Bụi trong nắng
Tác giả: HongNT
Gửi Nghị,
Chị đọc bài "Bụi trong nắng" do Võ Thanh Nga, con của Hồng-Công viết về những ngày cuối cùng của bố nó rất cám động. Lần trước Thu Hồng có gửi cho mọi người KGU đọc. Chị đọc mục Người KGU- Sống mãi với thời gian vẫn thấy chưa có bài này được post lên, Nghị post lên nhé.
Chị Chi
BỤI TRONG NẮNG
Tôi bước đi và ngoái lại
Trên vai tôi là bụi của nắng mặt trời tinh khiết…
Võ Thanh Nga
Tháng 4-5 năm 2009…
Tôi tốt nghiệp đại học. Không chuông kèn, không áo nón của những cử nhân. Trước đó, tôi tưởng mình sắp phát điên bởi cái căng thẳng khi làm luận án tốt nghiệp. Người ta làm luận án trong mấy tháng, tôi dồn nó vào mấy tuần. Luận án của tôi là phân tích một bộ phim siêu thực tên Donnie Darko, đưa những lý thuyết của nhà thuyết học Michel Foucault về sức mạnh tâm lý bên trong con người, nhận thức và vô thức trong điều khiển bản thân vào bộ phim ấy mà phân phân tích tích. Tôi hài lòng với cái đề tài đó, nhưng có lẽ tôi tự đánh giá quá cao sự cứng rắn của bản thân. Tôi bị chính cái đề tài luận án của mình ảnh hưởng đến tâm lý, nhìn thấy mình trong những lý thuyết sâu xa, tôi bắt đầu thả suy ngẫm, tự hỏi vào đó. Khi người ta đi vào quá sâu trong đầu của chính mình, người ta rất dễ bị kẹt luôn bên trong mà không ra ngoài được. Tôi sợ điều đó.
Khi tôi vừa hoàn thành luận án tốt nghiệp một cách tốt đẹp cũng là lúc tôi nghe tin ba tôi bị ung thư tụy. Tôi ngỡ ngàng, thậm chí không cảm nhận được cái cảm giác đầu tiên khi nghe điều đó từ mẹ. Tuy lâu nay tôi không gần gũi ba như mẹ, nhưng ông vẫn là ba tôi. Tôi sợ, khi đã rất lâu tôi thường không nghĩ về người, thì giờ tôi lại sắp mất người. Thiên hạ vẫn luôn nói, chỉ đến lúc ta sắp mất một cái gì ta đang có, ta mới thấy quý nó. Ở đây là một người ba mà đôi lúc tôi thậm chí vô tình quên mất. Tôi hoàn tất các môn còn lại rồi vội vã bay về nước. Trong đầu tôi còn quá nhiều thứ. Tôi về, và lần đầu gặp lại ba chỉ sau vài tháng từ hồi Noel, ba ốm đi hẳn. Mẹ buồn nhiều. Tôi biết giữa mẹ và ba là một thứ tình nghĩa chân thành dù đã ly dị nhau.
Tháng 6 năm 2009…
Tôi chuyển sang nhà ba ở để tiện chăm sóc ba, vì mẹ tôi bận nhiều công việc, còn chị gái thì vướng bận gia đình, con cái. Ông trời có mắt, sắp đặt tôi không phải vướng bận gì, lại vừa tốt nghiệp đại học, không bị dở dang chuyện học hành. Thời gian đầu, ba tôi có vẻ ngại. Trước kia, ba gần như chỉ ở một mình, có ông bạn thân cùng nhà ở lầu trên nhưng cũng đi suốt. Ba bảo tôi muốn sang ở cũng được, nhưng cứ đi chơi, cứ ngủ thoải mái. Sau đó, ba cũng có vẻ vui lên, nhiệt tình trang trí cho phòng của tôi thật hoành tráng, lắp thật nhiều đèn. Phòng tôi trở thành căn phòng nhiều đèn nhất trong nhà, rộng rãi, không gian thoải mái để tôi lắp giá vẽ, để tranh, còn có cái TV to đùng. Tôi vui vì thấy ba vui, buồn vì thấy ba vẫn càng ngày càng tiều tụy. Mỗi khi có người sang thăm, ba đều khoe là con gái ba chuyển sang ở cùng để chăm sóc ba. Ba khen với mọi người rằng tôi giỏi, lanh lẹ.
Từ hồi chuyển sang nhà ba, tôi không ra ngoài nữa. Tôi không gọi bạn bè để tụ tập đi chơi như những lần trước về Việt Nam. Tôi ở nhà nhiều, chỉ ra đường khi cần mua gì cho ba. Hàng ngày nhìn ba chịu đựng đau đớn, nhìn mẹ và chị cứ lén lút khóc lóc, tâm lý cũng bị đè nén. Tâm trạng tôi khó chịu đi, hay căng thẳng. Ba lại càng ngày càng quen với chuyện tôi ở đây để chăm sóc, nên gọi thường xuyên, tôi lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng. Tính ba kỹ lưỡng, cẩn thận, lúc dễ lúc khó nhưng đòi hỏi khi cần gì là phải có ngay, có tốt. Tôi cô đơn và căng thẳng. Mà sự cô đơn dễ khiến người ta bi lụy. Tôi vẽ tranh như một phương pháp trị liệu tâm lý cho mình. Những bức tranh rướm máu, rồi đến những bức tranh nhẹ nhàng, thanh thản. Mẹ sang thăm tôi và ba hàng tối, nói thương tôi vì phải gánh trách nhiệm chăm ba cho cả nhà. Tôi không nói gì, tôi làm điều này một phần để trả hiếu cho ba, một phần lớn là cho mẹ. Tôi biết tôi đang làm mẹ tự hào, và điều đó là điều duy nhất khiến tâm lý tôi trụ vững.
Tôi là đứa yêu thích tự do, thích lang thang ngoài đường ngắm cuộc sống đi lại trên những đôi chân, lăn tròn trên những bánh xe. Thích ngồi quán cà phê nhìn cà phê nhỏ giọt, rồi ngẫm đời qua cái muỗng cà phê. Thích tụ tập bạn bè, hay chỉ đi dạo với một đứa bạn thân đâu đó. Nói chung, nếu thời tiết không phải là mùa đông, thì tôi không thích ở nhà. Có một con bạn của tôi, tên Dung, trước kia lớn lên với tôi trong cùng một ngôi nhà. Nó thương tôi lắm. Thời gian tôi ở nhà ba, nó nói thấy tôi trở nên khác hẳn. Trước kia suốt ngày lông nhông ngoài đường, bây giờ thì suốt ngày nhốt mình trong nhà. Tôi không dám đi đâu vì sợ mỗi lần ba tôi cần lại không có mặt. Mà vì tôi không thể đi chơi, nên mấy đứa bạn cũng chẳng thèm gọi tôi nữa. Chỉ có mỗi con Dung là qua lại thường xuyên để tôi đỡ cô đơn. Tính tình nó đơn giản, dễ thương, thật thà, chứ không phức tạp như những đứa bạn thân khác của tôi.
Thời gian này, tôi nhận ra một điều đáng giá. Có những bạn bè chỉ ở đó khi ta vui, khi ta đủ điều kiện để trả tiền ăn chơi, có thời gian để hưởng thụ niềm vui. Còn khi ta buồn bã, khóc lóc, thì phần lớn thời gian đó ta trải qua một mình. Dù vậy, tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi có những thằng bạn khác mà tôi từng nghĩ là không thân, thi thoảng lâu lâu mới gặp mặt đi ăn một lần, thì lại gọi điện hỏi thăm thường xuyên khi nghe tin ba tôi bị bệnh. Tôi biết ơn những người đó, vì họ cho tôi hiểu ra luôn có bất ngờ trong cuộc sống.
♦
Ba tôi bệnh càng ngày càng nặng. Thời gian đầu, ba tôi đi Hà Nội chữa với một ông thầy được cho là giỏi về thuốc Nam, tìm được sâm ngọc linh gì đó. Ông ta nghe nói ba tôi là con của một ông lớn, hăng hái nhận chữa và bảo đảm sẽ hết bệnh. Khi tôi ghé thăm nhà ông ta, thấy bức hình đóng khung to đùng chụp ông ta bắt tay với ông nội tôi trong một lần được ba tôi đưa sang thăm, bên dưới có dòng chữ lớn chú thích rõ là ai. Tôi nhìn bức hình cười mỉa. Tôi không tin vào những ông thầy lang, lại càng không tin những ông mở miệng chắc chắn mình chữa được bệnh ung thư. Ông ta để râu dài bạc trắng nom cứ như Hoa Đà, Biển Thước tái thế! Ông tỏ ra rất thông thái. Cái điệu bộ của ông suýt nữa cũng gây ấn tượng với tôi, nhưng cái ý nghĩ về bức hình đóng khung khiến tôi cảnh giác. Thêm nữa là cái tài thuyết giảng của ông. Ông ngồi kể chuyện hành trình trên đường Trường Sơn, leo rừng lội suối tìm nhân sâm, bị người dân tộc bắt. Tôi, bà chị và ông anh rể nghệt mặt ra nghe. Rồi ông ngồi nói hùng hồn về sự khám phá cách chữa bệnh ung thư của ông, nhưng ông phải giữ bí mật vì sợ người ta tìm giết, sợ những người chế tạo ra máy móc hóa trị, xạ trị tìm xử bắn. Ông bảo nếu phương pháp chữa bệnh ung thư của ông truyền ra, bác sĩ, kỹ sư y học đều sẽ bị thất nghiệp, sẽ rất nguy hiểm cho ông. Khi tôi hỏi anh rể cũng là bác sĩ rằng ông đã chữa được ai chưa, anh rể tôi bảo ông chữa được một số bệnh nhân ung thư. Bao nhiêu thì không biết, chỉ biết có hôm ông được ba tôi mời vào Sài Gòn khám bệnh, ở khách sạn, có hai vệ sĩ võ công cao cường đi theo. Rồi không hiểu ai tung tin ông vào thành phố, mà bệnh nhân đến tạ ơn rầm rầm. Tôi nghe mà cười khùng khục. Khi nói chuyện, nghe bảo tôi học bên Anh về, ông hào hứng bàn chuyện chính trị với tôi, đố tôi giờ nước mình đang hòa bình hay chiến tranh. Ông ngồi kể chuyện lịch sử làu làu, thỉnh thoảng tôi còn để ý ông trộn thêm chuyện thần thoại vào lịch sử cho nó kịch tính. Ba tôi ban đầu nể ông lắm, bảo ông đầy kinh nghiệm, thông thái. Nhưng về sau, nhắc đến ông là ba lắc đầu. Ông thầy thông thái đó bán cho ba tôi một bọc sâm củ to củ nhỏ, củ tươi củ héo với giá mấy chục triệu, thêm hàng tá thuốc linh tinh khác. Mới đầu ông bảo chữa bệnh cho ba là chính, tiền là phụ, nhưng dĩ nhiên ông nói thêm là mấy cái này phải bán cho ba vì người như ba tôi mới trả nổi. Tôi nghe lại cười, nhưng lần này là cười buồn. Tội nghiệp ba tôi.
Ba tôi uống một đống thuốc của ông ta mỗi ngày. Bụng đầy thuốc, ăn uống không được. Hôm nôn mửa, hôm ôm bụng than đau, mà chẳng thấy khá hơn, chỉ xuống sắc. Ba tôi đành phải kiếm hướng khác. Về sau, ông thầy già ấy cũng tự im lặng rồi biến mất.
Ở với ba một thời gian, tôi thấy ba là con người nghị lực, nghị lực đến cứng đầu. Ba tin chắc mình sẽ khỏi, thế nên tìm hết thầy thuốc này đến thầy thuốc khác, uống hàng trăm thứ thuốc trên đời. Uống xong lại bảo những ông thầy này chỉ kinh doanh, muốn lấy tiền, lừa đảo, thuốc chả tác dụng. Tôi nhìn ba mà xót, nghe mà chẳng biết nói gì, chỉ biết lo cho ba ăn uống đầy đủ.
Tháng 7-8 năm 2009…
Rồi một người bạn của ba tôi giới thiệu một mối chữa bệnh ở Trung Quốc. Người ta nói thuốc này mới được chế tạo, dùng thuốc bắc với công nghệ lên men, đang thử nghiệm. Nghe bảo chữa được mấy người ung thư phổi và dạ dày, hiệu quả lắm. Lúc nghe tin về mối đó, ba tôi đang nhịn đói. Nhịn đói để lọc chất độc và làm teo khối u. Đó là một trong hàng loạt phương pháp ba tôi nghe người ta mách, rồi làm theo. Ba nhịn đói được hai mươi mốt ngày, chỉ uống nước trái cây mà sống. Người ba gầy sọm đi, da vàng ủng dính sát vào xương. Người nào không gặp ba thường xuyên, nhìn thấy ba thì sốc. Khi đi kiểm tra lại, khối u chẳng nhỏ đi bao nhiêu, có chăng là teo đi một chút theo tỷ lệ cơ thể của ba. Thế nên khi nghe về phương thuốc mới bên Trung Quốc, ba tôi như người chết đuối vớ được phao.
Vậy là tôi với ba soạn đồ, khăn gói đi Quảng Châu, Trung Quốc. Lúc này ba vẫn đi lại được, dù hai bàn chân đã bắt đầu phù to. Tôi hơi lo lắng, bởi tôi không biết tiếng Trung, và tôi không biết mình có đủ sức một mình lo cho ba ở bên đó không. Chúng tôi sang, gặp một nhóm các ông Trung Quốc xì xồ xì xào cái thứ tiếng mà tôi không hiểu. Có một ông người Hoa nhưng từng sống ở Việt Nam, là người làm dịch vụ trung gian đồng thời là phiên dịch cho chúng tôi. Ông ta chỉ xuất hiện khi mấy ông thầy thuốc già đến để khám bệnh và đưa thuốc cho ba tôi. Toàn bộ thời gian còn lại, ba con tôi phải tự xoay sở. Thế là tôi dẫn ba đi ăn, rồi đi siêu thị mua đồ đạc cần dùng. Tôi ra sức huơ tay múa chân để họ hiểu tôi muốn gì, lắm lúc thấy mình như diễn viên kịch câm chuyên nghiệp.
Ở đấy hơn một tuần thì tôi nghe tin cuối tuần sau mẹ tôi sang và sẽ cùng về với hai ba con. Thế là tuần kế tiếp trôi qua nhẹ nhàng hơn. Tôi cũng đã dần quen với những gì cần làm bên này, quen với vài quán ăn gần khách sạn, và quen những kiểu múa tay chân cần thiết. Hai tuần, đến khi mẹ tôi qua, ba tôi đã không thể đi lại bình thường. Cẳng chân ba phù to lên đầu gối, mỗi đêm đều đau. Thậm chí có một hôm ba vấp té, đập mặt chảy máu răng. Tôi đỡ không kịp, sợ tái người. Trước khi về Việt Nam, người ta cho ba đi chụp cắt lớp và siêu âm để xem sau hai tuần uống thuốc kết quả thế nào. Mấy ông thầy thuốc Trung Quốc bảo thuốc này chỉ cần 14 ngày là người ta hết bệnh. Vào viện thử máu, mấy bà y tá xì xồ tiếng Trung với chúng tôi, rồi chích ba tôi cả chục lần trong cả tiếng mới lấy được tí máu để xét nghiệm. Vậy mà chụp chụp chích chích xong rồi, người ta không dám đưa kết quả cho chúng tôi xem, chỉ vỏn vẹn bảo kết quả thấy khá lên. Ba tôi nghe thì mừng lắm. Còn tôi thì không tin.
Ba tôi đem một đống thuốc về uống. Ba bảo bọn này không phải kinh doanh, bởi họ cho ba thuốc miễn phí và ghi ba vào danh sách thử nghiệm. Họ chỉ lấy tiền khách sạn và tiền đưa đón mấy ông thầy thuốc. Họ muốn chữa hết cho mình để quảng bá thuốc tại Việt Nam. Tôi im lặng, không nói gì, hàng ngày vẫn lấy thuốc đều đặn như ba muốn. Thuốc ba uống của Trung Quốc là dạng men, như uống dấm mỗi ngày. Hôm nào ba ăn được thì không đến nỗi, hôm nào ăn ít thì nó cào ruột, đau hơn bình thường. Ba luôn miệng nói phải quyết tâm theo tới cùng, rồi chắc chắn qua mùa thu ba sẽ khỏi. Một ông bạn thầy bói phong thủy của ba bảo thế. Tôi lại im lặng, mỉm cười không nói gì.
Tháng 9 năm 2009…
Chỉ một hai tuần sau khi trở về từ Trung Quốc, ba tôi gần như không thể đi lại được nữa. Chân ba phù to, da mỏng tang, vàng khè. Có một vết rộp ở chân do ba đắp đồ chườm nóng, rồi từ cái vết đó, nước dịch vàng ứ trong chân ba chảy ra. Mọi người bảo ba phải rắc thuốc hay bôi kem cho nó lành, nhưng ba muốn để tự nhiên nó hết. Thế là ngày này qua ngày khác, dịch vàng chảy òng ọc ra khỏi cái lỗ đó ở chân ba. Nó không lành. Ngày nào tôi cũng lấy khăn chậm cho ba năm đến sáu lần, nước chảy đọng trong dép, dính trên quần, lên giường gối. Ướt nhẹp, bốc mùi. Ba mất dần cảm giác. Có vài lần, ba tôi nhìn đống nước vàng trên sàn nhà, hỏi cái gì thế. Tôi ấp úng, rồi bảo nước chảy ra từ chân ba đấy. Ba lặng lẽ nhìn, hỏi lại thế à, rồi không nói gì nữa.
Từ từ, bụng ba bắt đầu trương phình lên. Ba ăn không nhiều, miệng lạc cảm giác, ăn lúc kêu mặn lúc kêu đắng. Nước sôi bốc khói ba tu ừng ực như không. Mỗi khi đau, ba không bao giờ than, chỉ bực dọc, khó tính hơn. Thỉnh thoảng tôi hỏi ba có đau không, ba bảo ba hết hẳn đau rồi, rằng thuốc có tác dụng đấy. Không hiểu sao tôi không hề vui khi nghe câu đó. Tôi nhìn thấy rõ tình trạng của ba từng ngày. Từ hồi đi Trung Quốc về, sức khỏe ba xuống dốc từng tuần, rồi sau đó là từng ngày. Tôi không dám rời ba nửa bước. Càng về sau, ba càng té nhiều, trong phòng ngủ, trong nhà tắm. Mẹ tôi mua cho ba mấy cây gậy để chống, rồi đủ loại ghế để ba ngồi mà không phải gập bụng.
Theo kế hoạch là từ Trung Quốc về, chúng tôi ở nhà cho ba tôi uống thuốc 20 ngày rồi lại phải sang kiểm tra lần nữa. Hai mươi ngày trôi qua trong chớp mắt. Tôi nơm nớp lo sợ cái ngày phải trở lại Quảng Châu. Tôi sợ lần này tôi không đủ sức lo cho ba và đỡ ba, bởi ba yếu hẳn và không thể đi lại được nữa. Thời gian này, tôi thường xuyên phải đỡ ba vào nhà vệ sinh, đỡ ba lên giường. Toàn thân ba cứng đờ đi, tay không có lực, mặt không khác gì cái sọ với lớp da vừa vàng vừa thâm, còn chân và bụng thì ngày càng ứ dịch phình to. Tôi căng thẳng những lúc ba té. Dù thể trạng tiều tụy, nhưng đầu óc ba tôi tỉnh táo kinh hồn. Đôi lúc tôi tự hỏi cái nào đỡ hơn, chịu đựng sự tra tấn thể xác nhưng vẫn tỉnh táo như ba, hay thà là mê man lú lẫn. Có những lúc ba ngồi thừ trên ghế nhìn ra cửa sổ, mắt suy tư buồn bã, hay có những lúc mặt hiện lên vẻ tính toán. Tôi không hiểu những lúc đó ba nghĩ gì, tính gì.
Có lần, ba đứng trước cửa sổ đung đưa tay lên xuống, bài tập thể dục mà ba tôi vẫn làm hàng ngày. Tôi ngồi trong bếp, nhìn bóng phản chiếu của ba qua cánh cửa kính nhà bếp, một bóng người gầy còm đang quạt tay trước một cái cửa sổ có song, bên ngoài lá cây đập vào nhau khi gió thổi. Lúc đó, hình ảnh của ba y hệt một con chim với cái cánh trụi lông và thân mình đầy xương, đang cố đập cánh thoát khỏi những song sắt của cửa sổ, hay một cái lồng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh đó.
Một sự giải thoát xa xỉ. Một sự giải thoát mà người bị giam không mong muốn có.
Đêm trước hôm bay đi Trung Quốc, ba cẩn thận dặn tôi kiểm tra lại đồ đạc tôi đã soạn cho ba kỹ lưỡng. Rồi trước khi đi ngủ, ba uống một viên thuốc giảm đau và một viên thuốc ngủ, vì ba muốn ngủ yên để hôm sau dậy sớm, đủ khỏe để đi máy bay. Ba cẩn thận quá. Kết quả là, không hiểu do ông trời sắp đặt, hay do sự cẩn thận của ba phản lại ba, đến buổi sáng ba tôi mê man, gọi mãi không dậy được. Một lúc sau, ba dậy nhưng vẫn nửa mê nửa tỉnh, tôi đỡ ba vào nhà tắm, vào được bên trong, tôi vừa buông tay thì ba ngã đập mặt xuống. Tôi sợ phát khóc. Tôi không đỡ nổi ba nữa, anh rể tôi phải đỡ ba vào phòng. Ba ngồi trên giường, mắt mở không lên. Tôi và mẹ khuyên ba nên hoãn chuyến này lại. Ba mở mắt, lắc đầu nguầy nguậy, bảo nhất định phải đi. Chúng tôi chiều ba. Chú lái xe gần như khiêng ba xuống xe hơi. Ngồi trong xe, ba nhìn mọi người mỉm cười, yếu ớt bảo, lần này đi sẽ vui vì có cả nhà đi cùng. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, không ai dám nói một lời. Xe hơi lăn bánh ra sân bay. Ba mê man hẳn.
Đến sân bay, tôi chạy vào gọi dịch vụ xe lăn đã đặt. Theo nguyên tắc bác sĩ của sân bay đến khám cho ba trước. Khi đẩy ba trên xe lăn vào, ba vẫn không biết gì. Ông bác sĩ nhìn ái ngại, đo huyết áp, nhịp mạch, rồi lắc đầu bảo không bay được. Ba bị hạ đường huyết quá thấp. Chúng tôi đành phải đưa ba đi cấp cứu. Ai cũng tưởng ba tôi đã đi vào hôn mê do gan tổn thương, mà hôn mê gan thì không tỉnh lại nữa. Đến khi xe cấp cứu tới, ông bác sĩ gọi to tên ba, ba tôi lại giật mình thức dậy. Ai cũng mừng. Tôi đi theo ba lên xe cấp cứu. Thi thoảng ba mở mắt hỏi đến sân bay chưa, hay tới Trung Quốc chưa, hay đang đi đâu, rồi lại mê.
Ngày đầu nằm trong phòng hồi sức của bệnh viện, ban ngày ba mê man, đến ban đêm ba lại tỉnh. Khổ nỗi ban đêm người ta không cho người nhà bệnh nhân vào. Tôi về nhà mà trong lòng không yên. Hôm sau tôi vào, y tá bảo chưa đến giờ cho người thăm bệnh, nhưng sẽ ngoại lệ cho tôi vào với ba, vì cả đêm và cả buổi sáng ông cứ gọi và đòi tôi mãi. Tôi vào thì thấy ba mở mắt thao láo, vừa thấy tôi ông đã thốt lên rằng tôi đi đâu, ông gọi mãi mà không trả lời, rằng mấy cô y tá làm ông đau lắm, mà hỏi gì cũng không trả lời. Ba tôi ứa nước mắt, bảo tôi phải ở lại đây, không được rời ba, bảo rằng có tôi thì ba mới yên tâm được. Tôi cố kìm khóc, giải thích là người ta không cho vào, rồi hứa với ba sẽ ở đây luôn, không đi đâu nữa.
Người ta chuyển ba xuống khu khác để người thân có thể ở cùng qua đêm, nhưng lại phải chung phòng với một bệnh nhân khác. Ba luôn miệng đòi ra viện. Mẹ tôi bàn chuyển ba ra bệnh viện tư để có phòng riêng thoải mái. Bác sĩ đã đưa kết quả, bảo không còn hy vọng gì nữa, có giữ trong bệnh viện cũng chỉ là hỗ trợ thêm. Tình trạng của ba là tính theo ngày theo giờ, chứ không còn tính theo tháng nữa. Mật tắc và tràn ra máu, u to, thận và gan biến chứng. Tôi ngồi nghe, mặt thộn ra, chẳng tỏ vẻ gì. Tôi đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi cũng chẳng muốn nghe những khẳng định đó. Tôi đi theo ba sang bệnh viện tư, phòng ở rộng rãi thoải mái hơn nhiều. Ba hài lòng hơn. Mọi người đề nghị thay phiên nhau chăm ba, nhưng ba chỉ muốn tôi và anh rể ở lại, vì ba quen tôi chăm sóc, còn anh rể đỡ ba vào nhà vệ sinh.
Trong vài ngày sau đó, tôi sống luôn trong bệnh viện, nhìn ba nằm bất động trên giường, lúc mê lúc tỉnh. Ba tôi bảo bây giờ nhìn ai cũng hai đầu. Khi mê, ba nằm ngủ mở miệng mở mắt. Khi tỉnh thì ba nằm đó chớp mắt, mặt chán đời nhưng vẫn cố ăn. Có hôm giữa đêm, ba cố ngồi dậy, tôi chạy ra đỡ thì ba xua tay, bảo ba muốn tập tự đi, để sớm ra viện. Nhưng đến ngồi thẳng dậy ba cũng không ngồi nổi. Ba nghị lực đến mức ba chối bỏ cái đau, chối bỏ sự yếu sức của mình, chối bỏ những điều có thể xảy ra. Yếu vậy mà đầu ba vẫn sáng và nhớ mọi thứ, những khi ba tỉnh, ai đến thăm hỏi ba đều nhớ, không lú lẫn. Ung thư là căn bệnh độc ác, nó rút mòn và hành hạ thể xác nạn nhân, nhưng lại giữ đầu óc họ tỉnh táo để cảm nhận rõ những nỗi đau đó.
Ba ngày sau khi ba tôi chuyển sang bệnh viện tư, vào ban đêm, ba tôi tỉnh dậy, trợn trừng mắt, đưa tay xoa bụng mà không nói gì. Mới ngày hôm đó, ông vẫn nói chuyện bình thường. Tôi hỏi ông có đau không, nhưng ba tôi không trả lời, chỉ liên tục trừng mắt, đầu quay qua quay lại rồi đưa tay xoa bụng. Tôi chạy đi gọi bác sĩ, bác sĩ đến khám rồi cho ông một viên thuốc giảm đau, im lặng đi ra. Tôi cho ba uống, tôi biết ba tỉnh bên trong bởi ba vẫn uống được thuốc. Nhưng mỗi khi tôi hỏi, ông không thể trả lời, chỉ mở to mắt nhìn tôi. Cho ba uống thuốc xong, tôi tắt đèn và ra giường nằm. Ba lại quay nghiêng đầu, nhìn thẳng vào tôi với đôi mắt muốn nói nhiều thứ. Đôi mắt ấy chưa bao giờ rời khỏi ký ức tôi. Tôi lại bật dậy, mở đèn ra hỏi ba có muốn gì không. Nhưng vẫn thế, ba chỉ mở to mắt nhìn tôi chằm chặp, miệng há ra mà lời không thoát. Rồi từ từ, ba mê dần. Sáng hôm sau, ba tôi đi.
Đó là một ngày cuối tháng 9.
Kết thúc một tháng. Kết thúc một cuộc đời. Kết thúc một hy vọng.
Với tôi, nó là kết thúc một chặng đường.
Tháng 10 năm 2009…
Ba tôi mất rồi, mọi người lục tìm lại giấy tờ thì phát hiện một bí mật mà ba tôi giấu suốt bao năm nay. Đó là sự tồn tại của một đứa bé tám tuổi trong cuộc đời của ba. Không ai trong gia đình tôi, từ ông bác là anh trai của ba tôi, đến những người thân cận của ba như lái xe, giúp việc, đều chẳng hề biết gì về đứa bé này. Mẹ tôi tìm được địa chỉ, báo tin cho họ rằng ba tôi mất, ngỏ thiện ý mời họ đến đám tang. Hỏi chuyện ra thì mẹ thằng bé đang trong trại giam vì nghiện ma túy từ hai năm nay. Ba tôi đón thằng bé và bà ngoại nó từ Hải Phòng vào thành phố để nuôi. Cứ mỗi cuối tuần, ba cho tất cả các nhân viên nghỉ, ngay cả người giúp việc, để đến thăm và dẫn thằng bé đi chơi. Trong một cái cặp của ba, tôi tìm thấy những lá thư của người mẹ thằng bé, viết cho ba những lời ướt át, tình cảm nhưng cuối cùng cái ý chung lại là để đòi tiền. Đa số các bức thư đều đem thằng bé ra, lấy lý do tội nghiệp nó mà cứu lấy mẹ nó. Mỗi lần, cô ta xin từ hàng chục đến trăm triệu, trong mỗi lá thư đều nói rằng đây sẽ là lần cuối cô ta xin tiền ba tôi. Tôi còn tìm thấy một tờ giấy từ con viết bằng tay, bảo rằng xin trả lại thằng bé cho ba tôi và để bà ngoại nó nuôi, bởi cô ta không thể rũ bỏ chất bẩn. Trong tờ giấy đó, cô ta viết hãy bảo thằng bé rằng cô ta đã chết vì không thể làm một người mẹ tốt, rồi xin ba tôi mười triệu đồng lần cuối.
Nhiều người nghe chuyện, gọi cho tôi và mẹ tôi bảo rằng phải làm rõ ràng, gia đình ấy đã làm tiền ba tôi bao lâu nay, làm cho ba căng thẳng rồi sinh bệnh. Có người nói bọn họ không phải người đàng hoàng mà là dân lừa đảo. Mẹ tôi lại bảo, có lẽ những năm sau này, thằng bé là niềm vui của ba. Tôi chỉ xót xa một điều, rằng lâu nay ba sống với những nỗi niềm và gánh nặng ấy giấu kín. Ba tôi là người rất sĩ diện, lại rất cẩn thận trong mọi chuyện giao tiếp, tuy ba luôn là người hiền lành, thương người. Tôi biết ba sợ người ta đánh giá, bởi người mẹ thằng bé rất trẻ, chỉ lớn hơn chị tôi một hai tuổi, lại là một người nghiện. Thêm nữa, lúc thằng bé sinh ra, ba mẹ tôi vẫn chưa ly dị. Vì thế, đến những người thân nhất ba cũng không hé miệng một lời. Khi tôi gặp thằng bé, nó rất kháu khỉnh, dễ thương, nhưng nó không giống ba tôi. Mẹ tôi và mọi người đều bảo không cảm thấy thằng bé có mối liên hệ ruột thịt với ba. Thằng bé đến dự lễ tang với bà ngoại và dì của nó, họ đến khóc lóc và kể đủ chuyện cho chúng tôi nghe, rằng ba thương và chăm sóc thằng bé nhiều đến thế nào. Còn thằng bé thì nhảy loanh quanh chụp hình quan tài của ba tôi. Lúc di quan, nó vừa chạy theo sau vừa nhảy chân sáo và hát. Tôi thầm nghĩ, nó mới 8 tuổi, liệu nó có nhận ra ba trong chiếc quan tài đó, dù khi hỏi nó gật đầu?
Về sau, vì thủ tục pháp lý, chúng tôi dẫn thằng bé đi thử ADN để kiểm chứng xem nó có phải con ruột của ba tôi không. Kết quả, nó không mang cùng dòng máu với ba tôi. Chúng tôi thở dài. Vậy là lâu nay ba còng lưng nuôi con người khác, lại phải ra sức giấu giếm để cuộc sống nặng nề thêm. Bà ngoại thằng bé bảo, từ hồi tôi chuyển sang ở cùng để chăm sóc ba, ba tôi cấm tiệt thằng bé liên lạc với ba vì sợ tôi biết. Tôi nghe mà chạnh lòng. Cho đến những ngày cuối, dù sức yếu nhưng ba vẫn không hề dặn dò gì tôi. Ba cẩn thận, chu đáo, kỹ lưỡng cả đời, để rồi đến lúc cuối lại chẳng một lời. Khi chết đi thì những gì ba tôi cố công giấu kỹ lại vỡ ra và tràn vào thiên hạ như ong vỡ tổ. Ồn ào. Lạc hướng.
Niềm tin là một thứ có sức mạnh khiến người ta vượt qua nhiều thứ. Nhưng rồi nó cũng có sức mạnh hủy diệt nhiều thứ. Nó là sản phẩm của thiên thần, mà cũng là đứa con của quỷ dữ.
Hy vọng cũng vậy.
♦
Chặng đường tôi đi cùng ba chỉ có vài tháng, nhưng nó thay đổi tôi đáng kể. Nó thêm vào 21 năm ngắn ngủi của tôi một đoạn phim thể loại siêu thực.
Có những thứ qua đi như một giấc mơ đầy mộng mị, có những thứ ở lại như những ký ức giăng tơ.
Điều kỳ lạ ở những sự kiện trong đời là có những thứ xảy ra trong nhiều năm có thể tóm gọn vào vài dòng chữ. Lại có những điều chỉ diễn ra trong vài tháng thì phải trải dài ra những trang giấy.
Một ngày đẹp trời, tôi mang tro của ba tôi ra biển, mượn thuyền của một người quen ra giữa biển để rải. Tro bay ra gió rồi rơi xuống nước. Trong túi tro đó có hai loại tro, một loại màu đen nổi lềnh bềnh trên mặt nước, còn một loại màu trắng lấp lánh dưới ánh nắng trong nước rồi từ từ chìm xuống. Tro màu trắng là phần cốt vụn của ba tôi, trừ những cốt lớn được bỏ vào hũ đá hoa cương đặt ở nghĩa trang thành phố. Lúc ngồi trên thuyền, tay nắm những vốc tro bụi từng một thời là cơ thể của ba tôi, một thời là con người biết thở, biết nghĩ, biết sống mấy chục năm, tôi cảm một xúc cảm lạ lẫm. Mọi thứ là phù du, vô nghĩa khi con người trở về với cát bụi. Đám tro trắng lấp lánh trong nước trước khi chìm xuống ấy như đám bụi của bà tiên, thần kỳ và ma mị. Cuối cùng thì những nỗi niềm bị giấu kín, những bí mật của ba tôi cũng thành tro cát cùng ba.
Tro bay. Có cái gì đó trong tôi cũng bay đi.
Tôi quay về nhà, quay lưng với biển rộng thênh thang giờ đang ôm một phần của ba tôi trong lòng.
Tôi quay về với mẹ tôi, quay về như chưa từng ra đi. Ở lại như chưa từng ở xa. Tĩnh như chưa từng động.
Tôi quay về để bắt đầu một chặng đường mới của tôi.
Tp Hồ Chí Minh mùa đông 2009
VTN
Người post: NghiPH
Ngày đăng: 11-09-2010 17:05
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 3 của tổng số 3 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |