KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 28 Tháng mười. 2013

Về quê thăm Động Thiên Tôn




Tác giả: NghiPH

Chủ nhật, 27/10/2013 vợ chồng tôi đưa cháu nội về quê. Về đến khu vực thị trấn Thiên Tôn chúng tôi làm lễ viếng các cụ, ông bà, thầy mẹ tại nghĩa trang nhỏ của gia tộc.

Chúng tôi vào thăm Động Thiên Tôn nằm trong lòng núi Dũng Đương. Đây là một trái núi nhỏ nằm cạnh núi Voi. Hồi còn nhỏ, tôi cứ tưởng tượng trái núi này như một đống cỏ ngon dành cho Ông Voi khổng lồ.  

Trong lòng trái núi này có Động Thiên Tôn- một danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962. Trong động có bàn thờ đá thờ Đức Thánh trấn (thánh Trấn Vũ Thiên Tôn), có hai dẫy bàn thờ các vị La Hán. Bàn thờ đá thờ Đức Thánh trấn được chạm trổ tinh vi, điêu luyện đặt trong cửa hang có hình dạng giống như miệng của rồng.

Tương truyền giếng nước trong lòng động này ăn thông ra tới tận Gián Khẩu (nơi sông Hoàng Long và Sông Đáy hợp dòng).

Khi xưa, lúc mới khởi nghiệp Đinh Bộ Lĩnh đã đến đây cầu Đức Thánh trấn. Lời cầu của ngài đã linh nghiệm, đánh đâu thắng đấy. Ngài là Vạn Thắng Vương. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và đặt kinh đô ở Trường Yên, Hoa Lư, khu vực Thiên Tôn trở thành nơi các sứ thần nghỉ ngơi, chỉnh đốn trang phục. Hôm sau mới theo đường Tiến Yết vào trình Vua Đinh, Vua Lê.

Ngày 20/8/1945 nhân dân các của huyện Gia Khánh (nay là Hoa Lư), Nho Quan, Gia Viễn đã tập hợp trước cửa Động Thiên Tôn để tiến theo đường Quốc lộ 1 giành chính quyền ở huyện lỵ và tỉnh lỵ Ninh Bình.

Trong kháng chiến chống Pháp, Động Thiên Tôn đã từng là nơi đi lại, hoạt động của Tỉnh ủy Ninh Bình và Tỉnh uỷ Nam Định. Năm 1968 đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi máy bay trực thăng về đây.

Trong Động Thiên Tôn chúng tôi đã tổ chức các hội diễn văn nghệ. Ven núi Dũng Đương có nhiều bụi lạc tiên. Trên núi có cây bứa, chúng tôi đã trèo lên hái quả ăn. Chua, ngon lắm!

Động có ngôi chùa cổ. Dân làng tôi gọi là Chùa Hang (chùa trong hang). Tiếc là hiện vật cổ hầu như không còn.

Khu vực Động Thiên Tôn này gắn với tuổi thơ tôi. Chúng tôi chăn trâu ở cánh đồng Gan Gà phía đông của động, ở cánh đồng Hậu Bành phía bắc của động. Còn phía tây nam của động là một thung lũng khá lớn. Đã có một thời gian ngắn chúng tôi được chăn trâu, chơi đánh trận giả trong thung này. Sau đó quân đội đến, xây tường bao, giăng dây thép gai để biến thành doanh trại, thành kho chứa vũ khí. Cả một không gian bay nhảy của chúng tôi bị chiếm mất. Tiếc ơi là tiếc!

Chúng tôi bị đẩy ra gần khu vực gần Đá Trụt. Thế mà chỉ một thời gian ngắn sau đó, những người lính Trung Quốc đến. Họ làm 3 cái hầm xuyên núi. Họ khoét mắt Ông Voi để xây một cái lô cốt. Không biết họ đào núi làm gì? Chúng tôi xót thương cho Ông Voi bị đâm vào mắt, xót thương cho những chú trâu bị cướp đi những bãi cỏ ngon, xót thương cho chính mình còn rất ít chỗ chơi.

Dẫu sao vẫn còn một khoảng đất gần đường Tiến Yết để chúng tôi vui chơi. Nhưng... cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, huyện Gia Khánh với ý đồ làm Nghĩa trang cho cả huyện đã san nốt những gò, những đống là nơi đánh trận của chúng tôi phía tây nam Động Thiên Tôn.

San xong thì không có tiền làm tiếp. Vả lại xã nào cũng muốn có nghĩa trang liệt sĩ của mình cho nhân dân thuận tiện thăm viếng. Không làm nghĩa trang thì quân đội lại xông vào làm doanh trại. Trẻ chăn trâu chúng tôi cứ bị đánh bật ra, càng ngày càng xa Động Thiên Tôn.  

Chính vì bị tước đoạt chỗ vui chơi nên sáng hôm qua khi nghe người trông coi Động Thiên Tôn nói rằng quân đội sắp trả lại khu vực thung lũng cho thị trấn Thiên Tôn, tôi rất mừng. Vừa mừng lại vừa lo. Có quy hoạch xây chùa tại đây. Tôi cứ mong người ta chỉ quy hoạch xây chùa một phần thôi. Những chùa ở đây nên là những ngôi chùa nho nhỏ mang phong cách Việt, tâm hồn người Việt, tâm linh của người Việt.

Còn một phần lớn đất của thung lũng này phải trả lại cho dân, cho du khách. Chúng tôi cần những không gian để du ngoạn, ngắm cảnh, leo núi. Hãy mở lại 3 hầm xuyên núi mà người Trung Quốc đã đào xem họ đã xây gì trong đó, chứ bây giờ các cửa hầm bị bịt kín rồi.

Tôi muốn thấy lại những bụi dứa dại, những bụi lạc tiên, bụi cúc tần, bụi cỏ gà, bụi bọ mò... Tôi muốn gặp lại những chú cá rô, cái trê, cá chuối, cá sộp, ếch nhái, chão chuộc trong những cái chuôm mang đậm hồn quê. Tôi muốn được nghe tiếng hót của chim chào mào, sáo sậu, cu cu. Tôi nhớ tiếng cá quẫy, ếch kêu, chim hót... quá đi thôi!

 

 

1. Núi Voi:

2. Cổng vào Động:

3. Hai ông cháu trước cửa hang động:

4. Cả nhà ở trong lòng hang động:

5. Không gian huyền ảo:

6. Miệng Rồng:

7. Tượng thánh Trấn Vũ Thiên Tôn:

8. Cháu Gia Đức trong miệng Rồng:

9. Các tượng la hán:

10. Chuông cổ:

 

11. Cột trụ trong tháp:

12. Cây si bao kín tháp cổ:

13. Giếng cổ:

14. Hai cây gạo- những người bạn cũ:

15. Gặp lại hoa bọ mò của tuổi thơ:


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 28-10-2013 10:10






Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: TungDX
30/10/2013 09:01:40

 


 


Quê NghiPH thích thật, có phong cảnh hứu tình, chẳng như đồng chiêm trũng, ấn tượng là nước trắng băng:


Tảo khê nhân kiệt địa linh


Thành hoàng làng - cặp song sinh tướng Trần


Gáo - Tảo khê đất nông thuần


Người Gáo duy chí tiến thân học hành


Đồng chiêm mưa nước trắng băng


Mười mấy họ kết giữa lòng lũy tre


Êm đềm như mọi vùng quê


Đêm trùm bóng tối tỉnh mê giấc nồng


Ngày xưa tôi thuộc:


Ninh bình có núi cánh diều


Có chùa Non nước với nhiều cảnh vui


Bây giờ lại nóng lòng như tác giả muốn biết, theo các lời truyền thì rất khả nghi là kho vũ khí yểm sẵn:


Quê Nghị có động Thiên tôn


Có mấy hầm núi, Tàu chôn cái gì?


 


 



Từ: NghiPH
29/10/2013 16:20:01

Hồi những người lính Trung Quốc đến khoét hang ở Núi Voi họ làm công tác dân vận rất tốt.


 


Họ thường xuyên tổ chức giao lưu với thanh niên địa phương. Ngày Quốc khánh Việt Nam, Quốc khánh Trung Quốc, Tết Âm lịch... họ đều mang quà biếu các gia đình.


 


Chúng tôi lần đầu tiên được ăn táo tươi ngon là do họ đem đến biếu gia đình. Ăn táo xong chúng tôi đều đem hạt đi trồng. Nhưng chỉ có chàng Phạm Quang Tuệ là gặp may. Một hạt táo Tuệ gieo trên mảnh đất giáp nhà bà Thơi (sau này là nhà bà Vần) đã nảy mầm. Có một cây táo mọc lên. Chúng tôi rất mừng. Ngày nào cũng ra ngắm, vào ngiá. Cây táo con đẹp quá! Nhưng sau đó khoảng trên 1 năm khi lên cao trên một gang tay thì nó chết. Chúng tôi buồn đến cả tháng trời.



Khi đóng quân ở ven các dẫy núi, người Trung Quốc đào giếng, trồng cây, trồng rau. Trước khi rút đi họ phá nhà, lấp giếng và chặt hết cây cối và phá hết các vườn rau. Khi đó, chúng tôi không biết tại sao họ làm như vậy.



Khi mổ thịt lợn họ không ăn lòng lợn mà đem đi chôn. Không biết ở chính quốc họ có ăn lòng lợn không?


 


Trước khi ăn họ tập trung hát rất to ca ngợi Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trong tay ai cũng có Mao tuyển. Họ thường dậy rất sớm để tập thể dục, thể thao tập thể.



29/10/2013 14:36:59

Chúc mừng gia đình Bác Tổng có chuyến về thăm quê thật kỳ thú và ý nghĩa.


Cảnh quê bác gắn liền với di tích đẹp lắm!



Từ: Guest ngo xuan manh
29/10/2013 05:13:49

Quê Ninh Bình có nhiều động đẹp. Tôi đã đến chùa Bích Động, nhưng chưa đến động Thiên Tôn. Dịp nào Bác Tổng tổ chức chuyến du lịch Tràng An - Thiên Tôn rồi ra chùa Đọi (Duy Tiên, Hà Nam)



Từ: CucNT
28/10/2013 19:47:00

Tỷ mỷ, tận tâm và tràn đầy xúc cảm với thiên nhiên là những gì chúng ta thường được đón nhận từ những bài viết của bác Tổng. Em kính phục và biết ơn bác bởi rất nhiều hình ảnh đẹp, ý nghĩa bác đã post lên. Cho đến bây giờ em vẫn chưa post được ảnh, không phải vì việc học cách post ảnh quá khó (dù sao cũng dễ hơn học tiếng Nga) mà bởi em không đủ tận tâm để ngồi post 1 bức hình mất mấy phút lên, em tiết kiệm thời gian lắm.


Chợt thấy mình có lỗi vì đã có những lúc lười đi chợ Kgu.


Em xin mượn thơ của anh Tuấn để cảm ơn những tư liệu lịch sử bác Tổng đã đưa đến cho người đọc:


 "vén lên huyền thoại phủ ngoài,


Mỗi đền, miếu - Một tượng đài cha ông."



Từ: KhanhT
28/10/2013 16:13:44



Bài viết hay thì khỏi nói rồi, nhưng tớ rất thích mấy cái ảnh của Nghị, đẹp quá. Dạo nọ mình cũng đã đến đây mà không có được những ảnh đẹp như vậy. Có lẽ phải thổ công thổ địa như Nghị mới chụp được. Mà chút nữa tớ nhầm “Đức Thánh trấn”, may mà chính tả là chữ trấn thường nên mình “cảnh tỉnh”, giá mà chính tả “sai” tý nữa thì người mắt kém như mình dễ đọc hơn: “Đức Thánh Chấn” chẳng hạn.




Từ: HuyenBT
28/10/2013 16:07:35

Lại một tiếng van kêu của Đất!


"Tôi muốn thấy lại những bụi dứa dại, những bụi lạc tiên, bụi cúc tần, bụi cỏ gà, bụi bọ mò... Tôi muốn gặp lại những chú cá rô, cái trê, cá chuối, cá sộp, ếch nhái, chão chuộc trong những cái chuôm mang đậm hồn quê. Tôi muốn được nghe tiếng hót của chim chào mào, sáo sậu, cu cu. Tôi nhớ tiếng cá quẫy, ếch kêu, chim hót... quá đi thôi!"

 Em rất đồng cảm với anh, anh Nghị ạ.



Từ: LyTM
28/10/2013 11:58:36

Vật đổi sao dời do thời cuộc là tất nhiên, nhưng người xa quê thì không bao giờ muốn có sự thay đổi, đặc biệt là bất bình nêu đó là sự phá hoại. Cái hầm TQ nó xây sao vẫn chưa phá xem nó trấn cái gì ở trong đó hả anh Tổng? anh kêu gọi mấy ông UB tỉnh đi.



Từ: NguyetTM
28/10/2013 11:25:53

Cảm ơn anh Nghị đã cho mọi người về thăm Động Thiên Tôn, núi Voi. Không ngờ động nhỏ mà đẹp thế. Mấy năm trước em cũng đã nghe thấy sự phàn nàn của dân cư nơi đây về việc phá núi ảnh hưởng đến khu di tích này. Hôm nay được anh kể tường tận hơn nên càng thấy tiếc những nét văn hóa truyền thống ở nơi đây đã bị xâm phạm. Mong sao những mong mỏi của bác Tổng được toại nguyện và khu di tích văn hóa Núi Voi lại trở về với chính mình.


Ông bà Nội đưa cháu về thăm đất Tổ Tiên hạnh phúc quá.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s