KGU News >>Văn học >>Thơ
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 12 Tháng hai. 2013

Đường lên Sơn Vĩ




Tác giả: Kim Thu

 

   

              
Tôi viết những dòng thơ này khi đọc TẾT NGHÈO TRÊN ĐỈNH
 SƠN-VĨ.  Khóc cho những người nghèo mơ một cái Tết nghèo.
  Không đâu nghèo khổ hơn gầm trời này. Như những đêm dài trung  cổ.


                  ĐƯỜNG LÊN SƠN-VĨ

                  Mèo Vạc xa xôi quá
                  Cổng trời trong mây bay
                  Đá tai mèo dựng đứng
                  Sơn-Vĩ, ai có hay.

                  Chiều đông giáp Tết rồi
                  Lòng xao xuyến, bồi hồi
                  Mong nếp thơm, cơm mới
                  Sơn Vĩ ơi, mù khơi.

                  Bao bé thơ manh áo
                  Chân không dép, trụi trần
                  Hàm răng đánh lập cập
                  Sơn-Vĩ ơi, tủi thầm.

                  Buốt giá đêm đông xa
                  Vàng A Lử không nhà
                  Con, một bầy thơ dại
                  Sơn Vĩ ! Đau lòng ta.

                  Người nghèo nhiều trong bản
                  Như lá trải rừng thu
                  Mong ước đẫm sương mù
                  Sơn Vĩ, mơ ngày Tết.

                  Có ai xuyên mây qua Mèo Vạc
                  Đạp đá tai mèo, nghe gió than
                  Rét, lạnh đặc sản nơi thâm cốc
                  Sơn Vĩ, chiều nay, nước mắt tràn.

Cologne, Mồng Một Tết Quý Tỵ 2013


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 12-02-2013 16:04






Xem 1 - 10 của tổng số 16 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Kim Thu
16/02/2013 01:52:31

@Thoa ơi, mình sẽ nói lại với Việt. Những kỷ niệm rất đáng yêu của thời sinh viên trên đất nước bạn. Sẽ có một chút buồn, tư lự cho Việt. Việt thì học ở DDR, Thoa ạ, chồng Việt lại học ở Taskent. Đúng như Thoa nói , loanh quanh rồi nhận ra nhau hết. 



Từ: ThoaNP
16/02/2013 01:39:28

@Kim Thu: Nhờ Thu nhắn với Thanh Việt thắp cho mình nén hương ở bàn thờ (hay mộ) bạn Nam. Nam ngoài tính dí dỏm còn rất tình cảm, đối xử với bạn bè rất tốt. Hè cuối năm dự bị, khi một mình mình đi từ Minsk đến Kishinhev (các thành phố khác thì thường có vài ba bạn đi cùng nhau, chỉ riêng mình là đi một mình), bạn bè ra sân bay tiễn cũng nhiều, nhưng chỉ có duy nhất Nam chuẩn bị cho mình 1 túi to trái cây để mang theo ăn đường?! Sau đó mấy năm có lần Nam đến Kishinhev chơi (sáng đi chiều về vì Odessa rất gần Kishinhev), tụi mình đã đi chơi khắp thành phố rất vô tư, nói cười ầm ĩ.


Không ngờ được Bạn chết trẻ như vậy ...



Từ: Guest Kim Thu
15/02/2013 03:47:12

@Chị Ba ơi, thế thì chán nhỉ, mình sẽ không gặp được nhau dịp này rồi. Từ 1968, em cũng không gặp lại được chị Uyên, mặc dù ở ngay HN. Chị ơi, nhưng thế nào cũng có lần hội ngộ, chỉ cần có quyết tâm thôi. Chị thức khuya thế đấy hả, em canh giờ thì đã hơn 3 giờ sáng ở VN đấy! Chị ơi, chợp mắt đi, đừng thức khuya quá nhé. Mong chị ngủ ngon, ngày mai sẽ lấy lại sức, cho một ngày mới.



Từ: BaLX
15/02/2013 03:23:02

Thu ơi, lần này em về dự Du Xuân tại SG phải không? Nếu vậy thật tiếc vì chị không thể vào được dịp này rồi. Khi nào có dịp đi ĐN em gọi điện cho chị nhé, rất mong được gặp em tại ĐN. Chị Đào hiện ở Quãng Ngãi, Chị mắc bệnh về thần kinh nên cuộc sống cũng tội lắm. Chị em mình thời còn phổ thông tất cả đều  là những đứa trẻ con vô tư, lớn lên mỗi người mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh, tình cờ lại nối được liên lạc với nhau. Chỉ mong tất cả mọi người còn khỏe để lâu lâu có thể gặp nhau ôn lại những chuyện ngày xưa, chuyện của thời trẻ con.  



Từ: Guest Kim Thu
15/02/2013 02:23:30

@Thoa ơi, Phùng Thanh Nam là anh của Thanh Việt, cô bạn này học cùng Thu, Hoàng Ánh Tuyết, Hạnh (em chị Tâm) & Tuấn Phương Kiev. Nếu học đúng tuổi, anh Nam sẽ sanh vào 1952, hơn Việt 2 tuổi. Thu không biết anh Nam có học ở LX không, nhưng biết nhà Nam & Việt hồi còn ở Hà nội, ở phố Y-ec-xanh (Yersin). Nghe Việt nói Nam chết do tai nạn xe máy. Gia đình của Nam & Việt hình như gốc ở Đà nẵng. Ba của hai anh em, trước công tác tại Tòa án tối cao. Đấy là tất cả những gì Thu biết về gia đình họ. Thu chỉ nhớ nhất: anh Nam rất rất vui tính, dí dỏm lắm. Thoa ơi, Thu sẽ hỏi lại Việt nhé .


* Thoa ơi, đúng y chang như Thoa nói, Thu vừa gọi điện hỏi Việt: anh Nam học dự bị ở Minsk, sau đó về Odessa học hàng hải. 


@Huyền,  chị đã khóc nấc lên chiều Mồng Một Tết, khi đọc bài Tết Trên Đỉnh Sơn- Vĩ, vì thương tâm quá  trước những hình ảnh các cháu bé rét tím tái, đứa có áo, thì không quần, đứa có quần thì thôi áo. Có dám mơ cái Tết cao sang như con nhà miền xuôi, cốt có cơm trắng & thịt lợn là "lúc-xúc" rồi. Đường xá thì toàn đá nhọn, sắc như dao, mà chúng nó, những đứa bé ấy, chân trần đạp đá, răng đánh vào nhau cầm cập vì cái rét ác nghiệt... Thà như trong NGHÈO của Nam Cao đã đi một nhẽ. Đằng này... Bây giờ có Huyền viết ra, chị mới dám bày tỏ lòng mình, vì sợ người ta bảo mình lẩn thẩn, hơi tý là khóc. Sau đó  chị gửi cho Tuyết, cô mình này cũng kêu lên : thương quá  Thu ơi!


@Chị Ba ơi, lần này về, Thu sẽ gặp chị nhé. Thu đã dần dần nhớ ra, vóc dáng chị , lúc chị đang học với tốp Uyên, Tùng & Đào chị ạ. Chị ơi, 44 năm rồi, lúc ấy, chị em mình, hầu như đứa nào cũng có hai cái bím đuôi sam lí lắc.
 



Từ: ThoaNP
14/02/2013 23:42:30

@KimThu: Thấy Thu nhắc tới Phùng Thanh Nam, mình có 1 người bạn cùng tên như vậy, học Dự bị Minsk cùng mình, không biết phải bạn Nam đó không? Tuy nhiên Phùng Thanh Nam chỉ hơn mình 1 tuổi nên chắc không học cùng khóa với Chị Xuân Ba được. Năm 81 mình có gặp lại Nam, nhưng sau này nghe bạn bè nói Nam đã mất, mình cứ tưởng do Nam bệnh.


Thế mới thấy trái đất tròn thật. Như có lần ChâuHM nói, lấy 2 người bất kỳ nào, truy vấn các mối quan hệ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp thì chỉ cần qua khoảng 5 mối là sẽ thấy có liên quan với nhau.



Từ: HuyenBT
14/02/2013 21:23:45



 


Em cảm ơn chị Kim Thu và các anh chị đã nhắc đến những mảnh đất nghèo, những thân phận buồn  của bà con mình trong ngày tết. Càng gần những ngày tết ấm cúng, đủ đầy, càng thấu hiểu cái lạnh lẽo,thiếu thốn của đồng bào miền sâu, miền xa.Em theo dõi trên TV, rơi nước mắt khi nhìn thấy các em bé phong phanh manh áo, chân trần tím tái giữa gió lạnh đầu xuân. Em luôn bị ám ảnh đôi mắt trẻ thơ mở to ngơ ngác, những nụ cười bơ vơ, và ánh nhìn hoang vắng. Ở tuổi 13, tuổi bắt đầu thiếu nữ, lẽ ra phải là nụ cười khác, nụ cười rạng rỡ, mơ ước  và niềm vui, lẽ ra phải là ánh mắt khác, “mắt nồng rộn ý yêu thương” (như em gái trong bài hát của Đoàn Chuẩn). Ỏ đây chỉ có ánh mắt buồn, vô cảm vì đã không còn biết ước mơ…Đó là điều đáng tiếc nhất cho một con người. Đói nghèo đã trở thành tội phạm, đã giết chết những tâm hồn.


Em nghĩ nhiều về những em bé vùng cao bất hạnh cả trong ngày tết, cả khi tuổi đáng ra là đẹp nhất.


Bài thơ của em muốn góp vào cùng với các bài viết của các anh, các chị một tâm tư, một nỗi niềm như thế.




Tôi lên Sơn Vĩ


Tôi lên Sơn Vĩ ngắm hoa đào


Tin là mùa xuân bắt đầu từ nơi ấy


Những rẻo xuân lan dần từ đỉnh núi


Và hương xuân  sẽ tràn xuống hạ nguồn


 


Náo nức lòng và hăm hở bước chân


Tôi bước tới cổng trời mây  phủ


Mắt hình dung những nàng Sơn nữ


Bay ùa ra trong điệu Sơn ca…


 


Nhưng mắt chạm vào hoang vắng mênh mông


Núi đá tai mèo cắm vào lòng  buốt lạnh


Dải sương mù bọc nỗi niềm thấp thoáng


Bài hát buồn câm lặng vút lên


 


Là khi tôi gặp đôi mắt em


 Đôi mắt mở to buồn ngơ ngác


Đôi mắt thẫm đen như mặt hồ im lặng


Chứa chất nỗi niềm trong ngút ngắt sâu, xa.


 


Đôi mắt buồn em gái tuổi mười ba


Em ngơ ngác nhìn hoa đào nở


Xuân đã sang ư? Lòng thì thầm hỏi nhỏ


Môi không biết hồng, đói rét phủ lên.


 


Tôi đặt gói quà rực rỡ vào tay em


Một thoáng cười bơ vơ, xa lắc


Những lụa là,  sắc màu, gấm vóc


Có đủ tin yêu, an ủi ống chân trần?


 


Kẹo bánh ngọt ngon có  thức được giấc mơ thần


Đã chết trong em, trong tuổi thơ nghèo khó


Bàn tay nhỏ không biết run trong gió


 Bỗng run lên đón viên kẹo  giấy màu….


………


Tôi lên Sơn Vĩ bỏ lại hoa đào


Mang theo về  đôi mắt buồn vời vợi


Cả một đời biết mình có lỗi:


Vẫn còn những mùa Đông trong lòng Xuân!


(Vẫn còn những mảnh Đông trong tiết  Xuân!)


 


PS. Câu cuối cùng này chưa biết quyết định thế nào, chưa biết chọn câu nào. Ai có ý kiến gì về 2 câu cuối thì góp ý cho em với! Em xin cảm ơn trước nhé!


 


 



Từ: BaLX
14/02/2013 16:27:25

Thu ơi! Vợ chồng anh Cang và chị Giang về nước đã mấy năm rồi, hiện đang sống ở Hà Nội. Mỗi lần ra HN bọn chị vẫn thường gặp nhau ( chị, chị Giang, Tùng, Uyên và cách anh chị khác cùng lớp 10B bọn chị). Nam không học cùng lớp bọn chị, chắc học 10A hoặc 10C. Cho đến bây giờ cũng chưa có thông tin gì về việc Hội trường 50 năm thành lập trường C3 Chương Mỹ. Khi nào có thông tin chính thức chị se nhắn cho em. Chúc em cùng gia đình sang năm mới luôn vui khỏe, gặp nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống và công việc.



Từ: Guest Kim Thu
14/02/2013 02:17:06

@Chị Ba,  bài TẾT NGHÈO TRÊN ĐỈNH SƠN VĨ  viết vào năm 2009, chị ạ. Vâng, đúng như chị  & PHNghị đã viết, nên nghèo cứ diễn mãi thôi. Cảm ơn chị Ba nhiều lắm, với những đồng cảm này. Chị ơi, hôm trước Thu mới gặp Việt, bạn cùng lớp 8E Chương Mỹ (cùng Tuyết nữa), em của anh Phùng Thanh Nam, trong khối 10 bọn chị. Không hiểu chị có nhớ anh Nam không? Nam mất rồi chị ạ, tai nạn xe. Việt có nhắc đến chị Giang, anh Cang & cả Lê Hòa Bình ( học 8E với bọn em), tốp này hiện ở Tiệp. Vợ chồng Việt thì ở Đức, cách chỗ em chưa đến 200km. Em cũng khoe với Việt , việc Hội trường của Cấp III Chương Mỹ trong năm nay, như chị đã nói. 



Từ: BaLX
13/02/2013 04:32:17

Bài thơ này Thu viết từ năm 2009, nhưng đến tết năm nay, năm 2013 vẫn còn nhiều làng quê ở các tỉnh miền núi cuộc sống thường ngày vẫn còn quá cực khổ, nhất là vào những ngày đông giá rét. Xem TV thấy hình ảnh các em bé người dân tộc ở các tỉnh phía Bắc chân trần, áo phong phanh không đủ ấm thấy thương quá, mặc dù đã  gần 40 năm trôi qua sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, quãng thời gian dư sức Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác trở thành thành những nước phát triển trên thế giới. Không biết đến bao giờ các Nhà Lãnh đạo mới thôi các dự án làm nghèo đất nước, một đất nước có địa hình dài và hẹp, chỉ hơi phình ra ở ở hai đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ mà tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, toàn những Dự án trăm tỷ, nghìn tỷ. Vẫn là cảnh lặp lại của thời " tỉnh nào cũng xây dựng nhà máy xi măng lò đứng, nhà máy mía đường, nhà máy sản xuất thép...". Với số tiền tỷ đó có  thể làm được bao nhiêu km đường giao thông miền núi để đồng bào các dân tộc có cuộc sống tốt hơn. Bao giờ cảnh này mới được dừng lại? Hay sau đó lại tiếp tục " có sáng kiến " triển khai các dự án làm nghèo đất nước khác????        




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s