Tôi mới chuyển về ở tại nơi đây, nơi có cái sân nhỏ ngay trước mặt mới được tròn 03 năm. Bình thường, ai vào đây cũng thích cái sân nhỏ trước nhà, vì nó đủ rộng cho mỗi gia đình có dăm ba khách để xe, hoặc nếu có ngày tụ hội bè bạn thì sân có thể tiếp được chục mâm cơm. Ngay đầu sân lại có một cây bàng. Nó đã già lắm thì phải, vì thân cây u sần và có vẻ vô cùng rắn chắc. Cái rắn chắc của một sự già nua nhưng lại rất đỗi kiên cường, vì nó phải chen mà lên bên cạnh góc sân, nơi người qua, kẻ lại nhiều đến nỗi đất dưới gốc nó nhẵn như xi măng. Chị hàng xóm nói, chị lấy chồng đã trên ba mươi lăm năm, khi đó cây bàng cũng chẳng khác nay là bao. Cái sân yên ả và đôi lúc cũng ầm ĩ vì tụi trẻ đá bóng hay đánh cầu lông. Nó là nơi để 8 căn nhà của 11 hộ gia đình có quyền tự hào vì giữa phố Hoàn Kiếm mà còn một cái sân như thế. Nó làm cho các hộ gia đình có chung sân gần nhau hơn, như một xóm nhỏ. Nhà này nói to, nhà khác đã nghe thấy. Cái sân làm trung tâm cho các câu chào và cả đôi câu chuyện phiếm lúc đi và lúc về của mỗi con người sống ở đây. Cái sân là chứng nhân của những hộ mới chuyển về và những hộ chuyển đi. Nó gắn kết các thành viên sống ở đây và luôn là nơi mà ai cũng dành dăm phút dừng chân trước khi bước vào nhà. Nó cũng là nơi mà các chú dế mèn suốt đêm ca rả rích và Hè về chờ thêm tiếng ve ngân. Đặc biệt về đêm, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, ngọn điện rất sáng dưới gốc bàng làm nhiệm vụ canh giữ sự an lành cho các gia đình, những bóng của cành, lá bàng nhìn từ cửa sổ xuống in thành muôn hình trên sân. Khi gió thổi, những hình ấy xao động đến lạ kỳ. Còn trăng thì cố gắng chen xuống, qua các kẽ lá bàng, tỏa một ánh sáng dịu mát xuống sân. Hình như anh tổ trưởng là người rất lãng mạn nên những đêm có trăng bao giờ cũng bật đèn canh muộn. Mà nhà anh này luôn mở những bài dân ca, đôi lúc cứ như ánh trăng đưa các bài hát này về sân, để cho nó mênh mang hơn thì phải. Chung quanh cái sân này, như muôn ngàn cái sân nhỏ khác, chắc chẳng có gì đáng nói, nếu như không có một chuyện mà tôi muốn kể ra đây để nhẹ cõi lòng một chút.
Năm 2011, vào tháng Năm, khi tôi đi công tác Hưng Yên, mọi việc chỉ làm trong vòng chưa đầy 01 ngày đã xong. Tôi định ra về ngay thì chú em Toản- Giám đốc đơn vị ở Hưng Yên bảo, chị ghé Chùa rồi về. Tôi và mấy người cùng đi thấy còn sớm, mà ngày tháng Năm thì dài, tối muộn. Có thể vào Chùa rồi về, dứt khoát không ăn tối. Trên trục lộ chính, qua Đền Trần Hưng Đạo đến một ngôi Chùa nhỏ mà cổ kính, chị em tôi mua lễ vào thắp hương. Xong vừa ra cổng thì chú em Toản hỏi tôi có thích xem bói không? tôi lưỡng lự, chú ấy nói: Ông già xem qua sỏi, xem bất chợt thôi, không hỏi gì về mình nên không lâu đâu chị, chỉ trong vòng 20 phút. Mấy người đi theo cùng a lên, có vẻ có cơ duyên đây. Toản dẫn tôi vào trước. Ngôi nhà ngay cạnh Chùa, mặt phố, có mấy cây to ngay trước mặt nên mát lắm. Chúng tôi bước vào, một ông già trên 80 tuổi, gầy nhỏ nhưng khuôn mặt bình thản và lành, duy đôi mắt còn nhanh nhẹn. Ông ngước nhìn rồi mời ngồi, bảo tôi bốc sỏi. Một bát sỏi nhỏ, màu xám, trơn bóng và sáng. Tôi nắm một nắm lên tay, ông bảo hãy thả nó lên bàn. Ông nhặt sỏi rải vào các ô trên bàn. Ô là do ông mặc tưởng ra, chứ tôi không nhìn rõ, chỉ thấy các viên sỏi có vẻ như được rải theo dạng phong thủy. Ngoài một số điểm ông nói về cá nhân tôi, những công việc tôi làm, những điều tưởng như tôi đã quên được gợi lại. Tôi hỏi ông về nơi ở mới. Ông mô tả nó đơn giản và dễ làm cho tôi hình dung đúng nơi mình ở. Lịch sử của nó, thời xa xưa là bãi chiến trường, đúng quá rồi, gần ngay đường Lý Thường Kiệt, nơi hàng ngàn người ra đi mà sau là chợ Âm Phủ cạnh Tòa án Tối cao, xung quanh nó dứt khoát, rải rác có những người ra đi sau khi đã bò lết ra ngoài,... Ông nói về vài chuyện làm tôi liên tưởng đến những con người đã ở đó. Cuối cùng ông nói, cái sân ngay trước cửa ấy, nó rất thoáng và tốt nhưng hiện vẫn còn lẩn quất một âm hồn đã chết oan ở góc hướng Bấc. Hồn trẻ lắm, chưa tròn 17, ra đi khoảng hai mấy năm về trước, ...
Tôi ra về nghi nghi, hoặc hoặc nhiều thứ, trong đó có câu chuyện oan hồn cô bé ngày xưa đã từng đi lại trên sân nhỏ này. Bẵng đi vài tháng, gần tới ngày Rằm tháng Bảy, nhớ lời ông già nói, nếu có thắp hương ngoài sân thì kêu cho cô bé ấy. Tôi lân la hỏi chị hàng xóm nhà đối diện xem ở khu này ngày xưa có chuyện gì xảy ra không? Chị ấy đã có ba mươi mấy năm ở đây rồi. Chị hàng xóm như được khơi gợi, kể rất nhiều chuyện, nhưng không thấy nói về câu chuyện hai mươi mấy năm ấy xem có chuyện đó hay không. Sốt ruột tôi hỏi chị, hai mươi mấy năm về trước, trong sân có người nào còn là thiếu nữ mới lớn ra đi không? chị nói có và kể cho tôi nghe câu chuyện thật đau lòng này, câu chuyện làm tôi cứ bị ám ảnh, thương xót vô cùng, mà chẳng dám nói ra, vì sợ lại bảo mê tín.
Cô bé ấy con một gia đình theo Đạo Thiên Chúa, ở căn nhà phía bên phải nhà tôi, cách ba hộ khác. Cô bé ấy rất trẻ, xinh đẹp còn ở độ tuổi đang lớn trổ mã, dong dỏng cao, da rất trắng và tóc dài. Cô chơi thân cùng cô bé nhà bên cạnh. Cả hai cô bé đều xinh lắm và cũng rất hồn nhiên, dẫu ngày ấy đói, còn cực khổ lắm. Cả hai thề sống chết có nhau và luôn như hình với bóng, dẫu một bên theo Phật, một bên theo Đạo. Thế rồi, bỗng nhiên nhà cô bé hàng xóm mất một chiếc đồng hồ báo thức của Nga. Mặc dù, đồng hồ ấy cũ và kêu nhưng chuông thì to lắm và gần như hàng xóm cũng nghe thấy. Ngày ấy, chiếc đồng hồ báo thức cũng là vật trang trí và hữu dụng cho các gia đình, vì ngoài nó ra chẳng có gì để xem thời gian. Hỏi xóm giềng, hỏi lũ trẻ, rồi gia đình nhà cô bé mất đồng hồ nghi ngờ hỏi đi hỏi lại cô bé bạn. Mà ai cũng biết, người theo Đạo thật thà lắm. Câu chuyện rỉ rả và đến mức làm cô bé ấy cảm thấy mình bị vu oan, đau khổ và uất ức. Trong một lúc non dại, đầy nỗi chán chường, nhục nhã, cô bé ấy đã treo cổ mình ngay tại khu vệ sinh công cộng, hướng Bắc của sân. Sau ngày cô ra đi khoảng sáu tháng thì cô bé bạn bị tai nạn giao thông và cũng đi theo bạn.
Câu chuyện làm tôi như nghẹn thở mỗi lần nghĩ lại. Câu chuyện ấy là một sự thật đau lòng. Sự tra vấn, sự đổ oan, sự ngờ vực và lời nói cho bõ tức lúc mất của đã đem đi tuổi trẻ và danh dự của cô bé. Cả hai gia đình ấy sau mất mát lớn đã chuyển đi nơi khác. Câu chuyện nếu tôi không được nghe thì đã chẳng thể biết và sự tích trong cái sân này chắc cũng không ai nhắc lại. Tôi kể ra đây và cầu mong cho linh hồn cô bé và cô bé bạn được siêu thoát. Tôi cũng cầu mong không có những điều đáng tiếc xảy ra ở bất kỳ nơi nào hay cái sân nào nữa.