KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 29 Tháng chín. 2012

Những trò chơi ngày xửa, ngày xưa.




Tác giả: Đặng Tuấn Phương

 

NHỮNG TRÒ CHƠI NGÀY XỬA, NGÀY XƯA.

Niên khoá 70-71 tôi học lớp 10 Trường Việt-Đức (Lý Thường Kiệt- Hà Nội). Ngôi trường đã để lại trong tôi biết bao nhiêu kỷ niệm của thời học trò :
Phấn trắng, vở trắng, áo trắng.
Điểm đỏ, khăn đỏ, tim đỏ .

Tôi còn nhớ mỗi lần ra chơi, chỉ 15 phút thôi, nhưng chúng tôi cũng kịp cùng nhau tổ chức một trò chơi gì đó. Cái thế giới trò chơi dân dã của trẻ con Hà Nội  thời đó sao mà phong phú đến thế !

Nào là : Chơi bắn bi. Chỉ với viên bi tròn tròn mà sao có lắm kiểu chơi ! Chơi Bi "giăng tê", tôi vẫn còn nhớ tên gọi của trò chơi, nhưng cho đến bâygiờ vẫn không hiểu tại sao lại gọi như vậy. Có thể do trước kia những đứatrẻ con Tây chơi và gọi như thế,cho nên trẻ con Hà Nội bắt chước chơi và vẫn giữ nguyên tên gọi. Ở đây tôi chỉ nhắc lại những trò chơi, chứ không mô tả lại cách chơi, vì như thế sẽ rất dài dòng. Chơi bi bể, bi rồng, bi năm vòng ( 5,7...vòng là do người chơi thoả thuận). Để có những viên bi có đứa xin tiền ba, mẹ mua.Tôi còn nhớ, hồi đó một hào mua được sáu hòn bi bằng ximăng hoặc bằng đất nung. Có đứa gia đình khá giả được ba mẹ cho tiền mua những hòn bi ve. Bi ve là những viên bi được làm bằng thuỷ tinh trong vắt, bên trong có hình trái khế màu xanh, đỏ, vàng… Cho dù bi gì đi chăng nữa, thì mỗi đứa luôn trang bị cho mình hòn bi cái. Đứa khéo tay tự đẽo, mài... từ những viên đá thành những hòn bi rất đẹp. Đứa không khéo thì mua lại của những đứa "sản xuất" ra được bi cái ( đó là sự manh nha cơ chế thị trường ).

Ngoài chơi Bi còn  trò chơi Xèng.

Rồi trò chơi Đáo. Đáo cũng gần giống như chơi xèng. Nhưng thay vì là những đồng xèng đập ra từ nút chia bia, thì lại là những đồng tiền xu (5 xu, 2 xu, 1hào...). Có một đồng cái, được đúc từ chì của những tuýt kem đánh răng cũ, dùng để chọi những đồng xu hoặc thảy vào cái lổ nhỏ khoét dưới đất mà luật chơi qui định. Trò chơi này hơi có tính "cờ bạc" vì chơi ăn tiền. Thực ra số tiền ăn thua chẳng đáng là bao, quá lắm thì vài hào cho đến đồng bạc là cùng. Nhưng phải nói trò chơi rất vui, đòi hỏi sự khéo léo, chính vì thế mà tạo nên sự hấp dẫn của trò chơi.

Trò chơi "xôvê" Tôi cũng không hiểu vì sao gọi là "xôvê" chắc cũng lại bắt nguồn từ những đứa trẻ con Tây.

Trò đánh khăng. Một trò chơi vận động đòi hỏi sự khéo léo và chính xác khi bắt hay ném con khăng. Trò đánh khăng hơi nguy hiểm. Đã có trường hợp bị con khăng đáng trúng vào mặt chảy máu. Nhưng không vì thế mà trò chơi kém phần hấp dẫn.


Đá cầu. Trò chơi này, không biết các bạn khác thế nào, chứ với tôi thật sự hấp dẫn và cuốn hút. Chia hai bên. Cầu làm bằng hai đồng trinh (một loại tiền xưa) và giấy poluya màu. Quả cầu bay qua bay lại, vui mắt và hào hứng biết bao.

Trò chơi mi, tao..

Còn vô số những trò chơi nữa mà bọn con trai hay chơi, đến nay tên gọi tôi cũng không còn nhớ nữa...

Trò chơi cho bọn con gái cũng đa dạng phong phú không kém. Này nhé: Chơi ù, nhảy dây, nhảy ngựa, đánh chuyền, rải gianh, bán đồ hàng...
Những trò chơi tập thể không phân biệt trai gái: Ô ăn quan, mèo đuổi
chuột, bỏ giẻ, bịt mắt bắt dê...

Ôi biết bao nhiêu là những trò chơi dân dã của nền văn minh lúa nước mà trẻ con Hà Nội thời đó vẫn thường chơi với nhau vô tư hồn nhiên! Những trò chơi tuy đơn giản nhưng cũng đòi hỏi một sự khéo léo nhất định. Một điều đặc biệt không biết các bạn có nhận ra không? Đó là hầu hết trong các trò chơi đó người chơi phải vận động rất nhiều (có lẽ vì thế mà hồi đó chúng ta hầu như không có ai mắc bệnh béo phì, không hẳn vì bị thiếu dinh dưỡng ). Có nhiều trò chơi cũng đòi hỏi trí tuệ như « Ô ăn Quan ». Không tính toán thì làm sao ăn được nhiều « quân và quan » phải không các bạn?

Đến hôm nay chúng ta, tôi cũng như các bạn, tóc trên đầu muối đã nhiều hơn tiêu, nhưng một lúc nào đó trong hoài niệm quay về quá khứ, ta vẫn còn một góc nhỏ nhoi để tưởng nhớ những trò chơi thời ấu thơ. Từ đó ta nảy câu hỏi: Tại sao những trò chơi hấp dẫn, thú vị, bổ ích... như thế mà ngày nay bọn trẻ lại không chơi? mà chúng chỉ đâm đầu vào "luyện chưởng" Game online vô tri , vô giác, thậm chí "nghiện ngập" đến mụ mẫm cả người?! Vẫn biết rằng có những trò chơi dân dã ngày xưa đến nay bị liệt vào loại “lạc hậu" không còn phù hợp, tuy nhiên không phải là tất cả đã không còn hấp dẫn với trẻ con nữa.

Nếu cho tôi trở lại những ngày tháng trẻ thơ, tôi cam đoan với các bạn tôi sẽ chỉ chơi những trò mà tôi đã từng chơi: Đánh bi, đánh đáo, đánh khăng, đá cầu, ô ăn quan, mèo đuổi chuột... mà nhất định không bao giờ chơi Game online.

Ai sẽ chơi với tôi nào?

 


Người post: ThaoDP

Ngày đăng: 29-09-2012 01:01






Xem 1 - 10 của tổng số 12 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: VinhDT
07/10/2012 17:11:54


Mấy trò chơi ban Phương kể mình cũng đều chơi cả.  Thời sơ tán chúng tôi chơi suốt ngày, về nhà chơi, đến trường chơi (đâu khổ như lũ trẻ bây giờ học nhiều quá). Tôi và mấy bạn gái nữa chơi khăng rất giỏi. Mà lúc đó không phân biệt trò nào con trai chơi, trò nào con gái chơi. Hay khi nào chúng mình gặp nhau thử chơi lại trò ngày xưa cũng vui nhỉ




Từ: BinhPT
01/10/2012 14:11:42

Ngày xưa! Thích quá! Cảm ơn bạn Phương đã góp vui với nguoiKGU. Sô vê là trò chơi trốn tìm. Trốn tìm cũng có nhiều kiểu có khi chỉ trốn và tìm, có khi còn thêm điều kiện được cứu nữa thì cả ngày cũng chẳng hết một ván. Rồi còn trò nhảy ngựa, chim bay cò bay, mèo đuổi chuột... nhiều lắm. Bao giờ cho đến ngày xưa. Không hiểu con cái chúng ta có nghĩ vậy không nhỉ!?



Từ: TuyetHA
29/09/2012 22:56:51

   Trước hết phải bật mí với mọi người về tác giả bài viết: Đăng Tuấn Phương. ĐT Phương cùng học với tôi và Kim Thu hồi đi sơ tán tại Chương Mỹ, Hà Tây. Hết PT, Phương đi LX cùng chuyến tầu đêm 27/7/71 với bọn mình. Sau khi hết năm DB ở Trường ĐHTH Kiev, Tuấn Phương học ở Trường Rừng, Leningrad. Tuấn Phương là con trai của bác Đặng Thanh, tác giả tiểu thuyết X-30 phá lưới. Tuấn Phương và Kim Thu đều là fan của trang WEB KGU. Phương rất mê một số bài viết của chị Thảo và đã com rất nhiệt tình khi Kim Thu post lại bài của chị Thảo lên forum của cưu SV Dự bị Kiev. Đấy là duyên cớ để Phương quen chị Thảo. Phương còn một số bài viết hay về những kỷ niệm tuổi thơ ở HN, sẽ giới thiệu dần với ACE KGU trong những ngày tới.


@ Phương ơi, cậu quên chưa "điểm danh" một trò khá thú vị mà lũ con gái thường hay chơi, đó là "Trồng nụ, trồng hoa".


 



Từ: NghiPH
29/09/2012 20:12:24

Thời trẻ con chúng tôi còn chơi bắn nhau, chơi ném bùn, té nước vào nhau nữa. Rồi thi bơi, thi lặn, thi phi trâu, phi bò, thi vật nhau…


Hồi đó lấy tiền đâu ra mà mua bi. Mấy đứa lựa đá rồi đẽo, gọt, mài thành những viên bi tròn. Anh Khoa ơi, bọn tôi cũng lấy 2 vỏ ốc rồi khoét lỗ bên thân vỏ ốc, đưa viên bi vào xoay cho thật tròn mới thôi. Nhớ lắm những trò chơi tuổi thơ!



Từ: DieuLM
29/09/2012 15:37:48

Thảo ơi,


Ước gì thời gian quay trở lại, để chúng mình được thoải mái chơi những trò chơi thuở học trò ngày xửa, ngày xưa nhỉ.


 Diệu SV76



Từ: KhoaDT
29/09/2012 14:48:05

Tuấn Phường là bạn của Thảo à? Bạn này học sau tụi mình 1 năm nhưng bây giờ thì đúng là cùng một thế hệ vì đã cùng chơi những trò chơi giống nhau thời học sinh PT. Tôi bổ xung thêm món chơi bi hòm có tính sát phạt nhau "dã man" hơn bi giăng tê. Hồi lớp 5 bọn tôi thường ra bến Phà đen tìm lấy đá xịn rơi ra từ các tàu chở đá đến HN, rồi về nhà hì hục mài giũa, đến lúc khá tròn rồi thì bắt đầu quay giũa viên bi tròn bằng 2 vỏ ốc nhồi to (đố các ace biết như thế nào?) cho đến khi bi tròn xoay thì bắt đầu ra trận. Mùa xèng thường tiếp theo ngay mùa bi, khi đã chơi xèng rồi thì đa số anh em cất bi vào ngăn kéo và chỉ chơi xèng thôi... Còn chơi "Ù" thì hồi nội trú bọn mình cả con trai & con gái thường cùng chơi chung ở sân hợp tác Thảo nhớ không? Cám ơn đã có bày hồi ký rất thân và gần đối với thế hệ học sinh Hà Thành những năm 6X.  



Từ: NhuanNT
29/09/2012 10:55:54

Mình củng 'băn khoăn' như Binh NH, Tuấn Phương là ai nhỉ?


Nhưng mình không trách trẻ con bây giờ mà chỉ thương chúng: chúng đâu có sân chơi, đâu có những con đường rộng đủ để chạy nhảy an toàn? chúng suốt ngày bị người lớn chúng ta bắt học: học buổi sáng, học buổi chiều, học thêm buổi tối, học ngày chủ nhật, học ngày lễ, học ngày nghỉ hè. Chẳng có thời gian chơi. Còn nếu nói trò chơi điện tử buồn chán thì mình nghĩ là chưa chính xác, thủ chơi mà xem, đảm bảo sẽ nghiện liền. Chưa nói đến một số bậc phụ huynh khá giả không có thời gian chơi với con nhưng rất sẵn tiền mua cho con mọi loại đồ chơi hiện đại.
Chỉ có hoài niệm của chúng ta là luôn đẹp !



Từ: ThucPT
29/09/2012 10:11:45


Ngày xưa tôi tham gia hầu hết các trò chơi kể ở trên. Thích thật, rất vui và rất trẻ con. Bọn tôi thườg đi học sớm để tranh thủ chơi được nhiều hoặc mải chơi quá thì khi tan học lại rủ nhau ở lại chơi độ một,hai ván nữa rồi mới về nhà. Tôi nhớ khi chơi ù, rất nhiều lần tôi bị rách toặc cả áo, rách tứ tung hở hết cả người, rồi đứt hết chẳng còn cái cúc áo nào nữa ...mà vẫn chơi. Tôi sợ nhất là chơi nhảy ngựa và chơi đánh khăng vì tôi đã chơi rồi và bị đau điếng người nên không dám chơi nữa. Nếu ĐTP tổ chức các trò chơi trên thì tôi tham gia ngay.



Từ: HanhLM
29/09/2012 10:05:54

Những trò chơi anh Tuấn Phương kể không những rất quen thuộc với lũ trẻ thành phố, mà cả trẻ con nông thôn nữa ấy chứ.


Đã hơn 50 năm rồi mà em vẫn thấy lại hình ảnh mình ngồi "dãi thẻ" ở cổng đình làng Giảng Võ cạnh cái ao làng chơi ô ăn quan, chơi chuyền (bằng quả bóng bông). Khi bà ngoại đứng bên này ao gọi với sang: H-P ơi, về ăn cơm! Hai chị em vâng rõ to, xong vẫn cố chơi thêm ván nữa rồi mới ù té chạy về nhà...



Từ: 3Chai
29/09/2012 10:03:41

Bài viết rất hay. Làm sao quay về thời đó nhỉ?


 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s