NHỚ CƠM QUÊ
Mấy hôm rồi trời dở nắng, dở mưa. Khí hậu ương ương, ngạnh ngạnh. Thi thoảng có một đợt nắng. Nắng đẹp lắm, vì hình như ở đây trời xanh hơn, rõ là thăm thẳm. Rồi nắng thoáng mất ngay. Bây giờ chỉ còn là những gió. Thành ra dễ ốm, dễ bệnh. Khi người ta ốm, bệnh, nằm bẹp một xó, thường hay nghĩ ngợi vẩn vơ và nhất là thèm ăn những món của quê mình...
Những ngày giáp ranh cuối hè vào thu, Hà nội hay mưa bão. Bà nội tôi đãi cả nhà bữa rau muống xào với món lạc rang muối. Rau muống những ngày mưa, non búng ra. Tiếng bà hàng rau kẻ cả: - Chỉ phải bỏ cái lạt em ạ . Nếu có lỡ cằn nhằn: - Bác ơi rau lắm bèo thế ! Sẽ có ngay câu trả lời như trong kinh điển: - Rau bán bèo thêm em ơi. Lúc nhặt rau, bà nội bóp bẹp phần cuỗng để xào cho mềm. Xào rau muống, phải xào to lửa. Hòa tý mắm tôm đổ vào, thì bát rau xào trông xanh rau , hấp dẫn hẳn. Lúc sắp nhắc ra, đập nhánh tỏi cho nhỏ, bỏ vào rau rồi đảo đều lên. Rau muống xào ăn kèm với kinh giới thơm, ngon lắm. Gắp một cọng kinh giới chấm vào nước mắm ớt, rồi đặt nó vào với miếng rau xào trong bát mà và, cái ngon của rau nó đưa đảy bát cơm. Mà lạ thật, sao hai cái anh rau này đi với nhau lại hợp thế. Vào mâm cơm, bà nội cắt một miếng chanh nhỏ, vắt vào cái thìa, gạt hết hột, rồi khẽ rưới đều lên bát rau xào. Bây giờ nằm đây, mắt liếc trên màn hình IPad, mà tôi thèm, tôi nhớ quá cái món rau xào ấy. Tôi biết mình không chỉ nhớ riêng cái vị tuyệt ngon của nó. Mà cả nhớ quê. Cái quê nó lồng trong cái đặc biệt kia của món rau xào. Nó khiến cái vị đằm thắm ấy của rau làm da diết thêm cái cồn cào của nỗi nhớ và thèm khát. Món lạc rang muối ăn trong những ngày mưa bão cũng là một kỷ niệm. Bà nội vẫn mua lạc khô ở chợ Hàng Da. Tôi còn nhớ cả tên bà Nga bán hàng khô trong chợ. Rang lạc phải rang nhỏ lửa. Chúng tôi vẫn gọi nó là món "nhà nghèo", vì chả dùng đến tý mỡ, nước mắm gì hết. Chỉ có chút muối hòa với thìa nước lã. Lúc lạc gần được, nhìn màu vỏ mỏng có đốm nâu, đổ chỗ nước muối vào chảo lạc. Dùng đũa đảo thật nhanh tay. Những giọt nước muối bốc hơi hết, để lại những hạt muối li ti bám vào hột lạc. Đảo lạc tới khi chảo khô kiệt, là lạc được. Những ngày mát trời, cơm ăn với rau muống xào, với lạc rang muối, sao thấy ngon thế. Cái bùi của lạc, cái ngọt của rau, khiến nồi cơm cứ vợi hẳn. Mà ăn được nhiều, cơm lại no lâu. Làm sao không nhớ, không thèm. Ai rồi cũng có lúc xa nhà, xa quê. Cũng có lúc ốm, lúc bệnh nằm bẹp dí thế này để nhớ cơm quê. Cậu học trò nhỏ những ngày lên tỉnh trọ học. Có nhớ không cái niêu cá kho của mẹ dưới quê, nó đặm, nó cay đến hít hà. Mẹ kho mặn, đặng còn ăn dè, cho khỏi tốn. Có thèm không một đĩa tôm riu rang với khế với hành ? Nhớ cơm quê, rồi nhớ dáng hình mẹ dưới quê nhà. Anh lính trẻ những ngày sắp vào trận đánh, thèm lắm một bát cà bung với lá tía tô vợ nấu hôm nào. Cây tía tô mọc khắp trong vườn mọi nhà, gần lắm, gắn bó và thân thương lắm với người. Tôi vẫn nhớ lời bà nội dạy, để phân biệt, đừng nhầm giữa tía tô với cọc dậu. Chúng giống nhau từ cái sắc màu cho đến hình dáng. Nhưng ngắt một lá tía tô lên, vò ra mà hít, thì cái thơm của nó dậy lên tức thì. Còn với lá cọc dậu, nó chẳng cho ta một chút gì của hương thơm. Giống hệt trong thực tế của đời thường. Ở con người thật, cái quý giá, cái tinh tú thường ẩn, khuất. Còn với những giả nhân, không bao giờ ta tìm được chúng đâu.
Rồi đi xa quê hơn, tận đất khách quê người vì tu nghiệp. Cơm tây, bơ sữa khiến anh sinh viên thèm, anh nhớ bát canh riêu cua nấu với bánh đa, bán dưới chợ quê, bà cho anh ăn, những ngày phiên chợ.
Cơm quê là thế. Nghĩ đến nó lúc xa quê là nhớ là thèm. Trong đoạn kết của CƠM QUÊ, Joe Ruelle đã viết: " Thèm món của nơi nào, trái tim thuộc về nơi đó. Bởi những lúc ốm đau, mình không ăn cho đỡ đói. Mình ăn cho đỡ buồn". Vâng, chẳng có ai vơi được cái thèm và nỗi nhớ cơm quê lúc đang sống xa quê.
Cologne 11.06.2013
|