KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 30 Tháng mười. 2012

Anh Kỳ




Tác giả: Kim Thu
Anh Kỳ



Tôi không có anh trai. Phan Quốc Kỳ là anh con nhà bác. Mẹ anh là chị gái lớn nhất của bố tôi. Anh gọi bố tôi bằng cậu. Cha anh gốc người Huế, bác dạt đến Đồng Hới, rồi sống mãi những năm tuổi trẻ ở đây. Tôi nghe bác kể, anh Kỳ được sanh vào ngày 02 tháng Chín, lại là lúc chào cờ, nên bác đặt tên cho anh là Phan Quốc Kỳ. Anh Kỳ không đẹp. Dị tật để lại, sau đợt bệnh đậu mùa, là những nốt rỗ mờ mờ trên mặt. Kèm vào đó, hai tròng mắt kéo lại, khiến anh như bị lác. Đã vậy, lúc trưởng thành lại trong cảnh gia đình nghèo khó, anh thật chẳng may mắn và hạnh phúc như những thanh niên khác. Nhưng bù lại, anh lại là một học sinh giỏi, đặc biệt các môn khoa học tự nhiên và vẽ ư, một tài năng! Vâng, rất đáng tiếc cho tài năng trẻ ấy.

          Anh Kỳ học cấp III, trường Lý Thường Kiệt, Hà nội. Những năm
sau nữa,chị em tôi cũng học ở trường này, chỉ có tên của trường, giờ đây đã đổi thành cấp III Việt Đức.
Những năm đầu thập niên sáu mươi, Hà nội và các đô thị khác trong nước dấy lên phong trào đi khai hoang, xây dựng kinh tế miền núi. Trước mắt là giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động đang bị ế thừa ở thành phố. Sau đó là để khai khẩn những vùng đất hoang ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Thấm nhuần triệt để tinh thần "tấc đất, tấc vàng".
           Gia đình bác tôi - bố mẹ anh và cô em gái Phan Dung nằm trong
diện này. Chủ trương, chính sách nhà nước, mệnh lệnh ấy dân nghe. Nhưng trường hợp gia đình của hai bác: Bác trai, cha của anh Kỳ, xuất thân từ một gia đình trí thức ở Huế. Cậu ký họ Phan đã một thời làm quản gia cho tiệm bánh Việt Hương trên phố Hàng Đường. Có nghĩa là bác chỉ biết cầm bút và cũng đã luống tuổi. Còn bác gái, mẹ anh, một phụ nữ Hà nội yếu đuối, công việc chính là nội trợ. Và nhân khẩu thứ ba là cô bé Phan Dung mới bảy tuổi, quét nhà chưa sạch. Vậy thì đây không phải là lực lượng lao động để cung cấp cho công cuộc khai hoang miền núi kia.
Ở đây cán bộ cấp dưới chỉ chạy theo phong trào. Họ cần một danh sách đưa bà con đi khu kinh tế mới để lập công. Và một dã tâm rất lớn của hàng ngũ cán bộ cơ sở, là ý đồ chiếm nhà của các gia đình rời khỏi Hà nội. Có biết bao vụ kiện đã xảy ra trong công cuộc này. Biết bao gia đình không nhà, không cửa, hoàn toàn trắng tay, sau vài năm từ miền núi trở về. Anh Kỳ không đi với gia đình. Năm ấy anh vừa tốt nghiệp cấp III. Nguyện vọng của cậu tú là trở thành sinh viên khoa Toán, đại học Sư phạm Hà nội. Anh những ước mơ trở thành kỹ sư tâm hồn, được đứng trên bục giảng
hết lòng tận tụy với đàn em thân yêu, như cô giáo chủ nhiệm của anh, bao năm gắn cuộc đời của cô với học trò.


           Đấy là một buổi chiều cuối mùa hè năm 1962, lúc gia đình anh
đã lên Phú thọ chừng một tháng, anh Kỳ nhận được giấy gọi vào đại học Sư phạm Hà nội. Nó sẽ là niềm vui khôn tả của tất cả các sinh viên tương lai. Nhưng anh tôi đã vò nát giấy gọi trong tay, ném vào gốc nho. Tôi bắt gặp những giọt nước mắt lăn trên má anh và một gương mặt buồn khổ, muốn gục xuống vì bất lực. Anh tôi khóc! Lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông khóc, người ấy lại là một thanh niên trẻ trung đầy hoài bão, là anh Kỳ của bọn tôi. Tôi thương anh quá!
Lúc ấy tôi chỉ là một cô bé sắp vào lớp ba, làm sao tôi hiểu hết được ngọn nguồn. Tối đó, anh Kỳ nói chuyện với mẹ tôi.
- Bỏ mợ ạ, học thế nào được, làm gì có tiền.
- Thế Kỳ định làm gì, nếu không đi học sư phạm nữa? Mẹ tôi hỏi.
- Cháu xin đi làm thợ điện trong nhà máy cao su Sao vàng. Họ đang tuyển người. Chỉ sau dăm tháng là có tiền mợ ạ.
Những năm đầu chật vật, tuy thế anh Kỳ cũng sống trong tình thương yêu của gia đình tôi, nhất là mẹ. Mẹ tôi thương anh lắm, tình cảm ấy của hai mợ cháu, cho đến hôm nay vẫn đắm thắm như ngày nào.
        Khác với nhiều nhà khác trong phố, nhà tôi có hai cửa. Ngoài cửa chính như các căn bên cạnh, còn có thêm một cái cửa nữa, chúng tôi gọi là cổng sau. Đó là một cánh cửa to, rộng, thiết kế rất đơn giản. Mở cổng vào, bên tay trái là một gian nhỏ làm thêm lên, cả nhà gọi đó là nhà kho. Ở cổng sau, bà nội tôi trồng một cây nho, gốc nó to, khỏe bám vào tường Nhà Thờ Lớn. Dưới bóng rợp của giàn nho, là sân chơi của chị em tôi, với thật nhiều trò. Và đây cũng chính là xưởng vẽ của anh Kỳ. Anh thường vẽ ở đây, la liệt trên nền gạch là bột màu, bút dạ, bút lông, phẩm các loại ... Bàn vẽ hả? Nó chính là nền gạch của cái sân này. Họa sỹ phải bò ra mà vẽ.

      Những năm còn cấp I ở Hà nội, chương trình báo tường của
bọn tôi khá đặc sắc. Tôi được giúp cô chủ nhiệm phụ trách trang này. Tất nhiên phải nhờ đến anh Kỳ. Lúc trước, khi chưa có anh, bọn tôi chỉ dán các tờ bích báo của từng bài viết vào giấy nền. Đến lúc anh làm, anh tập hợp các bài đó lại, nhưng anh chép chúng trực tiếp vào giấy troki, chữ anh đẹp lắm, anh viết bằng một cây đũa tre, vót vát một đầu. Bây giờ, trước mắt chúng tôi là một tờ báo tường khổng lồ, mỗi một khoảng trời nhỏ bé xinh xinh trên đó, là một góc màu rực rỡ, với hoa lá, dòng sông và mặt trời, đẹp mê hồn. Không phải tả, ai cũng biết được niềm tự hào, kiêu hãnh của tôi lớn đến đâu, khi mang được tờ báo ấy đến lớp. Anh Kỳ tôi, sự nghiệp đầu tay của anh, chính là những tác phẩm này, cho chúng tôi, cho lớp 2A, 3 A của trường Phương Đông ngày ấy.


    Từ tháng Tám năm 1964, Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc. Ai để ý,sẽ thấy trong khoảng thời gian này, rất nhiều tranh đả kích, tranh
vui, tranh biếm họa ở các báo Văn nghệ, Quân đội, Lao động, Phụ nữ... với chữ ký Phan Quốc Kỳ. Anh bắt đầu có chút nhuận bút. Tuy nhiên, khoản tiền ấy cũng chỉ để anh chiêu đãi bạn bè vài chầu bia hơi. Nó chẳng làm anh tôi khấm khá hơn trước là bao. Anh vẽ rất nhiều, rất say sưa, có lẽ không chỉ vì nhuận bút, mà vì men say nghệ thuật vốn có trong máu của thanh niên họ Phan. Tôi nhớ, anh là cộng tác viên đắc lực của báo Văn-Nghệ lúc ấy. Ngày ấy bưu-điện chuyển thư, báo đơn giản lắm. Tờ báo Văn-Nghệ được cuộn tròn lại, một khoanh giấy trắng nhỏ cuộn ngoài và trên đó là địa chỉ. Có lần vừa nhìn thấy bác bưu- điện đưa tờ Văn-Nghệ , tôi reo lên :

- Anh Kỳ có tiền nhuận bút!
-Nhuận bút nào, nó đang chê đây này. Anh bảo tôi.
Báo Văn-Nghệ đề nghị anh giảm bớt một vài tông màu trên bài vẽ, tránh tình trạng quá sặc sỡ.
Đến năm 1967,ông Nguyễn Bích, chánh văn phòng Hội Mỹ thuật Việt nam rất muốn anh tham gia như một hội viên.
Hồi ấy tôi để ý, trên một nền giấy khổ lớn, muốn vẽ một hình nào đó, anh vẽ mẫu, rồi cắt mẫu ấy và định vị nó trên giấy nền. Bây giờ, anh nhúng bàn chải đánh răng vào bột màu đã hòa trong nước. Anh dùng tay gại vào bàn chải, cho nó phun hàng ngàn hạt màu li ti, bám xung quanh hình mẫu kia. Anh lấy mẫu hình ra. Như vậy, bức tranh muốn vẽ, sẽ có màu trắng của nền giấy. Và các hạt màu vừa phun, sẽ tôn tấm hình đó lên. Đẹp lắm !
Ngoài vẽ tranh cho các báo, anh còn trang trí thêm cho các đám cưới. Anh mòn chân ở các Phòng cưới: Phương hiên, Trăm hoa , Hòa bình... Đấy là những hình mầu, với nhiều mẫu khác nhau: người ôm cây Trompet đang thổi say sưa, hay một đôi trai gái đang nhảy, những mẫu hình nhạc cụ, rồi các chữ Song Hỷ, Hạnh Phúc, đôi chim câu, chữ lồng tên cô dâu chú rể... dán lên phông phòng cưới. Anh đã chứng kiến bao nhiêu cuộc tình được đơm hoa kết trái. Còn anh ư, vẫn chưa một mảnh tình. Anh xấu quá? Không hẳn, vì anh lại có dáng dấp khá to cao. Nghèo, đúng nghèo thật còn gì, cộng vào là ít nói, lại chẳng biết tán. Anh ôm phận mình và chỉ biết chấp nhận. Không phải con nhà danh giá. Ngoại hình khó coi, thì dù có giỏi, có tài, ngần ấy đủ tiêu chuẩn, để anh không lọt được vào ống kính của các cô gái. Anh có bao giờ dám nhìn lên, có bao giờ dám với cao. Các cuộc du
hí của anh, cuối cùng cũng chỉ là với anh Phan Tiến Hồng, cũng một họa sỹ tập tàng như anh, bên mấy vại bia hơi.


   Những năm sau, tranh vui hay tranh đả kích của anh đã có hai
tên. Tôi không nghĩ rằng anh lại có thể làm thơ hay thế. Đủ loại, thơ
mới năm chữ và thơ lục bát. Hóa ra, họa sỹ cũng có tâm hồn thi, thơ lai láng. Thật khó tin được, các khổ thơ minh họa cho tranh, lại chính là thơ của người vẽ tranh. Nhưng rồi anh cũng lanh dần lên, lấy cho các khổ thơ ấy một cái tên rất mỹ miều Giáng Hương, nữ tác giả của những vần thơ kia. Tôi đã reo lên, lần đầu nhìn thấy hai dòng: tranh Phan Quốc Kỳ,thơ Giáng Hương.

- A , anh Kỳ khai ra mau.
- Khai cái gì, mày cứ như thám tử không bằng.
- Thế Giáng Hương này là....
- Phịa ra thế, để nó trả cho hai khoản nhuận bút, hiểu chưa.
Chẳng có gì mới mẻ , anh vẫn là lính phòng không.
  Anh gắn bó với những năm tháng học trò của chị em tôi rất sâu đậm, nhất là với tôi. Lần ấy phải mang sổ liên lạc về, để phụ huynh xem và ký nhận. Lại vẫn điệp khúc như học kỳ trước, thầy chủ nhiệm ghi trong sổ: "Còn nói chuyện riêng trong lớp. Mong gia đình giúp đỡ em". Chết tôi rồi, bố tôi mà đọc những dòng này, thì tôi biết trốn vào đâu. Bố tôi nghiêm lắm và sẽ thất vọng vì tôi. Chiều đó, tôi bàn với anh Kỳ.
- Đưa mợ ký, đừng đưa cậu nữa ! Anh bảo tôi.
- Thôi ạ, học kỳ I, mẹ Thu đã ký rồi, cũng bị tội này. Hay anh Kỳ ký cho Thu nhé, ký thay mẹ Thu, phải ký thật giống vào.
Tôi vào lục túi mẹ, lấy ra một biên lai kho để tìm chữ ký, hồi đó mẹ đang làm ở Kem Bốn Mùa. Anh Kỳ đã ký thay mẹ tôi, chữ ký giống đến độ mẹ tôi cũng không thể nghĩ ra. Anh đã cứu tôi một bàn chót lọt. Mới đây nhắc lại, anh còn cười mãi.

   Hồi học môn hóa thầy Chương, bọn tôi có nhiều kỷ niệm với thầy. Lần ấy, thầy gợi ý lấy điểm thực hành. Thầy hứa sẽ cho hệ số 3,
nếu được gọi là "kiệt tác". Tôi nghĩ ngay đến anh Kỳ, chắc anh sẽ giúp
tôi được vụ này. Có thể một bức họa, một chân dung nhà hóa học nổi tiếng nào đó. Butlerow ! Hay lắm ! Tối đó, tôi đợi anh đi uống bia về và vào cuộc.


                                                                   
                                     Butlerow

Chiều hôm sau, anh Kỳ bắt tay vào tác phẩm Butlerow. Anh vẽ bằng bút chì đen, trên nền giấy troki ở khổ A4. Tôi cứ lăng xăng bên cạnh điếu đóm anh. Hôm nay, anh ngồi vẽ ở gian nhà ngoài, trên một cái bàn khá to, vững chắc. Bức "truyền thần" đã hoàn tất. Chân dung nhà hóa học Liên Xô đẹp lắm, sống động, đường nét thật sắc sảo. Tôi ngắm nó mà không dám đụng vào, chỉ sợ sẽ suy suyển một dấu chấm trên bức hình. Anh nhìn tôi hân hoan với bức chân dung, mặt anh giãn ra, như thoát một căng thẳng nào đó.

    Mãi đến đầu tuần sau mới có giờ Hóa. Tôi mong thầy đến ngộp
thở. Thầy đây rồi, với cái cặp da lúc nào cũng nặng trĩu. Thầy nói rất
hài lòng với các bài thực hành của lớp. Bức chân dung nhà hóa học
Butlerow, được thầy đánh giá cao, tôi nhận được điểm 10 với hệ số hai. Thầy ơi, thật hả thầy?! Tôi mừng quýnh, reo lên. Tan học tôi phóng xe thật nhanh về nhà. Chẳng kịp chào bà nội, tôi xuống bếp, vòng ra cổng sau. Anh Kỳ đang ngồi hút thuốc cạnh gốc nho.

- Anh Kỳ, 10 hệ số hai anh Kỳ ơi. Chân dung Butlerow được 10!
- Thế thì mày phải chiêu đãi anh rồi. Anh nói và nhả một làn khói thuốc vào không trung.
Sau bức chân dung nhà hóa học Butlerow, bộ môn hóa trường tôi lại muốn có một tấm chân dung của Mendelejew. Tôi lại phải năm nỉ anh, tôi làm hết các công việc anh sai phái, chỉ với một thỏa mãn rằng có bức chân dung ông Mendelejew cho trường. Thế rồi, năm trước, trong lúc nói chuyện với anh qua điện thoại, anh kể: Về sau, bọn mày đi sơ tán hết, anh quay lại

                                                
                                                   Dmitri Iwanowitsch Mendelejew trường lấy bằng tốt nghiệp, vẫn nhìn thấy bức chân dung Mendelejew, được lồng kính, treo trong văn phòng, ở góc trái còn có chữ ký của anh mà: qk.

    Tiếng tăm của họa sỹ nhà, ngày một lan xa. Tuần tới, Chi đoàn
thanh niên công ty ăn uống chỗ mẹ tôi có Hội diễn văn nghệ và thi báo
tường. Tối đó, cả nhà vừa xong cơm nước, thì có khách. A, cô Hương ngoài tổ Kem Bốn Mùa. Lâm Tú Hương, chúng tôi gọi bằng cô, vì là đồng nghiệp của mẹ tôi. Lâm Tú Hương còn trẻ lắm, là dân Tàu lai, xinh nổi tiếng trên công ty. Nàng đẹp thật. Cô hỏi ngay anh Kỳ có nhà không. Anh tôi ra, úi trời ơi là mặt anh đỏ như gấc chín. Có chuyện gì thế nhỉ, tôi và Vân đang chưa hiểu ra sao. Anh Kỳ bối rối ra mặt. Tôi đảy anh: "Ra đi, đừng để người ta đợi !". Chúng tôi khép cửa lại, nhưng dỏng hết tai lên để nghe. Thì ra đó là một cuộc bàn bạc, chuẩn bị cho ra mắt một tờ báo của Chi đoàn công ty ăn uống.
Anh Kỳ bắt tay vào việc ngay chiều hôm sau. Anh bỏ cả cơm tối, anh vẽ triền miên tới đêm. Khuya lắm mới thấy anh lên gác xép để ngủ. Anh làm việc hết sức mình với một đốm sáng hy vọng: làm hài lòng người đẹp?
Mấy hôm sau, tờ báo vĩ đại đã xong. Anh tôi cuộn nó lại một cách cẩn thận, bọc một lần báo cũ ra ngoài cho chắc ăn. Anh ôm nó trong tay và đến cửa hàng Kem Bốn Mùa. Anh đi bộ quen rồi, hơn nữa dù xa mấy, thì bức báo tường này có nặng là bao. Mà dù có nặng, nếu đã làm cho Lâm Tú Hương, thì anh sẵn sàng xả thân. Anh cứ miên man nghĩ thế trong đầu. Nhưng bức báo tường không phải là cầu nối cho hai người, dù ít nhất chỉ một lần làm quen. Lâm Tú Hương chào anh vui vẻ, rồi nhờ anh mang vào góc phòng. Hôm ấy, sau một lời cảm ơn, anh Kỳ tôi chẳng nhận được gì hơn. Mẹ tôi bưng lại cho anh một ly cà phê. Anh ngồi đấy, với một cà phê, một điếu thuốc và một tâm hồn buồn trống trải, như muôn thưở.
Cuối mùa thu năm ấy, Lâm Tú Hương lấy chồng. Cô nhờ mẹ tôi nói với anh Kỳ tới giúp trang trí đám cưới. Anh Kỳ gãi đầu, cúi xuống lí nhí:
- Cháu phải sang Đông Anh có việc mợ ạ, hứa rồi.
Anh không sang Đông Anh, tôi thấy anh chuẩn bị mồi đi câu với anh Thành con bà Tiến trước cửa.

     Mãi mấy năm sau, lúc tôi đã có bạn trai, vẫn thấy anh lủi
thủi một mình. Anh vẫn vẽ, mà chẳng thấy thêm thắt hơn là mấy.

Sau hai năm chật vật ở Phú thọ, hai bác tôi và chị Phan Dung đã trở về Hà nội.
Rồi giáp Tết năm ấy, tôi nghe hai bác bàn chuyện cưới vợ cho anh, cha anh còn nhắc: phải cưới liền tay !
Tôi hối mẹ:
- Mẹ ơi, con với Vân mặc áo dài đi đón dâu đấy mẹ nhé!
Lên xe, anh Kỳ nhìn bọn tôi cười:
-Hai cô hôm nay trông "xuya" quá !
Chị dâu tôi không đẹp, nhưng rất tươi tắn và thật là đảm đang.
Xin cảm ơn cuộc đời, Người đã mang đến cho anh tôi một chân trời mới. Ở đấy, anh sẽ hết đơn côi, sẽ có một mặt trời ấm áp cho hai con tim. Sẽ chấm dứt cho anh, những đêm dài buồn tẻ, vô vị. Sẽ có những trang thơ minh họa cho tranh của anh, với tên thật của người vợ trẻ. Và sẽ có những nụ cười không tắt, dù cả hai nhận được tờ Văn-Nghệ với toàn những lời phê phán...


   Những năm cuối đời của bác gái, người chăm lo phụng dưỡng
bác là vợ chồng anh, đặc biệt là anh. Mỗi ngày ba lần, anh bế mẹ từ
giường ngủ ra đi-văng khi bữa ăn đến, rồi bế vào. Toàn bộ việc giặt giũ, chăm sóc vệ sinh cho mẹ, một tay anh hết. Đến lúc bác mất rồi, tôi mới dám nói với anh: " Anh Kỳ ơi, xin ngàn lần bái phục anh!"
   Năm ngoái, tôi gọi điện nói chuyện với anh, biết anh vẫn vẽ, anh sắp 70 rồi. Anh vẽ cho trường tiểu học của cháu ngoại. Anh bảo tôi:
-Gửi cho anh nhiều kính thế?
-Ừ, Thu tính rồi, một cái luôn để túi áo ngực, còn so sổ số. Một cái trên bàn để vẽ và cái nữa để dự trữ, anh Kỳ ạ!

Cologne 06.07.2012

Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 30-10-2012 15:03






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: LyTM
16/11/2012 16:18:04

 


 Chị Thu viết cảm động thật! hôm nay em bị đau vai ở nhà có thời gian đọc những bài trước chưa kịp nghía qua. Bị ngay bài viết của chị Thu Vàng làm cho tâm hồn xao động vì thời cuộc, vì tài năng không được đặt đúng chỗ, những trớ trêu và thăng trầm nhưng có hậu! Em cũng xin được nói lời kính trọng tới một con Người chân chính- một người con hiếu thuận, một người anh đầy tình cảm đối với các em, một họa sỹ tài ba!


Nét bút gầy như ngọn gió bay


kết lời hoa mỹ, chuỗi hoa dây


từ trong sâu thẳm, tâm họa sỹ,


vẽ nên tuyệt tác, sắc thần đầy!


 


Có phải ông trời thương người giỏi


ban cho lòng đôn hậu mê say


hiếu thuận, thủy chung từ nét vẽ,


dâng đời bức họa sống thẳng ngay!


 


Rồng đậu, mây vờn, nét bút say


tinh túy của đời, nhẹ đôi tay,


hiện dần trong mắt người nghệ sỹ


rứt ruột tranh ngời, tựa như bay! 


 



Từ: ThanhLK
02/11/2012 01:38:32

Truyện của Thu viết thường dung dị nhưng giàu tình cảm. Cám ơn Thu và chờ đọc tiếp những bài viết của Thu.



Từ: HanhLM
31/10/2012 10:08:58

Thực sự xúc động với hình ảnh người anh họ Quốc Kỳ yêu quý của tác giả. Có nét tương đồng gì đó với hình ảnh anh Lượng của em Cúc.


Những người anh như anh Kỳ, anh Lượng có những cô em gái quá đỗi thân thương.



Từ: NgocNT
30/10/2012 16:09:22

Câu chuyện thật bình dị và cuốn hút! Một con người cũng bình dị và đáng trân trọng! Rất hay! Chưa được gặp chị Thu nhưng đọc bài viết của chị em cảm nhận được tình yêu của chị giành cho những người thân, cho quê hương và cho cả những gì tốt đẹp của cuộc sống! Chúc chị luôn vui khoẻ để viết nhiều cho người KGU đọc nhé!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s