KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 23 Tháng tám. 2013

ANH BỘ ĐỘI GIÀ




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                              ANH BỘ ĐỘI GIÀ


Năm 1944, đang học năm chót trường Thăng Long Hà nội, mà thầy dạy môn Sử của trường chính là Tướng Giáp năm xưa, thì bố tôi và chú Sơn, hai anh em rủ nhau ra nhập Việt minh cứu quốc. Chú Sơn tôi đã hy sinh trong trận Tu Vũ, mở màn chiến dịch Hòa Bình tháng 12 năm 1951.

      Những năm kháng chiến chống Pháp, bố tôi công tác bên tuyên huấn. Sau này, hòa bình lập lại, bố tôi chuyển về Tổng cục hậu cần. Trước lúc nghỉ hưu, ông công tác tại Tổng cục kỹ thuật...

      Năm ấy đã giáp Tết, nhưng hầu như trong lán trại các đơn vị chưa thấy rục rịch gì. Ai nấy còn bận mờ mắt chuẩn bị chiến dịch đông xuân. Bố tôi gợi ý đồng chí nuôi quân:

- Này, tớ bảo cậu nhé ! Lấy dao thớt ra đây, ta băm chặt cho loảng xoảng lên. Gây khí thế Tết, cho sôi động lên chứ !

- Nhưng, băm cái gì bây giờ ? Đồng chí cấp dưỡng gãi đầu nói.

- Cậu cứ mang đồ nghề nhà bếp ra đây.

Thế rồi anh em xúm nhau lại, băm chặt chan chát. Bố tôi vào lục tìm được hộp thịt của lính Pháp còn xót lại, chiết tý nước sốt trong hộp ra cái chảo. Chú cấp dưỡng cho vài lát hành khô vào, đảo lên. Gớm, thơm om cả lên. Các lán bên cạnh bắt đầu nhấp nhổm. Thế là đã đánh động được rồi, bố tôi bảo nhỏ chú cấp dưỡng. Chẳng phải mời gọi, lính ở các lán lân cận kéo hết sang bên Ban tuyên huấn.

- Sang bên anh Cẩm ăn Tết năm nay đây !

Bố tôi bấm bụng cười, chuyến này các cậu mắc lừa lính tuyên huấn nhé !

- Cứ yên trí, thế nào họ sang, cũng mang theo quà Tết, chẳng đi không đâu. Bố tôi nhìn chú cấp dưỡng nói.

Mà quả thật là như vậy. Bộ đội sống có bao giờ không chia sẻ. Thôi thì chè lam, kẹo lạc, trà mạn, thuốc lào, lại cả thuốc lá nữa mới xôm chứ !

Chú cấp dưỡng mang cái thớt khô khốc, sạch bong, chả có tý thịt thà nào, lấy dao gõ phèng phèng trước đám lính khách. Cả hội cười xòa vì cái lém lỉnh của anh lính Hà nội.

Đêm ấy, bên bếp lửa hồng, lính ta uống trà suông với chút kẹo quê. Bố tôi lấy cây đàn măng-đô-lin cũ mèm của Ban ra, cả dàn đồng ca vang lên bài Bắc-Sơn. Ngoài kia, rừng núi trong âm u, sương mù. Trong này, lán trại đơn vị, ấm áp tình đồng đội, tình của những anh vệ quốc quân một tết nữa xa nhà, nhưng tràn ngập tin tưởng tới ngày chiến thắng. Cái Tết trên chiến khu ấy, bố tôi nhớ mãi tới hôm nay.


Năm thứ hai đại học, tôi có bạn trai, bố của Bảo Khánh. Tối đó, tôi lấy một tấm hình ra cho bọn con gái cùng phòng coi. Trong hình là một sỹ quan hàm thiếu tá, chụp ảnh dưới quân kỳ. Hồi ấy chả có ảnh màu, nhưng đánh cu-lơ đẹp lắm.

- Ai đấy hả Thu? Lại mới quen bên sân bay chứ gì?

- Gớm, thế mà cứ im thin thít, không trình làng.

- Dạo này bên Không quân vào trường mình ác nhỉ.

Hầu như bọn con gái không biết phân biệt các binh chủng ở quân hiệu. Trong suy nghĩ, tất cả các bạn gái cùng phòng tôi, đều cho rằng, anh sỹ quan kia thuộc không quân.

Thôi thế là tôi và Nga, bạn gái cùng giường tầng, cứ lăn ra mà cười.

- Này, đừng nói linh tinh. Ảnh bố Thu đấy, vớ vẩn. Phi công nào ở đây. Cái Nga bạn tôi kết thúc màn kịch tôi dàn dựng.

Đấy là tấm hình bố tôi chụp dịp phái đoàn quân sự DDR sang VN, tôi nhớ là năm 1962. Cũng trong dịp này, những sỹ quan nào được chụp ảnh dưới quân kỳ sẽ nhận quà tặng một cái đồng hồ Đức. Và từ bấy đến nay, cái đồng hồ Đức ấy, nó mãi theo anh bộ đội già. Con trai con gái, tặng ông bao nhiêu cái mới, cả đồng hồ Thụy Sỹ, nhưng bố tôi kết nhất vẫn là cái đồng hồ cố đỉn kia.


     

  Trong dịp đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ CCB tại Sài Gòn            

                  ( Cha tôi là người có dây chìa khóa)

 

Cuối thập niên 80, mẹ tôi cũng về hưu. Hai ông bà sống nghèo nàn và thanh đạm. Lúc ấy, mấy chị em tôi vắng nhà, các cháu đều gửi ông bà ngoại. Mỗi sáng chủ nhật, mẹ tôi lại nhắc:    

- Ông cháu đi ăn phở đường sắt đi.

Thế là bầu đoàn thê tử lên đường. Về đến nhà, mẹ tôi hỏi ngay:

- Ăn phở gì đấy hả con?

- Bọn con thì có người lái, còn ông không có người lái đâu bà ạ.


Bắt đầu nghỉ hưu, bố mẹ tôi nuôi lợn ngay. Ông cứ từng cọng rau muống, rửa dưới vòi nước ri rỉ bằng cái đũa, rau cho lợn đấy. Hai ông bà nuôi được con lợn, có dạo lên đến 105 ký ! Mẹ tôi cứ gọi đùa là xe máy 105.

Đợt ấy, cậu em tôi từ Sài gòn ra Hà nội. Cậu không báo trước, để dành bất ngờ cho hai cụ. Ra đến nơi, hình ảnh đầu tiên cậu nhìn thấy là cái máng lợn. Em tôi đập tan nó ra, vừa đập vừa khóc.

- Con khổ lắm ! Con biết ngay mà, nên con không báo trước rằng sẽ ra. Thôi nhé, không heo, lợn gì nữa đâu.

- Em biết, chỉ cần em ra đến sân bay thôi, là bố sẽ ra chợ mua cái máng lợn khác ngay. Cậu kể lại với tôi năm ấy, khi chị em tôi gặp nhau lần đầu ở Cologne.

Đã 66 năm trôi qua, kể từ ngày nhập ngũ, với hơn 60 tuổi Đảng, chỉ từ năm ngoái lại đây, bố tôi mới nghỉ hoạt động cho phường cho quận vì chân kém đi nhiều. Bây giờ ông chỉ tập thể dục trên giường được thôi, hai chân vẫn guồng chơi vơi vào không trung. Sắp 90 rồi !

Năm 2000, mừng đám cưới vàng của bố mẹ tôi, bác Phạm Thúy, đồng đội cũ có tặng bài thơ thêu trên lá cờ này.


                      

                      MỪNG ĐÁM CƯỚI VÀNG

                               Cẩm - Bình


                  Nhớ thưở ban đầu đất Bắc Giang,

                  Mấy chàng "vệ quốc" thật hiên ngang

                  Tài hoa, thích diện, ưa ca hát

                  Cẩm - Nghĩa hòa vang rộn tiếng đàn


                  Hiên ngang gian khổ thiếu chi đâu,

                  Rừng núi chiến trường, đất lạnh sâu

                  "Anh lính cụ Hồ" tình vẫn thấm

                  Tóc xanh nay tuyết đã phai màu


                  Bình - Cẩm năm nay đám cưới vàng

                  Mong rồi mừng đám cưới kim cương

                  Đề huề con cháu, vui tình bạn

                  Như hồi anh lính trẻ tiền phương

                             19.08.2000

              Phạm Thuý - Đồng đội Trung đoàn Bắc-Bắc


Ngày mai, Quận-đội sẽ đến đón ông đi nói chuyện. Ông vẫn viết lách cho Hội cưu chiến binh của Thành phố. Và rất thích đọc tin tức, thơ, văn trên trang web của KGU và bài của diễn đàn Kiev. Ông đã nhờ tôi đăng một bài thơ ông viết, nhân ngày bà lên lão 70, trên Trang Thơ của cựu sinh viên Kiev.

                         

      NIỀM VUI TRÙNG HỢP 


Mừng bà năm nay tuổi bảy mươi 
Năm mươi "tuổi cưới" vẫn còn tươi 

Tóc bạc "bạch kim" khỏi cần nhuộm 
"Hoa hậu bảy mươi", chứ chẳng chơi 
               
 Năm xưa nhớ lại ngày lễ cưới 
 Mới ngày nào, nửa thế kỷ rồi! 
 Mười chín tháng Tám, vui tràn ngập. 
 Cờ tung bay khắp chốn, mọi nơi 

Hôm nay đây đón mừng xuân mới 
Cờ cũng bay, đỏ rực khắp trời 
Mừng thế kỷ, thiên niên kỷ mới 
Mừng Đảng quang vinh, tròn bảy mươi 

 Niềm vui trùng hợp quá trời! 
 Bảy mươi năm ấy, cuộc đời vẫn xuân 
 Chúc bà khỏe mạnh đôi chân 
 Điểm tựa vững chắc, tinh thần thảnh thơi 
 Đôi ta, chồng vợ, đạo trời  

Vẹn tình, trọn nghĩa, suốt đời vào Xuân. 

 20 tháng Hai 2000 

Xuân Canh Thìn  


22 tháng 12 năm nay, kỷ niệm lần thứ 68 ngày thành lập QĐND Việt Nam đấy. Con mong sao bố vẫn được khỏe mạnh như ý, chắc kỷ niệm lần thứ 70, lễ sẽ cử hành rất trọng thể. Bố con mình sẽ đón nó trong vui mừng và tự hào của toàn quân, toàn dân bố nhé !


Cologne 21.12.2012


 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 23-08-2013 02:02






Xem 1 - 10 của tổng số 27 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

26/08/2013 21:30:19

@Chào Kiên, mình chưa chăm sóc bố mẹ mình được ngày nào, vì cứ đi vắng, xa nhà suốt. Cho nên, tất cả những ngày phép trong năm, mình dành hết về VN, thăm bố mẹ, mỗi năm, mỗi về.  Những năm trước 2010, chưa gặp lại được bọn Tuyết & Tuấn Phương, mình không ra khỏi nhà, chả có bạn nào trong SG, chả có ai mà đàn đúm, tụ tập. Hai năm gần đây, mình về nhiều hơn, chỉ sợ ông bà nhỡ phải ra đi, lại ân hận. Hình dưới chụp hồi 2005, trong một siêu thị ở Sài Gòn. Bây giờ thì dung nhan các cụ khác lắm rồi.  Mỗi đổng chí, chơi một cái gậy cho chắc ăn.


 


            



Từ: TungDX
26/08/2013 21:29:15

Viện KTQS có mô hình Viện trong Viện tương ứng Viện KHVN lúc bấy giờ. Dưới Viện KTQS là gần 20 viện chuyên ngành. B6 là Viện VK sau này là Viện Tên lửa thời gian đó khéo anh Bàng là Viện trưởng. Công việc với Cụ nhà mình chắc là các Viện phó chính trị và Bí thư Đoàn anh Long



Từ: Guest Kiên
26/08/2013 16:59:58

Chị Thu thật hạnh phúc khi còn được phụng dưỡng song thân. Cho em kính chúc hai cụ sức khỏe, trường thọ, sống hạnh phúc cùng con cháu.



26/08/2013 09:41:15

@Chị BaLX, em rất thích bức hình của bọn chị Uyên & Tuyết. Hôm ấy, rất tiếc em không có mặt.  


@Giảng ơi, mình xin lỗi. Viết & gọi sai tên quả thức là không hay chút nào. Xin lỗi Giảng nhé !



Từ: BaLX
26/08/2013 08:13:36

Bố mẹ Thu trông đẹp lão quá, chị rất ngưỡng mộ hai bác. Cái ảnh bố Tuyết chụp 4 chị em, chị đã nhìn thấy trong album ảnh của chị Tùng. Hiện mọi người tất nhiên có già đi, nhưng nhìn là nhận ra ngay. Khi nào ra HN chị sẽ dẫn bọn em đi gặp chị Uyên và Tùng, để cùng nhau nhớ lại những ngày đi sơ tán ở Chương Mỹ. 



Từ: GiangHV
26/08/2013 07:37:33

@ Bạn Kim Thu: Giảng (Hồ Văn Giảng), chứ không phải Giang. Tiếng Việt làm cho người ta vất vả thế đấy. Hy vọng Du xuân 2014 Bạn lại về.



25/08/2013 15:21:21

@Anh Tung, lúc bố em ở TCHCần cùng với bố Tuyết HA, thì ông vào trong thành ở Cửa Đông. Về TCKThuật, ông làm việc trên Bưởi anh ạ, sau đó về hưu. Em chỉ nhớ tên các bác trên Bưởi là bác Tài B xít ( B6), bác Giao & một anh Long thiếu tá, hay đến nhà gặp bố em.


@GiangHV, mình kém về tên các địa danh. Cứ lấy huyện này cắm vào tỉnh nọ. Không nghe Giang nói, thì cứ đinh ninh Xuân Mai thuộc tỉnh Hòa Bình. Hồi 67, 68 bọn mình & Tuyết theo các chú bộ đội lên mua củi trên Xuân Mai. Lúc ấy XM còn heo hút. Chắc bây giờ đông vui, sầm uất lắm rồi. Đất nước thay đổi ghê quá, đẹp & khang trang lên nhiều lắm, khó nhận ra được. Mình nhìn thấy đằng sau chân dung của Giang là một khóm hoa, chắc tulip quá, biểu tượng hoa độc đáo của Hà Lan.



Từ: TungDX
25/08/2013 10:28:55



Viện KTQS thành lâp 1964  ban đầu trực thuộc Tổng cục Hậu cần, những năm 70 trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Anh về 1975, đã hai lần 1982 và 1986 vào sân Gò vấp tranh vòng chung kết bóng đá của TCKT, chắc cũng đã từng là quân của CỤ



Xưa chúng ta học Văn hóa tư tưởng chỉ là quan trọng; Ngày nay quan điểm của đảng đã thay đổi, bài giảng tại trường Đảng Lý luận Chính trị Cao cấp xác định Văn hóa Tư tưởng là động lực phát triển (ngang hàng với Lực lượng SX) cho nên:



Văn hóa tư tưởng sáng ngời



Nguồn động lực, ánh sáng soi tâm hồn



Đó là nét cao quý của nghề nghiệp



 



Từ: GiangHV
25/08/2013 09:17:02

 


Thu à! Đúng rồi đó, hiện giờ vợ chồng Giảng (đều đã nghỉ hưu) đang sống ở thị trấn Xuân Mai, theo kiểu "tái xuân", vì 2 con đều "bỏ" bố mẹ về sống với vợ ở Hà Nội. Tuy cách Trung tâm HN 40 km, song nhà mình ở Xuân Mai lại là địa chỉ rất hay được ACE KGU chọn để "dã ngoại". Lớp OB77 bọn mình cũng rất thích chọn nhà mình là nơi tụ tập mỗi khi có các bạn từ TP.HCM ra HN. Có một thông tin cần đính chính: không phải trước đây Xuân Mai thuộc Hòa Bình đâu, chỉ có giáp gianh với đất Hòa Bình thôi.


Xin giới thiệu thêm với Thu là: khóa 77 bọn mình được đánh giá là khóa thích tụ tập, đàn đúm, ham chơi nhất Hội KGU đấy. Từ năm 1996 (nhân kỷ niệm 25 năm ngày đến với KGU) khóa 77 đã duy trì các cuộc gặp gỡ (được tổ chức rất bài bản, hoành tráng, có nội dung rất phong phú) rất đều đặn nhân kỷ niệm 25 năm, 30 năm, 35 năm,... ngày nhập trường KGU; và 20 năm, 25 năm, 30 năm,... ngày tốt nghiệp KGU.


Thu à! Tấm ảnh avatar này của Giảng là ảnh chụp tại trang trại trồng hoa ở Hà Lan cách đây 5-6 năm đấy, nhân một chuyến công tác dài ngày tại Đức, tranh thủ quá bộ sang Hà Lan để chiêm ngưỡng hoa và cối xay gió.


 



Từ: Guest Phương Hạnh
25/08/2013 08:01:48

Thu ơi, thấy bạn được cười hạnh phúc chụp ảnh cùng bố mẹ và bè bạn mà mình thất ghen tị quá! Kính chúc hai bác mãi khỏe và trường thọ! 




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s