KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 01 Tháng một. 2013

Năm 1972




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Hồ cá Thác Bà, nơi tôi từng sơ tán trong năm 1972

 

Lại một năm nữa, năm 2012, sắp trôi qua. Mỗi năm một ít sự kiện, một ít ghi nhớ vào tâm trí tôi. Nhưng cái năm 1972, đã 40 năm trôi qua rồi, vẫn là một năm đọng lại nhiều những sự kiện nhất. Tôi đã sống cùng đất nước những thời khắc không bao giờ quên, những thời khắc đến với một cậu bé sắp tốt nghiệp phổ thông. Tôi đã trải nghiệm nhiều phần của cuộc sống thời đó, cả khó khăn lẫn bi thương, hào hùng, đã hiểu rằng tôi sẽ gắn bó mãi mãi với đất nước tôi qua những biến động không bao giờ quên của năm 1972.

Mùa hè đỏ lửa 1972

Sau Tết năm 1972, miền Bắc có nhiều thay đổi. Các đợt tuyển quân rầm rộ hơn. Không khí chuẩn bị cho một trận đánh lớn được thể hiện rõ ở hậu phương miền Bắc XHCN. “Tất cả cho tiền tuyến”, câu khẩu hiệu có từ nhiều năm dường như được nhấn mạnh hơn vào thời gian đó. Cứ đến mùa Xuân hàng năm (thực chất là mùa khô, mùa thuận lợi cho phía bộ đội ta có thể mở được những chiến dịch quân sự lớn), cái không khí ấy lại rộn rã từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi. Cả nước đang đợi chờ một trận đánh lớn của Xuân Hè 1972.

Sau Mậu Thân 1968, người Mỹ hiểu được họ không thể thắng trong cuộc chiến tranh VN. Tháng 5/1968 Mỹ buộc phải ngồi vào Hội nghị bốn bên (Mỹ, VNDCCH, Chính quyền SG và Chính phủ lâm thời cách mạng Nam VN) tại Paris về hòa bình cho VN. Nước Mỹ phải rút khỏi cuộc chiến đó, nhưng nước Mỹ đã làm đủ cách để rút ra trong danh dự. Chúng thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, tuyển quân và huấn luyện, trang bị đến tận răng cho quân đội SG, đồng thời tiến hành bình định mạnh mẽ ở nông thôn miền Nam, đẩy bộ đội ta ra xa các thành thị, vốn bị bất lợi sau các đợt đánh vào thành thị chưa đủ chiều sâu năm 1968. Nước Mỹ rút được khá nhiều quân khỏi cuộc chiến, sau khi hà hơi tiếp sức, đẩy quân đội SG ra chiến trường, chủ yếu giữ vai trò cố vấn và yểm trợ hỏa lực (rất mạnh mẽ) phía sau. Hội nghị Paris sau 4 năm vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể. Tất cả vẫn quyết định trên chiến trường.

Quân ta đã chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch Xuân Hè 1972. Chiến dịch mở màn tháng 3/1972, trên các mặt trận Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Ngày 1/5/1972, ta giải phóng thị xã Quảng Trị. Trước đó ta đã giải phóng thị trấn Lộc Ninh, và đặt thủ đô của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại đó.

Nước Mỹ buộc phải tham chiến ồ ạt để cứu chính quyền SG, chủ yếu bằng sức mạnh của không quân và hải quân. Nổi bật nhất là cuộc đấu trí, đấu sức đẫm máu nhất của chiến tranh VN tại chiến dịch tái chiếm thị xã Quảng trị 81 ngày đêm, bom đạn Mỹ thả bom đạn xuống mảnh đất chưa đầy 3km2 tương tương với sức nổ 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.

Tổng thống Mỹ Nixon cho tiến hành chiến dịch Linebacker (chốt chặn cuối cùng) bằng không quân vào miền Bắc, nhằm hạn chế sự chi viện của ta đối với miền Nam và cũng là để thị uy trên bàn đàm phán tại Paris. Ngày 16/4/1972 (là một ngày chủ nhật), không quân Mỹ tập kích HN, B52 Mỹ rải thảm HP. Một máy bay Mỹ bị bắn rơi vào hôm đó ở ngay phố Lê Trực.

Máy bay Mỹ rơi ở phố Lê Trực sáng 16/04/1972

Ngay đêm 16/4/1972, HN được lệnh sơ tán nhân dân khỏi thành phố. Trường học tạm đóng cửa. Ngày hôm sau tôi cùng với ông bà ngoại sơ tán theo cơ quan của ông ngoại tôi (NXB Văn học) về làng Mía, gần thị xã Sơn Tây (bây giờ nằm trong xã Đường Lâm, điểm duy lịch nổi tiếng của HN). Tôi còn nhớ như in trên quãng đê sông Đáy mờ sáng 17/4/1972 khi đó, người HN rồng rắn nhau với các thử đồ lỉnh kỉnh xoong nồi, bếp dầu, chăn màn, rời thành phố đi về những miền quê. Công cuộc sơ tán nhanh gọn khẩn trương hơn nhiều so với thời chiến tranh phá hoại 1965-1968. Chẳng gì Mỹ đã cho B52 rải thảm tại HP rạng sáng 16/4/1972, điều mà chúng sẽ làm vào tháng 12/1972 với HN. Không thể đùa với B52 được.

Mấy hôm sau tôi quay về HN để lấy học bạ. Nhà trường trả học bạ cho học sinh để có thể tiếp tục sau này ở nơi sơ tán. Học sinh nào cũng được lên lớp mà không phải thi học kỳ 2. Với chúng tôi đơn giản, khi đó cũng học gần xong chương trình lớp 9. Nhưng với các anh chị lớp 10, họ còn phải thi tốt nghiệp và thi đại học. Chắc hẳn với họ đó là những kỳ thi đặc biệt không bao giờ quên. Họ phải thi từ rất sớm trong ánh đèn dầu để còn kịp kết thúc trước giờ cao điểm ném bom của không quân Mỹ.

Với tôi kỷ niệm năm lớp 9 là việc kết bạn với lớp chiều của trường Ba Đình. Không hiểu từ đâu ra có cái mốt viết thư cho lớp buổi chiều rồi kẹp vào ngăn bàn. Tôi viết thư, chữ nắn nót và ký là QN, bạn lớp chiều không rõ tên là gì, cứ tưởng là bạn nữ (Quỳnh Nga chẳng hạn) vì chữ viết nắn nót của tôi hơi có vẻ con gái. Cuối cùng chúng tôi cũng gặp nhau. Bạn ngồi đúng chỗ của tôi là bạn tên là Lương, hình như là lớp 9B trường Ba Đình. Bạn Đỗ Hòa Bình cùng tổ 3 với tôi cũng làm quen tương tự với một bạn là Tiến. Chúng tôi còn đến nhà nhau chơi. Tình bạn học trò thật vô tư, chúng tôi chỉ là những lớp cùng ngồi một chỗ mà chơi với nhau. Nhưng tôi và Lương không được nhiều thời gian quen nhau. Các bạn đủ tuổi được gọi nhập ngũ. Bạn Lương kể trên cũng nằm trong số ấy. Chúng tôi, một số bạn 9I Chu Văn An đã đi tiễn các bạn trường Ba Đình. Tôi kịp trao đổi ảnh với Lương (cái ảnh ấy vẫn nằm trong album của tôi hiện nay). Ít ngày sau, chúng tôi đau đớn nhận được tin Lương đã hy sinh tại Quảng Bình do B52 oanh tạc trên đường hành quân vào Nam, bạn ấy chưa vào đến miền Nam. Tình bạn của chúng tôi quá ngắn ngủi nhưng nó theo tôi suốt cuộc đời như nhắc lại tuổi thơ trong sáng và bi thương của tôi trong những tháng năm chiến tranh.

Sơ tán đến bốn nơi trong 1972

Tính ra tôi đã đi sơ tán 9 địa phương qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Riêng năm 1972 tôi đã qua bốn nơi. Kiến thức về nông thôn Việt Nam, về cuộc sống của người nông dân tôi có được do những lần sơ tán này. Tôi biết bơi từ ao hồ của ngoại thành HN. Tôi biết đến bắt cua, bắt cá ở cánh đồng của Bắc Giang. Tôi biết đến sân kho hợp tác mà có thể nô đùa, đá bóng thoải mái của Hà Tây. Tôi biết đến mùi thơm lúa mới, biết đến cơn gió mát ven đê, đến ánh trăng vằng vặc nơi thôn quê cũng qua các nơi sơ tán. Nếu không đi sơ tán, tôi cũng chẳng thấy được cái hay, cái đẹp của thơ Nguyễn Bính.

Người HN sơ tán khỏi thành phố. Các em học sinh khi đó luôn đội trên đầu chiếc mũ rơm để tránh mảnh đạn

Làng Mía là một ngôi làng trung du, nhà dân hầu hết xây bằng gạch đá ong. Giếng sâu và nước trong vắt. Làng Mía sạch sẽ hơn những nơi tôi đã qua. Tôi ở với bà ngoại, còn ông tôi suốt ngày đi họp, tối mới về. Ông tôi còn hay về HN làm việc. Bà chủ nhà của tôi ở một mình, có cậu con trai đi làm cách mấy chục cây, cuối tuần mới về thăm mẹ. Người dân khi đó rất tốt, họ bao bọc người HN về quê họ sơ tán. Tôi đã đi sơ tán nhiều nơi, đến đâu người dân địa phương cũng tốt như vậy. Khi chiến tranh ác liệt, bom đạn, người ta rất tử tế với nhau mà chẳng cần điều kiện gì. Cùng nhau sống qua sự ác liệt, vượt qua những trận bom, những sự chết chóc là quý lắm rồi, còn có cần gì nữa đâu. Giá như sức mạnh ấy của dân tộc Việt được phát huy vào lúc này, khi phải xây dựng đất nước?

Mà sao hồi ấy tôi chẳng biết gì về cái làng Mía thuộc xã Đường Lâm, nơi sinh ra 2 vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền) nhỉ? Tôi chỉ loáng thoáng có di tích mồ mả gì đó trong xã, nhưng cũng chẳng quan tâm, để ý nó là gì. Thời đó chúng tôi chỉ được học về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, còn những chuyện như danh lam thằng cảnh, di tích văn hóa, truyền thống dân tộc, dường như là phù phiếm, là không cần thiết cho cuộc chiến tranh ác liệt đang còn chưa biết khi nào kết thúc.

Ít ngày sau ở làng Mía, tháng 6/1972 tôi lên Yên Bái, nơi bố tôi công tác ở Hồ cá Thác Bà, cơ quan thuộc Bộ Thủy sản. Thác Bà là đập thủy điện đầu tiên của VN được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, nằm trên sông Chảy (một nhánh của sông Lô), phát điện vào năm 1971 và năm 1972 cả 3 tổ máy phát điện hoàn toàn. Khi ngăn đập tích lũy nước, một hồ lớn được hình thành, dưới lòng hồ là cả đồi núi, rừng cây nên rất nhiều thức ăn cho cá. Hồ được thành một nơi nuôi cá rất tốt.

 Tôi lên thăm bố và cũng là đi sơ tán (khái niệm sơ tán hồi đó là đi đâu đó xa HN vài chục km). Tôi theo ca-nô của cơ quan bố tôi đi thăm vòng quanh hồ Thác Bà, được câu cá và ăn những con cá tươi ngon ngay khi còn giẫy đành đạch. Cá rất béo (vì có rất nhiều thức ăn trong lòng hồ), nặng hàng kg, khi kho một lớp mỡ phủ đặc nồi cá kho. Chưa bao giờ tôi được ăn cá tươi ngon như vậy. Tôi cũng vào rừng chặt tre nứa cho bố tôi dựng lán, làm củi đun. Lần đầu tiên tôi biết đến con vắt, nhỏ hơn đỉa nhưng ở rừng (trên cạn), bám người và hút máu. Tôi bị mấy con bám vào chân, và tôi nhổ nước bọt vào chúng để gỡ chúng ra. Tôi cũng được tắm suối chảy từ lòng núi ra, mát lạnh thật sảng khoái giữa mùa hè nóng nực.

Đập thủy điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của Thủy điện VN do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và lòng hồ Thác Bà

Đặc biệt tại Yên Bái tôi được chứng kiến nhiều trận đánh chống trả không quân Mỹ. Chẳng là đập Thác Bà là một mục tiêu ném bom của Mỹ (đến 1975 ta mới hồi phục hoàn toàn các tổ máy phát điện). Tại Yên Bái có một sân bay quân sự của không quân ta, chứa các máy bay MIG-17. Tôi đã chứng kiến MIG -17 của ta quần nhau với F4 của Mỹ khoảng gần 30 phút, không bắn được nhau và sau đó dừng truy đuổi nhau (có thể do hết xăng). Một lần khác tôi chứng kiến tên lửa ta hạ máy bay Mỹ rất ngoạn mục. Quả thứ nhất bắn lên, chiếc F4 rẽ phải ngoặt xuống đất tránh quả tên lửa, được một quãng thì bị quả tên lửa thứ 2 bắn muộn hơn đón đầu. Chiếc máy bay không kịp tránh quả thứ 2 và trúng tên lửa, bốc cháy dữ dội. Hai quả được phóng lệch nhau và có tính toán rất kỹ. Tên phi công kịp nhảy dù ra, tôi nhìn rõ dù nó lơ lửng trên không rồi rơi xuống rừng cách chỗ tôi chừng 3, 4 km. Nhân dân hò reo đi bắt phi công Mỹ, tên này sau đó bị bắt và được giải lên tỉnh đội. Nghe nói trước khi bị bắt nó alô liên tục, chắc là gọi đồng bọn đến cứu.

Tôi quay về HN để theo mẹ tôi cùng trường Sư phạm HN sơ tán về Đan Phượng, Hà Tây cũ. Khi chưa kịp lên Đan Phượng, đang còn ở HN, tôi đã chứng kiến một trận đánh bom ngay sát nhà tôi (số nhà 91 phố Thợ Nhuộm) vào quãng tháng 8/1972. Máy bay Mỹ bay rất thấp, cắt bom rơi trúng sứ quán Pháp, làm 4 nhân viên, trong đó có Đại sứ Pháp đang tắm bị thiệt mạng. Bom nổ làm nhà tôi rung bần bật, nhà bị nứt lung tung. Tôi khi đó đang trong hầm trú ẩn. Tôi cho rằng Mỹ không chủ ý đánh sứ quán Pháp, mà nhắm một cơ sở của Đài tiếng nói VN gần đó cách khoảng 100m. Nhà tôi cách sứ quán Pháp cũng chừng 100m. Máy bay Mỹ bay quá thấp nên có 1 quả bom bay cày xuyên đường phố Thợ Nhuộm (xuýt trúng sứ quán Ấn Độ đối diện với nhà tôi), chui vào nằm ềnh ềnh ở nhà xí hàng xóm. Nên nhớ bom chỉ nổ khi kíp nổ bị kích hoạt. Muốn thế bom phải rơi gần như theo phương thẳng đứng. Dứt tiếng bom, tôi và máy đứa trẻ trong xóm chạy ra ngoài xem sao, thấy cái rãnh bom cày to tướng, theo hướng của nó thấy quả bom nằm thẳng đứng tựa vào tường trong nhà xí hàng xóm, chừng mấy trăm kg, có cả chữ tiếng Anh mà tôi chẳng hiểu gì. Chúng tôi còn sờ tay lên quả bom, rồi bỏ chạy vì sợ nó phát nổ. Một lúc sau các chú bộ đội công binh đến tháo gỡ quả bom mang đi. Đây là trận ném bom của Mỹ gần nhất mà tôi chứng kiến.

Ở Đan Phượng mẹ con tôi ở cùng với cô Bí thư Đoàn trường tại nhà chị chủ là chủ tịch xã. Chị này rất tháo vát, ngoài công tác của xã còn dệt vải bán thêm lấy tiền. Tại nơi này tôi tập gánh nước từ giếng làng về đổ vào bể của chủ nhà dùng chung. Khoảng cách chừng 300-400m. Hai thùng nước mỗi thùng chứa được 20 lít nước. Lúc đầu tôi phải nghỉ dọc đường vì mỏi vai, sau rồi biết cách đổi vai phải sang vai trái và ngược lại, đi lại nhịp nhàng liền một mạch không phải nghỉ. Tôi còn ra tắm sông Hồng ngay sát làng tôi sơ tán. Sông chảy mạnh lắm nên tôi chỉ bơi ở ven bờ. Về nhà quần áo đỏ quạch, gặt không sạch, biến sang màu cháo lòng, màu của những chất phù sa sông Hồng.

Nơi thứ tư tôi sơ tán chính là nơi chúng tôi học lớp 10 ít ngày đầu năm học 1972-1973.

Lớp 10 học dưới làn bom B52

Hè lớp 9 qua đi, tôi đã sơ tán qua ba nơi. Tháng 10/1972 chúng tôi được trường nhắn gọi về đi học lớp 10, nhưng ở nơi sơ tán. Dạo ấy trường Chu Văn An chia làm hai nơi, chúng tôi về huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Thôn chúng tôi ở là thôn Tràng Cát, xã Kim An. Đầu tiên là phải đi tiền trạm. Lũ chúng tôi gồm tôi (lớp trưởng) cùng mấy tay tổ trưởng (và thêm Minh Hải ham vui), do Thầy Khải, thầy chủ nhiệm, dẫn đầu đạp xe mấy chục km từ HN vào nơi sơ tán. Sau đó bố bạn Hường (khi đó đương là giám đốc Sở Văn hóa HN) cho mượn xe cơ quan, một chiếc xe du lịch Hải Âu, chở đồ đạc lên nơi sơ tán, còn chúng tôi đạp xe.

Tôi còn nhớ chúng tôi chia nhau ở cùng dân, thường 2-3 bạn một nhà. Riêng các bạn nữ có 4 người ở luôn một nhà đầu làng. Tổ 3 chúng tôi chia ra làm 3 nhà. Tôi, Hòa Bình và Minh Hải ở nhà ông chủ tên là An, hai anh em nhà Thuận Hà một nhà, còn Gia Bình và Mạnh Sơn một nhà. Thầy Khải chủ nhiệm lớp tôi ở một nhà riêng. Chúng tôi buổi sáng tự nấu ăn, thường là mỳ không người lái, có chút xíu mỡ và mì chính, xì dầu (đôi khi có các gói súp thịt bò khô vốn rơi vãi từ các thức ăn dành cho quân đội ta ra ngoài), còn 2 bữa cơm nhà ăn của trường nấu cho, chúng tôi chỉ việc đi lấy cơm về nhà ăn. Nói thật chúng tôi bị ăn đói. Cơm thì độn ngô vàng khè, ngô nhiều hơn cơm. Nhà chủ thương mấy cậu học sinh nên thường hay có gì ăn cũng mời chúng tôi, nhất là món khoai luộc. Nói về các bữa cơm tôi vẫn nhớ một kỷ niệm về Trương Gia Bình. Bạn ấy bình thường cũng ăn vài bát cơm như mọi người. Có một hôm, không hiểu vì lý do gì mà cơm độn ngô thừa rất nhiều, chúng tôi mang một rá cơm về, ăn không hết. Gia Bình chợt nói, chúng mày muốn xem tao ăn được bao nhiêu cơm không? Thế rồi hắn lôi bát sắt B52 (bát gần gấp đôi bát sứ về thể tích) của bộ đội nhưng nhiều người dân cũng có, và bảo lấy chai xì dầu đưa ra để cạnh. Sau đó chỉ với chai xì dầu đó, Bình ta xơi 8 bát B52 cơm ngô vàng khè, chúng tôi trợn tròn mắt bái phục sức ăn của Gia Bình. Năm ấy Bình ta sắp 17 tuổi.

Không thể nhắc tới bộ bàn ghế mà mỗi học sinh khi ấy có. Đó là loại cơ động có thể tháo ra gấp lại rất nhanh, gọn đủ cho một học sinh ngồi học. Cái bàn chỉ to bằng hai quyển vở, đủ để viết bài trên một cuốn vở và có cuốn sách giáo khoa bên cạnh. Cái bàn của tôi do tôi tự đóng bằng các đồ gỗ của nhà. Khi đi học ngoài cặp sách chúng tôi còn phải xách cái bộ bàn ghế gấp này đi theo, cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Lớp học không có bàn ghế như ở HN mà mỗi người một cái bàn cá nhân của mình, học xong lại gấp lại mang về nhà, rất cơ động, rất du kích.

Chúng ta liệu có thể quên cái mũ rơm xinh xắn được không? Hồi Giôn-xơn (1965-1968) chúng ta đã biết đến nó. Thời Nich-xơn (1972), mỗi chúng ta đều có một chiếc mũ rơm như hành trang không thể thiếu, chiếc mũ mà chúng ta đeo sau lưng là chính chứ mấy khi đội nó lên đầu, vì nó không nhẹ nhàng gì. Hồi ấy các cô cậu học sinh 10I cũng mỗi người một chiếc mũ rơm, đeo trên lưng khi đến lớp học, còn tay thì xách cặp, tay thì xách bộ bàn ghế kia, ôi lỉnh kỉnh làm sao.

Còn lớp học là một ngôi nhà tranh bé nhỏ được dựng trên miếng đất của làng cho mượn. Trong lớp có bảng đen và bàn giáo viên (cũng loại nhỏ). Chạy hai bên lớp là đường giao thông hào, ra đến tận các hầm chữ A bên ngoài (mỗi tổ một hầm trú ẩn). Để có được công trình khá an toàn này chúng tôi đã phải lao động cật lực, phải góp tiền mua thêm tre của dân để làm kèo chữ A. Thời gian đầu không học gì, toàn đào hầm. Các cô cậu học sinh thành phố đào mãi cũng xong mấy chục mét hào. Khi có kẻng báo động, chúng tôi bỏ sách vở bàn ghế lại nhảy ngay xuống hào và chạy nhanh ra hầm trú ẩn. Kỷ niệm sâu sắc với tôi về việc đào hầm là có lần tôi đứng trên một nắp hầm chữ A (có hơi cao lên một chút), rồi chấp cả lớp cách xa mấy chục mét ném đất thoải mái vào người tôi. Tôi đủ sức tránh những viên đất, cho dù các bạn hò nhau ném tới tấp. Lúc nào không kịp tránh thì lấy tay gạt. Thực ra rất có vẻ dáng dấp của chưởng. Các bạn phục tôi dũng cảm, có biết đâu rằng hồi sơ tán Giôn-xơn mấy năm trước khi còn nhỏ, tôi đã chơi trò này cùng các bạn địa phương, mà là ném đá chứ không phải là ném đất. Sau tôi chui xuống hầm, các bạn được thể mới ném tới tấp, tôi chẳng sợ, ngồi yên trong hầm chữ A, cho đến lúc hết cuộc chơi hơi nghịch một chút.

Hầm chữ A thời chiến tranh chống Mỹ.

Hầm được thiết kế để chống hơi bom, hầm chỉ nghiêng

đi mà không bị sập, do có cấu tạo chữ A.

Buổi chiều chiều sau giờ học hay lao động đào hầm, chúng tôi thường rủ nhau ra tắm trên sông Đáy ngay cạnh làng. Sông bé nên chúng tôi có thể bơi nhiều vòng qua lại hai bờ. Nhiều tay (như Hà Quan Long) lúc này mới tập bơi. Có lần trên bờ sông Đáy chúng tôi chứng kiến trận đấu võ giữa Phan Sấn và Hải Dớ. Hai bố này khoe biết võ vẽ, chúng tôi khích bảo thế thì thử đấu nhau đi để phân tài cao thấp. Luật chơi đưa ra là không đá chân, chỉ dùng tay. Vờn nhau một lúc, bỗng Phan dùng chân đá bốp vào ngực Hải, anh em kêu la ầm ĩ, thế là giải tán chẳng có kẻ thắng mà cũng không có kẻ thua.

Đâu như cuối tháng 11/1972 chúng tôi bắt đầu học lớp 10 sau khi hoàn thành các công việc dựng lớp và đào hầm. Chúng tôi đâu biết rằng hội nghị Paris đang đi vào chỗ bế tắc. Chính quyền SG không chịu điều khoản Mỹ rút quân đội khỏi Nam VN, còn bộ đội  miền Bắc vẫn giữa nguyên vị trí. Để tỏ ra bảo vệ đồng minh, Mỹ đòi ta đổi điều kiện này, bộ đội miền Bắc cũng rút khỏi miền Nam VN. Cả dân tộc chiến đấu gần 30 năm vì mục tiêu toàn vẹn đất nước VN, kẻ xâm lược không thể bình đẳng với người bảo vệ Tổ quốc VN. Mỹ quyết định dùng sức mạnh B52 để khuất phục phía VN. Ngày 14/12/1972, Nixon phê duyệt chiến dịch Linebacker 2, chiến dịch không quân ném bom hủy diệt HN, HP, Thái Nguyên và một vài địa phương khác.

Phái đoàn của chính phủ VNDCCH trở về HN buổi chiều thì buổi tối bọn Mỹ bắt đầu ném bom HN bằng B52, đó là ngày 18/12/1972. Chúng tôi là những người chứng kiến 12 ngày đêm trận Điện  Biên Phủ trên không từ đầu đến cuối, mà cái đêm 18/12 ấy là đêm đầu tiên. Trời HN rực sáng những quả đạn tên lửa (thường bắn từng chùm đôi), những chùm đạn cao xạ và cả những vũ khí nhỏ như súng trường. Thỉnh thoảng bầu trời rực sáng cả một vùng, bắt đầu từ trên cao một chùm cầu lửa rơi xuống to dần rồi nổ tung thành nhiều mảnh sáng. Đó là những chiếc B52 bị trúng tên lửa và rơi xuống đất. Chúng tôi thường thập thò cửa hầm để xem màn pháo hoa hiếm có ấy, có lúc còn đứng ngay ở sân nhà chủ để xem cho dễ. Đêm 19/12/1972 một chiếc B52 rơi ngay xã bên cạnh. Sáng 20/12 Thầy Khải phổ biến nghị quyết của trường tạm dừng học tập và không được rời khỏi khu sơ tán mà phải thường xuyên ở gần hầm trú ẩn. Thế nhưng buổi trưa Thầy lại “bí mật” rủ chúng tôi (Ngọc, Hòa Bình, Minh Hải) đạp xe sang xã bên cạnh xem xác máy bay (dĩ nhiên chúng tôi là những học sinh được Thầy rất tin tưởng). Thật là dịp hiếm có, chúng tôi cùng Thầy đạp xe chừng 5 km, đến một ruộng khoai lang nơi chiếc máy bay rơi. Trước mắt chúng tôi là một cái ao khô rất rộng với lổn nhổn những quả bom chưa kịp nổ nằm ềnh ềnh lung tung sau khi văng xa ra các thửa ruộng bên cạnh. Nhân dân rất đông trèo lên xác máy bay, nhiều người cố gắng vặt những gì có thể vặt được để làm kỷ niệm. Chúng tôi mỗi người cũng làm một mảnh đura, mảnh của tôi còn có logo của không lực Hoa kỳ. Sau này tôi về kê chuồng gà nhà tôi, đến sau khi đi học nước ngoài về thì không còn mảnh máy bay đáng nhớ ấy nữa. Không quy ước nhưng cả Thầy và 3 trò mấy hôm sau đều giữ kín chuyện “vi phạm kỷ luật” này.

Ngày 24/12/1972 nhà trường giải tán cho chúng tôi về gia đình. Chúng tôi tạt qua HN, lấy ít đồ rồi về nơi sơ tán cùng bố mẹ. Đêm 26/12/1972 giặc Mỹ đánh nát phố Khâm Thiên, mấy hôm sau tôi đến nhà Minh Hải, bạn cùng tổ và có nhà ở đầu phố Khâm Thiên, thăm và tận mắt thấy cảnh hoang tàn của khu phố sau trận bom. Đó là những hình ảnh mà suốt đời tôi không thể quên về chiến tranh ngay trên đất HN của chúng ta.

Máy bay B52 cháy trên bầu trời HN cuối tháng 12/1972

Sau 12 ngày đêm ấy, bọn Mỹ chấm dứt đánh phá HN. Chúng không thể dùng bom đạn khuất phục được VN. Hiệp định Paris được tiếp diễn với điều khoán gần như hồi tháng 10/1972. Chúng tôi lại quay về Kim An học tiếp. Chiều ngày 27/01/1973 cả khu sơ tán chúng tôi reo mừng nghe tin Hiệp định hòa bình được ký kết tại Paris. Bữa cơm hôm đó bị bỏ dở, chúng tôi không cần ăn mà vẫn no, cái no say của tuổi học trò biết rằng từ nay chúng tôi và các thế hệ khác sẽ được học tập trong hòa bình, không bom đạn. Mấy hôm sau chúng tôi kéo về HN. Bố bạn Hường lại đánh xe lên chở đồ về. Tết năm ấy chúng tôi đổ về Bờ Hồ xem trận pháo hoa 40 phút mừng thắng lợi. Chưa bao giờ chúng tôi được xem một trận pháo hoa đẹp như hôm ấy, có lẽ cái đẹp được nhân lên trong không khí thắng lợi, không khí hòa bình.

Ngày 29/3/1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi VN. Chúng ta đã thực hiện xong chiến lược “Đánh cho Mỹ cút” của Bác Hồ trong thơ chúc tết năm 1969. Để rồi 2 năm sau, ngày 30/04/1975, quân đội ta giải phóng SG, thực hiện nốt nửa còn lại, “Đánh cho ngụy nhào” mà Bác đã dạy năm nao.

Nhưng tất cả đã được chuẩn bị, được tạo ra từ năm 1972 lịch sử đó. Và tôi không bao giờ quên được những thời khắc đau thương, hào hùng của năm đó, dù đã 40 năm trôi qua.

 

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 01-01-2013 22:10






Xem 1 - 10 của tổng số 29 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HuongNT
19/12/2017 16:28:35

Cám ơn bạn NgọcBQ đã viết một bài rất hay, xúc tích về những năm tháng hào hùng 1972 của đất nước mình, mà cụ thể ở đây là thủ đô Hà Nội. Giọng văn giản dị, cách viết mạch lạc nhưng thực sự cuốn hút người đọc. Hôm nay đọc bài này của bạn làm tôi lại nhớ đến nhg kỷ niệm của mình. Khi đó tôi đang học lớp 10 trường Chu Văn An. Ngày 16/4/1972 máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng, thế là chúng tôi phải nghỉ học. Tôi đi sơ tán cùng các em về quê ngoại ở Mai Lĩnh (khi đó thuộc Hà Tây) chừng 3 tuần thì được báo về thi tốt nghiệp ở Văn Giang (Hải Hưng) rồi sau đó chừng 1 tháng đi thi vào đại học ở Khoái Châu (Hải Hưng). Chúng tooi phải dậy sớm đi thi, làm bài trong ánh đèn dầu vì sợ muộn máy bay Mỹ ném bom. Tôi nhớ hôm thi môn vật lý có báo động phải xuống hầm nên sau đó phải thì lại đề dự bị. Rồi đến tháng 10/1972 tôi được gọi đi học tiếng Nga ở khoa Lưu học sinh trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội sơ tán ở Mỹ Hào (Hải Hưng). 12 ngày đêm trận Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi cứ hướng ánh mắt về phía Hà Nội, bầu trời rực sáng, tiếng bom nổ ầm ầm, tiếng súng cao xạ, tiếng tên lửa nổ vang trời...mà sốt ruột và xót xa kinh khủng vì lo không biết bố mẹ và những người thân ở đó có bị sao không. Rồi khi nhìn thấy máy bay Mỹ cháy như một bó đuốc khổng lồ lao xuống đất thì sung sướng quá hò reo ầm ĩ. Rồi một buổi tối mấy đứa con gái Hà Nội chúng tôi thân nhau quyết chí đi xe đạp về Hà Nội. Đang đi trên đường đất liên thôn thì thấy một chiếc xe com măng ca đi ngược lại thì tôi đã linh tính là bố tôi mà đúng thật. Cụ lên thăm để báo tin nhà cho tôi yên tâm và khuyên không được về Hà Nội những ngày này. Thế là chúng tôi lại phải quay lại trường. Vài ngày sau khi Mỹ dừng ném bom chúng tôi mới đạp xe ra về. Và khi đi qua thị trấn Gia Lâm, một cảnh tưởng đổ nát tan hoang đến giờ vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi.



Từ: ThoaNP
19/12/2017 10:34:13

Mấy hôm nay TV kỷ niệm 45 năm ĐBP trên không, có cả hình ảnh AH Nguyễn Văn Phiệt, bác già hơn nhiều so với ảnh chụp 5 năm trước cùng Ngọc.


Đọc lại bài này của Ngọc lại càng thương yêu đất nước mình. Cảm ơn HT.



Từ: BaLX
19/12/2017 09:24:08

Những mẩu chuyện của Ngọc đã nhắc lại một thời sơ tán với bao kỷ niệm với bà con, bạn bè ở những nơi vùng quê mình đã đi qua. Lứa bọn chị đi sơ tán từ tháng 9/1964 - mùa hè năm 1969. Tất cả những ký ức về một thời gian khó đó vẫn còn đọng mãi trong ký ức chị em mình, và cũng nhờ đó mà tất cả chị em thế hệ chúng mình đã trưởng thành sớm so với các bạn thanh niên bây giờ.



Từ: Guest MaiND
19/12/2017 08:11:39

Cám ơn NgọcBQ về bài viết gợi lại cho chúng ta nhớ lại những ngày khói lửa chiến tranh khốc liệt cách đây 45 năm. Ngày đó tôi vừa tốt nghiệp khóa học bổ túc "B trưởng" tại trường Quân Chính Quân khu Việt Bắc (sơ tán ở Tân Cương Thái Nguyên) và nhận lệnh hành quân từ Thái Nguyên về Đoàn 222 (đóng quân ở Thị trấn Me, Tam Dương Vĩnh Phúc) để đón tiếp anh em thương bệnh binh từ mặt trận Quảng Trị ra an dưỡng và chờ giải quyết chế độ. Trên đường hành quân đêm từ Thái Nguyên về Vĩnh Phúc,, B52 vẫn tiếp tục ném bom chớp nổ ầm ì lóe lên phía Hà Nội, Việt Trì,... Sống sót sau cuộc chiến quá khốc liệt ở Quảng Trị, anh em thương bệnh binh rất  sợ bị đưa trở lại chiến trường nên họ chuồn hết về quê... mãi đến khi Hiệp. định Paris ký kết anh em mới lên đơn vị để được giải quyết chế độ. Tôi ở Đoàn 222 đúng 01 năm, đến 12/1973 tôi được đi ôn thi ĐH ở Trường VH Quân đội ở Lạng Sơn và thi đỗ vào ĐHKTQS. Tháng 09/1974 tôi được phân vào khoa Công trình rồi lại được chuyển sang C196 học tiếng Nga rồi phân đi học Luật ở Kis... Thời gian trôi nhanh vậy, thoáng cái đã hơn 40 năm rồi chúng ta sắp thành thế hệ cổ lai hy... 


Lần nữa cám ơn HT Ngọc đã gợi cho chúng ta nhớ lại những ngày hào hùng của thời trai trẻ. 



27/04/2017 11:46:04

Em có thể liên hệ theo email của anh: ngocbq@fpt.com.vn.


Bọn anh đầu đang ở VN



Từ: Guest Minh Hiền
27/04/2017 09:50:03

Chào các anh chị. Rất cảm động khi đọc những bài của các anh chị. Em cũng là một học sinh thời ấy, và hiện nay đang đi gặp những người như các anh chị để hỏi chuyện, để viết về tuổi thơ với chiến tranh. Không biết các anh chị hiện nay ở đâu, có còn ở VN không? Trang web này là của riêng các thành viên của anh chị, em không thể truy cập được. Em muốn xin số điện thoại hoặc face hay gì đó để có thể liên lạc được với các anh chị. Rất cám ơn nếu các chị đồng ý liên lạc.


 



Từ: ThaoDP
14/01/2013 17:05:19

 


Cảm ơn Ngọc đã cho mọi người KGU biết những cảm xúc của bản thân về năm 1972 tràn đầy sự kiện. Ngọc viết thật giản dị nhưng gây xúc động và rất ấn tượng vì đó là sự thật 100%, không tô vẽ, dưới con mắt của một chú bé 16 tuổi sống trong 1 đất nước đang xảy ra chiến tranh khốc liệt. Cái năm 1972 đó khắc sâu vào tâm khảm của bất kỳ ai là người VN, không thể nào quên được. Bài viết cực hay vì đầy ắp thông tin!


Cảm ơn em đã cho chị tìm lại được Minh Hải- bạn em mà bọn chị thường gọi là Hải "dớ ". Nó làm việc 6 năm cùng với chị ở VHL Nga tại Moscow.


@ KhoaDT: Cái Trang " còi " ( Nguyễn Đoan Trang) lớp mình ở ngay đầu phố Khâm Thiên. Nhà cũng bị bom năm 1972, nhưng không ai bị làm sao vì đi sơ tán hết.


 


 


 



Từ: KhoaDT
04/01/2013 15:29:56

Năm 72 đối với bọn mình thì tương đối im ắng ở Kisinhov nhưng sáng nào trước khi đi học cũng tranh thủ đọc báo LX với những tin chiến sự mới nhất. Chỉ nhớ năm đó Nixon sang thăm LX trong buổi tiệc chào đón ông này tại Bolshoy Theatre do Brezhnev tổ chức, đã có một người phụ nữ Nga tuổi trung niên đứng dậy và hô to: Chấm dứt chiến tranh VN ! và lập tức bị công an LX bắt đưa đi. Mình không biết sau đó người phụ nữ này có làm sao không. 



Từ: LienTP
03/01/2013 21:42:22

Năm 1972 là năm lớp 10, năm cuối cùng chúng tôi học thầy Khải và cũng là năm gian truân nhất. Tưởng chừng Mỹ đã chấm dứt chiến trang phá hoại từ năm 1968, không thể ngờ chúng lại đánh phá điên cuồng như vậy. Cảm ơn Ngọc đã ghi lại rất chân thực sâu sắc những ngày tháng không thể nào quên này.


Ảnh chụp 25 năm sau ở Kim An thật đẹp. Bà cụ nhỏ bé nhất ở hàng đầu là chủ nhà của nhóm 4 cô học trò (Liên, Thủy, Hường Duyên) hồi đó đấy. Những người dân rất bình dị đã cưu mang bọn mình hồi sơ tán.



Từ: CucNT
03/01/2013 16:59:17

Một bài viết thật hay, tràn đầy kỷ niệm của những năm tháng ấu thơ và xen vào đó là những sự kiện lịch sử trọng đại mà tác giả nhớ rõ như những nhà viết sử chính thống. Đọc bài viết của hội trưởng, có thêm bao nhiêu kiến thức và xúc cảm về 1 thời đã qua. Năm 1972 là năm đau thương và hào hùng của đất nước. Tháng 6/1972, 1 quả bom đã ném trúng nhà em, mẹ và 2 chị bị thương nặng, đứa bạn thân nhất của em vĩnh viễn ra đi...
Cảm ơn HT đã đưa đến cho Gia đình Kgu những hồi ức quý giá, những ước muốn tốt đẹp về tình người trong công cuộc dựng xây đất nước hôm nay!


Hy vọng sẽ được đọc nhiều những bài viết của HT trong thời gian tới!




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s