TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG
Tác giả: HoaiPV
TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG
Kính tặng Trường cấp III Thường Tín
và các bạn lớp D cùng các bạn khoá 1967- 1970
Chúng tôi học sinh lớp D trường cấp III Thường Tín khóa 1967- 1970 chính thức gặp lại nhau lần đầu tiên vào năm 1988. Mừng mừng tủi tủi, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, chẳng kể con trai con gái! Xa nhau 18 năm có lẻ còn gì! Kể từ khi gần mười đứa “xếp bút nghiên đi chiến đấu” vào đúng thời gian chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp 4/1970, lũ còn lại vừa ôn thi vừa ngơ ngác nhìn quanh những chỗ ngồi trống rải rác trong lớp học, miệng đọc mà đầu óc để tận đâu đâu; rồi sau đó “Tiếng trống trường truyền thống” gióng giả vang lên đưa tất cả chúng tôi, những cánh chim non trẻ tung bay khắp ngả đường- đứa vào đại học, đứa vào các trường cao đẳng, trung cấp, có cả những đứa ra nước ngoài học tập, đứa ở lại với quê hương….Mười tám năm, trong số 65 học trò từ lớp 8D đến lớp 10D khóa ấy, ai còn, ai mất qua cuộc chiến tranh khốc liệt, bi tráng của dân tộc? Ai đang làm gì, ở đâu, vợ chồng, con cái, gia đình,…?
Lớp chúng tôi hôm ấy có mặt tất cả 25 trò và 5 thầy cô giáo cũ. Cô Chỉnh- chủ nhiệm 2 năm lớp 9 và 10, bị ốm không đến dự được, cô gửi lớp lá thư, trong thư niềm vui, sự xúc động lẫn trong những giọt nước mắt!
Hôm ấy, chúng tôi tranh nhau ôn lại những ngày tháng cũ, những kỷ niệm thuở học trò, như thể mình vẫn đang nghịch ngợm đâu đó trên bờ sông Nhuệ, trong chùa Sém hay đứng dưới cờ giữa sân trường. Một can lớn bia cỏ (bia những năm ấy còn hiếm lắm!) đã hết trong buổi gặp mặt hôm đó, những tấm ảnh trắng đen kỷ niệm đã được lưu lại và một quyết định lớn được đưa ra: năm 1990 lớp chính thức gặp mặt sau 20 năm ra trường, dưới mái trường cũ, và chính tại phòng học năm lớp 10! Háo hức, đợi chờ…
Và chúng tôi chính thức gặp nhau sau khi nhận được giấy mời của Ban liên lạc- ngày 01/01/1991, ngày đầu tiên của năm thứ 21 từ lúc xa trường!
Thực tế và ký ức đã đưa chúng tôi về lại một buổi học xưa!
…Vẫn phòng thứ hai dãy nhà chính bên trái cổng trường, vẫn hai dãy bàn ghế xếp như vậy (mà có lẽ vẫn còn đó những chiếc bàn, chiếc ghế ngày xưa vì vẫn thấy những nét khắc, những chữ nghĩa học trò ngoằn nghoèo còn nguyên trên đó!), và “lấp ló” sau cánh cửa lớp vẫn là cái chổi với ít rác còn sót lại! Và vẫn lớp trưởng cũ, mở “cuốn sổ đen” điểm danh buổi sáng!
( điều thật đáng “ghét” !!! Vì trong cuốn sổ ấy còn ghi ai đến muộn, ai không học bài nữa chứ!) Chúng tôi từng người ngồi đúng vào chỗ của mình lần cuối ngày xưa, trả lời “có” khi nghe đến tên mình, và bỗng bâng khuâng khi không có tiếng trả lời…Rồi như có hẹn, tất cả đưa mắt nhìn về nơi người bạn vắng mặt! Các thầy cô giáo cũ cũng ngồi cùng với chúng tôi. Năm ấy, các thầy cô còn đủ lắm- thầy Ngoạn, cô Chỉnh, thầy Chiêu, thầy Hoàng, cô Quế, cô Ngọc, thầy Diệp, thầy Vũ, thầy Thụy, thầy Phong, cô Mai,…vậy mà nay cũng đã có Thầy đi xa!
Và rồi một điều kỳ diệu bất ngờ, chúng tôi đã được nghe lại Tiếng trống trường truyền thống của trường cấp III Thường Tín! Vẫn ba hồi gióng giả vang lên khi thầy Sàng hiệu trưởng vung cánh tay còn lại của người thương binh miền Nam gõ vào mặt trống, và xen trong những hồi trống ấy vẫn là giọng đọc truyền cảm, ấm áp, thiết tha của cô Mai. Những dòng văn rừng rực khí thế một thời trai trẻ, một thời cống hiến, yêu thương của các anh chị lớp trước: Nguyễn An Định, Yên Giang,…
“…Trống trường đã dứt, nhưng dư âm còn vọng mãi:
Dù đi muôn dặm non sông
Còn nghe tiếng trống giục trong tim này!...”
Chúng tôi như đang đứng giữa sân trường dưới quốc kỳ phần phật ngày nào, rạo rực đến gai người! Và có người đã khóc!
Tất cả đã giành một phút mặc niệm những người bạn cùng lớp đã hy sinh, cống hiến tuổi xuân và cuộc đời mình cho sự nghiệp lớn lao của dân tộc:
Nguyễn Văn Thành
Vũ đình Lộc
Trần Văn Tuynh
Trần Văn Châu
…Thành,…Tuynh,…Lộc,…Châu thân yêu, chúng tôi không bao giờ quên các bạn!
Thế rồi, sau những giây phút sống lại với không khí ngày xưa, chúng tôi ào đến với nhau! Mắt mũi tranh nhau nói, tay chân tranh nhau kể! Mày tao chí tớ, không khác gì lũ trẻ con ngày nào vẫn chành chọe, chọc ghẹo lẫn nhau! Các thầy các cô cũng chỉ biết cười theo (mà có lẽ, nếu không phải là thầy cô giáo của lũ chỉ xếp sau “nhất quỷ, nhì ma” này, các thầy cô cũng “jvô” luôn!- vui đến thế cơ mà!!!) Những năm tháng thời học trò cấp III Thường Tín cứ thế nối nhau hiện lên trên mỗi nét mặt đã chớm dấu ấn thời gian, cũng đã 20 năm rồi còn gì!
Thầy Thẩm Hồng Ngoạn- thầy chủ nhiệm đầu tiên của lớp 8D “đặc biệt” (lớp được chọn từ những học sinh có điểm thi môn Toán vào trường cao nhất - giống như lớp chọn bây giờ), đã không khỏi xúc động khi cùng học trò của mình nhớ lại những ngày bên bờ Nhuệ Giang thuở ấy…
Lớp 8D dựng lán học bên bờ kia sông Nhuệ, gần đối diện với chùa Sém, trên bãi đất trống sát ngay sông. Nền lán đào sâu xuống hơn nửa mét, xung quanh lán đắp lũy bao bọc, chỉ chừa lối vào phía trước và phía sau. Mỗi tổ đắp hai hầm trú ẩn chữ A gần đấy để ra tránh mỗi khi có báo động máy bay. Thầy Quảng dạy toán, ở ngay chái lán học để trông nom luôn. (Sau buổi gặp mặt, thầy trò chúng tôi đã về bên kia sông Nhuệ để tìm lại dấu xưa, nhưng ở đấy chỉ còn lại bãi cỏ xanh mướt bên dòng sông cũ.
Ngay trong lán học dã chiến đó, chúng tôi đã say sưa với Tháng Toán học, Tháng Văn học đầu tiên của đời học sinh cấp III. Tiếng cười khúc khích vẫn đan xen với tiếng máy bay Mỹ ầm ì. Bên dòng sông hiền hòa, tiếng trò luyện giọng “l, n” thật vui với những câu thơ tự sáng tác:
“Lúa nếp là lúa nếp làng
Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng…”
" Nước nước , non non lòng lai láng
Long lanh làn nước lớp lớp lăn
Lộc nở... Nao nao lòng nam nữ
Náo nức lựu lê nở lộc non " .
Cả lớp đều mê mẩn thầy Quảng dạy toán, đều như bị thôi miên khi thầy chẳng cần cái compa nào cả chỉ vung tay một cái là đường tròn đã hiện ngay trên bảng, lần nào cũng tròn trịa như nhau! ( cũng giống như sau này ở lớp 10, cảm giác đó trở lại khi thầy Chiêu vẽ hình chóp, hình nón. Cái nào cái ấy thẳng căng!) Lớp chúng tôi tập trung từ rất nhiều xã trong huyện Thường Tín, gần trường như Văn Phú, Tân Minh đến xa lắc như Quyết Tiến, Dũng Tiến, Tô Hiệu, Ninh Sở,…Thầy Ngoạn lăn lộn với lớp chúng tôi một năm trời, thầy đến thăm hầu hết các gia đình học trò trong lớp, đặc biệt là những học trò ở xa hoặc có hoàn cảnh riêng. Ngày Thầy mất cách đây hơn năm năm do bạo bệnh, lớp như mất một người thân!
Rồi qua đi năm đầu tiên không thể nào quên. Năm lớp 9 (1968- 1969), do nhà trường giảm bớt một số lớp ở xa “Chỉ huy sở”, chúng tôi chuyển về phía bên này sông Nhuệ, gần chùa Sém, nơi “đóng quân” của Phân hiệu 2 nhà trường. Vẫn lán học “kháng chiến”, vẫn những ngày sáng học, chiều lao động với cái bụng lúc nào cũng đói meo! Cô Chỉnh là chủ nhiệm lớp cho đến ngày chúng tôi ra trường. Cô khá vất vả với lũ trò nghịch ngợm. Thoắt một cái, đã có mấy đứa nhảy xuống sông đố nhau bơi đến chân cầu Sém! Thỉnh thoảng bọn con gái tìm mãi không thấy xe đạp của mình ở đâu, hóa ra nó có cánh tự bay lên mái lán! Giờ giải lao, thỉnh thoảng lại thấy một nhóm tụ tập nổi lửa, hóa ra mấy tên đang tranh thủ nướng khoai lang hoặc su hào “thu hoạch được trên đường đến lớp! “Vô kỷ luật” hơn, có mấy tên còn trốn học rủ nhau đi Chùa Hương! Những điều này cô chủ nhiệm không thể nào biết được! Tuy vậy lớp vẫn là lớp điểm của trường. Tháng Toán, Tháng Văn bao giờ chúng tôi cũng đứng nhất nhì khối. Cái môn thể dục “tráng chảo” thì khỏi phải nói, chỉ có “xuya”! Trong đợt hành quân dã ngoại toàn trường, kể cả hậu cần, lẫn hành quân thần tốc theo mật lệnh bằng “moóc”, băng qua cả đoạn đường toàn mùi uế khí của Sunfurơ chúng tôi hình như đạt nhất hay nhì gì đó! Và đêm ấy cả lớp vẫn say sưa nghe Đông Tùng- cây sáo của lớp tự tình khúc “Lý hoài nam”!
Vào lớp 10, cả khối được ưu tiên chuyển về khu chính của trường. Lúc này việc đánh phá miền Bắc của Mỹ có dịu hơn và tập trung vào những mục tiêu ở miền Trung. Cái ngày dỡ lán chuyển tranh, tre về trường thật là vui, cứ như đi hội! Vui đến mức có “lũ học trò” dám bán cả xe bò tre, lấy tiền mua kẹo bột, bánh rán chiêu đãi lớp!!!
Tại khu chính của trường, lần đầu tiên chúng tôi được nghe Tiếng trống trường. Cho đến tận hôm nay tiếng trống ấy vẫn rạo rực như ngày nào, cùng những lời thơ lắng đọng mỗi con tim non trẻ!
Đầu năm học ấy, chúng tôi chịu cái tang lớn chung của cả dân tộc: Bác Hồ mãi mãi ra đi! Toàn trường tập trung dưới lá cờ rủ giữa sân trường, trên ngực áo mỗi người một băng tang nhỏ hai nửa đen và đỏ. Nghe trên loa bài điếu văn cuả Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng Lê Duẩn, không ai cầm được nước mắt! Có thể vì điều này mà chúng tôi trở nên nghiêm trang hơn, hay có thể do đã là anh chị cả của trường?
Chúng tôi lao vào học tập với quyết tâm cao nhất cho kỳ thi cuối cấp. Nhưng học trò vẫn mãi là “nhất quỷ, nhì ma”! Cô Khanh dạy toán, vừa mới ra trường, không hiểu vì sao, cứ hết giờ dạy cô lại phải đi vòng về phòng Ban giám hiệu rất xa, có phải do một lần cả lũ con trai, những đứa cao to nhất lớp, dàn hàng ngang cúi đầu chào “Cô ạ!”? Rồi cái cửa sổ lớp học nữa, tại sao lại rộng thế, để cho cứ mỗi lần cô Chỉnh quên mang kính, vừa quay lên bảng thì lại có ai đó băng qua đấy ra ngoài!? Thầy Sàng hiệu trưởng chắc đến giờ vẫn không thể quên lớp 10D thuở ấy- cái lớp đầu đàn của trường, mà trong giờ chào cờ đầu tuần Thầy phải “mời” cả lớp lên đứng “bêu dương” vì có “kẻ” mất trật tự, hỏi mãi không ai chịu “khai” ra!
Năm đó, những người bạn đầu tiên trong lớp lên “đường ra mặt trận” (riêng Trần Ngọc Châu và Nguyễn Quang Hách đã lên đường từ cuối năm lớp 8). Chúng tôi thấy mình đã lớn hẳn lên, đã trở thành những thanh niên có thể giơ đôi vai nhỏ bé của mình góp sức gánh chung cùng đất nước! Và chúng tôi đã cùng nhau hát vang bài ca “ Có những ngày vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục,…” mỗi lần tiễn các bạn khoác ba lô ra trận. Các bạn lên đường, mỗi người cất giữ trong hành trang của mình ký ức tươi rói về một mái lán bên dòng sông Nhuệ, một dãy lớp học hành lang rộng cuốn vòm, một Tiếng trống trường bất tử! Lớp chúng tôi vắng dần, vì đến cuối năm, theo yêu cầu của mặt trận, các bạn lại lớp lớp lên đường để lại những khoảng trống trong lớp và trong lòng từng bạn.
Ngày 20/5/1970 thi tốt nghiệp. Rất tiếc ngày ấy chúng tôi không chụp được một tấm hình chung trước khi chia tay nhau, có thể chụp ảnh ngày ấy không dễ dàng như bây giờ, nhưng cũng có thể lúc ấy chúng tôi đã không muốn vì nhiều bạn đang ở chiến trường xa!
… Hai mươi năm gặp lại nhau, tuổi đã luống màu thời gian. Mỗi người có một gia đình riêng, một vị trí công tác khác nhau, nhưng dưới mái trường xưa chúng tôi như gặp lại tuổi thơ của mình, gặp lại cái thuở rực màu hoa đỏ, cháy hết mình nhưng vẫn e ấp như “ bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về!” (lời trong bài hát “Phượng hồng” mà chúng tôi vẫn gọi là “Lớp ca”!). Hôm ấy thầy trò chúng tôi đã cùng nhau trồng cây bằng lăng hoa tím ở sân trường để ghi nhớ màu tím thuỷ chung của tình thầy trò, tình yêu với trường xưa. (Rất tiếc do phải xây dựng lại trường lớp, cây bằng lăng không còn nữa, cũng như hai dãy nhà học chính kiểu trần hiên, hành lang rộng, cửa vòm xây từ những năm đầu tiên thành lập -1958 chỉ còn trong ký ức
12/11/ 1995, một lần nữa chúng tôi gặp nhau gần như đông đủ, nhưng không phải chỉ mình lớp D, mà cả khoá 1967- 1970 đã về tụ họp tại trường, kỷ niệm một phần tư thế kỷ ngày chúng tôi cất cánh bay xa! Năm lớp A, B, C, D, E về gặp mặt được 106 người cùng với 16 thầy cô! Sau cuộc gặp mặt chung tại phòng Hội đồng, các lớp lại về phòng học ngày xưa của mình cùng thầy cô chủ nhiệm! Chúng tôi đã cùng nhau trồng hai cây phượng vĩ gần bên cột cờ, hy vọng rằng màu hoa đỏ vẫn mãi đi vào giấc mơ, sâu thẳm trong tình yêu tuổi trẻ, vẫn say đắm lòng các thế hệ học trò của trường, vẫn là màu của “Mãi mãi tuổi hai mươi”- màu của Nguyễn Văn Thạc, bạn đồng niên với chúng tôi!
01/01/2001- lớp chúng tôi họp mặt chào mừng ngày đầu tiên của thiên niên kỷ mới và kỷ niệm 30 năm ngày xa trường Thường Tín tại lòng hồ Hoà Bình! Thầy Phong, tuổi xấp xỉ bảy mươi vẫn chống gậy đi cùng chúng tôi trèo lên hòn đảo chông chênh giữa lòng hồ với độ sâu 80 m nước mà chúng tôi đặt tên là đảo A (còn bây giờ nó đã có tên là Thung Nai- nơi Hội KGU đã từng đến và chúc mừng ngày cưới của cặp vợ chồng lính Bích Chi - Chu Kỳ Minh!). Ngây ngất giữa hương nước, hương trời, giữa hương men chân chất tình người của dân tộc Mường, giữa tình thầy trò, tình bạn hữu hơn 30 năm, có bạn đã kịp ứng tác một bài thơ, ghi thẳng lên nắp bìa hộp nước uống mang theo!
Đã hơn 40 năm từ khi bỡ ngỡ bước chân vào trường với bao ước mơ tuổi học trò, xốc nổi, bồng bột, nhưng đầy ắp hoài bão. Giờ đây ai cũng đã hai thứ tóc trên đầu, nhiều người đã lên ông, lên bà. Chúng tôi đã cố gắng cống hiến hết sức mình cho đất nước, mỗi người theo một cách khác nhau tùy theo chỗ đứng của mình, nhưng có lẽ không ai làm hổ thẹn mái trường Thường Tín, bởi vì trong mỗi người, tiếng trống trường hào hùng, thúc dục ngày ấy vẫn luôn mãi trong tim!
Trường cấp III Thường Tín sắp tròn 50 tuổi, cái tuổi gần như cùng với thế hệ chúng tôi. Vẫn dẻo dai lắm con đò Nhân Văn chở lớp lớp học trò qua sông đến bến Cuộc Đời! Đừng bao giờ quên con đò nhỏ ấy, cũng như lời nguyện ước:
“Dù đi muôn dặm non sông
Còn nghe tiếng trống giục trong tim này!..”.
Tiếng trống ấy vẫn còn đó và còn mãi mãi ngân xa…
Hà Nội, ngày mưa lịch sử 31/10/2008
Người post: HoaiPV
Ngày đăng: 05-01-2013 10:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |