KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 15 Tháng một. 2013

GÁNH GẠO CỦA MẸ




Tác giả: (CucNT Sưu tầm)

GÁNH GẠO CỦA MẸ.

 

Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.
Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.

Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:

– Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.

– Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.

Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở…

Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần…

Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.

Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị, nói:

-Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.

Chị cẩn thận tháo túi.

Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:

-Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa… Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.

– Nhận vào.

Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.

Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ khàng đến bên thầy nói:

-Tôi có 50.000 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?

-Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.

Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.

~*~

Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:

– Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?

– Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế ! Người phụ nữ bối rối.

– Thật buồn cười cái nhà chị này ! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào ! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.

Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.

~*~

Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.

Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:

– Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận !

Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.

Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế.
Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại.

– Thưa với thầy, gạo này là do tôi… Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm… Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất !

Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế. Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp hang cùng,ngõ hẻm xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị không muốn cho mọi người trong thôn biết.

Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rôi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ :

– Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ ! Chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này, tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường có chế độ học bổng hỗ trợ cho học sinh vượt khó.

Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng chị van lơn:

– Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được. Khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.

Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.

Lòng thầy xót xa.

Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Ngoài ra,học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường.

Cuối cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của Thủ đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng.

Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc,không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.

Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài.
Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.

Thầy nói:

– Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.

Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu.

Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.

– Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em…

Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả,mắt cậu nhòe nước. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.

Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình. Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị dành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.
Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng:

– Mẹ ơi ! Mẹ của con…

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 15-01-2013 09:09






Xem 1 - 10 của tổng số 12 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: KhanhT
18/01/2013 14:43:58


Ơ hay, mọi người đọc lại đoạn này: “Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Ngoài ra,học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường…”


“Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của Thủ đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng…”




Từ: CucNT
17/01/2013 16:44:05

Cảm ơn các ACE đã đọc và đã chia sẻ. Em Cúc thấy bài viết này xúc động thì post lên ( Có ghi là sưu tầm), không phải em Cúc là tác giả nên những góp ý của anh Phư chỉ hy vọng là tác giả đọc được để viết lại cho hợp tình hợp lý hơn.


Đây là câu chuyện sáng tác,  không phải là "người thật việc thật" nên chị Tuyết boăn khoăn "Sau khi hiểu rõ sự việc tại sao  trường ĐH ấy không cho em được hưởng chế độ miễn phí? Còn chính quyền nơi gia đình em sinh sống nữa, chẳng lẽ "quay mặt làm ngơ"? Thật đáng buồn!"


em Cúc cũng chẳng biết trả lời sao!



Từ: LyTM
17/01/2013 15:04:51

 


Cô gái xưa thành bà mẹ tật nguyền


mặt trăng mờ đi vì vương lệ


mặt trời sục sôi và mưa rơi dăng ngày Lễ


mặt đất sầu, cây cối cũng xác xơ!


 


Đời vẫn xanh, bởi tình mẹ là biển cả vô bờ


bởi mỗi giây tình Mẹ là gió mát


và khúc ca con hát


là nhịp tim Mẹ đập liên hồi!


 


Mỗi ngày trôi,


mỗi tháng trôi


nỗi lo âu Mẹ cứ gánh mãi, suốt đường đời


chỉ để con cười những niềm vui hạnh phúc!


 


Mẹ đâu cần lời ngợi ca, chúc phúc


Mẹ chẳng quan tâm trong đục 


đau đáu trong lòng


chỉ một nỗi xót về con!


 


Mẹ chẳng nghĩ xa xôi, dẫu cứ mỏi mòn


Đau rát ruột, bước chân héo hon cao thấp,


nỗi lo thường trực


nắm gạo này vơi chưa ánh nhìn buồn thao thức?


 


Mặc ai say sưa, mặc đời cay cực,


mặc cho mặt trăng cứ thức và mặt trời chói chang


Mẹ lê chân trong sự lo lắng hoang mang


Liệu con có biết?


 


Ôi những mẩu đời, những mẩu đời bất diệt


những kiếp vạc, thân cò


những quằn quại âu lo


để cho đời một đứa trẻ qua muôn chặng đò vượt bão tố biển khơi!


 


 



Từ: TuyetHA
16/01/2013 14:35:16

    Vì tương lai, vì hạnh phúc của những đứa con, đa số các bà mẹ đều sẵn sàng hy sinh tất cả những gì có thể. Bà mẹ trong câu chuyện là một tấm gương điển hình, thật cảm phục nhưng tôi cũng rất băn khoăn, không hiểu với hoàn cảnh và sức lực như vậy, người mẹ trong câu chuyện có thể gồng mình được bao lâu vì chặng đường đến ngày "vinh quy, bái tổ" của con còn dài lắm. Sau khi hiểu rõ sự việc tại sao  trường ĐH ấy không cho em được hưởng chế độ miễn phí? Còn chính quyền nơi gia đình em sinh sống nữa, chẳng lẽ "quay mặt làm ngơ"? Thật đáng buồn!



Từ: PhuND
16/01/2013 12:58:37

Chuyện viết cảm động. Nhưng không lẽ nào Chính quyền và các đoàn thể sở tại nơi mẹ con bà ấy sống không hay biết gì về hoàn cảnh của gia đình bà? CQ có phải cấp giấy phép đi ăn xin không nhỉ? Hàng tháng mà xin được ngần ấy gạo thì cũng hơi bị nhiều! Chắc tường học cũng không quá xa nhà vì bà mẹ tật nguyền vẫn vác được bao gạo đến nộp cho Trường Chuyên. Vậy mà với khoảng cách không xa thì chàng trai kia không hề biết mẹ vẫn đi hành khất! Thằng con trai đã vậy mà cái ông Thầy Hùng nào đó tư duy cũng không logic tý nào! Kể cả Nhà trường và ông Thầy Hiệu trưởng nữa, chưa biết chừng lại vi phạm quyền con người. Biết đâu cậu bé này bị "shock" và bỏ học luôn- Đất nước Việt Nam ta sẽ mất đi một nhân tài, trước hết cái truờng ĐH danh tiếng nhất Thủ đô Hà Nội mất một snh viên "sẽ" học giỏi! Trong cơ chế Thị trường này, nhiều thứ phải nộp, phải mua, phải... và rồi ai sẽ nuôi chàng sinh viên nghèo đó học mãi được? Trăn trở lắm lắm !



Từ: ChiNB
16/01/2013 09:56:04

Cám ơn em Cúc đã cho Nguoikgu đọc được một câu chuyện cảm động. Bà mẹ thật vĩ đại, chỉ có tình yêu thật sự mới làm được những việc như vậy, những việc nghĩ chỉ có trong chuyện cổ tích. Đúng như ThanhLK nói “nước mắt chỉ có thể chảy xuôi”, cha mẹ bao giờ cũng làm mọi việc hết mình cho các con cái mà không bao giờ đòi hỏi điều gì, chỉ mong chúng hiểu được tấm lòng của bố mẹ chúng thôi.



Từ: HuyenBT
16/01/2013 04:02:27

Em nghĩ chỉ có tình yêu mới làm được những việc vĩ đại vô biên.


Đạo lý có thể giúp người ta sống đúng, sống tốt, nhưng có lẽ chưa đủ, nếu thiếu tình yêu.


Những câu chuyện của Cúc bao giờ cũng rất xúc động. Cảm ơn em.



Từ: KhanhT
15/01/2013 21:34:53

Mẹ thương con vô bờ bến.

Ở Pháp, ở Mỹ người phụ nữ là biểu tượng của Thần Tự do.

Ở Nga, người phụ nữ là biểu tượng của Mẹ Tổ quốc.

Ở Việt Nam ta tôn vinh Người Mẹ Việt Nam anh hùng.

Người Mẹ Vĩ Đại! 



Từ: BinhNH
15/01/2013 16:21:59

Một câu chuyện quá cảm động. Cám ơn Cúc.



Từ: HienLV
15/01/2013 13:25:46

Đồng ý với com của LKThanh. Nhà nào cũng vậy các con có tình cảm sâu sắc với mẹ hơn là bố




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s