VÊ VỚI CỘI NGUỒN
Tác giả: CucNT
Khi nhà Báo Thu Uyên cất tiếng thiết tha “Xin đừng! Đừng bao giờ để những đứa trẻ phải xa cha lạc mẹ, phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình và chịu bao đau thương thiệt thòi cho đến ngày đoàn tụ!” cả khán phòng và những người đang theo dõi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” lặng người xúc động. Và khi những người thất lạc gặp lại nhau, tất cả vỡ òa trong niềm hạnh phúc, những tiếng khóc nấc lên trộn lẫn niềm vui sướng và những nỗi tủi hờn. Những người xem lại chan chứa nước mắt dõi theo.
Cả gia đình tôi thường theo dõi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly“ và ai cũng hy vọng có tin tức gì đó lóe lên qua những chương trình đó về cháu Thạch cho tới ngày tôi tìm ra cháu giữa rừng cà phê bạt ngàn của núi rừng Tây nguyên lộng gió.
Mãi đến ngày 4/01/2013, sau gần 1 tháng tôi tìm ra cháu, Thạch và vợ con mới lên đường về quê cha đất tổ. Chuyến xe khách khởi bánh từ thị xã Buôn Ma Thuột vào 5 giờ sáng ngày 4/1. Điện thoại liên tục reo trên suốt chặng đường, cả họ hàng nhà tôi nín thở chờ đợi. Ai cũng hồi hộp mong chờ ngày được ôm hôn đứa cháu yêu quý của mình. Thạch xa quê đã 20 năm, 20 năm “một đi không trở lại” bởi những khó khăn, cơ cực của cuộc sống nơi quê mới đã không cho phép Thạch có một chuyến về quê trong đủ đầy hân hoan. 14 tuổi Thạch cùng với mẹ và đứa em gái 4 tuổi rời quê mẹ ở Hương sơn vào vùng kinh tế mới theo diện di dân tự do.Thạch không nhớ là đã di chuyển trên những chuyến xe đò như thế nào cho tới lúc được đặt chân tới một vùng đất bạt ngàn cây dại, dựng trại cất lều bắt đầu một cuộc đời mới. Hôm nay trở về, nhìn qua cửa sổ những xóm làng và vườn cây xanh lá vun vút lướt qua,Thạch thấy giống quê mình trong ký ức. Mự Châu gọi điện, “ Về đến đâu rồi”. Thạch bảo “Có lẽ sắp đến nơi rồi mự ạ!”. Vậy là cả nhà chờ, mẹ tôi, chị Châu, Đào, các cháu Hằng, Nam, Long (Con anh Lượng) và Lực (con anh Huy) tập trung ở nhà bà Truyền (mẹ tôi) cùng chờ đợi. Trời bắt đầu nhá nhem tối, rét kinh khủng, cả nhà ngồi bên mâm cơm nhưng không ai muốn ăn,ai cũng muốn chờ vợ con Thạch về ăn cùng. “Đến đâu rồi hả cháu?”, “ Đến Voi – Kỳ anh”. Vậy là còn khoảng 2 tiếng nữa sẽ về đến Thạch thượng, Thạch hà. Hai tiếng đồng hồ trôi qua. “ Sắp tới nơi chưa cháu” “tới Voi – Kỳ anh mự ạ!”. Hai tiếng nữa qua đi “ Ở Voi – Kỳ anh mự ạ”. Sao mãi vẫn ở Voi – Kỳ anh vậy ? Cháu không biết, ngoài trời tối đen, 11 giờ đêm rồi, phụ xe bảo “Đây là ở Voi – Kỳ Anh”. Thế này không ổn rồi, cả nhà bắt đầu nhốn nháo. Chị Châu quyết định cho cháu Long (Chồng Hằng) cùng với cháu Lực lái ô tô vào Kỳ Anh đón Thạch. Năm giờ sáng chuyến xe khởi hành từ Buôn Ma Thuật mới về tới Kỳ Anh, gần 7 giờ sáng vợ con Thạch mới về tới nhà bà Truyền. Một đêm đợi chờ dài như một thế kỷ, cả nhà tôi ôm chầm lấy vợ con cháu Thạch nước mắt đầm đìa.Thì ra, xe chạy trong đêm, lơ xe ngái ngủ, Thạch hỏi thì cứ bảo “ đến Voi – Kỳ Anh” chứ chẳng có sự cố gì xảy ra. Nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của mẹ. 93 tuổi, lần đầu tiên mẹ khóc vì sung sướng.
Ngày hôm sau, tôi, chị Hường, Quế mới bay về. Thạch bảo “ Cháu cứ nghĩ chờ o Cúc về rồi mới về vì cả nhà chưa ai biết cháu, không ngờ cháu về cả nhà đón vợ con cháu như đón người thân yêu nhất. Cháu hạnh phúc quá! Cảm ơn O Cúc, cảm ơn cả nhà!”. Thạch về đúng vào dịp đám cưới cháu Nam (con trai thứ 2 của anh Lượng ) nên đã gặp mặt tất cả họ hàng. Các chị tôi, Xin, Quế, Lan, Lý, Hường cứ ôm lấy cháu Thạch giàn giụa nước mắt, bao nhiêu yêu thương và cả những xót xa dành cho anh Huy nay dồn hết vào lòng cháu Thạch. Các chị cứ nghẹn ngào "Giá mà anh Huy còn sống". Cả làng tôi đến dự đám cưới cháu Nam.
ĐÁM CƯỚI CHÁU NAM
Nhiều người bảo, bận những đám cưới khác nữa nhưng vẫn đến dự cưới cháu Nam để được gặp cháu Thạch. Chị Đào và tôi dẫn cháu Thạch đi từng bàn giới thiệu “Đây! Con trai đầu của anh Huy đây!”. “Giống bác Huy quá! Chúc mừng gia đình, chúc mừng cả họ”. 3 ngày đám cưới cháu Nam, ba ngày Thạch được biết thêm bên họ nội nhà mình thật đông và chứa chan tình nghĩa. Đặc biệt chị Thỏa, chị đầu của tôi (con nuôi của mẹ) không về được nhưng cả 4 đứa con chị đều về. Mẹ tôi đưa chị về nuôi khi chị còn bé, chị không biết cha mẹ, họ hàng là ai (hình như họ đã qua đời trong trận đói năm 1945) nên gia đình tôi là tất cả đối với chị. Có thêm gia đình Thạch, chị Thỏa và các con chị vui không tả xiết. Nhà mình có thêm anh em, con cháu, đông vui hơn!
Mọi người hỏi sao mẹ Thiềm không về. Thủy, vợ Thạch thật thà kể “mẹ không về, mẹ bảo mẹ sinh Thạch nuôi 1 mình, bố Huy chăm sóc thời gian đầu rồi sau đó bố đi mất có đoái hoài gì đâu, bây giờ tự dưng thấy o Cúc đến tìm nhận họ hàng nên mẹ chưa muốn về”.
Phải, chị Thiềm có lý do của chị. 35 năm qua, chị nuôi Thạch trong cô độc, đắng cay tủi hờn, đói khổ không một bóng dáng đàn ông. Thạch được mấy tháng tuổi thì anh Huy đi không một tin tức để lại. Bố mẹ chị Thiềm chỉ có 2 đứa con, chị Thiềm và 1 đứa em trai. Việc chị Thiềm có con mà không có đám cưới đã làm bố mẹ đau buồn mất một thời gian. Nhưng lòng thương con vô hạn đã giúp ông bà vượt qua những kỳ thị của người đời để cùng chị Thiềm nuôi dưỡng bé Thạch khôn lớn. Mười bốn tuổi, Thạch ốm yếu, gầy nhẵng như cành cây và bé Lệ Quyên 4 tuổi xanh xao vì thiếu sữa, chị ôm con đi vùng kinh tế mới. Chị hy vọng mảnh đất mới sẽ vị tha hơn, sẽ quên đi cái tiếng thằng Thạch con không cha để con chị được lớn lên bình đẳng như bao đứa trẻ khác. Vùng kinh tế mới ấy không phải là miền đất hứa như chị hằng mong ước mà ở đó chằng chịt những gian truân. Bố chị đứt ruột thương con nên không đành lòng để chị “canh khuya thân gái dặm trường” mà đã khăn gói theo con cháu ra đi, để lại ở quê đứa con trai và người vợ yêu dấu. Ông tâm niệm, sẽ vào giúp mẹ con chị Thiềm một thời gian, khi các con có cuộc sống tạm ổn ông sẽ về với quê cha đất tổ, chăm sóc vợ già và vui cùng con cháu. Ở cái tuổi gần 70 không phải là sức trai trẻ nhưng ông đã cùng bao người khác cật lực lao động, cuốc đất khai hoang ươm mầm nhựa sống. Đói rét, cơ cực, cảm lạnh, sốt rét đã làm ông đuối sức. Hai mùa thu hoạch ngô, sắn, rau khoai, những mầm cây cà phê vừa bén rễ xanh lá trên nền đất mới, ông vui sướng nghĩ tới ngày con cháu ông có đủ cơm ăn áo mặc đến trường. Thế rồi vào một đêm trời trở gió, ông đã vĩnh viễn ra đi, để lại chị Thiềm và 2 đứa con thơ bơ vơ nơi rừng thiêng nước độc. Hai năm, đất chưa kịp bén hơi người, chị chưa có lấy 1 túp lều để ở thì đã phải cùng Thạch chôn cất người bố yêu quý nhất của mình. Không đủ nước mắt để khóc cho đau thương, không đủ ngôn từ để diễn tả những đớn đau trong lòng chị. Số phận đã quá nghiệt ngã với chị. Chỉ cần chị buông tay, một cái chớp mắt, chị sẽ vĩnh viễn được giải thoát khỏi món nợ cuộc đời. Nhưng chị đã vùng dậy, đã chống chọi với bao bão tố cuộc đời để tạo dựng cho hai con chị một cuộc sống bình an. 20 năm ấy nơi xa quê, khi chị cần nhất những xẻ chia, một tiếng gọi của họ hàng, khi con chị cần một danh phận để không ai có thể dè bỉu nó “con không cha” thì chẳng có ai, tất cả lặng thinh như đêm đen đặc quánh. Thế rồi giờ đây, chị đang có một cuộc sống bình an với tuổi già. Thạch đã có 1 người vợ hiền tần tảo thương chồng con hết mực. 2 đứa một trai 1 gái rât thông minh và ngoan ngoãn. Lệ Quyên đã tốt nghiệp đại học và làm việc tại 1 công ty lớn ở Buôn Ma thuột. Chị đang giúp Lệ quyên chăm sóc cháu gái 5 tháng tuổi dễ thương như một thiên thần. Con rể chị Nguyên Hạnh, là phóng viên báo Người lao động đã gặp gỡ với nhiều thân phận kém may mắn trong cuộc đời nên yêu thương mẹ vợ như chính mẹ ruột của mình. Chị chẳng cần gì hơn thế nữa. Chị đã nếm trãi đủ tai ương để cảm nhận những gì mình đang có hiện tại là tuyệt vời. Thế rồi một cô gái xuất hiện và nói rằng Thạch là cháu của gia đình cô, rằng anh trai cô đã mất nhưng cả gia tộc mong muốn Thạch về để họ nhận cháu. Một thoáng vui mừng đến với chị vì con chị đã có Tổ tiên. Phút chốc ấy, chị nhớ đến anh Huy với tình sâu nghĩa nặng. Nhưng rồi chị chạnh lòng nghĩ tới tháng năm đằng đẵng đã qua. Không! Chị như chim én sợ làn cây cong. Chị không muốn một sự xáo trộn nào nữa xảy ra trong cuộc đời chị. Chị muốn được yên, muốn được trọn vẹn yêu thương 2 con chị, chị không muốn chia sẻ báu vật đó cho ai hết.
Mẹ tôi gọi điện cho chị “Con về với mẹ nhé! Cảm ơn con đã nuôi dưỡng các cháu nên người”. Chị Châu gọi cho chị Thiềm rất nhiếu lần, thay mặt cho họ hàng bên nội cháu Thạch cảm ơn chị và mong có ngày được đón chị về sum vầy.
Bây giờ tìm ra Thạch rồi, mọi người mới kể lại. Thì ra anh Huy đã nhờ rất nhiều người đi tìm nhưng không được. Anh Thành (chồng chị Lý) kể vào năm 1996, 2 anh em đạp xe đạp đi suốt 1 tuần chỉ ăn khoai và uống nước sôi đi tìm mẹ con Thạch khắp Hương Sơn. Anh Huy nghĩ chị Thiềm lấy chồng ở xã khác. Ngày trước anh Huy đã quay lại tìm chị Thiềm sau khi bị cơ quan điều và trong rừng sâu làm việc và buộc cắt đứt quan hệ với chị Thiềm nhưng bố chị Thiềm bảo chị đã lấy chồng, hãy để chị yên. Mấy người trong làng kể Thạch nghe họ đã tìm kiếm Thạch thế nào và hồi nhỏ Thạch còn có tên gọi là Cu Đen. Lực cũng tự đi lên Hương sơn và đã nhờ rất nhiều người đi tìm Thạch. Vì không tìm được và cũng không biết ý chị Đào thế nào nên không ai nói ra, cho đến lúc Thạch về thì tất cả mới òa vỡ. Nước mắt ứa ra liện tục trên đôi mắt Thạch mỗi khi có ai nhắc đến bố Huy. Thạch đã hiểu bố Huy chưa bao giờ bỏ rơi cháu. Ngược lại việc không tìm ra cháu đã làm ông đau khổ biết nhường nào.
Một tuần ngày ở nhà bà Truyền, Thạch và vợ con ngập tràn trong cảm xúc yêu thương. Thế rồi có người nói với Thạch “ Nhìn Thạch không giống bố Huy nhiều, biết đâu không phải con bố Huy”. Thạch nói điều boăn khoăn đó với mẹ Đào.Mẹ Đào bảo “Ai bảo gì kệ họ, mẹ nhận con, bà Truyền nhận cháu là được rồi!”. Có người bảo với mẹ tôi, nên đi thử AND đi, cho chắc chắn. Mẹ tôi bảo” Anh Huy mất không kịp dặn ai đi tìm Thạch nhưng trong lòng tất cả anh em trong gia đình đau đáu đi tìm. Điều đó chứng tỏ máu chảy trong huyết quản, Tổ tiên thôi thúc giục đi tìm. Đúng là con anh Huy đấy rồi, không cần thử gì nữa hết”. Mẹ tôi không biết chữ, không đi Chùa, bà chỉ là một người nông dân suốt đời tần tảo với ruộng nương nhưng lý luận của bà đã thuyết phục tất cả những ai còn thắc mắc, hoài nghi.Có lẽ chưa đám cưới nào trong làng vui như đám cưới cháu Nam vì ai cũng mừng cho gia đình có phúc trùng lai. Bạn bè tôi đến rất đông chúc mừng cháu. Tôi trao cho vợ chồng Thạch quà của Hội Kgu ở TP. HCM, của anh chị Thanh Lương, Khánh, Phư vv. Các cháu nghẹn ngào xúc động và gửi lời cảm ơn đến gia đình Kgu của O Cúc. Cả nhà tôi ai cũng muốn có 1 chút quà cho vợ chồng cháu Thạch. Chị Châu gúi nguyên cả tháng lương hưu vào tay vợ Thạch, mẹ tôi ôm lấy con trai Thạch , “cháu ngoan của cố, cố cho cháu tiền để vào mua sách vở đi học”. Vợ chống Thạch nhất định không cầm, “Chúng con về được cả gia tộc đón tiếp thế này là sung sướng lắm rồi”.
O CÚC, THỦY ( VỢ THẠCH) CON TRAI tHẠCH, THẠCH, BÀ TRUYỀN VÀ MẸ ĐÀO
Tôi lặng lẽ ra sau vườn lau vội những giọt nước mắt, tôi thương anh Huy và anh Lượng quá chừng, các anh đã chẳng sống đến ngày hôm nay mà chứng kiến con cháu trưởng thành, đoàn tụ trong yêu thương.
Cả mấy chị em tôi, Chị Xin, Quế , Lý, cháu Minh ( Con chị Lý), Lực cùng lên xe ô tô do cháu Long lái chở vợ con Thạch về Sơn Hồng, Hương Sơn. Nơi đó có vợ chồng cậu Phúc và cô em gái con cậu Phúc đang chờ đón gia đình bên nội của Thạch. Đi mãi tới trưa mới đến được Sơn Hồng, đường lượn lên lượn xuống theo dốc của núi đồi. Nghe bảo con đường này chỉ mới được rãi nhựa những năm gần đây, ngày trước người dân chỉ đi bộ vì mùa đông thì lầy lội, mùa hè thì bụi mịt mù, đất đá lởm chởm. Tôi hình dung ra những năm tháng trước đây, anh Huy đã phải vất vả thế nào để đi tìm Thạch.
Nhà cửa thưa thớt, cả mấy hecta mới có một căn nhà lá, không có bóng dáng thanh niên. Bên trong những ngôi nhà chống chếnh ấy là bà già và em nhỏ. Lại cũng như làng tôi những năm 85-90, thanh niên trong làng bỏ đi tha phương kiếm sống, bỏ lại sau lưng tiếng gọi tha thiết của quê hương. Thạch lặng đi khi về tới nhà cậu. Hai mươi năm rồi bây giờ Thạch mới về đây. Tuổi thơ đi qua trong muôn vàn khốn khó nhưng nơi đó Thạch có ông bà ngoại đã chăm bẵm Thạch hết lòng. Ông ngoại đã vĩnh viễn nằm lại ở núi rừng Tây nguyên. Đúng 10 năm sau ngày chị Thiềm rời quê hương, năm 2002, bà ngoại cũng vì đau buồn nhớ con thương chồng mà kiệt sức và giã từ trần thế. Ngày bà mất Thạch cũng không về được mà thắp nén nhang cho bà. Căn nhà ngày xưa chỉ còn là nên đất cũ. Thạch ngậm ngùi bảo "lúc nào có điều kiện cháu sẽ đưa ông về bên bà để ông bà có nhau nơi xa ấy".
NHÀ CỬA THƯA THỚT Ở SƠN HỒNG HƯƠNG SƠN
Cậu Phúc kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ của Thạch. Chị Thiềm sinh Thạch khi mới mang thai được 7,5 tháng. Một hài nhi được 1,5 kg ra đời, tất cả đều tiên đoán là không thể nuôi nổi một sinh linh nhỏ nhoi như thế. Anh Huy lặn lội khắp rừng tìm thuốc về sắc cho chị Thiềm uống cho có sữa và có sức mà chăm con. Có lần anh Huy buột miệng hỏi “Sao con người ta 9 tháng 10 ngày mới sinh mà con mình mới 7,5 tháng đã ra đời”. Câu hỏi đó đã làm bố chị Thiềm nổi giận “ mày nghĩ không phải con mày thì mày đi đi!”. Trùng hợp vào thời gian đó, cơ quan điều anh Huy vào Khe Trù khai thác gỗ và cấm anh Huy qua lại với người phụ nữ khác khi anh Huy đã có vợ ở quê. Bởi lẽ đó, khi anh Huy quay lại tìm chị Thiềm và ao ước gặp con, Bố chị Thiềm đã bảo với anh Huy chị Thiềm có người khác rồi, hãy để chị yên. Chị Thiềm nghĩ rằng vì sinh Thạch lúc 7,5 tháng, anh Huy cho rằng không phải con anh nên anh đã ra đi bỏ rơi mẹ con chị giữa dòng đời nghiệt ngã. Chị đã nuốt đau thương , hờn giận vào lòng mà dồn sức nuôi con. Chao ôi! Giá như anh tôi còn sống để hóa giải với chị Thiềm sự hiểu nhầm tai hại đó. Chị chưa về cũng phải thôi, làm sao có thể một lúc mà nguôi ngoai nỗi hờn giận đó. Cậu Phúc kể, ngày đó, làm gì có sữa và các chất dinh dưỡng như bây giờ, nuôi Thạch cơ cực bằng nuôi 10 đứa trẻ khác vì ốm đau, cảm sốt liên miên. Tôi muốn ôm chị Thiềm và cháu tôi vào lòng thật chặt để phần nào chia sẻ bớt những khổ đau họ đã trãi qua.Cháu tôi đã phải chịu bao thiệt thòi ngay từ lúc lọt lòng mẹ.
HỌ NỘI VÀ HỌ NGOẠI QUÂY QUẦN BÊN MÂM CƠM NHÀ CẬU PHÚC
Chúng tôi ngồi bên nhau ăn bữa cơm đoàn tụ. Anh Hòa – trưởng công an xã Sơn Hồng, người đã giúp tôi tìm ra cháu Thạch kể cho chúng tôi nghe quá trình anh đi tìm cháu Thạch suốt bao năm qua. Thì ra không chỉ anh Huy tôi có mối tình với chị Thiềm rồi biền biệt ra đi mà mấy người làm công nhân lâm trường Hương Sơn cũng để lại những mối tình với các cô thôn nữ và những đứa trẻ không cha đã ra đời.
ANH HÒA ĐANG KỂ LẠI QUÁ TRÌNH ĐI TÌM THẠCH
Có lần anh Hòa đã tìm được manh mối của chị Phượng có con không chồng nhưng chị đã lấy chồng về Can lộc. Anh Hòa đã lặn lội về Can Lộc tìm gặp được chị nhưng không phải đó là người tôi cần tìm. Rồi có chị thì lấy chồng về Diễn Châu. Cứ thế vợ chồng anh Hòa đi tìm và mỗi lần tiếp cận là mỗi lần phải hết sức tế nhị để không động chạm đến nỗi đau trong lòng họ. Tôi nhớ rõ mấy năm trước, anh Hòa gọi “Chắc chắn rồi em ơi! Ngày mai anh sẽ đi Sơn Kim gặp thằng bé chụp hình rồi gửi vào cho em” Sau đó tôi chờ mãi nhưng anh Hòa cứ ngập ngừng bảo chưa gặp được. Dịp này anh mới kể lại, khi anh tìm tới nơi thì thằng bé đã chết đuối rồi… Mọi chuyện tưởng đi vào ngõ cụt thì có một lần trong lúc hàn huyên với mấy người bạn, anh Hòa đưa điều boăn khoăn đó ra và một người reo lên ‘Tôi là bạn của anh Huy đây, chị đó tên là Thiềm chứ không phải tên Phượng”. Cuộc tìm kiếm tới đây mới có hồi kết..
CĂN NHÀ NƠI THẠCH CẤT TIÊNG KHÓC CHÀO ĐỜI, GIỜ CHỈ CÒN LÀ NỀN ĐẤT
Tôi thay mặt gia đình trao cho anh Hòa món quà nhỏ để tỏ lòng tri ân đối với anh. Tất cả các chị tôi cứ ôm lấy cậu Phúc mà nói lời cảm ơn, rằng cậu đã cùng ông bà thay anh Huy tôi nuôi dưỡng cháu Thạch nên người. Chúng tôi lên xe về còn cháu Thạch và vợ con ở lại để gặp gỡ họ hàng bên ngoại. Ngoái nhìn căn nhà còn trống trước hụt sau của cậu Phúc, tôi chợt nghĩ, may sao ngày đó chị Thiềm đã dũng cảm ra đi để bây giờ con gái chị đã có 1 công việc tốt và 1 căn nhà khang trang ở Thị xã Buôn Ma thuột, Thạch đã có 1 rẫy cà phê xanh tốt ở núi rừng Tây nguyên.
CĂN NHÀ CỦA VỢ CHỒNG CẬU PHÚC
Tôi bay vào Sài gòn tiếp tục với cuộc sống của mình. Thạch ở lại Hương sơn 3 ngày, sau đó lại quay về nhà bà Truyền, từ biệt họ nội để trở về quê mới. cả nhà lại lưu luyến không rời. Cháu Vũ, con trai đầu của anh Lượng nói với Thạch những cấu thắm đượm nghĩa tình 'Anh ạ! Bố của chúng ta đều không còn nên ta phải yêu thương nhau nhiều hơn và chúng ta phải sống sao cho xứng đáng để bà Truyền được yên vui tuổi già và bố chúng ta an lòng nơi chín suối"
Tôi tin rằng một ngày gần đây, chị Thiềm sẽ nguôi nỗi giận hờn mà về quê thắp lên mộ cho anh tôi 1 nén hương tha thứ. Cả gia tộc tôi sẽ đón chị như đón đứa con dâu yêu quý trở về. Chị Đào tôi đã nói “ Mừng lắm chứ, chị già rồi không còn bao bọc chở che cho con được nữa giờ thằng Lực có thêm người anh mà nượng tựa nhau thì còn gì hay hơn nữa”. Ngày xưa, khi lên Sơn hồng gặp chị Thiềm, lúc đó chị Thiềm đang mang thai. Ai cũng nghĩ chị Đào sẽ nổi trận lôi đình vì máu Hoạn Thư nhưng ngược lại, chị Đào đã ôn tồn nói ” Em cứ an tâm mà dưỡng thai, nếu em sinh ra mà con anh Huy thì chị em ta cùng nuôi cháu!”. Chị Thiềm ơi! Đã 35 năm trôi qua, chị còn nhớ lời chị Đào không? Chị về đi nhé! Tôi chợt thấy cháu tôi thật may mắn khi có một người mẹ kiên cường như mẹ Thiềm và một người mẹ bao dung như mẹ Đào.
Trời đất đang vào xuân, tất cả đang tất bật chuẩn bị đón chào năm mới. Năm nay, gia tộc chúng tôi sẽ có một cái Tết thật vui trong hân hoan, một cái Tết sum vầy!
Người post: CucNT
Ngày đăng: 08-02-2013 21:09
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |