KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 05 Tháng ba. 2013

LÒNG MẸ




Tác giả: Kaiser Kim Thu



                                                     LÒNG MẸ
    
              Viết sau khi đọc "Mẹ Hổ ".  Amy Chua ( phụ nữ Trung Hoa) đã
              dạy con như một Hổ mẹ - nghiêm khắc đến tàn nhẫn ...
              Nhưng, những bà mẹ VietNam đã dạy con với một tình yêu thương
              vô bờ và hy sinh tận tụy.
           

 
          
    
Tôi vào bếp làm cho mình một ly trà lớn, tính đến cuộc điện thoại sẽ kéo dài với chị Nga. Tôi nhận ra ngay tiếng chị mình từ đầu dây:
- Yến bị cancer Thu ơi, chị không muốn nói trước lúc Thu đi nghỉ hè. Bây giờ đang đợi mổ.
Tôi lặng người trong giây lát, trấn tĩnh cơn sốc và hỏi chị Nga giọng khẩn thiết:
- Bao giờ chị Nga vào Sài gòn? Vào nhé, Thu sẽ lo vé để về ngay.
Đó là mùa thu 1998.
     Không vào được Bách Khoa Hà nội như nguyện vọng, Yến vào học Cao đẳng Quân y. Cuộc sống sôi động của tuổi trẻ, của những người lính, nhanh chóng làm vơi đi nỗi buồn và thất vọng trong thi cử của Yến. Với cô, bây giờ là những tháng năm gắn bó với đồng đội, với những thương bệnh binh nhiều hơn. Cô được điều về Bộ Tư lệnh pháo binh, sau khi tốt nghiệp.
     Yến là con thứ tư trong gia đình tôi, một mình nuôi con, hai mẹ con ở với ông bà ngoại từ lúc cu Việt Tùng mới chào đời. Sau giải phóng Sài gòn, nhiều gia đình có biến động. Xu hướng chung là thuyên chuyển về nơi „đất lành chim đậu". Thời kỳ đầu đối với mẹ con Yến , gian truân lắm. Sở Giáo dục thành phố phân bố học sinh theo địa dư. Lúc đầu, hai mẹ con Yến chưa có hộ khẩu Sài gòn, thằng cu Tùng bị đưa về một trường cấp một, xa tít tắp, tận ngoại vi thành phố. Ông, bà ngoại đều đã về hưu. Ông làm sao giúp được việc đưa đón cháu, lập cập xe pháo, ngã một cái thì khốn. Ai sẽ là người đưa đón con đây. Yến không biết chạy xe máy, từ cơ quan đến trường ấy rất cách rách, sẽ không kịp giờ làm....
Sáng hôm sau, Yến quyết định lên Quận nhờ can thiệp. Cô mở tủ lấy bộ quân phục, bộ đồ lúc làm công tác quân y ở Bộ Tư lệnh pháo binh, ngó lại mình trong gương lần nữa, rồi lên xe đạp. Người tiếp cô ở Phòng giáo dục quận, là một ông già cổ lỗ, khó tính. Yến ra khỏi văn phòng quận với một tâm trạng chán trường, mệt mỏi, vì việc không thành. Lo âu và thất vọng khiến cô muốn sụp xuống, sẽ xoay sở thế nào bây giờ đây. Nước mắt chợt dâng lên, sống mũi cay sè. Vừa tra chìa khóa vào ổ ,để mở xe đạp, chợt có tiếng gọi với :
- Cô bộ đội, đồng chí bộ đội ơi!
Yến ngẩng lên, một người đàn ông đã trạc bốn mươi, vẫy cô lại. Tia hy vọng mỏng manh chợt bừng lên.
- Cô mang quyết định này và hồ sơ của cháu đến nhập học ở trường Trần Quốc Toản nha.
Ồ, được rồi, người ta đã chấp nhận. Yến cười mà nước mắt lăn xuống má.
-  Em xin ạ , cảm ơn anh quá.
- Tôi cũng mới giải ngũ, thương binh loại hai. Đồng chí trưởng phòng nói với một giọng thật ấm áp.
Yến hiểu những gì sau lời nói ấy, của một nỗi cảm thông sâu sắc, của những người đã một thời cùng khoác áo chiến binh.

Ổn rồi, lòng người thiếu phụ vui như mở cờ.
- Con sẽ về Trần Quốc Toản nhé, ngày mai mình phải xong hết thủ tục. Yến nói với con lúc vừa dựng xe đạp ở cổng.
Thật ra cắp sách tới trường để vào lớp một, nhưng cu Tùng đã được mẹ trang bị kiến thức khá toàn diện cho trình độ lớp hai rồi.
Tôi cứ nhớ mãi cuối năm 1995, lúc về thăm nhà. Đêm đó, ai về giường nấy rồi, bỗng cu Tùng nhảy phốc từ giường hai mẹ con đang nằm, chạy sang phòng bác Thu. Chưa hiểu ra sao, thì mẹ Yến nó giải thích:
- Cháu muốn đọc bảng cửu chương để bác Thu nghe đấy.
- Vậy hả, hay quá , bảng nào đây?
- Bác muốn nghe bảng nào ? Tùng hỏi bác giọng đầy tự tin. Ái chà, cu cậu ra dáng quá đi.
- Bảng 5 nhé, thuộc tới đây chưa ? Tôi hỏi cháu. Cu Tùng gật đầu:
- Cả đọc ngược nữa bác. Thằng này ngon, tôi nghĩ trong đầu.
Lúc ấy Việt Tùng mới được năm tuổi ! Tôi thán phục cậu bé một phần, tấm tắc trong lòng khen người mẹ kia, em gái nhỏ của mình, mẹ Yến ấy, đến mười phần. Tôi biết, không phải dễ gì để có một sự kiên trì, nhẫn nại trong công việc chỉ bảo , dạy dỗ trẻ học.
Từ lúc cu Tùng bắt đẩu hiểu, Yến dạy con theo một kiểu khác hẳn. Nằm trong màn, hai mẹ con cùng giải toán. Không giấy nháp, không bút sách. Mẹ ra đầu bài, con ghi nhớ đầu bài. Như thế người học phải hiểu bài toán yêu cầu gì, mà chẳng nhìn vào giấy vở, tất cả tích lũy trong đầu. Thắng bé trở nên rất giỏi môn tính nhẩm. Nhưng không riêng môn Toán, ở môn Tiếng Việt, Yến cũng rất chú trọng, hướng cho con phân tích được ngữ pháp, nắm chắc bố cục các từ trong câu và chức năng của các từ ấy.
Tôi nhớ một lần khác, hai bác cháu đang nằm chơi, trên tường là bức tranh ngựa mẹ với chú ngựa con-bức tranh rất lớn, lộng kính mà bố tôi cất công mang từ Hà nội vào. Tôi chợt hỏi cu Tùng:
- Đặt câu với từ „mênh mông"?
- Ngựa con chạy trên cánh đồng mênh mông.
Tùng trả lời không chờ đợi, khiến tôi sững người vì ngạc nhiên, nó là thằng bé chưa vào lớp một. Tôi biết cái vốn liếng câu cú ấy, tất cả là do mẹ Yến chỉ bảo.
Lúc mới sinh, cu Tùng thuộc loại yếu ớt, còm nhom. Chỉ thấy nó cao lên cùng với năm tháng, chứ không thấy mập mạp chút nào. Mẹ và ông bà ngoại thương lắm.
Yến không ép con học với một áp đặt lớn như nhiều phụ huynh khác. Cô thấy con mệt mỏi, không tập trung nữa, là dừng ngay "giờ học" của con. Những lúc con vui, đang hăng hái, cu cậu được "kích" bằng nhiều mẩu chuyện, nhiều tấm gương sáng khác, Yến đi vào chương trình học cho con ngay.
      Vào học cấp một, cu Tùng nhanh chóng vượt trội bạn bè và liên tục giữ vị trí hàng đầu trong lớp. Nhưng môn tập làm văn, cháu vẫn chưa vào loại giỏi. Mỗi lần Yến đón con ở trường về, hai mẹ con ríu rít quanh đề tài ở lớp học của Tùng. Ông ngoại nói: thấy mẹ nó cười là biết cu Tùng hôm nay chỉ toàn điểm 10. Có lần Tùng nhăn nhó với mẹ:
- Thôi mẹ đừng đón con nữa, để mình ông đón con thôi. Mẹ đón, cứ hỏi suốt à. Tại sao bài viết không được 10 ? Văn khó lắm mẹ ơi !
Ông bà biết chứ, biết Yến chỉ có mình nó ,thằng con trai rất mực yêu dấu, bao yêu thương, hy vọng, Yến dồn hết cho con, những mong con học hành xuất sắc, thành đạt.
Đến lớp ba, Tùng có trong danh sách thi học sinh giỏi cấp quận.
Yến bắt đầu phác thảo nhanh chương trình bồi dưỡng con. Cô chở con trên cái xe đạp cọc cạch, mỗi khi con tan học về, tới các hiệu sách, lùng tìm mua thêm sách những bài toán khó, để luyện thi. Tối mịt, khi hai mẹ con trở về vào bữa tối, thì cả hai đã bã người ra vì mệt. Vẫn phải học ngay sau bữa cơm. Yến đưa ra những cách giải khác nữa, ngoài đáp án trong sách. Phân tích được cho con, chọn cách giải nào hay hơn, xuất sắc hơn. Bây giờ thì cu Tùng mắt đã đờ ra, mẹ Yến nó phải ẵm từ bàn học vào giường. Chỉ còn tuần này nữa thôi, kỳ thi bắt đầu rồi.
     Một tuần trôi qua.Trưa hôm đó, Tùng bảo mẹ:
- Mẹ ơi, được rồi đấy.
- Được là sao? Yến hỏi lại con.
- Được là thi đậu đó. Có mình con không à.
- Ai nói con vậy? Yến hỏi.
- Con nghe thấy cô Toàn nói với cô Thủy : "Này thằng Ròm lớp cậu, đậu rồi đấy ! Có mình nó thôi nhé !". Thằng Ròm là cô nói con đấy mẹ.
Sáng hôm sau, Yến tới trường con ngay. Đang còn nhớn nhác, thì cô Thủy chủ nhiệm đã te tái chạy lại:
- Chị Yến, thằng Tùng đậu rồi nha, mang giải về cho trường Trần Quốc Toản đấy !
Yến nắm lấy tay cô Thủy:
-Tất cả là ơn ở cô đấy.
                     
                                                                                                    

Vũ Việt Tùng nhận giải Lê Quý Đôn của quận Tân Bình, năm cậu 9 tuổi.
Thằng con trai bé nhỏ, còm nhom , cao nhẳng của mẹ Yến đã mang một niềm tự hào, một niềm vui quá sức tưởng tượng về cho ông bà, cho cả nhà và nhất là cho mẹ Yến.
Cậu có biết rằng, cậu đang thắp sáng tâm hồn người mẹ yêu dấu kia không .
Cậu học trò lớp ba đã mang vinh danh về cho trường cấp một Trần Quốc Toản. Nhà trường có phần thưởng riêng cho Tùng, động viên cậu trò nhỏ và mời mẹ Yến làm trưởng ban phụ huynh của lớp 3/5.
Yến biết, thành tích bước đầu này của con, là kỳ công chiến đấu của  hai mẹ con cô. Không phải một ngày, mà là hàng ngày, không phải một tuần, một tháng, mà là suốt cả năm học. Mỗi ngày mẹ cố cho con, mỗi đêm mẹ thức với con, sửa lại từng câu từng chữ, sửa lại từng lời giải trong các bài tập Toán, sao cho trong sáng, chính xác như bản thân môn học ấy yêu cầu. Cô cũng xác định được, từ nay, phương thức học với con như vậy, sẽ có hiệu quả. Nụ cười nở trong lòng người mẹ trẻ. Mới chỉ là bắt đầu, con đường học của nó còn dài, còn nhiều tu tập lắm.
Lên đến lớp bốn, Tùng vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Các đợt thi Toán tiếp theo, Tùng và các bạn trong đội tuyển đã vượt qua dễ dàng.
            Tôi  chỉ thắc mắc, tại sao nước mình vẫn có một giáo trình kỳ cục như vậy. Đó là môn thủ công. Học sinh ở các lớp lớn, còn có khả dĩ. Đằng này mới cấp một, học trò còn quá nhỏ, làm sao các cháu làm được. Tôi nhớ lại ngày xưa, khi còn học lớp ba. Bài cô giao, trong môn thủ công là : nặn quả đu đủ chín !
- Mẹ ơi, con phải nặn một quả đu đủ chín, mẹ!
- Để mẹ hỏi thử cụ hàng giò xem nhé . May ra cụ ấy giúp. Mẹ tôi, bà ngoại cu Tùng nói vậy.
- Mợ mua cho tôi một quả nhỏ, còn xanh nhé ! Cụ ấy dặn.
Hôm sau, tôi đến lớp với một tự hào không sao tả xiết, vì rất nhiều bạn khác, không có được quả đu đủ , như tôi đang cầm nó trong tay. Nhà trường đang chấm điểm cho các bậc phụ huynh, chứ không chấm điểm cho các cháu. Ai cũng biết điều đó, và ai cũng tuân thủ theo hiện hành ấy.
    Năm 1998, cả gia đình tôi, chắc không ai quên kỷ niệm buồn ấy. Yến bệnh nặng. Yến vốn dĩ là một người yếu đuối, gầy còm từ nhỏ. Cô mảnh mai như một nhành liễu, sống rất giản dị, chẳng hề lòe loẹt son phấn bao giờ. Quà tặng của bạn bè, của các chị, có lẽ chỉ để làm phong phú thêm cho thư viện quần áo. Nhưng lại chăm lo cho các chị, các cháu trong nhà rất chu đáo, kỹ lưỡng. Bản tính hiền lành, hiếu thảo, một con người chịu nhịn, ít va chạm, nhỏ nhẹ lắm, nhỏ nhẹ cả từ tiếng nói. Khi tôi về tới Sài gòn, thì Yến đã qua ca phẫu thuật. Nhìn thấy Yến, tôi không tin ở mắt mình, Yến bây giờ thảm hại đến thế này. Nằm trên giường, mà chỉ thấy chăn và mền, thân hình Yến mỏng tang, ngót đi đến dăm ký. Khuôn mặt mệt mỏi, phờ phạc vì trải qua những cơn đau. Hai hốc mắt trũng xuống, thâm quầng. Yến, em gái bé nhỏ của tôi đến nông nỗi này sao, tôi dằn vặt lòng mình với hàng bao nhiêu câu hỏi. Thương cho một số phận trớ trêu.
Yến phải chạy hóa chất (Chemotherapy). Đây là một cực hình cho các bệnh nhân bị cancer, trong trường hợp bắt buộc phải dùng tới nó. Chưa kết thúc đợt chạy hóa chất, tóc người bệnh đã trút xuống gần hết. Bệnh nhân đau đớn vì căn bệnh đày đọa, lại xót xa, khổ sở vì hình thức bên ngoài suy sụp một cách thảm hại. Yến phải đội tóc giả, rồi lúc nào cũng sùm sụp một cái mũ, kể cả khi cô ngồi trong phòng. Cu Tùng nó la lên không chịu:
- Mẹ ơi, con chẳng thích cái tóc này của mẹ đâu !
Yến cười ra nước mắt. Lúc ấy Việt Tùng mới học lớp hai. Cậu còn quá nhỏ, thương mẹ mấy cũng không sao hiểu được. Tôi và cả nhà đều biết, nhưng chính cái sinh linh bé nhỏ ấy, chính thằng con trai yêu duy nhất ấy của Yến, là động lực mãnh liệt nhất, giúp Yến đủ can đảm, đủ ý chí, đủ nghị lực, để vượt lên, để chiến thắng bệnh tật. Cả phòng bệnh Yến nằm, bấy nhiêu bệnh nhân đều một lời: Cứ tưởng cô ấy không qua được cơ đấy, nhỏ mà lì thế! Yến đã chiến thắng tử thần, cô phải sống! Tiếng gọi ấy từ đứa con yêu, từ trăn trở của một người mẹ, từ việc hướng tới tương lai cho con, tất cả... Yến nói với tôi : " Chị ơi, chưa làm được gì cả, bây giờ mới là bắt đầu. Em phải sống !". Tôi nhìn vào mắt em, thấy một nghị lực phi thường ở người phụ nữ đang bị con bệnh đày đọa, thấy một tình yêu thương mênh mông vô bờ bến của người mẹ trẻ, thấy một thách thức ghê gớm trước định mệnh của một thân hình nhỏ bé , Yến chỉ còn 36 ký ! Tôi biết Yến đang đối đầu với một hiểm nghèo, giữa cái sống và cái chết. Nhưng người mẹ trẻ ấy đã vượt lên, giành lấy sự sống, như mơ ước, để nâng tiếp những bước đi của con trai mình.
Những ngày mẹ bệnh, cu Tùng ngủ với bác Nga và bác Thu bên gian này. Một buổi sáng, mọi người còn đang ngủ, bất chợt cu Tùng vùng dậy hỏi:
- Bác, quả quýt của cháu đâu? Quả quýt thủ công ấy bác.
- Quýt nào nhỉ. Chị Nga ngạc nhiên lắm. Nhưng chị chợt hiểu ra.
- Quả quýt thì bác chịu, bác  chẳng làm được như mẹ Yến đâu.
Nhưng rồi Tùng reo lên:
- Bác ơi, kia rồi, mẹ đang nặn kia rồi. Cu Tùng mừng líu cả lưỡi. Tôi vội ngóc đầu dậy, ngó sang giường Yến. Trời ơi, em tôi, mẹ Yến nó, ở tư thế nằm nghiêng, chỉ thấy một bờ vai gày, vặn vẹo người chống trả cơn đau, trong tay với một cục đất sét màu vàng, thoăn thoắt miết lại cho mịn màng da quả quýt thủ công. Tôi muốn gào lên trong cơn xúc động, trước một hình ảnh vô cùng cảm kích ấy. Nếu là họa sỹ, tôi muốn vẽ lại bức tranh này. Nếu là nhiếp ảnh gia, tôi sẽ có cho triển lãm ảnh một bức hình vô giá. Nếu là nhà điêu khắc, tôi sẽ có một tác phẩm để đời. Cả tôi và chị Nga cùng nước mắt tuôn rơi. Tùng chạy lại bên mẹ:
- Còn cái lá màu xanh của nó nữa, đâu hả mẹ?
- Đây, mẹ làm từ trước rồi, mình chỉ cắm vào thôi là xong.
Cả chiều hôm ấy Yến thiếp đi như hôn mê, bởi một đêm thức trắng, chỉ để hoàn tất môn thủ công cho con.

Cứ mỗi cuối kỳ nghỉ hè, vào trung tuần tháng tám, Yến lại bận rộn chuẩn bị cho khai giảng của con.
Cô ngồi nắn nót viết tên họ, tên cuốn tập, tên cuốn sách giáo khoa vào các nhãn vở cho con. Chữ Yến rất đẹp, đều tăm tắp.Tất cả các cuốn vở viết, các cuốn sách giáo khoa, nhất nhất cùng một màu giấy bọc, như màu giấy xi-măng ta vẫn gọi.
Có lần Tùng nói mẹ :
- Sách này có phải của mình đâu, mượn rồi lại trả nhà trường mà, mẹ bọc làm gì cho mệt.
- Mượn trường ,rồi trả lại, càng phải bọc. Các học sinh sau con, sẽ rất mừng vì được dùng cuốn sách còn mới, sạch đẹp. Yến giải thích để dạy con như vậy.
 Tôi nhớ hồi Việt Tùng học lớp năm, còn được nhận phần thưởng khuyến khích "con nhà nghèo vượt khó" của Thành phố. Đó là một thùng mỳ gói và một cái xe đạp. Yến dùng mãi cái xe đạp chiến tích ấy của con với niềm kiêu hãnh thật lớn.
    Sang cấp hai, Việt Tùng về học tai trường Phan Bội Châu. Ở các lớp trên, nhiều môn hơn, số giờ nhiều hơn và lại thêm trách nhiệm cán bộ lớp. Yến phải đầu tư rất nhiều thời gian cho con, sao cho vai trò cán bộ lớp, Tùng vẫn hoàn thành, mà học lực vẫn giữ được như những năm trước. Việt Tùng liên tục là học sinh giỏi cấp quận,cấp thành phố, là cháu ngoan Bác Hồ cấp thành phố trong các năm học cấp một và cấp hai.
Ở lớp bảy hồi đó, trong môn Sinh học, học sinh phải làm thực hành nhiều lắm. Khó nhất là làm bộ xương thật của con ếch. Yến phải vào cuộc, làm sao thằng bé kham nổi tác phẩm này. Yến không muốn điểm trung bình của con sẽ bị kéo xuống, vì không có bài thực hành môn Sinh .
Yến lột da ếch. Luộc chín và lấy hết phần thịt, các dây chằng giữ nguyên, bỏ phần xương này vào nước xà phòng loãng, cọ rửa cho sạch, vớt ra tiếp tục ngâm xương vào dung dịch ô xy già trong hai giờ. Sau đó mang phơi dưới nắng ,đến khi xương trắng là được. Lúc này xương còn mềm phải định hình ngay nếu để khô, sẽ không thể xử lý được nữa.
Bộ xương phải ở trong tư thế con vật sống, dùng keo cố định lại. Sau đó trang trí cho sống động, tự nhiên.
  Kết quả môn thủ công đã đưa "tầm cỡ khéo tay" của người mẹ đến đỉnh cao. Bây giờ Giáo vụ trường cấp hai Phan Bội Châu nhờ đến bàn tay vàng ấy của Yến. Nó lại là một con chim bồ câu.
  Yến bắt tay vào công việc ngay. Cô vốn khéo tay từ nhỏ. Hồi lớp sáu, còn học ở Hà nội, đã đoạt giải ba thi Nữ công khéo tay do Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố Hà nội tổ chức.
Chim bồ câu mua lúc còn sống,các khâu xử lý với hóa chất cũng tương tự như đối với trường hợp làm ếch, Nhưng với chim bồ câu phức tạp hơn rất nhiều, bởi vì lớp lông của bồ câu phải trả lại cho nó như lúc ban đầu. Cuối cùng, thì trường Phan Bội Châu cũng có được một con chim bồ câu "khô" như ý.
        Cuộc hành trình cùng con từ lúc chập chững tới hôm nay, chưa khi nào thấy Yến chồn chân mỏi gối. Sang lớp tám, Vũ Việt Tùng lại nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa qua kỳ thi Toán cấp quận. Sau giải Toán này, Việt Tùng được lọt vào đội tuyển học sinh giỏi cấp thành phố. Một bước ngoặt mới với nhiều thử thách mới.
Đến những năm này, bản thân mẹ Yến cũng không còn nhiều khả năng như trước, để bồi dưỡng, luyện môn toán cho con. Yến phải nhờ đến sự giúp đỡ đắc lực của anh Long, sinh viên Bách khoa Sài gòn, phụ đạo.
Bây giờ tiếng tăm mẹ Yến và Việt Tùng đã lan khắp Công ty dệt Đông Nam.
Các bà mẹ tới tấp gửi con đến học thêm. Cháu kém môn Văn, cháu yếu môn Toán, cả những cháu đọc chưa lưu loát, hoặc chưa vững môn chính tả... Yến không từ chối một trường hợp nào. Từ chập tối, bà ngoại Tùng đã lo nước uống cho đám học trò. Chỉ trừ thứ bảy, chủ nhật, tối nào Yến cũng hướng dẫn các cháu học.
Có lần tôi gợi ý:
- Yến có thể lấy mỗi cháu chừng một, hai trăm thôi, sẽ có tiền trả anh Long sinh viên rồi.
Nhưng Yến lắc đầu:
- Không được chị ạ. Toàn con các anh chị em trong công ty cả, tin mình lắm mới gửi gắm. Lấy chút tiền học, em thấy nó làm sao ấy.
Tôi nhìn em : Ôi, Yến vẫn như ngày nào, hiền thảo, tốt bụng, dễ thương, luôn sống cho những người thân yêu.
      Sang năm học lớp chín, một vinh dự bất ngờ đến với Việt Tùng và tất nhiên cũng là niềm kiêu hãnh lớn lao của mẹ Yến. Năm 2005, tại tòa báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh, gia đình giáo sư toán học Nguyễn Đình Chung Song, cộng tác với báo Tuổi Trẻ, đã tổ chức trọng thể lễ trao giải Nguyễn Đình Chung Song cho các học sinh giỏi toán của thành phố.


             

Mỗi quận chỉ chọn một em, học sinh ấy phải đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố và có số điểm cao nhất trong quận. Cậu học trò Vũ Việt Tùng đã có mặt trong hàng ngũ ấy.
Tôi nhận được tin này qua Email  Yến gửi ngay hôm sau. Tôi thấy thấm thía hơn bao giờ hết, câu : "Thiên tài do tích lũy mà nên".
         Yến đã dìu con từng bước, từ lúc mới chập chững và bắt đầu bằng những bảng cửu chương. Đến hôm nay, cuộc hành trình không ngơi nghỉ ấy của người mẹ, đã đặt con mình ngang tầm với những tài năng trẻ. Ngồi trên hàng ghế danh dự dành cho thân nhân các học sinh nhận giải, Yến vui trong lòng bao nhiêu, càng thương con bấy nhiêu. Điều Yến mừng hơn cả là con trai cô đã trở nên cứng cỏi, tự tin và rất độc lập.
         Với kinh nghiệm tích lũy của nhiều năm, với kiến thức cơ bản rất vững vàng, Việt Tùng đã vào được cấp ba Lê Hồng Phong ở lớp 10 A1. Đến lớp 11 ở Lê Hồng Phong,Tùng theo học tại APTECH. Cậu đỗ xuất sắc trong khóa học ấy, với tư cách của một học sinh phổ thông, chứ chưa được là sinh viên, kỹ sư, như những anh chị em trong khóa.
Cũng trong những năm cuối cấp hai, mẹ Yến đã sáng tác hai tiểu phẩm : MỘT LẦN ĐI CÔNG TÁC nói về Bác và LỐI VỀ, đề tài chống ma túy. Việt Tùng đã thành công với vai chính ở cả hai tiểu phẩm.
    Hè sang, lại gọi một mùa thi cử. Việt Tùng cũng như các bạn cùng trang lứa, chạy đua với thời gian, đã vào nước rút ! Cậu đăng thi vào hai trường: Bách khoa Sài gòn và FPT với chuyên ngành công nghệ thông tin. Bách khoa báo điểm trước. Mẹ Yến thở phào nhẹ nhõm. FPT gọi sau. Khi được vào phỏng vấn, Tùng mới biết số điểm thi tại đây bị báo thiếu. Tùng xin được phúc khảo. Nhưng phải đợi phía Hà nội quyết định. Ở FPT, nếu sinh viên không có học bổng, phụ huynh phải trả học phí rất cao. Yến biết mình không bao giờ kham nổi điều đó. Đến phút chót, vinh quang thuộc về Vũ Việt Tùng. Cậu nhận được học bổng của FPT. Với mẹ Yến, vinh hạnh ấy không biển, trời nào sánh nổi. Không phải con trai cô, mà chính cô là người đang ngất ngây với thành công xán lạn ấy.
Thật ra, Việt Tùng có tham vọng theo đuổi cùng lúc cả hai trường: Bách khoa và FPT. Nhưng FPT đòi cam kết phải hủy bỏ việc theo học ở Bách khoa, nếu đã là sinh viên của họ. Vẫn duy trì truyền thống của những năm phổ thông, liên tục trong hơn mười học kỳ ở FPT, Việt Tùng là sinh viên giỏi, hai lần đạt sinh viên xuất sắc. Cậu phụ trách hai câu lạc bộ của trường và là cây bóng rổ cự phách trong suốt những năm học ấy. 

Tôi ngắm Yến và con trai trong bức hình, nhớ lại một lần, Tùng đã nói với mình:

" Trước tiên là mẹ Yến cháu, rồi đến cô Toàn, bác ạ". 

           Vâng, với một tình yêu thương con vĩ đại, người mẹ sẽ là bạn đồng hành đắc lực nhất, chỗ dựa vững chắc nhất, nâng con mình đạt đến đỉnh cao quang vinh trong việc học hành.      

 

Cologne Tháng Tư 2012 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 05-03-2013 10:10






Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: TungDX
09/03/2013 15:24:35

 


 Bà mẹ của Mạnh Tử ba lần đổi nhà để chọn cho con môi trương học tập


Bà mẹ của Suvorop đã rèn con từ một đứa nhỏ ẻo lả thành một tướng quân đánh thắng quân Thổ cho nước Nga (và sau này là Thầy của Cutudop)


Ngày nay khá nhiều trường hợp hờ hững theo kiểu “làm theo ta nói đừng làm theo ta làm”


Vì lợi ích trăm năm


QUAN VÔ TÂM


GÓC HỌC TẬP


Học là việc trọng của con


TÂM thì đã có nhưng QUAN thế nào


Cầm canh nhắc nhở vài câu


Gọi là phải đạo, biết đâu ích gì


Vở con, nhòm chả mấy khi


Bàn viết, giá sách khác chi chiến trường


Vở tử trận, bút trọng thương


Các loại giấy, sách vấn vương khắp phòng


Ngẫm qua trong đạo học hành


Học thì kiến thức Người thành của Ta


Gánh gồng sách chất chật nhà


Quan mà như thế Tâm là Tâm hơi


Gió thổi Tâm bay lên trời


Tại góc học tập con ngồi Vô Tâm


            &nb sp;                             &nb sp;                         &nb sp;      19/11/2012 ĐXT


 


 



Từ: CucNT
08/03/2013 10:20:07

Một bài viết thật hay và xúc động về người thật việc thật. Nghị lực và tình yêu thương, đức hy sinh dành cho con  của em gái chị Thu thật đáng khâm phục.


Xin được gửi tới chị Yến lòng ngưỡng mộ và cầu chúc chị sức khỏe, bình an và hạnh phúc bên đứa con trai yêu dấu của mình!



06/03/2013 10:43:11

@Hòa Bình, em tớ chưa nghỉ hưu, nhưng tự nguyện ở nhà để cơm nước, chăm lo cho bố mẹ, hai cụ trông vào cái thân còm của cô này đấy. Cháu Tùng đã tốt nghiệp rồi, hiện làm việc cho tập đoàn FPT tại SG. Cảm ơn Bạn.



Từ: BinhNH
06/03/2013 10:33:41

Thu ơi,


Yến đã nghỉ hưu chưa? Tùng tốt nghiệp ĐH rồi chứ? Bây giờ cháu làm gì?


Bài viết rất xúc động



05/03/2013 18:37:41

Khâm phục và xúc động là cảm giác khi tôi đọc bài này. Cám ơn BÀ MẸ. Chân thực và văn học, bài viết rất hay. Cám ơn chị Thu...



Từ: NghiPH
05/03/2013 18:24:07

Chị Yến đã dành một tình yêu thương vô bờ cho đứa con yêu. Chị tận tụy hy sinh cả bản thân mình vì con. Chị cũng hết lòng thương yêu, mệt mài hướng dẫn các cháu là con của anh chị em trong công ty học tập. Chị Yến là một bà mẹ tuyệt vời! Một con người tuyệt vời!


 



Từ: ThongNV
05/03/2013 16:09:02

Phần lớn những người thành đạt đều có một người mẹ tuyệt vời.



Từ: Guest LiTM
05/03/2013 15:54:12

Xin chúc mừng cháu Tùng, chị yến và gia đình chị Thu. Thật tuyệt vời và rất đáng kính!


Nước trong nguồn có bao giờ cạn,


tình mẹ đầy, trong sáng,... tựa biển khơi,


mỗi bược chân con, nhẹ bước vào đời,


đều ghi đấu mồ hôi mẹ nhỏ!


Con chữ đầu đời, con xin ghi rõ


là Mẹ hiền, mẹ của những ước mơ


Mẹ của niềm tin, của yêu thương vô bờ,


của lớn khôn từ dại khờ trong vòng tay mẹ!



Từ: DinhNT
05/03/2013 11:23:51

 "Với một tình yêu thương con vĩ đại, người mẹ sẽ là bạn đồng hành đắc lực nhất, chỗ dựa vững chắc nhất, nâng con mình đạt đến đỉnh cao quang vinh trong việc học hành"


--------


Câu kết thật hay, chắc chắn Thu viết câu này không chỉ dành riêng cho em Yến, mà còn cho tất cả những người Mẹ - những người Mẹ đã bằng tất cả tình yêu thương của mình nuôi nấng, dạy dỗ những đứa con nên người, và hiến dâng chúng cho đất nước!


Cám ơn Thu đã cho chúng tôi được biết nhiều hơn về tình yêu thương của một đứa em, về đức hy sinh của một người mẹ, và về những gì đã đơm hoa kết trái cho đời!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s