Tháng 9/1967 sau khi tốt nghiệp Cấp 2 Nội Trú Thiên Thai, tôi được chuyển sang học cấp 3 ở Trường Chu Văn An Hà Nội (lúc đó sơ tán ở Khoái Châu, Văn Giang, Hưng Yên). Chân ướt chân ráo vừa nhập trường thì tôi (do cũng có "to con" hơn tụi bạn cùng lớp) được chọn vào trung đội dân quân tự vệ của Trường và đưa sang Huyện đội Văn Giang để luyện tập quân sự cấp tốc. Cùng với 3 người bạn CVA lớp trên và một số dân quân địa phương, chúng tôi được phân vào tổ "công binh". Thày của chúng tôi là một thiếu úy công binh trẻ nhưng đầy kinh nghiệm chiến trường. Anh tên là Hưởng (lúc đầu tất cả chúng tôi gọi anh là Hướng theo cách phát âm Thanh Hóa của anh, sau khi anh mất mới biết tên anh là Hưởng). Anh Hưởng dạy chúng tôi những kiến thức cơ bản về tháo gỡ bom mìn, anh thuộc làu làu tất cả các loại bom phổ biến mà máy bay Mỹ thường ném xuống miền Bắc. Anh kể anh bôn ba liên tục các vùng bị bom phá nhiều nhất từ ngay sau 5/8/64, chỉ về thăm nhà 2 lần trong 3 năm, một lần cưới vợ và lần sau thăm con đầu lòng. Đối với tôi, một cậu bé 15 tuổi lúc đó, anh đã như một hình tượng sống của một người lính Cụ Hồ (như anh vẫn thường tự nói về mình) và tôi luôn nghe và học theo anh dạy với sự kính phục và trong lòng tôi đã ngây thơ thèm được một ngày nào đó trở thành một sỹ quan quân đội như anh. Lớp học 2 tuần đã mau chóng kết thúc với một buổi thực hành "sống" khi chúng tôi được mục kích anh Hưởng tháo kíp một quả bom tạ sịt nằm giữa bãi ruộng. Buổi tối chia tay thày trò, huyện đội tổ chức ăn tối và liên hoan văn nghệ (hồi đó đói lắm nên không có liên hoan ẩm thực như bây giờ). Các học viên đều nhiệt tình tham gia hát "tập thể" những bài hát quen thuộc thời đó như "Kết đoàn, Giải phóng Điện Biên...". Anh Hưởng xung phong đơn ca tặng tất cả bài hát "Đường cày đảm đang" mà anh nói là bài hát anh yêu thích nhất vì nó hát lên đúng nỗi nhớ và tình cảnh của vợ anh ở quê nhà. Chia tay chúng tôi đã khá bịn rịn và còn lấy địa chỉ hòm thư của anh để trao đổi thư từ. Khoảng 1-2 tuần sau, tháng 10/1967 chúng tôi đã vô cùng bàng hoàng được tin anh vừa hy sinh ngay tại Văn Giang khi tìm cách tháo kíp một quả bom bi Mỹ. Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cảm xúc khi có một người bạn rất thân quen hy sinh trong chiến tranh. Từ năm 67 đó đến mùa xuân 1975 còn gần 8 năm nữa, Thành cổ Quảng Trị... vẫn còn ở phía trước và hàng chục vạn người lính Cụ Hồ còn tiếp tục ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đât nước. Nhưng không hiểu vì sao, đã 45 năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in hình bóng của anh Hưởng ngày đó và chắc cũng vì thế mà bài hát "Đường cày đảm đang" đã trở thành một trong những bài khắc sâu nhất vào trí nhớ tôi từ những năm sơ tán bom Mỹ
"Từ ngày Anh đi việc đồng Em giỏi giang
Ruộng cấy chăng dây cây lúa thẳng hàng
Đào đắp mương dẫn nước quanh làng
Tiếng hát ba đảm đang..."