KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 12 Tháng mười. 2012

Ngày về




Tác giả: Kim Thu
HƯỚNG VỀ NGÀY TIẾP  QUẢN THỦ ĐÔ 10 Tháng 10

NGÀY VỀ - Kỷ niệm của mẹ.

    Trung tuần tháng Chín 1954, cũng như các Ty Tài chính khác, Sở thuế Tuyên quang nhận được chỉ thị của Trung ương, gửi đoàn cán bộ về xuôi, chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Mẹ vui sướng không sao tả xiết. Còn gì mong mỏi hơn sau bao năm trường kháng chiến gian khổ, trên rừng núi Phú thọ, Tuyên quang, nay được về xuôi, về tiếp quản thủ đô Hà nội. Quê hương mong nhớ, mòn mỏi trông chờ, khát khao ấy nay đang trong tầm tay.
Mẹ đem hết "tài sản" nghèo nàn, ít ỏi của mình, tặng cho các cô bác ở lại Tuyên quang. Chỉ giữ lại một vài bộ đồ cần thiết cho ba mẹ con.
     Đoàn về xuôi đông lắm, hầu hết là cánh nam giới. Họ thì tểnh tềnh tênh rồi, không có gì nặng nề trong chuyến về  này. Nhưng mẹ thì thật là vất vả. Nga chưa được 3 tuổi, Thu chưa đầy 4 tháng. Bố vẫn còn ở Miền Trung, mẹ phải tự lập hoàn toàn. Người mẹ trẻ lúc ấy mới 24 tuổi! Một cái ba-lô sau lưng, chiến lợi phẩm bố mang về tặng mẹ, từ chiến dịch Hòa Bình, đằng trước mẹ địu Thu, như những phụ nữ miền núi thường làm và tay kia dắt Nga lếch thếch lên đường. Nhưng không ai đo được nỗi niềm vui sướng tràn ngập trong lòng đoàn người về xuôi ấy: hạnh phúc của ngày về, niềm kiêu hãnh của người chiến thắng.
   Trong đoàn lúc ấy còn có cả bác Định. Bác cũng có con nhỏ, nhưng bác có u già giúp việc, nhàn hạ đi nhiều chứ. Sau này, khi hòa bình lập lại, bác Định là giám đốc công ty bách hóa Hà nội. Và cho tới hôm nay, giữa Sài gòn nhộn nhịp, bác Định với mẹ vẫn là chỗ  đồng hương Hà nội rất thân tình.
   Từ Tuyên quang, đoàn đi bằng ca-nô đến Sơn tây. Không thể đi thẳng về Hà nội ngay được, vì lúc này quân đội Pháp vẫn đóng ở Hà nội và khu vực phụ cận.
Ca-nô rẽ sóng lao về phía trước, mang trong lòng nó bao nhiêu con người, là bấy nhiêu chất ngất mong mỏi ngày về  đồng bằng, về Hà nội.
Nga nhìn thấy nước sông mênh mông, reo lên:
- Mẹ ơi giếng! Khiến mọi người cười rộ.
- Sông đấy con ạ, không phải giếng đâu. Mẹ  quay sang giải thích.
    Mùa thu Việt Nam, nơi nào cũng đẹp. Ở vùng rừng núi này, tiết thu không mang dáng dấp huyền diệu, nên thơ như chất thu Hà nội. Nhưng trong cái hoang dã của vùng sơn cước, người ta thấy tiết thu thật sâu lắng, da diết khó tả. Có lẽ nó cũng giống cái đẹp đằm thắm, kín đáo của những thiếu nữ sơn khê .
                             
                              "Sông Thao nao nức sóng dồi
                               Ai về Hà nội, thì xuôi cùng thuyền..."

Những vần thơ tuyệt đẹp ngân lên trong bồi hồi, xao xuyến của đoàn người đang náo nức về xuôi. Sao nó đúng thế với từng lời, từng chữ. Sao nó hợp thế với tâm trạng thật của những đứa con xa quê bao năm ròng, bấy lâu biền biệt trên rừng rú, nay về dưới xuôi, về với đồng bằng, về với Hà nội, tiếp quản thủ đô muôn thưở yêu thương. Tiếng ca-nô quạt nước vang dậy trên sông. Ngược dòng vẫn có những tàu bè khác, hối hả chẳng kém. Từ mũi ca-nô đang rẽ sóng, vẽ thành những hình dẻ quạt, lan tỏa dần trên mặt nước. Hai bên bờ sông, những cánh rừng cọ xanh bạt ngàn và những nương chè đợi hái, phơi mình trong nắng thu vàng. Tất cả như chuyển động ngược với đoàn người trên ca-nô, lùi dần về phía sau. Chia tay với núi rừng Tuyên quang, chấm dứt rồi những ngày triền miên rau tàu bay, sắn nướng với măng rừng... Tạm biệt đất Tuyên quang hùng vỹ, căn cứ địa cách mạng, chiến khu xưa.
   Sang đến trung du. Màu xanh bất tận, điệp trùng của những nương ngô, bãi mía, những rừng cọ xanh rì, in hình xuống mặt nước dòng sông. Trung du trong mùa thu năm ấy, khiến lòng người thấy nôn nao , bịn rịn lạ thường. Gió thu lay phần phật lá cờ đỏ sao vàng, tung bay trước mũi tàu.  Gió thu mơn man làn tóc mẹ, nhắc người mẹ trẻ nhớ lại năm nào mới đặt chân lên đất Tuyên quang. Và nước mắt lăn trên má những người ngồi trong ca-nô, nước mắt của tủi hờn, của hạnh phúc ,của sung sướng dâng trào. Những đôi mắt đau đáu hướng tầm nhìn về phía trước, thấy một thanh bình và no ấm từ đây...
   Đến Sơn tây, đoàn phải chuyển phương tiện vận chuyển, hầu như tự lo, tự túc bằng mọi hình thức. Đây là chặng đường vô cùng vất vả cho người mẹ trẻ với hai đứa con thơ còn quá nhỏ. Chợt mẹ nhận ra bác lái xe tải chở thóc chạy từ Sơn tây về Thường tín, là chỗ người quen cũ trên Tuyên quang.
- Ông Minh ơi, cho ba mẹ con tôi ngồi nhờ xe về Thường tín với. Mẹ khẩn khoản.
- Nhưng trên ca-bin chỉ thêm được mẹ con cô thôi. Cháu lớn phải ngồi sau xe với mọi người.
Mẹ nuốt nước mắt đồng ý, để "cháu lớn" chưa được 3 tuổi ấy, ngồi với mọi người cùng chuyến. Nắng cuối thu vẫn gắt lắm, ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Nhất là bụi của thóc, của trấu làm phát ho sặc sụa. Trên ca-bin, Thu khóc ngằn ngặt. Nóng, mệt, đói khát sữa ... đầy đọa suốt chặng đường đã mấy hôm rồi. Thu còn bú sữa mẹ. Nhưng Nga thì chẳng được ăn gì. Hàng quán vắng tanh vắng ngắt. Chuối là đồ ăn cứu đói cho mọi người trong chuyến "hồi hương" ấy.
   Đã tới Nhà ga Thường tín, địa điểm tập kết của đoàn. Mẹ đón Nga từ trên khoang xe xuống, mà nước mắt rơi lã chã:
- Con tôi sao đỏ lự, như bị nấu chín thế này hả trời?!
Trong lòng mẹ lúc này chỉ thôi thúc một nỗi niềm: Sắp tới nhà rồi, mình đã cập bến!
   Sau một ngày ổn định nơi ăn chốn ở, đoàn bắt tay vào lớp tập huấn cấp tốc : chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô. Sẽ phải tiếp cận với những hình thức quản lý mới. Phải làm quen với hệ thống của Sở tài chính thành phố. Từng bước đi vào cải tạo các thành phần công, tư hợp doanh v.v...
   Bà nội đã cử các cô xuống Thường tín gặp mẹ con. Nhưng dù các con còn nhỏ, mẹ không hề muốn trao bớt Nga cho ai chăm sóc. Sau khóa học, mẹ được chuyển về Sở Thuế Hà đông, tại thị xã Hà đông ngày ấy.

    Mỗi năm, cứ sắp đến dịp kỷ niệm ngày tiếp quản Thủ đô. Chị em chúng tôi lại được nghe mẹ kể lại chuyến đi của NGÀY VỀ năm xưa. Bao nhiêu gian truân, bao nhiêu khó khăn thiếu thốn. Nhưng không gì ngăn cản được lòng người. Mong mỏi, ấp ủ cái ngày về xuôi, về với Hà nội thân yêu.


Cologne 09 Tháng Mười 2012

Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 12-10-2012 13:01






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: HuyenBT
17/10/2012 03:58:32

Anh Mơ, anh hiện về đột ngột như...M, làm em hoảng hốt. Càng thêm hoảng hốt khi thấy anh đọc ngay cái nghĩ của em, mà em đã đã viết trong Mail gửi tác giả. Anh còn viết chính xác nguyên văn câu của em: chị Kim Thu đã thêm vào một mảnh ghép hoàn chỉnh cuối cùng cho bức tranh "Trở về" ngày ấy. Đúng là vậy, em luôn nhìn thấy những bức ảnh "Trở về" như trong ảnh minh họa, chỉ hình dung thấy rừng cờ, hoa, thấy những khúc ca khải hoàn, thấy, một rừng người tràn ngập niềm vui, và hừng hực hãnh diện...nhưng lại chẳng mấy khi nhìn rõ một nét mặt nào, một dáng vóc nào... chỉ luôn là một khối. Đọc bài chị Kim Thu, em thấy chị tìm được những chấm phá rất riêng, mỏng manh mà ấn tượng: rừng cây, đồi núi... tất cả đang lùi lại phía sau, ngược chiều với đoàn người... những sợi tóc của người mẹ trẻ trong làn gió mơn man, những giọt nước mắt lã chã, cái xe tải chở thóc và trấu và một em bé đỏ lự như bị nấu chín, một người mẹ trẻ với đứa con nhỏ ngằn ngặt khóc, khát sữa...một ý nghĩ rất thực, rất giản đơn : mình cập bến rồi, mình đã về nhà!!! ( Bỗng nhiên bình dị hóa hết sức một ý nghĩ lớn lao:  Nước mất thì nhà tan, và ngược lại)


Những chi tiết nhỏ làm nên cây bút lớn!



16/10/2012 19:27:14


Người Hà Nội ra đi kháng chiến vẫn lãng mạn:


“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”


(Nguyễn Đình Thi)


Người ta đã viết nhiều về đoàn quân ngày chiến thắng trở về.


Sự trở về của Mẹ háo hức, hân hoan và hạnh phúc, nhưng không có chào đón bằng hoa và cờ. Mẹ có hai cô con gái, hai bông hoa của Mẹ. Trong kháng chiến gian khổ Mẹ đã cho con hình hài và cuộc sống, Mẹ chuẩn bị cho cuộc trường trinh tiếp theo của dân tộc.


Cám ơn Chị đã thêm một miếng ghép hoàn chỉnh trong bức tranh NGÀY TRỞ VỀ 1954.




Từ: LyTM
15/10/2012 17:35:16

Thương lắm những đoàn người đi di tản, những chú bé, cô bé,... còn ẵm ngửa lên vùng trung du để Hà Nội nhà không cửa trống còn đánh nhau với giặc. Để những đội quân cảm tử còn rảnh tay và quyết một lòng thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những ngày ấy núi rừng đã cưu mang người Thủ đô. Xin viết mấy vần nôm na:


Ngày về Hà Nội thuở xưa,


Chiến khu vắng bóng, nhẹ mưa dặm đường,


Mình về, ta nhớ, ta thương,


gửi theo chút gió, chút hương suối ngàn!


Người mẹ trẻ, vai nặng mang


má con cháy nắng,... nhà vang trẻ cười,...


Mình về với Thủ đô rồi,


Chín năm kháng chiến, núi đồi cưu mang


Lặng nhìn bao phố tan hoang


Cảm tử hào khí ngút ngàn còn đây,


Cùng mình tay lại chung tay,


phố phường xây lại, nhớ.... ngày về ....quê! 



Từ: HoaNT
14/10/2012 10:48:03

Những ngày này 58 năm trước mẹ mình cùng đoàn quân từ chiến khu Việt bắc đã bế mình lúc đấy mới có gần 3 tháng trở về Thủ đô đấy mọi người ạ. Mới ngày nào còn đỏ hỏn bây giờ đã là bà già U60 rồi.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s