KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 28 Tháng mười. 2012

Siêu bão Sơn Tinh đang đổ bộ vào nước ta




Tác giả: NghiPH

Theo bản tin phát lúc17h30 ngày 28/10/2012 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương: 

            Hồi 17 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Ninh Bình khoảng 100 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
            Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, áp sát bờ biển Đồng Bằng Bắc Bộ. Đến 04 giờ ngày 29/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
             Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.
            Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
           Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió giật cấp 6, cấp 7.
            Khu vực các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình nước biển dâng cao từ 3 – 3.5m.
            Do ảnh hưởng của bão số 8, ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) có gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 26 m/s (cấp 10); Cô Tô có gió mạnh 12m/s (cấp 6), giật 15m/s (cấp 7); ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 30m/s (cấp 11); ở Cửa Ông có gió giật 19m/s (cấp 7); Thái Bình 16m/s (cấp 7), giật 23m/s (cấp 9); Văn Lý (Nam Định) 17 m/s (cấp 7), giật 30m/s (cấp 11).

           Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 – 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 173mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 139mm; Tà Rụt (Quảng Trị) 146mm …

            (Bản tin tiếp theo được phát vào lúc 21h30 ngày 28/10/2012).

Các địa phương ven biển đã và đang sơ tán hàng vạn người dân sinh sống sát mép nước đến nơi cư trú an toàn. 

21h đêm 27-10, tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập các cán bộ chủ chốt để họp bàn phương án di dân ngay trong đêm. Tại cuộc họp, tỉnh đã quyết định di dời, đưa gần 120.000 người dân tránh bão số 8. Người dân được di dời hiện đang sinh sống cách mép nước ven biển 200m của các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thị xã Sầm Sơn. Sau 23h đêm 27-10, các lực lượng chức năng, chính quyền các xã ven biển ở các huyện, thị nêu trên dùng trống, kẻng, loa... để thúc giục người dân chấp hành nghiêm việc di dời.  Từ 1h sáng 28-10, công tác di dời, đưa dân đến nơi an toàn ở tất cả các xã, phường ven biển phải được thực hiện. Công tác di dân sẽ ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ đi trước để đảm bảo an toàn. Đến trưa 28-10, công tác di dời gần 120.000 người dân ở các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành.

Tại Nghệ An, sáng nay, dưới trời mưa lớn, gần 50 cán bộ, dân quân xã Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu) kết hợp cùng lực lượng Quân khu 4, đoàn phòng chống lụt bão khẩn cấp của tỉnh Nghệ An khẩn cấp di dân vùng nguy hiểm tới điểm trú bão an toàn. Đoàn giúp chằng chéo nhiều nhà cửa, tàu thuyền của ngư dân, đảm bảo an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại trong do bão gây ra. Tới thời điểm này toàn bộ các hộ dân nằm trong vùng sạt lở đã được di dời lên những nơi cao ráo. Ông Lê Đức Cường - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, hiện trên địa bàn toàn huyện có khoảng 600 hộ với hơn 3.600 nhân khẩu ở các xã ven biển, nếu mưa lớn, mực nước biển dâng cao từ 3-4m là buộc phải di dời khẩn cấp.

Cùng ngày, tỉnh Ninh Bình đã quyết định trích 500 triệu đồng từ ngân sách phòng chống lụt bão của tỉnh để hỗ trợ cho việc di dân tránh bão. Trên 200 chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng được huy động tới giúp dân sơ tán, bảo vệ tại sản...

Một số địa phương huy động lực lượng quân đội gặt gấp lúa cho dân.

 

Chúng tôi những người đang sống ở Hà Nội- nơi có ảnh hưởng của bão số 8 nhưng không đến mức độ nguy hiểm đang lo lắng cho nhân dân các địa phương bị bão đổ bộ trực tiếp.

Cầu mong bà con được an toàn về tính mạng và của cải. Cầu mong bà con ta mọi sự an lành!

 

Tại Hoa Kỳ: Bão Sandy đang tiến vào vùng biển Bờ Đông nước này và nhiều khả năng đổ bộ đất liền khoảng 11 giờ ngày 30.10 (giờ Việt Nam). Bão Sandy cũng được dự báo là sẽ ập vào một trong những khu vực đông dân nhất nước Mỹ, chẳng hạn như Washington D.C, New York và Boston. Có khoảng 10 triệu người có thể sẽ phải chịu cảnh mất điện kéo dài trong 10 ngày và thiệt hại có thể lên đến 3,2 tỉ USD, CNN đưa tin. Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ đặt tên cho bão Sandy là “Frankenstorm” (dựa theo tên của nhân vật quái vật Frankenstein) vì nó hình thành trong dịp lễ Halloween. Tuy nhiên, các chuyên gia thời tiết cho rằng tên gọi như vậy thậm chí vẫn còn quá nhẹ để diễn tả độ hung hãn của cái mà họ dự đoán là một cơn siêu bão nguy hiểm. Ngay lúc này, siêu bão Sandy đang hoành hành gây mưa lớn khiến nhiều tuyến giao thông công cộng phải đóng cửa.

Tin mới nhận được:

       Tiến sát bờ biển Ninh Bình - Nam Định, chiều tối nay bão Sơn Tinh với sức gió đạt tới cấp 11 đã gây những thiệt hại đầu tiên. Hàng loạt ngôi nhà bị tốc mái, cây đổ ngổn ngang, điện lưới mất trên diện rộng.

17h30, tại tuyến đê biển của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (giáp ranh Ninh Bình), gió mạnh cấp 11. Trực tiếp chống bão ở đây, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, nhiều cây cối ven đê gãy đổ do gió bão, sóng cao. "Bão đang bắt đầu đổ bộ vào", ông Hoan nói.

Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), gió bão khiến cây cối đổ rạp, nhiều lán hàng bị tốc mái. Người dân không thể chạy xe máy ngoài đường mà phải dắt bộ.

       Trong khi đó, tại huyện Hậu Lộc (giáp Ninh Bình), tuy mưa giảm nhưng gió bão vẫn mạnh cấp 7-8. Một số chòi, lán bán hàng ven đê của người dân bị tốc mái. Tại xã Ngư Lộc, điện lưới đột ngột mất khiến hàng nghìn hộ dân chìm trong bóng tối.

      18h15, mưa lớn trải khắp một dải các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình). Do nước triều ở mức thấp nên mưa đến đâu, nước tiêu đến đấy

Gió bão mạnh cũng lan khắp vùng biển Ninh Bình, NamĐịnh. Người dân không dám ra đường vì gió giật mạnh, không thể đứng vững.

       Tại nhiều xã ven biển của các huyện này, điện lưới mất trên diện rộng.

       18h45, cách bờ biển 20km song TP Thái Bình gió giật mạnh, mưa ào ạt, nhiều cây cối gãy đổ khắp các đường phố. Nhiều khu vực trong thành phố và các vùng lân cận mất điện.

      Tại huyện ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa), gió mạnh cấp 9-10, toàn huyện mất điện lưới. Theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa Lê Văn Nguồn, một trường tiểu học ở huyện Hoằng Hóa sập 500m tường rào. Sở GD&ĐT chỉ đạo căn cứ trên tình hình thực tế mưa bão để cho học sinh nghỉ học vào ngày mai. Trước đó, nhiều trường đã thông báo nghỉ học để lấy chỗ cho người dân sơ tán bão

       Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, chiều tối 28/10, hướng đi của bão đã chếch hẳn về phía Hải Phòng. Đêm nay, bão di chuyển ngược lên phía bắc với tốc độ 10-15km mỗi giờ. Đến 4h sáng 29/10, tâm bão trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình. Sức gió giảm còn cấp 8-9. Sau đó, bão di chuyển theo hướng đông bắc ra phía biển và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

        "Tâm bão chỉ "liếm" một chút vào đất liền các tỉnh khoảng nửa đêm và sáng này rồi vòng ra biển", Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng nhận định.

Theo ông Tăng, nếu theo diễn biến này thì ảnh hưởng của cơn bão đỡ nguy hiểm hơn vì hoàn lưu bão đã yếu đi nhiều, mưa lớn chủ yếu diễn ra trên biển. Đến tối và đêm nay, cường độ bão sẽ giảm thêm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa tới Thái Bình vẫn còn gió mạnh cấp 8-9.

        Ảnh hưởng của bão khiến khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11. Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh từ cấp 7 đến cấp; đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió giật cấp 6, cấp 7.

 

 

 

 

 

Ảnh bà con đi sơ tán:

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 28-10-2012 18:06






Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: KhanhT
30/10/2012 22:24:49

 


Có một ngườiKGU trở lại Hà Nội trên một chuyến bay trên đỉnh cơn bão Sơn Tinh. Chuyến bay theo dự định cất cánh lúc 18 giờ tối 28/10, nhưng cứ delay hoài, và cuối cùng nửa đêm mới bay qua đỉnh bão. Cách Hà Nội khoảng 300km máy bay bắt đầu lắc lư, nhảy lên bật xuống, đâu đó tiếng kêu! thế rồi đến Nội Bài nó rầm rầm một cái là chạy bon bon trên đường băng rồi dừng lại. Một tiếng vỗ tay và tiếp vỗ tay của cả đám đông đứng bật dậy, một hiện tượng hiếm thấy thời nay mà ta được nghe thấy từ thời đi tàu bay Liên xô, cứ mỗi lần hạ cánh là hành khách vỗ tay! Về đến nhà Hà Nội đã gần 3 giờ sáng.


Hôm nay nghe đài báo về cơn bão Sandy dữ dội đang hoành hành nước Mỹ, cả Tổng thống và Ứng viên tổng thống đều hoãn vận động tranh cử để chống bão. Thiên tai chẳng trừ ai, ngày càng dữ dội hơn, ôi môi trường trái đât của con người sẽ về đâu!


 



Từ: NhuanNT
30/10/2012 12:41:36

Quê tôi ở Nghĩa Hưng, Nam định. đúng vào đường đi của bão. Không gọi được về nhà, chắc mọi đường dây đã bị đứt. Tôi chỉ gọi được về Hà nội mà cũng chỉ nghe được một chút rồi rớt mạng, không nói chuyện được nhiều. Chỉ biết là nhà mình "không việc gì đâu, yên tâm nhé". TV úc đưa tin một tẹo, chủ yếu là họ truyền tin trực tiếp liên tục từ Mỹ. Biet làm sao?



Từ: LienTP
29/10/2012 20:18:02

Hai ngày hôm nay. mình không gọi điện được về cho bố mẹ chồng ở Tiền Hải, Thái Bình. Lo lắng quá. Cơn bão thật kinh hoàng. quê mình ở Hà tĩnh, chỉ ảnh hưởng của bão mà nước ngập tràn khủng khiếp.



Từ: KhoaDT
29/10/2012 09:53:37

Cám ơn Nghị về thông tin bão. Không ngờ Nam Định bị thiệt hại lớn thế. Thái Bình quê Nghị, Huyền... chắc đỡ hơn chứ. Còn cơn bão Sandy cũng đang là nỗi lo của vơ chồng mình cho gia đình con cháu đang sống ở Mariland, ngay sát thủ đô Mỹ. Bão lần trước các cháu đã phải chịu một đơt mất điện gần 10 ngày. Những lúc như thế mới thấy thiên tai vẫn còn là rất khủng khiếp ngay đối với cường quốc công nghệ văn minh như USA.  



Từ: NghiPH
29/10/2012 08:51:29

Tối và đêm qua bão Sơn Tinh (mạnh cấp 11) hoành hành khắp các huyện ven biển từ Ninh Bình tới Hải Phòng. Ít nhất 3 người chết, hàng vạn ngôi nhà bị tốc mái, hoa mầu bị quần nát,  điện lưới mất trên diện rộng. Tháp truyền hình cao nhất miền Bắc tại TP Nam Định bị quật đổ. Thiệt hại do bão số 8 là rất lớn. Đời sống của nhân dân sẽ khó khăn hơn.


Dù nằm cách xa tâm bão, song tối 28/10, Hà Nội đã có gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6 khiến nhiều cây cối bị đổ. Trên nhiều tuyến đường cửa ngõ của thủ đô... nhiều xe máy di chuyển khó khăn, thậm chí phải dừng lại, dắt bộ vì gió lớn. Nhiều biển quảng cáo, phông bạt... ven các vỉa hè bị gió xe rách nát rồi đổ sụp xuống đường.
Hôm nay, 29/10/2012, tuy bão số 8 đã yếu đi nhưng tại vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) vẫn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Biển động mạnh. Ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Khu vực các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to.


Em HuyềnBT: Anh có gọi về nhà được các em thông báo là nhà cửa và cây cối trong vườn không sao cả. Chỉ có hoa mầu bị quần nát. Nơi bà em sống ở Thái Bình có sao không?


 



Từ: HuyenBT
29/10/2012 02:47:12

Bên nhà anh có sao không anh Nghị ơi? Cây cối chắc gãy, đổ la liệt. Không biết cây khế của thầy u anh có còn không. Em ngồi trực tin tức từ quê. Bà em đã già lắm rồi. Đêm qua em lại mơ thấy cả làng bowi trên sông, tỉnh dậy lo lắng quá.



Từ: UyenNT
28/10/2012 22:35:43

   Cám ơn Nghị rất nhiều vì đã có thông báo cụ thể diễn biến cơn bão và tình hình chuẩn bị đối phó của các địa phương.Bài viết đã giúp một số ACE kịp thời gọi điện về quê nhà thăm hỏi người thân và động viên tinh thần người thân trong cơn bão.Lúc này mới là lúc cần thiết có sự yêu thương sẻ chia cho những ngừơi thân yêu trong hoạn nạn.



Từ: SonTM
28/10/2012 22:10:41

Thiên tai và địch họa cả 2 đều nguy hiểm như nhau.



Từ: CucNT
28/10/2012 19:29:41

Cảm ơn bác Tổng đã tổng hợp để đưa tin kịp thời, cụ thể về cơn bão Sơn Tịnh đang đe doạ cuộc sống bình yên của dân lành. Em nhớ lại những cơn bão, lụt trong lịch sử:


"Lụt Bắc, lụt Nam, máu dầm biên giới.


Tay chống trời, tay giữ nước căng gân...."


 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s