KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 27 Tháng mười một. 2013

GẶP TƯƠNG GIÁP VÀ NGẪM VỀ NGƯỜI




Tác giả: (CucNT Sưu tầm)

GẶP TƯỚNG GIÁP VÀ NGẪM VỀ NGƯỜI

Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 10:05 chiều ngày 23/11/2013  0 Bình luận

NGÔ SỸ HOÀI

Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh

Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh

Vẫn biết lòng yêu thương và sự kính trọng mà người dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là rất to lớn, nhưng khi ông mất, hầu như ai cũng ngỡ ngàng trước “kích thước”của tình cảm: Dường như cả dân tộc đã đứng dậy, xích lại gần nhau để đưa tiễn ông. Trước sự kiện này, tôi muốn chia sẻ kỷ niệm của bản thân qua những lần được gặp gỡ ông và vài suy ngẫm lan man về thời cuộc.

Miên man trong những suy tưởng của nhiều người

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giã biệt Hà Nội, chốn đô thị phồn hoa, để về với đất mẹ “Quảng Bình quê ta ơi” chang chang nắng, nhiều gió và cát trắng. Trong mấy ngày quốc tang, chiều nào tôi cũng ghé đường Hoàng Diệu và miên man giải mã cái thông điệp từ dòng người nối dài dường như vô tận đi viếng Đại tướng. Chiến trận Điện Biên Phủ lẫm liệt đã lùi xa gần 60 năm. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 oai hùng cũng đã là dĩ vãng gần 40 năm trước. Từ sau năm 75 của thế kỷ trước, Đại tướng cũng đã phải xa dần “Quyền bính” và gần một phần tư thế kỷ qua ông đã “hết quan hoàn dân”, ngày ngày tưới phong lan, chơi đàn piano, ngồi thiền… Vậy thì điều gì đã làm “thiên hạ hà nhân” lay động nhiều đến vậy trước sự ra đi của ông ?. Anh bạn làm lâm nghiệp lâu năm ở Đắc Lắc quả quyết qua điện thoại rằng người Việt Nam đi viếng Đại tướng là để thể hiện văn hóa “yêu – ghét” và rằng người ta muốn có một “Điện Biên Phủ” của nhân văn. Nhà thơ Ngô Minh ở Huế thì bạo liệt hơn, đặt tên cho một bài thơ khóc Đại tướng “Hãy mở mắt ra hỡi kẻ tị hiềm”. Một anh bạn làm báo, luôn muốn “ra khỏi đám đông”, thì bảo là để đề cao giá trị sống. Nhà báo lão làng Hữu Thọ bảo khi tiễn đưa một con người tốt, người ta thấy tự mình phải tốt hơn. Trần Đăng Tuấn “cơm có thịt” thì viết “Từ nay vườn vắng cổ thụ, hãy tự mình lớn nhé cây non…” (tôi trộm nghĩ nếu viết “rừng vắng cổ thụ” thì đúng hơn và cũng đáng báo động hơn, còn “vườn” vắng cổ thụ thì âu cũng là cái lẽ thường). Anh bạn làm tuyên giáo ở Nghệ An thì gọi điện bảo đã đọc lại một chương trong “Bên thắng cuộc” và thấy ớn lạnh khi nghĩ đến “Lệ Chi Viên” trong những ngày quốc tang. “Người thơ” Nguyễn Trọng Tạo bảo người ta đi viếng Đại tướng để giải toả “phẫn uất” đã luỹ kế lâu ngày. Nhiều người chia sẻ một lập luận theo kiểu “phản đề”: Đại tướng đã không can dự vào những sai lầm lịch sử: Cải cách ruộng đất, Nhân văn – Giai phẩm, Mậu Thân, Thạch Hãn, Cải tạo công – thương,  Thành Đô, Bauxite … Báo chí nước ngoài thì bảo người Việt đang thể hiện thông điệp hòa giải quá khứ – hiện tại…

Nhưng thôi, không lan man chuyện “quân cơ quốc sự” nữa. Trở lại với cái “tít” của bài viết này.

Kỷ niệm về những lần gặp gỡ Đại tướng

Năm 1987 lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng. Là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách mảng khoa – giáo, ông đến thăm và chuyện trò ở Bộ Lâm nghiệp. Trong phòng họp nhỏ, sau khi nghe mấy ông quan chức chỉ bản đồ báo cáo về diễn biến tài nguyên rừng, ông nói, cũng không khác nhiều vị lãnh đạo cho đến nay vẫn nói, đại loại cũng cây gì, con gì, cũng trồng mít – nuôi dê … như hồi về thăm quê Quảng Bình. Dạo ấy, đói kém tả tơi, ở đâu người ta cũng bàn về các mô hình “nông – lâm” kết hợp mà người làm lâm nghiệp chua chát tổng kết thành các công thức “trên mít – dưới bí”, “trên sao – dưới dứa” (đọc trệch theo tiếng Nghệ thành “trên sao – dưới rứa”), “trên bơ, sữa – dưới khoai, sắn”… Có nhà khoa học còn cố chứng minh 3 hạt mít bổ hơn 1 quả trứng gà (!). Gặp Đại tướng lần đầu, tôi không có gì nhiều để nhớ, chỉ thấy rất ấn tượng với phong cách rất khoan thai, dung dị và đôi mắt rất đẹp, đôi mắt của nhà hiền triết ở ông. Tôi hiểu ông đang phải làm cái việc bất đắc chí và thấy thương ông vô cùng. Ông học luật, làm thầy giáo dạy sử, rồi thành nhà nhà quân sự và nhà văn hóa, nhưng trời không sinh ra ông để làm nông – lâm nghiệp. Cuối buổi, ông chốt lại bằng mấy lời, nghe có vẻ “phải đạo” và hơi “sến”: “nếu cho tôi được làm lại cuộc đời, chắc tôi sẽ đi làm nghề rừng, làm bảo tồn thiên nhiên như các đồng chí”.

Năm 1989 Việt Nam là nước chủ nhà của Hội nghị thường niên cuối cùng Bộ trưởng Lâm nghiệp các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV – nhiều người hay đọc thành “XẸP”). Một cộng đồng của 10 nước “Xếp Hàng Cả Ngày”, họp nhiều đến u mê đầu óc, tranh luận không hồi kết, tài liệu cả núi mà chắng ai chịu đọc. Mỗi tuần chúng tôi đều đặn mang tài liệu SEV ra chợ Nguyễn Cao đổi được 1 cân thịt chó và được một bữa ‘lên bờ xuống ruộng”. Nhiều người nói ASEAN bây giờ cũng chẳng khác là mấy. Cũng họp, tranh cãi nảy lửa, đồng thuận, nghị quyết, rồi quên… Năm ấy Đại tướng, với chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tiếp đoàn bộ trưởng SEV ở Dinh Độc lập. Sau khi nghe ông Bộ trưởng người Bungari thay mặt đoàn thưa gửi, Đại tướng bắt đầu nói: “Tôi được nghe anh Đợt, Bộ trưởng Lâm nghiệp Việt Nam, báo cáo rằng mấy hôm nay, các đồng chí làm việc rất căng thẳng…”. Năm 89 tình hình ở Liên Xô và các nước Đông Âu diễn biến rất nhanh. Ở Liên Xô, Góc-ba-chốp liên tục đi thuyết giáo “Cải tổ và Công khai” (thực chất cũng giống như món “Tái cơ cấu” hay “Tái cấu trúc” và “Minh bạch hoá” đang rôm rả ở ta bây giờ, chỉ có điều ta “khôn” hơn và “sáng suốt hơn”, nói vậy mà không làm vậy !). Ở Cộng hòa dân chủ Đức, bức tường Béc-Linh đã bắt đầu lay chuyển. Còn ở Bungari, người ta chuẩn bị đưa Đi-mi-tơ-rốv đi địa táng. Các bộ trưởng ngồi họp ở Việt Nam mà chỉ muốn hóng hớt chuyện trong nước. Tôi hiểu Đại tướng muốn gửi gắm đôi chút qua từ “căng thẳng”…Tôi bắt đầu dịch sang tiếng Nga. Đại tướng nghe và bất chợt bảo “anh thêm cho tôi từ “na-pre-djôn-nơ” nữa” (trong tiếng Nga, “na-pre-djôn-nơ” có nguồn gốc từ “na-prie-dje-nie” nghĩa là dòng điện, sự căng thẳng. Chỉ qua một chi tiết nhỏ này thôi, tôi tin ông biết tiếng Nga rất chỉn chu, mà chỉ là do tự học.

Năm 1992, tôi đã chứng kiến ông sử dụng tiếng Anh khá thoải mái. Năm đó, ông Harahap, Bộ trưởng Lâm nghiệp Indonesia, nguyên cũng là tướng lĩnh quân đội, sang thăm Việt Nam. Ở đất nước vạn đảo bạt ngàn rừng và gỗ quý thời ấy, người ta bảo rằng Bộ trưởng Lâm nghiệp là người quyền lực thứ hai, chỉ sau Tổng thống Xu-hac-to. Kết thúc chuyến thăm Việt Nam, ông cứ nằng nặc đòi được gặp General Giáp. Chúng tôi phải đi xin phép tứ tung. Lúc đầu Đại tướng bảo ông đã nghỉ rồi, không muốn gặp các quan chức nước ngoài để tránh mọi rắc rối có thể. Sau do ông Harahap cứ nài nỷ mãi, Đại tướng cũng đồng ý gặp. Ông đi một mình, đến nhà khách của Văn phòng trung ương ở Tây Hồ. Tôi chuẩn bị dịch cho ông, nhưng ông bảo khỏi cần. Cuối cuộc chuyện trò bằng tiếng Anh khá thoải mái với ông Bộ trưởng Indonesia, ông cũng lặp lại cái ý hơi xã giao, nhưng bằng giọng nói rất truyền cảm và quả quyết: “Tôi ghen tỵ với ông. Ông được làm lâm nghiệp, làm môi trường. Còn tôi thì phải làm quân sự. Nếu được làm lại cuộc đời này, tôi cũng sẽ đi làm rừng như ông”. Rồi ông đứng dậy vỗ vai tôi bảo lần trước tiếp đoàn bộ trưởng với tư cách Phó Thủ tướng, cần người dịch, còn lần này chỉ là chuyện trò cá nhân. Thì ra ông vẫn còn nhớ buổi tiếp đoàn bộ trưởng lâm nghiệp SEV từ 3 năm trước. Tôi bàng hoàng nhìn ông rảo bước ra xe.

Đôi điều suy ngẫm sau cuộc “đưa Người về cõi bất từ”

Sau khi Đại tướng mất, truyền hình Việt Nam chiếu phim tài liệu cảnh Ông đứng bên sa bàn chiến dịch Điện Biên ở Bảo tàng Lịch sử và thuyết trình với rất nhiều “argue” (tranh biện) về những “dilema” (nan đề) của quan hệ Việt – Pháp với phong thái khá “lãng tử”, bằng một thứ tiếng Pháp rất lưu loát và hơi “điệu”, tất nhiên là với thổ âm Quảng Bình khá rõ. Một người quen của tôi từng làm ở Bộ Ngoại giao kể rằng năm Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp, cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi anh lên để hỏi han. Khi nghe than phiền Chủ tịch nước đương nhiệm không biết tiếng Pháp để chủ trì Hội nghị, cựu Thủ tướng nói: “Chỉ có tôi và anh Văn có thể chủ trì họp bằng tiếng Pháp được thôi, nhưng chúng tôi đều đã nghỉ, chẳng còn tư cách gì mà làm nữa”. Rồi cụ thở dài “cái nước mình nó thế, người biết thì không làm, người làm thì không biết”. Mấy năm trước, khi nói chuyện với ông Kurster, chuyên gia tư vấn về thể chế – chính sách người Đức, lương tháng vài chục ngàn đô mỗi tháng, tôi xích mé hỏi ông cứ nghiên cứu Việt Nam mãi, phát hiện (finding) và khuyến nghị chính (recommendation) của ông là gì. Ông ta bảo khỏi phải dài dòng, vấn đề của Việt Nam nằm ở cái “paradox” (nghịch lý) giản đơn: “người biết thì không làm, người làm thì không biết” và cứ loại bỏ nó đi là mọi việc OK. Tôi bảo ông nói y hệt cựu Thủ tướng của chúng tôi đã nói cách đây vài chục năm. Kurster cười hô hố, bảo nhưng tôi là tư vấn nước ngoài, còn ông Đồng là người Việt, tôi nói biết đâu có người tin (!). (Nhân thể xin được nói lại với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “bản quyền” của câu cảm thán – câu “buông ngữ” -“cái nước mình nó thế” chưa chắc đã thuộc về Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến như anh Tạo vẫn tin) [*]. Thế hệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hễ đã đi học, chỉ cần qua “diplome”, thậm chí chỉ cần “premier” là đã rành tiếng Pháp. Một người bạn vong niên của tôi, mới “tú tài Tây”, giờ gần 90 tuổi, có cái thú tiêu khiển là làm thơ tếu táo bằng tiếng Pháp và dịch “Chinh phụ ngâm” sang tiếng Pháp. Chẳng bù cho mấy ông “thập loại giáo sư, tiến sỹ” thời nay, được học tiếng Anh từ vỡ lòng mà không nói được một câu cho ra hồn. Anh bạn tôi, làm tổng biên tập một tờ báo, thì cứ than phiền rằng cán bộ tòa báo anh toàn xin đi học thạc sỹ tại chức hành chính, luật, kinh tế, chính trị cao cấp… Cả tòa báo cần một người thạo tiếng Anh mà không ai chịu đi học. Họ bảo học các ngành khác có thể nhờ người điểm danh, chi ít tiền đi thầy cô, quanh đi, quẩn lại vài năm có cái bằng thạc sỹ hẳn hoi, mà chẳng ai kiểm tra được. Còn ngoại ngữ học mãi mà không dùng được thì cũng ôi, dễ tòi cái dốt ra lắm.

Có một sự trùng hợp rất đáng để suy ngẫm: ở Việt Nam, hai quốc tang cảm động nhất thuộc về hai nhà lãnh đạo biết nhiều ngoại ngữ nhất – Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Có người bảo Cụ Hồ biết 7 ngoại ngữ, nhưng cũng có người bảo Cụ biết đến những 14 ngoại ngữ. Chỉ cần kể qua 4 thứ tiếng Pháp, Anh, Nga và Trung văn mà Cụ có thể sử dụng thành thạo để viết báo, thậm chí có thể sử dụng cho công việc “fiction” viết văn và làm thơ đã thấy phi thường lắm rồi. Còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngoài tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh như tôi đã “mục sở thị”, tôi tin rằng vốn là con nhà “dòng dõi nho học” và  đã có thời sống ở Trung Quốc, Ông còn biết tiếng Hán. Ngoài kiến thức triết học, lịch sử và luật học mà Ông tiếp nhận được từ Trường Albert Sarrout và từ Đại học Luật thời Pháp thuộc, với vốn liếng ngoại ngữ dư giả như vậy và qua tiếp xúc với ông, tôi thấy ông là con người “tây học” nhiều hơn là “nho học”. Và cũng có thể một phần vì hệ lụy này, hệ lụy “nhiều chữ”, mà suốt cả mấy thập kỷ, kể từ khi cụ Hồ bước sang tuổi “cổ lai hy” và “đi gặp cụ Các-Mác và cụ Lê-Nin”, ông đã vô cùng cô đơn giữa các đồng chí của mình.

Xin mượn mấy câu thơ nhà ngoại giao tài hoa Xuân Thủy viết về Cụ Hồ, và cũng có thể đúng với Đại tướng, để kết thúc bài viết nhỏ về một nhân cách rất lớn, một con người được nhiều người ngưỡng mộ:

“…Một con người gồm Kim – Cổ, Tây – Đông
Giàu quốc tế, đậm Việt Nam từng nét
Yêu dân tộc, quý loài người tha thiết
Đường Mác-Lê mải miết bước chân nhanh…”

Chỉ có điều câu cuối có thể đúng với Cụ Hồ, nhưng có lẽ không đúng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người vừa mới bỏ chúng ta ra đi.

__________

[*] Nguyễn Trọng Tạo: Chắc Ngô Sỹ Hoài nhận định như vậy là do đọc mấy lời tôi viết giới thiệu bài của Hoàng Ngọc Hiến trên web của mình: “Mấy năm gần đây, người ta hay nhắc câu “Cái nước mình nó thế”, nhưng nhiều người không hiểu nguồn gốc từ đâu. Ngược lại mấy năm trước, ta đọc được câu nói đó trong một bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến trên talawas nhân dịp ông đến nước Đức” – Nguồn: http://nguyentrongtao.info/2011/01/28/hoang-ng%E1%BB%8Dc-hi%E1%BA%BFn-cai-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-minh-no-th%E1%BA%BF/

Đúng vậy, câu nói “Cái nước mình nó thế” được công bố lần đầu tiên trong bài trả lời phỏng vấn của GS Hoàng Ngọc Hiến trên talawas.org được nhắc lại nhiều lần trước những vấn đề khó giải thích. Hoàng Ngọc hiến đã dùng cụm từ này với ý nghĩa diễu nhại, và sau đó được nhiều người sử dụng. Chính nhờ sự lặp lại nhiều lần câu này mà đã tạo nên một hiệu ứng mạnh.

Còn câu Thủ tướng Phạm Văn Đồng được thuật qua một người bạn của NSH chứ chưa được công bổ ở đâu ngoài bài viết này. Theo tôi, nếu có thì cũng là thể hiện cái tâm thế chung của những người hiểu biết về cơ sự của nước mình mà thôi. Cho nên “bản quyền” rất khó xác định của ai. Nhưng nếu không được GS HNH đưa lên thành một “điệp khúc” thì nó vẫn chỉ là lời nói gió bay.

Thẻ:NGÔ SỸ HOÀI, Võ Nguyên Giáp


Người post: CucNT

Ngày đăng: 27-11-2013 22:10






Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments

Từ: Guest trần duy khánh
09/12/2013 19:06:46

hay quá



Từ: CucNT
30/11/2013 10:38:44

NGUYỄN TRỌNG TẠO



BẤT TỬ



Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê


Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử



Thành Núi thành Mây thành Ruộng Đồng, Sông, Bể



Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông



.



Thành Đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân



Thành Ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối



Thành Mặt trời cho trần gian nắng mới



Thành Mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng



.



Người ba năm không nói không cười vươn vai thành Phù Đổng



Người cuối đời phải giấu ánh sao Khuê trong tấc dạ trung thành



Nhẫn và Vinh đốn ngộ Vinh và Nhẫn



Trái tim hồng thành Xá lị, Kim đan



.



Người không nghĩ mình sẽ hóa Thánh nhân



Khi nằm xuống cả non sông thương khóc



Cả non sông thành Rồng chầu Hổ phục



Tôn vinh Người vị Thánh của lòng Dân



.



Bắn lên trời cao những tiếng sấm vang rền



Tiễn Người vào Bất Tử



Nghe trái đất rùng mình thương nhớ



Nghiêng về Người lấp lánh những vì sao…



Hà Nội, 10/10/2013



 



Từ: Guest ThanhLK
29/11/2013 11:34:30

Cám ơn em Cúc đã đăng bài này, giúp mọi người hiểu thêm về vị Đại Tướng của nhân dân VN. Chị học nhiều nhất ở Bác là tính "Kiên cường và Nhẫn nại".



29/11/2013 06:19:24

Những ai với danh nghĩa là "nô bộc của dân", hãy đọc và suy ngẫm về đoan viết này:


"....với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngoài tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh như tôi đã “mục sở thị”, tôi tin rằng vốn là con nhà “dòng dõi nho học” và  đã có thời sống ở Trung Quốc, Ông còn biết tiếng Hán. Ngoài kiến thức triết học, lịch sử và luật học mà Ông tiếp nhận được từ Trường Albert Sarrout và từ Đại học Luật thời Pháp thuộc, với vốn liếng ngoại ngữ dư giả như vậy và qua tiếp xúc với ông, tôi thấy ông là con người “tây học” nhiều hơn là “nho học”. Và cũng có thể một phần vì hệ lụy này, hệ lụy “nhiều chữ”, mà suốt cả mấy thập kỷ, kể từ khi cụ Hồ bước sang tuổi “cổ lai hy” và “đi gặp cụ Các-Mác và cụ Lê-Nin”, ông đã vô cùng cô đơn giữa các đồng chí của mình."



Từ: Guest NHA
28/11/2013 12:49:18

Cảm ơn em Cúc đã cho mọi người có thêm một góc nhìn về vĩ nhân của dân tộc Việt Nam : Bác Hồ và Đại tướng.



Từ: CucNT
27/11/2013 22:06:16

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi vào cõi vĩnh hằng hơn 50 ngày rồi. Hàng ngàn bài viết vô cùng xúc động về Người đã được đăng tải trên rất nhiều trang báo.


Em Cúc xin được post lên đây bài viết của anh Ngô Sỹ Hoài (Cựu Hs Phan Bội Châu).



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s