Gia đình nhà Mực
Tác giả: ThongNV
Đêm mùa đông trời mưa lâm thâm như rây bụi. Tôi dắt chiếc xe đạp có buộc chiếc thúng đựng bốn chú chó con qua vườn để ra lối cổng sau, rồi men theo bờ sông, tắt qua những cánh đồng để sang huyện bên. Chiếc đèn pin cổ ngoéo buộc cẩn thận vào ghi đông xe đạp được che bởi một miếng bìa chỉ để đủ sáng nhìn thấy đường đi. Con Mực đi trước tôi khoảng vài ba chục mét, nó đi lầm lũi với dáng vẻ buồn buồn. Có lẽ nó đang băn khoăn không biết còn cơ hội sum vầy cùng gia đình chủ nữa hay không. Lâu lâu nó dừng lại chờ tôi tại ngã ba, ngã tư rồi sau đó lại vượt lên phía trước như người lính trinh sát trên chiến trường.
Đến chợ Đường Cái thì trời vừa hửng sáng, tôi ghé vào một lều chợ còn trống, lấy chiếc áo rách trong thúng lau người cho con Mực, rồi cởi chiếc thúng buộc trên xe xuống và nhẹ nhàng nhấc từng chú chó con đặt vào bên mẹ nó. Con Mực hít hít từng đứa con của mình rồi liếm mắt, mồm, mũi cho từng đứa một. Thỉnh thoảng nó lại ngước mắt nhìn tôi, nửa như thăm dò xem mang nó đi đâu, nửa như biết ơn... Nó đảo mắt nhìn bao quát xung quanh như để đánh giá độ an toàn, rồi chọn một chỗ đất khô của nền gian lều, nghiêng mình nằm xuống và xoay bụng ra chuẩn bị cho lũ con bú. Bốn chú chó con chưa mở mắt rúc vào bụng mẹ. Chỉ vài chục phút sau, con nào con ấy bụng căng phồng, chúng rời vú mẹ rồi lăn ra ngủ. Con Mực âu yếm lấy lưỡi làm vệ sinh cho những đứa con vô ý tè, ị ra trong khi bú mẹ.
Tôi bẻ nắm cơm làm đôi, một phần dành cho bữa điểm tâm của mình. Phần cơm còn lại tôi bẻ nhỏ, bỏ vào chiếc quạt mo cau cho con Mực ăn. Con Mực hít hít mo cơm rồi nằm xuống, nó ngẩng đầu lên nhìn tôi chứ không chịu ăn. Tôi xoa đầu nó bảo: "- Ăn đi để lấy sức còn đi tiếp, lát nữa mày sẽ phải chạy theo xe nữa, mệt đấy con ạ." Nó vẫn không chịu ăn, giương mắt nhìn tôi. Nhớ lời anh dặn trước lúc ra đi, tôi bẻ nắm cơm chấm muối vừng ăn trước và bảo nó: "- Tao ăn đây, mày cũng ăn đi!" Con Mực đứng dậy, vẫy vẫy cái đuôi và bắt đầu ăn phần cơm của nó.
...Ngày ấy, khi chia tay để anh chị tôi về xuôi, ông trưởng bản mang đến một chú chó con và bảo: "- Cái thày giáo về xuôi, tao không có gì cho. Tao chỉ có con tù đế[1] này thôi, nó là con khôn nhất đàn đấy, nó sẽ bảo vệ cho cái thày giáo đấy".
Hôm tôi từ chiến trường trở về, vừa chạm cổng nhà, một chú chó đen tuyền, to lớn như Béc-giê Đức từ trong nhà lao ra chồm sát chân khiến tôi hoảng hồn. Anh tôi từ trong bếp chạy ra, quát: "- Mực vào nhà!". Con Mực cúp đuôi ngoan ngoãn chạy lên hè rồi nằm sát chân cột hiên, ghếch mõm hướng ra ngoài cổng. Sau bữa cơm trưa, anh cầm chiếc bát sắt tráng men cũ đựng cơm trộn với thức ăn và bảo tôi đi cùng đến bên con Mực đang nằm phía đầu hè. Anh nói với nó: "- Đây là chú em tao, là người nhà, là chủ của mày Mực à!" Anh đưa chiếc bát đựng thức ăn cho tôi và bảo tôi nhổ một bãi nước bọt vào đó rồi đưa cho con Mực ăn. Từ hôm đó trở đi mỗi khi tôi đi, về hoặc cầm các vật dụng trong nhà con Mực không gầm gừ nữa.
Cả gia đình anh tôi đều yêu quý Mực, không chỉ vì nó là quà tặng của phụ huynh học sinh dân tộc miền núi đã nhiều năm gắn bó với anh chị tôi, mà nó còn là một con chó rất khôn ngoan. Nó không bao giờ ăn khi mà chủ chưa cho phép, hoặc gia đình chưa ăn xong bữa. Từ ngày có con Mực, không một con chuột nào dám bén mảng vào sân vườn. Bọn trộm cắp cũng phải kiềng nó nên anh chị tôi không phải khóa cổng mỗi khi ra khỏi nhà.
Rồi một hôm, chiếc loa truyền thanh của thôn buộc trên cây đa đầu xóm thông báo kế hoạch diệt chó của Ủy ban hành chính xã được thực hiện đồng loạt trong hai ngày tới và yêu cầu gia đình cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành. Mọi người trong gia đình tôi ai cũng buồn thiu, bọn trẻ con thì bỏ ăn vì lo cho con Mực sẽ bị đập chết, mà nó mới vừa đẻ lần đầu được bốn chú chó con, còn chưa kịp mở mắt. Tôi cũng rất ngạc nhiên vì cái quyết định kỳ cục này.
Qua cuộc họp chi bộ, anh tôi biết Ủy ban hành chính tỉnh chọn huyện tôi làm thí điểm thực hiện quyết định diệt chó, sau đó rút kinh nghiệm rồi triển khai toàn tỉnh. Vì vậy, anh nảy ra ý định nhờ tôi mang Mực và lũ chó con xuống nơi tôi đang an dưỡng nuôi giúp một thời gian rồi tính sau. Vì thương các cháu và quý con Mực nên tôi nhận lời ngay chứ không nghĩ đến việc sẽ gửi mấy con chó ở đâu, bây giờ mới thấy băn khoăn.Tôi đương suy nghĩ miên man thì giật mình khi nghe thấy người hỏi mua chó. Tôi vội vàng đứng lên buộc chiếc thúng đựng lũ chó con lên xe rồi đạp đi. Con Mực cúp đuôi chạy theo phía sau.
Tôi đi thẳng đến bếp ăn của đơn vị an dưỡng, nơi có Phấn, cô bạn thân từ nhỏ của tôi hiện là lính nuôi quân. Nhìn thấy con Mực, mấy chị nuôi sợ co rúm cả người. Sau khi biết ý định của tôi, thì Phấn ngạc nhiên: "- Đây là bếp ăn của toàn đơn vị, làm sao tôi giúp anh nuôi lũ chó này được? Rồi liệu ban chỉ huy đại đội có để yên không?".
Thấy tôi và Phấn đều khó xử trong chuyện nuôi mẹ con con Mực, chị Hạnh tổ trưởng tổ nuôi quân bảo sẽ cùng tôi lên Ban chỉ huy đại đội để xin ý kiến. Chúng tôi vừa ra đến sân thì gặp anh Liêm đại đội trưởng đi họp trên tiểu đoàn bộ về tới. Nghe chị Hạnh trình bày xong, anh liền chạy ngay vào nhà kho. Anh ngây người ngắm con Mực và bốn chú chó con đang chúi đầu bú mẹ. Anh vỗ vai tôi: "- Thôi được, tôi sẽ trình bày với Ban chỉ huy đại đội về nguyện vọng của cậu. Trước mắt cứ để ở đây và giao cho cô Phấn chăm sóc chúng nó". Anh hỏi tôi con chó mẹ tên gì. Anh lẩm bẩm: "- Chó đẹp mà tên xấu thế!" Ra đến giữa sân, anh ghé vào tai tôi nói nhỏ: "- Này, lũ chó con lớn lên cậu phải cho tớ một con đấy nhé!". Tôi mừng quá: " -Vâng, anh lấy mấy con cũng được ạ!". Anh cười. "- Cậu có là chủ đâu mà hứa mạnh mồm thế! Cậu nhớ xin ông anh cho tớ một con đấy nhé!"
Khi lũ chó con được 3 tháng tuổi, tôi và anh Liêm ngày nào cũng dành gần tiếng đồng hồ để chơi với chúng, dạy chúng chạy, nhảy, vồ, cắn và đánh hơi tìm đồ vật. Anh dạy tôi cách làm quen với chó, những kiến thức cơ bản về huấn luyện khuyển như thế nào cho hiệu quả. Một buổi tối, bên ấm trà chỉ có hai người, anh tâm sự với tôi, anh vốn là giáo viên dạy chó tại một trại huấn luyện của Bộ Công an, do bất đồng quan điểm với sếp về phương pháp huấn luyện một chú khuyển nên anh bị điều chuyển sang quân đội. Qua những buổi đi theo anh dạy đàn chó, tôi học được anh đức tính kiên trì và sự tự tin vào bản thân. Mỗi buổi tập anh đều đặt ra cho mỗi chú chó phải đạt một kết quả nhất định. Anh bảo: "- Con Mực là giống chó Bắc Hà đại thuần chủng. Ở rừng núi nhà nào có con chó như thế này thì không lo không có thịt ăn. Nhưng đàn con của nó không được như mẹ. Cả đàn chỉ được mỗi con Tu Ka là giống mẹ đến 70%, còn mấy con kia thì bình thường, con cuối đàn chỉ khôn hơn chó kiến một chút, nhưng được anh dạy thì cũng coi nhà tốt".
Mực và đàn con của nó không bao giờ ra khỏi nhà kho khi chưa có lệnh của tôi, anh Liêm hoặc Phấn. Chúng không sủa, không phóng uế ra nền nhà. Anh Liêm đã tập cho chúng đi vệ sinh vào một chiếc chảo quân dụng hỏng rải xỉ than. Phấn chăm chỉ quét dọn nên trong kho lúc nào cũng sạch sẽ. Từ ngày gia đình nhà Mực về đây cư trú, lũ chuột tiệt không dám bén bảng tới kho, nên mọi người trong tổ nuôi quân đều rất quý chúng. Chủ nhật rảnh rỗi, anh Liêm và Phấn thường ngồi tỉ mẩn bắt ve, rận cho Mực và bầy chó con, rồi lôi cả lũ đi tắm ở ngoài giếng. Phấn múc nước dội, còn anh Liêm xoay trần kì cọ cho từng con một. Tôi bất giác mỉm cười khi thấy cảnh Phấn mặt đỏ bừng, miệng mắng yêu mấy con chó con đang chạy lăng xăng và vảy nước ướt cả vào cô. Có những đêm tôi đi chơi về qua nhà ăn định ghé vào thăm đàn chó, nhưng khi thấy cảnh anh Liêm cùng Phấn đang chăm sóc chúng tôi lại lặng lẽ ra về vì không muốn quấy rầy hai người.
Chủ trương cấm chó ở quê tôi không có hiệu quả. Nhiều nhà trong thôn đã mua chó về nuôi hoặc đón chó từ nơi "sơ tán" về. Hôm đón mẹ con con Mực từ khu an dưỡng, anh tôi đã tặng anh Liêm chú chó mà anh thích nhất, con Tu Ka.
* *
*
Nhiều năm sau, tôi mới có dịp về quê công tác dài ngày. Vào một đêm, tôi đang xem tivi thì thấy ánh chớp lóe lên phía cửa sổ, sau đó là tiếng nổ chói tai như sét đánh. Điện tắt, toàn khách sạn và khu vực xung quanh tối om. Tiếng cô lễ tân từ ngoài hành lang vọng vào: "Đề nghị quý khách ở nguyên tại chỗ, nhân viên phục vụ sẽ mang nến đến các phòng".
Tôi dùng ánh sáng điện thoại để mở vali lấy chiếc đèn pin rồi đi ra khỏi khách sạn. Tôi thong thả đi bộ ra phía bờ sông, rồi đi theo con đường chạy dọc bờ sông để hứng gió. Những cơn gió nhẹ từ dưới sông thổi tới, mơn man đùa nghịch trên mái tóc làm tôi thấy bớt đi cái nóng oi ả của đêm hè. Một tiếng động nhẹ phía sau, tôi quay lại nhưng không thấy ai. Tôi bấm đèn soi thì thấy một chú chó đi cách tôi vài chục mét. Nó đi nhẹ nhàng gần như không tiếng động, đuôi cụp xuống, nhưng hai tai vểnh lên nghe ngóng, bộ lông màu đen tuyền và dáng đi của nó quen quen. Bất chợt tôi nghĩ đến Tu Ka, thằng con đầu đàn của con Mực nhà anh tôi. Tôi thoáng bâng khuâng nghĩ tới anh Liêm và Phấn. Nghe nói sau khi cưới, hai người đã chuyển ngành về sinh sống tại thị xã này, nhưng tôi không biết địa chỉ cụ thể của gia đình họ.
... Ngày ấy, vào một đêm đã khuya thì anh Liêm đánh thức tôi dậy bảo cùng anh đi tập cho con Tu Ka. Một phần vì khi ấy mới ở chiến trường ra do ảnh hưởng của sốt rét rừng nên lúc nào cũng thèm ngủ, một phần vì ngại cảnh mưa phùn gió bấc, tôi nhắm tịt mắt, miệng ậm ừ tỏ ý không muốn đi. Anh bực mình nắm lấy cánh tay tôi giật mạnh làm tôi ngã lăn xuống đất và nói: "-Mình tao thì dạy thế đ. nào được! Chú nói thích học dạy chó cơ mà, mới khó khăn một chút đã ngại!". Tôi đứng dậy, mặc áo ấm rồi cùng anh ra ngoài. Đêm ấy anh dạy con Tu Ka bài học về kỹ năng bảo vệ chủ của mình. Tôi đi trước, nó đi sau chừng hai ba chục mét. Anh Liêm đi sau cùng quan sát các hoạt động của tôi và con Tu Ka. Khi tôi dừng lại, nó cũng dừng lại ngay. Đôi khi nó quên dừng hay không giữ được khoảng cách thì anh Liêm ra lệnh ngay. Anh rất nghiêm khắc trong khi tập luyện cho lũ chó, mỗi động tác anh bắt từng con tập đi tập lại nhiều lần, đến khi nào được mới thôi. Khi mắt anh trừng lên, nét mặt đanh lại thì con chó bướng bỉnh nhất cũng phải cụp đuôi và cúi đầu xuống hoặc nhìn đi nơi khác. Lúc nghỉ giải lao hoặc trong những buổi dạo chơi, anh cho lũ chó vui đùa thỏa thích. Anh thường nằm ngửa trên bãi cỏ, để chúng vây xung quanh mình như ông bố sau ngày làm việc chơi với một bầy con tinh nghịch. Lũ chó y như trẻ con, đứa thì liếm mặt, đứa đè lên bụng, đứa khác đùa ngoạm cánh tay anh... Những lúc ấy, tôi thấy gương mặt anh như giãn ra, tràn đầy hạnh phúc. Đã có lần anh tâm sự với tôi: " - Có lẽ chỉ có sự khác biệt giữa chó và người khi biểu lộ tình cảm là ở chỗ nó không nói được tiếng của loài người".
Tôi đang định quay về khi đã đi quá xa khách sạn thì chú chó lúc nãy chạy sà lại rồi cọ đầu vào chân tôi như nũng nịu. - Tu Ka! Đúng là Tu Ka rồi!. Tôi cúi xuống xoa đầu và hỏi nó: - Thế nhà mày ở đâu? Nó quay đầu lại kêu ư ử và cái đuôi vẫy cuống quýt. -Tu Ka, về nhà! - Tôi ra lệnh cho nó.
Con Tu Ka dẫn tôi quay trở lại khu dân cư gần khách sạn. Nó chạy lăng xăng khi bên phải, khi bên trái, thỉnh thoảng quay đầu lại như chờ tôi bước kịp. Rồi nó dừng lại trước một ngôi nhà mái ngói, trong nhà còn le lói ánh đèn. Tôi định bấm đèn tìm công tắc chuông nhưng sực nhớ là đang mất điện trên toàn khu vực. Gõ chiếc đèn pin vào cánh cổng, tôi hỏi vọng vào:- Trong nhà có ai không ạ? Một người đàn ông cầm chiếc đèn bão từ trong nhà chạy ra mở cổng. Dưới ánh đèn tôi nhận ra anh Liêm, người đại đội trưởng cũ của mình. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau một hồi lâu, mừng mừng tủi tủi. Một lúc sau như sực tỉnh, anh buông tôi ra, giọng như còn lạc đi: -Vào nhà đi chú! Phấn từ phòng trong chạy ra, cô ngạc nhiên thốt lên: "- Ôi anh! Cơn gió nào đã đưa anh đến đây thế này"? Tôi mỉm cười chỉ xuống gầm bàn.. Thấy nhắc đến mình, con Tu Ka khẽ ngóc đầu lên nhìn mọi người, nửa như kể công, nửa như mãn nguyện rồi lại lim dim mắt gối đầu lên mũi giày của tôi và khẽ cọ lưng vào ống chân tôi. Tôi cúi xuống xoa đầu nó và quay sang nói với anh Liêm: "- Lâu thế mà con Tu Ka vẫn nhớ em đấy anh ạ!" "Một trăm năm sau nó vẫn nhớ chú ấy chứ!" - Anh tếu táo nói.
Anh hỏi thăm con Mực nhà ông anh tôi còn không. Tôi trả lời anh rằng nó vẫn khỏe, nhưng hồi này có vẻ chậm chạp hơn, chắc do nó cũng bắt đầu già rồi.
Phấn từ trong bếp đi ra, tay bưng đĩa hoa quả nói xen vào: "- Thảo nào mấy năm nay không thấy con Mực xuống thăm con nó." Tôi sửng sốt: "- Thế con Mực vẫn xuống đây à?" "- Vâng, mỗi năm nó xuống một hai lần, nhưng toàn vào mùa rét. Có hôm toàn thân nó ướt sũng, run lẩy bẩy, nó đứng nép vào bên cổng trông tội nghiệp lắm. Em phải lấy khăn lau cho nó, cho nó ăn. Nó chỉ thăm con nó một lúc rồi đi". - Phấn kể. Anh Liêm hào hứng: "- Mực thăm em và cả thày giáo của con nó nữa đấy chứ! Có hôm không thấy anh ở nhà, nó vào cơ quan tìm anh, mấy cậu bảo vệ cứ nghĩ là chó nhà mình vì con Mực và con Tu Ka khá giống nhau, chỉ khác là con Tu Ka nhà mình không có đốm trắng ở bốn bàn chân như mẹ nó". Phấn còn kể có lần về thắp hương cho bố mẹ, không hiểu vì sao con Mực nó biết mà ra tận mộ chơi với em. Khi chia tay em thấy nó ứa nước mắt.
Trời, tội nghiệp con Mực quá! Thế mà gia đình anh tôi cứ bảo từ hồi đi "sơ tán" về con Mực đâm dở chứng, lâu lâu lại bỏ nhà đi chơi mấy ngày nên còn mắng oan nó. Có ai biết là nó lần mò xuống tận nhà anh Liêm và Phấn đâu! - Tôi nghĩ thầm và chợt thấy tim mình như thắt lại.
Đêm ấy, tôi trằn trọc mãi mới ngủ được và sáng sớm hôm sau tôi gọi điện ngay về cho anh tôi.
Thái Bình, 6/2013
[1] Tiếng Mông: Tù đế có nghĩa là con chó.
Người post: NghiPH
Ngày đăng: 05-07-2013 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |