KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 24 Tháng chín. 2013

TỪ “CHOA” TRONG PHƯƠNG NGỮ KHU TƯ




Tác giả: Chu Hồng Quý

 

Hóa ra từ "Choa" trong phương ngữ khu Tư có nhiều nghĩa lắm. Nó là đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất, vừa là số ít, vừa là số nhiều. Nhưng rắc rối là ở chỗ: Nó chỉ dùng ở số ít khi đặt trong ngữ cảnh có cả số nhiều.

Xin mời ace đọc bài của Chu Hồng Quý viết về điều lý thú này. (Bài do anh Tấn Định sưu tầm và nhờ tôi đưa lên mạng của Hội ta)

Trong phương ngữ vùng Khu Bốn cũ, từ "Choa" là đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất, vừa là số ít, vừa là số nhiều. Nhưng chỉ dùng ở số ít khi đặt trong ngữ cảnh có cả số nhiều. 

Ví dụ, dùng "Nhà của choa", tức là "Nhà của tui" hay "Nhà của tau" (Nhà của tao) mà nhà đó còn của nhiều người nữa. Nếu nhà của chỉ riêng một mình mình thôi thì không dùng "Nhà của choa" nữa.

Có thể dùng "Bố choa", "Mẹ choa" kể cả trong trường hợp mình là con một. Vì một bố, mẹ có thể có nhiều con. 

Nhưng nếu nói "Vợ choa" thì đã cho nàng thành cái điếu ủy ban rồi.

Khi giao tiếp với người khu Bốn cũ, nhiều người thích sử dụng từ "choa" để thể hiện sự hòa nhập, gần gũi và hiểu biết nhau.

Nhưng sử dụng không đúng sẽ trở thành kệch kỡm, cứ như là đang nhại tiếng khu Bốn. "Chửi cha không bằng pha tiếng", người nghe cảm thấy rất khó chịu.

Họ sử dụng từ "Choa" thay thế hoàn toàn cho ngôi thứ nhất trong mọi trường hợp bằng giọng Bắc đặc sệt như đang giễu cợt:
- Choa mặc cấy áo ni có hợp không?
- Choa vừa để cái chìa khóa đây không biết giờ ở đâu?
- Mi để choa cầm lái cho.
- ..... 

Một nhà báo khá nổi tiếng, là người cầm bút kỳ cựu có gần 40 năm trong nghề, cựu sinh viên Văn khoa của Đại học Sư phạm I Hà Nội, đã dùng nhầm từ này. Khi trao đổi với tôi, bác ấy dẫn trích từ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2003. "Trong Từ điển đó, có ghi : "Choa" là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, tương ứng với từ "tôi", "chúng tôi" trong tiếng phổ thông"

Thế chẳng hóa ra, theo như quyển Từ điển này thì có thể dùng từ "Vợ choa". Nhỉ?


Từ "Choa" sử dụng tương đương như từ "Tau" (Tao) là một hiện tượng đặc biệt chỉ riêng có đối với phương ngữ Khu IV. Trong các phương ngữ khác hay trong tiếng phổ thông không có hiện tượng tương đương và không có từ thay thế một cách hoàn toàn.

"Choa" chỉ có thể đối lập với "Bây" hay "Bay", chứ không bao giờ đối lập với "Mi". Nói "Choa với bay chia phe đá bóng đi", chứ không nói "Choa với mi vật chắc đi".

Từ "Choa" chỉ thay thế cho từ "Bọn tao", "chúng tao", và trong một số trường hợp đặc biệt, có thể thay thế cho từ "tao". Và chỉ khi xưng hô với những người "ngang hàng phải lứa". 

Khi nói chuyện nghiêm túc thì không dùng từ "choa". Từ "choa" không được dùng để thay thế cho từ "chúng tôi" như trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2003. Từ "chúng tôi" đã có từ "bấy tui" thay thế rồi. Cũng không dùng thay thế cho từ "em", "cháu", "con", "chúng em", "chúng cháu"...

Ngoài ra, từ "Tui" (Tôi) và "Tau" (Tao) trong phương ngữ khu IV cũng nhiều người nhầm lẫn ảnh hưởng đến sự biểu hiện tình cảm của người nói.

Ngôn ngữ là một phần của Văn hóa. Muốn tiếp cận với một phương ngữ hay ngoại ngữ nào, học từ các Tài liệu Ngôn ngữ không thôi là chưa đủ.

Trước hết, phải tìm hiểu đặc điểm Văn hóa và điều kiện Lịch sử, Địa lý của vùng đất đó.

Bởi Ngôn ngữ được hình thành và tồn tại phát triển trong một điều kiện lịch sự cụ thể với đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán nhất định ở một khu vực địa lý nhất định.


CHU HỒNG QUÝ


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 24-09-2013 23:11






Xem 1 - 10 của tổng số 19 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Chu Hồng Quý
12/11/2017 11:14:51

Tôi thi cùng Đàm Thanh Sơn, nhưng Sơn lớp sau nhảy lên thi lớp trước. Và lại trẻ em nông thôn chúng tôi hầu hết đều học muộn. Chiến tranh, tôi đi theo cơ quan Bố, sau này mới về quê với Mẹ để đi học nên tôi hơn Sơn nhiều tuổi, anh/chị Meomun ạ.

Tôi có nói rõ hơn với các comment của các anh/chị ở đây:

https://www.facebook.com/ChuHongQuy/posts/1447969861985565 



Từ: Meomun
11/11/2017 19:41:09

@bạn Chu Hồng Quý: Tôi cũng bị nhầm, cứ tưởng Chu Hồng Quý, nhà thơ thiếu nhi vang bóng một thời, con trai bác Tú Sót. Bạn cùng thế hệ Đàm Thanh Sơn thì còn trẻ lắm. Chúc bạn cuối tuần vui vẻ! 



Từ: Guest Chu Hồng Quý
11/11/2017 01:43:02

Trong bản mà NghiPH đăng lên đây, có đoạn "Một nhà báo khá nổi tiếng, là người cầm bút kỳ cựu có gần 40 năm trong nghề, cựu sinh viên Văn khoa của Đại học Sư phạm I Hà Nội"
Thực ra, bác này học Tổng hợp Văn. Tôi đã sửa lại bản đăng trên facebook .



Từ: Guest Chu Hồng Quý
11/11/2017 01:07:20

Có bạn CucNT học cùng trường vào đây comment mà Cúc vẫn không nói gì về việc mọi người nhầm lẫn tác giả nhỉ.



Từ: Guest Chu Hồng Quý
11/11/2017 01:02:49

Anh nào lấy bài của tôi đăng mà không nói gì. Đã mấy năm rồi giờ tôi mới phát hiện ra.
Tôi là Chu Hồng Quý, nhưng là Quý khác, không phải là Chu Hồng Quý tác giả "Cây Gạo Đình Chung", con trai ông Tú Sót. Chúng tôi ở cùng huyện, cùng người họ Chu, anh em họ cách nhau 12 đời.


Tôi học chuyên Toán, Thủ khoa Đội tuyển Toán Toàn Quốc của Nghệ Tĩnh năm 1979. Năm đó, tôi đạt giải Ba (Không có giải Nhất) cùng với giáo sư Đàm Thanh Sơn.  


Còn Chu Hồng Quý kia học Văn. Đừng nhầm lẫn nữa, nhiều người hỏi rồi, cứ trả lời mãi, khổ lắm



Từ: HienVC
03/10/2013 13:50:01

Tôi rất quan tâm đến v/đ phương ngữ, thổ ngữ đặc biệt là Nghệ ngữ nhưng đáng tiếc là " khả năng có hạn khốn nạn vô biên" .


Tôi đã tình cờ được đọc một bài viết khá đặc sắc nhưng cũng khá "tế nhị" của Mạc Thực Thái Doãn Chất với tiêu đề là " Về hai "cái ấy" và " chuyện ấy" trong ca dao, tục ngữ "  ( có lẽ đa số là ca dao, tục ngữ từ Quê Choa ? ). Post thẳng lên mạng e rằng không được " tế nhị"  lắm vì không hợp khẩu vị một số người hoặc không phù hợp với nội dung của NguoiKGU do vậy tôi chỉ xin dẫn đường link để những ai có nguyện vọng có thể tự tìm hiểu và thưởng thức http://forum.vnsv.vn/default.aspx?g=posts&t=1040.


Bài này có lẽ những ACE KGU gốc gác quê choa/quê bọ sẽ quan tâm nhiều vì dù sao cũng là tiếng " mẹ đẻ " mà ! 



Từ: CucNT
27/09/2013 20:46:02

Không ngờ câu đố của em Cúc được chị Lý dịch ra hay vậy.


"Gấy nhông nhà eng vật chắc khi mô?". Em có một bạn người Vinh học thành phố khác, hỏi mới biết là: "Vợ chồng nhà anh cưới nhau khi nào?''.


Dịch như thế là đúng với ngày xưa vì ngày xưa cưới nhau mới được "vật chắc" chứ thời nay nó "vật chắc " từ lúc nào chỉ có con chuồn chuồn mới biết nên chị Lý mà hiểu vậy, ai  đề nghị "tau với mi vật chắc đi" mà bỏ chạy là họ nghĩ mình nhát đó.


Chị Huyền , MM ơi! Chu Hồng Quý bây giờ ít làm thơ, anh là 1 họa sỹ có tài, tranh anh vẽ treo la liệt trong nhà, chủ yếu  là để tặng và cũng đã có nhiều người bạn ( có người là học trò cụ Tú Sot trả với giá rất cao.



Từ: Guest LiTM
26/09/2013 21:39:42

@ anh DinhNT, em cứ chờ sự khảng định mãi. Bởi ngày xưa em chơi với chị Mùi, chị Cúc CL 77-78, các chị có đố em một câu, không biết em có nhớ chính xác nữa không, cái câu đưa trong ngoặc kép này:" Gấy nhông nhà eng vật chắc khi mô?". Em có một bạn người Vinh học thành phố khác, hỏi mới biết là: "Vợ chồng nhà anh cưới nhau khi nào?''. Còn vô số câu các chị đố, lúc đọc thơ anh MinhCK mới hiểu nghĩa, hehehe



Từ: DinhNT
26/09/2013 21:26:28

Chào bà con trên Chợ!


Gửi bài st cho Tổng Nghị xong thì choa bỏ chợ mất mấy phiên, cũng do ngọc thể bất an, lại thêm cơn bão số 9 nó hành lên hành xuống. Chiều nay vào chợ thấy có nhiều entry mới hay quá.


 


Quay lại xem CHOA của Chu Hồng Quý mới biết CHQ hóa ra nổi danh từ nhỏ, được nhiều người biết đến, đó chính là điều động viên "người sưu tầm" vậy. Tuy thế vẫn lăn tăn là sao ít người bàn luận về đại từ nhân xưng "lạ mà quen, quen mà lạ" này.


Ngay bản thân tôi là dân choa thứ thiệt, vậy mà khi đọc bài viết của CHQ vẫn thấy ngỡ ngàng, té ra lâu nay mình nói lấy được, xưng hô tùm lum chứ chả theo một quy tắc nào. Sử dụng phương ngữ vì vậy cũng khó lắm thay.


 


Cám ơn bạn bè đã cung cấp nhiều thông tin thú vị và quý giá về CHQ và những người nổi tiếng cùng thời với Quý.


------


@ThongNV:


Câu "Choa với mi vật chắc đi", theo CHQ thì phải nói "Tau với mi vật chắc đi", và dịch sát nghĩa nhất phải là: "Chúng ta cưới nhau đi" (Theo Wikilease, nhà phương ngữ học BM đã dẫn).



Từ: KhanhT
25/09/2013 22:10:23

 


Tấn Định sưu tầm được một bài về Nghệ ngữ hay quá. Chu Hồng Quý viết rất trúng mà rất hóm hỉnh, giống như bố anh vậy, nhà thơ trào phúng Tú Sót - Chu Thành. Cụ Tú Sót có lẽ là người đầu tiên bày "mực tàu giấy đỏ" cho chữ ngày Tết ở treo ở bờ rào nhà Trung ương Đoàn Thanh niên CS HCM, phía 60 Bà Triệu góc Trần Hưng Đạo, mình đã từng xin chữ Cụ. Bài "Hôm nay mồng 8 tháng 3" MM nêu ra là rất phổ biến của Cụ Tú Sót, truyền miệng rồi truyền "mạng" đến mức nhiều người không còn biết tác gỉa là ai nữa! Đây ảnh Cụ cho chữ ngày Tết đây:



 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s