CÔ LƯ
Tác giả: Kaiser Kim Thu
"Mười hai bến nước, biết bến nào trong"...
CÔ LƯ
Nhà cô Lư sát với cái sân gạch nhà bà trẻ tôi, bên quê ngoại. Tên cô là Hoa Lư, một kỷ niệm của cố hương, đất Ninh Bình. Cha cô gốc gác người Gia Viễn. Ông lưu lạc khắp nơi với cái nghề xẻ gỗ. Rồi dạt về đây, đất Thường Tín này, sinh cơ lập nghiệp. Cũng chả có gì ngoài cái nghiệp nhà nông. Mẹ cô Lư là con gái Thường Tín, dân đất bãi, mía ngô màu mỡ quanh năm, bà đẹp lắm. Có lẽ cô Lư giống cha. Nếu giống mẹ, thì cô được cả người lẫn nết. Cô Lư lùn thấp, chầm chập, vai u lên, như thể sinh ra để gánh gồng. Năm ấy cô 29 tuổi, đã có thằng cu con 5 tuổi, thằng Thành, bằng với cậu Châu, em út tôi. Cô để răng đen, đầu vấn khăn. Cái khăn vải màu nâu đã cũ, bạc phếch. Cô không đẹp, lại chẳng biết ăn diện, chẳng biết làm đỏm. Nhưng cả nhà tôi, ai cũng yêu cô, thương cô lắm. Con người hiền lành, mộc mạc, thật thà như đếm.
Tôi không biết mặt chồng cô, chú Khánh đã đi bộ đội từ dăm năm nay. Tôi nghe các chị Xô, chị Viết nhà bác Nghị bên hàng xóm kể, chú ấy trắng trẻo, mồm miệng mau mắn. Thật chả bù cho cô Lư, người cứ củ mỉ cù mì, lành như cục đất. Nhưng cái nết làm ăn, thì cả xóm phải nể.
Từ trước Tết năm ngoái, nghe phong thanh đâu chồng cô, chú Khánh có vợ bé trong Thanh, có con với người ta nữa mà. Cô Lư bỏ ngoài tai. Làm gì ra có, không nhẽ Đảng, Đoàn đơn vị lại để im cho. Cô đã ít nói, nay cậy răng cũng chả được một lời.
Cô vẫn siêng đi lại bên nhà chồng. Chả có cái dỗ, chạp nào cô vắng mặt. Xung quanh vườn cải trước sân, cô Lư có hơn hai chục khóm chuối. Cô cứ bán cải với dăm buồng chuối, là tiền lại vào cả các đám ấy. Lần thì vài cân gạo nếp. Lần thì yến gạo mới, cái gạo đỏ hạt tròn, ăn ngọt cơm lắm, cô có biếu bà nội tôi, ăn nếm đầu mùa.
Hồi hè trong năm, mẹ chú Khánh ốm quá. Cô bỏ cả việc đồng áng, túc trực chăm sóc mẹ chồng. Thầy thuốc khuyên uống lấy dăm thang thuốc bắc, sẽ vực lên được. Các con trai, con gái của bà bận cả, lại đến tay cô. Cô Lư không có xe đạp, mà cô cũng chẳng biết đi xe. Cô đi bộ lên phố Huyện. Từ nhà ra đến huyện lỵ Bằng, Vồi, có dễ hơn bảy, tám cây số chứ chẳng ít. Nó là con đường 71, rải đá, chứ chưa láng nhựa, ổ gà khiếp lắm. Chị em tôi cũng đã từng đi trên con đường ấy, những ngày sơ tán, khi phải ra xe bus ngoài Bằng, Vồi, để về Hà nội.
Cô Lư đi từ tinh mơ, có độc cái nón cũ trên đầu. Cô đi đất, chả có dép guốc gì. Hai bàn chân to, thô,quen với đất cằn, sỏi đá. Đến nơi, chợ chưa họp, hai dãy phố huyện vắng hoe. Cô ghé xuống gốc phượng ngồi. Đúng chỗ này ngày ấy, cô tiễn chú Khánh lên đường nhập ngũ. Cũng nóng bức, oi đến nhoai người như hôm nay. Chả có được một ngọn gió, cây cối cứ im phăng phắc. Trong bụng cô, cái thai bảy tháng đạp tợn hơn. Chú Khánh dặn, là con trai thì u nó đặt tên là Thành nhé ! Khánh thành mà. Chú Khánh hứa sẽ viết thư về mỗi tháng. Chú Khánh hứa ... Cô bỗng thấy cay sè trong sống mũi, một thoáng dư âm của năm xưa xao xác đâu đây, khía nhẹ vào ký ức buồn.
Cái cửa gỗ nhà ông lang Trấn chợt kọt kẹt. Người ta đã dọn hàng. Cô Lư như bừng tỉnh, trở về với hiện tại. Cô đứng bật dậy, bước thấp, bước cao chạy lại quầy thuốc bắc. Cô bốc năm thang thuốc, sau khi đã kể bệnh tình của mẹ chồng mình cho ông lang Trấn nghe. Chả được hụm nước vào miệng, cô ghé chợ mua hai cái bánh dợm cho thằng cu Thành, rồi tất tả về ngay.
Vừa thoáng thấy bóng cô qua góc sân, bà nội tôi đánh tiếng:
- Cô Lư về rồi đấy hử? Có bốc được thuốc cho bà cụ không ?
- Có, cụ ạ. Cháu lấy năm thang.
- Cô cầm cái ấm sắc thuốc này về mà dùng. Thế là quý hóa lắm rồi. Bà cụ thật mát ruột vì con dâu.
Cứ đến chiều thứ bảy, cô Lư lại ngóng chị tôi, mong chị lắm, cô vẫn nhờ chị viết thư cho chú Khánh. Năm ấy chị đang học lớp 8 trường cấp III Trưng Vương, Hà nội. Trường sơ tán bên kia bãi Tự Nhiên. Chị tôi học nội trú, nhưng cũng nhấp nhổm về lúc cuối tuần, nhớ các em một phần, phần nữa lo về nhà còn đỡ đần bà nội.
Lên đèn được một lúc thì cô Lư sang. Bà cháu tôi, cơm nước đã xong từ chiều. Cô mang theo cây đèn to, bóng búp măng. Cô khêu cái ngọn lên, bây giờ ánh sáng ấy đã lung linh lắm. Tôi nhận ra gương mặt thật hiền hậu của cô. Cô Lư trông trẻ ra, cái phấn khích đọng trong đôi mắt long lanh, rạng rỡ trong nụ cười đằm thắm với hàm răng đen nhánh, đều chằn chặn. Cô đang thổn thức với tình, những mong gom được cái khối tình mộc mạc của mình vào lá thơ xanh cho người chồng yêu thương.
Chị tôi lấy tờ giấy trong cuốn vở học, định chắp bút, thì cô Lư chìa vội xấp giấy pơ-luya xanh ra.
- Viết vào đây cháu!
- Cô mua ở đâu được giấy viết thư đẹp thế?! Chị hỏi.
- Hàng xén dưới chợ. Cô phải dặn trước, người ta để dành cho.
" Vân La ngày...
Anh thương nhớ của em !
- Đừng, cháu viết là: " Gửi thầy thằng Thành" cháu ạ.
Tôi thấy mặt cô thoáng đỏ lên một chút. Cô không quen cái cung cách xưng hô như trong các bức thư tình của tiểu thuyết, của phim ảnh.
- Gì nữa ạ. Chị ngước lên chờ cô Lư đang soạn những dòng tình cảm trong đầu.
" Lớp này thầy nó khỏe không?! Đừng hút thuốc lào nhiều quá, lại ho cả đêm đấy. Em mới làm được cái nhà tắm, bằng liếp cả thôi, nhưng chắc lắm. Chuối năm nay hỏng, chả được mấy buồng. Đám lúa nếp cũng không tươm như dạo năm ngoái, nhưng em cũng mang được dăm cân biếu đẻ."
- Cô ơi, có kể hôm mẹ chú Khánh phải đi cấp cứu lên trạm xá xã không ạ ?
- Thôi, chả kể, rồi chú ấy lại phát lo. Lòng dạ nào ở đơn vị được.
Cô ngó lại những dòng chữ nghiêng nghiêng màu mực tím, mà chị đang nắn nót trên trang thư. Bao nhiêu sóng xuân dào dạt trong lòng người đàn bà trẻ. Bao nhiêu khát khao yêu đương với dư âm ái ân và ăm ắp nhớ mong chồng...
- Cháu nhờ người ra Hà nội gửi thư cho cô nhé! Chị tôi gấp tờ pơ-luya làm tư, lùa vào phong bì thư, hỏi cô Lư.
- Ừ, đừng quên nhé. Chú mong lắm, cháu ạ.
Đến độ ngoài 11 giờ đêm, bà cháu tôi đã lên giường ngủ cả. Bỗng có tiếng chó cắn đầu hồi. Ai thế nhỉ?
- Cháu đây cụ ạ, Lư đây. Cô lách cái cửa phên bước vào gian giữa.
- Nga ơi, cho cô lấy cái thư về, mai có phiên chợ Vồi, cô gửi người ta cháu ạ.
- Khổ thân cô, thế mà giữa đêm phải dậy. Chị với cái phong thư, đưa cô.
Tôi cũng lồm cồm nhỏm dậy, bắt gặp một gương mặt ửng hồng của cô Lư, vừa thẹn, vừa bừng lên một thứ tình cảm mãnh liệt. Cô không dấu được cái tình ấy của mình với chồng. Cô sợ mất lá thư. Cô sợ những dòng chữ gửi gắm bấy nhiêu ân tình mộc mạc của cô, cả hy vọng nữa... sẽ không đến tay chồng. Hay cô sợ thư này chậm tới tay chồng, vì nó sẽ vòng lên Hà nội, rồi mới vào trong Thanh? Bao nhiêu ấy, là đắm đuối yêu thương, là nghĩa vợ tình chồng, cô cần gì đâu phải mở đầu lá thư với mấy câu "Anh yêu thương.." Không thương, không nhớ làm sao cô có được lá thư này gửi chồng.
Nhưng bao nhiêu thơ đi mà chẳng có thơ về. Cô cứ giật mình thon thót, mỗi bận ông Trạc bưu điện xã, két phanh xe đầu ngõ. Nhưng lại là thư của anh Hữu, con trai bác Nghị.
Cái hôm cô đưa mẹ chú Khánh đi cấp cứu, nghĩ mà thương cô quá. Cô Lư vừa ở ngoài bãi về. Hôm ấy tổ cô bóc lá mía trên Vân La thượng. Một công việc rất vất vả, vì lá mía rặm, sắc lẹm. Các cô quàng khăn mỏ quạ kín mặt, lấy xà cặp vẫn đi cấy, quấn vào hai cánh tay. Thế mà lúc về nhà, trên gương mặt và hai bắp tay cô Lư đỏ lên, ngang dọc đầy vết xước, như bị người cào. Chưa kịp rửa mặt, vấn lại cái khăn, thì ngoài cổng nghe thình thịch bước chân.
- Chị Lư, chị Lư ơi, đẻ nguy kịch rồi chị ơi, không nhanh khéo cấm khẩu. Cái Lý, em chồng cô hớt hải chạy vào.
- Từ bao giờ thế? Cô Lư hỏi.
- Mà sao không ai đưa đẻ đi từ sớm. Mượn cáng mà khiêng đi chứ. Cô lật đật ra cổng.
Đến nơi đã thấy người vây kín cả ngõ. Cô len vào bên trong, kêu lên:
- Ối giời ơi, đau đẻ còn đợi sáng giăng. Chẳng có cáng, có xe, thì cõng bà đi chứ. Cô ghé sát vào giường bà cụ, sẽ nói:
- Con đây đẻ ơi. Con cõng đẻ lên Trạm xá nhé. Cô bảo Lý đỡ một bên, xốc bà cụ cho ngay ngắn trên lưng, rồi cứ thế cô cõng mẹ chồng chạy ra cổng. Men theo chân đê, cô chạy băng băng. Cô vốn thấp người, khiến hai cái chân bà cụ cứ thõng ra, quệt xuống mặt đường. Bóng một già, một trẻ nhấp nhô trong chạng vạng chiều.
- Lấy được con dâu thảo, con dâu ngoan, rõ sướng nhé!
- Ấy vậy mà còn có thằng đàn ông nó chê, nó bai đấy. Chẳng ai đo được lòng người.
Người ta râm ran cái chuyện xa xôi bóng gió nghe được về chú Khánh. Người ta thương hại cô Lư, người hiền lành, mộc mạc, sống chan chứa yêu thương với gia đình nhà chồng, mà chịu phận thiệt thòi.
Trước Tết, cô Lư cứ thấp thỏm mãi. Đợi ngày chú Khánh về phép. Thuốc lào Tiên lãng cô đã nhờ mua được từ trong chạp. Mấy lạng chè Thái nguyên vẫn đây, gói kín trong bao nilon... Đã qua mồng Năm rồi, mong nhớ chưa nguôi ngoai, thì được tin như sét đánh ngang tai. Vợ chồng bác Vĩnh trên Vân La thượng mới ở Thanh Hóa ra. Hai bác vào thăm con trai trong ấy. Họ cam kết rằng chú Khánh đã có vợ con trong Thanh, ngay ở thị xã. Cô vợ bé là gái hàng xén, thạo lắm.
Tối ấy, cô Lư sang nhà tôi. Bà nội têm cho cô miếng trầu, nhìn mặt cô ủ rũ, bà thương cô quá.
- Chả buồn, chả tiếc cái loại bạc như vôi cô ạ. Cô mà lụy quá, rồi quỵ xuống đấy thì rõ khổ cái thân. Cô còn thằng cu con nữa, chả ai lo cho nó bằng cô. Cứ để vậy, thế nào chính quyền, đoàn thể cũng nhìn ra.
- Vâng, cháu nghe cụ. Cô đón miếng trầu từ tay bà nội, nước mắt rơi lã chã. Cô khóc nấc lên.
- Chả thương yêu cháu thì thôi, chứ thằng Thành chả là giọt máu đào đấy ư?
Bẵng đi một năm, người ta đồn chú Khánh bị kỷ luật.
- Này, đóng lên đến trung úy rồi nhé . Thế mà bây giờ ra lâm trường cải tạo. Cái ngữ ấy chả tiếc làm gì.
- Có hòa giải, thì về cũng lại "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Khổ con bé cái Lư, hiền quá hóa đần.
Chị em bạn bè, họ mạc nhà cô, ai cũng khuyên cô đâm đơn kiện và xin ly hôn. Nhưng cô Lư gạt đi. Cô vẫn thương chú Khánh. Cô vẫn hy vọng một ngày chú nghĩ lại. Cô vẫn nghĩ tử tế cho một con người không tử tế.
Giữa thập niên 80, tôi nghe các bác trong quê nói với mẹ:
- Lư nó chết rồi dì ạ. Ốm mất mấy năm.
Lúc ấy, cô mới 50.
Tôi nghĩ đến ngôi mộ của cô Lư. Tôi còn nhớ cái nghĩa trang ấy trong làng. Đứng bên này cầu ao nhà bác Ấu tôi nhìn sang, thấy san sát những nấm đất ấy. Câu hát cuối trong bài Chị Tôi với giọng ca rất ấm, rất mượt mà của Bằng Kiều, tựa một cái cối đá, đè lên ngực tôi:
"Mộ vẫn chưa có chồng"...
Còn cô Lư, mộ ấy đã có một tấm chồng. Nhưng nào có khác gì thân phận người chị kia trong mộ.
Cuộc tình đã ngược đãi một người đàn bà. Cuộc đời đã không dành ưu ái cho người đàn bà ấy. Người hoàn toàn xứng đáng là mẹ hiền, xứng đáng là người vợ thủy chung nặng những ân tình, xứng đáng là con dâu hiếu thảo.
Cô Lư ơi, chắp tay lậy Phật nguyện cầu, cháu những mong cô đã về nơi ấy. Chấm hết từ nay bao cay đắng của lụy trần. Cô ơi, " Mười hai bến nước, biết bến nào trong".
Cologne Rằm tháng Giêng, Quý Tỵ 2013.
Người post: ThuKK
Ngày đăng: 03-03-2013 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |