KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 27 Tháng tám. 2013

THÂN THƯƠNG QUÊ NGOẠI




Tác giả: DinhNT

Nhớ quê, thường là càng xa càng nhớ. Nếu cứ lấy bán kính rồi khoanh một đường tròn thì quê tôi nằm trên cái đường tròn có bán kính năm trăm ki-lô-mêch. Như thế cũng gọi là xa xứ được rồi, nhưng xa sao bằng những người có quê tận Nam Bộ, rồi Kiên Giang, rồi Cà Mau. Như với cháu Bình con rể tôi thì bán kính đó phải tính bằng con số ngàn, rồi nhớ quá nói vống lên là xa quê hàng ngàn cây số, cũng không thấy ngoa. Nhưng mà thương lắm! Vì thế, khi ngồi nói chuyện quê nội quê ngoại với bạn bè, tôi vẫn thấy mình là người hạnh phúc nhất rồi.

 

Thì nhé, quê nội quê ngoại tôi gần nhau lắm, chỉ là đầu làng cuối xã. Từ quê Nội cứ dọc theo dòng Kiến Giang thì khoảng hơn nửa tiếng chèo đò là đến. Nói thế cho nó xa xôi thêm một chút, chứ mà đi xe đạp hay xe máy như bây giờ thì xe chưa kịp nóng máy đã thấy nhà Ngoại rồi. Mà trên thực tế nó cũng nhanh thật, đến 4 cây số mà không có cái ngã tư nào, không có cái đèn đỏ nào, cũng không phải tránh cái ô-tô nào thì các bác bảo phải mất bao nhiêu thời gian!

 

Thời nhỏ, tôi gắn bó với nhà Ngoại lắm lắm. Tôi có cái thiệt thòi là ngay từ bé đã không được sống với Ông Bà ngoại một tí xíu nào. Già rồi, đôi lúc nghĩ lại vẫn thấy tủi thân, lạ thế. Có lẽ vì khi mình có cháu ngoại, rồi thấy nó hạnh phúc như thế nào trong vòng tay ông bà ngoại, rồi mới liên hệ đến bản thân, rồi thấy tủi chứ trước đây không có thế. Bù lại nhờ có mẹ, anh em tôi gắn bó với ngôi nhà của Ngoại hơn bất cứ một đứa trẻ nào ở quê!

 

Ông ngoại tôi hy sinh trong nhà lao Huế khi tôi còn chưa chào đời. Còn Bà ngoại lại ở Việt Bắc. Vì vậy mẹ tôi thường đưa các con về nhà Ngoại để chăm sóc ngôi nhà bỏ không trong hàng chục năm trời, vì thế mà trở nên gắn bó. Đến khi chị Cúc tôi bị tên lửa Mỹ phóng vào thuyền bị thương nặng, cũng được đưa lên nằm tạm để sơ cứu ở bến sông nhà Ngoại, rồi từ đó mới chở lên bệnh viện huyện. Vì vậy cứ mỗi lần về Ngoại là thế nào tôi cũng xuống bến sông ngồi một lúc lâu, khi nào mẹ gọi lên ăn cơm mới chịu lên. 

 

Ông Bà ngoại để lại cho mẹ tôi ba sào ruộng mật cách nhà có một tầm bắn súng cao su, vì thế kể từ lúc gieo mạ cho đến lúc cấy cây lúa xuống đồng, rồi đến ngày mùa nào là gặt là đập là phơi nhất nhất đều ở nhà Ngoại, mãi sau này đưa ruộng vào HTX mới thôi.

 

Ngẫm lại, trẻ con có gắn bó với bên ngoại hay không phần nhiều cũng nhờ người mẹ. Trừ những tháng năm tôi sống ở Hà Nội (cũng lại ở với bên ngoại!) còn nếu đã ở quê thì mẹ tôi luôn có việc để các con phải về bên Ngoại. Đứa lớn thì tự đi, còn bé thì lõn tõn chạy theo mẹ băng qua cánh đồng là đến nhà Ngoại. Nhờ thế lũ trẻ chúng tôi có thêm nhiều kiến thức về cây lúa, về con mương, về cánh bèo, về khoảnh ruộng và về các mùa vụ. Lớn lên lũ chúng tôi biết ơn mẹ rất nhiều vì những điều tưởng là bình thường đó.

 

Lẽo đẽo theo mẹ, và khi mới ló mặt đầu làng đã nghe tiếng chào hỏi vọng ra từ ngôi nhà đầu tiên - O Lài, O Lài! Rồi đến trôổng (ngõ) tiếp theo: - Dì Lài Dì Lài. Tâm hồn trẻ nhỏ cảm thấy lâng lâng rồi ngập tràn một tình yêu thương vô bờ bến. Sau này lớn lên mới hiểu thêm, đó cũng chính là phương thuốc hiệu nghiệm nhất dành cho những người phụ nữ lấy chồng xa nhà, để họ vượt qua được mọi gian nan vất vả, theo chồng nuôi con.

 

Khi đến thăm một nhà bà con, nghe bà Dì hỏi: "Ui chao, thằng Định đây têêê!" với giọng trìu mến và đầy yêu thương, nhưng hãy coi chừng là có pha chút hờn trách đấy nha! Biết thế để mà chăm về hơn, và mỗi lần về quê ngoại, hãy siêng ghé thăm nhà bà con hơn nữa. Để đến lúc nghe bà Dì chào bằng một câu hỏi: "Ui thằng Định, về lúc mô rứa con!", là coi như mình đã về đến nhà mình rồi!

 

Sau này khi ngôi nhà của Ngoại được sửa sang nâng cấp, khuôn viên mảnh vườn được quy hoạch lại thì Cậu tôi dặn con cháu, đứa nào cũng phải có trách nhiệm trồng một hai cây gì đó trong sân vườn ông bà để làm kỷ niệm. Trước đây tôi mang về trồng mấy cây ăn quả nhưng cứ đến mùa lụt là nó không qua được, cứ bị chết héo. Bây giờ ai về thăm ngôi nhà của ngoại tôi, nếu thấy phía trước sân có khóm mẫu đơn trắng thì đó chính là cây mẫu đơn tôi trích giống từ gốc mẫu đơn trên mộ mẹ chị Hồng Anh ở Nghĩa trang Mai Dịch - Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Khóm mẫu đơn này cho hoa màu trắng, rất nhiều hoa và đẫm hương thơm. Mỗi kỳ hoa nở, bướm ong kéo về đầy cả một khoảnh sân.

 

Tôi được cái may mắn là lần nào Cậu tôi về thăm quê đều cho tôi đi cùng, kể cả những lần đi bằng tàu hỏa. Còn nhớ lần đó Cậu tôi thấy trong người khỏe khoắn hơn mọi năm nên duyệt một cái chương trình khá nặng. Đầu tiên là từ Đồng Hới đi thẳng lên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện dâng hương trên đó trước, và thắp hương cho ông ngoại tôi. Ông tôi nằm ngay phía sau Đài Tổ Quốc Ghi Công, cạnh mấy Liệt sĩ Anh Hùng, trong đó có anh hùng Lâm Úy mà chắc ai cũng còn nhớ chiến công của Anh. Bà ngoại tôi nằm cách ông khoảng vài trăm mét, trên mé đồi phía ngoài Nghĩa trang.

 

Lúc về đến An Xá thì cũng đã quá trưa rồi, bà con kéo đến chật nhà, chào hỏi râm ran, thật là cảm động. Cậu tôi tiếp khách, hỏi han bà con, không quên một người nào. Thấy Cậu tôi tiếp khách nhiều hơi mệt, bà con biết ý khuyên cậu đi nghỉ, vậy mà cũng phải xong tiết mục chụp ảnh lưu niệm rồi mới đi nằm.

 

Các anh chị bố trí cho Cậu tôi nằm trên chiếc giường đôi kê sát ngay gian thờ Ông Bà. Thấy Cậu ngủ yên, tôi liền đưa cái quạt giấy cho chị Phúc rồi lục cặp lấy ra chiếc máy ảnh. Chị Phúc vẫy tôi lại gần rồi nói thầm: "Người ta kiêng chụp khi đang ngủ đấy". Chị Bình đang ngồi góc giường bên kia nhanh trí lấy trong túi ra con lắc bằng bạc nói là để đo năng lượng, chị vừa cho con lắc xoay tít vừa nói: "Chụp đi, chụp chị đi!". Không kịp ngắm nghía gì tôi bấm liền hai nhát, lấy ánh sáng thường hắt vào từ cửa sổ phía sát vườn.

 

Có lẽ sau gần tám mươi năm, đó là lần đầu tiên, Cậu tôi có được giấc ngủ ngon lành và yên bình nhất trong ngôi nhà của mình ngay trên mảnh vườn ông bà để lại. Lúc đó Cậu tôi đã ngoài chín mươi.

 

Cứ nhớ đến hình ảnh Cậu đang ngủ ngon lành trong ngôi nhà của ông bà vào buổi chiều tháng Chín năm ấy, tôi lại rưng rưng không viết tiếp được nữa. Các bạn thứ lỗi cho tôi nhé...

 

  

Cụ Khế Bách Niên


Người post: HaiNV

Ngày đăng: 27-08-2013 18:06






Xem 1 - 10 của tổng số 15 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest trang
07/11/2013 18:16:35
tyyyy


Từ: MinhCK
03/09/2013 01:24:38

Ông viết kiểu gì làm người ta cứ nhớ nhớ, thương thương. Tôi đọc trên đường du lịch trước khi đi ngủ tại Florence mà cứ nhớ ông hoài. Ông tài đến thế là cùng thôi. Mỗi người có những kỷ niệm riêng về quê hương, nhưng kỷ niệm của ông làm nhiều người phải phát thèm đó. Chúc mọi việc an lành.



Từ: NghiPH
31/08/2013 22:54:58

Anh Định ơi! Em nhớ hồi xưa nền nhà trong căn nhà của thầy mẹ em cũng là nền đất nện. Mùa hè đi chân đất trên đất mịn mát lắm. Lăn ra ngủ trên nền nhà cũng rất tuyệt!



Từ: DinhNT
28/08/2013 23:26:23

@TungDX: Nhà này khi nâng cấp làm mới hoàn toàn, đầu tiên là đi tìm mua một bộ khung nhà gồm kèo, cột, đòn tay giống hệt ngày xưa, nhưng về kích thước thì lớn hơn. Nền nhà tôn cao hơn ngày xưa để đề phòng lụt, vậy mà lụt như năm ngoái cũng ngập đến trên thắt lưng cơ đấy, TungDX ợ. Duy chỉ có nền nhà là Cụ không cho lát gạch men hay láng xi-măng mà bắt cứ để nguyên nền đất nện như nhà ông bà ngày xưa. Ngày hè đi chân trần mát lắm, và nghe đâu chân thường xuyên tiếp đất thì cũng tốt cho sức khỏe. Cơ mà sau mỗi trận lụt thì nhão hết cả ra, phải để khô khô rồi nện lại mới ổn đấy.


---


@LiTM: Nói thêm là nhà ông bà nội của anh rất gần làng ông Diệm, đó là làng Đại Phong. Mỗi lần Lý ghé thăm nhà Ngoại của anh là phải đi qua làng ông Diệm, tiếp đến ngang qua làng Tuy Lộc bên Nội của anh rồi mới đến An Xá quê Ngoại. Hồi bé anh học với mấy đứa cháu ông Diệm, chúng nó cũng chả bị kỳ thị gì đâu. Bạn cùng lớp mà anh chơi thân là Ngô Đình Vinh, cận lòi đít chai!


---


@KhanhsT: Ý tưởng gắn Biển Di sản của Khánh rất hay nhưng chắc là trong nhà chả ai đồng thuận đâu. Vì ai cũng biết, cái gì ở mình sau khi gắn biển Di sản rồi đều mất thiêng. Lúc đó xin gỡ cũng khó, hãy xem làng cổ Đường Lâm thì biết!


----


@GiangHV: Lúc tối có bà giáo bên Kish. gọi điện, bảo em này tên Giảng chứ không phải Giang đâu em Dinh ơi. Mình trả lời bà giáo là thưa Cô, em rõ rồi ạ, em sẽ đính chính. Cơ dưng mà tên em là Định chứ không phải là Dinh đâu ạ.


Giải thích một hồi, cuối cùng phải mô tả về dấu thì Cô mới thủng. Đại khái mình nói với Cô là, tên em có dấu nặng, nghĩa là "Mai-ia xtrenka ime-iet pê-trat chia-rố-lưi" cô ạ, tiếng Nga hẳn hoi nhé! Hihi.



Từ: KhanhT
28/08/2013 22:27:27

 


Nói gắn bó với bên Nội thì là truyền thống, vẫn theo họ cha như nhận thức từ xưa đến nay. Nhưng gắn bó với bên ngoại thì mỗi nhà mỗi cảnh. Tớ cũng giống TĐ, không được biết mặt Ông Bà Ngoại. Ông Ngoại tôi mất khi mẹ tôi mới 8 tuổi. Ông đi kiện Tây nó chiếm đất của ông làm đường đi Bến Thủy, nó không đền bù còn bị nó đánh, về tức quá mà chết. Vì thế mấy cậu (ngoài Bắc gọi là bác) tôi đều trốn đi kháng chiến hết. Mẹ tôi là con thứ 13 trong gia đình hai bà, 16 con. Cha tôi từ khi bị Nhật truy nã phải trốn vào Thạch Hà, Cẩm Xuyên Hà Tĩnh dạy học tư, chỉ về nhà để sinh con thôi, rồi đi, nên mẹ tôi dắt díu con cái về bên ngoại sống, được các dì (bác) đùm bọc che chở. Mặc dầu mẹ tôi con bà hai, nhưng anh chị em trong nhà không phân biệt, sống chung, rất thương yêu nhau. Cũng có phần là bà hai (bà ngoại tôi) là do bà cả cưới cho ông Ngoại. À mà Cụ khế bách niên nhà Ngoại của Định thuộc loại CÂY DI SẢN rồi (>100 năm tuổi), BìnhLT ơi phải gắn biển sớm. 



 



Từ: Guest LiTM
28/08/2013 21:45:51

Cảm ơn anh DinhNT đã gọi em là "Người thơ" với ý như anh lý giải. Tên này cũng rất ý nghĩa với những ai mong mình viết được một bài nào đó thực sự ra hồn thơ. Hehehe, chỉ có điều, cũng để giải khuây nên đôi lúc em viết trong vòng ít phút, câu cú loẳng ngoẳng vẫn được Người KGu chấp nhận. Nhân đây em cũng xin đa tạ thịnh tình và sự kiên nhẫn của cả nhà.


Em đọc một số mẩu chuyện, lại nghe một vài người kể về những giai thoại xung quanh ông Diệm nên mới viết thế. Nếu đời sống chính trị đôi khi bị thêu dệt thêm thì cũng là lẽ thường tình của các chế độ. Nhưng những gì mà số đông nhận thức ra thì còn mãi, bản chất lịch sử thì không thể tô vẽ. Chả thế mà thời phong kiến, câu chửi thề của Vua cũng bị ghi vào sử ký mà Vua không có quyền bỏ ra. Ngẫm lại, cha ông đời xưa rất trọng thể diện và danh dự.



Từ: TungDX
28/08/2013 21:11:15

Chà, nhà ngoại anh ĐỊnh hoành tráng quá ha, nhà ngói, sân gạch, cụ khế trăm tuổi.


Em "sính" ngoại từ thuở lọt lòng có lẽ nhờ thế mà được xuất ngoại học tập hẳn 6 năm ở Kis, không biết các thầy tử vi có đồng ý không, chắc anh em ta thì cho là quá chuẩn. Em tự trồng cây mít và khi 75 về còn được ăn quả; Từ Kis về Em cũng có quà cho bà Ngoại và cậu...


Lấy vợ cũng gắn bó với Ngoại không kém nội, Tứ thân như nhất.


 



Từ: DinhNT
28/08/2013 18:21:43

Cám ơn bạn bè, các em thuộc GĐ KGU đã đọc bài viết và cùng chia sẻ. Cám ơn HảiNV đã giúp anh hiệu đính và post bài, loawd ảnh một cách kịp thời để sớm thực hiện lời hứa với mọi người.


----


@LiTM: anh gọi em là "Người Thơ" là quá chuẩn rồi còn gì, trong thang bậc chức danh cho những người sáng tác thơ thì "người thơ" là chức danh khiêm tốn và dân dã nhất, hay để anh nâng thành nhà thơ nha? Đoạn em nói về ông Diệm là chuẩn xác đấy, giờ phần lớn người ta gọi là ông Diệm chứ không có ý coi thường hoặc miệt thị như trước đây.


-----@Cám ơn Thông, KThu, em Cúc,... đã còm chia sẻ bằng tất cả tình cảm chân thành và ấm áp.


-----


@GiangHV: Giang đã làm cho một số ace phải giật mình để nhẩm tính lại xem là mình có 'quê ngoại' hay không, hay chỉ có 'bên ngoại'. Hay thật, thế mà tí nữa thì a quên mất điều đó, Giang ạ!


-----


@Khoa: Đúng đấy Khoa ạ, trên phố Hàng Chuối từng sống nhiều nhân vật nổi tiếng mà nêu tên lên rất nhiều người biết, ví dụ ông Hữu Mai, ông Nguyễn Văn Trân, GS Ngô Thúc Lanh, Đạitá Hà Văn Lâu (các đại tá bây giờ phải gọi ông Lâu là Đại tướng mới xứng), nhà thơ Võ Quảng, ông Xuvanuvong, ông Huỳnh Tấn Phát, và một số vị nữa. Đến giờ phút này thì có thêm hai ông Định và Khoa cũng được nhiều người KGU biết, hehe! 



Từ: Guest KhoaDT
28/08/2013 16:10:50

Dear anh Định, em cũng thấy vui vui vì đã từng ở cùng phố Hàng Chuối với ông anh từ một dòng họ nổi tiếng của dân tộc. Thực ra phố mình xưa cũng nhiều bạn bè con cháu của các bậc tên tuổi nổi tiếng nước nhà hồi đó anh nhỉ.



Từ: GiangHV
28/08/2013 08:25:42

 


Tôi không có quê Ngoại, mà chỉ có bên Ngoại, vì Nội và Ngoại tôi ở cùng một thôn. Ở quê tôi người ta chỉ gọi em của mẹ bằng cậu, còn gọi anh của mẹ bằng bác. Nhập gia tùy tục, em xin được chúc mừng anh Tấn Định có một quê Ngoại tuyệt vời, có một người Cậu là Thánh sống giữa đời thường. Từ trước tới giờ tôi cứ nghĩ: Chính quyền chỉ đặt tên đường, tên phố cho những lãnh tụ, danh nhân đã khuất; chỉ đúc tượng cho những lãnh tụ, danh nhân đã đi về cõi vĩnh hằng (trừ tượng đặt tại gia đình). Tuy nhiên mới mấy ngày gần đây xuất hiện thông tin (chính thống): Khi con đường cao tốc hiện đại từ Nội Bài về Trung tâm Hà Nội (qua cầu Nhật Tân) khánh thành sẽ mang tên Võ Nguyên Giáp; một trong 4 danh tướng lỗi lạc của lịch sử VN được Hội KH Lịch sử VN chọn để đúc tượng đợt đầu là Võ Nguyên Giáp. Như vậy những suy nghĩ trước đây của mình chắc không còn đúng với trường hợp Bác Giáp nữa, vì Bác đã là Thánh.


 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s