KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 21 Tháng sáu. 2013

Một thoáng Cát Bà




Tác giả: NghiPH

Hàng năm cơ quan tôi đều tổ chức cho anh chị em đi nghỉ hè. Trước đây, chúng tôi đi nghỉ khá xa Hà Nội như Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình... Thời gian gần đây các chuyến đi càng ngày càng ngắn lại: Cửa Lò (Nghệ An), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Bãi Cháy (Quảng Ninh)... Năm nay chúng tôi chọn Cát Bà (Hải Phòng).

Từ Hà Nội chúng tôi đi ô tô xuống Bến Bính (Hải Phòng). Do xuống muộn nên chúng tôi không kịp đi chuyến tàu cao tốc buổi sáng ra thẳng thị trấn Cát Bà. Chúng tôi lên một loại tầu nhỏ hơn đi khoảng 1h ra tới bến phía tây của đảo. Chuyển sang ô tô đi 45 phút là đến khách sạn Holiday View- nơi chúng tôi sẽ ở trong đợt nghỉ này. Bù lại việc không kịp lên tầu to ra thẳng thị trấn Cát Bà chúng tôi đã được đi theo một con đường đẹp uốn lượn theo bờ biển, lúc vượt đèo, khi xuống dốc, được ngắm những chú dê núi nhỏ bé có lông mầu đen tuyền xinh xinh, ngắm những trái núi to nhỏ được phủ xanh bởi các loài cây rừng. 

Chiều cả đoàn đi bộ ra bãi Cát Cò 1 tắm biển. Đây là bãi biển phía đông nam của đảo lớn nhất của huyện đảo Cát Bà. Một bãi biển nhỏ hẹp với mấy trăm con người bơi lội nên trông nó giống như cái ao to. Ở khu vực này có ba bãi tắm. Mỗi ngày chúng tôi tắm ở một bãi.  Muốn đến Bãi Cát Cò 1 thì đi theo Đường 1 tháng 4 rồi rẽ trái thẳng xuống biển. Còn nếu muốn sang Bãi Cát Cò 2 thì không đi thẳng xuống biển mà rẽ trái, đi khoảng gần 300 m là tới. Con dốc xuống Bãi Cát Cỏ 2 khá dài. Sau khi tắm biển xong, leo lên dốc về khách sạn có người hơi bị mệt.

Riêng bãi Cát Cò 3 thì có 2 cách đi đến: 1. Đi thẳng Đường 1 tháng 4 rồi rẽ trái; 2. Xuống bãi Cát Cò 1, rẽ phải đi theo đường ven núi sẽ tới. Đây là con đường đi bộ uốn lượn theo sườn núi rất đẹp, có thể vừa đi vừa ngắm núi, ngắm trời, ngắm biển. Trước đây ở bãi Cát Cò 1 có con đường đi sang Bãi Cát Cò 2 làm bằng gỗ áp vào ven núi khá đẹp nay đã bị sóng biển đánh tan, chỉ còn chơ một vài đoạn ngắn ngủn.  

Bãi Cát Cò 2 và Bãi Cát Cò 3 rộng gấp đôi Bãi Cát Cỏ 1 và có nước sạch hơn.

Chính quyền thành phố Hải Phòng đã bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để xẻ cả những quả núi lớn thành đường ra 3 bãi tắm này. Nếu các doanh nghiệp bỏ kinh phí ra làm đường thì những người muốn xuống bãi biển tắm chắc là phải nộp phí.

Sáng hôm sau, đoàn đi thăm Vườn quốc gia Cát Bà. Nhiều chàng trai ở lại khách sạn chơi bài, mấy anh chị có con nhỏ cũng không đi được. Chỉ có ½ số thành viên trong đoàn ra xe đi thăm vườn quốc gia mà chủ yếu là các ông bà sắp v hưu và một số cán bộ trẻ mới về cơ quan. Tôi đã đến Cát Bà 2 lần. Lần gần nhất cách đây 5 năm. Đây là lần thứ ba nhưng tôi vẫn háo hức đi leo núi, ngắm cây rừng.

Tại Vườn quốc gia Cát Bà có khá nhiều du lịch: tuyến vườn thực vật, rừng Kim Giao - đỉnh Ngự Lâm; khám phá hang động; du lịch sinh thái - giáo dục môi trường; tuyến xuyên vườn quốc gia... Còn nếu phân chia theo thời gian sẽ có 2 tuyến: ngắn và dài. Tùy theo sở thích và quỹ thời gian, du khách có thể lựa chọn được tuyến đi phù hợp với điều kiện của mình. Đoàn chúng tôi chỉ có một buổi sáng thăm Vườn quốc gia.

Từ cổng vườn vào đến chân núi có một con đường bằng phẳng, rải bê tông, rất dễ đi. Hai bên nhân viên của Vườn đã trồng nhiều loài cây đại diện cho hơn 1.500 loài thực vật mà Vườn quốc gia Cát Bà hiện có. Người ta trồng cả một số cây keo tai tượng và xà cừ.

Đi một chập, chúng tôi đã đến với chân núi, bắt đầu leo núi. Leo được một đoạn, 5 người bỏ cuộc. Tôi cùng 8 người khác quyết tâm leo lên đỉnh Kim Giao. So với 5 năm trước đây, bước chân leo núi của tôi không còn thanh thoát nữa. Dù sao tôi cũng phải cố gắng. Cứ leo một đoạn tôi lại dừng lại nghỉ và đợi cả đoàn.

Sau gần 600m leo núi, tôi đã đến đỉnh Kim Giao. Tôi ngồi xuống gốc cây nghỉ ngơi. Bỗng tôi thấy mắt mình hoa lên, mồ hồ toát ra. 5 năm trước đâu có rơi vào tình trạng này. Tôi nhắm mắt, hít thật sâu bầu không khí trong lành vào lồng ngực mình rồi từ từ thở ra. Tôi làm như thế 12 lần. 8 người trong đoàn đã lên tới đỉnh Kim Giao. Tôi hết cảm giác mệt mỏi. Tôi hò anh chị em chụp ảnh kỷ niệm.

Xung quanh toàn cây kim giao, bạt ngàn kim giao. Cây kim giao có thân thẳng đứng, lá cứng, xanh ngăn ngắt. Đây là một loài thực vật quý, hiếm.

Trên đỉnh Kim Giao:

Từ đỉnh Kim Giao sang đỉnh Ngự Lâm còn hơn 800 m. Với sức khỏe của chúng tôi không thể leo tiếp được nữa. Tạm hài lòng với đỉnh Kim Giao thôi. Không biết có dịp nào chúng tôi leo lên được đỉnh Ngự Lâm không?

Do thời gian chờ xe đến đón còn khá nhiều nên khi xuống núi chúng tôi rất ung dung, thư thả. Tôi có dịp ngắm nhiều loài cây rừng ngoài cây kim giao. Trong khu rừng này có nhiều loài cây quý, hiếm: trai lý, lát hoa, lim xẹt, dẻ hoa, kim giao, gõ trắng, chò đãi. Cũng có những loài cây mà tôi đã biết: trắc thối, nhội, lim xanh, na xiêm, lá nến, sắng, bứa, gội nếp, giổi găng, phèn len. Còn rất nhiều cây tôi nhìn thấy lần đầu như: nhậm, trám trắng, đài loan tương tư, lòng mang xanh, re đuôi nhông, re hương, và nước, chò nhai, mắc rạp, đa nhộng vàng...

Tôi chụp ảnh những cây rừng đã mục nát, những cây con đang mọc lên bên cạnh mẹ cây già cỗi, những rễ cây bao trùm, bám chặt vào các tảng đá, những rễ cây xoắn lại như có ai vặn thừng, những thân cây đổ dài không chụi hy sinh nên vẫn bật lên những mầm xanh, những rễ cây, thân cây dây đung đưa, đung đưa...

Trên đường đi ra tôi nghe tiếng ếch ộp, ếch ộp. Nhớ quá tiếng ếch ộp của hồ ao quê tôi khi xưa, tôi lao đi tìm. Tôi đi theo con suối nhỏ đến một hồ nước xung quanh cây cối khá rậm rạp, tiếng ếch nhái kêu rất vui tai. Tôi nhìn quanh, vạch cây tìm không thấy chú ếch nào để chụp ảnh. Tôi bèn quay video ghi lại cảnh hồ nước với tiếng ếch nhái kêu uôm uôm để sau này mở ra nghe lại.

Ra cửa rừng, tôi sà vào một cửa hàng mua hai cái áo của Dự án bảo vệ loài voọc đầu vàng Cát Bà quý, hiếm. Theo số liệu do Chi cục kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà cung cấp năm 2007 loài voọc đặc hữu này (chỉ có ở Cát Bà) chỉ còn 66 cá thể. Không biết đến nay có còn con nào sống sót nữa không?

Thế hệ già dần dần ra đi để thế hệ sau tiếp bước:

 

Mệt quá! Không thể đi được nữa!

Mọc lên từ những tảng đá:  

Bám thật chặt vào những tảng đá:

Gồng mình trên những tảng đá:

Ngã xuống rồi nhưng quyết không hy sinh:

Khen ai khéo bện nên thừng:

Cây bứa có quả ăn rất ngon:

Mấy cha con tôi ở cửa rừng:

Bãi Cát Cò 1:

Bãi Cát Cò 2:

Hoàng hôn trên Đảo Ngọc:


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 21-06-2013 22:10






Xem 1 - 10 của tổng số 12 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: LyTM
24/06/2013 08:03:22

Một thoáng gì đâu,


dung dăng tuần lễ,


chơi nhiều quá thể,


cây cối hỏi han,


lại còn vẫn than,


chưa ngắm được Ếch,


Kgu đưa lệnh,


gặp chị Gió ngay,


Ếch xanh nơi này,


đi tìm nơi khác,


Ếch ộp, ếch ộp,


là của trẻ thơ,


còn Tổng bây giờ,


là của Ếch Gió,


đi chơi đâu đó,


nhớ về chợ nhà,


bảo vệ tốt nha,


Cát bà Đảo Ngọc!


 



Từ: HanhLT
23/06/2013 22:46:31

Đất nước mình có nhiều địa danh đẹp chỉ tiếc rằng người dân cũng như chính quyền ở các nơi này chưa biết làm du lịch mà chỉ biết mài dao nên không thu hút được khách đến,ngay mình là người Việt mà còn ngại huống hồ là khách nước ngoài!  vẫn biết phải có tiền mới đi du lịch được nhưng khách du lịch đâu phải là những con vịt béo chẳng qua họ là những người có hoa chân và muốn khám phá vẻ đẹp của mọi miền đất nước mà thôi....đến khi nào chúng ta mới biết làm du lịch?



Từ: ThanhLK
23/06/2013 21:51:55

Đúng là Nghị đã có bài viết xúc tích và ảnh đẹp về Vườn Quốc gia Cát Bà. Mình đã có dịp đến Cât Bà 2 lần. Lần đi cùng Anh bạn người Hải Phòng mình đã được thăm Vịnh Lan Hạ, đẹp và hoang sơ hơn Vịnh Hạ Long. Trong Vịnh Lan Hạ có nhiều đảo với nhiều bãi tắm Thiên nhiên chưa được khai phá. Có đảo nuôi khỉ để duy trì giống động vật thông Minh này.đất nước mình còn nhiều địa danh đẹp lắm. Hy vọng chúng ta có đủ sức khỏe để khám phá dần



Từ: NghiPH
23/06/2013 08:14:02



Cát Bà, còn gọi là đảo Ngọc (đúng như chị Thảo và chị Kim Thu còn nhớ), là hòn đảo lớn nhất trong quần thể các đảo ở Cát Bà và cũng là đảo lớn nhất trong tổng số 1.969 đảo trên vịnh Hạ Long) là tên của hòn đảo lớn nhất huyện đảo Cát Hải.



Tại sao đảo có tên là Cát Bà? Theo một câu chuyện dân gian vùng Ðông Bắc, đảo Cát Bà khi xưa vốn là hậu cung của người đàn ông đầu tiên đến khai sơn phá thạch ở vùng này. Khi ông phát hiện ra cái vịnh quý giá với nhiều hòn đảo đẹp mà sau này có tên là Hạ Long, thì cũng là lúc ông phải cưu mang cùng lúc nhiều số phận nhi nữ đơn côi, mà chồng của họ đã vĩnh viễn không trở về sau những chuyến đi biển đầy bất trắc. Rồi để rảnh tay khai phá vùng Hòn Gai, Bãi Cháy, ông đã tập hợp tất cả các bà ra sống tại hòn đảo xinh đẹp, trù phú, biệt lập giữa biển khơi, nằm trong vịnh Lan Hạ. Vì thế, sau này vùng đất Bãi Cháy, Hòn Gai có tên là Ðất Của Ông, còn hòn đảo kia thì có tên là Ðảo Các Bà. Trải bao biến đổi, thăng trầm, bây giờ còn lại hai địa danh Cửa Ông (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) là do gọi chệch đi mà thành.



Lại có câu chuyện khác gắn với lịch sử giữ nước của Việt Nam rằng, thời chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược, người anh hùng dân tộc Trần Hưng Ðạo đã chọn vùng biển Ðông Bắc này làm nơi tập kết, luyện quân, tích trữ lương thảo. Những hang động trong vùng biển này đều được huy động vào việc cất giấu quân lương, che ém tàu thuyền của quân ta. Vì vậy, vùng biển phía Hạ Long được chọn làm khu vực quân sự. Ở đây có Hang Dấu Gỗ là nơi quân ta cất dấu những chiếc cọc gỗ bịt sắt đã làm nên chiến thắng Bạch Ðằng lừng lẫy, còn vùng biển phía vịnh Lan Hạ là nơi tích trữ lương thảo, chăm sóc y tế, là khu vực do Các Bà cai quản. Vì thế mà có tên là Cửa Ðức Ông (khu Bãi Cháy, Hòn Gai), Ðảo Các Bà (khu vịnh Lan Hạ), sau gọi chệch thành Cửa Ông, Cát Bà…







Ở đảo ngọc Cát Bà còn có di chỉ khảo cổ Cái Bèo nổi tiếng- cách thị trấn 2 km. Di chỉ Cái Bèo phát hiện vào năm 1938 trong lần tiến hành thám sát khảo cổ học ven biển khu vực liên quan thuộc vùng vịnh Hạ Long ngày nay.
Di chỉ Cái Bèo khai quật được hơn 479 công vụ như chày, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới… bằng đá cuội. Đồ gốm thô cứng làm từ đất sét và cát hạt khô, bếp, di cốt người; các xương răng động vật, xương thú (lợn rừng, nai, dê núi). Đây là những hiện vật quý có giá trị lịch sử.



Trước đây, các nhà khảo cổ học cho rằng, di chỉ Cái Bèo thuộc nền văn hoá Hạ Long, bởi cư dân Cái Bèo là người Hoà Bình – Bắc Sơn dần dần chuyển cư từ vùng núi xuống biển. Sau đợt biển tiến Haloxen Trung làm nảy sinh các hoạt động kinh tế riêng biệt. Riêng cư dân đảo Cát Bà, trong đó có người cổ Cái Bèo làm nghề đánh cá là chủ yếu.





Qua kết quả của đợt khai quật gần đây nhất vào tháng 12 năm 2008 do nhà khảo cổ học Nguyễn Khắc Sử tiến hành, đã tìm thấy nồi gốm ở độ sâu 2.6m có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000 năm - 7.500 năm. Từ kết quả trên cho thấy Cái Bèo là di chỉ có niên đại trước cả nền văn hoá Hạ Long. Tháng 2 năm 2009 Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã xếp hạng cấp quốc gia cho di chỉ Cái Bèo.


 



 



Từ: HaiNV
23/06/2013 07:17:25

Cám ơn anh Nghị đã có bài phóng sự rất hay và ấn tượng về Cát Bà. Chúc mừng anh và các đồng nghiệp cùng gia đinh, bạn bè, người thân đã có một kỳ nghỉ vô cùng bổ ích và lý thú. HaiNV đã đi Cát Bà vài lần nhưng cũng lâu rồi, nên vẫn mong có dịp trở lại. Năm nay, "quân lính" của mình cũng mong cơ quan tổ chức đi nghỉ ở đâu đó, nhưng cũng vì mình vẫn chưa "thoát" ra được nên mọi người vẫn phải chờ. 



Từ: Guest Kim Thu
23/06/2013 04:46:52

Mới "Một thoáng" mà Cát Bà trong bài ký luận của Nghị đã phong phú, giàu có với đủ các loại tên cây cối hiếm quý, nhất là ảnh nữa, rất tuyệt. Mình chỉ nhớ tên đảo Ngọc, vì nó gắn với một câu chuyện tình nào đó đã đọc. Mong cho cơ quan Nghị tổ chức tiếp những cuộc du ngoạn thế này. Sẽ có nhiều bài viết hấp dẫn hơn của tác giả.



Từ: KhanhT
22/06/2013 22:10:15

 


"So với 5 năm trước đây, bước chân leo núi của tôi không còn thanh thoát nữa... Cứ leo một đoạn tôi lại dừng lại nghỉ và đợi cả đoàn." NghiPH vẫn là người đi đầu! còn khỏe chán Hạnh ạ!


Thế là chuyến này ít thời gian nên Nghị không đi hang động, có một động dài hơn 2 cây số thông ra bãi tắm tiên. Nghị mà đi thì bài viết sẽ còn nhiều thông tin thú vị nữa. 


Xem cái ảnh: "Mấy cha con tôi ở cửa rừng:" quả thật PHNghị áo đẫm mồ hôi. Thế mà lại ham dẫn đầu, ý chí phải nói: Phi thường!


 



Từ: TungDX
22/06/2013 17:26:51

 


TungDX và Viện Thuocphongthuocno nghỉ Cát bà năm 2005, rất ấn tượng, xin gửi quà cho người nghỉ Cát bà năm nay:


NGHỈ MÁT CÁT BÀ


Vòng lục ngọc rớt Cát bà


Nhấp nhô trên sóng, nước hòa trời xanh


Thuyền du đảo biếc muôn hình


Hồn như lạc giữa bồng bềnh cảnh tiên


      2005 ĐXT


 


 



Từ: ThaoDP
22/06/2013 16:39:30

Rất tiếc là mình chỉ ở 1 ngày 1 đêm ở Cát bà nên chưa xem hết đảo. Phải công nhận Cát bà là một hòn đảo đẹp, cảnh quan rất nên thơ. Cảm ơn Nghị đã miêu tả chi tiết chuyến thăm quan, nghỉ mát hòn đảo xinh đẹp này. Nếu có dịp chắc chắn mình sẽ quay lại thăm Cát bà.



Từ: CucNT
22/06/2013 14:57:40

Cảnh đẹp và hữu tình. Đẹp nhất là hình  ảnh 1 bác Nghị gần 60 tuổi khỏe khắn giữa 3 em trẻ xinh. Bái phục nghị lực và ý chí của bác.


Có lẽ sau chuyến đi này những anh em trong cơ quan bác sẽ làm việc tốt hơn vì noi gương bác Tổng.


Em rất thích đi du lịch nhưng ít có cơ hội. Cảm ơn bác tổng đã cho em thưởng thức nmiễn phí những phong cảnh ngoạn mục.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s