NHỚ LẮM THUNG NAI
Tác giả: MinhCK
NHỚ LẮM THUNG NAI
Thung Nai – kỷ niệm một thời tuổi trẻ của tôi và các bạn cùng trang lứa trong một hội săn của thành phố Hòa Bình. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước chúng tôi hay vác súng lên đây để đi săn thú, săn chim. Thung Nai, Bình Xuyên, Bản Mu, Cao Phong và rất nhiều các bản làng, rừng núi quanh vùng thủy điện Hòa Bình này là chỗ quen biết, là nơi hội tụ của phường săn chúng tôi, trên những đỉnh núi cao hay bên mép nước, hoặc khi hoàng hôn chầm chậm phủ trên mặt hồ.
Hoàng hôn trên mặt hồ
Năm nay kỷ niệm 40 năm thành lập phường săn Hòa Bình tôi cũng muốn cùng các bạn nhớ lại một thời xa vắng, nhưng êm đềm và rất năng động ấy. Hội săn của chúng tôi có hai phường – phường Hà Nội và phường Dốc Cun Hòa Bình. Chủ tịch hội săn là anh Nha, vợ là chị Nhi, ngoài ra còn có sáu, bảy người nữa, mọi người đều là người Mường – thật thà tốt bụng và rất quí mến, thương yêu chúng tôi. Mỗi khi vào rừng hái củi hay đi nương làm rẫy thấy dấu vết con thú nào cũng đều gọi chúng tôi lên để cùng nhau đi săn. Hồi đó chúng tôi ở bộ đội mỗi tháng được phát 21kg gạo và 10 lít dầu đun, nhưng thường chúng tôi chỉ đem về nhà 15 kg gạo và 6 lít dầu thôi. Số còn lại chúng tôi gom lại đem lên Hòa Bình mỗi khi có dịp đi săn để giúp đỡ các anh em người Mường khó khăn trong phường săn chúng tôi. Nhưng có câu chuyện làm chúng tôi nhớ mãi đó là vào một lần đi săn, cả một ngày lặn lội trong rừng mà không kiếm được con thú hay chim chóc gì. Về đến nhà mọi người đều mệt lả và đói, anh Nha và chị Nhi nói với nhau mấy câu gì đó bằng tiếng Mường, sau đấy khoảng một tiếng chúng tôi đã có cơm ăn với thịt gà dim. Có điều chúng tôi thắc mắc với nhau mà không dám nói ra là tại sao xương gà lại nhỏ thế??? Sau này mới biết là ổ gà nhà chị mới nở được mấy tuần, nhưng thấy không có gì ăn anh chị đã làm thịt cả ổ gà cho chúng tôi ăn. Tình cảm của người dân tộc Mường nó đằm thắm, chỉn chu và nồng hậu như thế đó. Mối tình chung thủy, bền chặt ấy đã cùng chúng tôi đi hết những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời và tồn tại mãi cho tới ngày hôm nay. Còn nhiều câu chuyện cảm động trong cuộc sống đã đọng lại qua năm tháng, đã đi qua thử thách và đã gắn bó chúng tôi với nhau.
anh Nha, chị Nhi
Khoảng những năm 1982 – 1986 khi anh Nha mới ở bộ đội về nghèo lắm, một chiếc ba lô, dăm bộ quần áo cũ và một tấm lòng của người dân tộc với Bác Hồ và với đồng chí, đồng đội . Chúng tôi đã cùng anh chung tay giúp dựng một ngôi nhà ngay trên đất Hòa Bình quê hương anh để anh có một tổ ấm riêng hạnh phúc. Điều mà thậm chí bản thân anh cũng không dám nghĩ tới, dù đã bao nhiêu thời gian trôi qua.
Với anh Nha, chị Nhi bên ngôi nhà năm xưa
Chúng tôi đọc được niềm vui hân hoan cũng như nỗi xúc động của người bạn vong niên, khi dọn đến căn nhà mới. Lại nhớ đến một câu ngạn ngữ của người Nga: “Để sử dụng thì hãy dùng đồ mới, còn để chơi được với nhau, thì phải là những người bạn cũ”
Khi vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã được nhà nước ta đặt lên trên hết thì chúng tôi dĩ nhiên phải chia tay với những khẩu súng săn, với những ngày đúc đạn... Những ngày lăn lộn trong rừng đói và khát để vào gò đuổi thú, trèo tít lên cây trốn chạy lợn rừng…. chỉ còn là những kỷ niệm vui. Mặc dù vậy, những năm tháng và những người bạn ở Hòa Bình đó không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ của chúng tôi. Bây giờ một số trong những người bạn đó lại làm trong nhà nghỉ BẠN BÈ – CỐI XAY GIÓ này.
Cối xay gió
Khoảng đầu năm 2000, một cơ duyên mới đến với chúng tôi. Chúng tôi kết hợp với những người bạn khác tiên phong vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, khác với nghề của những người lính năm nào. Mở dịch vụ du lịch thiên nhiên! Cũng vẫn đến với núi rừng, bản Mường trên vùng núi này, nhưng không phải đi “khai thác – phá hoại” mà đi làm đẹp cho những gì thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Tiếc rằng không còn những tấm ảnh của những năm khai phá, mở đường, chặt hết lau sậy, có lác… để xây dựng nên khu nghỉ dưỡng cuối tuần “Bạn Bè” như ngày hôm nay. Hồi đó với hai can rượu, chúng tôi đã thuyết phục nông trường trồng rừng để được sử dụng khu đất – bán đảo rộng khoảng 2 ha trên lòng hồ sông Đà này trong vòng 49 năm. Khu đất được hợp lý hóa mang tên nhà nghỉ “Bạn Bè” của Viện KTQS.
Thung Nai, theo tiếng Mường có nghĩa là bản Nai. Chuyện kể lại rằng: Đã lâu lắm rồi, từ rất xa xưa nơi này hoang vu lắm có những bầy nai, sơn dương, hoẵng… về trú ngụ, sinh trưởng từng đàn, từng bầy dọc theo con đường mòn, ven theo những đỉnh núi. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để phục vụ cho chiến trường Tây Bắc, Nhà nước ta đã mở Quốc Lộ 6, con đường này chạy thẳng qua bản Nai, chênh vênh trên triền núi của dòng sông Đà. Cho đến cuối những năm 70, khi chúng ta bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà thì lúc đó Thung Nai được mở rộng và phát triển, đông vui lên rất nhiều. Lúc xây đập để ngăn dòng nước sông Đà thì con đường 6 năm nào xuất phát từ dốc Cun, chạy qua bản Nai đã chìm hẳn xuống dòng sông Đà tạo thành một cái hồ lớn tích nước phục vụ cho nhà máy thủy điện như ngày nay các bạn đã được biết. Con đường số 6 cũ mang theo chiến công của anh Cù Chính Lan nay được đổi tên thành đường Tây Tiến.
Bên tượng anh Cù Chính Lan
Trên con đường này đã được xây dựng tượng đài bằng đá để kỷ niệm chiến công đánh xe tăng năm nào của người chiến sỹ dũng cảm đó. Có điều việc xây tượng đài này không đúng chỗ chiếc xe tăng của Pháp bị đánh hạ trước đây, nó nằm bên phải (từ dốc Cun đi vào) xa chỗ thực chiếc xe tăng bị cháy (nằm bên trái) khoảng 1 km. Người ta làm như vậy bởi chỗ mới đẹp hơn, rộng hơn và trông hoành tráng hơn, “tạm quên” đi lịch sử là ở đâu và chiến công kia là sự kiện gì. Và buồn hơn nữa khi thấy người dân mình đã tháo gần hết (những cái gì có thể tháo được) các bộ phận của xe tăng để đem bán sắt vụn. Cũng may Sở Văn hóa Hòa Bình còn chở về thành phố được cái thân xe và tháp pháo (nặng quá, chưa tháo đi đươc). Để ghi nhớ người ta cũng đã dựng một cái bia có kích thước khiêm tốn ở đúng vị trí chiếc xe tăng bị đánh cháy để tưởng niệm chiến công của người anh hùng năm xưa. Nhưng cho đến nay cái bia khiêm tốn kia cũng không còn nữa.
Nhưng thôi, trở lại chuyện của những người bạn lính, phường săn hồi nào. Lại chính là những người “bạn cũ” ấy chung tay, góp sức làm nên một khu nghỉ dưỡng thiên nhiên. Đẹp dung dị và ấm áp tình đồng đội. Đến với nhà nghỉ “Bạn Bè – Cối xay gió” nếu vào lúc hoàng hôn các bạn sẽ thấy một khung cảnh hữu tình, một bức tranh sơn thủy khi chiều buông chẳng khác gì một Hạ Long.
Hạ Long trên núi
Chúng tôi vẫn gọi đó là Hạ Long trên cạn của Hòa Bình. Từ bến đò Thung Nai nhìn chếch sang bên phải chúng ta có thể thấy mái nhà sàn mầu xanh lá nằm ẩn hiện dưới vòm các loại cây ăn quả như khế, bưởi… và đặc biệt vào mùa phượng nở các bạn sẽ thấy phượng tím của miền Nam Phi xa xôi, nở tím ngát một khoảng trời suốt từ bến sông tới nhà nghỉ. Chưa hết đâu các bạn ạ, ở đây (nếu đặt trước) các bạn sẽ được gặp anh Duy “Chúa Đảo””ông chủ của hòn đảo này.
Chúa đảo hát cùng chúng tôi
Đó là một người lính đã “giã từ vũ khí” năm xưa. Các bạn sẽ được nghe lại những bài hát Nga mượt mà, say đắm lòng người. từ giọng hát của “ông Chúa đảo” có khoảng hơn mười năm sống trên đất Nga, thời gian như thế đủ để “ông Chúa đảo” mang về đây hơi thở Nga, tâm hồn Nga, kỷ niệm Nga qua các bài hát, hát cho mình, hoặc theo yêu cầu của du khách tới đảo. Bữa tối dọn ra với các món ăn nấu theo kiểu Mường, với cá sông Đà hun khói theo kiểu Nga và rượu ngâm mơ uống say mềm mà không biết mình đã bị say từ lúc nào. Nếu các bạn đã đặt trước, các bạn còn được đốt lửa trại, ngọn lửa nồng nàn giữa trời đông giá lạnh, giữa những câu chuyện xa, gần, gợi nhớ về những hồi ức, những kỷ niệm, những câu chuyện tiếu lâm xen lẫn những bài ca sôi nổi….Làm ấm áp ngay cả khi trời Đông giá lạnh
Nhẩy bên đống lửa
Ngọn lửa thổi đi mọi nỗi buồn, xua đi mọi giá lạnh, để rồi kéo chúng ta lại gần nhau trong tình thương yêu, quí mến của bạn bè, của những người đã sống với nhau thật vô tư, thật hồn nhiên, không cơ hội, không thủ đoạn. Những người bạn cùng một mái trường, cùng một lý tưởng, một niềm tin yêu…Một thời yêu quí mãi không thôi.
Cũng vì ý tưởng đó, chúng tôi đã đặt tên cho nhà nghỉ trên lòng hồ Sông Đà là nhà nghỉ “BẠN BÈ-CỐI XAY GIÓ”. Hãy ghé qua đi nhé, dù chỉ một lần để nhớ mãi. Với tôi, năm nào tôi cũng lên đây, khi thì có bạn bè từ đâu đến, khi thì hứng khởi lại rủ nhau đi. Lúc chia tay, người Nga có một phút im lặng ngồi trên đống đồ đạc suy tư, nghĩ ngợi để rồi mỗi người sẽ về với công việc, về với nỗi niềm riêng tư, thầm kín của mình.
Chia tay Thung Nai
Riêng ở Thung Nai chúng tôi ngồi im lặng quanh những gì còn sót lại của ngọn lửa tình người, tình bạn đã cháy đêm qua để nhớ về những kỷ niệm với Thung Nai và với những người bạn Mường trên đất Hòa Bình.
Người post: MinhCK
Ngày đăng: 18-11-2013 21:09
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |