Bố mẹ tôi
Tác giả: TuyetHA
BỐ MẸ TÔI (Phần 1).
Bảy mươi năm về trước, ngày 23 tháng 11 năm 1942, bố mẹ tôi nên vợ, nên chồng. Ngày ấy, bố tôi – một chàng trai Hà Nội, tuổi đôi mươi, vừa tốt nghiệp Trường Kỹ Nghệ Đông Dương. Mẹ tôi, con gái một của một gia đình công chức, vừa tròn 18, là hoa khôi có tiếng ở phố Hàng Bạc. Bác Giản, chị gái của bố tôi kể lại: Khi nghe bố tôi xin ông bà nội tôi sang nhà ông phán Hạnh hỏi cưới cô con gái duy nhất của ông bà cho bố tôi, bác tròn xoe mắt kinh ngạc: “Cậu làm sao thế? Cưới làm sao được con gái nhà ấy?. Bao nhiêu đám dòm ngó mà chưa được, cậu biết không?”. Phớt lờ lời của bà chị, bố giục ông, bà nội tôi:”Ba, Me cứ sang hỏi vợ cho con”. Bác tôi lo cũng phải vì mẹ tôi là cháu ngoại của một nhà đại tư sản ở Hà Nội lúc bấy giờ - cụ Quảng Tường, nhắc đến tên cụ, giới kinh doanh vàng bạc Hà Nội, hẳn ít ai không biết đến.
Gia đình ông bà nội tôi ở phố Hàng Giấy, cũng trong giới kinh doanh vàng bạc. Ông bà tôi có 2 cô con gái lớn, cứ khi con gái 18 tuổi, ông bà mở cho một cửa hàng vàng bạc. Cửa hàng của các bác gái tôi ở phố hàng Bạc. Bố tôi hay lui tới chơi với các chị và từ lúc nào đã để ý và làm quen với cô cháu ngoại cụ Quảng Tường. Theo các bác tôi kể lại thì ngày ấy bố tôi tuy không cao to, trắng trẻo như nhiều thanh niên bạn bè cùng trường kỹ nghệ Đông Dương, nhưng người chắc lẳn vì chơi thể thao và bơi lội giỏi, hơn nữa nói chuyện rất có duyên, rất hài hước nên cứ ở đâu có bố là vui như hội, cũng có nhiều cô mê bố lắm.
Nghe bố tôi nói, ông bà tôi tuy cũng băn khoăn lo ngại, không biết nhà người ta có đồng ý hay không? Nhưng rồi nghĩ: con trai cũng đến tuổi hỏi vợ được rồi, bố tôi là con trai trưởng mà. Thôi thì cứ liều. Thế rồi nhờ người mối mai đánh tiếng, sau đó ông bà tôi sang thưa chuyện. Buổi đầu tiên, ông bà ngoại tôi chưa nhận lời nhưng cũng chẳng khước từ: “ Còn phải thưa các cụ (ông bà nội, ngoại của mẹ) và xem ý cháu nữa!, ông bà cứ thư thư cho đã”. Sau này bà ngoạt tôi kể lại: Nói là hỏi các cụ cho phải phép, chứ còn trong nghề cũng đã biết nhau rồi. Còn mẹ tôi, khi được hỏi thì thưa: “Cậu mợ dạy sao, con nghe thế!”. Và một điều rất quan trọng là bà tôi đi xin quẻ âm dương ở một ngôi đền nhà hay đến cúng lễ. Bà xin lần đầu được luôn. Nhiều đám đến xin cưới mẹ tôi trước đó, bà cũng đi xin quẻ mà chẳng lần nào được, bà tôi kể thế. Như vậy là thuận cả rồi. Đám cưới của bố mẹ tôi được tiến hành sau đó không lâu. Một đám cưới khá nổi đình, nổi đám ở Hà Nội lúc đó với 4 chiếc xe Ford đen đón dâu theo yêu cầu của nhà gái.
Ba năm sau, vào một ngày đầu thu 1945, chị gái tôi ra đời, cũng là lúc Cách mạng tháng tám bùng nổ và thành công. Cả dân tộc hân hoan chào đón sự ra mắt của cụ Hồ và Chính phủ nước Việt Nam Độc lập trên quảng trường Ba đình ngày 2/9/1945 với niềm sung sướng tự hào khôn xiết. Bố tôi tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh, sinh viên Hà Nội từ năm 1938. Sau cách mạng tháng tám, bố công tác trong lực lượng an ninh thành phố Hà Nội.
19/12/1946 Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân dân Hà Nội đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, anh dũng chiến đấu với kẻ thù trong suốt sáu mươi ngày đêm, tạo đủ thời gian cho chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa non trẻ và lực lượng chủ chốt rút ra Chiến khu và bắt đầu xây dựng cơ sở cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Vì tốt nghiệp Ngành Cơ khí Trường Kỹ nghệ Đông Dương, bố tôi được phân công làm Giám đốc Công Binh Xưởng Liên Khu 3. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp thật gian lao, vất vả. Đầu năm 1949, bố mẹ tôi có thêm cậu con trai. Bố rất bận lại thường xuyên đi công tác xa. Một mình mẹ xoay sở với hai con thơ dại trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Với nhiều người, những khó khăn, thiếu thốn đó chẳng thấm tháp gì so với những gian nguy phải đối mặt với kẻ thù ngoài chiến trường, nhưng với mẹ tôi, vốn sinh ra trong một gia đình tư sản lại là con một nên quen được sống trong sự đầy đủ, sung túc từ bé thì đó quả là một thử thách ghê gớm, khó lòng vượt qua. Hơn thế nữa, mỗi lần mẹ mang thai, thai rất to. Lần mẹ sinh anh trai tôi, con to lại bị “nhau” cuốn cổ, chút nữa thì cả hai mẹ con đã không bảo toàn được tính mạng. Vì thế, mỗi khi bố tôi đi công tác xa, mẹ tôi lại tha 2 con nhỏ “vào thành” (về Hà Nội), cho dù đường sá xa xôi, đầy khó khăn nguy hiểm. Tuy rất thương yêu mẹ, nhưng bố đã phải đấu tranh quyết liệt với mẹ để mẹ giác ngộ và yên tâm ở lại với Kháng chiến. Thư bố viết cho mẹ trước một đợt đi bồi dưỡng chính trị:
“Em
Em ra tới đây và nhận được thư này là lúc anh đang đi học một lớp ba tháng. Đoán chắc em có ra thì ra trong dịp này, nên anh để lại thư này cho em:
Xa em, xa con lâu ngày nhớ lắm.Càng nhớ thì anh lại càng tiếc thời gian vừa qua em đã làm một điều hoàn toàn trái ý anh, mà đáng lẽ ra thời gian đó đã là một thời cơ, một dịp tốt để em được rèn luyện trong gian khổ của cuộc kháng chiến và em được tiến bộ nhiều. Nói gian khổ là đối với em thôi còn đồng bào ta biết bao nhiêu sự chịu đựng cao quý gấp trăm nghìn lần kia chứ.
Em có biết đâu rằng chỉ vì em sợ khổ đến thân một tý ( vì ở đây nhân dân vẫn đẻ, vẫn sống và vẫn vui) mà làm cho anh khổ tâm bao nhiêu phần, điều thứ nhất: là mang tiếng với đoàn thể, với nhân dân là người cán bộ cách mạng mà không giáo dục được vợ, để cứ ra vào vùng địch, không dứt khoát với kẻ thù - Em không biết rằng mặc dầu em ở trong đó chỉ là làm ăn buôn bán thôi, nhưng em đã phải đóng thuế cho giặc để nó lấy của giết hại đồng bào ta. Ở trong đó là chịu cam tâm làm nô lệ cho nó, vì phải chịu sự kiểm soát của nó, nó bắt sao phải thế - sống dưới nanh vuốt của kẻ thù, kẻ đi giết hại đồng bào mình kẻ dày xéo lên giang sơn đất nước mình thì còn gì là sung sướng nữa - nhất là đã nhiều lần anh giải thích cho em rõ điều đó, thì em nói là không thiết gì sự xa hoa trong đó mà chỉ vì hoàn cảnh kinh tế bó buộc thôi. Điều đó sai hoàn toàn. Em nói em vẫn thích tổ quốc độc lập mà lại ở với giặc, sợ khổ, trốn tránh kháng chiến thì còn nói năng gì nữa.
Em thử nghĩ xem, như nấu nồi cơm lúc mưa to gió lớn, nếu không chịu khó vất vả, thì sao có cơm mà ăn? Nếu ai cũng như em cho là mình vì sinh kế mà vào ở vùng địch thì còn ai kháng chiến? Sao có độc lập được? Em sẽ nói có nhiều người làm, một mình em thì ăn thua gì?! Thế thì em chỉ thích người khác làm cỗ sẵn cho em ăn hay sao? Không, không được! Công việc cách mạng không phải như thế được ! Hay em cho là đã có chồng em tham gia rồi là đủ ! Càng không đúng. Chính vì có chồng em tham gia, lại càng cần có em cùng tham gia nữa và có khi là người yêu nước thực sự thì nếu chồng là kẻ phản quốc, vợ bỏ ngay và theo với cách mạng, thì mới đúng. Trái lại, chính em lại đi vào ở với kẻ thù của chồng em, của nhân dân, của Tổ quốc một cách dễ dàng quá. Như thế, về phương diện một người con của tổ quốc, em cũng đã có tội, là một người vợ thì em chưa thực yêu chồng, vì nếu thực yêu thì sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, đằng này em không thể chịu khổ để gần chồng được, thế có phải là yêu không? Mà hơn nữa, chính vì em vào đó, em lại làm cho chồng em phải phiền muội, khổ tâm, kém tín nhiệm, giảm mất tiến bộ để phục vụ cách mạng, buồn bực vì em.
Đối với con, em đã đưa chúng nó vào sống trong khuôn khổ một xã hội thối nát, xa hoa, dâm đãng, ảnh hưởng xấu cho tư tưởng chúng nó sau này. Em đừng tưởng rằng, trong đó nó được quần lành, áo tốt, mình mảy nhẵn nhụi mà là sung sướng đâu. Không phải thế. Chính ở chỗ đó mới là những mụn lở ghẻ, mọc lên trong tâm hồn con trẻ, mà trái lại ở ngoài này, trong cuộc sống tự do, có đấu tranh gian khổ của cha mẹ, của nhân dân, tuy nó có rách quần, lem luốc, ghẻ chân lở tay một tý, nhưng tâm hồn nó trong sạch, nở hoa, tương lai nó sẽ tốt đẹp, vì nó sẽ hấp thụ được những cái đẹp thực sự của cuộc đời có lao động, có đấu tranh, tự do, không có cảnh người ức hiếp người.
Và bản thân em nữa, em sẽ hòa mình được với nhân dân lao động, em sẽ thấy rõ lao động là quý là cải tạo con người, là nâng cao giá trị con người và có như thế rồi đây kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, em mới thấy được cái sung sướng vẻ vang của con người kháng chiến và xứng đáng là một người dân cách mạng và xứng đáng hưởng những ngày độc lập tươi vui, mà không ân hận đã vắng mặt trong những ngày kháng chiến gian khổ, nhưng vinh quang. Nếu không chỉ là những kẻ chờ sung, muốn ngồi không ăn sẵn, mà thử hỏi hạng người đó ai ưa? Còn gọi sao là người được?
Em sẽ nói là em ở đây cũng được, song phải được gần anh, chứ anh cứ đi biền biệt thì không chịu được. Không ! Thế cũng vẫn sai. Không phải chỉ vì anh mà em ra đây. Ra là ra với nhân dân, với kháng chiến, ra là để tiêu diệt kẻ thù là giặc Pháp Mỹ và Việt gian bán nước bằng đủ hình thức, chứ không phải vì cá nhân anh, ví dù như chồng em có chết rồi, em cũng vẫn nên ra kia mà! Phải không em ?
Tóm lại anh muốn em ở ngoài này là vì ở trong kia là trong vòng cương tỏa của kẻ thù, ở ngoài này là chốn tự do, là tổ quốc thân yêu, trừ phi em ở trong đó để hoạt động cho cách mạng, để giết giặc thì không kể, em có làm thế không? Nếu không thì làm lợi cho giặc một xu vẫn là làm lợi cho kẻ thù, làm hại cho cách mạng. Chính vì còn một số người cam tâm phản giống hại nòi, làm tay sai cho giặc, một số người hiểu lầm như em mà giặc nó còn cầm hơi kéo dài ngày ăn cướp của nó được chứ. Ai nấy đều giết giặc, tăng gia, đóng thuế, đi dân công, thì giặc phải chết sớm từ lâu rồi, vì thế thêm một người về địch là dài thêm gian khổ một ngày, thêm một người về kháng chiến là hạnh phúc đến sớm 4 ngày, dù người đó chỉ là em chẳng hạn.
Vì thế em phải dứt khoát, ở đây để làm người dân, người con yêu của tổ quốc Việt Nam, người vợ quý của anh, hay về trong kia để nuôi nấng thêm kẻ thù làm hại kháng chiến, hại chồng, hại con?
Hai con đường, em chọn lấy một, nếu em còn quay vào trong đó, bất cứ vì một lý do gì nữa cũng không được. Và như thế là chấm dứt, là hết nghĩa vợ chồng”.
Bố mẹ và anh trai tôi trong Chiến khu
Lần ấy, khi quay trở lại Chiến khu, đọc lá thư phân tích sâu sắc, chí nghĩa, chí tình của bố, mẹ quyết định ở lại lâu dài với Kháng chiến. Cho đến một ngày cuối thu năm 1953, khi gần sinh tôi, được sự đồng ý của đoàn thể (mọi người cũng đã được chứng kiến nỗi khó khăn, nguy hiểm khi mẹ sinh anh trai tôi), mẹ tôi lại bồng bế anh, chị tôi, vượt chiến tuyến về Hà Nội chuẩn bị cho tôi ra đời.
Người post: TuyetHA
Ngày đăng: 16-12-2012 15:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |