NÓI LỜI YÊU TRƯỚC LÚC RA ĐI
Hồi còn đi học, lớp tôi có hai lớp phó: Nam phụ trách học tập và anh Nhâm phụ trách đời sống. Cái cảnh sinh viên sống nội trú, cán bộ lớp phụ trách đời sống rất vất vả. Chẳng riêng gì báo cơm, cắt cơm cuối tuần, ngày lễ, rồi thanh toán cuối tháng cho anh em. Nào thiếu, nào đủ, cũng có khối eo xèo. Lại phải lo tem phiếu, phiếu vải và các cung cấp nhu yếu phẩm hồi ấy, dù nó ít lắm, tới mức nhỏ giọt. Bây giờ có kể lại những thiếu thốn vào những năm cuối thập niên 70 ngày trước, con cháu mình, thế hệ trẻ chúng sẽ không tin.
Anh Nhâm ra quân, rồi vào học trường tôi. Mắt anh có vẻ kém, bị vàng và có một màu đùng đục. Nước da cũng vàng, biểu hiện hoàng đản, hậu quả của những năm dài sốt rét, thiếu thốn trong chiến trường và viêm gan. Anh hơn bọn tôi chừng 4, 5 tuổi, hiền lành, bé nhỏ, ít nói, rụt rè lắm. Anh Nhâm quê ở Vũ Thư, Thái bình. Tôi nhớ đến hôm nay giọng nói của anh, phát âm với chữ r rất rành rọt, chứ không như bọn tôi.
Hồi còn đang học, tôi ít để ý các anh lớn tuổi trong lớp. Hay trốn về Hà nội lắm, đói quá, ăn uống thiếu, sức thì con gái mới lớn, dễ nuôi, ăn khỏe. Cứ về đến nhà, vừa dựng xe đạp vào tường, bà nội có nhìn thấy tôi, câu đầu tiên bà nhắc:
- Bà nấu canh rồi đấy, ăn trước đi một bát cho khỏi lả.
Lúc quay sang trường, tôi như một cô nàng buôn chuyến. Chị em nhờ mua guốc. Hồi ấy thịnh hành guốc nhựa đen quai cao su đen. Lên Hàng Dầu thì bạt ngàn các gánh hàng guốc, lúc ấy chưa có tiệm quán khang trang như hôm nay. Rồi có hôm vội, chiều chủ nhật đã muộn lắm, lại phải quay ra đổi vì một đôi hai chiếc cùng chiều. Từ chiều hôm trước, mẹ tôi đã chuẩn bị cho tôi một gói bánh vụn to đại tướng. Ở cửa hàng Long Vân chỗ mẹ, vừa bán các loại nước giải khát, vừa bán các loại bánh ngọt, trong đó có loại tên là bánh cắt. Người ta nướng bánh này bên tổ bánh của Thủy Tạ, rồi xuất cho các quầy. Về đến Long Vân, các cô cắt bỏ bớt hai đầu bánh, bây giờ cái bánh đã lộ phần nhân ra. Những đầu bánh này cửa hàng bỏ đi. Cứ mỗi lần cắt như thế, mẹ tôi lại đứng bên nhắc khéo:
- Cắt lân ra một tý nữa, thế. Cho các cháu chỗ đầu bánh, chúng nó những hơn chục đứa cơ mà.
Ấy là mẹ nghĩ đến lũ chúng tôi 14 đứa trong một phòng với 7 cái giường tầng.
Mỗi chiều tối chủ nhật, khi thấy bóng xe tôi lạch xạch ngoài hành lang, lũ con gái đã nháo cả lên:
- Thu sang rồi ! Guốc của tớ đâu? Có lấy được áo cho chị không?...
Có hôm, anh Nhâm sang chơi phòng tôi, ngồi từ một góc, anh nói đùa:
- Thôi, anh xin nghỉ, Thu làm lớp phó đời sống nhé!
Lúc ấy tôi không hề biết, anh Nhâm dành rất nhiều cảm tình cho Uyên.
Uyên hơn tôi một tuổi, cô bé Thủy Nguyên với đôi mắt to đen, láu lỉnh làm chao đảo biết bao thanh niên. Uyên cao, rám nắng, rạng rỡ ở tuổi 19, một vẻ đẹp chân chất, rất hồn nhiên.Trong thời gian này, Sỹ học cùng lớp cũng rất mê Uyên. Nhưng Sỹ công khai tấn công. Bạn to cao, vạm vỡ, với đầy vẻ trai tráng của một thanh niên đang trổ mã. Sỹ người thành phố Hải Phòng. Tôi để ý, thấy các đôi trong trường phần lớn kết nhau từ tình đồng hương.
Những lần bọn tôi tập văn nghệ, chuẩn bị cho Hội trường, cho Hội diễn văn nghệ của các trường ở khu vực Hà nội, bao giờ anh Nhâm cũng tận tay bưng nước chè và dăm cái kẹo dồi "bồi dưỡng" cho đám lính văn nghệ bọn tôi. Về sau này tôi mới biết, anh đến còn vì muốn được gặp Uyên trong nhóm tập dượt. Ngồi đây, xem bọn tôi ồn ào, hỗn loạn với mớ âm thanh đủ loại, nhưng anh có một yên tĩnh dành cho người mình thương thầm, nhớ trộm.
Anh hiền và nhát quá, có chịu nói ra đâu, có chịu thổ lộ tình yêu diết da ấy cho người mình cảm lên cảm xuống đâu. Mấy năm trời học chung, anh cứ đèo bòng khối tình ấy, nuôi nó âm thầm trong lòng anh với một hy vọng mỏng thật mỏng.
Nhưng Uyên cũng không yêu Sỹ. Anh San, sinh viên bên bộ môn Bảo vệ thực vật đã chiếm được trái tim Uyên. Đến hôm nay, cặp đôi hoàn hảo ấy thật là thành đạt và hạnh phúc.
Sau khi tốt nghiệp, lớp tôi, mỗi người mỗi phương. Quá nửa lớp được Bộ điều về phía Nam. Anh Nhâm được về Ty Nông nghiệp Thái Bình. Ngay năm sau, anh cưới vợ. Thanh học sau bọn tôi một năm, khá đỏm dáng, thuộc loại mỏng mày hay hạt. Bọn tôi được nghe, Thanh chọn anh Nhâm, vì anh đang ở trên Ty, lại có chú ruột phụ trách phòng cán bộ tổ chức của Ty nông nghiệp. Một cuộc hôn nhân chẳng tương xứng nhanh chóng được tổ chức. Vợ chồng anh Nhâm cũng được hai đứa con trai. Nhưng chỉ có anh Nhâm là người trong cuộc mới biết được cái tình, cái nghĩa của người vợ. Thanh chưa bao giờ yêu anh, thương anh và chăm bẵm anh thật tình cảm, Thanh cần anh làm chỗ dựa cho công việc. Càng ngày cái cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt ấy diễn ra càng nhiều hơn.
Đến năm 2003, anh Nhâm bệnh nặng lắm. Gan đã suy trầm trọng. Người anh vàng bủng, gầy nhẳng. Anh nằm trong bệnh viện với chăm sóc nhạt nhẽo của Thanh. Người kề cận thăm nom anh nhiều, lại là vợ chồng Hạnh.
- Thu ơi, Hạnh nắm lấy hai bàn chân lạnh giá của anh Nhâm mà khóc nấc lên. Khổ thương anh ấy quá.
Tôi nghe tiếng Hạnh ở đầu dây kia, kể trong điện thoại hồi đầu năm 2011, lúc tôi liên lạc được với anh chị em trong lớp cũ.
- Anh Nhâm có kể lể, tâm sự gì nữa không? Tôi hỏi dồn Hạnh.
- Anh nói mong được gặp Uyên. Hạnh ghé sát xuống mặt anh Nhâm để nghe, anh nói sẽ quá, giọng yếu lắm rồi:
"- Em nhắn Uyên cho anh, anh mệt lắm, yếu lắm rồi, chắc chết Hạnh ạ. Chả biết Uyên có rảnh mà ghé vào đây không?"
- Em sẽ gọi điện ngay, anh đừng nói thế, chết là thế nào.
- Rồi Uyên đến thăm anh Nhâm chứ?
Nhận được tin anh Nhâm ốm nặng, Uyên đến ngay.
Những năm này vì bệnh tiểu đường, trông Uyên cũng thật tàn tạ. Uyên ngồi xuống cạnh giường anh, nhìn anh Nhâm, Uyên ôm hai tay vào mặt , gục xuống, nấc rung cả hai vai:
- Sao mà ra nông nỗi này hả anh Nhâm ơi ?
- Em đến được thế này là mừng rồi, đừng khóc !
- Cái Thanh đâu ?
- Thanh nó bận việc nhà em ạ. Anh Nhâm khẽ phân bua.
- Bận mấy, giờ này cũng phải ở đây chứ. À, em vắt cam anh uống nhé, cam ngọt lắm, chả phải bỏ đường.
- Đừng, em cứ ngồi xuống đây. Anh Nhâm cố rướn giọng cho to để nói.
Uyên kéo một cái ghế sát lại giường anh để ngồi cho thoải mái. Uyên nắm lấy hai bàn tay khô gầy, vàng võ của anh Nhâm. Cái buốt giá của bàn tay anh truyền sang Uyên, khiến cô cảm nhận được ngay những gì sắp xảy ra cho anh. Cái nóng của bàn tay Uyên, chạy như một luồng điện tới tim anh, sưởi ấm lập tức thân thể người đàn ông đã bao năm chờ đợi cảm xúc ngất ngây ấy. Anh nắm lấy bàn tay Uyên, nước mắt đầm đìa gương mặt. Anh mặc cho chúng rơi, cho chúng lăn xuống môi, xuống miệng. Mặn của nước mắt hay chan chứa của ân tình khiến anh như bừng tỉnh. Bạo dạn bây giờ đã làm anh thốt lên:
- Chắc chả bao giờ Uyên biết anh yêu em đâu nhỉ ? Yêu mà không dám nói lời mình yêu em ạ.
- Em biết. Sao hồi ấy anh không nói.
- Nói thì thằng Sỹ nó nện anh chết.
- Chắc chả có đâu. Không phải cuộc tình nào cũng đi đến hôn nhân. Nhưng nếu anh nói, thì em biết để ghi nhận, cảm ơn một khối tình.
Uyên đứng lên đi tìm một cái ly pha nước. Uyên muốn tránh một xúc cảm đột ngột và sâu lắng của anh Nhâm. Uyên bưng lại ly nước cam vàng óng, ép anh Nhâm uống từng thìa nhỏ.
- San đâu, nó có biết em tới thăm anh không hả Uyên ? Anh Nhâm hỏi dè dặt.
- Anh San đang trên Đà Lạt, em đã gọi điện báo tin rồi. Anh San nói cầm thêm tiền đi, nhỡ phải chi phí thêm cho anh Nhâm ở trong viện.
Anh Nhâm yên lặng, khẽ chớp hai hàng mi.
- Nói anh cảm ơn San nhé !
Đêm ấy Uyên ở lại phòng trọ cạnh bệnh viện. Uyên dặn nhỏ cô y tá trực ban, nếu thấy tình hình xấu, nhấn vào điện thoại cho Uyên.
Uyên không bao giờ nghĩ rằng, đấy là lần trò chuyện cuối cùng với anh Nhâm. Uyên không hiểu được sự hiện diện hôm ấy của mình lớn đến mức nào đối với anh Nhâm - người mà trong suốt những năm cùng học cho đến hôm ấy, lúc nào cũng chôn dấu một mối tình thầm kín với Uyên trong con tim.
Hôm sau, tinh mơ, Uyên và vợ chồng Hạnh vào viện. Anh Nhâm đã ra đi lúc tảng sáng. Uyên theo cô y tá xuống phòng dưới, nơi để những tử thi mới. Uyên kéo cái khăn phủ người anh Nhâm xuống, ghé sát vào khuôn mặt nhợt nhạt của anh Nhâm thì thầm:
- Anh đi nhé ! Đừng giận em, đừng quên em. Anh Nhâm ! Em khổ lắm, em biết anh chết trong lòng mấy chục năm rồi, anh Nhâm ơi !
Uyên ghì lấy cái thành giường sắt, cố vớt vát lại những giây phút cuối bên thi thể anh Nhâm. Anh Nhâm ra đi lúc ngoài năm mươi tuổi. Mang theo mãi mối tình trân trọng ngày nào. Dù muộn, vẫn hơn không, anh đã nói cho lòng mình tiếng yêu trước lúc giã từ với cuộc đời.
Cologne 08.07.2013