Thăm anh Phí Văn Ba
Tác giả: Thục Anh, Hóa 1967
Mỗi khi gặp nhau chúng tôi luôn nhắc đến những người vắng mặt. Đối với một số người, thông tin chỉ là "nghe nói", không có gì rõ ràng cả. Anh Phí Văn Ba (OB 67, chính xác là thổ nhưỡng) là một trường hợp như vậy, chúng tôi "nghe nói" anh không được khỏe lắm. Anh cũng chưa lần nào xuất hiện trong những cuộc gặp mặt của người KGU K1 và K2. Do không biết điện thoại và địa chỉ nên nhiều anh chị em chưa liên hệ được với anh Ba.
Khoảng hơn một năm trước đây, Khánh Trần (OB 73) hỏi tôi: chị có tin tức gì về anh Ba không. Câu trả lời của tôi vẫn là "nghe nói"...Ít lâu sau Khánh có được số điện thoại của anh và ngay khi đó chúng tôi đã hẹn nhau sẽ đến thăm anh.
Vào một buổi chiều đẹp trời hiếm hoi cuối tháng 7/2013 (Hà Nội mùa này thường có những cơn mưa!) hai chị em chúng tôi cùng anh Bảo-bạn học phổ thông của anh Ba và quen biết Trần Khánh- đã đến thăm anh Ba tại nhà riêng: số 59, ngõ 64 Kim Giang. Gọi là ngõ, nhưng đường rộng, hai ô tô lớn có thể tránh nhau dễ dàng, hai bên đường có những hàng cây xanh rợp bóng. Một cái chợ xanh trải dài theo phía bên trái con đường với những dãy hàng bán hoa quả và rau xanh đủ loại...
Gặp nhau, khách và chủ nhà đều có chút bất ngờ. Anh Ba tươi cười mở cửa mời chúng tôi vào phòng khách, dường như anh đã đợi chúng tôi từ lâu. Khá nhanh nhẹn, anh quay vào bên trong rồi mang ra mấy lon bia ướp lạnh để cùng nhau chúc sức khỏe. Bất ngờ thật đấy, bởi chúng tôi cứ ngỡ rằng do đau cột sống, anh đi lại khó khăn hơn nhiều. Còn anh Ba thì nhắc đi nhắc lại mấy lần rằng không ngờ trong số người đến thăm anh lại có tôi. Có lẽ vì tôi, dù học cùng khóa nhưng lại khác khoa. Hè đến các anh chị học ở khoa Sinh vật-Thổ nhưỡng thường đi thực tập xa thành phố trong khi đám CL được đi chơi ở những thành phố lớn như Lêningrat, Kiep...Thấy các bạn OB kể chuyện đi thực tập được vào rừng, đốt lửa, có khi lại ra biển bắt cua, chúng tôi thèm lắm.
Cả khóa chỉ có 6 anh học thổ nhưỡng nên xác suất gặp họ rất thấp, thường chỉ gặp trong các cuộc họp chi đoàn, các dịp lễ hội. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ tất cả: anh Chánh hội trưởng, anh Triều, anh Thứ, anh Tuấn, anh Ba và anh Hoàng. Riêng anh Ba (chúng tôi đang nói về anh mà), thời sinh viên đã nổi tiếng bởi chiều cao "nổi trội" trong số sinh viên Việt Nam và nổi hơn cả là giọng ca vàng của anh. Đó là một trong những niềm tự hào không chỉ của riêng sinh viên Việt Nam mà là của cả KGU hay ít ra cũng là của khoa Sinh vật - Thổ nhưỡng. Các cuộc liên hoan văn nghệ của trường - tôi nhớ là khóa Hóa và khoa Sinh vật thường tổ chức chung- luôn có tiếng hát của anh. Anh hát nhiều bài hát thịnh hành thời đó. Tôi nhớ nhất là bài Moлдавские ночи, một bài hát riêng về Moldavia, rất hợp với giọng trầm và ấm của anh Ba.
Sau khi tốt nghiệp, tôi hầu như không có dịp gặp lại các anh "thổ nhưỡng", cũng không biết rõ các anh làm việc ở đâu. Mấy năm gần đây chúng tôi mới gặp lại anh Phạm Tiến Hoàng trong các cuộc du xuân của người KGU và các cuộc gặp mặt khác của K1, K2. Tôi tình cờ gặp anh Ba một lần vào năm 2000, trong một hội nghị khoa học về HIV/AIDS tại Hà Nội. Anh Ba phát hiện ra tôi trước trong giờ giải lao. Tôi vẫn nhớ một câu nói của anh khi đó: "Mình cố tình lượn trước mặt xem bạn có nhận ra không". Lúc đầu tôi không nhận ra thật vì đang mải chuyện trò với những người quen. Sau giải lao, tôi lo chuẩn bị trình bày báo cáo nên không chú ý tìm anh Ba nữa, có lẽ anh Ba cũng vậy, anh cũng có một báo cáo trong hội nghị này. Khi đó tôi có chút ngạc nhiên, không hiểu sao anh Ba lại xuất hiện ở hội nghị với tư cách một nhà xã hội học. Còn tôi, làm việc trong ngành y tế, việc thực hiện nghiên cứu về HIV/AIDS là chuyện bình thường. Vậy mà đã 13 năm trôi qua...
Dù lâu rồi mới gặp lại, nhưng cuộc chuyện trò đã diễn ra thật thân tình và cởi mở, đúng với phong cách người KGU. Anh Ba tự hào rằng, về sức khỏe, anh hoàn toàn bình thường "từ phần ngực trở lên", nghĩa là trái tim, khối óc và tiếng nói vẫn tốt. Công việc chính của anh là dạy các cháu bé tiếng Nga, tiếng Anh. Các cháu ở đây là con, cháu những người quen muốn gửi gấm cho anh, không chỉ dạy chữ mà chủ yếu là rèn người. Có trường hợp, cháu bé hư, bố mẹ đã coi như đồ bỏ đi, vậy mà sau khi học "thày Ba", cháu thay đổi hoàn toàn, hiện nay đã lớn khôn và thành đạt. Các con của anh đều khá cả và có cơ ngơi tốt.
Chúng tôi còn được nghe những "chuyện bây giờ mới kể" của thời học phổ thông, thời đại học và sau đó. Tôi cũng có vài chuyện nhỏ góp vào. Hai chị em chúng tôi kể cho anh Ba nghe về Hội người KGU và những hoạt động của Hội, cho anh biết là có cả sách về người KGU và địa chỉ web của Hội.
Mấy lon bia đã cạn, đĩa nhãn cũng vơi dần, nhưng cuộc chuyện trò không dứt ra được. Anh Ba tỏ ý muốn đến thăm lại bạn bè vào lúc nào đó, nhưng hiện có khó khăn về vận động, chỉ đi loanh quanh trong nhà, ra sân, đi vài chục met thì được, đi xa hơn phải có người đưa đón. Chúng tôi nhanh chóng ngăn chặn ngay ý tưởng này vì là người KGU, thì không ai phải băn khoăn gì hết, lá lành (về sức khỏe) đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Đã hơn 5 giờ chiều, chúng tôi xin phép ra về. Anh Ba tiễn chúng tôi ra tận ngoài đường, vẫn với nụ cười lạc quan, anh nói: "Biết số điện thoại rồi, thỉnh thoảng gọi cho nhau nhé". Chúng tôi hứa sẽ gọi cho anh theo số di động 01683112596.
Thục Anh CL 67 - Khánh Trần OB 73
Người post: KhanhT
Ngày đăng: 05-08-2013 21:09
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |