BỐ MẸ TÔI (Tiếp theo)
Tác giả: TuyetHA
BỐ MẸ TÔI (Phần 2).
Những năm đầu sau giải phóng Thủ đô
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, bố tôi cùng đoàn quân về tiếp quản Thủ đô. Trở về với bố ngày ấy còn có 3 chú, em trai của bố (ông bà nội tôi có 4 con trai, cả 4 đều là bộ đội cụ Hồ trong Kháng chiến chống Pháp). Đại gia đình đoàn tụ. Chẳng bút nào tả xiết niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao ấy. Bà nội tôi bảo: Chắc nhờ đại ân, đại đức của tổ tiên, đại gia đình tôi mới được hưởng phúc lớn vậy. Tấm “BẢNG GIA ĐÌNH VẺ VANG” của Chính phủ tặng cho những gia đình có từ 2 (2 hay 3, tôi không nhớ rõ) con tham gia Kháng chiến được ông bà tôi trân trọng treo giữa phòng khách.
Đối với Sĩ quan quân đội trong những năm đầu sau ngày giải phóng Thủ đô, kỷ luật nghiêm ngặt lắm, tất cả vẫn phải sống và làm việc trong Thành, chỉ có ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, nếu không phải trực ban mới được về với gia đình, và khi quay về đơn vị phải báo cáo tất cả những vấn đề “bất thường” xảy ra trong ngày nghỉ ở gia đình. Bà nội kể: Lần đầu tiên bố tôi về thăm nhà sau giải phóng, ông nội tôi tặng cho bố chiếc đồng hồ Thụy sỹ mới tinh. Khi về đơn vị, bố báo cáo với tổ chức và được yêu cầu trả lại, không được dùng vì đất nước còn nghèo khó, dùng như thế là xa xỉ quá! Và tất nhiên đã là mệnh lệnh thì phải chấp hành.
Hồi đó, bốn mẹ con tôi ở với ông bà nội ở số 8 phố Hàng Giấy. Thỉnh thoảng bố mới về. Ông ngoại tôi đã mất, bà ngoại ở một mình trên phố Hàng Bạc. Gia đình bên ngoại tôi một số đã di cư vào Nam, số còn ở lại thì hiến tài sản cho nhà nước, rồi tham gia “Công, Tư hợp doanh”. Bà ngoại tôi, lúc đó mới 54 tuổi, bà làm cho Công ty Mỹ nghệ Vàng Bạc Hà Nội, ngay ở Bờ Hồ, đối diện Bách Hóa Tổng hợp HN nay là Plaza Tràng Tiền.
Bốn mẹ con năm 1954.
Phố Hàng Giấy cách Hàng Bạc không xa, thẳng một trục đường, nhà tôi ở đầu phố, đi hết phố là đến chợ Đồng xuân, qua Hàng Đường, Hàng Ngang, đến giữa Hàng Đào, rẽ trái là cuối phố Hàng Bạc rồi. Từ đó đến nhà bà ngoại chỉ vài căn. Vì bên ngoại thuộc loại “thành phần xấu” (Đại tư sản mà), nên chúng tôi bị hạn chế đến chơi Hàng Bạc. Bà ngoại tôi ở một mình trong căn nhà nhỏ 2 tầng, bà đi làm cả ngày, nên cửa thường đóng im ỉm. Chỉ có ngày giỗ ông ngoại và ngày lễ, ngày Tết bố mẹ mới đưa chúng tôi về, chủ yếu là bà đến chơi với chúng tôi ở Hàng Giấy. Ngày ấy còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ như in những lần đến, bao giờ bà cũng mang theo một làn quà bánh cho các cháu.
Tết xum họp đầu tiên sau giải phóng HN - 1955
(Người ở giữa hàng trước là anh con bác, chị gái của bố)
Những năm đầu sau giải phóng, mẹ tôi làm việc cho Quân nhu, may quần áo cho bộ đội, công việc cũng thất thường, lúc có, lúc không, mẹ tôi lại sắp sinh con thứ 4. Cuộc sống khó khăn lắm trong sự khó khăn chung của cả nhân dân miền Bắc. Tuy không ở cùng gia đình, nhưng bố luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mẹ. Bố luôn động viên mẹ tin tưởng vào tương lai xán lạn của đất nước, tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ để vượt qua những khó khăn tạm thời trước mắt. Giữa năm 1956, khi đang đi dưỡng bệnh, bố viết cho mẹ:
“ Ngày 29.5.1956
Lộc.
Trước hết em nói với mợ là anh gửi thư về thăm mợ có được mạnh khỏe không. Cơ quan đã tìm việc cho mợ chưa. Em nói mợ cứ yên tâm tin tưởng thế nào trên cũng chú ý giúp đỡ.
Hồi này em có khỏe không, các con có ngoan không. Em đã đi thăm bà đỡ chưa? Tình hình việc làm ra sao? Quân nhu có việc cho làm đều chưa? Viết thư cho anh rõ nhé. Anh tuy cố gắng xác định an tâm an dưỡng cho khỏi phụ công ơn săn sóc của Đảng và nhân dân, cho mau khỏe về công tác nhưng cũng có đôi lúc nghĩ đến cảnh gia đình túng thiếu cũng lo lắng. Nhưng anh lại nghĩ cũng như nhiều lần nói với em là trước đây trong thời kỳ kháng chiến còn gay go, gian khổ nhiều, ta đã chịu đựng được, ngày nay tiền đồ của nước nhà ngày càng sáng sủa thì sự khó khăn thiếu thốn của gia đình chúng ta cũng chỉ là tạm thời thế thôi và nhất định sẽ sáng sủa theo với tình hình phát triển của kinh tế nhà nước. Phải thấy rõ như thế mà chịu đựng và phấn đấu cho sự phồn vinh của Tổ Quốc. Như em đã thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ chủ tịch, nhân dân lao động chúng ta nhất định sẽ được sung sướng, no đủ. Ngày ấy đang đến với chúng ta và chẳng lâu lắm đâu, chỉ cần chúng ta tin tưởng và cố gắng hoàn thành những công việc chung do Đảng và Chính phủ đề ra, nhất là kế hoạch năm 56 này.
Bao giờ em Lư (em gái út của bố) và các con nghỉ hè, bảo chúng nó phải báo cáo kết quả học tập cho anh. Con Hà, Lập phải viết thư cho bố đấy nhé. Tuyết có muốn nói gì với bố nhờ anh Lập viết thư hộ. Trước khi bố đi có dặn Hà phải giúp đỡ mẹ, Lập giúp em Tuyết trong công việc hàng ngày, có nhớ làm không?”.
Và cứ như thế, trong tình yêu thương, chăm sóc động viên của bố, mẹ tôi đã vững vàng hòa nhập vào cuộc sống mới.
Cả nhà hè 1957
Được cấp nhà tập thể
Năm 1961, bố tôi được cấp một căn hộ trong Khu Tập thể Quân đội ở Bãi Phúc Xá, từ nhà ông bà nội ở phố Hàng Giấy xuống đấy cũng gần lắm, chỉ đi qua phố Hàng Đậu, lên đê là đến đường dẫn vào Khu Tập thể rồi.
Căn hộ có 2 phòng, một phòng lớn, một phòng nhỏ. Công trình phụ (bếp, nhà tắm) dùng chung cho 2 gia đình. Nhà không được rộng rãi tiện nghi như ở Hàng Giấy, nhưng cái làm cho bọn trẻ con chúng tôi rất thích là trước nhà, sau nhà đều có sân đất rộng rãi, tha hồ chơi, tha hồ chạy nhảy, lại đông bạn bè nữa. Đặc biệt nhà nào cũng có một luống đất to, chạy dài đến sát hàng rào ngăn khu tập thể với bờ sông. Hồi đó nhà tôi trồng rau, trồng chuối, nuôi gà, ăn uống thoải mái lắm. Ở sân trước nhà bố tôi còn làm một giàn rất rộng để trồng nho, chủ yếu để lấy bóng mát Đất bãi, nên cây trồng ở đây lên rất tốt
Thời gian này, gia đình tôi đã có đến 8 thành viên: bố mẹ và 6 con. Con trai chỉ có mình anh tôi, bố tôi là con trai trưởng, ông bà nội muốn có thêm cháu trai, bố mẹ tôi ráng đẻ, nhưng từ tôi về sau ra rặt một lũ con gái. Một đàn con, đứa nào bố mẹ cũng đều yêu đều quý như nhau, chẳng phân biệt trai, gái gì hết. Bố bảo: cứ ngoan, cứ học giỏi là bố yêu tất, trai hay gái cũng thế thôi.
Tháng 11 năm 1964, nhà tôi chuyển đến chỗ ở mới tại Khu Tập thể Quân đội Nam Đồng. Ở đây chưa được bao lâu thì giặc Mỹ bắt đầu ném bom phá hoại miền Bắc. Chưa hết học kỳ 2 năm lớp 4, chúng tôi đã phải đi sơ tán. Lúc đầu sơ tán ở Trạm Trôi, rất gần Hà Nội tại một gia đình quen của bố. Đến sau hè năm 1965, chị em chúng tôi mới sơ tán theo Trại trẻ T45 của Tổng Cục Hậu Cần. Lúc này mẹ tôi công tác tại Ban Tài vụ Quây Y Viện 354, chị gái tôi làm việc ở Nhà máy Dệt 8/3 còn anh trai tôi chuyển từ Trường cấp 3 Chu Văn An sang Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, mới được thành lập, dành cho con của sĩ quan quân đội và một số cán bộ cao cấp Nhà nước. Từ ngày phải đi sơ tán, bà ngoại đến ở hẳn với gia đình tôi và đi sơ tán với chúng tôi. Thế là từ đây gia đình lại bị phân tán “một chốn, ba nơi”. Bố mẹ và chị lớn tôi ở lại Hà Nội, anh trai lên Bắc Thái theo Trường Trỗi còn lũ bé con chúng tôi cùng bà ngoại đi theo Trại trẻ ở Hà Bắc, sau mới về Chương Mỹ Hà Tây.
Cuối năm 1967, Cách mạng Miền Nam chuyển sang một thời kỳ mới – thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu thân 1968 được quân dân ta dốc sức chuẩn bị. Thực hiện quyết định của Bộ QP, bố tôi lại từ biệt vợ con, từ biệt gia đình, hòa vào đoàn quân ra trận. Lúc đó bố đã bước vào tuổi 46, không còn sung sức nữa, hơn thế di chứng của những trận sốt rét rừng từ cuộc kháng chiến lần trước để lại làm bố bị đau gan, đau dạ dày, thỉnh thoảng vẫn phải nằm viện để điếu trị và đấy cũng là điều làm mẹ tôi lo lắng khôn nguôi khi tiễn bố lên đường vào chiến trường miền Nam. Còn bố, từ chiến trường xa xôi, những thời gian rỗi rãi lại đau đáu nỗi nhớ vợ con, lo cho mẹ tôi một mình sớm khuya đi, về. Mẹ không biết đi xe đạp, lúc ở nhà, hàng ngày bố vẫn đèo mẹ đi làm, cũng may Viện 354 cũng gần Thành Cửa Bắc, nơi làm việc của bố. Trước khi đi, bố đã đưa sửa chiếc xe đạp nam Liên xô của bố thành xe nữ và dặn dò mẹ cố gắng tập xe để đi lại cho đỡ vất vả. Mỗi lần nghe tin máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, bố lại thấp thỏm, không biết mẹ và chị gái tôi có được bình an? Rồi bố lại lo cho lũ con bé ở Trại trẻ, đông về đêm ngủ có bị rét không, học hành ra sao v.v…Trong thư gửi về bao giờ bố cũng động viên, nhắc nhở mẹ và chúng tôi hãy cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt công việc của mình để góp phần đánh thắng giặc Mỹ, để gia đình mau chóng được đoàn tụ.
6 anh chị em ở nơi sơ tán. Năm1967
(Người ở giữa, bạn của chị tôi)
Những bức thư từ chiến trường miền Nam
14/11/67
Em yêu quý,
“Hôm nay anh tranh thủ thời gian, dùng ngòi bút đen trên trang giấy trắng” viết thư cho em. Viết đúng văn bản của Liên cho mẹ con em cười cho vui đấy nhé!
Sau một thời gian đi đường tương đối vất vả, có chỗ anh phải trải qua bom đạn của giặc, anh đã đến nơi an toàn và mạnh khỏe. Chỉ rơi một cái túi nilon to trên đường đi.
Ở đây từng giờ từng phút các đồng chí và đồng bào ta chiến đấu với quân thù, cho nên thời giờ làm việc của mọi người đều hết sức khẩn trương và tranh thủ. Ngay từ hôm mới đến, anh và các đồng chí cùng đi, đã bắt tay ngay vào việc. Làm ngày, làm đêm, chẳng kể giờ giấc và rất hăng say. Đừng tưởng vì thế mà cuộc sống ở đây không tươi vui đâu nhé! Mới có mấy ngày như thế ,mà anh đã xem văn công 2 lần rồi đấy: rất hay và rất cảm động. Ở đây văn công diễn cả trưa và cả tối, nhiều người xem cũng phục vụ mà ít người xem cũng phục vụ. Nói chung là ở đây tinh thần phục vụ thì không có chỗ nào chê được.
Anh vào đây, tất nhiên điều kiện ăn uống chẳng được như ở nhà, nhưng anh lại ăn được nhiều hơn và ngon miệng hơn ở nhà. Có sẵn thuốc bổ đem theo anh uống luôn thành ra rất tốt. Như thế chắc em cũng yên tâm khỏi lo cho anh đấy nhỉ? Anh nhớ em lắm đấy. Mẹ con em ở nhà thế nào ? Khỏe cả chứ? Từ hôm ấy đến nay, em đã vào Trại thăm bà và các con lần nào chưa. Bà có khỏe không? Anh còn hơi ân hận là đêm hôm ấy vào chơi, vội quá chỉ vào được với các con, mà không thăm bà được. Nhớ và thương bà lắm. Phải gắng diệt mau giặc Mỹ, để cả nhà lại đoàn tụ.
Em với anh và các con cùng thi đua nhé. Xem ai làm tốt phần việc của mình hơn, ai cống hiến được nhiều hơn là người ấy được. Giải thưởng là gì chờ anh về sẽ xác định. Em có đồng ý thế không ?
Hồi này, chắc ngoài ấy rét lắm rồi đấy nhỉ ? Em và các con đi làm thường đi sớm về khuya, cần chú ý giữ gìn sức khỏe đấy. Bây giờ chịu khó đi bộ, đi tầu điện và cố gắng tập đi xe đạp. Khi anh về, nếu thích ngồi đèo, anh lại đèo nhé! Ở đây có hôm ngủ dậy, anh chợt quên là sắp đèo em đi làm.
Thời giờ của những người thân yêu xa nhau thật là dài, gấp mấy thời giờ những ngày thường. Nhưng em ạ, do tình hình công tác khẩn trương với không khí làm việc và chiến đấu sôi nổi xung quanh ta, rồi em xem, cứ vắt chân lên cổ mà chạy, cũng chẳng đuổi kịp thời gian đâu.
Em có nhớ ngày kháng chiến năm xưa không. Vợ chồng con cái chúng mình xa nhau bao năm, mà chợt cái, kháng chiến thắng lợi, ta đã kề bên nhau. Tới đây rồi cũng thế em ạ, chiến thắng xong anh về, gặp nhau ta sẽ thấy thời gian đi qua như giấc chiêm bao. Có phải thế không em ? Vậy mới có câu hát là: " Hẹn rằng chiến thắng vinh quang anh về". Hà hát cho mẹ nghe câu ấy đi.
Thôi nhé, tạm ngừng bút, chúc em khỏe, vui và tiến bộ, tiến bộ thật nhiều nhé ! Em nói với các đồng chí thủ trưởng của em, là anh gửi lời hỏi thăm và chúc sức khỏe. Anh gửi lời thăm Tấn, các đồng chí khác, các con gái nuôi của cậu và con dâu, con rể tương lai nhận liều của chúng ta nhé.
Anh đi vắng, em cố gắng tranh thủ viết thư thăm ông, bà luôn nhé. Nhất là ba, ba thường rất mong mỏi tin tức của các con đấy. Viết thư cho ba,me cũng là nguồn động viên, an ủi rất tốt đối với các cụ đấy. Em bảo cả các con từ Liên trở lên đến Thư, Hà, phải thường xuyên viết thư hỏi thăm ông bà, thay bố, trong thời gian bố đi vắng nữa đấy. Anh phải đi làm việc đây. Hôn em thật nhiều. Chồng của em.
Đạt.
20/11/67.
Em yêu quý.
Hôm nay lại có dịp viết thư về cho mẹ con em. Không hiểu thư trước đã đến tay em chưa? Thư ấy anh gửi cách đây một tuần lễ. Thấm thoát anh đi đến nay, có lẽ ngày em nhận được thư này thì cũng tròn một tháng đấy.
Em và các con ở nhà vẫn mạnh khỏe đấy chứ? Mới đây nghe đài thấy tin giặc Mỹ lại bắn phá Hà Nội, có cái vui mừng là quân dân Hà Nội đã bắn rơi nhiều máy bay địch nhưng không khỏi nghĩ đến em và các con, tuy anh vẫn nghĩ rằng có chiến đấu thì phải có thương vong. Em và các con còn ở Hà Nội công tác như vậy cũng là đang đứng ở một vị trí chiến đấu mà Đảng và nhân dân giao phó.
Hãy dũng cảm mà hoàn thành nhiệm vụ em nhé, các con nhé. Có như thế mới thấy hết được cái vui sướng, cái vinh quang của người chiến thắng ngay bây giờ và cả sau này.
Anh ở đây vẫn mạnh khỏe như thường, làm việc ngày đêm nhưng vẫn ăn ngon và ngủ tốt. Tất nhiên khi tỉnh ngủ ngủ vẫn nhớ đến em, đến các con và nghĩ rằng lúc này đây em ngủ hay thức, các con, những đứa lớn đi làm đêm hay làm ngày, những đứa nhỏ ngủ ở Trại trẻ có rét không…
Càng nghĩ đến em, đến các con, đến bố mẹ, đến những người thân, càng thấy phải cố gắng nhiều hơn để góp việc mau chóng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để gia đình đoàn tụ. Chắc tâm tư tình cảm của em cũng thế thôi, em nhỉ? Nhớ ngày nào chia tay em ra đi đánh Pháp mới có mình Hà, sau thêm Lập, nay có cả đàn con rồi, anh lại lên đường đánh Mỹ, nhưng khác trước là lần này cả anh, cả em và các con cùng đánh Mỹ cứu nước, tuy vị trí từng người có khác nhau. Đó là niềm tự hào của anh và càng yêu quý em và các con hơn.
Chủ nhật vừa rồi em có vào chơi với Mợ và các con không? Có đưa được thư của bố cho các con đọc không. Nguyệt, Phương, Liên Tuyết và cả bà nữa chắc mong tin anh lắm nhỉ.
Mùa rét em hay bị buốt chân lắm đấy, giá như có anh ở nhà xoa cho thì khỏi ngay đấy nhỉ, chịu khó bóp bằng “salicylate de methyl” đi nhé! Sáng dây đi làm cũng rét đấy. À em vẫn ngủ ở nhà hay ở Viện? Nếu rét quá mà các con đi làm đêm thì đừng về cho khổ thân nhé.
Đã quá hạn lấy quần áo của anh may ở 20 Cửa Đông rồi đấy, em đã lấy về chưa? Ở đây mà viết thư chỉ có vội và vội thôi. Anh sẽ tranh thủ viết cho em dài hơn và viết trước để có người về là gửi.
Anh gửi lời thăm anh Dương, anh Bằng, anh Vĩnh, anh Khang và các chị ấy nhé (Các cô chú hàng xóm của nhà tôi).
Thư sau anh lại viết tiếp.
Hôn em thật nhiều. Chồng của em.
Ngày 01-12-1967
Lộc, Em yêu quý,
Kể từ ngày chia tay em đến nay thấm thoát đã một tháng 2 ngày rồi, công việc mải miết nên thời gian trôi qua nhanh thật.
Em ở nhà có khỏe không? Mấy bữa nay chắc ở Hà Nội rét lắm rồi đấy nhỉ. Anh ở đây chưa đến nỗi lạnh lắm. Đêm nằm quần áo chỉnh tề như ban ngày và đắp thêm cái vỏ chăn, thế thôi.
Rét nhiều thì em ngủ lại cơ quan thôi, đừng về nhà nữa, rét buốt khổ thân nhé. Đi sớm về khuya, tầu xe vất vả thêm. Nếu ngủ ở đấy thì mang cái chăn len của anh đi mà đắp. À anh vội đi cũng quên dặn em là em định may áo quần gì thì may đi mà mặc kẻo rét nhé, may cho các con, xem đứa nào thiếu gì thì may cái ấy. Riêng Liên thì mua cho cái áo bông nhé như ta vẫn bàn với nhau từ năm ngoái. Em nhớ nhắc mợ cứ mặc quần áo lành cho ấm nhé, không có bà lại lo để dành mà chịu rét đấy.
Tình hình sức khỏe của em thế nào em phải nói rõ cho anh biết nhé, viết thật nhiều vào, con cà con kê có gì nói hết, ở đây anh chỉ mong tin em và đọc nhiều chữ của em thôi. Nếu em mong thư anh thế nào thì anh cũng mong thư em như thế. Như vậy em phải viết cho anh bằng 3 lần anh viết về đấy. Đừng có lười. Cứ viết thư sẵn sàng đi để sẵn ở túi ấy, hôm nào có người vào thì anh Bào sẽ đến lấy gửi vào hộ cho.
Anh ở trong này, trộm vía, cũng khỏe, ăn được ngủ được. Vào đây hết thuốc lá phải chuyển sang hút thuốc lào rồi. Giá ở nhà thì em đã tiếp tế cho anh rồi đấy. Lúc ấy lại càng nhớ em, em yêu nhỉ. Nếu tiện thì khi nào em gửi thư cho anh, cố gửi theo mấy bao thuốc lá nhưng phải gói nilong thật kỹ cho khỏi mốc nhé, gửi dăm bao thôi để người mang không ngại.
Hôm anh vào đây, đi đường máy bay giặc Mỹ nó “cù” mấy lần, bom đằng trước, bom đằng sau nhưng chẳng làm “đếch” gì mình được. Đến nơi anh gặp được một số chiến sỹ, à dũng sỹ diệt Mỹ. Một đồng chí tặng anh chiếc gậy bằng song rất thích. Anh sẽ giữ làm kỷ niệm, khi nào về sẽ mang về. Ở đây có cả những nữ chiến sỹ, lứa tuổi như Hà, con gái mình, có thành tích đánh Mỹ rất cao. Bao nhiêu gương sáng để học tập. Em ạ, đến đây càng thấy rõ tinh thần yêu nước, căm thù giặc Mỹ và tay sai của chiến sỹ và đồng bào là vô bờ, vô bến. Tất cả đều chiến đấu và công tác với một tinh thần không mệt mỏi, không từ một khó khăn, gian khổ nào, không hề lùi bước trước bất cứ một hy sinh ác liệt nào. Không hề có mảy may lo nghĩ tính toán gì cho cá nhân mình, cho nên bọn Mỹ và tay sai chỉ có thất bại thảm hại và chết mà thôi. Thắng lợi đối với ta không còn là chuyện xa xôi nữa đâu em ạ. Anh sẽ cố gắng cho xứng đáng với những người đi trước, còn em và các con ở hậu phương cũng phải thi đua với tiền tuyến chứ nhỉ.
Kể từ ngày vào phục vụ công tác trong quân đội, em đã có nhiều cố gắng và tiến bộ hơn trước cả về nhận thức và tư tưởng. Trong phong trào thi đua “Đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược” lần này, chắc chắn em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Anh rất hy vọng và tin tưởng ở sự cố gắng nổ lực của em.
Em yêu quý, xa em, anh thấy nhớ và càng yêu em hơn, càng nỗ lực công tác hơn để em luôn luôn có thể tự hào là mình có một người chồng xứng đáng, và như vậy ngày về gặp nhau, hạnh phúc càng nồng, tình yêu càng mặn, phải không em, còn hơn ngày mới cưới là khác ấy em nhỉ. Em thấy đúng không, viết thư cho anh nhé! Nhận được thư này, phải tranh thủ mà viết ngay thư cho anh và sẵn sàng để anh Bào đến thì có thư ngay để gửi, vì thường người ta đi rất gấp.
Thôi nhé, lại để thư sau anh viết tiếp. Hôn em thật nhiều.
Chồng của em
Ngày 30/12/67
Lộc, vợ yêu quý của anh.
Trưa nay vừa ăn cơm xong (12 giờ) thì anh nhận được thư của em và các con.
Đúng 2 tháng 2 ngày thì có thư. Mong mỏi vô cùng và sung sướng vô cùng. Đọc thư em và các con, tưởng như em và các con đang đứng cạnh anh. Vui quá. Đọc thư mẹ, rồi đọc thư con, đọc đi rồi đọc lại, cứ muốn đọc chầm chậm cho lâu hết, chưa bao giờ em viết thư cho anh dài như lần này, mà anh vẫn cảm thấy như ngắn quá. Cả thư của các con nữa. Đọc đến giòng nào, em viết gì, con viết gì, anh thấy như em, con ngay trước mặt anh, vừa cười, vừa nói. Có xa nhau mới thấy hết giá trị của tình cảm trên thư từ. Chắc khi em nhận được thư anh, các con nhận được thư bố cũng thế thôi. Cho nên có dịp là anh viết thư ngay cho em, cho các con khỏi mong nhớ.
Anh đi công tác, chắc em không khỏi lo cho sức khỏe của anh. Nếu như ngày Kháng chiến lần trước, anh đang còn trẻ, khỏe, thì chỉ có nhớ, chứ đâu có lo em nhỉ? Em lo thì cũng phải, bây giờ anh cũng nhiều tuổi, lại đau yếu, sao em không lo được. Nhưng thực ra thì anh vẫn khỏe em ạ. Anh vẫn ăn tốt, ngủ tốt, vẫn được tổ chức bồi dưỡng cho đầy đủ., anh vẫn đủ sức để làm việc, còn khỏe hơn ở nhà là đằng khác. Anh thấy anh khỏe lên chính là vì nhiệm vụ, vì điều kiện công tác hết sức khẩn trương và nặng nề, đòi hỏi mình phải tập trung cao độ tinh thần và năng lực vào đó nên át hết cả mệt nhọc và đau yếu. Cũng ví như chuyện cổ, tổ tiên ta là Thánh Gióng, tuy bé nhỏ nhưng vì căm thù giặc Ân giày xéo đất nước nên vừa vươn mình, thét to lên một tiếng, mà người cao lớn lên hang trượng, nhổ bật cây tre làm vũ khí, nhẩy lên mình ngựa sắt, phóng như bay ra chiến trường đuổi giặc, cứu nước. Câu chuyện có tính thần thoại nhưng toát lên một điều là: Tinh thần, tư tưởng con người là yếu tố quyết định. Nếu cứ cho mình là già yếu, ốm đau thì chẳng làm nổi chuyện gì. Nhưng nếu nung nấu căm thù, vươn lên, lấy tinh thần mà chiến thắng bệnh tật, lấy tuổi thanh xuân của cách mạng mà khắc phục nhược điểm của tuổi đời, thì chẳng cái già, cái yếu nào kìm hãm được mình. Anh là đảng viên, Đảng gọi, nhân dân cần, anh lên đường làm nhiệm vụ. Đó là một điều vinh dự không gì so sánh được. Có nghĩ đến những ngày nô lệ xưa, mới thấy hết cái vinh dự ngày nay, có phải không em. Quét sạch bọn giặc Mỹ và tay sai của nó, lần này về, vợ chồng mình sẽ trẻ lại vài chục tuổi em ạ. Thật đúng như lời Bác dạy: Lúc đó thì hạnh phúc hoàn toàn thuộc về nhân dân ta, vợ chồng con cái gia đình chúng ta và mãi mãi về sau. Viết đến đây anh như khỏe hẳn lên em ạ. Em vui chứ? Cách đây một tuần, anh đi công tác, làm việc suốt 28 giờ đồng hồ liền, không ngủ, không nghỉ, mà khi về cũng chẳng nghỉ bù một giờ nào mà không ốm đau gì cả. Em mừng cho anh chứ? Anh nói thật đấy chứ chẳng phải nói cho em yên lòng đâu. Còn em thì thế nào? Em có hứa với anh là khi anh về thì em cũng đã đi thạo xe đạp không? Hứa chứ? Hôm nọ tiện đến chỗ có giây nói. Thật là dịp hiếm có, định nói chuyện trực tiếp với em, nhưng em bận không lên nói chuyện được, anh hơi tiếc nhưng cũng hình dung lúc đó em đang tíu tít bận thanh toán cho các đồng chí ra, vào Viện. Anh đã nhắn Minh báo cho em biết là anh khỏe, Minh có nói lại với em không? Cách nhau hàng ngàn dặm mà nói được với nhau vài câu thì cũng thú vị nhưng em bận, vì nhiệm vụ, anh cũng thông cảm với em.
Mấy hôm nữa lại đến Tết rồi đấy nhỉ, đã mấy Tết nay anh đều đi công tác vắng, không ăn Tết ở nhà với em và các con, kể thì nhớ lắm đấy, nhưng đời ta còn khối Tết em ạ. Những Tết mà anh có mặt ở nhà với em và các con, tuy vui nhưng vẫn canh cánh bên lòng vì đồng bào miền Nam chưa có Tết. Rồi đây chiến thắng, cả nước sẽ cùng hưởng tết. Có Tết nào vui bằng Tết chiến thắng hả em? Ngày ấy về, anh sẽ mừng tuổi em. Mừng tuổi gì nào? Em đoán đi, mà em cũng đoán được rồi. Hôn em nhé.
Ngày kia, 1/1/1968, chúng ta sẽ bước sang năm mới. Năm mới anh chúc em: mạnh khỏe, vui vẻ và công tác tốt, rất tốt, tiến bộ nhiều. Năm 1968 chắc chắn là năm ta sẽ thắng lớn. Năm 1967 Bác nói: Thắng lợi nở như hoa, thì năm 1968, hoa ấy sẽ kết quả. Anh viết có hay không em? Đối với em, thì tất nhiên anh viết phải hay rồi. Em là nguồn văn vô tận của anh kia mà. Em muốn anh viết nhiều ư? Ừ, anh cũng chiều em và nếu có thời gian và có giấy, anh viết cho em hàng thiếp giấy cũng được. Mà cũng không đủ đâu, viết cả pho sách, anh cũng chẳng ngại. Bây giờ thì tạm thế này thôi nhé. Em bằng lòng nhé!
Anh gửi lời chúc Tết các đồng chí ở 354 nhé!
Hôn em thật nhiều.
Chồng yêu của em.
Thư mẹ gửi bố
Hà Nội,ngày…..68
Mình yêu quý
Nhận được thư anh luôn mà sao thư em gửi không tới anh, em gửi anh Vinh cả ảnh nữa, hôm đó anh Vinh còn cho biết, anh Vinh mang áo lain (len) vào cho anh. Anh đã nhận được áo mà sao thư và ảnh em gửi không tới anh. Thấy anh mong thư em và các con, ruột gan em cứ như lửa đốt. Ở nhà em mong thư anh thế nào thì ở đó anh cũng thế thôi. Lần nào nhận được thư anh, em cũng mừng, cũng tủi, càng nhớ, càng thương không biết đến chừng nào cả, Em nói chuyện nhà cho anh nghe nhé! Ông bà nội, bà ngoại, tất cả các cô, các chú, các con đều khỏe mạnh cả, nhất là em lại càng khỏe và công tác rất tốt, không có gì trở ngại, em còn phải thi đua với anh cơ mà. Em mong mau chóng đến ngày thống nhất để vợ chồng, con cái gặp nhau còn báo công với nhau như trong thư anh đã dặn ấy nhỉ.
Hôm anh gọi giây cho em, Minh nó sang gọi là lúc em đang thanh toán. Bệnh nhân ra, vào Viện vây xung quanh em, không thể nào dứt ra được vài phút mà sang nghe để được thấy tiếng anh, em rất tiếc, tiếc lắm lắm, nhưng tất cả vì bệnh nhân mà phục vụ, em không muốn chậm trễ một 1 tý nào. Xa anh, vắng tiếng, vắng lời anh, em nhớ lắm. Hôm đó, hết ngày làm việc, em lại tiếc ngẩn tiếc ngơ, giá được vài phút nói chuyện với anh có phải sung sướng biết bao không anh nhỉ. Em gửi thư nhờ anh Bào đưa giúp anh đã nhận được chưa?
Hôm nay chú Vận, Minh Hà, cháu Khải sang thăm ông bà nội. Chú Vận khoảng 20.1 thì cũng sẽ vào trong ấy. Cháu Khải bị sức ép của bom, được nghỉ an dưỡng đã khá và được về chơi thăm ông, bà, ở với ông bà ít ngày. Thư cũng mới về phép thăm gia đình, ở quê Thư cũng tốt cả.
Anh ạ, em gửi thư này thì có lẽ đến Tết anh mới nhận được nhỉ. Nói đến Tết em lại buồn. Em định đón bà và các con về ăn Tết mấy hôm cho vui, anh đồng ý nhé! Xe đạp lâu được quá anh ạ, ngày 15.1 này mới xong. Em đã mua 1 đôi săm theo tem và 1 đôi lốp tự do, chuẩn bị đủ cả, chỉ đợi xe được là lắp thôi.
Chủ nhật 7.8.68 em mới đi thăm bà và các con, mấy ngày nghỉ lễ em phải trực không đi được. Phương dạo này học có tiến bộ. Liên, Nguyệt tương đối tốt. Tuyết thì không bằng hồi lờp 6. Nếu có bố ở nhà thì chắc là tốt hơn vì đi thăm các con luôn, kèm cặp con được nhiều hơn.
10.1.68
Sáng nay anh Đôn đến em, anh ấy cho biết sẽ vào chỗ anh, mừng quá, em đã chuẩn bị mấy thứ: giấy viết thư, thuốc lá, dầu xoa, một gói chè Hương và thư để gửi cho anh.
Từ hôm anh đi, Lập mới về chơi có một lần, không biết tết có được về không. Con nó vẫn khỏe, học tập rất tốt. Em gửi biếu anh một quyển lịch 1968 để anh ghi chép những ngày công tác, những chuyện anh hùng, dũng sỹ diệt Mỹ hoặc những chiến thắng lớn trong đó, khi về em được nghe anh thuật lại hay xem lại thì thú vị lắm anh ạ.
Các đồng chí trong đơn vị em gửi lời thăm anh. Đồng chí Chương về Cục rồi, thay đồng chí Long.
Anh hồi này ăn uống thế nào? Thuốc men có còn để bồi dưỡng sức khỏe không? Anh viết thư phải luôn nói cho em nghe về sức khỏe của anh đấy. Có sức khỏe tốt thì làm việc mới tốt được và phải làm việc nhiều hơn nữa kháng chiến chống Mỹ mới mau chóng đến ngày thắng lợi, gia đình mới mau chóng đến ngày xum họp.
Thôi em nghỉ một chút, sắp đến giờ làm việc rồi, hẹn thư sau viết tiếp. Nếu thư này đến đúng dịp xuân sang, em xin chúc anh sức khỏe dồi dào, nhiều thành công trong công tác. Cho em gửi lời chúc các đồng chí cùng làm việc với anh đón xuân vui vẻ, luôn luôn khỏe mạnh, và đạt nhiều thành tích trong năm mới nhé!
Hôn anh, vợ của anh.
Những năm tháng tiếp theo.
Đầu năm 1969, bố tôi trở về miền Bắc.
Tháng 8 năm 1969, Bộ Cơ khí và Luyện kim được thành lập trên cơ sở tách từ Bộ Công nghiệp nặng, bố tôi được biệt phái sang đó làm việc cho đến ngày nghỉ hưu, năm 1983.
Trước khi tôi đi Liên Xô 7/1971
Bố mẹ tiễn con trai vào mặt trận Quảng Trị năm 1972
Mừng thọ bố 70 (1991)
Khi nghỉ hưu, có lẽ đã trở thành “triệu phú thời gian” nên bố bắt đầu làm thơ. Đầu năm 2001, trong thời gian vào chơi với họ hàng, con cháu trong Sài gòn, bố nhờ tôi đánh máy tất cả các bài thơ bố đã làm (1983-2001) và đóng thành quyển “TẬP THƠ ĐẦU TAY CỦA TÔI”. Bố tặng cho các con mỗi người một quyển như món quà tinh thần lưu lại mãi cho các thế hệ sau của gia đình.
Bố viết trong trang đầu của tập thơ tặng gia đình tôi:
“Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04,7,2001
tức 14 tháng 5, năm Tân Tỵ
Các con: - Nguyễn Hoàng Anh
- Hoàng Ánh Tuyết
Và các cháu: - Nguyễn Hoàng Quân
- Nguyễn Hoàng Kiên.
Còn hai ngày nữa là bố mẹ về Hà Nội
Bố mẹ nhớ các con, các cháu lắm.
Trong thời gian bố mẹ ở chơi trong này với các con, các cháu, bố đã hoàn chỉnh tập thơ đầu tay của bố. Bố rất yêu thơ từ thưở nhỏ, nhưng không thích làm thơ, mãi đến khi về hưu (năm 1983), có sự thay đổi đột ngột trong cuộc sống của bố, chuyển sinh hoạt đảng từ cơ quan về địa phương, bố tức cảnh mới làm bài thơ “Về hưu”, bài thơ đầu đầu tiên của bố, và từ đó bố mới bắt đầu học làm thơ và làm thơ. Từ bấy đến nay cũng đã gần hai chục năm rồi, tuy thế thơ bố chưa hay đâu, còn phải học và làm nhiều nữa thì mới hay được phải không các con, cháu? Tuy nhiên từ thâm tâm bố, bố tự nghĩ là mình phải có cái gì thuộc về tâm tư, tình cảm mà để lại cho con cháu, anh chị em ruột thịt làm lưu niệm mãi mãi về sau, nhiều đời sau nữa….mỗi khi nghĩ đến cha, mẹ, ông bà, giở ra đọc cho tâm hồn thư thái.
Vô cùng thương nhớ các con, cháu…
Hoàng Phát Đạt.
Và đây là bài thơ đầu tiên của bố (1983):
VỀ HƯU
Bốn phương tụ lại nơi đây
Về hưu nhưng vẫn dựng xây đảng mình
Tiếp tục sự nghiệp quang vinh
Vì dân, vì nước tận tình tham gia
Cùng đồng chí, con một nhà
Mối tình giai cấp thiết tha, mặn nồng
Ghé vai gánh lấy việc chung
Có dân, có Đảng, quyết không ngại ngùng
Dù cho có khổ, khổ chung
Khó khăn, khắc phục, sai cùng sửa sai
Phát huy truyền thống anh tài
Dựng xây đất nước, tương lai sáng ngời.
Mai ngày khổ cực qua rồi
Cháu con ta sẽ đời đời ấm, no
Nay còn sóng cả, gió to
Muốn thuyền tới đích, phải lo chống chèo
Dù cho có khó trăm chiều
Có dân cùng liệu, mọi điều phải xong
Chân trời đã ló mây hồng
Mây đen đang tản, vầng đông sáng rồi
Đấu tranh cho trọn cuộc đời
Sao cho chân lý, sáng ngời nước non.
Trong thời gian này, nhân một lần Bình NH – CL77 vào Sài Gòn công tác, một số anh chị em KGU tụ tập ở nhà tôi, bố tham dự cùng mọi người, trò chuyện, nói cười vui như tết.
Không thể nào ngờ được, đấy là lần cuối bố vào Sài Gòn chơi với con cháu. Đấy cũng là lần bố, mẹ ở chơi với chúng tôi lâu nhất.
Ngày 2, tháng 9, năm đó (2001), tức ngày rằm tháng 7 năm Tân Tỵ, vào hồi 10g sáng, sau một cơn đau tim đột ngột, bố tôi đã ra đi mãi mãi, để lại cho đại gia đình chúng tôi nỗi đau đớn tột cùng, sự mất mát lớn lao không gì bù đắp được và niềm nhớ thương vô hạn. Khi chuẩn bị “hậu sự” cho bố, mọi người mới phát hiện một bộ bộ quân phục bố đã chuẩn bị sẵn từ năm 1986, kèm theo mảnh giấy, bố viết:
Bố rời xa chúng tôi đã 11 năm rồi nhưng hình ảnh của bố luôn bên cạnh chúng tôi trong cuộc sống hàng ngày, rất gần gũi, rất thân thương như bố chưa hề vắng bóng trên cõi đời này.
Bài viết này, được hoàn thành vào đúng 22.12.2012 – Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, như một nén nhang, tưởng nhớ bố - “anh bộ đội Cụ Hồ” năm xưa.
Người post: TuyetHA
Ngày đăng: 22-12-2012 16:04
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |