi nhìn sang bên phải thấy khu nhà Ủy ban hành chính tỉnh và tỉnh ủy. Khu nhà chỉ xây 3 tầng mà sao khi đó chúng tôi thấy chúng cao lớn đến thế. Thế rồi chúng tôi đến Âu thuyền sông Vân. Mấy đứa cứ thắc mắc: Thuyền qua cái âu thuyền này thế nào nhỉ?
Trước mặt đã là núi Thúy (Dục Thúy) hay còn gọi là núi Non nước. Đường lên núi có những bậc đá. Chúng tôi thi nhau xem đứa nào chạy lên đỉnh núi nhanh nhất. Trong lúc chạy, thằng Oanh bị vấp ngã sưng cả đầu. Thằng Phấn lên tới đỉnh núi đầu tiên, thằng Sáo thứ hai, thằng Lâm thứ ba. Tôi gắng hết sức, thở ra cả đằng tai mới được là đứa về đích thứ tư. Thằng Đang “cóc sòng” gầy yếu nhất lẹt đẹt mãi sau mới leo đến nơi. Nó kêu: Thi thố cái gì, suýt chết đây!
Lên tới đỉnh núi cả một không gian mở ra trước mắt chúng tôi. Kia là cầu Non nước uốn cong xinh đẹp. Ngay dưới chân núi là nơi gặp gỡ giữa sông Vân Sàng và sông Đáy. Bà thái hậu Dương Vân Nga đã đón tướng quân Lê Hoàn thắng trận trở về tại nơi đây. Xa xa là núi Voi, núi Xẻ quê tôi. Chếch phía Tây Bắc là núi Gôi bên tỉnh Nam Định. Phía Đông Nam là núi Cánh Diều hay còn gọi là Ngọc Mỹ Nhân. Phía Tây là các dãy núi của khu Tam Cốc- Bích Động... Xa nữa, về phía Tây Nam là dãy Tam Điệp mờ mờ xanh xanh.
Chui vào các lô cốt do quân Pháp xây dựng, chúng tôi chĩa súng (bằng tay) ra bắn đùng đoàng. Có một ngôi nhà nhỏ ở giữa đỉnh núi để mọi người ngồi nghỉ. Trước đây chỗ này đã từng có một ngôi chùa rất đẹp. Trên các vách đá có khắc rất nhiều thơ của các bậc tiền nhân, trong đó có thơ của Trương Hán Siêu- người Phúc Am, Ninh Thành, Gia Khánh. Nhưng chúng tôi đâu có biết chữ Hán, chữ Nôm để mà đọc. Bọn tôi bèn rủ nhau đi tìm cái nơi mà từ đó anh Giáp Văn Khương nhảy xuống dòng sông Đáy sau khi đã yểm trợ cho đồng đội rút lui an toàn. Đứa thì bảo cái chỗ cao cao và có những viên đá lởm chởm ấy là nơi anh Khương đã lao mình xuống sông. Đứa khác bảo: Có ngu mới nhảy từ chỗ đó, nhảy như thế anh Khương đã va vào đá chết toi rồi! Anh ấy nhảy từ chỗ thâm thấp kia kìa…
Chúng tôi xuống núi đi theo lan can ven chân núi ngắm sông và cầu Non nước soi bóng xuống dòng sông. Nước sông trôi lững lờ. Có đám lục bình trôi qua. Anh Giáp Văn Khương đã trốn vào một đám lục bình như thế để thoát khỏi vòng vây của địch. Gió hiu hiu thổi mang theo hơi nước mát rời rượi. Có khá nhiều người đứng câu cá từ cái lan can này. Vừa rồi về thăm núi Non nước, tôi không còn thấy cái lan can ven núi nữa. Tiếc quá!
Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là khu đất rộng cạnh núi Non nước. Ở đây có tổ chức kéo co, đánh vật, thi ném vào cổ lọ có thưởng… Giữa khu đất người ta có dựng sân khấu để các ca sĩ hát mừng Quốc khánh. Chúng tôi vừa nghe hát vừa mở cơm nắm ra ăn. Tôi còn nhớ một câu từ một bài hát ca ngợi quê hương: «Đây Ninh Bình quê em. Sông Vân cùng núi Thúy mãi bao đời trong xanh…». Nay tôi không nghe thấy người quê tôi hát bài này nữa. Thay vào đó là bài hát về rừng Cúc phương của nhạc sĩ Trần Hoàn.
Cơm nắm ăn với muối vừng rất ngon. Vả lại, do vận động nhiều mau đói nên chúng tôi giải quyết nắm cơm to khá nhanh. Ăn xong tôi ngả mình trên thảm cỏ nghỉ ngơi một chút. Đang thiêm thiếp thì chị tôi bảo dậy để về nhà.
Từ tháng 8/1964 Mỹ ném bom miền Bắc, cái thị xã nhỏ bé của tôi bị bom Mỹ phá tan tành. Chúng tôi cứ rủa bọn Mỹ: Vì chúng mày mà chúng tao không được xuống tỉnh chơi vào ngày Quốc khánh nữa!
Tôi rất nhớ những ngày Mùng Hai tháng Chín được xuống tỉnh chơi. Anh chị em Người KGU vào dịp Quốc khánh có ra tỉnh (xuống tỉnh, lên tỉnh) chơi như chúng tôi không?
Người post: NghiPH
Ngày đăng: 30-08-2012 21:09
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |