KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 03 Tháng mười một. 2012

Tôi đã học tiếng của Lê - Nin như thế




Tác giả: Đặng Tuấn Phương

TÔI ĐÃ HỌC TIẾNG CỦA LÊ NIN NHƯ THẾ

   Chúng tôi những lưu học sinh Dự bị Kiev sau này, lên tàu liên vận vào một buổi tối tháng 7 năm 71. Tôi chưa đi “Tây “ lần nào và cũng chưa từng tiễn ai đi ‘Tây” cho nên không phân biệt được sự khác nhau của những lần đi “Tây”. Nhưng lần đầu tiên tôi thấy số lượng người đi “Tây” đông đến vậy, và thêm vào đó là số người tiễn đưa. Chúng tôi tập kết trước cửa nhà hát Nhân dân (Bây giờ là Cung văn hoá Hữu nghị) cùng với thân nhân, bạn bè đi tiễn… dòng người đi bộ kín cả lòng đường từ đó cho đến cửa ga Hàng cỏ.
   Tàu đưa chúng tôi đến Kiev. Một năm  học Dự bị ở Kiev, nhiệm vụ chính của chúng tôi là học tiếng Nga - tiếng của Lênin. Tiếng Nga đối với chúng tôi như một thứ vũ khí trang bị cho người lính trước khi ra trận. Chúng tôi phải hiểu và sủ dụng tốt thứ vũ khí đó trên mặt trận tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến ở các trường Đại học trên khắp đất nước CCCP .
   Lớp học Nga văn ở Dự bi Kiev của chúng tôi có 8 người : Phạm thị Khánh , Lâm Minh Châu, Đỗ Minh Loan, Ng. thị Anh Nhi, Trịnh Long Hương, Ng. Bá Tòng, Võ Duy Vinh và tôi Đặng Tuấn Phương. Trong 8 người thì có 5 đã học Nga văn 3 năm cấp III trong nước ( các bạn chắc còn nhớ hối đó chỉ có 2 ngoại ngữ : Nga văn và Trung Văn được dạy trong các trường PT cấp III đúng không ?). Ng thị Anh Nhi, Trịnh Long Hương và tôi 3 năm cấp III lại học tiếng “Tàu”nay đi “Tây” học tiếng “Tây”. Khỏi phải nói ai cũng biết lợi thế của các bạn đã học Nga văn ở trong nước. Ngữ pháp các bạn nắm chắc, từ vựng biết nhiều . . . Còn chúng tôi như những đứa trẻ bắt đầu học vỡ lòng A ,B ,C. . .
   Tạm dừng việc học Nga Văn ở đây để nhắc lại một kỷ niệm, hay nói chính xác hơn là ấn tượng của tôi đối với tiếng Nga. Trên đường đến Kiev, chúng tôi dừng chân ở IRKURSK khoảng 1 tuần. Hàng ngày sau bữa cơm chiều, chúng tôi từng nhóm, hay tản bộ quanh khu vực mình sống. Quanh đó có những KTX có nhiều sinh viên Nga và các nước khác sống họ cũng hay dạo chơi quanh khu vực. Bản tính thanh niên cởi mở dễ làm quen nên chúng tôi và họ làm quen nhau một cách dễ dàng. Có lần tôi đi chung với Ng minh Toàn ( Toàn đã học tiếng Nga ) làm quen với mấy thanh niên Nga. Tôi câm như hến ( có biết nửa chữ Nga đâu mà nói ) còn Toàn vừa nói bằng miệng, tay vừa múa, hay đáo để . . .thỉnh thoảng cũng cười nữa chứ. Tôi mặt cứ nghệt ra chẳng hiểu mô tê gì hết. Lần khác tôi đi chơi chung với Liêm. Hình như tôi và Liêm rủ nhau đi xem phim( liều thế đấy chử nghĩa không biết mà dám). Liêm có nhớ chi tiết này không Liêm? Tôi không nhớ đã xem phim gì. Không quan trọng mà quan trọng là Liêm và tôi đã làm quen ( Liêm chủ yếu ) được với 1 anh sinh viên Nga. Chẳng biết Liêm lúc đó nói những gì , nhưng chỉ biết sau đó, anh ta mời Liêm và tôi về KTX nơi anh ta sống chơi cho biết. Những gì chúng tôi đã nói chuyện với nhau tôi không nhớ.Nhưng những lần như thế trong mắt tôi : Toàn, Liêm và một số bạn đã nói được tiếng Nga ( Dù bập bẹ ) là sự thán phục. . .Rồi thầm  nghĩ không biết ngày mai khả năng tiếng Nga của mình có được như các bạn ấy o nhỉ??? Phải cố gắng thôi, tôi tự nhủ.
Quay trở lại với lớp Nga văn. Trong một, hai tháng đầu tôi và chắc Ng thi anh Nhi cũng như Trinh long Hương đều đã rất cố gắng. Không biết Nhi và Hương thế nào. Riêng tôi không thể nào theo kịp được với các bạn trong lớp. Tôi “cày” tiếng Nga đủ kiểu, mọi cách mà mình nghĩ ra. Thậm chí có lần tôi còn dùng bút chì phiên âm tiếng Nga theo tiếng Việt cho dễ đọc. . .Nhưng tôi đã thất bại thảm hại. Dù đã phiên âm, kể cả khi Lâm minh Châu nhắc trước, tôi chỉ việc lặp lại, tôi cũng không thể nhắc lại .
Ngừng tại đây một chút, tôi muốn nói về Lâm minh Châu. Trong lớp theo nhận xét của cá nhân thì Lâm minh Châu là người học giỏi nhất . Mọi câu hỏi, bài tập . . .bạn ấy đều đạt điểm ОТЛИЧНО. Sau phải kể đến Phạm thị Khánh, Đỗ minh Loan, Võ duy Vinh, Ng bá Tòng . Có lần trong một buổi học, bà giáo chủ nhiệm nói trước lớp (lúc đó tôi chưa hiểu được mà phải nhờ Lâm minh Châu dịch lại ) đại ý:”Các em vượt hơn 10.000km đến đây, trong lúc đất nước đang trong chiến tranh. Các em phải cố gắng học để sau này giúp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh”. Với bản tính yếu mềm, dễ tủi thân nên TL Hương và Ng t anh Nhi đã khóc trong buổi học đó. Nước mắt tôi không rơi nhưng rất buồn.
“Học, Học nữa, Học mãi”, nhưng học như thế nào??? Tôi vẫn bế tắc trong phương pháp học.
Dù kết quả học tập như thế đấy. Nhưng những ngày nghỉ, tôi vẫn hay đi chơi chỗ nọ chỗ kia. Một hôm, tôi nhớ vào ngày Chủ nhật, Bá Tòng, Duy Vinh và tôi (3 đứa ở chung phòng) rủ nhau đi chơi . Điểm đến là Công viên Bách thú Kiev. Tôi nhớ ở đây mỗi đứa chụp 1 tấm ảnh riêng và chụp chung với nhau 1 tấm. Tôi còn nhớ hôm đó Tòng và Vinh mặc khoác ngoài cái áo Vinilon mang trong nước sang, còn tôi thì mặc áo khoác mua (Kurka) trong số tiền mua đồ Đông, Tòng và Vinh còn những tấm hình đó không? còn tôi sau mấy lần chuyển nhà bị thất lạc đâu mất, tiếc quá.
Sau một hồi thăm thú và dạo khắp Công viên, chúng tôi ngồi nghỉ chân, thì có mấy ông già tới làm quen nói chuyện. Tòng và Vinh cũng đã nói khá. Còn tôi vẫn bập bẹ như trẻ lên 3. Càng cố gắng nói cho đúng ngữ pháp bao nhiêu thì mấy ông già lại càng o hiểu bấy nhiêu, tay chân phụ họa cũng chẳng giúp ích bao nhiêu. Cuối cùng ông già nói với tôi, đại ý : Mày cứ nói từng từ một (Từ dạng nguyên thể, không chia, không đổi cách, không giống số gì hết). Tôi nói theo như vậy, ấy thế mà ông già lại hiểu mới chết chứ.
Cũng chính từ gợi ý của ông già Nga tốt bụng hôm đó, tôi nảy ra một phương pháp học mới. Tôi nghĩ tại sao mình không tranh thủ học thuộc thật nhiều từ vựng, mình nhớ được nhiều từ , thì khi người ta nói là mình hiểu ngay. Cứ tạm thời gác vấn đề ngữ pháp sang một bên, chứ lao đầu vào học ngữ pháp mà từ vựng không biết thì khi người ta nói mình cũng chả hiểu gì. Nghĩ là làm. Tôi lao vào học từ vựng như điên. Tôi đặt chỉ tiêu cho mình, mỗi ngày phải học thuộc ít nhất 40 từ. Tối trước khi rời phòng học về phòng ngủ bao giờ tôi cũng tự kiểm tra số từ đã học thuộc trong ngày. Có ngày nhớ 20 từ ngày nhớ 25, 30 từ . Qua ngày sau tôi bổ sung số thiếu hụt để cho đủ. Ngày nào số từ học trong ngày cũng phải 40 từ. Cứ thế, cứ thế. . . “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Tự tôi nhận thấy có sự tiến bộ : Tôi đã nghe được, hiểu được. Khi nghe được, hiểu được, tôi bắt đầu chú ý cố gắng nhớ cách bà giáo nói, người Nga nói, hay nói cách khác tôi đang tiếp cận với ngữ pháp tiếng Nga theo cách của riêng mình. Khi còn học ở CCCP cho đến hôm nay, lúc viết những dòng này, vốn từ tiếng Nga của tôi còn rất nhiều, riêng kiến thức ngữ pháp chỉ là tối thiểu. Thậm chí hồi học tiếng Nga ở những năm đại học, các bà giáo Nga văn đã từng nhận xét tôi : Anh nói hay, diễn đạt tốt, ý phong phú. . .Nhưng sao bài viết của anh nhiều lỗi thế??? Tôi quay ngựơc lại đố các bà giáo biết tại sao? các bà giáo đều chịu. Tôi giải thích: Thứ 1 vốn từ tôi nhớ nhiều, thứ 2 khi tôi nói  thì họ đã nghe được phần từ gốc họ đã hiểu và họ không để ý đến cái đuôi của từ, tôi có đổi cách đúng hay không (Vấn đề này trong tiếng Nga đặc biệt quan trọng và rất đặc trưng, không như những ngôn khác) còn khi viết, giấy trắng mực đen, tôi không lấp liếm được nên lòi cái đuôi dốt ra. Sau này tôi cố gắng rất nhiều cho việc bổ sung kiến thức về ngữ pháp tiếng Nga, nên cái đuôi dốt của tôi cũng ngắn đi nhiều.
Trình độ tiếng Nga của tôi mỗi ngày, mỗi tháng ở Dự bị Kiev được cải thiện thấy rõ. Thi học kỳ I tôi đạt loại trung bình. Cuối năm tôi đạt loại khá. Hết năm Dự bị, tôi đến Leningrat học ở khoa Kinh tế tổ chức và quản lý công nghiệp chế biến Gỗ giấy xenluylô của Học viện kỹ thuật lâm nghiệp Leningrat.
   Năm Dự bị, không hiểu sao lớp tôi 3 lần thay đổi giáo viên dạy tiếng Nga. Hai bà trước tôi chưa kịp nhớ tên. Bà thứ 3 thì tôi nhớ đầu đủ họ, tên và tên gọi theo cha của bà : ASIBENKA ZINAIĐA MAKAROVNA. Sau này về nước, đi làm, tôi có gặp 1 cô làm chung ở Tổng công ty Giấy Gỗ Diêm cũng từng là học sinh của bà. Bà giáo dạy lớp tôi là một phụ nữ Châu Âu khá đẹp, dáng mảnh mai chứ không đẫy đà, nét đẹp có vẻ hơi sắc sảo của phụ nữ phương Tây hơn là nét đẹp thuần của phụ nữ Slave. Tóc bà màu xẫm. Đặc biệt mái tóc của bà hay thay đổi kiểu chứ không như những bà giáo khác, hầu như chỉ để 1 kiểu tóc. Bà ăn mặc khá model và thỉnh thoảng mới thấy bà mặc 1 bộ đồ nào đó lần thứ 2. Có lần Bà đến thăm chúng tôi ở KTX, xem chúng tôi sống ra sao, có khó khăn gì, Bà sẵn sàng giúp, hoặc đề nghị Nhà trường giúp. Chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm đặc biệt của bà nói riêng cũng như của Nhà trừơng nói chung. Không chỉ riêng bà giáo lớp tôi, mà  tất cả các thầy, cô giáo dạy chúng tôi ở Dự bi kiev đều không chỉ coi chúng tôi như những đứa học trò nhỏ bé, mà hơn cả thế,  họ coi chúng tôi như những đứa con mà họ cần giúp đỡ, dạy dỗ những bước đi vững chắc đầu đời để chuẩn bị cho một tương lai phía trước.
   Sắp đến ngày 20/11 - Ngày Nhà Giáo, từ sâu thẳm trái tim, chúng ta cùng nhau nói : CÁM ƠN các Thầy các Cô. Trong lòng chúng ta, họ là những nhà giáo Xô -Viết vĩ đại nhất.
   Khi về nước công tác với hơn 30 năm hoàn toàn không sử dụng tiếng Nga, vốn tiếng Nga trong tôi mai một đi khá nhiều. Ấy thế mà hôm nay tôi đang “kiếm ăn” bằng tiếng Nga - tiếng của Lenin. Các bạn biết không, tôi đã về hưu (sớm trước tuổi 10 năm). Nhờ người bạn thời phổ thông giới thiệu, tôi đã làm phiên dịch ở Chi nhánh phía Nam - Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga. Quả thật rất hữu ích, vừa không bỏ phí thời gian vừa có thu nhập, trang trải thêm cho cuộc sống gia đình và đặc biệt được sử dụng tiếng Nga - tiếng của Lenin. Còn gì tốt hơn thế hả các bạn? Tôi cũng không thể ngờ sau 30 năm không sử dụng mà nay vẫn đáp được ứng yêu cầu làm phiên dịch tiếng Nga. Mô Phật. Chắc Tam Bảo gia hộ cho tôi. Ông Lenin đã thương và phù hộ??? Có thể lắm chứ? Nhưng tôi tin chắc 1 điều: Tiếng Nga-Tiếng của Lenin đã ngấm vào máu của tôi, chỉ có điều tôi chưa biết cách học tới nơi tới chốn và sử dụng 1 cách tốt nhất đó thôi. Dù tôi có già cái đầu đi chăng nữa, việc học, đặc biệt là học tiếng Nga-tiếng của Lenin, thì có :”Học, Học nữa, Học mãi” cũng không bao giờ là đủ.
   Cám ơn tiếng Nga, cám ơn tiếng của Lenin! Nhân ngày Nhà Giáo, tôi cầu chúc cho tất cả THẦY GIÁO, CÔ GIÁO CCCP: người còn sống thì thật nhiều sức khỏe, người đã về cõi vĩnh hằng, thì sớm được siêu sanh tịnh độ. Chúng ta không bao giờ quên họ. Trong tâm trí chúng ta các thầy, các cô là những NHÀ GIÁO XÔ-VIẾT VĨ ĐẠI NHẤT, ĐÁNG KÍNH NHẤT.


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 03-11-2012 22:10






Xem 1 - 3 của tổng số 3 Comments

Từ: HanhLM
06/11/2012 16:28:44

Ôi, sướng quá! Đọc câu chuyện của anh Phương lại được nghe anh nhắc đến chị Châu của tôi. Chị gái tôi học kinh tế ở Kiep, trên tôi 3 khóa. Tôi đã lên Kiep chơi với chị 4 lần vào những kỳ nghỉ đông, nghỉ hè. Chị Châu cũng xuống Kisinhop thăm tôi 1 lần vào dịp nghỉ lễ Mùng 1 tháng 5.


Cái sự học tiếng Nga của anh Phương thật thú vị. Đọc câu chuyện của anh ai cũng soi thấy mình trong đó.



Từ: ChiDK
05/11/2012 15:51:43

Bài viết xúc động quá.



Từ: CucNT
04/11/2012 22:35:24

Cảm ơn tác giả đã giúp chúng ta nhớ vê một thời học tiếng của Lenin. Bái phục tác giả vì giờ nay,  sau 30 năm không sử dụng tiếng Nga vẫn có thể đi làm phiên dịch tiếng Nga.


Có điều tiếng Nga hay tiếng Việt thì sau mỗi câu, chỉ cần 1 dấu hỏi (?) là đủ.


 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s