CHUYỆN TÌNH CỦA BẢO
Tác giả: VIỆT TRUNG sưu tầm
CHUYỆN TÌNH CỦA BẢO
( Trích hồi ức Vũ Công Chiến)
Lời tựa:
Một lần, tôi ngồi ở nhà nói chuyện với vợ. Trong không khí thanh bình, bỗng nhiên nàng ngồi xích lại gần tôi và hỏi nhỏ:
- Này, dạo trước lúc chưa yêu em, có lần nào mình lỡ ôm phải cô gái nào chưa?
Tôi ngồi im lặng, nhìn vợ, rồi nhớ lại và suy nghĩ. Nhớ có lần ngồi ăn cơm trưa ở Cơ quan, kế toán trưởng Phương Anh bảo: " Nói không thật, tức là nói dối. Mà nói dối nghĩa là nói sai. Nói sai tức là nói điêu". Chao ôi! Nghe sao mà chua thế.
Lại nghĩ: Mình vốn là một người lính, còn vợ mình vốn là một người dân. Tình cảm Quân Dân như cá với nước. Cá mà không có nước, tất chết mất ngáp. Còn nước mà không có cá, thì mãi mãi nước chỉ là nước trong, tinh khiết mà thôi. Bộ đội mà lại nói điêu với dân, là vi phạm chính sách dân vận, làm phương hại đến tình quân dân cá nước.
Thế là tôi bèn xin phép vợ, lấy giấy bút ra và viết lại chuyện này. Tôi phải nói thật, nói hết cho đủ đầu đuôi, ngọn ngành.
Lúc đầu, tôi định đặt tên là "Bản kiểm điểm", nhưng thấy nó có vẻ hành chính thế nào ấy. Sau định chọn tên là "Tự thú trước bình minh"; nhưng lại nhớ ra rằng: năm 1981, cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã làm bộ phim có tên như thế với cặp diễn viên chính tài sắc là Thế Anh và Lê Vân rồi. Cuối cùng, tôi lấy cái tên đơn giản như thế này cho gần với nội dung câu chuyện ...
CHUYỆN TÌNH CỦA BẢO
(Tặng người Vợ bé bỏng của tôi)
Nhóm trinh sát chúng tôi lần được ra đến bờ sông thì trời đã ngả chiều. Cả nhóm quyết định ngồi nghỉ giải lao trên triền dốc. Trời cao nguyên trong xanh vời vợi. Mới bước sang tháng ba mà thời tiết đã có vẻ oi nồng. May là trời về chiều, có gió nên cái nóng cũng giảm đi. Chúng tôi cởi phanh cúc áo ngực ra đón những luồng gió mát từ mặt sông Pa thổi lên. Vẫn đang là mùa khô nên sông cạn nước. Lòng sông thu hẹp lại để trơ ra đôi bờ dốc đứng sâu hun hút. Hai bên bờ chỉ toàn là rừng cây lúp xúp. Lùi lại xa hơn là những vạt đồi cỏ tranh dài tít tắp, vàng ươm đang dập dờn trước gió. Trông xa như những cánh đồng lúa chín ngày mùa.
Lần trinh sát này của nhóm chúng tôi không phải hướng ra tuyến trước như mọi khi, mà là đi ngược lại phía Tây, lùi sau cả khu hậu cứ. Nhiệm vụ không nguy hiểm, nhưng có phần khó khăn. Chúng tôi đang đi tìm khu đất thích hợp để Tiểu đoàn phát rẫy tăng gia, trồng lúa. Bảo và Trí lấy túi thuốc lá sợi ra, quấn thuốc loa kèn rồi châm lửa hút. Tôi ngồi lùi lại phía sau, gác khẩu AK báng gấp lên đùi và nhìn ra mặt sông miên man nghĩ.
*
**
Mặt trận B3 của chúng tôi là địa bàn Tây nguyên. Đường vận tải tiếp tế súng đạn và hậu cần ở miền Bắc chuyển vào qua đường Trường Sơn, hay từ Căm Pu Chia đưa sang qua biên giới đều xa, nên chúng tôi phải chịu nhiều thiếu thốn khác kiểu so với các chiến trường khác. Nhớ lại hồi mùa mưa năm 1972, Sư đoàn chúng tôi tổ chức đánh vây ép Kon-Tum để chia lửa cho Mặt trận Quảng Trị. Dự kiến chiến đấu trong 5 ngày, vậy mà mỗi người chỉ có khẩu phần ăn là một khúc sắn luộc dài độ gang tay và 5 quả chuối xanh luộc. Đêm hành quân tiềm nhập vào trận địa, trời mưa rả rích. Chúng tôi phải gói chặt khẩu phần ăn vào mảnh nilon để chống nước. Tới trận địa khoảng 10 giờ đêm, rồi hì hục đào hầm cá nhân cho đến 3 giờ sáng. Mùa mưa, đất mềm. Đạp chân vào xẻng xắn đất thì dễ, nhưng lúc hất xẻng đất ra thì khó vô cùng. Đất đỏ bazan bám chặt vào xẻng, phải dùng tay cậy mới ra. Đào xong được cái hầm cá nhân đủ chui người xuống thì đã mệt lắm rồi. Quần áo bê bết đất, nhão nhoét như bùn. Trời mưa thấm ướt từ mặt áo ngoài, còn mồ hôi chảy ra thì cũng ướt đẫm mặt áo trong. Đào xong hầm, chúng tôi ngồi nghỉ một lát, rồi không ai bảo ai, tất cả đều chén luôn phần sắn luộc của mình để lấy sức. Mờ sáng, hàng loạt mìn định huớng của ta nổ phá ràng rào để mở màn cho một đợt vây ép. Pháo cấp trên từ xa nã vào trận địa, ùng oàng chừng hai chục phút. Số lượng không đủ để đập nát tuyến tiền duyên của địch. Bộ binh không xung phong đánh chiếm đầu cầu sau đợt pháo cấp tập như những trận đánh cứ điểm khác. Chúng tôi kiên nhẫn bao vây chờ thời cơ tấn công vào, hoặc tìm cách bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch. Ta bắn vào thì ít, mà địch bắn ra thì nhiều. Suốt mấy ngày vây ép, trời mưa nên hầm hào của chúng tôi lúc nào cũng ngập nước đến ngang hông. Ngâm nước suốt mấy ngày, từ hông đùi trở xuống luôn tê cóng, cả bàn chân bợt ra, nhăn nhúm. Ngày 3 lần, đến bữa là chúng tôi lại giở gói đồ ăn, cẩn thận cắt 1 phần 3 quả chuối xanh luộc rồi nhẩn nha ăn. Hai ngày đầu còn khá. Đến ngày thứ ba thì mẩu chuối cứng ngắc, lại có vẻ muốn thiu. Nhưng nếu như được phép ăn, thì ngay cả hai quả chuối luộc còn lại chúng tôi cũng có thể chén bay ngon lành, vì đói. Mấy ngày ngâm nước và đói đã làm chúng tôi kiệt sức, chỉ lo đến lúc có lệnh xung phong thì không còn đủ sức mà bật dậy nữa.
May mà đến đêm thứ tư thì có lệnh rút lui. Không những chúng tôi bỏ trận vây ép ấy, mà cả sư đoàn còn hành quân liền mấy chục cây số rút thẳng sang đất Cam Pu Chia để củng cố cho đến hết mùa mưa.
Lại nữa: năm 1973, Hiệp định Pari về đình chiến ở Việt Nam được ký kết. Chúng tôi cắm chốt, giữ cờ. Rồi đánh địch lấn chiếm hòng "Tràn ngập lãnh thổ". Tháng 10/1973, Trung đoàn chúng tôi đánh căn cứ Chư-nghé, tiêu diệt một tiểu đoàn nguỵ đóng giữ tại đây, mở rộng hành lang bảo vệ đuờng 10, một đường nhánh Đông Trường Sơn.
Nhưng chúng tôi vẫn còn đói, thiếu cả ăn và mặc. Đến tận cuối năm 1973, khẩu phần ăn của chúng tôi nhiều khi vẫn chỉ có 3 lạng gạo một ngày. Đánh trận, tập luyện hay đi vận tải đạn dược thì vẫn chỉ ăn như thế. Nắm cơm trưa một lạng gạo chỉ to như quả trứng vịt, nhét vừa túi áo. Bữa tối được ăn thêm bát đỗ xanh hầm. Đỗ xanh cấp phát cho chúng tôi, không biết cất giữ từ bao giờ, nhưng bốc cả nắm đỗ thả vào bát nước thì chỉ có đôi ba hạt chìm, còn lại nổi lềnh bềnh. Trong mỗi hạt đỗ đều có một cái lỗ do mọt đục Vì thế, đỗ hầm mà không còn nhận ra mùi đỗ. Quần áo thì mấy năm liền không được phát. Rách đâu phải tự vá đấy. Vải vá là những miếng vải dù hay quần áo lính nguỵ xé ra. Lính tráng chúng tôi, rồi thằng nào cũng biết khâu vá. Những gói kim khâu dành dụm từ lúc đi B và những sợi chỉ dù tháo ra từ dù pháo sáng trở nên quý giá vô cùng.
Một lần đi vận tải đạn cối 60, khi vừa ra khỏi đường 10 đến địa bàn Chư-nghé thì chúng tôi gặp một đoàn cán bộ đang ngồi nghỉ chân. Chúng tôi cũng hạ ba-lô để nghỉ ăn trưa. Trong đoàn cán bộ có một thủ trưởng đã nhiều tuổi. Ông thấy chúng tôi lôi cơm trưa ra ăn chỉ là những nắm cơm bé tẹo, thì ghé sang hỏi chuyện. Ông ướm lời muốn ăn cơm cùng, và đã tỏ ra xúc động khi chúng tôi vui vẻ chia sẻ phần cơm ít ỏi của mình cho ông. Thấy Bảo mặc bộ quần áo có quá nhiều mảnh vá, ông đã hỏi chuyện nó. Rồi chúng tôi chia tay. Chiều tối, chúng tôi thấy đoàn cán bộ gặp lúc trưa đến thăm đơn vị. Ông thủ trưởng già hỏi chuyện đơn vị, về việc ăn và mặc của bộ đội. Rồi ông nói với người lính công vụ lấy trong ba-lô ra 1 bộ quần áo còn mới đổi cho Bảo, để lấy bộ quần áo có tới 24 mảnh vá của nó. Ông còn lấy thêm 1 nắm đỗ xanh mọt của chúng tôi. Chuyện đó ồn ào trong đơn vị một thời gian rồi chúng tôi cũng quên đi. Mãi về sau chúng tôi mới biết, đó là đoàn cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ vào thăm chiến trường. Vị thủ trưởng già đến thăm đơn vị chúng tôi chính là nhà thơ Tố Hữu. Sau này khi ra Bắc, ông có làm Trường ca "Nước non ngàn dặm", trong đó có câu:
Trường Sơn đông nắng, tây mưa.
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình
làm nức lòng bao người lính.
*
**
Chiến tranh chắc còn kéo dài. Các tiểu đoàn phải tự tổ chức trồng lúa, sắn ... để tự túc một phần lương thực cho đơn vị mình. Thực hiện chủ trương đó, nhóm trinh sát chúng tôi đựơc Tiểu đoàn giao cho nhiệm vụ đi ngược lại phía Tây tìm đất tăng gia. Thế là tôi, Bảo và Trí lên đường. Chúng tôi có bản đồ để định hướng, song vẫn phải kiểm tra thực địa. Chúng tôi đã tìm được rải rác bên bờ đông sông Pa nhiều khoảnh rừng đồi có suối chảy qua, chủ yếu là rừng tái sinh có các cây lúp xúp. Một số cây to thì chỉ bằng cỡ bắp chân. Loại rừng này rất phù hợp cho phát rẫy làm nương, vừa dễ chặt, vừa có đủ tro khi đốt rẫy.
Dân trinh sát vốn có thói quen mở rộng tầm quan sát địa bàn tại nơi trú quân, vì thế sau khi tìm xong khu đất tăng gia, chúng tôi quyết định vượt qua phía tây sông Pa xem bên đó có gì.
*
**
Mặt trời đã hạ thấp xuống phía Tây, chỉ còn hắt nắng trên những ngọn cây. Chúng tôi phải vượt sông sang bờ tây trước khi trời tối. Trên cao nguyên, ban ngày tuy nóng, nhưng về đêm trời lại lạnh. Dòng sông Pa nước chảy lững lờ nhưng cũng khá sâu. Bảo là dân Hải Hậu, Nam Định vốn quen sông nước nên bơi trước dò đường. Trí và tôi bơi sau. Sang đến bên kia sông, chúng tôi leo lên bờ rồi mặc quần áo. Xem lại bản đồ, chúng tôi đi quanh một khoảnh rừng rồi dừng lại nghỉ đêm. Ngày mai chúng tôi sẽ kiểm tra tiếp khu rừng này.
Hôm sau chúng tôi dậy sớm. Tôi tổ chức cảnh giới và cử Trí nấu cơm. Sau đó, chúng tôi lên đường. Hướng rừng mà chúng tôi chọn nằm đối diện qua sông Pa với khu đất sẽ tăng gia.
Đạp rừng đi chừng 1 cây số thì chúng tôi bắt gặp 1 vệt đường mòn nhỏ, có dấu chân người. Đi tiếp vài trăm mét nữa thì gặp một cái chòi nhỏ nằm đơn độc giữa rừng. Cả nhóm dừng lại, tản ra, cảnh giới và quan sát. Loại chòi này thường chỉ làm trên nương vào mùa rẫy, không hiểu sao lại có ở giữa rừng. Chúng tôi đi vòng rộng ra xung quanh. Không có gì đặc biệt, nhưng hình như trong chòi có người. Vẫy tay ra hiệu cho Trí ở lại cảnh giới, rồi tôi và Bảo leo lên chòi. Trong chòi có một cô gái người dân tộc. Cô gái vẫn ngồi im, và ngước mắt nhìn chúng tôi, không hề tỏ vẻ ngạc nhiên hay sợ hãi.
- Chào đồng bào. - Tôi lên tiếng, dù không biết liệu cô ta có hiểu tiếng Kinh không.
- Chào bộ đội. - Cô gái trả lời rất rõ ràng bằng tiếng Kinh trong sự ngạc nhiên của tôi và Bảo.
- Cô làm gì mà ở đây có một mình.
- Mình ở đây chờ ngày cúng Thần mà. - cô gái đáp.
Cảm thấy có điều gì là lạ, tôi và Bảo ngồi xuống sàn, bên cạnh cô gái, định lân la hỏi chuyện. Khi cô gái đứng lên với tay lấy bầu nước để mời chúng tôi, thì cả tôi và Bảo đều giật mình kinh ngạc. Cô gái còn quá trẻ, chỉ độ 17, 18 tuổi, nhưng thật xinh đẹp. Nước da trắng và khuôn mặt hồng hào của cô khác hẳn với những người dân tộc mà chúng tôi đã từng gặp trên mảnh đất cao nguyên này. Chúng tôi thoáng nghĩ, có lẽ cô không phải là người dân tộc chăng? Thế nhưng chúng tôi đã nhầm. Cô gái đúng là người dân tộc. Cô ngồi nói chuyện với chúng tôi bình thản, và tự nhiên như là chúng tôi đã đóng quân ở nhà cô từ lâu lắm rồi. Và câu chuyện về cô còn làm chúng tôi ngạc nhiên hơn.
Cô tên là H' Lan. Bản của cô là một bản thuộc vùng cách mạng, lập lẫn trong rừng. Bản đã từng nhiều năm sống cùng bộ đội giải phóng, nên mọi người đều biết tiếng Kinh. Từ nhỏ cô vẫn sống bình thường với gia đình. Nhưng từ một mùa rẫy trước, mọi người trong bản nhận thấy cô càng lớn càng xinh đẹp. Nước da của cô trắng hồng, chứ không đen mốc như mọi ngưòi. Cô cũng cảm nhận thấy thế. Dân bản bắt đầu xì xào và rồi qui kết rằng cô là người ma.
- Con ma đã nhập vào nó rồi.- Họ bảo thế.
Riêng H' Lan, cô không cảm thấy gì. Song dân bản vẫn cứ nói rằng cô là người ma, có hại cho Bản. Họ nhìn cô sợ hãi, rồi xa lánh cô. Bố mẹ cô không biết làm thế nào, cũng phải tin theo dân bản. Cuối cùng, cả Bản quyết định làm 1 cái chòi trong rừng để đưa cô ra đấy ở.
- Thật là vô lý.- Chúng tôi nói. Và trong chúng tôi còn dâng nên một nỗi bực tức khó nói thành lời.
Chia tay H' Lan, chúng tôi tiếp tục đi về hướng Bản theo lời cô chỉ. Đi khá lâu, chúng tôi mới gặp một vài cái rẫy, rồi đến Bản. Cả Bản chỉ chừng hơn chục nóc nhà nằm trên một đồi trống. Chúng tôi tìm đến nhà Già bản. Sau khi nói chuyện, chúng tôi xác định được câu chuyện của H' Lan là đúng. Chúng tôi đã thuyết phục Già bản không phải H' Lan có ma. Cô ấy đẹp là điều tốt cho bản chứ không có hại gì. Nhưng dù chúng tôi nói thế nào cũng không làm thay đổi được ý nghĩ của Già bản. Chúng tôi đành bất lực ra về.
Sau khi trở về đơn vị, ba chúng tôi thường gặp nhau để nói về chuyện H' Lan. Chúng tôi cảm thấy tức ghê lắm. Thằng Trí còn bảo:
- Cứ nghĩ như thế thì thảo nào mà người dân tộc chỉ có đen và xấu mãi thôi.
Bảo cũng tư lự. Hình như trong nó có điều gì đó.
*
**
Một tuần sau, nhóm trinh sát chúng tôi lại được giao đến khu tăng gia. Chúng tôi lại vượt sông Pa sang khu rừng có chòi của H' Lan. Lần này thì chúng tôi đã cảm thấy gần gũi hơn với cô. Chúng tôi cùng nấu cháo ăn, và kể nhiều chuyện cho cô nghe. Chúng tôi kể về miền Bắc, kể về các cô gái được học và được vui chơi ca hát. Mọi người rất quý các cô gái đẹp. H' Lan cười, vui lắm.
*
Sau đó, chúng tôi đưa đơn vị đến khu tăng gia để phát rẫy. Tháng ba ở Tây nguyên là mùa làm nương phát rẫy của người dân tộc. Thời gian này không có mưa. Bầu trời lúc nào cũng xanh trong và đầy nắng. Sau khi phát rẫy xong, để độ 1 tháng cho cây, lá khô giòn. Tầm cuối tháng tư đốt rẫy. Khi rẫy đã cháy hết thì những cơn mưa đầu mùa tháng năm đổ xuống sẽ trải lớp tro ngấm xuống đất làm chất bón tự nhiên. Cuối tháng năm bắt đầu tra lúa, trỉa bắp hoặc cắm hom sắn.
Đấy là nói trước về mùa làm rẫy, còn lúc này vẫn là tháng ba. Chúng tôi vẫn liên tục tìm cách vượt sông Pa sang với H' Lan. Càng ngày chúng tôi càng thân thiết với cô. Chúng tôi thấy cô càng ngày càng đẹp hơn. Hàm răng trắng khi cười. Và đôi môi nhiều lúc đỏ hồng lên, dù chẳng son phấn gì. Nói chuyện và được ngắm H' Lan, chúng tôi tự cho đó là diễm phúc thật khó có được trong những năm tháng chiến trường. Riêng Bảo, cậu ta còn đem lòng yêu H' Lan, và được cô đáp lại. Cũng phải thôi, Bảo là thằng đẹp trai nhất hội, lại ăn nói có duyên và có nhiều tài lẻ như hò hát và chơi ghi-ta. Cái vóc người rắn rỏi và vẻ tự tin, bạo dạn của nó thì chính chúng tôi cũng thích và mến, nói gì đến một cô gái như H' Lan. Chúng tôi không phản đối, nhưng thực tình không hiểu kết cục rồi sẽ đi đến đâu. Điều duy nhất chúng tôi làm được lúc đó là giữ bí mật câu chuyện này. Chỉ cần thấy H' Lan vui là chúng tôi đã mãn nguyện rồi.
Nhưng rồi tình hình ngày càng khó khăn hơn cho chuyện tình của Bảo. Tuyến trước đang yêu cầu thay quân đổi chốt. Khu rẫy cũng đã phát xong, đang chờ cây lá khô để đốt. Nhiệm vụ của trinh sát cũng không đòi hỏi nhiều gì ở khu tăng gia để chúng tôi có cớ vượt sông Pa. Hơn nữa, trong một lần qua sông, chúng tôi còn biết dân bản đang chuẩn bị đến khi đốt rẫy sẽ đem H' Lan thả trôi sông để tế Thần. Thật là mu muội. H' Lan đón tin đó bình thản như chuyện sẽ phải thế. Riêng chúng tôi thì công phẫn vô cùng. Đời một con người cơ mà, sao lại có thể nhẫn tâm như vậy. Thằng Bảo thì bồn chồn ra mặt và lo lắng thật sự. Nó quyết định nói thật hết với chúng tôi. H' Lan đã có mang. Nó sẽ cứu cô ấy và sẽ đem cô đi trốn.
Thật là chuyện động trời. Mới nghe, chúng tôi cũng choáng váng. Nhưng rồi bình tâm lại, chúng tôi thấy đó là cách duy nhất và cũng thật là tuyệt vời để cứu H' Lan. Bảo và H' Lan yêu nhau thật sự. Hơn nữa Bảo lại mồ côi cha mẹ, không có anh em. Khi còn ở ngoài Bắc, nó sống với ông bác ruột. Bảo đi bộ đội cũng là do nó xung phong. Nay nếu có vấn đề gì xảy ra với Bảo, thì bác nó ở ngoài Bắc chắc cũng không phải liên luỵ nhiều lắm. Nhưng cần phải lên một kế hoạch chu đáo, sao cho ít rủi ro nhất.
Thế là chúng tôi lên kế hoạch và bắt tay vào khẩn trương chuẩn bị. Về cơ sở vật chất, phải có đủ quần áo cho cả H' lan và cháu bé sau này. Phải có đủ nilon, tăng võng nằm rừng. Rồi còn phải có dao để phát rẫy, làm lán, có bật lửa, có Hăng-gô để nấu cợm...Chúng tôi ngấm ngầm lên danh sách, tìm nguồn. Tất cả đều phải làm trong bí mật. Trong chiến tranh, bí mật với địch đã khó, bí mật với đồng đội còn khó hơn. Nhưng dứt khoát phải bí mật, vì ngoài ba chúng tôi thân thiết với nhau, thêm một người nữa biết là bất lợi.
Giữa tháng tư, trong một lần đi trinh sát Đồi Dài 525 bên đường 5B, nhóm chúng tôi gặp 1 tốp thám báo của địch. Chúng cũng có ba tên. Nếu như mọi khi thì chúng tôi lờ đi, vì nhiệm vụ của trinh sát chỉ là nắm tình hình, bất đắc dĩ mới nổ cúng. Nhưng tôi hội ý nhanh với cả nhóm rồi quyết định nổ súng. Chúng tôi bí mật tiếp cận. Ba loạt đạn AK nổ đanh đã tiêu diệt gọn tốp thám báo. Chúng tôi nhanh chóng thu súng, lấy ba-lô; không quên lục túi lấy hết mọi thứ, tháo cả giầy rồi kéo xác chúng tấp vào bụi rậm. Về nhà, chúng tôi báo cáo, nộp súng chiến lợi phẩm, còn mọi thứ khác thì giấu trong rừng. Trong ba-lô của bọn thám báo đủ cả chăn dù, quần áo, gạo xấy, dao găm, bật lửa, bi-đông, áo mưa... Chỉ lo Bảo có đủ sức mang hết được mọi thứ không.
Cơ sở vật chất thì tạm ổn, nhưng đến lúc này chúng tôi cũng chưa xác định được là Bảo và H' Lan sẽ trốn đi đâu và vào lúc nào.
Chúng tôi vẫn cứ phải làm nhiệm vụ bình thường. Ngày lại ngày trôi qua. Chúng tôi vô cùng sốt ruột, bụng nóng như lửa đốt. Tháng tư đã trôi gần hết. Nếu chúng tôi không cứu kịp H' Lan, dân bản thả cô ấy trôi sông rồi thì cả ba chúng tôi sẽ phải ân hận suốt đời. Sáng nào ngủ dậy, mặt thằng Bảo cũng dài ra nhìn tôi và Trí dò hỏi. Có lúc nó đã phải buột miệng bảo tôi:
- Hay là tao cóc đợi nữa. Đằng nào cũng là trốn, thì đến đêm tao cứ chuồn. Coi như là đảo ngũ cũng được chứ quái gì.
- Không được. Mày làm thế, đơn vị nó cử người đi bắt thì hỏng hết. Tao nghĩ cũng sắp ra kế rồi. - Tôi nói cứng, gàn nó, song trong lòng tôi cũng rối bời. Tôi nghĩ, cùng quá có khi cũng phải làm theo như nó nói thôi.
*
**
May làm sao, trời xanh còn thương cho mối tình éo le của Bảo. Đúng vào ngày cuối tháng tư, nhóm bộ đội trông coi khu tăng gia báo về có bắn được lợn rừng. Thế là nhóm chúng tôi được cử đi nhận thịt cho Tiểu đoàn bộ. Tôi nhận nhiệm vụ mà mừng vô kể, nói không ra hơi. Tôi chỉ kịp nháy với Bảo và Trí, rồi cả bọn lên đường. Để giữ bí mật, Bảo không được mang theo hết tư trang cá nhân. Chúng tôi ra rừng lấy những thứ đã giấu rồi đi như chạy về khu tăng gia. Quãng đường 5 tiếng đồng hồ mọi khi, chúng tôi đi chỉ hết chưa đầy 4 tiếng. Chúng tôi giông thẳng ra sông Pa, vượt sông sang chỗ H' Lan. Thời cơ không đến nhiều lần trong cuộc đời con người, và vào thời điểm ấy thì thường đầu óc người ta trở nên sáng suốt lạ thường. Ngay tại cái chòi ấy, chúng tôi đã lập xong kế hoạch chạy trốn cho đôi bạn và nói hết tất cả cho H' Lan. Bảo và H'Lan sẽ đi trốn, không phải ra phía Bắc, mà là hướng vào phía Nam. Trong tay trinh sát chúng tôi chỉ có tấm bản đồ tỷ lệ 1: 50.000 với chiều rộng thực địa 40km x 40km. Song chúng tôi cũng suy đoán được rằng phía rừng sát Trường Sơn thuộc Đăk Lăk còn nhiều khu rừng nguyên sinh. Nơi đó cách xa các con đường chiến lược, nên chỉ có thú rừng chứ không có cả ta và địch. Vợ chồng Bảo sẽ đi xuống đó, tìm cách làm chòi, săn bắn, bắt cá và kiếm củ rừng để sống. Sau nữa là tăng gia. Rừng đã nuôi sống đồng bào các dân tộc Tây nguyên từ cả ngàn đời nay, thì cũng sẽ nuôi sống họ. Chỉ có quyết tâm lớn và tình yêu cháy bỏng của đôi bạn mới giúp họ vượt qua được thử thách trước mắt. H' Lan nghe mà xúc động ghê lắm. Nhưng rồi cô cũng phải đồng ý. Đêm hôm đó là một đêm đáng ghi nhớ với tất cả. Chúng tôi hì hục chuẩn bị cho hai người. Đồ đoàn của họ bó gọn vào hai ba-lô. Lương thực chỉ có 7 cân gạo, ít túi cơm sấy và một túi muối. Bảo mang theo toàn bộ súng đạn cá nhân, thêm mấy quả lựu đạn mỏ vịt. Ngoài ra còn đủ cả dao rừng và xẻng công binh Mỹ. Chúng tôi đưa nó cả bản đồ, địa bàn và đèn pin cổ ngoéo chiến lợi phẩm của Mỹ, loại không thấm nước.
Đêm hôm đó trời lại đổ mưa to, gần sáng mới tạnh. Cơn mưa đầu mùa đến sớm này lại giúp tôi nghĩ ra thêm một kế để tránh cho Bảo cái tội đảo ngũ. Dù chưa thật hợp lý, song tôi đã phác ra trong đầu cái lý do là Bảo bị thất lạc khi vượt sông. Như vậy sẽ không có ai phải đi tìm Bảo trên rừng nữa.
Trời sáng, chúng tôi dậy sớm, luộc mấy củ sắn ăn, rồi tiễn vợ chồng Bảo lên đường. H' Lan để nguyên lại mọi thứ của dân bản trong chòi, rồi khoác ba-lô theo Bảo. Nhìn cô ấy đeo cái ba-lô to tướng và đi đôi giầy nặng chịch lấy của bọn thám báo dạo nào, tôi thấy thương vô cùng. Chúng tôi chia tay nhau thật bùi ngùi, xúc động. Cuộc chia ly này là không hẹn ngày gặp lại. Từ nay, trong nhóm trinh sát của chúng tôi sẽ vắng mặt Bảo. Chúng tôi sẽ nhớ nó và H'Lan lắm, nhưng chỉ được nhớ trong lòng. Lúc này, không điều gì có thể nói ra được thành lời. Tôi và Trí lần lượt ôm tiễn cả Bảo và H' Lan. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi ôm một người con gái. Trong vòng tay nhỏ bé của tôi, H'Lan còn bé nhỏ hơn. Người cô ấy hơi run lên khiến lòng tôi đau nhói, như mình đang tiển cô ấy đi làm một nhiệm vụ nguy hiểm mà không hẹn được ngày trở về. Lúc đó, tôi nghĩ H' Lan như một người em gái của mình, mà thấy xót xa. Rồi Bảo và H' Lan hấp tấp lên đường. Phía trước họ là tự do, nhưng đầy gian nan thử thách. Tôi chỉ còn biết tin tưởng ở ý chí và nghị lực của Bảo, một thằng lính trinh sát tháo vát, kiên cường. Đi được một đoạn, Bảo và H'Lan ngoái lại nhìn chúng tôi. Tự nhiên, nước mắt của tôi và Trí cùng trào ra. Tôi kêu lên:
- Các cậu đi nhanh đi, đừng nhìn lại nữa. Khéo không chúng mình không chia tay nhau được bây giờ,
Nhìn theo Bảo và H' Lan đi dọc theo sông Pa đã xa, tôi thầm chúc cho họ chân cứng đá mềm và tìm được hạnh phúc. Họ đã chạy trốn theo tình yêu. Mà tôi nghĩ, cuộc chạy trốn nào vì tình yêu thì cũng đều là bản tình ca bất diệt.
Một nỗi buồn, man mác trào dâng lên trong chúng tôi. Một nỗi bâng khuâng khó tả. Nhưng tôi và Trí đều cảm thấy an lòng vì đã góp phần cứu được H' Lan thoát khỏi hành động vừa ngu dốt, vừa mu muội của những người đồng bào của cô. Ngày trước, mẹ tôi thường bảo: Cứu sống được một người bằng tu cả đời.
... Hôm đó là ngày 1/ 5/ 1974.
*
**
Tôi và Trí vượt sông trở lại khu tăng gia. Nước sông có dâng cao hơn mọi khi, và sẽ còn dâng lên nữa theo nước nguồn đổ về. Tại khu tăng gia, chúng tôi báo qua tình hình, rồi nhận thịt để quay về đơn vị. Khu tăng gia chỉ có ba người, nên nghe tin Bảo bị trôi sông, cũng chẳng có ai dám ra quyết định gì.
Buổi trưa, chúng tôi về đến Tiểu đoàn bộ. Sau khi giao thịt, chúng tôi lên báo cáo tình hình cho Thủ trưởng tiểu đoàn. Tiểu đoàn phó nghe tin, gầm lên tức giận. Ông bảo, ai cho các cậu qua sông, mà qua để làm gì cơ chứ? Lại nữa, nước sông mới qua trận mưa đầu, đâu có ghê gớm gì. Thằng Bảo nó là dân sông nước sao lại chết đuối được, trong khi các cậu chỉ thuộc loại tòm tõm bơi ao lại qua sông được ... Ông quát tháo một hồi, không cho chúng tôi kịp thở. Mãi sau, tôi mới lí nhí phân bua là hôm qua, lúc đến bờ sông, chúng em thấy bên kia sông có khói nên bơi qua kiểm tra tình hình, rồi ngủ lại ở bờ sông thì bị mưa. Lúc sáng sớm chúng em bơi về, khi sang đến bờ thì không thấy Bảo đâu. Chúng em có gọi và tìm mãi mà không thấy.
Tiểu đoàn phó quát mắng thêm một hồi nữa, rồi đuổi chúng tôi về lán, bắt viết kiểm điểm tường trình. Tôi và Trí cứ y như đã bàn mà viết. Đơn vị không thể cử người ra sông tìm Bảo nếu quả thật Bảo bị trôi sông, vì đã quá muộn. Các thủ trưởng cứ cố gặng hỏi chúng tôi vì nghi có điều gì đó, song cũng phân vân vì mấy ai đã đảo ngũ được một mình. Bảo tạm được coi như đã mất tích trong khi làm nhiệm vụ.
Sau đó mấy hôm, cả tôi và Trí đều bị kỷ luật, đưa xuống đơn vị bộ binh chiến đấu. May là cả hai chúng tôi được bổ sung vào cùng tiểu đội.
*
**
Đầu năm 1975, mặt trận chuyển hướng. Sau khi đánh trận cuối cùng ở chân cao điểm 631, đầu tháng hai Trung đoàn chúng tôi hành quân rời địa bàn Gia Lai để chuyển xuống Đak Lăk. Chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ đánh cắt địch trên đường 14, ngăn quân tiếp viện để Sư đoàn 316, Sư 10 và các đơn vị trong Quân đoàn đánh chiếm Buôn Mê Thuột.
Vốn là dân trinh sát, lại qua hơn 8 tháng trời thử thách chiến đấu trong đơn vị bộ binh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nên tôi và Trí lại được tham gia vào đoàn tiền trạm, đạp rừng tìm đường đưa bộ đội xuống Đăk Lăk. Đoàn tiền trạm xem bản đồ, cắt rừng đạp đường xuống phía Nam. Đi đến đâu, chúng tôi vạc vỏ cây đánh dấu đường đến đó. Chúng tôi đi tập trung theo đoàn. Thỉnh thoảng tại 1 vài điểm dừng chân, Đoàn trưởng cử các tốp nhỏ đạp đường ngang sang hai bên để kiểm tra tình hình. Dọc đường đi, chúng tôi thấy có rất nhiều khu rừng còn nguyên sinh. Có khi đi hàng ngày trời mà không thấy dấu tích của bom đạn. Rừng rậm, nhiều cây cổ thụ đủ loại. Muông thú, chim chóc rất nhiều. Có đoạn, chúng tôi đi dọc 1 suối đất cạn thì thấy trong lòng suối có cả một đàn lợn cỏ cỡ vài chục con đang sục kiếm ăn. Nếu không vì đang hành quân, thì chỉ cần có gậy gỗ thôi, xuống chặn hai đầu cũng đập được vài con. Ở những quãng rừng thưa, thỉnh thoảng lại thấy bóng nai, hoẵng chạy vụt qua. Có lần, ở bên cạnh một con suối cạn, thấy có mấy cái hố to như hố bom, cá quẫy dày đặc. Chúng tôi đoán, vào mùa mưa bọn cá từ suối bơi vào đây, đến khi nước rút không kịp bơi ra nên phải sống suốt mùa khô trong các hố đó. Đoàn trưởng tiền trạm linh động cho phép chúng tôi dừng lại chừng một tiếng. Chúng tôi lấy màn tuyn ra làm lưới. Chỉ vợt đi vợt lại dăm lần ngang hố, chúng tôi đã bắt được gần chục cân cá. Nhiều con to cỡ bàn tay. Tối hôm đó, cả đoàn được một bữa ăn tươi với cá luộc, và canh cá chua nấu với lá chua rừng.
Chúng tôi đi tiếp. Một hôm, bên một bãi đất sát chân núi, chúng tôi còn gặp một lũ công đất. Những con công đen tuyền, to như những con ngỗng đang nhảy múa với nhau. Đến đêm, giữa rừng già sâu thẳm bên những đỉnh núi cao chót vót, chúng kêu lên từng tràng dài, nghe như tiếng trẻ con khóc kêu gọi mẹ trong đêm, thật não nùng.
Một buổi chiều, khi đã đi cách địa bàn cũ chừng một trăm cây số, đoàn tiền trạm dừng lại. Tôi và Trí được giao nhiệm vụ đạp rừng qua phía Tây khảo sát địa hình. Đi được độ hơn cây số, chúng tôi gặo một đầm nước. Xem trên bản đồ thì đầm này khá rộng, nằm lẫn trong rừng già. Trên thực địa, chúng tôi thấy xung quanh đầm toàn là lau lách và cỏ dại cao lút đầu người. Gianh giới bờ và nước không rõ ràng. Đầm có vẻ nông, nước trong. Chắc cũng có rất nhiều cá, và cả đỉa nữa. Trong những đầm nước ở rừng già như thế này thì chỉ có một loại đỉa trâu to sụ thôi. Dạo trước ở hồ Nao-Bay và đầm Đăk-Ly, chúng tôi đã gặp lũ đỉa như thế. Chỉ cần lội chân trần dăm mét dưới nước, lúc co chân lên đã thấy dăm bảy chú đỉa trâu da sù sì màu xanh đen to như ngón chân cái bám vào bắp chân. Người không quen, chỉ cần nhìn thế thôi đã đủ nổi da gà.
Men theo đầm nước, vòng hẳn sang phía bờ bên kia, chúng tôi gặp một khoảng rừng trống nho nhỏ. Thật không thể tưởng tượng nổi, trong cuộc đời lại có những sự ngẫu nhiên may mắn đến vậy. Chúng tôi nhìn thấy một cái chòi nằm gần mé nước. Chòi làm theo kiểu nhà sàn, ghép bằng cột gỗ. Phần trên làm đủ vì kèo, rui mè như những cái lán bộ đội chúng tôi vẫn làm trong rừng. Mái nhà và xung quanh vách được lợp và che bằng cỏ tranh. Hai đứa chúng tôi nhìn cái chòi lạ, mà thấy thật thân quen. Linh tính mách bảo điều gì đó. Chúng tôi leo lên chòi. Bên trong không có ngưòi. Nhưng tất cả mọi thứ bên trong, từ nơi đun nấu, nệm cỏ, và những mảnh vải treo đầu nhà cho chúng tôi biết chòi có người ở, thậm chí có trẻ con. Đồ đạc không có gì, ngoài hai cái bọc ở góc chòi. Nhìn chiếc ba-lô treo ở vách, tôi và Trí cùng kêu lên: Bảo. Đúng là ba-lô của Bảo đây rồi. Hai đứa tôi nhìn nhau, nghẹn lời. Bảo ơi! H' Lan ơi! Bọn tớ đây này.Thế là hai bạn đã dừng chân nơi đây, và đã có con. Chắc cả nhà đang làm ở một cái rẫy bí mật nào đó. Chúng tôi nhẩm tính: vậy là con của Bảo được hơn 1 tháng tuổi rồi. Theo nếp của đồng bào dân tộc, trẻ con chỉ cần đầy tuần đã theo mẹ ra nương. Vì thế mà chúng tôi không gặp ai. Chúng tôi cùng bổ ra rừng, tìm loanh quanh một lúc. Chúng tôi muốn gọi to tên Bảo, nhưng không dám vì sợ tiếng vọng qua đầm, nhỡ ra đoàn tiền trạm nghe được. Tôi cũng hú đại lên mấy lần, song chẳng ăn thua gì. Vợ chồng Bảo có nghe thấy, chắc lại sợ nữa là khác. Tôi và Trí ngồi thừ ra.
Đã đến lúc phải quay ra rồi. Tôi trải vội tấm nilon ra sàn nhà, đặt lên đó cả cái ruột tượng gạo, gói muối. Tôi san luôn cho nó nửa cơ số đạn AK và hai quả lựu đạn. - "Cậu hãy dùng để săn bắn và tự vệ, Bảo ạ". Trí cũng mở ba-lô xếp ra một bộ quần áo vừa được phát hồi đầu tháng, và cởi cái khăn dù bọc vào. Cái khăn dù của Trí, Bảo nhận ra sẽ biết là chúng tôi đã qua đây. Chỉ có điều, nó sẽ không thể biết vì sao mà chúng tôi qua đây. Chúng tôi nhìn lại cái chòi hồi lâu, bùi ngùi rồi quay trở ra đoàn tiền trạm.
*
Rồi chúng tôi ra đi, đi mãi theo cùng đơn vị, chiến đấu cho đến hết chiến tranh. Từ đó và mãi mãi về sau, tôi không bao giờ còn được gặp hay biết tin gì của Bảo và H' Lan nữa. Sống cách biệt giữa rừng sâu đại ngàn ấy, không biết đến bao giờ, các bạn ấy mới biết là chiến tranh đã kết thúc. Liệu họ có còn trở lại sống cùng bản làng, giữa những người đồng bào của H'Lan nữa không.
*
**
Câu chuyện trên chỉ còn mình tôi biết. Trí đã hy sinh trong trận đánh căn cứ Đồng Dù trên cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn sáng 29 tháng tư năm 1975. Tôi đã giữ mãi trong lòng suốt mấy chục năm qua, câu chuyện về mối tình của Bảo và H'Lan, về bản tình ca của một người lính trinh sát Bắc Việt đầy quả cảm và một người con gái đẹp Tây Nguyên bị bản làng ruồng bỏ. Nhưng hôm nay tôi quyết định kể ra, vì nhớ đến các bạn ấy quá.
Các Thủ trưởng cũ trong Trung đoàn, nếu có ngẫu nhiên mà đọc được chuyện này, chắc sẽ nhớ lại câu chuyện năm xưa về nhóm trinh sát bên bờ sông Pa chúng em. Nay mới được biết sự thật thì chắc các thủ trưởng bực mình lắm. Song em vẫn kể, vì em nghĩ: thời gian trôi qua đã lâu quá rồi. Ba mươi mấy năm. Đó là khoảng thời gian đủ để người ta biến kẻ thù thành bạn và coi những người có công như kẻ không có công, thì chắc các Thủ trưởng cũng chẳng còn nỡ lòng nào mà giận chúng em mãi, phải không các Thủ trưởng?
12 May '13.
Vũ Công Chiến
Người post: ThuKK
Ngày đăng: 01-06-2013 16:04
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 7 của tổng số 7 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |