MÙI TÂY, MÙI TA
Đặng Thanh Lương
Chẳng biết từ bao giờ, khái niệm mùi Tây đã đi sâu vào tâm trí tôi, mà cũng có thể là của cả một thế hệ. Có lần, trong một chuyến bay đêm, tình cờ tôi đọc được câu chuyện “Một trăm linh tám cây bằng lăng” của Nguyễn Thị Thu Huệ, trong đó có đoạn tác giả viết: “…Anh lôi trong chiếc túi bóng to đùng dưới đất ra một chiếc phích đá. Thật là không tưởng tượng nổi. Nó sáng ánh lên giữa căn phòng cũ một cách thê thảm trong một tòa chung cư buồn tẻ. Rồi mở nắp ngoài. Xoay nắp trong. Và lôi ra những cái kem. "Anh mang từ Liên Xô về cho em đấy. Ăn luôn không chảy hết". Rồi một túi táo tây. Những quả táo tròn, đỏ bầm và mùi thơm loang loang. "Đây là túi lưới hai lớp biếu mẹ em. Cây thuốc Gallant biếu bố... Mảnh vải em may áo... Chị run run, tay cầm que kem tỏa hơi man mát, tay đỡ hộp kính, chẳng biết bỏ cái gì ...”
“…Chiếc kem bắt đầu mềm ra và chảy từng giọt đặc quánh xuống đất. Anh về rồi mà mười ngày sau căn phòng còn thơm. Chị giữ nguyên những quả táo tròn nhỏ thơm êm dịu. Thoang thoáng mùi thơm. Mẹ bảo, đấy là mùi tây…”.
Đọc đến đoạn này, những kỷ niệm một thời lại dội về trong tôi: chiếc phích đá, chiếc túi lưới hai lớp,một lớp, những quả táo tây đỏ mọng thơm lừng, những chiếc khăn nilông đủ mầu– là biểu tượng của tầng lớp “trung lưu, khá giả” hồi ấy. Nhà nào có mấy thứ đó là có thể khoe với láng giềng xung quanh. Chiếc phích đá inox sáng bóng được xếp ở một vị trí trang trọng trong nhà; chị em nào có chiếc khăn nilông thì có thể “vênh mặt” với thiên hạ. Trong tất cả các thứ đó, tôi thấy riêng cái “mùi tây” là ấn tượng nhất. Chẳng thế mà chị Huệ đã viết: “Anh về rồi mà mười ngày sau căn phòng còn thơm…”. Hồi đó cứ mỗi lần anh trai tôi đi công tác về, khi mở vali ra là trong nhà tràn ngập một mùi hương lạ, chẳng xác định nó là loại hương gì: không phải mùi nước hoa, không phải mùi phấn, không phải mùi sữa, mùi xà bông thơm…và cho đến bây giờ tôi cũng không thể xác định mùi đó là mùi gì. Khi người ta không hiểu thì dân gian lúc đó đặt cho nó một cái tên rất hay- Mùi Tây. Cái Mùi Tây đó nó lẵng nhẵng theo ta một thời, nó làm ta ngất ngây. Đó là mùi thơm bốc ra từ vali, mùi thuốc lá ba số 5 thoảng bay trong gió, mùi táo tây ngào ngạt…Thế rồi có một ngày, cái Mùi Tây đó biến mất. Đã bao lần mở vali, đã bao lần nâng những trái táo chín mọng, nhưng sao tôi không tài nào có lại được cái cảm giác Mùi Tây của cái thời xa xưa ấy.
Thế nhưng, có một loại mùi mà ta không thể nào quên. Đó là mùi quê hương- mùi quê ta- mùi ta. Tôi còn nhớ như in buổi chiều hôm đó, máy bay chở chúng tôi - những đứa trẻ xa xứ, đáp xuống sân bay Nội Bài. Lúc đó, xung quanh sân bay là những ruộng lúa đang chín, sảnh đón khách nước ngoài là những căn nhà lá đơn sơ vương vấn mùi lá cọ còn đọng lại trên mái. Chúng tôi được đón trong mùi thơm lúa mới. Không gian ngập tràn hương quê. Tôi cố hít một hơi thật dài để giữ lại trong mình hương vị quê nồng nàn ấy.
Ngày trước, mỗi khi được bố mẹ cho về thăm ông bà, là mỗi lần tôi được đắm mình trong những ngày hội: lúc thì được bơi trong biển lúa vàng rực rỡ, trong tiếng đập lúa râm ran; lúc thì được ăn bát cơm gạo mới trắng trong đượm mùi thơm của trời và đất hoặc húp bát canh cua đồng với bánh đúc nồng vôi hoặc được nếm vị mật ngọt với bánh gio trong vắt mát lạnh vàng óng trái xoan ta.
Rồi những ngày sơ tán, tôi có dịp cùng với các bạn trẻ chăn trâu lang thang ngoài đồng, trên các triền đê; được thưởng thức mùi ngô, mùi khoai nướng đầu mùa; lúc thì được ngả ngốn bên những đống rơm thơm mùi lá mới; mùi khói lam chiều toát ra từ những búi rơm, búi rạ để sưởi ấm cõi lòng lúc chiều đông.
Những Mùi Ta ấy đã theo tôi đi khắp nơi trên thế gian này.Thế mới biết dù có đi đâu về đâu, mùi hương quê không thể nào quên.
Chiều đông thành Wien,2012