NGƯỜI NGA
Tác giả: Lê Ngoc Minh
РУССКИЕ !
Lê Ngọc Minh
Bước sang tuổi ngũ tuần, nghe ông bạn vàng khuyên nên uống rượu ba kích ngâm chung với hà thủ ô để bền sức và không phải nhuộm tóc nên mỗi ngày, tôi đều đặn thửa hai chén hạt mít trước bữa ăn chính. Được khoảng ba tháng, các lợi ích đàn ông kia chưa kịp thấy thì người đã đẫy ra, hai má phúng phính khiến đôi mắt híp tịt lại tựa miệng nghêu nhè cát, mặc dù trước đó, tôi có đôi mắt không đến nỗi nào, hai mí rõ ràng dưới đôi lông mày rậm, cân đối phân minh. Và vì đôi mắt híp hìm hịp ấy, tôi đã bị tóm là nghi can khủng bố.
Chuyện xảy ra giữa lúc tôi đang đặt ba nhành hồng đỏ tươi trước đài liệt sỹ nhỏ ở đầu đường đi vào làng Odinsovo, một ngôi làng ngoại ô cách trung tâm Moscva hơn 30 cây số. Hai người tóm tôi trong sắc phục cảnh sát. Một người là hạ sỹ, một người là binh nhất. Họ còn rất trẻ. Tôi thầm phục họ thao tác nghiệp vụ quá nghệ. Chỉ trong vài nháy mắt, họ đã làm xong ba việc. Một là khoá trái hai tay tôi về phía sau; hai là họ đã nhặt rất chính xác ba nhành hồng tôi vừa mới đặt, để xa cách những bó hoa cũ độ một mét; ba là cái túi du lịch của tôi được tách hẳn ra và họ nhìn nó đầy vẻ cảnh giác. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì viên hạ sỹ hỏi:
- Từ Daghestan hay Grozny đến?
- Từ Việt Nam! – Tôi đáp.
Viên hạ sỹ hỏi lại câu đã hỏi. Tôi vẫn đáp câu đã đáp.
Hai viên cảnh sát soi mói nhìn kỹ tôi một lần nữa. Tôi đã định thần được rồi và cũng nhìn lại họ. Viên hạ sỹ chép miệng: “Không có lẽ!” và nhìn viên binh nhất cùng cái lừ mắt khó hiểu.
Tôi hỏi họ:
- Tôi đi được chưa?
Cả hai đều lắc đầu. Viên hạ sỹ khám rất nhanh người tôi cũng bằng những động tác nghệ như lúc họ tóm tôi. Khám xong người,viên hạ sỹ hỏi tôi ,những gì có trong túi du lịch. Tôi đáp chỉ có đồ ăn. Viên hạ sỹ dùng thứ thiết bị chỉ to bằng chiếc điện thoại di động cẩn trọng huơ huơ quanh chiếc túi du lịch. Máy kêu toét lên một tiếng, viên hạ sỹ đeo ngay bao da vào tay, từ từ mở túi và lấy ra trong đó có một cái trống đồng nhỏ xíu. Tôi định nói lời giải thích nhưng viên binh nhất huých tay ra hiệu cho tôi im. Viên hạ sỹ tiếp tục dò mìn trong cái túi của tôi rồi ra lệnh cho viên binh nhất giải tôi về đồn. Trước khi đi, viên binh nhất nói, anh ta sẽ để cho tôi tự do nhưng nếu tôi bỏ chạy, anh ta sẽ nổ súng. Tôi nhếch mép cười mỉa, nói câu cảm ơn lấy lệ và đi.
Vào cửa đồn, một viên trung sỹ đeo băng trực ban, hất hàm hỏi trống không:
- Tréc tren?
Viên hạ sỹ đáp:
- Nghe khai, từ Việt Nam đến!
Tôi vội rút cuốn hộ chiếu chìa ra phía viên trung sỹ trực ban. Viên trung sỹ không cầm cuốn hộ chiếu mà nói một câu nhạt thếch, khó hiểu:
- Như nhau cả thôi! - Rồi anh ta hỏi viên hạ sỹ - Khám kỹ chưa?
Viên hạ sỹ:
- Mới sơ sơ.
Trung sỹ:
- Khám kỹ đi.
Tôi lại bị viên binh nhất khoá tay, để viên hạ sỹ khám người một lần nữa. Đồ cũng bị khám lại. Viên hạ sỹ lôi ra từ trong túi du lịch của tôi, ngoài cái trống đồng to bằng vốc tay còn có mấy thứ là 4 gói bánh phồng tôm, 2 tập bánh đa nem, một bó miến, hai gói mộc nhĩ, mấy quả trứng được để trong chiếc hộp nhỏ chèn lót cẩn thận, một túi ni lông nhỏ đựng hành tươi, tỏi bóc và rau gia vị xanh non, hai chai Lúa mới cùng một bó đũa (mấy thứ này, tôi chỉ mang theo từ Hà Nội chiếc trống đồng, còn lại đều mua ở một kiot của người Việt tại Moscva).Viên trung sỹ đi lại chỗ khám đồ, anh ta thận trọng nhặt từng thứ lên soi. Anh ta dừng lại khá lâu ở những gói bánh phồng tôm, hỏi:
- Cái gì đây? Ma túy?
Tôi nói là bánh phồng tôm. Anh ta hỏi lại, bánh phồng tôm là thế nào. Tôi nói, đó là thứ bánh biến ảo như phù thủy, cho nó vào dầu mỡ sôi, trong nháy mắt nó lớn lên gấp 4, 5 lần. Viên trung sỹ nhìn tôi càng thận trọng hơn, anh ta độp hỏi:
- Từ Grozny đến?
Tôi chả phải cảnh giác gì và đáp luôn, tôi đến từ Việt Nam, tôi có thể biểu diễn ngay thứ bánh phù thủy đó trước mặt họ. Ba viên cảnh sát nhìn nhau. Viên trung sỹ đòi tôi đưa hộ chiếu, xem rất kỹ. Tôi thấy anh ta liếc mắt cho viên binh nhất. Viên binh nhất thả tay bị khoá của tôi ra rồi đi vào bên trong. Lát sau, anh ta mang ra cái bếp điện, chai dầu ô liu và một cái chảo rán to đùng. Binh nhất cắm bếp điện. Viên trung sỹ nói như ra lệnh cho tôi:
- Chơi đi!
Tôi xắn tay áo, đủng đỉnh đặt chảo, chờ cho chảo khô, tôi rót dầu vào. Dầu sôi, tôi rút ra nhúm bánh phồng tôm đáo mắt nhìn ba viên cảnh sát. Tôi thấy họ cực kỳ căng thẳng. Viên trung sỹ gần như nín thở giục tôi: “Chơi đi!”. Tôi thả cả dúm bánh phồng tôm vào chảo dầu sôi trước. Ba viên cảnh sát đều bất ngờ lùi ra và thốt lên: “Phù thuỷ!”. Trong chảo, những chiếc bánh nở to bằng cả bàn tay, tỏa mùi thơm phức. Tôi dùng đũa gắp nhanh từng chiếc bánh ra để bỏ chiếc mới vào. Chợt một cảnh sát, đeo lon thiếu tá phóng chiếc siđơca vào tận cửa. Ông bỏ chiếc mũ bảo hiểm có chữ cảnh sát to tướng ra khỏi đầu và hỏi:
- Bánh phù thuỷ? Ở đâu ra thế?
Cả nhóm cảnh sát và tôi đều ngạc nhiên. Viên trung sỹ báo cáo:
- Vâng, đúng là bánh phù thuỷ thủ trưởng ạ.
Thiếu tá vào nhà nhìn tôi, hỏi luôn:
- Anh từ Việt Nam?
Tôi gật đầu và nói với ông:
- Tôi đang bị thuộc cấp của ngài bắt giữ vì nghi là phần tử khủng bố Tréc nhia.
Ông thiếu tá:
- Đừng gọi tôi là ngài cứ gọi là đồng chí như thời ése-se-se-rờ (CCCP-Liên bang Xô viết) cho thân mật. Tôi thích thế!
Tôi nói lời cảm ơn và tiếp tục bỏ bánh phồng tôm vào rán. Có lẽ do hiếu kỳ nên cả bốn viên cảnh sát cứ chăm chú nhìn và xuýt xoa chứ không nói lời nào. Tôi rán chưa hết nửa gói bánh phồng tôm đã được một đĩa đầy ú. Thiếu tá khoát tay:
- Vậy thôi, còn để dành!
Tôi dừng, đưa tay mời họ ăn bánh. Cả bốn người cùng một lúc nhặt bánh phồng tôm ăn ngon lành, đầu gật gật, giơ ngón tay cái lên cùng với lời trầm trồ: “Tuyệt! Tuyệt!”.
Chén luôn một lúc mấy chiếc bánh rồi thiếu tá mới nói lời xin lỗi:
- Anh thông cảm nhé! Chúng tôi đang được lệnh truy nã mấy tên khủng bố đột nhập vào Mát. Bọn chúng quấy quá. -Thiếu tá quay sang phía ba cảnh sát trẻ,nói - Các ông này vừa mới được chuyển đến, chưa có kinh nghiệm. Đồng chí thông cảm cho.
Tôi chưa kịp nói gì thì thiếu tá hỏi:
- Anh đến thăm gia đình cụ Alioskin Prokophi Iakovlevits?
Tôi vội đáp:
- Đúng đúng! Gần hai mươi năm, nay tôi mới đến thăm cụ được.
Viên thiếu tá:
- Anh đến muộn mất rồi. Hai cụ Alioskin mất đâu chừng đã một năm! Thật tiếc. Cụ ông Alioskin là một người chói sáng!
Nghe viên thiếu tá nói, tôi buồn xo lại và thở dài vì sự chậm trễ muộn màng của mình.
Viên thiếu tá giảng giải cho thuộc cấp biết trong làng Odinsovo có cụ giáo sư Alioskin. Ông ta rất quý mến cụ, nhiều lần được cụ mời đến chơi nhà và tại nhà cụ, ông đã hai ba lần được ăn bánh phù thủy uống với rượu vodca Việt Nam Lúa mới. Cụ Alioskin có nhiều học trò là người nước ngoài. Thiếu tá đoán, tôi cũng là học trò của cụ. Tôi gật đầu xác nhận. Ba viên cảnh sát trẻ vội đến trước tôi, đầu hơi cúi xuống chìa cả hai tay ra xin bắt tay tôi cùng với lời xin lỗi được nhắc đi nhắc lại hai ba lần. Họ cũng tranh thủ giải thích thêm, hiện tại bọn khủng bố hay giả danh người nước ngoài để gây tội ác. Mà trông tôi… cứ như người đến từ vùng ngoại Cavkaz.
Sợ tôi quên đường, thiếu tá nói từ đồn cảnh sát đến nhà cụ Alioskin là hai bến xe buýt, sau đó rẽ trái 50 mét, nhà cụ ở ngay đầu xóm. Ông ta rất xin lỗi là không tháp tùng tôi đến được vì luật pháp Nga không cho phép cảnh sát đến nhà công dân vô sự trong giờ làm việc và trong cảnh phục. Vả lại, ông vẫn đang trong nhiệm vụ trực chiến truy lùng phần tử khủng bố. Tôi cảm ơn thiếu tá và thân tình chia tay nhóm cảnh sát, đi ra bến xe buýt.
Xe chưa đến, con đường phía trước khá vắng vẻ, hai bên đường hoa Tử đinh hương xanh tím trổ ra đường những chuỗi dài đến hàng nửa mét, tỏa hương thơm ngào ngạt. Chim hót rộn lên. Những chú bồ câu có bộ cườm hình hoa văn bao kín quanh cổ dạn dĩ sà xuống bên đường gù gù ghẹ ghẹ gọi nhau làm thân. Trước thiên nhiên thơ mộng ấy, tôi không chờ xe nữa mà đi thả bộ trên đoạn đường, nơi ngày trước cụ Alioskin từng đã nhiều lần tiễn tôi từ nhà cụ ra ga xe lửa nội hạt Odinsovo.
Cụ Alioskin Prokophi Iakovlevits không phải là thầy giáo dạy tôi. Hồi tôi thi học kỳ năm thứ nhất, do thầy dạy môn lịch sử thế giới bị ốm nên thầy Alioskin được phân công chấm thay buổi thi học kỳ môn này của lớp tôi. Nghe tin thầy Alioskin chấm thi, cả lớp tôi đều bị choáng, nhất là các bạn người Nga. Có bạn đã thốt lên: “Thầy Alioskin – Cá sấu thì coi như chúng mình đi đứt rồi!”. Sau đó, tôi mới biết biệt danh Alioskin – Cá sấu của thầy là do thầy hay viết bài cho báo hài hước Cá sấu. Nghe kể, thầy đã làm cho ông bộ trưởng bộ Đường sắt phải chuyển công tác khác và một ông thứ trưởng bộ Kinh tế nông nghiệp chuyên ngành công nghiệp chế biến hải sản bị mất chức. Các bạn người Nga bảo với chúng tôi, những sinh viên nước ngoài rằng, thầy Alioskin hỏi thi (thi vấn đáp) không chú trọng lắm vào đề thi sinh viên gắp được mà thầy luôn bắt phải trình bày tổng quát, chỉ cần trả lời mấy câu thôi nhưng phải đủ ý về lịch sử của cả một giai đoạn. Vì thế, bắt buộc sinh viên phải nắm bài có hệ thống chứ không thể học tủ, ăn may. Và cũng theo các bạn Nga, muốn được điểm cao môn này còn phải trả lời thầy một câu hỏi mở rộng. Có lẽ vì vậy mà cả lớp rào rào học kỹ môn Lịch sử thế giới. Đến hôm thi, mọi người đun đẩy nhau, không ai dám vào trước. Tôi là thằng sinh viên nước ngoài bị đẩy lên giàn thiêu làm vật tế thay cho khắp mặt con chiên như câu nói của cô lớp trưởng Natasha, tóc vàng mượt, mắt cười có đuôi.
Tôi hít căng một buồng ngực không khí lo toan để nạp nhuệ khí vào trả bài thi. Thầy Alioskin hôm đó mặc rất đẹp, một bộ comple mầu lông chuột, cắt may chuẩn với vóc người cao khỏe, rắn rỏi, nước da hồng hào của thầy. Cái ca vạt màu đen nâu có chấm hoa càng tôn thêm bộ vét. Thầy mỉm cười đưa tay chỉ xấp phiếu đề thi, nói: “Mời em, chúc thành công”. Tôi cảm ơn thầy, và không hiểu lúc ấy do đâu mà tôi lại dám huơ huơ bàn tay mấy cái trước khi nhón một phiếu đề thi. Thầy nhìn tôi, tôi hiểu thầy đang ghìm một tiếng cười hài hước trước sự khẩn cầu may mắn của cậu thí sinh láu cá. Tôi đưa bằng hai tay phiếu đề thi cho thầy, thầy bảo không cần thiết, cứ mang ra bàn chuẩn bị đi. Thầy cho tôi 15 phút tư duy.
Tôi lại bàn, vội mở phiếu thi. Trong tôi niềm vui lồng lên như có ngọn cờ gặp gió nồm biển ngày hè. Đề thi tôi may mắn gắp được là nói về cuộc khởi nghĩa của anh hùng nô lệ Spartacút. Tôi đã đọc quyển sách này, tôi đã học kỹ chương lịch sử này, hôm qua tôi lại vừa được xem bộ phim truyện Spartacút mới dàn dựng của Mỹ, chiếu trong chương trình phim hiện đại. Chỉ mất dăm phút, tôi đã gạch ra được 10 cái gạch đầu dòng và lên xin thầy cho trả lời. Thầy động viên:
- Trông em rất tự tin. Bắt đầu đi.
Tôi không nhìn vào tờ giấy chuẩn bị, trả lời lần lượt từng ý đã sắp xếp trong đầu. Tôi nói chừng như đến ý thứ năm thì thầy dừng tôi lại:
- Được rồi! Tôi muốn hỏi em thêm câu này.
Tôi đáp:
- Em xin nghe lời thầy.
Thầy Alioskin:
- Em có nhớ không, cách đây 195 năm ở nước em có sự kiện lịch sử gì? Nhớ được chứ?
Tôi chưa thể đáp ngay được. Trong đầu tôi vụt hiện ra một phép trừ, tôi lấy năm 1984 trừ đi 195 năm. Ôi chà, nó hiện ra đáp số là năm 1789. Tôi đáp luôn:
- Thưa thầy, đó là năm vua Quang Trung của nước em đại phá quân Thanh, diệt và bắt 29 vạn. Theo lịch Việt , đó là năm Kỷ Dậu, năm con Gà.
Thầy cười tươi, hỏi:
- Chắc năm đó là năm gà trống?
Tôi đáp tiếp liền mấy tiếng “vâng” . Thầy mở sổ điểm của tôi. Vẫn giọng vui vẻ hài hước, thầy nói:
- Tôi cho em một pẹt (pjat’ – điểm 5, điểm cao nhất trong hệ thống thi cử Nga ). Chúc mừng sự khởi đầu không tồi.
Tôi mừng rơn cảm ơn thầy và cầm sổ điểm đi ra. Thấy tôi ra nhanh quá bất thường, tôi lại vờ làm ra vẻ ỉu xìu xìu như thằng vừa bị ăn mắng, các bạn xô lại hỏi:
- Toi rồi hả?
- Biết ngay mà, dám đâm đầu lên giàn hỏa thiêu thì ra tro thôi.
- Ai vào bây giờ đây?…
Đang lúc đó, thì thầy Alioskin mở cửa, gọi:
- Người tiếp theo.
Khi thầy đóng cửa lại rồi. Cả lớp nhìn nhau mà mắt cứ len lét như nhìn trộm. Tôi cười tóa lên giơ con pẹt của mình ra. Những tiếng thở phào mạnh như phụt nguồn từ ống bễ. Tôi bị cô lớp trưởng bẹo vào vai một cái, đau đến lệch mặt.
Sau thi, tôi thường gặp thầy Alioskin đến trường. Tôi cố gắng tạo cách chào thầy để thầy nhận ra tôi nhưng có lẽ do thầy ít để ý hoặc do những người châu Á có nét mặt, đầu tóc và dáng người giống nhau, cùng típ ăn nhanh, đi chậm, hay cười/ vai hẹp, chân ngắn, dày môi, mũi tè nên thầy không nhận ra chăng?
Ngày 9/5/1984 được nghỉ lễ ngày Chiến thắng và cũng để chào tạm biệt mùa đông khắc nghiệt đầu tiên sống ở nước Nga, tôi và thằng Lê, bạn cùng phòng nổi máu lãng tử xuống metro đi 10 vòng quanh đường xuyến lớn tàu điện ngầm Moscva. Sau đó, chúng tôi trổ lên ga Belorussia, để phóng ra ngoại ô tăm đồ cũ rẻ tiền, lạc mốt nhưng xài thì bền chả khác gì nồi đồng, cối đá.
Vào sân ga xe lửa nội hạt, tôi và Lê được chứng kiến một cảnh thật hoành tráng. Có đến mấy trăm cựu chiến binh đang tập hợp thành từng nhóm, người múa hát, người gặp nhau tay bắt mặt mừng… Hỏi người dân đứng xem, chúng tôi được biết đó là những cựu binh của trung đoàn 57, năm 1941, sau khi duyệt binh ở Hồng trường xong, họ đã lên ga này để ra mặt trận hướng tây. Hàng năm cứ vào ngày Chiến thắng 9/5, dù ở đâu họ cũng tề tựu về đây gặp nhau trong bầu không khí đồng đội đầm ấm, vui nhộn và cảm động. Chúng tôi hòa vào đám người đông đúc và luôn giữ nụ cười ngưỡng mộ nhìn các cựu chiến binh Vệ quốc. Đi được một đoạn, tôi và Lê thấy một chỗ có mấy cựu chiến binh cả nam lẫn nữ đang ôm tay nhau cùng nhảy theo giai điệu tha thiết thời thượng lúc đó mà tôi có thuộc: “Chúng ta đã có thời trẻ trung đến thế/ Chúng ta đã tự tin đến thế!”. Tôi rủ Lê sà lại chỗ đó. Tôi nhận ra thầy Alioskin trong bộ quân phục thời chiến tranh Vệ quốc với quân hàm đại úy. Ở ngực thầy gắn nhiều cuống huân chương. Tôi tự giới thiệu và nhắc lại kỷ niệm hôm thi, thầy đã nhận ra tôi. Thầy ra hiệu cho cả nhóm ngừng múa hát, kéo ba người đàn ông có dáng cao lớn rắn chắc như thầy lại, bảo với họ, tôi và Lê đến từ một đất nước kỳ lạ, nơi từ xa xưa có những người lính đã hành quân với tốc độ 60 cây số một ngày. Các bạn cựu chiến binh của thầy xúm lại hỏi chúng tôi về bí quyết đó. Chúng tôi thay nhau kể về vua Quang Trung, về cách ngài lên ngôi hoàng đế, cách ngài ra Bắc, dọc đường tuyển quân, duyệt binh và khẳng định thời hạn quyết thắng như thế nào, cách ngài chia quân thành từng tổ ba người, cứ hai người khênh một bằng võng rồi đổi cho nhau, ai cũng có được lúc nghỉ để hồi sức. Nghe vậy, các cựu chiến binh Nga đều vỗ tay, rồi đưa ngón tay cái lên trầm trồ, nói: “Thật là những người cừ khôi!”. Cũng buổi hôm đó, thầy Alioskin kể lại, lúc mới vào lính, thầy làm lính quân báo. Thầy là một chàng trai rất khỏe và dai sức nhưng thầy cũng chỉ có thể đi được 50 cây số một ngày. Sau này, ra quân, đi học ngành Lịch sử thế giới, thầy được nghe một buổi thuyết giảng về các cuộc hành binh thần tốc trong lịch sử nhưng chưa có cuộc hành quân nào có tốc độ kinh người, một đoàn quân mấy chục vạn mà dịch chuyển tới hơn 60 cây số một ngày. Đó là cuộc hành quân thần tốc của quân đội vua Quang Trung, nước Việt Nam, năm 1789.
Hôm ấy, tôi và Lê được thầy mời về thăm nhà thầy cách ga Belorussia 30 cây số, làng Odinsovo. Chúng tôi xin phép thầy cho được cống hiến vài món ăn Việt. Thầy đồng ý. Hai đứa lộn về ký túc xá lấy bánh đa nem, miến, bánh phồng tôm và chai Lúa mới, gọi taxi đến nhà thầy. Hơn 10 cựu chiến binh đã tá túc sẵn ở đó. Vợ thầy, bà giáo làng Alioskina và anh con trai Vladimir Alioskin có tên thân mật là Volodia đang làm rất nhiều món ăn Nga. Chúng tôi được mời vào bếp làm món ăn Việt bổ sung. Tôi trổ tài làm hai món nem: nem rán và nem cuốn. Tôi thừa hưởng được từ bàn tay vàng của mẫu thân, người sinh ra ở phố Hàng Đào, nên có thể tráng được những quả trứng mỏng nhìn thấy cả hình bóng đèn phía bên kia. Tráng rồi, tôi thái trứng và thịt lợn ba chỉ luộc vừa chín thành những sợi dài nhỏ như chiếc tăm. Hai món nem rán và nem cuốn của chúng tôi được đặt riêng thành các mâm nhỏ. Riêng bánh phồng tôm thì chúng tôi đã bàn với nhau trên taxi là nên biểu diễn tính phù thủy biến ảo của nó trước người Nga. Chúng tôi tin là sẽ nhận được sự ngạc nhiên lớn. Đúng vậy, khi mọi người đã ngồi quanh cái bàn ăn lớn hình bầu dục kê trên thảm cỏ trong vườn, Lê đặt chảo dầu, bật bếp điện, tôi mời thầy tôi và những người Nga chuẩn bị xem một sự biến hóa ngoạn mục. Họ đổ mắt nhìn, có người còn đưa tay lên ngực. Tôi thả một chùm bánh phồng tôm vào chảo dầu sôi. Tất cả đều òa lên những tiếng reo:
- Phù thủy!
- Ôi! Thật tuyệt!
Mọi người vừa nhìn vừa tiếp tục trầm trồ cho đến lúc tôi rán xong hai đĩa bánh phồng tôm to tướng. Bữa tiệc diễn ra khá náo nhiệt. Mỗi người đều góp một tiết mục kể chuyện vui hoặc hát, hoặc đọc thơ. Vài người còn ra nhảy theo nhịp đàn acordeon của anh Volodia. Bữa tiệc của người Nga, đồ uống, đồ nhậu rất nhiều. Tôi để ý thấy hai món nem và món bánh phồng tôm phù thủy của chúng tôi hết trước nhất.
Thầy Alioskin sai anh Volodia dựng hai cái lều bạt ở vườn, bên trong lều trải thảm. Một lều dành cho cựu chiến binh nam, một lều cho nữ. Thầy nói, đã nhiều năm rồi, truyền thống của nhóm quân báo là ngủ lều bạt vào đêm ngày Chiến thắng như hồi còn ở chiến trường để nhớ về thời chinh chiến.
Trong lúc mọi người giúp Volodia dựng lều trại và múa hát, thầy Alioskin gọi tôi và Lê vào tham quan bảo tàng của thầy. Một gian phòng rộng độ hơn 20m2, xung quanh trang trí bằng gỗ bạch dương và gỗ sồi, trông cổ kính và u tịch. Bảo tàng của thầy có nhiều hiện vật gắn bó với quãng đời binh nghiệp cùng với các di vật văn hóa - lịch sử mà có lẽ thầy đã sưu tầm được trong những năm học sử và dạy sử. Tôi đặc biệt chú ý đến cái kệ sách xếp toàn các tờ báo Cá sấu. Thầy đến bên tôi, chỉ chồng bên phải nói là các số đó có bài của thầy, và chỉ sang bên trái là các số thầy lưu thường xuyên. Tôi tò mò hỏi thầy xem có phải các bài báo hài hước của thầy đã làm toi một ông bộ trưởng và một ông thứ trưởng như các bạn Nga đã kể với tôi. Thày lưỡng lự rồi nói: “Chắc không phải nhưng hai ông đó đều nghỉ cả rồi!”. Lát sau, thầy kể, một lần thầy có việc phải đi Kiev. Thầy ra ga Kazan mua vé và đợi tàu. Tàu đến chậm hơn 2 tiếng, có nghĩa là chuyến đi của thầy sẽ chậm 3 đến 4 tiếng. Thầy thơ thẩn đi lại trong ga, tiếng loa báo chậm tàu ở các tuyến đường sắt khác cứ luôn vang lên. Đám người ngồi chờ chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán và ngủ gà, ngủ gật. Thầy đến bảng điện tử trưng ở giữa nhà ga. Các con số hiện lên thật đáng buồn. 15 chuyến tàu sẽ đến ga Kazan không có chuyến nào đến đúng giờ. Thầy nghĩ ra một chuyện bi hài, nội dung là có một cô gái thất tình, định quyên sinh trên đường ray xe lửa. Cô cầu Chúa cho cô được về nước Người sớm nhất. Cầu rồi, cô nằm lên đoạn đường ray chuyến tàu sẽ vào ga trong giây lát và nhắm mắt thanh thản chờ chết. Song, năm phút trôi qua, từ trong nhà ga vẳng ra tiếng loa, báo, chuyến tàu từ Y đến chậm 2 tiếng. Cô gái chán nản tìm đến đường ray thứ 2, thứ 3, thứ 4… vẫn chỉ là đường ray đang chờ những chuyến tàu chậm. Cô chán nản rời ga. Rời ga và tĩnh tâm lại trước một thiên nhiên đang bừng tươi trong nắng chớm đầu hè, cô thấy đáng sống và cứ cảm ơn mãi những chuyến tầu chậm. Nghe nói, sau đó ông bộ trưởng đường sắt từ chức. Ông mới lên thay, tình hình tàu bị chậm giờ được cải thiện phần nào.
Chuyện thứ hai là một người đi mua cá mương, giá chỉ 50 cô pếch/ hộp về cho mèo, lúc mở ra thì được một hộp trứng cá đen. Trứng cá đen trong thời kỳ Xô - viết đắt như vàng, chỉ dùng cho xuất khẩu và các yến tiệc cấp độ điện Kremli hoặc Nhà trắng (trụ sở của chính phủ Nga thời Xô viết). Người gặp may sợ di lụy không dám ăn, đem trả cửa hàng. Cửa hàng sợ mình chứa chấp đồ quốc cấm không dám nhận lại. Thầy Alioskin bảo đó là chuyện có thật của nhà hàng xóm. Thầy thấy nó buồn cười thì viết, ai ngờ công an kinh tế đọc bài báo rồi vào cuộc, phát hiện ra một cơ sở sản xuất, mua bán lậu trứng cá đen đã tồn tại nhiều năm trong ngành chế biến hải sản Nga. Viên giám đốc nhà máy đó bị tù, ông thứ trưởng phụ trách ngành mất chức…
Từ hôm 9 tháng 5 năm ấy, tôi và Lê trở thành người thân trong gia đình thầy Alioskin. Ngày lễ trọng nào chúng tôi cũng đến thăm gia đình thầy và lúc đến, chúng tôi không quên mang các thứ để làm hai món ăn Việt: nem và bánh phồng tôm.
Tôi rời nước Nga giữa những ngày xe tăng theo lệnh ông Enxin nã pháo vào nhà quốc hội Nga, các cửa ngõ ra vào thành phố đều có các cụm thiết giáp và lính tráng chốt giữ. Nhờ có thầy Alioskin và tấm thẻ nhà báo của thầy mà tôi đến được sân bay Sheremechevo 2. Đến đó, thấy càng loạn. Cảnh sát dã chiến ở sân bay như những hung thần, họ sẵn sàng giã dùi cui xuống đám đầu đen đang cuống cuồng chen nhau vào sân bay chạy nạn. Thầy Alioskin đứng lặng đi. Thầy đón một viên cảnh sát có tuổi, chìa tấm thẻ nhà báo, thầy còn biếu anh ta một tờ báo Cá sấu có trang chuyên mừng thầy thượng thọ 70 với hình vẽ ký họa thầy rất caricatuya (hài hước). Tôi thấy người cảnh sát đó ngó tờ báo,vội cúi đầu khúm núm nói gì đó với thầy và dẫn tôi đi theo một cửa đặc biệt để làm thủ tục vào bên trong. Chia tay tôi, thầy Alioskin ôm tôi rất chặt. Thầy nói: “Hùng Đỗ (tôi họ Đỗ tên Hùng nhưng người Nga thì nói ngược lại) em đừng buồn! Mọi cái rồi sẽ trở lại trật tự. Người Nga vẫn là người Nga”. Tôi nghẹn lời từ giã thầy. Làm xong thủ tục vào sân bay, tôi giơ cao tay chào thầy, thầy cũng giơ cao tay đáp lại và đứng đó nhìn tôi cho đến lúc khuất.
Về nước, tôi vẫn giữ liên lạc với thầy bằng cách viết thư, nhất là dịp tết và ngày Chiến thắng. Thầy cũng có thư và thiếp cho tôi được ít năm rồi sau đó bặt tin. Năm 2005, Lê, bạn tôi được trở lại nước Nga trong một chuyến công tác, tôi gửi tặng thầy một món quà mà tôi tin là thầy sẽ rất thích. Đó là bức tượng bằng đá cẩm thạch hình vua Quang Trung cắp cây đại đao, cưỡi con bạch mã. Bức tượng tôi đã tìm mua tại tư gia một nghệ nhân chế tác đồ đá nổi tiếng ở vùng Tây Sơn, Bình Định. Đúng như ý nghĩ của tôi, Lê đi công tác về, nói là gặp thầy, thầy rất vui khi nhận được quà và gọi các bạn cựu chiến binh đến ngắm bức tượng, uống rượu Lúa mới với chả nem và bánh phồng tôm Lê mang sang. Thầy dặn Lê về nước nói với tôi, tay thầy run rồi không viết được nữa. Nhưng thầy vẫn luôn nhớ tôi và hy vọng tôi cũng sẽ có chuyến công tác như Lê để thầy trò gặp nhau. Thầy gửi cho tôi tờ báo Cá sấu có truyện hài hước cuối cùng của thầy.
Tôi đứng trước cổng ngôi nhà số 5 xóm 2 làng Odinsovo. Cổng nhà thầy Alioskin. Rút kinh nghiệm lúc ở đài liệt sỹ, tôi lấy cuốn hộ chiếu có quốc huy Việt Nam giơ cao lên rồi mới bấm chuông.
Một người đàn ông xuất hiện. Tôi nhận ngay ra Volodia.
Tôi giơ cao tấm hộ chiếu nói to:
- Chào Volodia! Hùng Đỗ, từ Việt Nam đến!
Volodia chạy nhanh tới, anh nói:
- Chào Hùng Đỗ, biết, biết rồi! Chúc mừng anh đã trở lại Moscva!
Tôi đoán là người thiếu tá đã gọi điện cho Volodia. Mặc dù vậy, tôi vẫn nói:
- Tôi đi công tác, đến thăm thầy cô và Volodia.
Volodia bùi ngùi nói điều tôi đã biết từ viên thiếu tá:
- Anh đã đến chậm! Cha mẹ tôi đi được hơn năm rồi! Nhưng thật quí hóa, anh đã đến!
Tôi theo Volodia vào nhà. Người Nga không lập bàn thờ mà chỉ treo ảnh ghi năm sinh, năm mất. Tôi vái lên phía hai tấm ảnh của ông bà Alioskin. Sau đó, tôi xin vào bảo tàng để đặt chiếc trống đồng nhỏ. Tại đây, tôi được thấy bức tượng đá vua Quang Trung cưỡi chiến mã đặt ở vị trí khá trang trọng, phía dưới là những tấm thiếp tôi gửi chúc mừng những ngày lễ trọng của thầy. Tôi đặt chiếc trống đồng nhỏ bên cạnh tượng vua Quang Trung và đứng thần ra nhớ về cái ngày thầy đưa tôi vào đây lần đầu tiên.
Tôi ngủ lại đêm tại nhà thầy sau một tiệc nhậu tưởng như bất tận mà Volodia đã cho uống bay hai chai Lúa mới cùng ba chai Putinka bổ sung. Bữa nhậu có 2 người bạn thân của Volodia và cả viên thiếu tá cảnh sát trong bộ thường phục đến tham gia. Tôi đề nghị Volodia xem có cụ cựu chiến binh nào ở gần thì mời đến cùng vui. Volodia tra sổ một lúc rồi lắc đầu. Nhưng anh nói, sáng mai là ngày Chiến thắng, anh sẽ đưa tôi đi gặp họ ở ga Belorussia. Tôi ái ngại hỏi: “Không biết có còn ai nữa không?” Volodia đáp: “Còn, không nhiều nhưng còn”.
Trưa hôm sau, Volodia lái xe đưa tôi đến ga Belorussia theo đường tắt qua một cánh rừng ngoại ô. Đây là một rừng hoa Tử đinh hương toàn tòng. Xe chúng tôi đi trong hoa, trong hoa và trong hoa. Một không gian vô cùng sáng tươi, yên tĩnh. Volodia hỏi tôi: “Lâu rồi mới trở lại nước Nga,Hùng Đỗ thấy thế nào?” Tôi đáp: “Nhiều cái mới lắm! Ví dụ như Volodia đi Mercdes là mới”. Volodia gật đầu: “Nước Nga phải mới thôi, nhưng người Nga vẫn là người Nga”. Câu nói của Volodia khiến tôi nhớ lại câu nói của thầy Alioskin ở sân bay Sheremechero2 thời tao loạn. Chúng tôi đến ga Belorussia sau đó 30 phút. Trên sân ga, không còn nhiều, rất không còn nhiều những cựu chiến binh của trung đoàn 57 năm xưa. Chỉ còn được độ hơn ba chục. Họ già đi nhiều. Họ yếu đi nhiều nhưng trong bộ quân phục của thời chiến tranh Vệ quốc, họ vẫn còn đủ sức nhảy điệu múa vui nhộn của dân kôzắc vùng sông Đông, kéo đàn acordeon và hát những bài có giai điệu sôi nổi, trong đó vang vọng nhất là giai điệu bài hát tôi đã khắc tâm: “Chúng ta đã có thời trẻ trung đến thế! Chúng ta đã tự tin đến thế!...”
(Как молоды мы были, как искренне любили, как верили в себя...) . Một đoàn khách du lịch nước ngoài khá đông có cả da trắng lẫn da đen đầu đội cùng thứ mũ màu xanh theo hai cô gái cầm cờ cũng màu xanh đi vào ga chuẩn bị lên tàu. Họ dừng cả lại, trố mắt nhìn. Họ nói với nhau gì đó rồi tranh nhau chụp ảnh với các cựu chiến binh khiến hai cô hướng dẫn viên du lịch cuống cả lên, miệng gào, tay chỉ chỉ vào đồng hồ. Nhưng mặc…!
Người post: MinhCK
Ngày đăng: 29-06-2013 21:09
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |