KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 10 Tháng chín. 2010

Cafe từng giọt




Tác giả: PhuND

Truyện ngắn của Nguyễn Đình Phư

                                                  

      Tôi bán cà phê quán cóc đã hơn ba chục năm nay. Quán của tôi dù rất nhỏ nhưng cũng là nơi hội tụ bao nỗi buồn vui có đủ, là nơi có thể ngồi nghỉ chân của ai đó nhất thời chưa định được đích đến, cũng là điểm hẹn của nhiều người thức trắng đêm xem bóng đá. Đặc biệt hơn cả, quán tôi thường xuyên được đón tiếp một vị khách có cái tên rất dễ nhớ: “ Chú Năm thứ trưởng”, ai cũng gọi ông như vậy. Chú Năm uống cà phê ở quán đã lâu nên thành thân quen, ông uống không đường mà đăc sệt. Chỉ có tôi mới pha cho ông được. Kể cũng lạ, một con người có thể nhận rõ cảm xúc vui buồn qua độ đậm nhạt của cà phê. Cả cái cách uống cà phê của ông cũng làm người ta ngờ ngợ, ngồi trầm ngâm nhấp từng ngụm, từng ngụm. Phải là người nhiều nỗi niềm lắm mới uống cà phê kiểu đó. Tôi thường nghĩ thế, và đúng, một lần quán vắng khách ông Năm đã bất ngờ tâm sự.

                                                     *

                                                 *       *

                                               

       -  “ Chỉ cần nếm một giọt, thưởng thức vị của nó là có thể nhận biết loại cà phê gì và được trồng ở đâu”. Đó là tài nghệ của Hoàng. Đâu dễ mấy ai uống cà phê không đường mà vẫn cảm nhận được vị ngọt như cậu ta.

        Chúng tôi cùng học Trường Cao đẳng Canh Nông, cùng nghiên cứu cây cà phê, nhưng tôi lại chẳng thích và chẳng ghiền cái thứ nước nâu nâu sóng sánh hấp dẫn đối với bao nhiêu người. Còn Hoàng, bạn tôi không những ghiền nặng mà còn hễ có dịp là vù lên Tây nguyên, có khi ở đó cả tháng trời. Hoàng say sưa cắt tỉa, chiết ghép, nghiên cứu các chủng loại cà phê khác nhau, thậm chí quan tâm đến cả thổ nhưỡng… và đặc biệt cái cách mà cậu ta uống cà phê không đường thì chẳng ai sánh được.

      Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chúng tôi xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc như hàng triệu người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Trong bóng dáng của Tây nguyên năm nào còn ghi tạc hình ảnh những người lính giản dị cùng ăn cùng ở với đồng bào dân tộc: có cả tôi và có cả Hoàng. Những năm tháng đó, nếu nói ngay thẳng thì tôi cũng chỉ tầm tầm không có gì nổi bật, còn Hoàng là một chiến sĩ vô cùng anh dũng, cậu ta đã được đề bạt chỉ huy đại đội.

      Hòa bình lập lại, tập kết ra Bắc, chúng tôi được phân công về một nông trường cà phê. Hết cầm súng lại cầm cày cầm cuốc, những người lính hồ hởi tràn ngập khí thế xây dựng non sông. Là người năng nổ, thông minh và là thủ trưởng nên Hoàng được cử làm giám đốc, còn tôi, một anh lính quèn cũng được Hoàng cất nhắc làm phó. Suy cho cùng thì tôi còn hơn cậu ta nhiều thứ: con nhà khá giả, học hành thuộc loại nhất nhì trong lớp (tất nhiên chỉ giỏi lý thuyết thôi, còn thực hành thì kém vì tôi chẳng thích chân lấm tay bùn như Hoàng).

       Nông trường rộng mênh mông và cà phê bạt ngàn, nhưng cây đã quá già cỗi nên năng suất không cao. Gần một ngàn con người ngày này qua ngày khác bán bụng cho đất và bán lưng cho trời vậy mà thu hoạch chẳng được là bao. Hoàng tỏ ra hết sức cay cú và nóng lòng với điều đó. Nhiều đêm thao thức không ngủ được vì nâng cao năng suất cà phê, Hoàng đã gọi tôi đến nhà để đàm đạo. Tự tay Hoàng pha cà phê. Cậu ta nén thật chặt cái phin nên từng giọt, từng giọt cà phê rơi. Tôi lặng yên nhìn và lặng yên nghe cái âm thanh rơi trong lòng cái phin nhỏ xíu đến não cả lòng! Hai chùng tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê không đường và thưởng thức cái vị ngọt của nó – như Hoàng vẫn bảo. Riêng đối với tôi thì đó là một vị đắng, cái đắng đến cứng cả lưỡi của một kẻ không biết thưởng thức cà phê. Hoàng đã hỏi tôi về nhiều phương án.

-    Đốn hết và trồng mới?

 -  Lấy đâu ra cây giống để trồng mới cho hàng ngàn hecta? Và ai kiên nhẫn đợi được năm sáu năm sau cây mới bói quả?  - Hoàng hỏi tôi.

-   Vô phương! Tôi đành thúc thủ.

     Sau nhiều đêm trăn trở, cuối cùng Hoàng mạnh dạn đưa ra phương án “đốn sạch cây”. Sáng kiến này được thảo luận từ mùa thu sang cuối đông. Lực lượng ủng hộ và chống đối ngang nhau. Tôi với tư cách là một kỹ sư canh nông mà chẳng dám phản đối cũng chẳng đồng tình. Tôi sợ, phản đối Hoàng, không khéo người ta vu cho tội chống Đảng, còn nếu đồng tình lỡ mai này có bề chi không khéo lại vạ lây…

      Hoàng vốn là người thông minh có năng lực và quyết đoán, hơn thế nữa cậu ta là người sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với những việc mình làm. Cuối cùng bằng quyền hạn của giám đốc, Hoàng đã quyết. Trong cái rét như cắt vào da vào thịt, hàng trăm con người đua nhau chặt phá. Rừng cà phê đang xanh tươi bỗng chốc trơ ra những gộc là gộc. Nắng lửa và gió Lào thổi qua nông trường, cà phê chỏng chơ như một rừng chông. Ai nhìn cũng xót. Mùa xuân nữa lại đến, cây cà phê cũng chỉ lèo tèo vài cành non phất phơ èo uột. Một mùa cà phê không hạt. Người ta đâm ra tiếc của. Tôi bắt đầu lo cho Hoàng. Nhưng trong bụng tôi lại mừng thầm:” Thất bại rồi ông tướng ạ!”. Tiếng xì xầm đã bắt đầu công khai: “Ông ta là đồ phá hoại!”, hoặc “Sao mà cấp trên lại tin…?”. “Tôi cầm chắc, đó là thất bại ê chề!”. Những thông tin như vậy được tôi bơm vào đầu hàng trăm con người ít học để từ đó trở thành những cơn sóng dữ. Nhưng Hoàng vẫn tin ở sáng kiến của mình.

      Đợt cải cách ruộng đất thứ năm ào ạt đổ về khắp hang cùng ngõ hẻm vừa dứt thì đợt chỉnh đốn Đảng lại tới. Nhân dịp này, chúng tôi ghép cho Hoàng là kẻ phá hoại. Và sai lầm này đã chôn vùi không chỉ sự nghiệp nghiên cứu khoa học mà cả cuộc đời: Hoàng bị bắt, bị đấu tố rồi bị bắn sau đó. Còn tôi lại được đề bạt làm giám đốc thay Hoàng.

      Tôi lầm lũi trong ráng chiều đỏ ối của miền Tây. Rừng cà phê đang trỗi dậy. Tôi nghe trong gió lời trăn trối của Hoàng: “ Rồi các vị sẽ thấy!”. Đêm về, tôi lần giở những ghi chép của Hoàng - mớ tài liệu ít ỏi của một đời làm khoa học. Thì ra, đó là phương pháp trẻ hóa cà phê bằng cách chặt trụi cành. Cây cà phê sau khi đốn, nếu được chăm sóc tốt sẽ trỗi dậy. Chỉ hai vụ thôi, cà phê lại cho những mùa bội thu. Năng suất cao gấp ba bốn lần trước khi chưa đốn. Cần phải có thời gian! Nhưng thời gian chưa kịp đến mà Hoàng đã bị buộc phải ra đi. Đúng thế thật, ngay sau khi Hoàng bị bắn thì rừng cà phê đã trỗi dậy, không bao lâu đã xanh bạt ngàn. Tôi cảm thấy bần thần, điều gì đó không yên trong lòng, sáng sáng chiều chiều trong những làn gió xào xạc đi qua rừng cà phê tốt tươi, đượm trái. Tôi luôn luôn cảm thấy như có đôi mắt của Hoàng đang nhìn mình, đôi mắt nhìn như muốn nói “giờ thì các vị thấy rồi đấy! ”.

       Mùa vẫn trôi đi như không có chuyện gì xảy ra. Ngoài các loại phân vô cơ theo tiêu chuẩn, tôi còn khuyến khích các tổ đội làm phân xanh hữu cơ bón cho cà phê. Nông trường lại xanh bạt ngàn. Những mùa cà phê bội thu trở lại, tôi được ca tụng, được khen thưởng và được đề bạt, với mọi người tôi thành ông Trời con lúc đó, nhưng riêng tôi trong lòng rất đỗi day dứt, tôi được đề bạt là nhờ thành tích của mình? - Không phải, nó đã được đánh đổi bằng cái chết của Hoàng!

       Nói đoạn, chú Năm thứ trưởng òa khóc. Dù đã ngoài bảy mươi mà những giọt nước mắt ông vẫn chảy thành dòng nóng hổi. Tôi đưa khăn lau nhẹ mặt ông và hỏi:

      -   Nhưng tại sao chú Năm lại có biệt danh là thứ trưởng?

      -  Tôi đâm ra ghiền cà phê từ đó. Cách uống cũng chẳng khác gì Hoàng: nhấm nha những giọt cà phê không đường, cảm nhận vị ngọt để tìm cái hương vị tận cùng sâu lắng của sự quyến rũ tuyệt vời. Chức quyền cũng dồn dập đến với tôi. Tôi được điều về Bộ làm vụ trưởng, rồi thứ trưởng – bây giờ nghĩ lại mới thấy, những năm tháng ngồi trên những chiếc ghế đầy quyền lực mà không làm được gì, chỉ lo giữ chỗ ngồi.

        Đang nói chuyện bổng dưng ông Năm bỏ về, không thanh toán cả tiền cà phê. Hôm sau ổng cũng chẳng thèm ra.

                                   *

                               *       *

 

        Ông bị nhồi máu cơ tim phải cấp cứu ở bệnh viện Thống nhất rồi ra đi mãi mãi. Hôm tiễn ông, tôi mua một vòng hoa: “Kính viếng Chú Năm thứ trưởng”. Người ta thường bảo chết là hết, là về với đất không vướng gì nợ trần nữa, nhưng không hiểu sao hôm tiễn chú Năm thứ trưởng đến nơi an nghỉ cuối cùng tôi cứ phân vân nghĩ – chưa hẳn là thế. Sáng nào tôi cũng pha một ly cà phê không đường và thắp một nén nhang vái ông ba vái. Kể từ ngày đó quán cà phê này ăn nên làm ra. Quán bắt đầu nổi tiếng. Bây giờ thì khách ra vào nườm nượp, toàn các bạn trẻ. Khách đến uống cà phê là dân sành điệu: đi xe tay ga xịn, xài điện thoại di động model mới nhất. Lâu lâu lại có một vài cô bé nghiêng ngữa nhìn góc thờ ông Năm thứ trưởng. Ở đó vẫn luôn có một ly cà phê không đường. Tôi chắc rằng cà phê ấy vẫn mang một vị ngọt mà không dễ mấy ai cảm nhận được!      

      Gió heo may lại về, một vụ cà phê nữa đang được thu họach. Chủ quán đang thả mình cùng hương cà phê Banmê…  Ráng chiều mang màu đỏ.

 

 

 


Người post: PhuND

Ngày đăng: 10-09-2010 12:12






Xem 1 - 3 của tổng số 3 Comments

Từ: 3Chai
19/09/2010 05:04:32
@PhuND. Đọc lại vẫn thấy hay Phư à.
@NghiPH. Bài thơ hay vì nó thẳng thắn, dễ hiểu. "Anh tái sinh/Theo những lối không ngờ". Mình rất thích những dòng thơ không cân phương như thế này. Có tiếng nhạc trong đó.


Từ: PhuND
12/09/2010 13:49:51
Xin cảm ơn TBT Phạm Hữu Nghị đã tức cảnh mà sinh thơ. Cuộc đời này tuy ngắn nhưng cũng đủ dài. Phư vừa đọc bài viết của cháu Hồng Nga - con gái Hồng + Công (Vật Lý 78), đấy nỗi niềm đan xen những buồn vui và khát vọng, những lỗi lầm tai hại có thể rút hết sức lực và trí tuệ của một con người! Xin hãy đừng gây ra lỗi lầm cho người khác. Ai cũng phải biết sám hối như nhân vật trong truyện ngắn này thì ...tốt biết nhường nào. Xin cảm ơn Hội KGU đã mang thêm sinh khí cho mỗi người. Phư Toán KGU 1979.


Từ: NghiPH
12/09/2010 08:43:01

Cây cằn cỗi/ Cần đốn đi/ Từ sự đớn đau/ Trồi Xuân bừng dậy/ Vì sự sống Anh hy sinh/ "Giậu đổ bìm leo" /Chén cà phê ngọt đắng/ Anh tái sinh/ Theo những lối không ngờ


Nghị- Cãi cọ 81



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s