KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 30 Tháng sáu. 2013

CHỊ CỐM




Tác giả: Kaiser Kim Thu


                                   CHỊ CỐM 


Cuối 1964, sơ tán về quê ngoại, tôi đã học lớp 4 trường làng. Bà nội và chị em tôi ở gần nhà cô Lư, xóm dưới. Băng qua một con đường gạch, tới cái chợ quê sát chân đê, sẽ nhìn thấy xóm Thượng. Trên ấy tôi có một người chị họ, chị gọi mẹ tôi là dì - chị Cốm bé nhỏ của tôi. Chị Cốm hơn tôi ba tuổi, lẽ ra đã vào đến lớp 7. Nhưng chị chả học trường nào hết. Chị chưa bao giờ biết trường, biết lớp học là gì. Các xã quanh làng tôi, ai cũng biết chị. Chị nổi tiếng lắm, rất đặc biệt, vì chị là một đứa con lai. 

Chị Cốm có mái tóc vàng, vàng như tóc con búp-bê bố mua cho chị em tôi. Đôi mắt to nâu với hai hàng mi dày dặn. Đặc biệt nữa đó là cái mũi hếch rất nghịch ngợm. Gương mặt lấm tấm đầy những tàn nhang, nước da càng trắng, những chấm li ti ấy lại càng rõ. Ngần ấy, để thấy được, chị phải mang trong mình dòng máu của một người cha da trắng, hiển nhiên không thể là người lính Ma-rốc, hay Tuynidi( Tunisia)... những người lính lê-dương trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã có mặt tại chiến trường ViệtNam. 

 

Chị Cốm sống với ông trẻ và gia đình bác Khiêm, mà chị gọi bằng cậu. Người ta không biết mẹ đẻ của chị là ai. Mẹ nuôi của chị là bác Tươi, con gái ông trẻ, mất từ lúc chị còn ẵm ngửa. Nên ông trẻ thương chị Cốm lắm. Nhưng cái thương nó ẩn náu, găm trong lòng ông, nó trầm và lắng, chứ lúc bực bội, bức xúc, phải la, phải chửi đời, ông lại lấy chị Cốm ra để xả giận cho hả lòng, hả ruột. Chị cũng quen dần, thương ông, cứ cắn răng mà chịu. 
Vợ chồng bác Khiêm đông con, còn lít nhít cả. Nên trăm thứ việc đổ hết vào đầu chị Cốm. 

 

Sáng ra, vùng dậy khỏi giường, việc đầu tiên là chị ôm một mớ cỏ tươi cho con bò mẹ. Nó mới đẻ được một con bê xinh lắm. Cậu Khiêm nói cố chăm, để con bê nó kha khá là bán ngay. Xong đấy vào bếp đặt ấm nước để ông pha chè, rồi nấu nồi nước vối. Nhà chị uống nước vối quanh năm. Chị ủ kỹ nồi nước vối, chiều về có rét, thì nước vẫn còn âm ấm. Bây giờ chị chọn khoai đã luộc sẵn từ đêm qua bày lên cái âu nhôm, lát nữa đám trẻ ngủ dậy là có cái ăn ngay. Nhón một củ, vừa đi, vừa ăn, chị gánh đôi quang ra đồng. Cho mãi đến non trưa, chị mới về. Trên vai nặng một gánh rau lợn. Tối đến, nhiều lúc chị Cốm ngủ gật bên chảo cám lợn đang sôi lục bục. Kết thúc một ngày làm việc cật lực của cô bé mới sang tuổi mười ba. 


Nếu chỉ ngắm đúng khuôn mặt, nom chị xinh thật. Nhưng cái gương mặt ấy nó gắn trên một thân hình đứa bé gái mới 13 , vốn sớm già trước tuổi. Thành ra chị có một hình thức thật khập khiễng. Chị chỉ nhỉnh hơn tôi một tẹo, thế mà trăm công ngàn việc đằn lên đôi vai kia. Chị gánh gồng, làm việc như một lao động chính trong nhà. Mẹ tôi cứ bảo: Khổ, làm nhiều nó cọc người lại đấy. 

Lúc nào thấy chị, là tôi thấy một cái áo cánh nâu, nhuộm củ nâu nay đã phếch trắng ra. Hai bên vai, là hai miếng vá bằng mụn vải màu gụ sẫm, nó chẳng đồng màu, đồng chất gì với cái áo cánh kia của chị. Còn cái quần vải, trông mới thiểu não nữa, dày bình bịch vì quá nhiều mụn vá... Một bà cụ non thì đúng hơn là một cô bé đáng lẽ ra đang trong tuổi thần tiên. Và nữa là chị lắm chấy. Tay chị lúc nào cũng sùng sục trên đầu để gãi, vì chấy cắn. Mẹ tôi đã mua lược bí cho chị rồi, thế mà chả đỡ được mấy. Chị không bao giờ đội nón, dù giữa trưa nắng như đổ lửa. Mái tóc vàng bây giờ khô như rơm, khét mùi nắng hun. Chị cắt cỏ, kiếm củi, mót lúa, mót lạc, mót đậu, hôi cá, kể cả chơi các trò... cái gì cũng giỏi. Tôi đã chứng kiến những cuộc “chọi gà” bằng cỏ gà của chị với bọn thằng Khá, thằng Bàng. Chị biết cách chọn cỏ gà. Gà phải già, cọng cỏ đừng mập và non quá. Nó phải có màu tía đỏ và hơi bánh tẻ. Chứ không, cọng giòn, bị gà đối phương quật gãy ngay. Có hôm tôi xin bà nội lên xóm Thượng, được đi dãy cỏ với chị. Cái con dao cỏ trong tay chị cứ thoăn thoắt. Chị rũ bung nó lên rồi xếp vào sọt. Chị bảo cỏ dày này phơi nỏ đi, đun đượm lắm. Lúc về, thế nào chị cũng làm khẩu súng cho cậu em tôi. Chặt một tàu lá chuối to, phải lấy loại cứng cáp. Róc sạch phần lá đi, chị lấy dao khoét rất khéo trên thân nó một hàng những cái lỗ cách đều nhau, giữ phần nắp lại. Nhấc những cái “nắp” ấy cho đứng thẳng, chị lấy tay đánh roạt một cái thật nhanh, thật mạnh, tạo ra tiếng súng nổ rất đanh. Trò chơi cho đám trẻ quê tôi ngày ấy ... 

“Thằng tây mũi lõ, tóc quăn 
Đẻ ra con Cốm mắt xanh, tóc vàng 
Thằng tây vác bị vào làng 
Bắt gà, bắt vịt, bắt nàng xinh tươi” 

Chị Cốm vẫn nghe thấy mấy thằng trong xóm hát ghẹo chị thế. Cái quân... Rồi có ngày tao cho mày biết tay tao. Sáng mai, cái thằng Bàng nó phải gánh mạ ra đồng cho thày nó. Nó sẽ phải đi qua cái giếng đầu làng. Năm ấy, cậu Khiêm chị còn có con trâu. Con trâu mang ra bình điểm thì phải đứng đầu xã. Nó trường mình, mông mẩy, chắc chắn, bốn cái chân vững chãi và nhất là hai cái sừng dài, cong như cánh ná. Da lúc nào cũng láng o. Bụng lúc nào cũng căng tròn. Mọng như một quả sim không lồ. Chị Cốm chăm nó lắm. Mùa hè đến, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, chị rong nó qua con sông nhỏ. Chị và trâu bì bõm ngụp lặn trong dòng nước mát. Chị hô cho con trâu quỳ xuống phủ phục, giẫm một bước lên đầu nó, rồi khéo léo leo lên lưng trâu mà cưỡi. Bọn thằng Khá nhìn mà ngán ởn cả người. Con trâu nghe chị, chỉ nghe mình chị. 

 

Sáng ấy, cưỡi trên lưng trâu chị đã bắt được bóng thằng Bàng đang gánh mạ bên vệ đường. Chị cầm thừng giật mũi trâu như người thúc voi ra trận. Hai chân chị thục mạnh vào sườn trâu, giục nó phi lên phía trước. Con trâu lồng lên dằn dữ, như lao vào cuộc chiến, đến chỗ thằng Bàng, chị hét lên : 
- Có tránh ra không, chết này! 
Thằng Bàng cuống quá, trở tay không kịp, văng hết quang gánh, mạ rơi lỏng chỏng. Bấy giờ chị Cốm ghì trâu lại, ngoái sang thằng Bàng, cười ngặt nghẽo: 
- Từ rày, chớ mà hát láo ghẹo tao nghe chưa! 
Bên này cầu ao, các bà đang vớt bèo réo lên: 
- Con cái nhà ai , mới bảnh mắt ra mà đã lồng lên thế . 
- Con bé cái Cốm chứ ai. Tợn thế. Cứ như mấy thằng con giai. 

 

Thi thoảng có việc ông trẻ sai xuống xóm dưới, thế nào chị cũng ghé nhà tôi. Chị em lại túm năm tụm ba chơi chuyền, đọc truyện. Chị thích nghe bọn tôi đọc những cuốn bố đã mang về đây cho chị em tôi. Ba quyển chính là Timua và đồng đội, Đống lửa trong rừng, Không gia đình. Chị cũng chơi rải ranh và chơi chuyền với chị em tôi. Bộ chuyền bằng que kem tôi mang từ Hà nội về, còn quả bóng thì đã hỏng, tôi phải băng nó lại, nâng niu để có mà chơi. Chị thích lắm, nhất là đến bàn chuyền nghe tôi đọc. 

“ Đầu quạ quá giang 
Sang đò, cò nhảy 

Gẫy cây, mây leo 
Bèo thối, ổi xanh 
Hành bóc vỏ, trứng đỏ lòng 
Tôm cong, đít vịt 
Vít cành me, bẻ cành sung 
Lung tung, thiên hạ 
Quét lá bàng 
Vào làng, xin thịt 
Ra làng, xin xôi 
Hỡi các chị em ơi 
Cho tôi xin một ván ù” 

Dạo lên lớp 5, tôi phải sang làng bên học trường cấp II. Sống ở sát sông Hồng, nên sẵn cát. Lâu lâu, trong trường lại tổ chức gánh cát lấy tiền. Tôi sợ cái vụ này lắm, mà trốn đi đâu cho lọt. Nắng tháng năm vỡ toác cả đầu ra. Áo ướt sũng những là mồ hôi chả kịp lau. Chân mà mang dép thì chẳng gánh gồng được. Bỏ dép ra thì có mà bằng đi trên Sahara. Mà cát thì nặng. Đến được đống cát của lớp, không khéo chỉ còn đôi sọt. Thế là có bận, chị Cốm lẻn ra gánh đỡ cho tôi. Nhìn chị băng băng chạy trên cát trắng, chẳng khác gì cái nấm màu nâu chuyển động. Bây giờ, mỗi lúc rảnh rang nhớ về quê ngoại, cái bóng áo nâu ấy lại khiến tôi cay xè cả mắt. Chị Cốm ơi! 

Người thương chị, yêu chị hơn cả, có lẽ là mẹ tôi và cậu Phi. 
Lần ấy, trước lúc sang Liên Xô học, cậu
Phi về quê ăn giỗ và chào bà con họ mạc. Cậu diện sơ mi với cái quần âu phục màu rêu của trường vừa phát. Chân mang giày da đen, trông rõ ra một học viên hàng không. Chị Cốm cứ xán vào cậu hỏi chuyện. 
- Cậu ơi Liên Xô có xa không? 
- Xa lắm và rất lạnh. 
- Bên ấy có nhiều búp bê lắm cậu nhỉ ? 
- Sao cháu biết ? Cậu Phi rất ngạc nhiên. 
- Cháu nhà ông Hào xóm dưới có. Nó bằng gỗ, mặc váy hoa, chân có cả giày. 
- Bao giờ về, cậu mua cho Cốm một con . 
- Thật nhá ! Chị xoay người lại nhìn vào mắt cậu như dò hỏi. 
- Ngoắc nào ! Chị giơ tay ngoặc với cậu Phi giống một giao kèo. 
- Bao giờ cậu về, mà lấy vợ, có con. Cháu bế con cho. Chị xuống giọng nói nhỏ, đủ để mình cậu Phi nghe được. 
Đột nhiên cái câu chứa đầy hàm ý biết ơn ấy thốt lên, khiến cậu giật mình. Một xúc cảm đặc biệt bừng lên trong lòng cậu. 
“ Con bé này, cứ tưởng nó khờ. Người đần làm sao nói được câu ấy “. 
- Cậu về, cậu sẽ đón cháu lên Hà nội, rồi mày cũng phải đi học nữa chứ! 
- Nhưng mà lớn rồi... Chị ngước lên nhìn với một ngạc nhiên trước đề nghị của cậu. 
- Lớn thì học bổ túc buổi tối. 
Nhưng ước mơ ấy của hai cậu cháu không thành. Nó chỉ làm cho con tim đứa bé côi cút như bị dồn đập lên trong hy vọng, rồi tắt hẳn. Chị cũng không ngờ đấy là lần cuối cậu cháu gặp nhau. Cậu Phi vĩnh viễn ra đi từ tháng Năm 1967. Mãi mãi không có vợ, không có con và chẳng thực hiện được điều đã ngoéo tay cam kết với chị năm nào... 


 Còn mẹ tôi, mỗi lần từ Hà nội về thăm và tiếp tế cho bà cháu tôi, thế nào cũng ghé lên nhà ông trẻ. Chị Cốm ngóng dì lắm. 
- Dì đã về ! Chị lao ra ngõ đón mẹ tôi. 
- Dì có mua bánh tây không? Chị bẽn lẽn hỏi nhỏ. 
- Có, ở cả trong làn ấy. Quê tôi, các bà, các bác gọi bánh mỳ là bánh tây. 
Ăn trưa xong, mẹ lôi chị ra chải chấy. Gớm chết, mẹ tôi kêu trời lên. 
- Cháu phải chăm gội đầu chứ. Tóc bết thế này à. 
Lần ấy, mẹ mang cho chị đôi guốc gỗ, có vẽ hoa, chị thích quá. 
- Quai cao su này bền lắm dì nhỉ. Cháu chả đi, chỉ để rửa chân. 

Năm tháng qua đi, chị em tôi từ quê ngoại lại di chuyển sang nơi sơ tán khác, tránh xa
những cầu phà, trọng điểm thu hút của không lực Hoa Kỳ. 
Rồi tôi đã lên cấp III. Chị gái tôi đã vào trường quân y học. Nhưng chị Cốm thì vẫn thế. Việc nhà vẫn cứ ùn ùn đổ xuống đầu chị. Chị vẫn chẳng được đi học. Chị cũng không thiết học. Chị mong được lấy chồng. Điều ấy cũng khó khăn, giống hệt như việc không được đi học của chị. Nếu chị về làm dâu nhà khác, ai thay chị gánh ngần ấy việc nhà. Ông trẻ đã mất dăm năm nay. Cậu, mợ Khiêm ngày một yếu kém. Có mấy đám đã hỏi, nhưng rồi ông chẳng bà chuộc lại thôi. Mãi sau này, lúc chị đã ngoài ba mươi, có anh thương binh trên xóm giáo nhờ người xuống hỏi. 
- Người lương ai lấy chồng bên giáo. Cậu Khiêm ngãng ra ngay. 
- Người lành lặn chả ăn ai, lại còn thương binh què quặt thì nước non gì mà trông vào nó. Cậu, mợ chị Cốm vẫn tìm cách phá. 
- Người ta thương binh, chứ cháu có thương binh đâu. Cháu làm được cả, chả bận nhờ ai. 
Lần đầu tiên, thấy chị Cốm phản ứng mạnh mẽ. 
- Này, tao nói nhé. Công giáo, cái ngữ ấy là phải cẩn thận. Phản động cũng có ấy chứ. Bác Khiêm vẫn khăng khăng giữ cái quan điểm ấy. 
Hôm mẹ tôi về, bác Khiêm lại đay lại cái ý anh thương binh kia là giáo dân. 
- Anh cứ khó khăn thế, bao giờ con Cốm mới lấy được chồng. Nhân dân xứ đạo, nhiều gia đình có công với cách mạng chứ. 

Sau đó bẵng đi khá lâu, tôi nghe mẹ kể: chị Cốm đã lấy được anh ấy. Yêu thương nhau lắm, nhưng thật là đau lòng vì anh không thể có con do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Chị Cốm ơi ! Rõ khổ từ lọt lòng vì côi cút, đứa con hoang ngoài mong muốn của một cuộc chiến bẩn thỉu. Rồi mong mãi để được làm vợ, làm mẹ, thì nay vẫn âm thầm gánh tiếp bất hạnh ấy trên vai. Vẫn chỉ là những tủi nhục và nghiệt ngã từ hậu quả một cuộc chiến khác. 




Cologne 28.06.2013
 






Người post: ThuKK

Ngày đăng: 30-06-2013 23:11






Xem 1 - 10 của tổng số 12 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Ukraina
07/07/2013 23:36:45

Bao nhiêu vất vả, đầy đọa và trớ trêu đổ cả lên đầu người phụ nữ bất hạnh - chị Cốm.



Từ: CucNT
04/07/2013 19:10:21

Em đã gặp chị Côm ngay trong làng em,và cuộc đời cơ cực của chị thì bất cứ người nông dân VN nào thời chiến tranh  đều là như thế. Có điều chị Côm khổ hơn rất nhiều người vì chị chẳng có con. Cái kiếp người sao mà vận vào chị tàn khốc vậy? Cảm ơn chị Thu vì bài viết xúc động!



Từ: Guest NHA
01/07/2013 16:48:13

Thu ơi truyện này mà được chuyển thành phim, thì làm khối người phải khóc



Từ: TungDX
01/07/2013 15:33:53

 


ACE thấy chị Cốm khổ, song nhớ lại thì vào cái thời ấy con nhà nông nào chẳng vất vả: Nhổ mạ, gặt, gánh, đập lúa, gánh phân chuồng ra ruộng, dùng tay bốc vãi đều...Sau này kể chuyện cho các cháu tôi bịa thêm là về quên rửa tay bốc cơm khoai lang khô nguội ăn...


Quê anh cũng có một anh bạn là sản phẩm thực dân cũ, cùng trang lứa với bọn anh, cấp 1 học cùng. Tên là Rồng trắng, tầm tầm như bạn bè, không to cao, không mập. Bọn anh thân thiện với nhau, không kỳ thị. Long lấy vợ là bạn học năm dưới. Bây giờ hai vợ chồng nghỉ hưu ở quê 


Đọc chuyện của em anh liên tưởng và thương người chị họ chờ chồng là bộ đội; Mãi không về, rồi báo tử. Mặt chị cứ ngày một rám sạm đi; Nhà chồng đông các em nhỏ, mẹ chồng chết chị thành mẹ của lũ em chồng, càng ngày trông chị càng thấy rõ cái xúc cảm về sự héo mòn, khô của một con người. Cái thời con người bị ràng buộc bởi giáo lý… Cái tình thế như trong “Bến không chồng” chưa được cởi trói; Ngẫm mà trào nước mắt…


 


 



Từ: Guest Q. Tèo
01/07/2013 11:22:39

Chị Cốm ơi, chị là chị tui đó. Bạn Thu quên hổng đưa cái mặt thằng anh vào chuyện rùi, như dậy Thu phải kêu tui bằng anh hén. Bữa hổm anh nhắc em vào ghế Tổng quản trang, em giận lẫy anh, hay anh đòi chia hòm thưởng, anh thúi lui rùi à nghen.


Tui thương chị tui, nhưng tui cũng chẳng mong chị tui đẻ ra mấy đứa cháu, da trắng, mắt xanh thì cũng đỡ, lại hổng có mắt thì tụi nghịp chị tui.



01/07/2013 10:31:18

 


@Anh Kỳ Minh, chị Cốm là một nhân vật có thật, chỉ có tên là em đã đổi. Cách đây một tuần em gọi điện nói chuyện với mẹ em, mẹ em còn nói: vẫn ở trên quê chồng, xóm đạo ấy. Trong bài viết, em chưa tả hết được cái khổ, cái cực của người đàn bà ấy đâu. Khổ lắm, côi cút lắm. Cái mà mặc cảm, ấn tượng xấu về chị hồi đó ở trong quê đó là đứa con lai. Tồi tệ lắm! Nhất nữa lại chỉ là con nuôi. Chị Cốm biết mình là ai trong gia đình đông con. Thân phận tội nghiệp của chị khiến em nghĩ đến việc viết lại một chút những dòng kỷ niệm. Em đã khóc biết bao nhiêu lúc ngồi viết, lúc đọc lại và cả bây giờ.


 


 



Từ: Guest Đặng Tuấn Phương
01/07/2013 09:09:30

    "Chị Cốm ơi! Rõ khổ từ lọt lòng vì côi cút , đứa con hoang ngoài mong muốn của một cuộc chiến tranh bẩn thỉu . Rồi mong mau để được làm vợ , làm mẹ , thì nay vẫn âm thầm gánh tiếp bất hạnh ấy trên vai , vẫn chỉ là những tủi nhục và nghiệt ngã từ hậu quả một cuộc chiến khác".


   Bất hạnh! Đúng . Chị đã không được làm thiên chức của NGƯỜI PHỤ NỮ - LÀM MẸ . Hơn ai hết chị thấu hiểu nỗi khổ đau , tủi hổ...của thân phận mình . "Chị Cốm" ơi ! Nhưng như vậy có khi lại tốt hơn . Có bạn sẽ phản ứng...cho tôi là một con người VÔ CẢM , trước nỗi đau của "Chị Cốm" . Xin các bạn hãy bình tĩnh cho tôi được chia xẻ . Các bạn nên nhớ , anh thương binh chồng "Chị Cốm" đã không cho "Chị Cốm" làm mẹ vì bị nhiễm chất độc da cam trong những năm chiến đấu ở chiến trường...Thử giả sử như anh không bị mất khả năng này , "Chị Cốm" làm mẹ . Ai dám bảo đảm cho "Chị Cốm" sanh ra những đứa con bình thường hay lại sanh ra những đứa trẻ...không ra hình hài một con người . Lúc đó đau khổ của "Chị Cốm" bị nhân lên gấp trăm gấp nghìn lần và không chỉ cho một mình chị .


  Vậy nỗi đau không được làm mẹ và nỗi đau "Được" làm mẹ của những đứa con không ra hình hài NGƯỜI...Nỗi đau nào đau hơn ? Các bạn chọn đi . Chúng ta không phải là họ hàng bà con... với những đứa trẻ đó mà mỗi khi nhìn thấy đâu đó trên Tivi , ở viện bảo tàng hay ở ngoài đời thường chúng ta cũng còn thấy xót xa...  huống chi "Chị Cốm" nếu hàng ngày nhìn những đứa con  của mình như thế . Đứt từng khúc ruột các bạn ạ .


  Tôi hiện nay đang làm hướng dẫn viên du lịch . Chuyên các đoàn khách đến từ Nga hoặc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô  trước đây ( Tôi không thích dùng từ "Liên Xô cũ" ) . Khách của tôi hầu hết là những người  lớn tuổi ( Cùng trang lứa với tôi ) , nên ít nhiều họ cũng từng trải qua chiến tranh , họ hiểu thế nào là chiến tranh . Sau chiến tranh Thế giới thứ II riêng Liên Xô mà chủ yếu là nước Nga , theo con số do nhà nước chính thức ( Con số không chính thức có thể còn hơn nhiều ) loan báo : 27 triệu người chết . Vì vậy hơn ai hết họ rất thông  cảm và chia xẻ với nhân dân Việt Nam chúng ta...Mỗi người trong chúng ta những người đã từng học tập , công tác...ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây chắc tự cảm nhận được điều đó .


  Trong City Tour , một điểm mà tôi phải đưa du khách đến đó là :BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH Tp. HCM . Có đoàn sau khi xem các loại vũ khí hạng nặng của quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được trưng bày trong sân bảo tàng , khu vực chuồng Cọp , máy chém và nơi có những tấm hình chụp cảnh tra tấn tù nhân ở :"ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN-NHÀ TÙ CÔN ĐẢO" . Họ từ chối xem tiếp , vì cảm giác quá nặng nề . Có đoàn nhiều phụ nữ sau khi xem dưới sân và hết tầng 2 ( Sân , trệt ,  tầng 2 và 3 ) , họ không xem tiếp nữa , mà ngồi lại...Họ khóc ! Còn có đoàn sau khi tham quan xong , trong đoàn có người hỏi tôi ( Nguyên văn tiếng Nga ).


 - Федя ( Tên tiếng Nga của tôi ) как ты думаешь лучшее секс заниматься чем воевать правда ?


 Một thoáng lưỡng lự , tôi tự tin trả lời . Các bạn nói đúng .


 Trong chiến tranh . Chiến đấu dù bên thắng hay bên thua , cả hai đều phải trả cái giá quá đắt : Mẹ mất con , vợ mất chồng , anh em mất nhau , những đứa con hoang vô thừa nhận...Chiến tranh rồi cũng qua đi nhưng hậu quả và di chứng chiến tranh vẫn còn kéo dài qua nhiều thế hệ của người lính , kể cả hai phía không phân biệt kẻ thắng người thua . Có đau thương , mất mát nào hơn ?


  Còn làm cái việc "Yêu" kia là thể hiện TÌNH CẢM . Đó là :"Đỉnh cao và là sự thăng hoa của tình cảm NGƯỜI" Hay cũng là :" Bản năng duy trì nòi giống" . Đặc biệt hoàn toàn không có sự chết chóc , mất mát , di chứng đau thương...


  Đất nước hình chữ S này đã chịu quá nhiều khổ đau . Hãy làm tất cả những gì để chiến tranh không bao giờ còn sảy ra trên mảnh đất này !


  Đâu đó trên trái đất nhỏ bé này tiếng súng , tiếng nổ bom đạn vẫn không dứt... Ở những nơi đó , những kẻ gây ra chiến trang chắc họ chưa tham quan BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt chưa đọc :"Chị Cốm" của K.Thu.


  Thật tôi nghiệp !


  Cám ơn K.Thu.



Từ: BaLX
01/07/2013 08:47:59

Nghe tên đầu bài chị cứ tưởng Thu lại cho mọi người ăn thêm đặc sản Cốm nữa ( sau món cơm cháy đặc biệt đã lôi cuốn biết bao Commer ). Bài viết về cuộc đời một cô gái lai của những năm 60 - 70. Với cách viết nhẹ nhàng, cuốn hút người đọc, Thu đã phác họa được mẫu hình ảnh của một bộ phận người phụ nữ thôn quê những năm Miền Bắc bị chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Biết vậy, nhưng thấy sao cuộc đời của Chị Cốm lại phải gánh chịu nhiều bất hạnh như vậy, kể từ khi được sinh ra cho đến cuối cuộc đời. Thời đi sơ tán, chị cũng có nhiều kỷ niệm với những nơi mình đã từng sống qua, thấy được Tình người của bà con nông thôn Việt Nam dành cho những con người xa lạ những tình cảm đùm bọc, ấm áp biết bao. Chị phục em, những chuyện xảy ra đã gần 50 năm rồi mà em vẫn nhớ và viết rất chi tiết. em luôn cho mọi người thưởng thức những món ăn tinh thần thật đặc biệt.



Từ: Guest Kỳ Minh
01/07/2013 08:04:50

Mỗi con người đều có số phận riêng của nó, chị Cốm trong bài của Thu cũng vậy. Nhưng nhân vật này Thu xây dựng khổ và thương quá. Anh không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong nhân vật của em, nhưng để tạo nên một nhân vật như thế này quả là quá tài tình. Có lẽ người phụ nữ Việt Nam và người phụ nữ nông thôn cũng chỉ khổ đến như thế là cùng. Cám ơn em đã có một bài viết hay  làm lay động lòng rất nhiều người trong đó có anh.



Từ: LyTM
01/07/2013 07:56:26

Chị Thu ơi, chị viết thật quá. Đọc xong ngẩn ngơ, nước mắt ướt nhoèn. Sao bất công cứ đổ hết lên đầu một cô bé như thế. Em thấy ai oán, bực với ông bà Khiêm, ghê sợ với một thời đau khổ, đói kém. Em cũng thấy bóng dáng của mình trong những công việc đồng quê, những trò chơi ấy chị ạ. Chị viết với giọng kể chân thật mà đầy hình tượng, đúng như chị Thảo nhận xét, khái quát cả một bức tranh làng ngày chiến tranh. Thương cả cậu Phi của chị, một người có tấm lòng nhân ái và trắc ẩn nhưng lại hy sinh sớm quá. Cầu mong chị Cốm của chị luôn khỏe mạnh và có những niềm vui của một người biết yêu thương và hết lòng vì người khác.


Nghiệt ngã làm sao, phận con hoang,



tuổi thơ, trăm việc, học dở giang,



còi cọc thân hình, tâm thánh thiện,



Mẹ cha khuất nẻo, vẫn giỏi giang!



 



Như cây rau lang, hồn nhiên sống,



tần tảo, đảm đang, ruộng với đồng



chỉ trách ông tơ, sao đầy đọa,



kiếp nữ nhi, đùa ác thế tang bồng!



 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s