GẶP GỠ NỮ ĐẠI SỨ
Tác giả: CucNT
Có những lúc chỉ cần được nhìn thấy, được gặp mặt người mà ta yêu quý làta đủ thấy vui tươi, hân hoan, hạnh phúc. Đó là cảm giác chung của Hội KGU ở TP. HCM khi được đón nữ Đại sứ Thanh Huyền về Việt Nam.
Mặc dù tối thứ bảy, ngày 6/7, cuộc gặp mặt đã diễn ra tại nhà anh chị Ngân- Phước nhưng do mong muốn được tâm tình nhiều hơn nên Hội KGU ở Tp. HCM đã quyết định ngày 20/7 cuộc gặp mặt sẽ tiếp tục diễn ra tại nhà em Cúc ở Gò Vấp.
16 giờ, anh Phước chở 1 đoàn từ quận 10 về Chùa Nghệ sỹ. Em Cúc ra đón. Cùng lúc chị Huyền vừa tới. Điều mừng nhất là anh chị Trí- Tâm (Cựu sinh viên Việt Nam khóa đầu tiên của KGU cũng có mặt). Tất cả đi vào Chùa trang nghiêm với tất cả lòng tôn kính. Chùa lặng lẽ như bấy lâu nay, trong Chùa chỉ có mấy người coi sóc, không có cành khấn cầu và mườn mượt người đến thắp hương dâng lễ như những ngôi Chùa khác. Mọi người đứng trước mộ bà Phùng Há, nghe thêm lần nữa em Cúc kể về tấm lòng cao cả và cuộc đời bi của thương của bà. Chị Huyền cùng em Cúc vào tháp cốt thắp hương cho những người vô danh em Cúc gửi ở đó.
Ra khỏi tháp cốt, mọi người đến thắp hương cho vợ chồng Nghệ sỹ Thanh Nga.
Thanh Nga sinh 1942, tên thật Juliette Nguyễn Thị Nga, là một nghệ sĩ cải lương tài sắc nổi tiếng của Việt Nam. Bà còn được mệnh danh là "Nữ hoàng sân khấu" của miền Nam Việt Nam thời điểm lúc bấy giờ.
Khi đang nổi đính nổi đám với các vai diễn của mình, nghệ sỹ Thanh Nga đã bị sát hại cùng chồng ngày 26 tháng 11 năm 1978 tại nhà ở đường Ngô Tùng Châu, quận 1 (nay là đường Lê Thị Riêng) TP. Hồ Chí Minh, để lại bé Cúc Cu lúc đó 5 tuổi.
"Bé" Cúc Cu nay đã 39 tuổi, là nghệ sĩ hài có tên tuổi Hà Linh. Nghệ sĩ Hà Linh đã từng kể lại: "Hai kẻ lạ xông vào xe. Tôi sợ quá, ôm chặt lấy mẹ. Tiếng quát tháo của hai gã đàn ông càng làm tôi sợ hãi. Bỗng một luồng ánh sáng lóe lên cùng tiếng nổ đinh tai, bố tôi ngồi trước, ngã gục.
Tôi sợ quá, khóc và kêu "Bố ơi, bố ơi! ". Một gã đàn ông kéo giật tôi ra, mẹ tôi ôm chặt lấy tôi, tôi cũng bám chặt lấy mẹ. Một phát súng nữa nổ vang và ánh sáng nữa lóe lên, máu mẹ tôi ướt đẫm người tôi. Tôi khóc thét lên...".
Công an Tp. HCM đã mở cuộc truy lung ráo riết kẻ chủ mưu ám hại nghệ sỹ Thanh Nga. Giữa lúc đang phải "mò kim đáy bể" thì CA TP.HCM khám phá và tóm gọn một tổ chức phản cách mạng mang tên rất kêu "Lực lượng phối hợp quân sự Liên bang Đông Dương" do tên Mười Núi, là sĩ quan chế độ cũ cầm đầu...
Lời khai của những tên cầm đầu tổ chức phản động này cho biết, chúng đang có kế hoạch giết hại một số nhân vật có tên sau đây: Ông Dương Văn Minh, luật sư Ngô Bá Thành, nhà báo Ngô Công Đức, nghệ sĩ Thanh Nga và nghệ sĩ Kim Cương!
Mục đích giết Thanh Nga được chúng khai là không muốn nữ nghệ sĩ nổi tiếng này tham gia 2 vở diễn đang thu hút được đông đảo nhân dân là "Tiếng trống Mê Linh" và "Thái hậu Dương Vân Nga".
Như vậy, Thanh Nga là mục tiêu sát hại của tổ chức phản động này. Nhưng có phải chúng là thủ phạm đã giết Thanh Nga không? Câu hỏi đó đến nay còn bỏ ngõ.
Thanh Nga chỉ vẻn vẹn sống trên đời được 36 năm nhưng vẻ đẹp khả ái, năng diễn xuất xuất chúng của bà mãi mãi sống trong lòng người hâm mộ.
Phần mộ của vợ chồng Nghệ sỹ Thanh Nga lúc nào cũng có hoa tươi.
Bên cạnh phần mộ của vợ chồng Thanh Nga là mộ của nghệ sỹ Lưu Tấn Tài với dòng thơ khắc trên bia:
"Xôn xao sóng vỗ ngọn tùng. Gian nan là nợ anh hùng phải mang".
Có lẽ đó cũng là câu đúc kết chung cho tất cả những ai mang nghiệp nghệ sỹ.
Chúng tôi đi vào Nghĩa trang. Nhận xét chung của tất cả mọi người là các nghệ sỹ phần lớn qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ. Có phải vì họ cháy hết mình cho nghệ thuật nên sinh lực cạn kiệt rất sớm hay chăng?
Những tấm hình trên bia mộ phần lớn là hình chụp khi các nghệ sỹ đang diễn xuất trên sân khấu nên nhìn ai cũng trẻ đẹp và tràn đầy sức sống. Thế mà nay họ lại đang nằm dưới những nấm mồ hiu quạnh nơi đây. Chị Huyền đưa ra kết luận: "Đây là nghĩa trang duy nhất chôn cất nhiều người đẹp đến thế!". Trời chiều thổi làn gió man mác, ai nấy đều ngậm ngùi, cảm thông và xót xa cho phận đời nghệ sỹ.
Nghệ sỹ Phùng Há khi sáng lập ra Chùa và nghĩa trang nhằm mục đích sau này những người nghệ sỹ neo đơn có nơi mà tá túc nhưng qua năm tháng, Chùa nghệ sỹ đã trở nên nổi tiếng và các nghệ sỹ đều muốn được chôn cất ở đây sau khi qua đời dù họ có đầy đủ con cháu thờ phụng. Có lẽ họ muốn rằng kiếp sau họ sẽ lại được quây quần bên đồng nghiệp của mình và lại cùng nhau cháy hết mình cho nghệ thuật và cũng có lẽ cho đến khi mất đi họ vẫn kiêu hãnh với danh hiệu Nghệ sỹ.
Mọi người lần lượt vào thắp hương trong Chùa và góp tiền ghi ơn Công đức. Em Cúc thấy nữ Đại sứ đứng lặng người trước "Nhà dưỡng lão" chật hẹp, nghèo nàn dành cho những người già nua bệnh tật tá túc. Chùa nghệ sỹ đang chăm nuôi 15 người ở đây. Chị đã gửi tiền nhờ người làm công quả trong Chùa chuyển đến những con người neo đơn đó. Đứng bên chị, em Cúc thấy xúc động nghẹn ngào, cứ muốn ôm lấy chị mà cảm ơn nhưng rồi em im lặng vì làm việc nghĩa, có lẽ, là chuyện thường tình của Nữ đại sứ chúng ta.
Tất cả lên xe đi về nhà em Cúc. Về tới nơi đã thấy em Loan và Long đứng đợi. Quây quần xung quanh bàn, những câu chuyện bắt đầu rôm rả.
Em xin giới thiệu anh chị em trong ảnh từ trái sang phải: Em Bích Loan, em Cúc, chị Huyền, anh Uyển, bạn Long, anh Phước, anh Hoàng Anh, anh Khiêm, anh Trí, chị Tâm, chị Lâm, chị Tuyết. Có hai người KGU mới tham gia gặp mặt là: Loan và Long.
Em Cúc xin được cảm ơn tất cả các anh chị và đặc biệt là anh chị Trí - Tâm, những sinh viên kỳ cựu nhất của Hội KGU TP HCM. Anh chị học từ năm 1962 đến năm 1967. Em Cúc thường xuyên được các anh chị kể về tấm lòng nhiệt tình vô bờ bến của anh chị đối với Hội. Lần đầu tiên có em Bích Loan tham gia nên em Cúc hồ hởi giới thiệu: "- Em Loan học sau em Cúc 1 năm. Em học khóa (1986-1992), em ở cùng phòng với Cúc suốt 4 năm, hai chị em rất thân nhau. Sau nhiệm kỳ của chị Huyền, em Loan làm bí thư thành đoàn Ki si nhốp. Bích Loan quê ở Tp. HCM, em xinh đẹp, hát hay, nhiệt tình, năng nổ. Ba mẹ em là biệt động thành Sài Gòn, ba em hy sinh khi miền Nam sắp được giải phóng. Em thật xứng đáng với ba mẹ em. Bọn em thường nói với nhau: "Con gái của biệt động thành có khác".
Hiện nay, em Loan làm ở Ban quản lý khu công nghệ cao Tp. HCM. Em đã hát tặng cả nhà bài hát Đôi bờ (dva berega). Em hát xong, cả nhà vỗ tay tán thưởng. 12 năm rồi, nay Em Cúc mới được nghe lại giọng hát ngọt ngào, trong trẻo của em. Người đi cùng em Loan tối nay là Long. Long là niềm tự hào của lớp Cúc hồi đó. Long đẹp trai, đá bóng giỏi, hát hay, hào hoa (đúng là người KGU mình lắm người tài quá!). Khóa Cúc có 12 người, 1 anh đã có vợ, chỉ có 2 chàng độc thân nên có lẽ Long là niềm ước mơ của nhiều cô nhưng ngay từ năm thứ nhất Long đã chọn cho mình 1 cô gái mang tên Ngân Hương người Hà Nội nên cả khóa đã "đoàn kết" chơi thân với Long suốt 5 năm bên đó. Hiện nay Long làm ở một Công ty Luật. Bạn đã từng qua Mỹ, cãi thắng luật sư Mỹ mang vinh quang về cho Võng xếp Duy Lợi.
Em Cúc khoe với em Loan và Long rằng, gia nhập Hội KGU, em Cúc đã vui lên rất nhiều, sống có ý nghĩa hơn và luôn dặn mình phải sống tốt hơn để xứng đáng với các anh chị bởi các anh chị luôn là những người rất tốt mà em Cúc phải noi theo. Long dặn em Loan: "Em cứ noi gương chị Cúc như chị Cúc noi gương các anh chị trước đó!". Cả Loan và Long hứa sẽ tích cực tham gia với Hội và sẽ đi chợ KGU. Long tiết lộ là đã đọc rất nhiều bài, Long có làm thơ nhưng chưa post lên. Em Cúc mừng lắm, dịp này, nhất định em sẽ kể công với Hội trưởng là nhờ có chị Huyền hiện diện, em Cúc đã lôi kéo thêm được những nhân vật sẽ tích cực tham gia chợ KGU.
Em Loan có việc nên về trước, cuộc vui cứ tiếp tục, mọi người ôn lại chuyện cũ hồi ở Kishinhốp cứ như đó là nguồn đề tài vô tận. Cứ khen mãi thì không hấp dẫn nhưng quả thực em Cúc không thể không nói lên lòng tôn kính, sự ngưỡng mộ của em đối với vợ chồng chị Tuyết. Anh Hoàng Anh lúc nào cũng sát cánh bên chị. Tất cả đều có chung ý nghĩ, những chàng rể KGU như Hoàng Anh, Kỳ Minh là trên cả tuyệt vời (có phải vì họ cùng được ra đời từ Trường Trỗi không nhỉ?).
Vì lòng yêu mến đối với chị Huyền, em Cúc làm toàn các món quê nhà đãi mọi người. Nộm bắp chuối, bánh đa nướng, đậu phộng, khoai mì luộc, khoai môn hấp, nước chè xanh. Chị Tâm kể, cứ mỗi lần nấu nước chè xanh, anh Trí lại nhắc: "Phải nấu như em Cúc". Em Cúc thì con nít, ham được khen, nghe thế thì hí hửng lắm. Cũng như mọi lần, món nộm bắp chuối được mọi người ăn hết.
Anh Uyển cất tiếng hát bài Cánh đồng Nga (ruskoe pole). Hình như vui hơn vì có mặt nữ Đại sứ hay là em Loan hát hay quá nên lần này tiếng hát của anh Uyển lại thiết tha hơn hết bao giờ. Mọi người đề nghị anh Uyển đi thi "Tiếng hát mãi xanh", thế nào anh cũng được vào vòng chung kết.
Chị Ngân cất lên lời tiếng Việt bài hát "Lời bài hát Thơ Tình Cuối Mùa Thu":
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
...........
Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại !"
Giọng chị ngân lên, trong trẻo thiết tha, em Cúc có cảm giác như đang nghe ca sỹ Lê Dung hát. Lại thêm dịp cho em Cúc được tự hào, chị Ngân học cùng Trường Phan Bội Châu với em Cúc. Cựu Học sinh Phan Bội Châu cũng thương yêu nhau như gia đình KGU, mấy lần đi họp không thấy chị Ngân, mọi người xúm lấy em Cúc mà hỏi thăm. Chị Ngân rất nhiệt tình nhưng sức khỏe của chị không tốt lắm nên chị ít đi đâu.
Câu chuyện lại tiếp tục sôi nổi, mọi người hỏi Nữ Đại sứ về chuyện viza qua Moldova, nghe là biết ai cũng náo nức được trở về nguồn lần nữa. Chị Huyền mua 1 chai rượi sâm em Cúc bán để thết đãi mọi người dù trước đó chị đã mang cả thùng bia tới. Rượi sâm làm ngọt giọng nên anh Uyển lại tiếp tục cất cao tiếng hát bài "Sông Volga tuôn chảy" (Chechiot Volga). Tất cả lắng nghe. Anh Phước thật thà: "Tham gia Hội KGU rồi thấy mình kém quá, ai cũng giỏi, cũng thành đạt trong công việc cũng như trong cuộc sống, thơ văn mọi người hay quá làm mình không dám post lên bài của mình và thậm chí chẳng biết comment thế nào cho xứng đáng". Tất cả cùng cho rằng, không tính chuyện vị trí công tác ở đây, chúng ta là anh em một gia đình và để chợ KGU thêm sầm uất thì tất cả đều nên post những gì mình sáng tác lên. Em Cúc dặn mọi người nhớ tham gia comment vì đôi khi không cần bình luận nhiều về bài viết mà chỉ cần biết rằng mọi người có đọc bài mình viết thế là vui rồi. Anh chị Phước- Ngân là những người đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của hội nhưng vì anh chị ít tham gia viết và còm bài nên nhiều người chưa biết đến anh chị.
Mấy ngày trước, anh Thắng, anh Phư đã báo tin là ngồi Hội đồng, không thể tham gia được. Anh Khánh thì tiếc hùi hụi vì đang ở Hà Nội. Em Cúc thông báo với Hội trưởng, Tổng Nghị, anh Tấn Định, chị Lý, chị Thanh (hy vọng mấy anh chị vào TP. HCM công tác thì tham gia luôn) nhưng mọi người đều nhắn tin chúc buổi gặp mặt vui vẻ chứ không vào tham gia được.
Chị Lâm vừa đi Úc về, đang ốm dở vẫn có mặt. Anh Khiêm chân còn bị băng vì đụng xe vẫn tập tễnh đến, anh Thịnh chạy xô đám cưới để có mặt. Chị Bồng Lai, chị Thu Hồng, chị Linh trách là sao không làm vào hôm khác vì hôm nay không thể bỏ khách Hà Nội vừa vào mà đi. Em Cúc biết có sự nhiệt tình đó là sức hút của Nữ Đại sứ. "Đã là bạn thân, không cần bạn làm gì cả, chỉ cần bạn ở bên ta là ta thấy ấm áp, dễ chịu và thấy cuộc đời thật đáng yêu". Tất cả anh chị em KGU đều có cảm giác đó khi ở bên nữ Đại sứ.
Khuya rồi, phải chia tay nhau thôi. Mọi người lên xe về, em Cúc thấy vô cùng khoan khoái bởi đã có một tối thứ bảy tuyệt vời. Một giấc ngủ nhẹ nhàng, thanh thản đến với em.
Một lần nữa em xin được cảm ơn Nữ Đại sứ và đại gia đình KGU!
Người post: CucNT
Ngày đăng: 22-07-2013 10:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |