DU XUÂN 2013 TẠI TP. HCM
Tác giả: CucNT
Vào những năm tháng đất nước còn chìm trong chinh chiến, bạn bè chúng tôi cầm súng đi chiến đấu để dành lấy Độc lập, tự do cho Tổ quốc, chúng tôi được nhà nước ưu tiên cho đi du học để lĩnh hội kiến thức đưa về xây dựng Tổ quốc. Những năm sau giãi phóng, dân tộc còn đói nghèo sau cuộc chiến, tất cả lao vào công cuộc dựng xây, chúng tồi được đi học dưới bầu trời bình yên của đất nước Môn Đô Va xinh đẹp. Chúng tôi đã sống với nhau tràn đấy yêu thương, gắng sức học tập, học cho cả những người đang thay chúng tôi hy sinh, vất vả nơi quê nhà. Trong nỗi nhớ xa gia đình, xa quê chúng tôi gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Ngày xa trường, chia tay nhau về nước, chúng tôi ôm lấy nhau sụt sùi mong ngày gặp lại.
Thế rồi cuộc sống với bao lo toan tất bật của đời thường cuốn mỗi chúng tôi đi mỗi ngã, ai cũng đau đáu trong lòng ước mong được hội tụ nhưng nào có ai thảnh thơi để đi tìm nhau. Cho đến một ngày, cái ngày Hội những người lưu học sinh Kishinew ra đời, chúng tôi đã ùa đến bên nhau, khóc vì hạnh phúc được nhìn thấy nhau sau bao năm xa cách, kể cho nhau nghe bao nỗi niềm và rồi tình cảm ruột thịt của những năm tháng sinh viên hồn nhiên, vô tư trỗi dậy. Chúng tôi yêu quý nhau như ngày xưa, yêu thương thêm những người chưa từng gặp mặt, Chỉ cần là cựu sinh viên Kishinew thì họ trở thành người ruột thịt của chúng tôi trong một gia đính bất kể cách xa nhau mấy thế hệ. Chúng tôi đã có trang Web của Hội đề mà tâm tình, xẻ chia mà nắm tay nhau khi khó khăn lúc hoạn nạn. Hai lần Hội du xuân đã diễn ra và lần thứ ba này tất cả chúng tôi náo nức tiến về Tp. HCM..
Sân bay Tân Sơn Nhất chiều 8/3/2013 nhộn nhịp hẳn lên khi đại diện cho Người KGU ở TP HCM tụm năm tụm ba trông ngóng. Và kìa, những người đầu tiên xuất hiện. Dù chưa bao giờ gặp mặt, chúng tôi vẫn nhận ra nhau vì đã ngắm nhau rất nhiều lần mỗi khi vào trang web. Có lẽ em Cúc là người hạnh phúc nhất vì tất cả đều nhận ra em “Em là Cúc trong "Anh trai tôi” phải không?, em là Cúc, em gái Tấn Định phải không? Vâng là em đây, lần đầu tiên tham gia Du xuân nên em mong gặp các anh chị nhiều lắm. Chúng tôi đã đọc rất nhiều thơ và nghe kể về anh Tuấn nhưng nay mới được nhìn thấy anh. Anh thật đẹp trai, tay đặt lên vai người vợ bé nhỏ, khoan thai bước ra. Em Cúc vinh dự được hội KGU Tp.HCM giao trách nhiệm gần gũi anh chị Tuấn, Lý nên khi đón được thì mừng khôn xiết. Dõi mắt trông mãi nhưng em Cúc vẫn không tìm thấy gia đình bác Tổng, anh Tấn Định và chị Liên, những người em Cúc khao khát gặp mặt dịp này. Một nỗi buồn chao nghiêng. Anh Khánh lái xe chở anh chị Tuấn Lý và chị Thanh cùng một chồng sách vỡ, áo của Hội KGU về nhà khách T78. Các anh Uyển, Khiêm, chị Lam, Tuyết, Thảo đang đón mọi người và dẫn ra tắc-xi để cùng về. Hội trưởng Thắng và nhiều người nữa đã chờ sẵn ở nhà khách T 78 rồi. Thật là đông vui, những tiếng gọi tên nhau, những vòng tay xiết chặt. Niềm vui vỡ òa như như ngày xưa sau bao năm du học đến lúc về giữa vòng vây của gia đình và những người thân yêu. Ban liên lạc Hội KGU ở TP. HCM đã đặt phòng cho tất cả. Mọi người ổn định chổ ở rồi một lúc sau đã có người thân, bạn bè đón đi mọi phương của Tp. HCM.
Đúng 7 giờ sáng ngày 9/03/2013 tất cả lên xe tiến về Nam Cát Tiên. 3 chiếc xe hiệu Mai Linh lăn bánh mang theo 120 người cất cao tiếng hát, đọc thơ, nói cười râm ran. Tới nơi là 10g30, đoàn người từ 3 xe túa ra, kìa anh Kỳ Minh, chị Chi, kìa vợ chồng “Nữ Đại sứ”, kìa chị Nhuận, anh Bắc Hải, các chị từ Huế, Đà nẵng đã có mặt. Ồ! cả dịch giả Đặng Phương Thảo cũng từ nước Pháp xa xôi bay về hòa vào đám đông đang ồn ã gọi tên nhau và lao vào ôm nhau như những cái ôm từ thông điệp của chị Nhuận.
Nhận phòng, ăn uống, nghĩ ngơi xong đến 14g30 tất cả đi vào rừng. Về Nam Cát Tiên chị Tuyết đã có bài viết rất cụ thể rồi. Đâu rồi 113 loài thú, 351 loài chim, 450 loài bướm, 159 loài cá nước ngọt vv Đâu rồi những đàn chim sặc sỡ sắc màu như Công, trĩ, gà lôi, sếu, mòng, giang và có ai đếm đủ 1610 loài hệ thực vật. Không nhiều đến thế, không rành mạch đến thế và cũng không quan trọng đến thế, quan trọng là chúng tôi đi bên nhau luồn lách trong rừng cây, trong tiếng “nhạc rừng”, trong tiếng nói cười râm ran. Đi một hồi,khi đã thấm mệt, chợt một con suối hiện ra trên bãi đá, mọi người chạy ào ra chụp hình. Trời bao la, nước mát lạnh, không khí trong lành. 120 con người của một gia đình tranh thủ chụp ảnh, Hình như ai cũng muốn ghi lại cái khoảnh khắc thảnh thơi bên nhau sau bao tháng ngày mệt nhoài vì những lo toan thường nhật của đời người.
Tối đến, chúng tôi quây quần bên lửa trại, thịt nướng, ngô, khoai nướng thơm lừng. Mọi người nắm tay nhau đi vòng quanh đống lửa hát vang bài “Nối vòng tay lớn”. Lần đâu tiên kể từ sau khi rời Môn Đô Va vào năm 1998, em Cúc được uống ly Bukét. Anh chị Huyền Kỳ đã mang 20 kg chỉ toàn quà, rượi, hạt hướng dương từ Moldova về. Chúng tôi nói với nhau, ở đây không phải “ của một đồng công một nén” nữa mà “công” 10 nén, 1 nén công lao, chín nén nghĩa tình. Những tiếng hát cất lên, Tiếng ngâm thơ của chị Lý vút lên, ngọt ngào sâu lắng giữa núi rừng như bản tình ca bất diệt về tình yêu của anh chị. Tất cả lại hòa vào cùng hát những bài hát tiếng Nga như thời sinh viên sôi nổi. Em Cúc đọc bài thơ do em sáng tác, mọi người lắng nghe từng lời, từng câu chữ và hình như ai cũng thấy thương yêu em hơn sau “một khúc tâm tình”.
Nhạc nổi lên, dù không tập dượt chung nhưng những người ở Hà Nội và Tp. HCM hòa chung vào 1 điệu nhảy thật nhịp nhàng. Bây giờ mới thấy anh Kỳ Minh đúng là 1 Vũ sư, anh nhảy uyển chuyển và đẹp làm sao. Con người đa tài ấy, hát hay, thơ giỏi, kể chuyện tếu làm cả xe cười ngặt nghẽo, bây giờ lại còn nhảy điêu luyện nữa. Thời còn trẻ có lẽ làm khổ nhiều phụ nữ lắm đây!
Gíam đốc vườn QG Nam Cát Tiên là học trò của anh Giảng cũng tham gia cùng nên niềm vui như tăng thêm. Chẳng ai muốn về ngũ nhưng đã 11g đêm, phải tuân thủ luật lệ thôi.
Sáng hôm sau, 3 chiếc xe lai bon bon về Thành phố để chuẩn bị cho đêm dạ Hội.
17g30 cả Hội trường đã đông đủ. 180 người có mặt, lại những cái ôm hôn, những cái bắt tay ngập tràn cảm xúc. Thật nhiều người nhận ra em Cúc. Chị Hoa, chọ Hoàng Hoa – CL 75 , chị đi với chồng, Chị giới thiệu “ là chị đây, chị là Hoa, người yêu của anh Vũ Xuân Thiều mà em vừa nhắc đến trong một comment gần đây trên trang KGU,còn đây là anh Soát chồng chị. Em Cúc chợt nhớ tới những lời trân trọng nhất mà anh Tấn Định, anh Kỳ Minh và chị Xuân Ba đã viết về anh Vũ Xuân Thiều cùng tình yêu của anh chị. Trong tiếng nhạc dặt dìu trong những tiếng cười vui rộn rã, em Cúc chợt nhớ tới bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh để chúng ta có được niềm vui như ngày hôm nay. Em Cúc tiến tới gần anh Nguyễn Đức Soát là trung tứơng – Phó Tổng TMT quân đội nhân dân VN muốn nói với anh rằng cảm ơn anh nhiều lắm, anh đã cùng đồng đội của mình noi gương anh Vũ Xuân Thiều tiếp tục chiến đấu cho tới ngày toàn thắng, rằng anh thật là người đáng hãnh diện vì đã là bạn của người con ưu tú ấy của dân tộc và cảm ơn anh vì anh đã yêu thương chăm sóc chị Hoa của chúng em để rồi mỗi lần du xuân chúng em lại được gặp chị Hoa khỏe mạnh, hạnh phúc bên anh. Nhưng em Cúc đã không nói nên lời, những giọt nước mắt đang chực trào ra nên em đành chào anh rồi bước vội.
Chị Tuyết nói lời khai mạc chương trình, về dự du xuân năm nay có gần 100 anh chị em KGU từ Hà Nội, Đà Nẵng, Huế và 8 anh chị em từ các nước Pháp. Bỉ, Úc, Đức và từ Môndova và đặc biệt có những người bạn thân thiết nhưchị Kim Thu, anh Phan Chí Thắng cũng có mặt.
Tất cả cùng hát vang bài hát “Happy birthday KGU “ và Hội trưởng Ngọc cắt bánh khai mạc.
Hội trưởng KGU tại Tp. HCM là anh Nguyễn Tiến Thắng phát biểu, anh nói về niềm tự hào của hội ta, về niên hân hoan của Hội KGU Tp. HCM được tổ chức du xuân năm nay.
Micro được trao tiếp vào tay Hội trưởng, anh công bố và trao tặng bằng khen cho 21 thành viên KGU. Những bằng khen với danh hiệu “Rạng ngời KGU” được dành cho những người có thành tích cho nước nhà như anh Trương Nam Hải, Phạm Hữu Nghi,, Tạ Minh Lý, Bạch Thành Công vv.
Những bằng khen cho những người đóng góp nhiều cho hội KGU có danh hiệu “Trụ cột KGU” và những bằng khen dành cho những người có bài viết có nhiều comment nhất được đặt tên “Hấp dẫn người KGU”.
Và không thể thiếu bằng khen “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” cho Nữ Đại sứ và phu quân của chị.
Mọi người lần lượt lên nhận bằng và nhận sự cổ vũ bằng những tràng pháo tay rộn rã của cả hội trường.
Điều bất ngờ và xúc động nhất là em Cúc được nhận 2 bằng “Trụ cột KGU” và “Hấp dẫn người KGU”. Muốn nói nhiều lắm nhưng em chỉ nói được lời cảm ơn gia đình KGU đã dành cho em Cúc sự chia sẻ lần niềm ưu ái. Ai đó nói với em Cúc họ đã nhận quá nhiều bằng khen nên những cái bằng Hội trưởng Ngọc trao chỉ là để cho vui thôi. Nhưng em Cúc thì không chỉ vui mà tự hào nhiều lắm vì em cảm nhận trong đó lòng thương yêu và cả sự trân trọng cả Hội dành cho em.
Tốp ca nữ của Tp. HCM xuất hiện trên sân khấu trong đồng phục áo trắng, váy đen với bài ca “Tuổi trẻ sôi nổi” (Nhạc Pakhnutova, lời Ôsanin), bài ca nằm lòng của mỗi lưu học sinh chúng ta. Đó là sáng tạo của chị Tuyết, chị bảo chúng ta hãy mặc đồng phục như thời sinh viên.
Chương trình múa của các chị Hà Nội mới đẹp làm sao, các chị mặc váy hoa sen, trẻ trung, duyên dáng. Đến tiết mục “Ngẫu hứng áo dài’ thì quả là tuyệt diệu, không ngờ chị Thanh (hơi thấp so với những người cùng nhóm) nhưng lại biểu diễn như một người mẫu thời trang đích thực và các chị Hạnh, Bình, Hoa vv, mỗi người mỗi cách tạo hứng cho áo dài nhưng hòa quyện lại hết sức ăn ý kèm với những lời giới thiệu hết sức vui nhộn của chị Phong. Nếu chấm điểm, em Cúc tin chắc tiết mục này đoạt giải nhất.
Nhớ những ngày tập dượt ở thành phố Hồ Chí Minh, chị Lam tất bật chay từ trường Đại Học về lo cơm nước cho cả mẹ chồng và mẹ mình rồi đứng vào hàng để tập. Chị Hồng chạy tới, “Chậm chút vì vừa thả được 2 đứa cháu nội ra”, chị Ngân (người chưa xuất huện trên trang Web) dù không được khỏe vẫn tham gia tập hát và múa quạt. Anh Phước (chồng chị Ngân) là người đã cống hiến rất nhiều cho KGU nhưng anh luôn khiêm nhường, chi Lâm dành bao nhiêu thời gian cho hát và tập cho mọi người múa quạt, anh Uyển đi du lịch về là chạy bổ đến nhà em Cúc chở em đi, Hội trưởng Thắng ra Hà Nội mấy ngày quay về đi thẳng từ sân bay đến nhà chị Tâm tập hát đến 11g đêm mới về nhà. Chị Thoa lúc nào đi tập hát cũng cầm theo giấy bút để ghi chép ai đăng ký đi, ai góp tiền. Anh chị Tâm Trí thì chuẩn bị bao nhiêu đồ ăn cho mọi người vừa tập hát vừa ăn và khi mọi người về thì để lại 1 sự bừa bộn và anh chị vui vẻ dọn nhà. Anh Khánh, Nhị Trự vv đều có mặt đầy đủ. Điều đặc biệt là chị Tuyết mời được nhạc sỹ Hoàng Hà (con bác Phan Huỳnh Điểu) mang cả cái ghi ta to dùng tới đệm nhạc. Trong sự bận rộn vì đúng vào dịp Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nga sang thăm VN, chị Tuyết phải bay ra Hà Nội công tác nhưng những công việc chuẩn bị cho du xuân thì chị vẫn sắp xếp chu toàn và tham gia tập hát, tập múa đầy đủ.
Em Có thề hình dung được sự chuyên cần tập luyện của mọi người ở Hà Nội, phải thu xếp bao nhiêu công việc và phải nhiệt tình lắm mới có thời gian để tham gia.
Tiếc thay, thời gian có hạn nên nhiều tiết mục phải cắt. Tiếc nhất là tiết mục “Đừng khóc, cô bé” của anh Chu Kỳ Minh và tốp ca nữ HN hẳn là hay lắm.Đành chờ đến Du xuân năm sau vậy.
Sau tiết mục văn nghệ là tất cả ngồi vào mâm nâng ly chúc mừng. Tiếng nói cười râm ran, vui quá chừng, cả gia đình Thầy Phư cùng tham gia mới tuyệt chứ! Mọi người cầm ly đi tìm “Đâu rồi? Hội trưởng đâu rồi?”. Con người “chỉ thích làm việc khó”, con người đã sáng lập ra cái Hội tuyệt vời này, con người đã sinh ra đứa con tinh thần trang web KGU – nơi hội tự của bao nhiêu xúc cảm ấy, đâu rồi? Hội trưởng đã vội vàng xách valy chạy ra sân bay rồi, Hà Nội đang chờ anh với bộn bề công việc. “Ôi! Anh ấy không kịp ăn một chút gì à? Thương quá!” Nhưng em Cúc biết là Hội trưởng không đói, niềm vui, niềm tự hào đã làm anh ngất ngây. Mọi người lại đi tìm Tổng Nghị, anh Hải, Thông, Lý, Hiến vv. Mọi người cứ hỏi em Cúc “Sao anh Tấn Định không vào?” Biết trả lời thế nào được, anh ấy đang ngồi mơ màng nghĩ tới đàn chim én về KGU làm tổ và tiếc đứt ruột ở Hà Nội đấy. Ối ! Giá mà tất cả đều có mặt thì vui biết nhường nào. Em Cúc ngồi và cứ tưởng tượng lúc chị Liên và em Cúc ôm nhau nước mắt giàn gịuạ ở Hà Nội. Chị đã hứa sẽ vào Du xuân, vậy mà vắng chị. Hình như vì thế tiếng hát của anh Uyển da diết hơn. Anh Hiền và mọi người lại nhắc đến anh Tiến và sự tận tâm của chị Lý vợ anh. Tất cả đều nhắc tới chị Xuân Ba, chị đang vào đợt chữa bệnh nên không thể có mặt. Gia đình KGU tin rằng chị sẽ chữa khỏi bệnh và sẽ được gặp chị trong chuyến du xuân năm sau.
Muộn rồi, mọi người bịn rịn chia tay nhau ra về để chuẩn bị cho cuộc du ngoạn sông nước Miền Tây sáng hôm sau.
Tổng Nghị không có mặt nhưng theo dõi không sót 1 chương trình nào nhờ sự chu đáo của phu nhân và những thông điệp của chị Hạnh gửi về đã giúp anh làm nên 1 phóng sự đủ đầy về miển sông nước vào ngày 11/03/2013.
Chiều 12/03/2013 em Cúc anh Khánh, Uyển ra sân bay tiễn mấy người về Hà nôi. Nhiều anh chị em còn tiếp tục đi du lịch ở Côn Đảo, Phú Quốc, thăm họ hàng bạn hữu. Anh Tuấn, chị Lý cứ nói mãi lời cảm ơn. Không ngờ suốt cả thời gian du xuân, em Cúc không phải giúp anh Tuấn 1 chút gì. Anh tự đi vào rừng, xuống sông, lên cầu thang vững vàng như những người sáng mắt khác. Không ai nói với ai nhưng anh Khánh, Hoài,Huy, Tánh vv thường xuyên đi bên anh Tuấn để kịp thời giúp anh khi bước lên xe, lúc bước xuống thuyền. Hội trưởng Thắng thì thường xuyên nhắc nhở em Cúc “Em chăm lo cho anh chị Tuấn Lý nhé!”. Chị Thanh đã để cho anh Lương bay ra Hà Nội trước, ở lại chờ anh chị Tuấn Lý cùng về chuyến sau. Có lẽ không ở nơi đâu tình người, niềm vui được hổ trợ lẫn nhau lại mênh mông, đậm đặc như ở Hội KGU.
Tạm biệt nhé! Hẹn gặp lại du xuân năm sau. Những cánh tay vẫy, những cái hôn gió được gửi cho nhau. Máy bay cất cánh, lao vút vào không trung, mấy anh em đi về lòng vẫn còn xôn xao dư âm của du xuân.
Cho em được ôm hôn chị Tuyết, người chị cả của Hội KGU Tp.HCM. Dù bận rộn bao nhiêu công việc chị đã sắp xếp hoàn hảo, nụ cười luôn thường trực trên môi cả những khi bấn loạn nhất, chưa bao giờ thấy chị cau mày mà nhẹ nhàng giải đáp. Để rồi tất cả đã được hưởng 1 cuộc du xuân thật đầm ấm, rộn ràng ở Tp. HCM.
Ngày chia tay, mỗi người một phương đi tạo dựng cuộc sống, bộn bề với cuộc mưu sinh, chúng tôi tự dặn lòng mình:
“Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại,
Bạn bè ơi! Khi đó có còn nhau?
Cơn lốc đời xô đẩy bạn về đâu?
Ta ngoái lại nhìn nhau mắt đẫm lệ.
Rồi sẽ có một ngày sau tháng ngày dâu bể
Chúng mình cùng ngoái lại tìm nhau.
Ta nói yêu thương khi tóc đã đổi thay màu.
Bàn tay héo cầm lâu cho ấm mãi.
Bàn tay héo, nụ cười kia dẫu héo,
Chỉ xin đừng tàn lụi chút niếm tin,
Dẫu mong manh, rạn vỡ chẳng nguyên lành.
Xin hãy có một ngày nhen nhóm lại”.
Và cái niềm tin mong manh ấy đã được nhen nhóm lại thổi bùng lên ngọn lửa tin yêu trong gia đình KGU rồi và nó sẽ sáng mãi, cháy mãi theo thời gian!
Người post: CucNT
Ngày đăng: 14-03-2013 10:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |