TRÒ CHUYỆN VỚI TÁC GIẢ “QUÊ HƯƠNG ĐẤT MẸ”
Tác giả: Phạm Quang Vinh
Lời dẫn:
Cho đến thời điểm Nhà Xuất bản Văn học hoàn thành việc ấn hành tập cuối "Quê hương đất mẹ", thì tác giả Hoàng Văn Quyển đã gửi đến bạn đọc yêu thơ một số lượng thơ đồ sộ: Bốn tập thơ mang chung một tựa đề "Quê hương đất mẹ" gồm trên sáu trăm bài với nhiều thể loại, bút pháp khác nhau.
Khâm phục trước khả năng sáng tạo cũng như trước gia tài thơ đồ sộ của một tác giả mà tuổi tác đã xếp vào hàng "cổ lai hy", mà sự nghiệp chính lại không phải là thơ, nhân dịp Tập 4 "Quê hương đất mẹ" ra mắt bạn đọc, được sự giới thiệu của Nhà Xuất bản Văn học - với tư cách là người yêu thơ, tôi đã tìm gặp và trò chuyện cùng tác giả Hoàng Văn Quyển.
Để phần nào giúp bạn đọc hình dung thêm về về cốt cách thơ và con đường thơ của tác giả, tôi xin chắp bút ghi lại nội dung cuộc trò chuyện đầy ngẫu hứng đó. Sau đây là nội dung cuộc chuyện trò, trao đổi.
Người yêu thơ: Thưa ông, cách đây khoảng trên dưới hai mươi năm, lúc tôi còn ở nước ngoài, có một nhà thơ người Việt Nam sống tại xứ sở được coi là một trong những chiếc nôi của nền thi ca thế giới - nước Nga - đã ngao ngán thốt lên:
"Một người chuốt nhạc đan thơ,
Triệu người đánh quả tính tờ, tính cây".
("Đánh quả" là buôn bán, "tờ" là tiền, "cây" là vàng).
Rồi cách đây khoảng dăm năm, khi trở về Việt Nam - đất nước được coi là xứ sở của truyền thống thi ca và nhạc họa - tôi lại bàng hoàng khi các con của tôi không thể thuộc hết một bài ca dao, thờ ơ với lời ru, quay lưng lại với Truyện Kiều và không hề mảy may xúc động trước những thân phận, cảnh ngộ éo le của nhân vật. Trên giá sách của giới trẻ chất đầy truyện tranh nhưng lại vắng bóng những tập thơ. Dường như thơ không còn là nguồn cảm hứng, là nguồn lực tinh thần để thêm sức mạnh cho con người. Với ông thì lại khác. Ông vẫn miệt mài, tâm huyết với thơ. Liên tục trong khoảng thời gian ngắn vài ba năm, thông qua việc ấn hành của Nhà Xuất bản Lao động và Nhà Xuất bản Văn học, ông đã gửi đến bạn đọc gần xa bốn tập thơ cân đối, đầy đặn, đáng để đọc, đáng để nhớ. Vậy nguồn sức mạnh nào đã giúp ông đạt được kết quả đó?
Tác giả Hoàng Văn Quyển: Thực ra để sáng tác thơ thì cũng chẳng cần sức mạnh nào cả. Nói đúng hơn - nếu được gọi là có nguồn sức mạnh, thì sức mạnh đó chính là sự đam mê. Tôi mê đắm thơ, yêu cuộc sống và khao khát được diễn đạt tình cảm, tư tưởng của mình bằng một thứ ngôn ngữ bình dị và cô đọng nhất - ngôn ngữ thơ. Suy đến cùng, sự đam mê đã góp phần kích thích cho trái tim tôi cảm xúc, rung động và cũng vì đam mê nên tôi tự nguyện làm người thư ký ghi lại một cách mộc mạc, chân thành những cảm xúc, những rung động của con tim. Với tôi, đó chính là sức sống để tạo ra thơ, và đó là thơ.
Người yêu thơ: Có nhiều người nhận định: Với một người có năng khiếu thơ, thì khi cuộc đời phải đối diện với cảnh ngộ éo le bất hạnh, người đó càng giàu nguồn cảm hứng đặc biệt để sáng tác thơ. Từ kinh nghiệm của riêng mình, ông đánh giá nhận định đó như thế nào?
Tác giả Hoàng Văn Quyển: Với tôi, có lẽ nguồn cảm hứng sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất chính là tình yêu. Một tình yêu chân thành đối với quê hương đất mẹ, đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đối với cảnh sắc thiên nhiên, đối với người thân thích và bạn bè. Tình yêu cùng sự đam mê thơ đã cho tôi cảm xúc, rung động. Tôi ghi lại những cảm xúc, rung động giản dị đó bằng ngôn ngữ cũng rất giản dị - ngôn ngữ của cuộc sống thường ngày. Điều tôi ghi lại có thành thơ hay không còn là do sự cảm nhận, đánh giá của người đọc.
Người yêu thơ: Tập 4 "Quê hương đất mẹ" do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành lần này, bao gồm nhiều nhất những bài thơ do ông sáng tác trong khoảng thời gian một năm trở lại đây. Được biết, trong khoảng thời gian này, sức khỏe của ông có vấn đề. Ông phải trải qua nhiều lần điều trị tại bệnh viện với không ít hơn hai lần đại phẫu thuật. Thế mà ông vẫn không bị tuổi tác và bệnh tật khuất phục, vẫn sáng tác đều và sáng tác nhiều. Tôi đã đọc những bài thơ sáng tác giai đoạn gần đây của ông. Tôi tìm thấy ở đó, ngoài tình thơ, ý thơ vẫn chân thành, vẫn lắng đọng và sâu sắc, còn có cả sự lạc quan yêu đời, sự vượt lên chính mình để chiến thắng tuổi già và sức khỏe giảm sút. Ông có thể cho biết bí quyết nào giúp ông đạt được sự lạc quan, yêu đời đó?
Tác giả Hoàng Văn Quyển: Chẳng có bí quyết nào cả. Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của đời người. Tôi nhớ có một nhà thơ nổi tiếng đã nói: Vấn đề không phải là anh được cảm nhận cuộc sống dài hay ngắn; mà vấn đề là anh đã cảm nhận được cuộc sống nhiều hay ít. Đúng! Sự bào mòn của tuổi tác, sức "công phá" của bệnh tật có thể làm cho thể xác gầy đi, nhưng trái tim tôi thì vẫn mạnh mẽ, sung sức, trí tuệ tôi vẫn minh mẫn để cho tôi có thể rung động trước vẻ đẹp, trước tình yêu. Vì vậy, tôi vẫn và phải viết đều và viết nhiều - viết để giải bày thay cho lòng mình, viết để cảm ơn sự nhân hậu của con người và của cuộc đời.
Người yêu thơ: Tập 4 của "Quê hương đất mẹ" tập hợp gần 170 bài thơ, được bố cục thành hai phần. Trong đó Phần Hai bao gồm những bài thơ xướng - họa thất ngôn bát cú theo thể Đường luật. Theo tôi được biết, thơ xướng - họa là một thú chơi thanh cao kết hợp hài hòa cả tình cảm và lý trí. Tuy là một thú chơi nhưng không phải ai cũng có thể sáng tác được thơ xướng - họa theo thể Đường luật. Người chơi phải có tài thơ, phải cảm nhận được cấu tứ của bài thơ xướng, phải thông thạo niêm luật của thơ Đường và phải hiểu quy cách họa thơ. Ở phần thơ xướng họa này, ông đã có nhiều bài thơ phải nói là thành công cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Vậy bản thân ông có trải qua một khóa học nào đó về thơ Đường và luật xướng - họa theo thể Đường luật hay không?
Tác giả Hoàng Văn Quyển: Quả đúng. Làm thơ theo kiểu kẻ xướng người họa là một thú chơi và thú vui của thế hệ "cổ lai hy" chúng tôi. Đây là kiểu sáng tác, là thú chơi đầy chất sáng tạo nhưng không thể hoàn toàn phá cách. Chúng tôi chẳng trải qua trường lớp nào cả. Chỉ có tự tìm tòi, tự học hỏi lẫn nhau và mạnh dạn chơi thành quen.
Người yêu thơ: Có bạn đọc nhận xét: Thơ của tác giả Hoàng Văn Quyển duy tình không duy ngôn. Có nghĩa, người đọc cảm nhận được điều cốt yếu trước hết trong sáng tác của ông là tình cảm chân thành, đằm thắm, là khám phá mới mẻ. Còn về câu chữ, ông không hề đánh bóng tô son, không hề gọt giũa cầu kỳ. Chính vì vậy, khi cảm nhận, thưởng thức, đánh giá thơ của ông, trước hết phải bắt đầu bằng việc cảm nhận, thưởng thức, đánh giá từ phong cách thể hiện bình dị, chân thành đó. Ông cảm thấy nhận xét đó có chính xác không?
Tác giả Hoàng Văn Quyển: Tôi không có tham vọng coi mình là nhà thơ. Tôi chỉ trung thành ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của nội tâm mình bằng chất liệu ngôn ngữ tuy chưa phải là tinh xảo mà tôi quan niệm đó là ngôn ngữ thơ. Cách đánh giá, thưởng thức và tiếp cận như thế nào là tùy thuộc vào tâm ý và trình độ đa dạng của người đọc.
Người yêu thơ: Xin được hỏi ông câu hỏi cuối cùng: Là tác giả của bốn tập thơ đầy đặn, bốn "đứa con tinh thần" vô giá mà không phải ai cũng mơ ước có được, ông có thể tự nhận xét, đánh giá về thơ của mình?
Tác giả Hoàng Văn Quyển: Ngoài sự chân tình để trải lòng mình thì tôi chẳng giám đưa ra nhận xét, đánh giá nào khác về thơ của tôi. Những ghi chép nếu được coi là thơ của tôi, đó chính là kết quả sự rung động của tôi về con người, về cuộc sống; chính là sự cởi mở tâm tư, tình cảm, khát vọng của tôi đến với cuộc sống, đến với con người - mà trước hết và trên hết là đến với quê hương đất mẹ, đến với người thân thích, đến với bạn bè, đồng nghiệp đã luôn giành cho tôi những tình sâu nghĩa nặng. Thơ tôi không thể lưu danh thiên cổ, mà tôi chỉ coi đó như là những lưu niệm tinh thần để dâng tặng cho tất cả những ai mà tôi yêu quý và những ai yêu quý tôi. Tôi thực sự xúc động và biết ơn vợ tôi, các con, các cháu, người thân, bạn bè đồng nghiệp của tôi đã động viên khích lệ cho tôi có đủ can đảm để tập hợp những ghi chép của tôi thành bốn tập thơ. Tôi cũng thật sự xúc động và cảm ơn Nhà Xuất bản Lao động, Nhà Xuất bản Văn học đã tạo điều kiện để cho tôi có được bốn tập thơ đó.
Như tôi đã nói, tôi không có nhận xét, đánh giá gì về thơ của tôi. Song nếu ai đó có nhận xét, đánh giá về thơ của tôi thì tôi vô cùng cảm ơn.
Khổng Tử có câu nói mà tôi rất tâm đắc: "Ai chê ta là thầy ta, ai khen ta là bạn ta". Từ ý nghĩa sâu xa của câu triết lý đó, mong muốn của tôi là qua thơ có thể tìm thêm được nhiều thày, nhiều bạn.
Người yêu thơ: Cảm ơn ông đã tạo điều kiện cho cuộc trò chuyện hôm nay. Chúc ông sức khỏe và tiếp tục thành công với những đam mê của mình!
Hà Nội, Thu tháng Tám năm 2013
Người yêu thơ: PQV
Người post: CucNT
Ngày đăng: 08-09-2013 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |