KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 20 Tháng một. 2013

Chào sông Mã anh hùng




Tác giả: Kim Thu

CHÀO SÔNG MÃ ANH HÙNG


   Sáng nay trên xe đến chỗ làm việc, tình cờ tôi nghe lại bài Chào Sông Mã Anh Hùng. Một nguồn cảm xúc dâng trào trong tôi, hay nói đúng hơn đó là dòng Nhạc cảm. Cứ nghe những bài hát hay là bị sởn gai ốc, nhất là đến đoạn lên cao trào, dù nghe đã biết bao lần. Bài hát đi vào lòng người với những tiết tấu, giai điệu hùng tráng, nhưng tha thiết và sâu lắng. Nghệ thuật của âm nhạc khiến con người được thức lại với kỷ niệm. Và rót vào lòng người nghe cả một chuỗi xúc cảm. Hình ảnh hai bên bờ Nam Ngạn bát ngát xanh tươi và cầu Hàm Rồng vươn lên trong khói bom, hiên ngang, đầy kiêu hãnh...
     Năm 1968, tôi đang học lớp 8 cấp III Chương Mỹ, Hà tây cũ. Sau những buổi chào cờ sáng thứ hai đầu tuần, truyền thống của trường là một vài tiết mục văn nghệ. Chủ yếu là đơn ca của các anh chị khối 10. Bài Chào Sông Mã Anh Hùng do anh Thụy trình bày, lần nào cũng được cả trường yêu thích. Anh đã hát như một ca sỹ thực thụ. Tôi mê bài hát từ đấy. Ở chương trình văn nghệ này, còn có tốp ca của khối 10, với bài "Đường Lên Tây Bắc"
                              
                                         "Đường lên Tây bắc quanh co
                                          Nếp nhà sàn đây đó..."      

của các chị Vũ Phụng, chị Võ Minh Trang, anh Long và anh Thụy. Tôi những muốn lớn cho mau, đặng được như các anh chị khối 10, là người lớn cho oai.
Đôi ba khi thầy Hàn Ngọc Bích, giáo viên dạy Sử, tác giả các bài hát thiếu nhi: "Cây Bàng Trước Ngõ" , " Đưa Cơm Cho Mẹ Đi Cày"... cũng lướt đến khối 8 đàn em bọn tôi. Tuyết, Trần Văn Xuân và tôi bị bắn tỉa,  vì chẳng ai thế mạng. Thành ra, cứ mỗi thứ hai,vào chương trình văn nghệ, khi thày gọi: Đến 8E nhé! Lại giật thót cả người.
   Năm tháng phai dần, nhưng âm thanh và lời bài hát Chào Sông Mã Anh Hùng, còn ghi rất sâu đậm trong góc Âm nhạc, ở miền vỏ não của tôi.
   Tôi có đọc ở đâu đó: Tác phẩm là một bản anh hùng ca của nhân dân Thanh Hóa. Tác phẩm được Thanh Hóa chọn làm bài tỉnh ca, là nhạc hiệu của đài phát thanh truyền hình tỉnh Thanh Hóa. Miên man dẫn tôi nghĩ đến mảnh đất Thanh hóa và con người xứ Thanh này.
   Lúc học lớp 9D, 10H cấp III Việt Đức, cùng học với tôi có Nguyễn Quang Thao, quê bạn ở Thanh hóa. Tôi và Thao rất thân nhau, nhưng hồi nhỏ chưa kịp hiểu về lý lịch và gia phả của nhau, thì tuổi học trò đã kết thúc rồi. Tình cảm nâng niu cho nhau lắm. Nhưng hồi đó, có bao giờ hỏi đến gia cảnh, cha mẹ của nhau đâu. Có ghé qua nhà để gặp nhau một lát, thì phải kiếm cho được lý do: Mượn sách, dù đứa nào cũng có đủ cả. Hỏi bài, dù cả hai, bài làm đã xong tự bao giờ...
   Bẵng đi đến bao nhiêu năm, chúng tôi mới có lại được liên lạc. Và đầu 2010, nhận lời mời thiết tha của vợ chồng Thao, tôi đã sang Thụy Sỹ thăm bạn.Những năm này,Thao đang là Tham Tán của Sứ Quán VN tại Thụy Sỹ. Hà, vợ của Thao cũng sang với tiêu chuẩn phu nhân.
   Bây giờ tôi mới được nghe bạn kể lại những năm tháng vất vả, thăng trầm của bạn và gia đình .
- Năm 1969, cả nhà tớ từ Thanh hóa về Hà nội, sau mấy năm sơ tán. Khai giảng rồi, mà tớ vẫn ngồi nhà, tưởng thất học đấy Thu ạ. Sở giáo dục thành phố nói: hai anh em, thì chỉ một thằng vào học tiếp cấp III thôi.
Không có chỗ. Và anh Thanh tớ vào lớp 10. Mẹ tớ chạy các cửa, để tớ được theo tiếp lớp 9. Đấy là lý do vì sao, Thao vào lớp 9D rất muộn, sau tôi, Thắm, Khương Bình, Anh Nhi, Thanh Tâm và Võ Anh Dũng. Tuần đầu, trong giờ Hóa của thầy Chương, Thao trả lời rất lưu loát về hóa trị và trọng lượng riêng của chất kia. Tôi buộc phải xoay người lại để nghe, và tò mò coi bạn là ai - cái anh lính mới vừa nhập lớp. A, tay này được ! Tôi khẽ nhủ trong đầu.
   Đầu học kỳ II lớp 9, hôm ấy bọn tôi có đại hội chi Đoàn. Tôi và Khương Bình đạp xe trên đường Điện Biên Phủ để tới trường,  thì gặp Thao đạp xe theo chiều ngược lại. Đằng sau xe của bạn là một chồng màn cao ngất, xếp ngay ngắn, trắng nõn nà.
Ơ, sao thế nhỉ? Tôi đang tự hỏi, thì Khương Bình nói:
- Thằng Thao không đến trường hả Thu?
- À, chắc nó còn phải đi trả hàng. Nhà nó may màn cho Mậu dịch.
   Mẹ Thao là một phụ nữ đẹp, rất đẹp, nhất là đôi mắt. Dám chắc các bà, các cô Hà thành còn chạy dài, không theo kịp bác. Mẹ Thao ở vậy nuôi sáu con thơ, lúc bác mới ngoài 30. Năm bố Thao mất, cô út Kim Hoa còn nằm trong bụng mẹ. Ở trong quê rất phong kiến và độc đoán. Bác cả của dòng họ bên nội yêu cầu mẹ Thao chia các con ra để các cô chú trong Thanh nuôi dùm, chỉ vì một mối lo ngại rằng: nghèo khổ đông con, không có chỗ dựa, thím ấy (mẹ Thao) sẽ đi bước nữa !
Được tin này, mẹ Thao ra một quyết định đanh thép:
- Nếu chia các con của tôi ra, tôi sẽ dẫn cả sáu đứa, nhảy xuống sông Hồng tự vẫn.
Ôi, người mẹ vỹ đại ! Tôi nghe đến đây mà chết lặng cả tim. Kính phục một người mẹ, người phụ nữ của xứ Thanh gan dạ, kiên cường, một tình mẫu tử đến đỉnh điểm, một  tình yêu thương các con vô bờ bến.
Nhà Thao bán nước chè xanh ngay trước cửa, lối vào. Mỗi lần tôi đến, bác vẫn bảo:
- Đến nhà bác, cháu chỉ có nước chè xanh uống thôi. Sang nhà cháu, Thao nói được ăn bánh ngọt, ngon lắm.
Tôi không biết giấu ánh mắt của mình vào đâu, trước cái băn khoăn của bác, người phụ nữ với đàn con sáu đứa, lại còn nuôi mẹ già với một cô em chồng.
Để giúp mẹ, mấy anh em của Thao phải làm thêm ngoài giờ học và sống thật là tùng tiệm. Cùng lúc, trong một gia đình có tới sáu đứa con, lít nhít ở độ tuổi đến trường, là cả một vấn đề. Trụ cột chính trong nhà lại chỉ là một phụ nữ, một lao động chủ lực hoàn toàn không có trợ giúp. Thế mà người mẹ ấy đã tạo dựng cho đàn con một nếp sống có tôn ti trật tự, thương yêu tôn trọng lẫn nhau và tự hào nhất, đó là việc học hành của sáu anh em Thao rất xuất sắc.
Lần đầu đến nhà Thao, nhìn lên cái bảng đen treo trong phòng khách, với lịch trình làm việc cụ thể, nắn nót viết bằng phấn trắng:  Thứ hai Thanh đong gạo, thứ tư Thao trả hàng, chiều thứ năm Hòa phụ đạo toán cho em Hoa. v.v.. Tôi ngạc nhiên và thán phục người mẹ trẻ, để có được một tổ ấm và đàn con như thế.

Lên đến lớp 9, trong khi chúng tôi, nhất là bọn con gái, đã biết ăn mặc rất đỏm dáng tới trường, thì hôm nào đến lớp, tôi thấy Thao cũng vẫn mãi một bản trường ca: áo sơ mi trắng và quần ka-ki màu công an !...

         Hôm nay đây, người mẹ xứ Thanh ấy thật tự hào với đàn con, cháu của bà. Anh Thanh tốt nghiệp Bách Khoa Hà nội. Thao, sau khi học đại học công an, công tác tại Bộ Nội vụ, Nguyễn Quang Hòa, em kế của Thao học Toán ở Hung ( trong nhóm với Đỗ Khang), rồi đến Nguyễn Quang Bình và cậu giáp út là Nguyễn Quang Vinh, một đạo diễn trẻ của điện ảnh Việt Nam ( Tôi đã nhầm với Nguyễn Quang Vinh, bạn anh Phan Chí Thắng). Út ít nhất nhà trong đàn con ấy là Kim Hoa. Cô thật xứng đáng với cái tên mẹ đặt: Bông hoa yêu của mẹ, của các anh trai.
Phần lớn các cháu nội ngoại của gia đình đang học ở Pháp và Đức.
Mấy anh em Thao và nhóm bạn của Hòa đã thành lập một ban nhạc. Họ đã ra mắt các Show nhỏ ngay trong nhà, vào những dịp liên hoan, sinh nhật. Thao là cây Ghi-ta của ban nhạc, bạn hát tiếng Pháp rất chuẩn. Có lần, tôi nhận được tấm ảnh Thao đang đọc diễn văn chúc Tết do Sứ quán VN tổ chức với Việt kiều ở Thụy Sỹ, đằng sau lưng bạn là cây Ghi-ta. Tôi hỏi đùa:
- Này đồng chí Tham tán ơi, đang đọc diễn văn sao dựng cây đàn làm gì thế ?
- À, lát nữa, tớ có tiết mục độc tấu Ghi-ta. Làm văn nghệ cho bà con, mình cũng phải tham gia nữa chứ.
   Đầu 2011, tôi đang nghỉ phép ở Việt Nam. Lúc Tuấn Phương ra Hà nội gặp gỡ các chiến hữu phía Bắc, thì tôi bị ốm, lại sốt do viêm họng, buộc lòng phải ở lại Sài gòn. Đang ủ rũ cả người, thì Thao gọi điện:
- Mai bọn mình đi đón Thu đấy. Khoe xe mới với bạn luôn.
- Đón ai,  tớ đang ốm sốt , bỏ vé đi Hà nội rồi.
- Chán thế, bọn tớ đang định từ Sân bay chở Thu về thăm mẹ tớ. Rồi tối chúng mình có Nhạc Live của mấy anh em trong nhà.
  Thao đang rất say sưa với chương trình tự phác thảo, bạn muốn lôi tôi vào Đêm Nhạc của gia đình.
   Những ngày đen tối đã qua. Những ngày mưa gió sụt sùi, hàng họ ế ẩm, mấy bát chè không bán được cho khách, mới đến lượt anh em Thao "thưởng thức". Thật tội nghiệp !
Có lần chè đã hỏng, bát chè đã long cả chân, cầm cái bát, mà chè xoay như chong chóng, vì trời nóng và không có thiết bị lạnh để giữ. Chẳng hề gì, anh em Thao vẫn chia nhau xì xụp. Con đàn mà, nhất là đói kém lúc này, làm gì có chữ "chê".
Có bao giờ mẹ Thao kể lại cho các cháu nội, ngoại của bà, những kỷ niệm nghèo xa xưa ấy không?
Cái nghèo của đất Thanh hóa, cái nghèo của người xứ Thanh, dẫu đã ra đến Thăng long Hà thành này, vào những năm đầu thập niên 70 ấy.
  
Tôi có đọc được mấy dòng về Thanh hóa của  Phạm Hữu Nghị, cựu sinh viên Kishiniop, đã đăng trên trang WEB KGU của anh, mà thấy thấm thía, nghẹn ngào, xúc động:
Câu "Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu" gắn liền với tỉnh Thanh ít nhất bởi hai sự kiện sau đây:

1. Sau khi thực dân Pháp đã hoàn toàn thống trị được nước ta, chúng tổ chức làm đường xe lửa Nam- Bắc. Khi làm đường tàu đến đất Hoằng Hoá thì bị dân Thanh Hoá ta tổ chức phá, làm cho công việc của bọn chúng rất khó khăn. Quan Pháp mới hỏi quan huyện Hoằng Hoá là tại sao lại để dân chúng phá đường tàu? Quan huyện Hoằng Hoá là người yêu nước mới nói rằng: "Thưa quan, dân chúng con khổ quá không có gì ăn nên phải ăn rau má, mà rau má trên đường tàu là non và ngon nhất, dân con không cố ý phá đâu ạ". Đây là câu chuyện có thật, nói lên tinh thần yêu nước của người dân xứ Thanh

2. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho chiến thắng vĩ đại này. Cả tỉnh Thanh ra trận. Thanh niên trai tráng vào bộ đội. Các vị trung niên và chị em đi dân công tải gạo, tải đạn cho mặt trận. Bây giờ, ta thấy tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ số người Thanh Hóa hy sinh tại Mặt trận Điện Biên là nhiều nhất. Cả tỉnh Thanh góp gạo để đưa ra tiền tuyến. Góp cho đến bơ gạo, cân gạo cuối cùng. Hết gạo bà con lại ra đồng, ra đường tầu vạc rau má về ăn thay cơm gạo.
  
Cảm ơn tác giả Xuân Giao đã cho chúng ta một nhạc phẩm tuyệt vời, để nghe, để nhớ, để ghi nhận về một mảnh đất kiên cường và những con người bình dị nhưng rất can trường trên miền đất ấy.
Thanh hóa, Sông Mã, cầu Hàm Rồng, anh Nguyễn Bá Ngọc ...những tên gọi thân quen cứ ngân mãi trong tôi, nhân yêu thương lên gấp bội, dù tôi đang đứng đây, xa lắm, chẳng với được chúng trong tầm tay.

Cologne 22.06.2012

 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 20-01-2013 13:01






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: Guest Kim Thu
14/02/2013 03:17:49

@BinhNH, này Thao vừa gọi điện nói chuyện với Thu đấy, anh bạn này vừa tới Paris được 2 ngày, lại nhậm cái chức Tham tán ở Pháp một nhiệm kỳ nữa. Thu trêu bạn:


-" Có Hòa Bình kia cùng trường mình, hỏi sao không biết Thao nhỉ".


Thao cười, nói:


-" Hồi ấy mới ở nhà quê ra Hà nội mà, ngố lắm."  


Bọn mình lại cười. Giá mà Hòa Bình lại qua Pháp nữa như hồi tháng Bảy vừa rồi, chúng mình kéo nhau lên Sứ Quán quậy một trận nhỉ, đồng chí Tham tán chắc thua tụi mình luôn.



Từ: Guest BM
04/02/2013 12:42:21

"Đây sông Mã anh hùng, ngày ngày vang những chiến công,..."


Chị Thu Vàng lại đưa ta về nơi chú Rồng đang lúc bơi ra Biển lớn, nơi mà cả một cây cầu nối hai miền đất lửa vẫn ngập tràn những chuyện cổ tích! gia đình bạn chị cũng đã viết nên một câu chuyện cổ tích đầy nghị lực giữa đời thường!


Ai chia núi thành sông


ai chia dòng cho Rồng ra Biển


ai làm nên kỳ tích gói đầy ngạc nhiên


đấy là vùng đất Thanh vẫn sừng sững qua bao đời binh biến


và những con người chẳng biết khổ là chi


chỉ biết cuộc sống là tất cả những gì


nằm trong đôi tay gầy guộc! 



Từ: BinhNH
20/01/2013 17:47:58

Thu ơi, Thu nhớ chuyện các bạn ở trường Việt đức mình quá nhỉ ( Nói cho chính xác thì tên gọi hồi đó là trường phổ thông 3A chứ). Hồi ấy quả là nhiều hoàn cảnh và cuộc sống bình dị, đẹp trong sáng và vất vả.


Nhắc đến  Khương Bình, mình lại nhớ lại thời ấy với đường Lý thường Kiệt rợp bóng phượng. Sao mình chẳng biết bạn Thao nhỉ? Khác nhau chỉ là mình học 9C còn Thu học 9D thôi, mà còn nhiều bạn rất tuyệt vời quanh chúng ta mà  chúng mình còn chưa biết , đó là lẽ thường , phải không Thu?



Từ: NghiPH
20/01/2013 14:30:29

Chồng mất sớm, một bà mẹ mới ngoài 30 tuổi nuôi sáu đứa con cùng một mẹ già và cô em của chồng. Mẹ của anh Thao thật tháo vát, tài giỏi. Các con của mẹ cũng là những người tuyệt vời! Biết lo toan công việc gia đình cùng mẹ và học rất giỏi.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s