KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 13 Tháng chín. 2013

LỜI GIỚI THIỆU TẬP THƠ "QUÊ HƯƠNG ĐẤT MẸ"




Tác giả: Phạm Quang Vinh

LỜI GIỚI THIỆU

 

        Xuân – Hè Nhâm Thìn 2012, cùng với hoa trái ngọt ngào của mùa xuân và sắc vàng rực rỡ của nắng hè, Nhà xuất bản Văn học và Nhà xuất bản Lao động đã ấn hành để lần lượt cho ra mắt bạn đọc những tập thơ đầu tay trong Hợp tuyển trọn bộ ba tập “Quê hương đất mẹ” của tác giả Hoàng Văn Quyển. Lần này, cùng với hương gió heo may và những hạt mưa ngâu tháng bảy chắp nối nhịp cầu Ô Thước đưa Ngưu Lang đến gặp Chức Nữ, Nhà xuất bản Văn học lại nối tiếp nhịp cầu để đưa tập thơ cuối (Tập III) “Quê hương đất mẹ” đến với bạn đọc yêu thơ.

       Tập III “Quê hương đất mẹ” có sự “góp mặt” của gần ba trăm bài thơ đa dạng, đủ màu sắc của cuộc sống, đủ cung bậc của tình cảm với bút pháp biến hoá sinh động về thể loại, được bố cục thành hai phần. Phần I là những bài thơ thuộc thể lục bát uyển chuyển và dạt dào âm hưởng dân ca, thể câu tám chắc khoẻ và khoáng đạt, thể năm chữ dồn dập, mạnh mẽ nhưng bình dị như khúc đồng dao. Phần II thuộc về thể thơ đường luật với hình thức chủ yếu là thất ngôn, thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt đã đem đến cho tập thơ thêm nhiều nội dung phong phú, đem đến cho bạn đọc nhiều cách tiếp cận và cảm thụ mới mẻ. Tuy tập thơ vẫn mang chung tên gọi “Quê hương đất mẹ” với hai tập thơ trước, song lần này, tác giả chủ yếu hướng cảm xúc chân thành và rung động mãnh liệt của mình đến với nhiều đề tài khác nhau của cuộc sống. Đó là đề tài về quê hương đất mẹ, về cảnh sắc thiên nhiên, về thế giới cây cảnh, về di tích, danh thắng xa gần, về Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn vật, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và không ít những bài thơ xướng hoạ đặc sắc khác.

     mảng thơ về đề tài quê hương đất mẹ, khác với cách thể hiện của nhiều nhà thơ cả cổ xưa lẫn đương đại, tác giả Hoàng Văn Quyển không chú tâm hướng những cảm xúc đầy ắp kỷ niệm của mình quay về với hình ảnh cây đa đầu làng, cây bàng trước ngõ, giếng nước giữa làng trong xanh, luỹ tre quanh làng rủ bóng. Cảm xúc, ngòi bút của tác giả lại thiên về những đêm hội làng, những ngày  giỗ Tổ, những ngôi chùa thanh tịnh thiêng liêng, những kỷ niệm thời thơ ấu, những con đường mới được mở mang xây dựng. Đặc biệt, chủ đề về đình làng được trở đi trở lại rất nhiều trong suốt chiều dài của tập thơ. Với ông, đình làng  là nơi tụ hội, nơi tự do, nơi sử dụng chung. Ngòi bút của tác giả khi thể hiện hình ảnh đình làng  cũng biến hoá: Lắm lúc ông sử dụng câu thơ ngắn để tạo ra nhịp điệu dồn dập nhằm đem lại một không khí hồ hởi, náo nhiệt: “Sân đình ca hát – Hương đình thơm ngát – Nam nữ đông vui – Ngày tết tuyệt vời – Đình nơi hội tụ”  (Việc đình xưa nay). Có khi ông lại sử dụng thể thơ đường luật bảy chữ để đem đến cho người đọc  hình ảnh ngôi đình làng hiên ngang, vững chải. Có khi lại là những câu thơ lục bát mượt mà, bình dị: “Ở gần cho chí ở xa – Đình nơi kỷ niệm đậm đà tình xưa”.

        Yêu quê hương tha thiết, tác giả luôn mong muốn hướng con cháu  biết quay về với cội nguồn. Tình quê hương được thể hiện một cách sinh động  trong các bài thơ viết về ngày giỗ Tổ, ngày hội làng, ngày lễ tết ở quê nhà. Tình cảm trong thơ chân thật, mộc mạc nhưng mãnh liệt thiết tha nên thật sự có sức lôi cuốn người đọc.

       Từ quan niệm: “Rừng cây đầy lá không đâu vườn làng”, tác giả nâng tầm nhận thức và khẳng định:

                                                     “Cội nguồn tình nghĩa ghi sâu

                                               Thiêng liêng đất mẹ không đâu sánh bằng”.

        Với tác giả Hoàng Văn Quyển, ngoài quê hương đất mẹ - nơi chôn nhau cắt rốn, nơi kỷ niệm thuở thiếu thời đầy ắp trong ký ức, Ông còn một quê hương thứ hai không kém phần tha thiết. Đó là Hà Nội – nơi gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp và cả quảng thời gian đã trưởng thành của Ông. Dưới ngòi bút chân thành và tình yêu tha thiết, Hà Nội hiện lên trong thơ Ông thật sống động. Đó là một Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn hiến với biết bao sự tích hào hùng mang đậm chất sử thi (Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội ngàn năm anh hùng, Một ngàn năm lập đô Thăng Long…). Đó là một Hà Nội được “lèn chặt” trong khuôn khổ một bài thơ với bức tranh toàn cảnh của ba sáu phố phường, của những chứng tích oanh liệt, của những con đường thênh thang rộng mở, của những cảnh đẹp làm cho tâm hồn ngây ngất và cả những đổi thay không ngừng không nghỉ (Hà Nội cổ mà xuân). Đó là một Hà Nội với những nét chấm phá riêng, độc đáo từng góc cạnh: Sông Kim Ngưu, Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm. Cảm xúc trong thơ Ông thật tha thiết, mới mẻ, hình ảnh trong thơ Ông thật mê đắm:

         “Gió gợn, sóng xô, nước thẳm xanh - Trăng vàng soi bóng suốt đêm thanh - Hoa dâng muôn sắc trên cây nước - Huyền ảo, lung linh đẹp nổi danh”. (Hồ Gươm đẹp lừng danh).

       Trong lịch sử hình thành và phát triển của thi ca, phần thơ về thế giới cảnh vật tự nhiên chiếm một ưu thế. Thơ của tác giả Hoàng Văn Quyển trong “Quê hương đất mẹ” cũng vậy. Và ở  mảng đề tài này, tác giả đã có nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ để đời, có thể sánh vai với những câu thơ đượm chất “chân quê”, chất hương đồng gió nội, chất lãng mạn của các bậc thơ lão luyện như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử:

                                             “Sáng xuân sương giá toả hương lan

                                              Làng quê uốn lượn khúc long vàng

                                              Bao cô thôn nữ tình duyên dáng

                                              Cùng thăm, vãn cảnh đón xuân sang ”

                                                                 (Hẹn nhau Xuân 57)

       Hoặc:                             “Đường xa chùa vắng, đồng chiêm thắm

                                               Nếp hương thoang thoảng dưới trăng vàng”.

                                                                 (Đi hội, thăm chùa làng)

        Ở một khía cạnh khác, tác giả tập trung ngòi bút hướng tới thế giới tự nhiên bằng một cách rất riêng, rất độc đáo của mình: Thế giới sinh vật cảnh. Cây cảnh chính là sự kỳ thú của thiên nhiên có sự tác động tinh xảo của bàn tay và trí tuệ của con người.

       Phải nói rằng, ở thế giới cây cảnh này, với tầm hiểu biết thuộc hàng nghệ nhân cây cảnh vốn xuất thân từ làng nghề truyền thống, cùng với một tâm hồn nhạy cảm trước sự kỳ diệu của tạo vật, mảng thơ về thế giới cây cảnh của tác giả đã rất thành công với những cách tiếp cận, cách thể hiện độc đáo, khác biệt. Hàng loạt bài thơ của tác giả đã đưa người đọc đến với một “thế giới tự nhiên cao cấp”, thưởng thức những bức hoạ phong cảnh hữu tình bằng ngôn ngữ thơ. Bút pháp của tác giả cũng rất linh động. Có bài thơ là một bức tranh toàn cảnh về cây cảnh, mỗi câu thơ đặc tả một loài. Có bài, tác giả lại dành trọn để đặc tả một loài cây.

      Điều thú vị trong thơ ông là ông vừa tả vừa bình. Tả bằng xúc cảm của tâm hồn nghệ sĩ và bình bằng trí tuệ sắc sảo của nghệ nhân cây cảnh. Chính vì thế, nét đặc biệt của mảng thơ về cây cảnh là ngoài tả cảnh, tác giả còn tả thế để làm nổi bật được tính cách và linh hồn của cây. Thơ ông viết về cây cảnh, do đó, chuyển tải đến người đọc một thu nhận toàn diện: sắc màu, hương vị, tình cảm, linh hồn và tính cách của sinh vật cảnh:                                    

            “Sung tía đồng khoa sai trĩu quả - Đa đề quấn quýt cảnh cha con - Song thân huynh đệ mai vàng đỏ - Thất tiên quần tụ chậu trùng xà”. (Cây cảnh sân nhà)

         Có khi, cả bài thơ  về cây cảnh của tác giả lại được thể hiện như một câu chuyện cổ tích với những liên tưởng thú vị: “Quỳnh là hoa lá, Giao là cành cây”. Quỳnh đẹp như một cô gái đồng trinh:

                                                    “Đêm đêm quỳnh lại nở hoa

                                             Trắng trong, thơm ngát, mượt mà, tuyết trinh”

                                                           (Xem hoa quỳnh nở giữa sân nhà)

       Ngắm thế giới kỳ vĩ của cây cảnh,  tác giả biết đánh giá vai trò của đôi tay con người. Chính bàn tay con người biết kết hợp với bàn tay của tạo hoá mới càng tạo nên những  đường nét kỳ diệu, có linh hồn trong thế giới sinh vật cảnh. (Nhập hồn cho cây. Người có đôi bàn tay vàng).

        Từ những cuộc hành hương, qua ngòi bút sắc sảo đầy biến hoá của tác giả, người đọc có thể được đắm chìm cảm xúc của mình trong những di tích, danh lam thắng cảnh đã được thi vị hoá bằng ngôn ngữ đậm đà chất lãng mạn (Tặng Giả Sơn chùa nhất, Thần giữ biển, Thăm chùa Láng, Sa Pa vạn loài hoa, Thiên cung Hạ Long, Hoàn Kiếm đẹp vạn năm, Đền Âu Cơ Hạ Hoà Phú Thọ, Quê ngoại Bác Hồ, Thăm Thác Bạc, Thăm lại Nha Trang, Thăm Phật viện Yên Tử, Đất tiên Tam Đảo, Trúc viện v.v…). Ông viết thật đều, thật khoẻ với rất nhiều bài, nhiều câu thơ đáng để đọc để nhớ:

                   “Tới đỉnh Chân mây cuối buổi chiều - Đường hoa trải thảm cảnh Nguyên tiêu – Mênh mông rừng núi trùng trời biếc -  Gió lộng chân mây mấy cánh diều” (Chân mây Sa Pa). 

         Một nét đặc biệt riêng, rất riêng không thể không nói đến khi đọc thơ của tác giả Hoàng văn Quyển. Đó là khi tác giả đem hồn thơ đến với chốn đền đài, cửa Phật, ngòi bút của Ông không thiên về cảnh khói hương nghi ngút, cảnh tấp nập lại qua, cảnh sì sụp quỳ lạy để cầu lộc, cầu tài. Mà ngòi bút của Ông hướng về phía tĩnh lặng của nội tâm, của cảnh vật, của sự thanh cao vượt ra ngoài mọi bon chen, cầu cạnh.

       Chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi thời đại mới cũng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của tập thơ. Đọc những bài thơ của tác giả về chủ đề này, ta thật sự cảm thấy tâm hồn như được thăng hoa cùng âm thanh, nhịp điệu dồn dập, tha thiết và sảng khoái tự hào:

         “Một mùa thu cách mạng – Mùa độc lập, tự do – Mùa Bác Hồ mang cho - Nước Việt Nam tươi sáng” (Thu Cách mạng).

         Tiếp cận từ góc độ thể loại, phần II của tập thơ  tập hợp những bài thơ sáng tác theo thể đường luật: Thất ngôn, thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú. Ở thể loại này, có thể nói thơ Ông đã rất thành công. Một số trong nhiều bài thơ thành công của tác giả là những bài thơ đặc tả cảnh câu cá. Điều kỳ diệu, lý thú và bất ngờ ở đây chính là giữa lòng Hà Nội tấp nập, náo nhiệt với đủ hỗn hợp của âm thanh, tác giả vẫn tìm thấy một “góc khuất” đầy tĩnh lặng,  thanh tao. Và ở góc tĩnh lặng thanh tao đến gần như thoát ly cả chốn bụi trần, thoát ly cả những bon chen thường nhật để thoả chí hoà nhập vào thế giới tự nhiên, mặc sức để cho hồn thơ hoá thân vào cảnh vật, mê mà rất tỉnh:

              “Hồ Đình câu cá thoáng bèo sang – Chênh chếch nắng thu nước sóng vàng – Cá cắn mồi ngon phao nhấp nháy - Giật nhanh được chú chép khoang vàng” (Câu cá hồ Đình).

         Hoặc: “Trên thuyền câu cá giữa mây bèo – Thu gió heo may gợn sóng reo – Yên tĩnh ngồi chờ phao nhấp nháy – Cá to câu được vững thuyền neo” (Vững neo).

        Một cảm nhận đặc biệt của người đọc về sự tài hoa và đậm chất trí tuệ khi đọc những bài thơ ở phần hai của tập thơ: những bài thơ xướng hoạ. Tại sân chơi này, để hoạ được thơ không phải là dễ. Người hoạ thơ không chỉ phải nắm chắc niêm luật sáng tác thơ đường, mà còn phải hiểu rõ niêm luật hoạ thơ. Ở thể loại kết hợp này, tác giả cũng đã sáng tạo nhiều bài thơ đặc  thành công.

                                                                ****

        Trong sự nghiệp, tác giả Hoàng Văn Quyển là người thành đạt với việc trải qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt tại một xí nghiệp lớn của nhà nước. Thế nhưng, ngoài đời ông là con người khiêm nhường, đôn hậu, vị tha và hết lòng thương yêu, quan tâm mọi người. Ông kiên quyết chống lại mọi thói bon chen man trá của cuộc đời để giữ cho tâm hồn mình không bị thứ tà tâm làm cho vẫn đục. Thơ Ông cũng chính như con người Ông, tâm hồn Ông:

                      “Phì gia danh tiếng chẳng mong ưa

                       Đức nghĩa nhân tâm chớ để thua.

                       Thanh thản đời người là ngũ phúc.” – (Thanh thản).

       Cần mẫn, thâm trầm như con tằm rút ruột để ươm tơ, tác giả Hoàng Văn Quyển lặng lẽ dốc hết tâm huyết của mình để ươm cho đời những vần thơ giá trị. Với thơ của tác giả Hoàng Văn Quyển, thước đo giá trị chính là sự bình dị của ngôn từ và sự chân thành của cảm xúc. Ông không cầu kỳ gọt giũa để khoác cho thơ chiếc áo ngôn ngữ bóng bẩy. Vì vậy, đâu đó trong thơ Ông chắc còn những “quặng thô” chưa tinh luyện hết. Âu đó là lẽ thường tình ở một tài sản thơ có đến hơn bốn trăm bài của một tác giả, mà sự nghiệp chính lại không phải là thơ. Tuy vậy, trên tinh thần khơi trong gạn đục, có thể khẳng định rằng: Tuyệt đại đa số những bài thơ của tác giả là những bài thơ đáng để cho chúng ta đọc, đáng để cho chúng ta thưởng thức, đáng để cho chúng ta suy ngẫm và ghi nhận về tính chân - thiện - mỹ trong thơ của thơ Ông.

                                                                   Hà Nội, mùa Thu 2012

 

                                                                    L.s. Phạm Quang Vinh

 

 

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 13-09-2013 15:03






Xem 1 - 3 của tổng số 3 Comments

Từ: Guest BM
15/09/2013 17:00:23

Gửi cây, vẽ cảnh vào thơ,


đưa thêm cả nỗi đợi chờ ngổn ngang,


Xuân, Hè, Thu đến, Đông sang,


nhặt đôi nét chữ, vội vàng thơ ơi!



Từ: Guest Thu Huệ
15/09/2013 15:29:39

Không ngờ nhà thơ Hoàng Văn Quyển lại có những tập thơ đồ sộ về "Quê hương đất mẹ" như thế. Nếu không đọc những lời giới thiệu của phạm Quang Vinh, có lẽ nhiều người đã bỏ qua cơ hội để đến với những vần thơ hay.


Xin cảm ơn người viết và người post.



Từ: CucNT
13/09/2013 15:59:48

Em Cúc tiếp tục nhận được LỜI GIỚI THIỆU tập thơ "quê hương đất mẹ"  vô cùng đặc sắc do luật sư Phạm Quang Vinh viết và không thể không post lên đây. 


Sẽ rất khó bình luận về tập thơ khi ta chưa đọc nó nhưng đọc những lời giới  thiệu này ta đủ hình dung sự đồ sộ về số lượng, sự sâu sắc đa dạng về nội dung và sự tận tâm của người viết.


"Cần mẫn thâm trầm như con tằm rút ruột để ươm tơ, tác giả Hoàng Văn  Quyển lặng lẽ dốc hết tâm huyết của mình để ươm cho đời những vần thơ giá trị. Thơ của tác giả Hoàng Văn Quyển, thước đó giá trị chính là sự bình dị của ngôn từ và sự chân thành của cảm xúc".


Đọc những lời giới thiệu ấy, có lẽ Hoài Thanh, Hoài Chân cũng an lòng vì hậu duệ của mình đã có người tiếp nối.


Xin chân thành cảm ơn Luật sư Phạm Quang Vinh vì đã làm cho nhà Xuất bản Văn học và Lao động tự hào vì đã tìm ra một cộng sự xuất sắc. 


 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s