KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 21 Tháng chín. 2012

Cây Na




Tác giả: Kim Thu

CÂY NA


          Cuối 1966, bà và chị em tôi đang ở nhà bác Ấm, xóm 2 Hồng Châu, Thường tín, Hà tây. Trên này là cơ ngơi cao ráo, khang trang, nhà ngói cây mít. Bước xuống sân, sang bên kia là nhà người em trai, nhà bác Mậu.
          Nhà bác Mậu nhỏ hơn hẳn, vẫn lợp gianh, vách đất. Tôi học với Phương, con gái lớn của bác, hồi lớp 5C, cấp II Hồng Châu. Phương là chị cả, dưới Phương còn 5 em nhỏ nữa. Tên của 6 chị em toàn vần "ph": Phương, Phụng, Phượng, Phan, Phi và Phiến. Cái chuỗi âm thanh vô cùng yêu thương và gần gũi với tôi, dù chỉ sống với nhau hơn một năm trời.  46 năm qua rồi, nó vẫn nằm trong góc tim tôi, không bao giờ quên được.
         Nhà Phương nghèo lắm. Trong nhà có hai cái giường giát tre, chính giữa là gian bàn thờ và một giàn khoai tây. Hồng Châu là đất bãi, không nhà nào không có giàn khoai này, vừa ăn, vừa để khoai giống. Bộ bàn ghế kê sát bàn thờ đã cũ, nó chả còn rớt lại một chút gì dấu tích gì của véc-ni. Bọn trẻ ít ngồi ở đây, có lẽ vì những chân ghế yếu rồi, lỡ mà gẫy thì khốn. Trên bàn có cái ấm ủ và bộ cốc uống trà. Chúng không phải là những cái tách trà bằng sứ Hải dương như mọi nhà, chúng bằng thủy tinh. Bác Mậu trai rất khéo tay, bác đã tiện chúng từ những cái chai nhỏ ra. Đều chằn chặn, mài tinh tươm, chả nhám, chả sắc gì nữa. Nhưng bọn chị em Phương chỉ uống nước vối dưới bếp, với cái bát sành đã cũ.
Chả bao giờ tôi thấy Phương được mặc một cái áo sơ-mi, một cái quần đen cho tử tế. Ngày nào cũng như ngày nào, chỉ thấy một cái áo cánh nhuộm củ nâu, đã bạc phếch, nom rõ cả những vết loang của mồ hôi muối, lan trên cái nền vải nâu sồng ấy. Còn cái quần đen chắc của u chữa lại, nó vừa lụng thụng vừa xộc xệch, nên Phương xắn trên đầu gối suốt ngày. Cả hai bác Mậu đều làm ruộng. Những dịp chợ phiên, tôi thấy bác Mậu gái gánh chuối và hồng đi bán. Tôi ít gặp hai bác, đầu tắt mặt tối suốt ngoài đồng. Thế mà cứ dắng để lát cái sân gạch, đã làm được đâu.
       Chúng tôi học buổi chiều. Sớm mai, vừa mở mắt, bên này bà đang rang cho chị em tôi bát cơm, thì bên kia, tôi nhìn sang, đã thấy Phương cắp cái rổ đi kiếm rau lợn. Ra đến cổng, nó còn gọi với vào, dặn thằng em:
- Đưa trâu ra chỗ mát Phụng nhé!
Phụng là thằng em kế, nó kém tôi một tuổi, mà học sau bọn tôi ba lớp, ì ạch quá, chắc phải làm nhiều. Phương dặn em thả trâu chỗ mát, cũng ngụ ý: Mày rồi đi mà hót phân đi Phụng ạ ! Phụng làm việc như một lao động chính trong  nhà. Nó to cao vạm vỡ sớm, mặc dù chỉ có ngô, khoai là lương thực chủ lực. Chiều đánh trâu về, con trâu bụng tròn căng, tắm táp sạch sẽ, da trông láng bóng. Trên vai Phụng là đôi quang gơ hót phân bò, phân trâu từ mờ sáng. Thử hỏi, Phụng học vào lúc nào. Mặt trời đứng nắng. Phương cắp một rổ sề rau lợn về. Tôi đã đi kiếm rau lợn với Phương vài lần, nhưng sau đó bà nội cấm tiệt, vì tôi bị rơi xuống kênh. Phải đi dọc con kênh, rau sát kênh, đủ nước non lắm, mỡ màng. Trong tay lăm lăm con dao cỏ, thấy bụi rau nào ngon là đào bật cây lên, rũ mạnh cho bung đất ở rễ, bỏ vào rổ. Phương ra giữa lòng kênh, nhúng cả rổ rau xuống, chụng mấy cái cho bớt đất cát, rồi kéo rổ lên, để vào dệ kênh, cho ráo nước. Bây giờ tôi và Phương đi tìm cây chuối tây non. Nó bảo cái nõn chấm muối ăn ngon cực. Tôi cắn một miếng, nhai thử, vội nhổ phắt ngay ra.
- Khiếp, chát thế!
Phương lăn ra cười. Một cái răng cửa của Phương bị sứt, dấu vết của trận đòn năm trước, bị bố đánh. Phương kể cho tôi nghe, hồi chúng tôi đi kiếm lá phi lao ở bên kia sông. Bố mẹ chết rồi, anh em kiến giả nhất phận. Bên bác Ấm khá giả hơn, bác đang là chủ tịch huyện Thường tín. Các chị con gái nhà bác, đi học trung cấp ở tỉnh cả. Nhà bác lại có gạo "bông", tiêu chuẩn cán bộ. Cái ăn cái mặc hơn bên bác Mậu nhiều chứ. Vợ chồng bác Mậu cứ nghèo mãi, chả ngóc lên được, đã thế lại đông con. Nhiều khi bác Mậu cũng mượn rượu chửi đổng, chửi cạnh, chửi khóe cái đứa chết tử chết tiệt nào khiến tao nghèo mạt hạng thế này. Phương bị trận đòn cũng vào dịp ấy. Hôm sau, bác biết con gái bị sứt cái răng vì mình đánh, bác bỏ ăn cả ngày, xót con quá. Phương cũng thương thày nó lắm, nhưng nó gan, cậy răng chả than thở lời nào. Tôi thân với Phương và thương Phương lắm. Khác với Phụng, thằng em kế, Phương học rất sáng dạ, nhất là môn Toán. Lần ấy trả bài kiểm tra, thầy Thắng nói lớp chỉ có một điểm 5. Tôi đón bài kiểm tra từ tay thầy: 4 điểm! Vậy ai nhỉ, tôi băn khoăn giây lát và lướt mắt qua các dãy bàn. Phương cầm bài kiểm tra vừa trả, đi lại phía tôi:
- Thu ơi, được 5! Mắt bạn sáng ngời, một nụ cười thật rạng rỡ trên khuôn mặt vốn lúc nào cũng đăm chiêu, đầy lo âu như một bà cụ. 
Tôi kéo tóc Phương:
- Giỏi ghê, mấy con 5 toán rồi.
Bên nhà bác Ấm, bà tôi và hai em nhỏ được ở một gian buồng. Ngay sát cửa sổ nhìn xuống sân nhà Phương, bà nội kê một cái hòm gỗ mít khá to, quê tôi gọi là cái rương. Chị em tôi hay leo lên đó ngồi bảnh chọe, tay bám vào chấn song cửa sổ, rồi thõng hai chân xuống không gian ấy, đung đưa một cách thích thú. Từ đây, bọn tôi ngó sang nhà Phương và mục kích thấy hết, nhất là cái bếp. Chị em Phương sinh hoạt chính ở dưới bếp. Trên một cái chiếu đã buột hết cả cạp, sáu chị em Phương sì sụp ăn khoai buổi sáng. Buổi trưa, có chút cơm ngô cho hai đứa bé nhất, bốn đứa lớn hơn vẫn tiếp tục "làm" nốt chỗ khoai ban sáng. Chỉ có tối về, bên ngọn đèn dầu, sáu chị em Phương mới được lưng cơm, ăn cùng hai bác Mậu.
             Trong sân nhà Phương, sát cửa sổ buồng của bà, chỗ kê cái hòm bọn tôi vẫn ngồi, có một cây na. Những tay na nhỏ nhắn, khẳng khiu với nhiều cái lá xanh non, vươn ra, có cành chọc cả vào song cửa. Cửa sổ chả bao giờ đóng, thành ra cây na gần như một người bạn thân, sống với chị em tôi. Bà nội dặn rồi: Chớ có động tay vào, nó thui, nó chột, không ra được quả đâu. Đến mùa, nó ra quả, chỉ được một quả, nhưng khá to, mắt thoáng và rất đều. Cả một cây, chỉ cho ra đúng một quả, độc nhất vô nhị. Chị em Phương và chị em tôi đều nâng niu, gìn giữ nó từng ngày. Sáng ngủ dậy, chưa rửa mặt, tôi đã chạy vào buồng bà nội, leo lên mặt hòm. Tôi ngắm ngay quả na ấy. Nó còn đó không, hay bị rụng,bị chim mổ mất rồi? Nó có lớn lên chút nào không? Cái lá xanh bé xíu ở cái trũm quả, nó đã to ra chưa? Vẫn nguyên xi, vẫn tươi tắn, vươn lên trong nắng sớm, thoáng một chút kiêu sa. Phương nói năm ngoái được ba quả đấy. Sao năm nay có độc một quả nhỉ? Sáu chị em phương cũng giống hệt bọn tôi: ngắm cây na, ngắm qủa  na, từng ngày, nuôi nó trong yêu thương của lòng mình. Chiều hôm trước ngồi băm rau lợn trước cửa bếp, Phương còn rủ rỉ với tôi:
- Trông như bức tranh Thu nhỉ, cái cành có quả na, nó lại sà vào cửa sổ chứ. Giá mà vẽ được cây na...
Ồ, cô bé thật là có tâm hồn và nhiều mơ tưởng.
Thế rồi qủa na đã ương ương chín. Chiều hôm ấy tôi chợt nghe thằng Phan, em Phương khóc ré lên dưới bếp. Phương đang quật thằng cu Phan bằng cái đũa cả. Sao thế nhỉ? Có chuyện gì vậy? Tôi nhảy phốc một cái từ trên nắp hòm gỗ bên cửa sổ, xuống đất, lao sang bếp nhà Phương.
- Sao đánh Phan đau thế! Tôi giật cái đũa cả trong tay bạn và kéo thằng Phan lên. Ôi, cái mặt thằng Phan kìa, lem luốc những nước mắt hòa với đất cát.
- Nó nằng nặc đòi hái na ăn. Phương giải thích.
- Tớ đã bảo rồi, cứ để quả na trên cây, chưa chín đâu, chị em Thu ngày nào cũng ngắm, cũng canh giữ, mất là sao được. Hái na xuống, cây na hết đẹp, chị em Thu sẽ chẳng còn gì mà ngắm mỗi sáng ngủ dậy. Có qủa na trên cây, trông cái cây mới ra cây, nom cái song cửa sổ nhà Thu sẽ đẹp hơn chứ. 
Tớ bảo thế đấy, Phương quay sang tôi kể lể.
Tôi lặng người trước tình cảm của bạn. Một xúc động đến ngỡ ngàng, mãnh liệt chợt trào dâng trong lòng tôi.
Một tình cảm thật giàu có, thật đáng yêu và đáng trân trọng của một cô bé còn nghèo, còn đói, mà nghĩ đến người khác được vỹ đại đến như thế ư?! Tôi phục bạn, nể bạn quá. Tôi liên tưởng đến những câu chuyện buồn của Hemingway viết về những người nghèo khổ, khi lễ Chúa Giáng Sinh đến. Có lẽ thế, có lẽ đó là đức tính chung của những người nghèo, đức tính quý báu số một của nhân loại: Tình yêu con người với con người !
- Sang đây, chị cho Phan bánh bit-cốt, ngon lắm nhé.
- Bit-cốt là bánh gì hả chị Thu? Nó có to không?
Bít-cốt thật ra là một loại lương khô, phòng những lúc đói lòng. Mẹ tôi đổi bánh mỳ, rồi cát lát và tẩm tý đường, nhờ các bác bên tổ bánh Thủy tạ nướng dùm. Các em tôi thích món này lắm. Bà nội thường dấu nó trong cái hòm gỗ kia. Tôi lấy cho Phan mấy lát, cậu quên ngay chuyện quả na, cắn bánh nhai gau gáu và vẫn long lanh đôi dòng nước mắt. 
Phương ngồi phịch xuống cái cối xay hỏng, thừ người ra vì thương Phan bị đánh. Tôi và thằng Phan leo lên nắp hòm ngồi. Chợt Phan giật tay tôi, lắc nhẹ:
- Không hái na chị ạ, để ở cửa sổ nhà chị nhé!
Tôi ôm Phan vào lòng, cái thằng dễ thương thế, sao mà giống hệt chị Phương thế này.
Về sau, mỗi khi ôn lại kỷ niệm nơi sơ tán, chị em tôi nhớ mãi hôm Phan tả cảnh chạy máy bay: bác Mậu gái vừa bước vào sân, thằng Phan chạy ra đầu tiên:
- U ơi, em nhìn thấy cái máy bay "Mý" bay sát sàn sạt trên ngọn gạo nhà ta, u ạ!
Mẹ Phan lắc đầu cười:
- Cha tổ cái thắng liến thoắng, chả biết sợ tàu bay, tàu bò là gì....
 
Đến 1967, bà nội và chị em tôi rời khỏi Hồng Châu, Thường tín, chạy về Chương Mỹ. Tôi xa Phương và các bạn quê tôi từ ngày ấy. Cho đến cuối thập niên 80, tôi gặp Hạ , Hạ người xóm 4. Lúc ấy Hạ đang là y tá trong Quân y 108.
- Phương đi thanh niên xung phong,Thu ạ. Lúc về ọp ẹp quá. Tai nghễnh ngãng, có lẽ do sức ép của bom, chả nghe được ai nói gì, chỉ cười. Hình như cũng hơi lẩn thẩn nữa. Chả lấy ai, mà ai lấy người lẩn thẩn. Nó ở với vợ chồng thằng Phan.
Tôi quỵ xuống, lòng tan nát vì thương bạn. Phương ơi! Đã một ngày nào Phương được hạnh phúc hả Phương?
                           
                            

       Mỗi một mùa na đến, nhìn những sọt na đầy ăm ắp ngoài chợ. Cả một núi na to tướng, xếp rất nghệ thuật  trên những cái khay lớn, bầy trên quầy hoa quả, tôi lại nhớ Phương, nhớ thằng cu Phan, nhớ chị em Phương, nhớ những đứa trẻ nông thôn nghèo đói ngày xưa ấy, mà tình của chúng nó ngọt như na kia, thơm hương như na kia.
     Phan ơi, giá mà ngày ấy có được như hôm nay, chị sẽ mua hết chỗ na này cho Phan nhé!





--


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 21-09-2012 14:02






Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: HuyenBT
13/10/2012 02:19:30

Trên đất nước mình, mỗi nếp nhà, mỗi góc vườn, mỗi dáng người, mỗi nụ cười hay giọt nước mắt... đều đã ẩn chứa một số phận. Phận người gắn với phận đất. Lúc vừa đọc đến đọan quả na, em đã nghĩ nó chẳng ngẫu nhiên mà đơn độc ngọt ngào. Đã linh cảm thấy một chút gi linh ứng với phận người. Với bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu chi tiết thường nhật trong chuỗi ngày sơ tán của chị, mà chị chọn câu chuyện xoay quanh quả na để dẫn ra nhân vật yêu quý của mình- cô bạn gái nông thôn tên Phương ấy... là điều tuyệt vời của cây bút Kim Thu.


Em còn rất thích một chi tiết nữa, đó là cảnh ông bố hiền lành, thương yêu con cái...mà đã đánh con đến sứt cả răng...thế mà em, Huyền và chắc là tất cả người đọc đều không muốn giận ông bố đó, chỉ thương, chỉ cảm thông...Và cô con gái mới tuyệt vời sao- em là thiên thần- em thương bố. Em nhất định không hé một lời, dẫu là hờn giận. Xin mọi người đừng hiểu sai em Huyền nhé, và đừng mắng khi em Huyền nói ra điều này: Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng mà em không sao ngăn được mình liên hệ đến cảm xúc của mình khi đọc "Ngựa người và Người ngựa"( của Nguyễn Công Hoan) - sự xót thương sâu sắc đến những nạn nhân -khi em đọc đến chi tiết trên- một chi tiết vô cùng nhân văn và vô cùng "Đắt" của truyện này. (Xin trước rồi đấy, đừng mắng em nhé!)


Mọi người đã nói nhiều đến tính tự truyện, đến những cảm xúc chân thành, em muốn nói thêm đến tính nghệ thuật. Có đầy đủ mọi điều kiện để có một truyện ngắn hay. Chỉ cần một chút sắp xếp, chọn lựa, khắc họa,nâng cao...là sẽ có một truyện ngắn hay theo đầy đủ nghĩa của thể loại này. Em cảm ơn chi Kim Thu về một điều vừa đẹp đẽ, vừa day dứt của cuộc sống mà chị mang đến cho mọi người! Em chúc mừng chị, và mong chị cho đọc nhiều bài nữa nhé!



Từ: CucNT
23/09/2012 16:47:08

Câu chuyện thật xuc đống và cũng như em Ngọc, em Cúc trăn trở, cuộc sống của cựu TNXP Phương  bây giờ ra sao? Có thể trong 1 đợt khác gây qũy  " hành khúc ngày bình yên" ta kết hợp được chăng?



Từ: NghiPH
23/09/2012 09:12:47

Tớ đã bảo ri, cứ để quả na trên cây, chưa chín đâu, chị em Thu ngày nào cũng ngắm, cũng canh giữ, mất làm sao được. Hái na xuống, cây na hết đẹp, chị em Thu sẽ chẳng còn gì mà ngắm mỗi sáng ngủ dậy. Có quả na trên cây, trông cái cây mới ra cây, nom cái song cửa sổ nhà Thu sẽ đẹp hơn chứ!”. Thu ơi! Phương trong câu chuyện này đẹp quá! Giữa lam lũ Phương có một vẻ đẹp thật thánh thiện. Ước gì bạn Phương có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc!


 


Tôi rất thích một số chi tiết trong bài viết của Thu: “Cứ dắng để lát cái sân gạch, đã làm được đâu”. “Chụng mấy cái cho bớt đất cát, rồi kéo rổ lên, để vào dệ kênh, cho ráo nước”. “Mượn rượu chửi đổng, chửi cạnh, chửi khóe…”. Rất nông thôn Bắc Bộ!  



Từ: LyTM
22/09/2012 22:27:43

 


 Quả na cuối mùa


Chiều muộn rồi, cây ngả màu sẫm nhạt


quả na cuối mùa đèo đẹt mãi trên cây,


na mong gì mà cứ thế đêm ngày,


bao mắt nhỏ, chưa một lần chịu mở?


 


Hay na thương một kiếp người lỡ dở,


nặng nghĩa tình những năm tháng xa xôi


dấu thời gian đã đọng vết trên môi,


khói đạn bom đã sạm nâu đôi má,...


 


Niềm đau thương xưa trốn sâu trong dạ


đôi mắt buồn dấu giọt lệ phôi phai,


Về với quê sau cuộc chiến quá dài


Về bến đậu bình yên sau mỏi mệt!


 


Ôi quả na, quả na đèo đẹt


thương suốt đời ai mòn vẹt đôi chân,


thương một người, trung nghĩa tảo tần


chịu mưa nắng mắt nhiều không sao mở ...!


 



Từ: ThanhLK
22/09/2012 22:20:00

Đọc bài của bạn Kim Thu mình cũng nhớ nhiều kỷ niệm về thời sơ tán: Một thời khó khắn thiếu thốn và gian khổ nhưng tình người thì không thiếu. Mình rất thích câu bạn viết: ”nhớ những đứa trẻ nông thôn nghèo đói ngày xưa ấy, mà tình của chúng nó ngọt như na kia, thơm hương như na kia...”. Cám ơn bạn về bài viết dung dị nhưng rất lôi cuốn và cảm động.



Từ: BinhNH
22/09/2012 15:18:32

Thu ơi,


Lứa tuổi chúng mình đều qua thời đi sơ tán. Mới biết thêm nhiều bạn , nhiều chuyện về tình bạn , tình người.


Bài Thu viết hay và sâu sắc quá.


Cám ơn bạn vì câu chuyện thấm đậm tình người



Từ: NgocNT
22/09/2012 14:37:34

Chị Thu ơi, em cám ơn chị! Em đọc mãi, tới những câu cuối thì cảm giác hẫng hụt, mắt thấy cay cay! Người dân làng quê xưa kia yêu quý dân sơ tán đến thế! Không biết giờ nếu có chuyện liệu mọi thứ có được như xưa?!!! Trong tâm trí em cũng vẫn còn lưu lại những hình ảnh rất đẹp ở quê lúc sơ tán.


Chị ơi, nhưng em vẫn cứ thắc mắc sau khi đọc bài của chị: chị Phương giờ thế nào hả chị? Có chữa chạy được gì không? Liệu có giúp được gì không? Hội mình vừa có những chuyến đi thăm thanh niên xung phong thật tình nghĩa! Chị Hoa và các chị có ý tưởng gì không ạ?



Từ: HoaNT
22/09/2012 09:25:10

Thu ơi đọc bài này mình lại nhớ tới ngày xưa chúng mình đi sơ tán ở Hồng Châu. sao ngày đấy tất cả dân Hồng Châu từ nhỏ đến lớn đều yêu quý bọn sơ tán chúng mình thế nhỉ, họ sẵn sàng nhường nhà cửa, vườn cây, đất đai... cho bọn chúng mình nghịch như quỷ sứ học hành, vui chơi vô tư mà chẳng có sự ngăn cách gì cả. Mình nhớ cứ thứ năm hàng tuần trường  chúng mình  tổ chức lao động gây quỹ bằng cách  gánh cát từ dưới sông lên để bán, lũ sơ tán chúng mình chẳng biết gánh toàn phải khiêng nên mấy đứa Hồng Châu toàn giúp dân sơ tán gánh hộ thì chúng mình mới đạt năng suất. Rồi chúng nó còn giúp chúng mình làm thủ công đan rổ, đan rá, chổi tre, chổi luaúa... không chúng mình toàn xơi điểm 0 thủ công thôi. Cũng may là chúng mình không làm hổ thẹn trường với những thành tích đi thi học sinh giỏi củahuyện Thường tín ngày đấy.


Nhất định hôm nào Thu về VN chúng mình đi thăm lại Hồng Châu thăm bọn cái Cánh, cái Muội rồi chị Phương.... nữa nhé



Từ: 3Chai
21/09/2012 19:47:43

Cảm ơn bạn phương xa đã chia sẻ.


 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s