KGU News >>Văn học >>Thơ
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 07 Tháng bẩy. 2013

CON ĐƯỜNG




Tác giả: LyTM

Đã có lần lòng bâng khuông tự hỏi,

đã bao cung đường ta đặt dấu chân qua?

Rồi sẽ đi qua?

Bao con đường còn dấu vết những người xa,

những cuộc chiến, ...đường quằn mình chịu đựng?

Những bờ tre, ruộng muống,

những đồng mạ ngày nào,

đường uốn lượn, xanh xao,

chở bao nhiêu nỗi khổ,...

chở bao nhiêu lam lũ, những cuộc đời,...

Ôi, những con đường của tôi,

những con đường của bạn,...

những con đường còn hằn tên ngày tháng,

những trận bom,

những tấm bia,

những bụi bay mắt nhặm,

đọng mồ hôi, nước mắt,

nức nở,.... tiếng cười, giọng hát,

bao thế hệ đã qua,

bước chân nào trùng khít nhau mừng ngày chiến thắng?

Để đầy máu và hoa,

bây giờ ríu rít chim ca,

các đôi uyên ương, giăng tay nhẹ bước,

lướt thướt vẻ yên bình, ...

Những cái cây, vẫn đứng lặng thinh,

che cung đường đỡ nắng,

vì trong đó, bao linh hồn yên lặng,

vẫn canh cho cung đường!

Lòng xốn xang, rời bia đá vệ đường,

một trận càn không cân sức,

ngay cạnh ngõ nhà tôi,

con đường tuổi thơ, mưa xối, nắng nôi,

tôi tìm cỏ gà ra trận,

tôi tìm hạt gạo bông may,...

tôi tìm lại những tháng ngày,

nhung nhớ,...

Hôm nay,

con đê nhỏ bên dòng sông tơ lụa,

đã sáng ánh xi măng,

con đường đã trưởng thành,

vẫn bóng dáng ai còng lưng gánh lúa,...

Còn đôi chân, vẫn bặm ngón trên đường lụa,

dẫu biết rằng, xi măng chẳng hề trơn,

Những con đường,

những tâm hồn mãi chảy,

như huyết mạch nối tháng ngày

trong cả cõi thế gian,

để lại mênh mang, đón chào bao thế hệ,...

 


Người post: LiTM

Ngày đăng: 07-07-2013 07:07






Xem 1 - 10 của tổng số 24 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Quang
14/07/2013 21:18:15

Cứ hình dung mà xem, nếu dấu chân ai cũng cứ in rõ trên mặt đường thì ra sao nhỉ? nhiều con đường sẽ chồng chất dấu chân, giống như ngày tuyết rơi, chúng ta dẫm chân lên tuyết, đến nỗi sau đó không còn dấu của riêng ai! nhưng nhà thơ thì có quyền hình dung dấu chân mình trên những nẻo đường thơ



Từ: LyTM
11/07/2013 10:38:32

Ta chậm bước, trên nẻo đường đời,


chẳng bận lòng, dẫu còn bám bụi,


vì phía trước còn nhiều sông, núi,


chút trải lòng để mau mắn, mỗi dặm xa,...




Ta âm thầm, chân khẽ bước đường xa,


bặm từng ngón cho nhói đau, nhắc nhủ,


dẫu đã qua, cuộc đời đừng ru ngủ,


tới chân trời,... chưa đủ,... vẫn còn xa!



Từ: NghiPH
10/07/2013 09:22:30

Anh rất thích hình tượng chân vẫn bặm ngón trên con đường lụa! Chúng ta đã từng và sẽ tiếp tục bặm ngón trên những con đường đời!



Từ: Guest BM
09/07/2013 17:35:42

Về Đường Lâm, làng cổ xưa Hà Nội,


nón nghiêng nghiêng theo vết gạch dưới chân,...


Gió vi vu, bay vạt áo tứ thân,


của những cô hàng xén,


của những chị hàng hoa,


gió ngẩn ngơ, bươi tóc lòa xòa,


xếp nếp bảy nếp ba,


khăn đen chàng thư sinh lãng tử,...


Sân đình lao xao,


dân làng mừng ông Nghè, ông Cử,


vinh quy bái tổ về làng,...


Lũy tre lẳng lặng bao quanh,


che bóng râm, gọi yến cùng oanh,...


Một thời, sân đình thênh thang


phất phơ, mớ ba, mớ bảy,...


Trảy Hội làng,


con đường lát gạch chỉ xốn xang,


của dâu hiền rể thảo,...


Nhật Nguyệt soi,


thì thầm khẽ bảo,


con đường chẳng biết già đâu!


 



Từ: Guest Hương
09/07/2013 10:35:00

@ Lý, chị rất thích đi về các làng cổ, nơi còn nhiều đoạn đường lát gạch nghiêng. Đi bộ hơi khó một chút, vì nhiều chỗ bị vỡ gạch, bị trốc lên, nhưng gạch vẫn đỏ chót sau mưa, không khí thì trong lành, cây cối nhiều, có cảm giác về lại thời xưa. Nhưng nhiều nhà họ xây lên 2,3 tầng nên bị mất hết khung cảnh cổ. Em đi đâu là có thơ về nơi đó, nhất là về quê. Viết về con đường làng quê mà da diết như thế thì rõ là em yêu quê lắm.



Từ: Guest Phương Hạnh
08/07/2013 17:26:45

@Lý, những con đường chị đi qua, cũng như em, đôi lúc chợt nhớ lại một câu chuyện thời chống Mỹ oanh liệt. Chị có viết một số mẩu chuyện, nhưng chỉ để cho con chị đọc về những nơi mẹ chúng đã đi qua và có cảm xúc về sự hi sinh của các thế hệ trước để các con biết mà sống cho xứng đáng.  Cảm ơn em về những vần thơ rất xúc động, cám ơn về những kiến thức con đường xếp gạch nghiêng



Từ: LyTM
08/07/2013 12:15:57

@ chị Thu, anh Thông ơi, câu hỏi của chị Thu làm em phải tra lại trong Kiến trúc cổ, rồi các Làng cổ,... may quá, có nhiều bài viết về những con đường nghiêng lát gạch, nhưng xây dựng thì chỉ có một tác giả Trọng Huấn (Ngõ quê). Đúng là ngõ quê, đường làng được lát gạch nghiêng nhờ tiền cheo của các cô đi lấy chồng, có nơi là các anh con rể đến lấy vợ ở làng. Có nơi, nộp 300 viên gạch chỉ, nếu lấy trong cùng làng, còn 500 viên nếu lấy khác làng. Có nơi thì đó là tiền mua hậu của những gia đình không có con. Họ mua để xây dựng đình, Chùa, đào giếng làng hoặc lát gạch đường,... để khi họ chết thì làng sẽ cúng giỗ họ.


Việc xây dựng hay lát đường, người ngày xưa dùng vữa cổ truyền (bằng mật mía, muối và vôi cát đánh nhuyễn). Gạch thì dùng gạch chỉ hoặc gạch vuông nhưng mỏng, làng chọn kỹ từng viên. Việc xây dựng phải tuân theo một lối xây cầu kỳ, không được để trùng mạch và thường là xây dọc mạch, lớp lát là ngang mạch, bảo đảm lực nén. Trước hết người ta san phẳng nền đường ngõ, rồi dải một lớp ba ta vữa, sau lát một lớp gạch nằm, tiếp đó lại một lớp ba ta vữa và trên cùng là vỉa gạch nghiêng. Việc lát phải bảo đảm sao cho vồng tròn lên như gồ sống trâu, không giữ nước, mau khô, bề mặt chỉ 80-90 phân, chưa được 1m. Gạch phải xếp theo hình hơi xiên để ép sát cạnh và đỡ xô. Các mạch xây không trùng nhau. Chính vì vậy mà trải qua bao nhiêu thời gian, những viên gạch chỉ bị mòn vẹt hoặc bị mẻ, nhưng vẫn đỏ chót và rất khó bóc lên. Cỏ mọc xen kẽ ở các mạch. Sau này rải bê tông, người ta cứ để nguyên làm lót nền.




Từ: Guest LiTM
08/07/2013 11:39:05

@ anh 3 Chai, hạt gạo cỏ may hơi dài, nhỏ như hạt gạo lép, nhưng lại chắc, cắn vào nó cũng thấy có mùi gạo. Ở quê em còn được gọi là gạo ma. Vì thuở xưa đói, nên người xưa hầu như bị đói, thác rồi thành ma đói. Cây thóc ma mọc tràn lan ở nghĩa địa, ở bờ sông, ven các con đê. Ai đi qua đều bị dính vào quần áo, vì ma đói muốn theo về để được ăn uống, theo các hạt gạo. Sau này, cỏ may đi vào thơ ca như những bông hoa hoang sơ, đầy sức sống của thiên nhiên, quấn quýt lấy nhau và đầy sự bịn rịn của tình yêu một cách tự nhiên.


Cỏ gà ra trận là cả một tuổi thơ của những đứa trẻ nhà quê, chẳng có gì chơi ngoài cỏ cây, sông ngòi. ây giờ trẻ con phải học nhiều, chẳng có thời gian ngụp lặn, đen nhẻm dưới sông, với chạy nhảy dọc thôn xóm như thuở bọn em ngày xưa.


Em đã vào nghe bài hát, hôm qua bận quá nên sáng nay mới đi chợ được. Em thấy rất vui vì anh 3 Chai có rất nhiều các fan nhí hâm mộ chương trình bán đấu giá cho Cơm có thịt. Em nghĩ chắc là sẽ có nhiều người tham gia nếu anh viết cho nhiều trang web nữa. Hiện nay có rất nhiều chương trình từ thiện anh ạ, nhiều người tham gia đã tự chọn cho mình hình thức phù hợp, nhiều người muốn trực tiếp giúp đỡ các cháu ở những nơi mà họ đến. Em chúc anh luôn may mắn với những phiên đấu giá, Hoa KM bảo, cái người đưa chương trình Cơm có thịt chắc phải tôn anh lên làm Tổng chỉ huy Chương trình, vì anh làm nhiều hơn họ rồi!



Từ: ThongNV
07/07/2013 21:35:15

@ Kim Thu: Mật mía đấy Thu à. Mật mía trộn với lá khoai nước giã nhỏ.



07/07/2013 19:40:32

 


@Lý ơi, chị vẫn phải vào đây để hỏi về những CON ĐƯỜNG.


Ở quê ngoại của chị, những đường gạch trong làng, chị còn nhớ như in tới tận hôm nay. Nó được lát bằng những viên gạch đỏ như son, nhưng lát nghiêng, tức là cái gáy của viên gạch lên trên mặt đường. Con đường có cấu trúc mai rùa, để nước mưa không đọng lại. Chị nghe các bác nói những viên gạch ấy chắc lắm, vì được lát bằng mật. Chị muốn biết là mật gì đấy ? Cái mật nấu chè ăn, hay mật gì khác nhỉ. Chắc phải hỏi thêm cả anh Thông.



 


 




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s