NGHỈ HÈ
Tác giả: Kaiser Kim Thu
NGHỈ HÈ
Từ hôm qua, thứ sáu 19.07, thành phố tôi ở và khu vực phụ cận, các cháu bắt đầu nghỉ hè. Đường phố vắng hẳn, lưu lượng giao thông giảm đi rất nhiều và tất nhiên, đối với người như tôi, điều này là vô cùng may mắn. Không bị đọng xe, chẳng bị tắc đường.
Phần lớn, cha mẹ các em học sinh được nghỉ phép trùng với thời gian này, nếu các bậc phụ huynh ấy còn các cháu ở độ tuổi đi học, kể cả mẫu giáo và nhà trẻ. Các gia đình đi nghỉ hè ở nước ngoài náo nức từ lâu. Họ đặt vé và đặt phòng ở khách sạn từ cách đây vài tháng. Những cặp còn son trẻ, chưa có con, thường đợi cơ hội ở Last minute flights... Không khí và tâm trạng nghỉ phép, nghỉ hè ở đây, khiến tôi nhớ đến những ngày hè đẹp không thể quên được của những năm còn thơ ấu.
Từ trước những ngày 30, 31 tháng Năm, sách bút đã được xếp lại. Sau ngày tổng kết năm học, nhà trường sẽ đóng cửa, lớp học sẽ chia tay, bạn bè chẳng gặp lại nhau trong suốt ba tháng này. Hôm làm lễ tổng kết năm học, trường vui quá. Trong sân, như những đàn ong vỡ tổ, với đủ các màu sắc áo quần. Hồi đó, học sinh miền Bắc chưa có đồng phục. Phần thưởng của trường chỉ là một cuốn vở hay hộp bút, kèm theo cái giấy khen, nghèo lắm. Thế mà vẫn thấy vui, thấy tự hào. Phần thưởng của bố mẹ cho chị em tôi là một bữa ăn chiêu đãi trên phố. Bố tôi đèo hai chị em, tôi và Vân trên cái xe đạp Thống Nhất màu xanh lá cây cũ. Tôi còn nhớ nó lắm. Đến khi xe của bố leo lên dốc Bảo Khánh, chị em tôi bảo nhau:
- Dang tay ra, dang tay ra, cho xe đỡ nặng.
Những năm chưa đi sơ tán, tôi học ở cấp I Phương Đông, trường tọa cạnh cấp I Tô Hiệu, nằm trên đường Hai Bà Trưng. Vào đầu thập niên 60, đây vẫn là vùng đất thuộc giáo xứ.
Hè về ! Dấu hiệu đầu tiên là màu đỏ của hoa phượng. Phượng đỏ rực rỡ trong sân trường, hai bên đường các dãy phố cổ, trên các đại lộ và đẹp hơn cả có lẽ là ven Hồ Gươm. Sau đó phải kể đến tiếng ve sầu. Ve kêu không mệt mỏi, ngân không dứt giọng, với đủ các giai điệu, trên các tần số khác nhau. Tôi không nghe thấy ở châu Âu được một tiếng ve kêu, dù là trong vụ hè nóng bỏng. Nên càng nhớ, càng thương bọn ve sầu quê mình. Sao chúng siêng năng, cần cù và miệt mài thế, ru cuộc sống thanh bình và tuổi thơ của bọn tôi bằng những âm hưởng thân quen, muôn thưở. Thử thiếu nó đi, sẽ mất hẳn cái độc đáo nhất của mùa hè VietNam.
Trong phố tôi, những đứa có quê xa Hà nội, là mê ly nhất. Chúng nó được lên tàu hỏa cùng với bố, mẹ, anh chị về quê. Tha hồ thỏa chí tang bồng. Nghe chúng nó kể mà tôi thèm, với bao nhiêu cây ăn quả và những vụ tắm sông.
Hà nội những năm ấy khối nhà chả có quạt điện. Bên phố Lý Quốc Sư, có nhà đã làm một cái quạt kéo tay, chế từ một tấm cót mỏng, nẹp tre viền lại. Sau đó, người ta giằng nó vào một cái dây thừng. Dùng tay kéo dây, quạt bắt đầu hoạt động. Bên dưới, trên một cái phản, bọn trẻ con nằm như xếp cá. Nhà nào có đèn néon, chúng tôi cho là giàu có. Buổi trưa đến, trong tiếng quạt trần nhẹ quay, bà nội vẫn cứ quạt sã cả cánh cho các em tôi ngủ. Ngoài kia, giữa cái oi ả của trưa hè, lâu lâu vọng lại tiếng rao của người bán "tào phớ", âm thanh ấy phá tan cái tĩnh lặng của trưa hè, rơi vào không trung, rót đến tai những đứa bé nghèo, thèm món quà trưa. Tiếng quạt trần cót két vì khô dầu và tiếng lắc của cánh quạt đều đều. Dư âm ấy còn trong tôi đến tận hôm nay. Đợi cho bà đã thiu thiu ngủ, tôi bắt đầu rón rén, nín thở ra khỏi giường. Đã thấy thấp thoáng bóng cái Thịnh, cái Ngà nhấp nhô đầu sau khuôn cửa sổ, ngóng tôi. Chúng tôi chạy như bay đến Ấu Trĩ Viên.
Ở đây, bọn trẻ con tề tịu rất đông trên vườn hoa Chí Linh, nhặt sỏi về chơi ô ăn quan, chơi rải ranh. Bọn tôi chui vào trong bể bơi, nhưng phải rất khéo, vì làm gì có vé vào cửa. Cứ đợi cho bác gác cửa lơ đi một cái, thế là tót vào ngay. Úi trời ơi là mát, là khoái, bì bõm trong nước hồ. Chả đứa nào có quần áo bơi. Tôi còn có cái quần bồng cũ( lúc ấy ở Hà nội gọi là banh-sô -lây. Thật tình, tôi cũng không hiểu cái tiếng Pháp bồi ấy ở đâu ra), bọn cái Thịnh, cái Ngà chỉ có quần lót nhỏ. Nhưng chúng nó bơi cừ lắm.
- Ai bảo mày không chịu cho chuồn chuồn cắn rốn. Hai đứa lao vào dìm tôi xuống hồ. No nước chuyến ấy.
Bọn tôi lên bờ, vắt kiệt tóc, thay đồ rồi lại nhanh như cắt ra khỏi chỗ bơi lội.
- Mình đi ra Bờ Hồ nhặt búp đa đi ! Chúng nó đề nghị.
- Tao phải về. Tôi không dám đi tiếp, đầu đang nghĩ tới bà nội mà thức giấc sẽ biết ngay.
Về đến nhà thì tóc cũng vừa khô, tôi lại leo lên giường, nhưng không tài nào ngủ được. Nghĩ đến cái vụ búp đa ngoài Bờ Hồ mà lòng tiếc rẻ.
Thường chúng tôi chọn những búp đã già. Chúng rụng chạt trên vệ cỏ, sát chân hồ. Lá dưới của nó dày dặn màu nâu đỏ. Lấy tay xé ngang phần trên miệng, thật khéo, sẽ tách được hai lớp lá của búp đa ra. Lá trên mỏng tang như một lớp mạng trong ren thêu. Bây giờ thổi được rồi đấy. Búp đa đầy khí, căng phồng.
Những buổi trưa khác, bọn tôi tụ tập ở sân Nhà Thờ Lớn, dưới rặng cây sữa, chỗ gần cửa vào trường Trí Dũng ngày xưa, sau này là cấp I Hoàn Kiếm. Sỏi ở vuờn hoa Chí Linh rất nhiều, đủ loại. Phải chọn được những viên rõ nhẵn nhụi, tròn trịa để chơi rải ranh. Nhặt thêm những viên lớn hơn, làm hòn cái cho trò chơi Ô ăn quan. Sỏi nhặt được, cho vào hai vạt áo túm lại, cho nên bao giờ những cái áo sơ-mi hè của tôi, cũng rách trước tiên ở đó.
Cả ngày hầm hập nóng, nhưng tối đến nó dịu hẳn. Gió từ Bờ Hồ thổi về mát lồng lộng. Người lớn trẻ con dắt nhau ra sân Nhà Thờ Lớn ngồi hóng gió. Các cụ, các bà vẫn mang theo cái quạt nan, phe phảy.
Mùa hè, buổi tối đến có nhiều trò hấp dẫn thật.
Một trong những trò ấy là chơi nhảy ngựa. Nếu đến lượt bè mình được nhảy, người nhảy đầu tiên rất quan trọng, vì số "ngựa" lên tới bốn con. Phải lấy hết sức và khéo léo nhảy vọt lên lưng con ngựa đầu, trong dãy bốn đứa của bè kia, đang cúi khom làm ngựa. Bọn nó thường cử tôi, vì tôi gầy gò, bé nhỏ, nhẹ người và lanh trong tất cả các trò. Nhảy ngựa là một trò chơi khá nguy hiểm. Mẹ tôi cấm đấy. Nhưng tôi vẫn để ngoài tai. Tôi đã chứng kiến nhiều đứa trong bọn bị chảy cả máu mũi, vỡ toác đầu gối, có khi bươu cả trán, áo rách toạc... Nhưng chúng tôi mê lắm và vốn hiếu thắng. Chơi hết mình với một quả cảm thật sự.
Rồi chơi sô-vê, trốn ống bơ, trốn tìm và khoái nhất hồi đó là trò "Sờ mó chó thiu". Không nhanh chân, không thể theo kịp các anh, chị lớn.
Ban ngày nắng lắm. Sáng ra, lúc còn mát, chúng tôi tụm lại trước cửa nhà bà Thanh đan len. Ở đây, các anh chị lớn chơi tu-lơ-khơ, đánh tiến lên. Bọn con trai đã rủ nhau đi dính ve sầu bên khu nhà chung và trong sân tòa án. Bọn tôi mang chuyền ra chơi. Có độc một quả bóng chuẩn nhất, vì nó nảy rất ngon, nên chúng tôi san ra tốp khác chơi trồng nụ, trồng hoa. Cũng là một trò nguy hiểm. Thật ra môn chơi này phải được bố trí ở trong một hố cát, để lúc vượt qua được độ cao của hai nắm đấm dâng lên, nhỡ có ngã, mất đà thì cũng trượt trên cát. Làm gì ra có những điều kiện lý tưởng ấy ở những năm 64, 65 trước. Rồi chơi cướp cờ, một trò tôi rất mê. Phải nhanh, phải lừa được đối phương, mới cướp được cờ về tay cho bè mình...
Mùa hè có những cơn mưa đẹp như trong chuyện cổ tích. Mưa to, xối xả, nước trút xuống thật đã, bao nhiêu nóng nực chợt không cánh mà bay. Mưa trắng trong tầm nhìn, giăng trên mặt phố. Mưa trút đến nỗi mà nước không kịp tháo xuống cống. Cả lòng đường ở phố tôi ngập, chúng tạo thành một con sông nhỏ, tuyệt vô cùng. Nhưng trong nhà thì ôi thôi là ngán ngẩm, mưa dột tứ lung tung, vì mái ngói lâu ngày, quá cũ. Mẹ tôi đang huy động hết xô, chậu, cà-mèn để hứng nước mưa rơi. Còn chúng tôi, thật vô tư lao hết ra phố tắm mưa. Lần đầu, bà nội tôi không cho ra, sợ sẽ bị cảm. Nhưng bọn con gái cứ đứng ở cửa réo, tôi lại sắp khóc đến nơi rồi, vì mưa sẽ tạnh. Sau chót, mong mỏi ấy của tôi đã đạt. Bọn tôi xắn quần cho thật cao, chẳng đứa nào mặc áo, thế là ì oạp trong mưa mà tắm. Lâu lâu lóe lên ở cuối phố một tia chớp. Cả bọn ré lên đứng chụm vào nhau vì sợ. Đến lúc sấm ầm ầm vần vũ trên đầu. Bọn tôi kết thúc màn tắm mưa vô cùng ngoạn mục ấy, trong cơn run rảy, răng đánh cầm cập, với một sắc mặt tái xám và đôi môi nhợt nhạt vì lạnh. Về sau này, khi tôi đã lên đến cấp II, chẳng bao giờ dám tham gia cái vụ tắm mưa ấy nữa.
Nhiều gia đình đông con trong phố tôi đã nhận lạc về cho bọn trẻ bóc. Thứ nhất là kiếm thêm chút thu nhập, phụ với đồng lương còm cõi của cha mẹ ngày ấy. Sau nữa là để con cái không lêu lổng, lang thang suốt trong ba tháng hè. Tôi sang nhà cái Hiền, thấy nó bóc lạc mà mê. Lạc khô còn nguyên cả củ, người ta đóng chúng trong những bao tải rất lớn, có đến hơn hai chục ký. Dụng cụ đơn giản là một kẹp tre, loại tre cật, thật đanh. Để củ lạc đứng thẳng giữa hai thanh tre của cái kẹp. Bóp khẽ một cái cho củ lạc khô tách miệng ra, lấy tay bửa nhẹ hạt lạc ra khỏi vỏ. Động tác đơn giản, thao tác thoăn thoắt, công việc thật vui mắt, hấp dẫn tôi ngay lập tức. Mà hay thật, cái dịch vụ bóc lạc vừa ra, lập tức ngoài các chợ có bán đầy các kẹp tre này. Cây tre VietNam ngay cả lúc này, nó vẫn gần và rất thực dụng. Mỗi tội, bóc lạc bụi lắm. Mẹ tôi rất sợ chị em tôi cứ la cà bên hàng xóm, làm giúp, bụi lạc làm hỏng phổi, nên đã xin được việc dán túi cà phê xuất khẩu của công ty ăn uống cho mấy chị em. Bố thì chỉ sợ bọn tôi sẽ bị gù lưng, không muốn rước cái việc ấy về. Chúng tôi quyết không chịu, cứ năn nỉ bằng được. Bà nội quấy hồ rất khéo, hồ nếp, dẻo và trong như thạch. Giấy làm túi cà phê giống như giấy pơ-luya màu xanh cốm. Cầm xấp giấy cuộn lại, để chúng có xu hướng so le, dùng ngón tay cái gại nhẹ cho chúng lệch nhau chừng ba ly, đấy chính là phần giấy cần phết hồ. Chị em tôi mê mẩn cả người vì công việc. Thế là đến cuối hè, đã có chút tiền mua thêm sách, truyện.
Mỗi một mùa hè, cứ tháng Bảy đến là cả nhà tôi đi nghỉ mát, do bên đơn vị bố tôi tổ chức. Chỉ có mình bà nội ở lại nhà. Bà nhớ chị em tôi, trước lúc lên xe, bà cứ nhổ nước bọt vào lòng bàn tay các cháu. Bà nói cho đỡ nhớ. Mùa hè 1964, sau sự kiện ngày mùng 5 tháng Tám, toàn bộ nhà nghỉ của đơn vị bố tôi lập tức từ Sầm sơn về ngay Hà nội. Đánh dấu một cái mốc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ. Một mùa hè thanh bình ghi trong lòng những đứa trẻ, để rồi bước sang một chặng mới với chiến tranh đầy những gian truân.
Những năm sau, lên đến cấp II, hè đến, thấy tình hình yên yên, mẹ vẫn đón chúng tôi về Hà nội. Bố mẹ cho chị em tôi quản lý tiền ăn trong suốt ba tháng nghỉ hè. Tháng này tôi làm, tháng sau đến lượt Vân. Quản lý hè, là tay hòm chìa khóa. Chi tiêu sao cho đủ số tiền mà bố mẹ tôi giao. Tháng nào tôi quản lý, tháng ấy tôi chả còn đồng tiền riêng nào. Có bao nhiêu tiền bố mẹ cho đi xem cine, tiền để ăn quà hay tiền mua sách truyện, tôi nướng cả vào cái vụ quản lý. Tôi sợ thiếu, tôi muốn cho mâm cơm được đầy đặn, muốn bố tôi sau một ngày làm việc sẽ hài lòng với mâm cơm của tôi. Bây giờ ngồi đây, tôi còn nhớ như in những tinh mơ hè dậy sớm ra cung cấp Nhà Thờ xếp hàng mua thực phẩm.
Hà nội trong chiến tranh. Nhưng chỉ sau những giờ báo động, mọi sinh hoạt bình thường lập tức quay trở lại. Chiều tối, tất cả các rạp cine vẫn nườm nượp bao nhiêu lượt người đến xem. Nhiều khi, chiếu xong tập một, khán giả ngồi giải lao vì cuộn phim cho tập hai còn đang ở rạp khác, chưa về. La ó một lát, cái rèm nhung nặng trĩu hé ra:
- Đây rồi, tập hai nhé !
Đến cấp III, thật lòng tôi không muốn có nghỉ hè, với tôi nó là chuỗi ngày buồn và tẻ nhạt. Nhớ các bạn trong nhóm, trong lớp. Nhớ tiếng trống trường, nhớ các thầy cô, nhớ những giờ bình nhật... Năm lớp 9, tôi học cấp III Hà nội A ( sau là trường cấp III Việt Đức), chúng tôi được đi phụ trách hè. Thật là ra dáng ra ràng làm cái chân chị phụ trách. Nhóm tôi được cử về cấp II Thanh Quan. Chúng tôi cho các em duyệt đội, rồi tổ chức chiếu phim đèn chiếu. Tôi thấy mình thật đĩnh đạc và lớn khôn.
Hè của năm cuối cấp III khác hẳn, bọn tôi đã thêm phần chín chắn, sắp thành những cô tú, cậu tú và chia tay với tuổi học trò. Đến năm chót, dù lo bài tập lớn, bài tập nhỏ, dù chuẩn bị ôn thi, chúng tôi vẫn kéo nhau đi bơi trên Quảng Bá, đi xem phim, nhất là khi Hà nội đang có những phim cực kỳ hấp dẫn. Tôi không thể không nhắc đến cái điển hình nhất cho những ngày hè của xứ mình, đó là cái thú ăn kem. Kem que ngoài Hàng Vôi, Long Vân, Thủy Tạ và kem cốc Bốn Mùa. Ngoài Hàng Vôi, chen gần chết để mua được chục que kem, trong một rừng các cánh tay chìa tiền vào mặt cô mậu dịch viên, không nhanh, ra đến nơi chỉ còn que tre, kem chảy hết vì cái nóng hun người.
" Hè ơi sao vui thế
Chim hót ta nghe..."
Lời bài hát văng vẳng bên tai tôi, giữa khung cảnh hè đẹp như trong tranh trên xứ người. Nhưng tôi yêu, tôi nhớ, tôi thương duy nhất chỉ là những ngày hè cũ. Nó mãi nằm đây, trong góc tim tôi, đọng tiếng ve sầu rỉ rả suốt đêm ngày và đỏ rực một màu phượng nở.
Cologne 20.07.2013
Người post: ThuKK
Ngày đăng: 21-07-2013 15:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |