MÙA CHIM LÀM TỔ
Tác giả: DinhNT
Đang lang thang qua nhà mấy người bạn quen tìm xem có cái gì đọc thì gặp Phóng viên Thường trú trên Mạng. Anh chàng hồ hởi: "Hê-lô bác! Chúc mừng bác trở thành thành viên của gia đình KGU! Em phỏng vấn bác mấy câu được không?". - "Tất nhiên là được, nhưng hẹn đến mùa chim làm tổ nhé! Giờ tớ đang vội đi kiếm cái gì làm quà cho mọi người nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ đây"!
Vừa ghé Chợ KGU thấy có con én bay vụt qua, té ra là Cánh Én Mùa Xuân của HảiNV, sao lại chỉ có mỗi một con nhỉ? Bỗng nhớ hồi trẻ, cũng sau một cái Tết Nguyên Đán, sau khi đã gửi đi mấy thư cưa cẩm mà không thấy hồi âm, đêm nằm trằn trọc nặn ra được câu thơ nghe rất chi là hoàn cảnh: "Mùa Xuân đến muộn em ơi/ Nên con én mới đưa thoi một mình".
Khi ra Bờ Hồ tìm mua cái bưu thiếp để đề thơ "gửi đi cưa" mới biết người ta in thiếp mùa Xuân bao giờ cũng có từ hai con én trở lên, không ai in một con cả. "Có mà dở hơi, in thế để mà ế hàng à!", cái cô ở quầy bán tem, phong bì và bưu thiếp tiết lộ bí quyết in thiếp chúc mừng như vậy. Giá như dạo đó mà đã quen biết NVHải biết đâu lại xin được cái bưu thiếp Cánh én mùa Xuân chỉ có nhõn một con đang bay, hihi!
Dạo về Gò Công thăm nhà ông bà thông gia rất ngạc nhiên thấy ở đây người ta nuôi rất nhiều én, nuôi để lấy tổ gọi là yến sào. Những người nuôi chim én xây những tòa nhà cao 3 đến 5 tầng, chỉ có một cửa ra vào, các tầng trên không có cửa sổ chỉ có những cái lỗ vuông vắn bằng bàn tay cho én vào ra. Tôi chưa vào bên trong những tòa nhà đó bao giờ, chỉ biết là có rất nhiều chim én về làm tổ trong đó. Và cũng từ những tòa nhà đó, biết bao nhiêu là yến sào mang hiến cho đời, cho con người.
Yến Sào là tổ yến, tổ của con chim én. Buồn cười hồi nhỏ, nghe người lớn nói chuyện yến sào cực bổ, nghĩ bụng có mỗi món xào thì bổ béo gì, người lớn chỉ được cái hay nói quá!
Sau này lớn lên được biết nhiều hơn về tổ yến, còn biết ở nước mình Khánh Hòa là quê hương của yến sào, chắc đó là vùng đất cực lành! Vừa rồi cậu em trọng bệnh, cả nhà lao vào chạy thuốc thang bổ dưỡng mới được biết thêm nhiều điều về yến sào. Đó là món ăn cực bổ, không thua kém gì Đông trùng hạ thảo, trong đó quý nhất là yến huyết, loại tổ yến màu đỏ hoặc hồng. Truyền rằng, tổ yến làm từ huyết của con yến mái sẽ có màu hồng hoặc đỏ gọi là yến huyết.
Đầu Xuân xem én bay lại nghĩ về ngôi nhà của người KGU, nó có cái gì đó giông giống tòa nhà ở Gò Công nơi chim én tìm về làm tổ. Ở Gò Công, để dụ yến người ta cho đặt loa công suất lớn trên nóc nhà, sáng sáng chiều chiều vang lên tiếng én kêu chin chít để dẫn đường cho những chú én lạc, và để dụ những con én lang thang chưa tìm được nơi trú ngụ.
Còn ở đây, ở ngôi nhà của người KGU, chẳng hề có một cái loa nào dù là nhỏ. Ở đó người ta chỉ thấy bốn mùa lan tỏa một mùi hương ngan ngát. Đó là hương Sen hòa trong hương Lúa, hương Ngọc Lan lẫn cùng hương Hoa Sữa, hương hoa Sirennhi và hương hoa Kastan, hương Trầm ngát đượm hương Tình Người, thoang thoảng có cả mùi thơm sữa mẹ trên môi những đứa cháu nội cháu ngoại mới ra đời. Và đây nữa, ngai ngái mùi mồ hôi của một thời sinh viên vất vả!
Ở đây không nuôi én, nhưng lại có cơ man nào là yến sào, trong đó có cả yến huyết cực quý - đó chính là những bài thơ, những câu chuyện, những đoạn văn ngắn, những khúc nhạc thấm đẫm tình người làm rung động biết bao con tim không chỉ của người KGU!
Chợt nghĩ, thì mình cũng là một cánh én chao nghiêng, có khác gì!
Người post: DinhNT
Ngày đăng: 11-03-2013 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |