KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 28 Tháng mười một. 2013

MỲ GÕ




Tác giả: Kaiser Kim Thu

                                   MỲ GÕ


Mãi tới chiều qua tôi mới mở cái CD Môi Tím Chân Trần của Bắc Hải ra nghe. Đang ngây ngất với bản "Chi chi chành chành" thật nhí nhảnh và tinh tế  tựa những giai điệu dân ca; mượt mà, lúng liếng bởi những bài vè thuở nhỏ: Dung dăng dung dẻ, Thả đỉa ba ba... Sao mà dễ thương, duyên dáng và sâu lắng đi vào lòng người đến vậy. Chợt tôi dừng lại ở bản số 9: Mỳ Gõ.


" Người Sài gòn thường nghe tiếng gõ

Tắc ta rắc tắc tắc, cùm tắc cum

Trên phố khuya có đôi chân nhỏ

Mỳ đi gõ là mỳ kéo xe..."

 

       

 

Với giọng ca ấm áp, giàu sức truyền cảm và rất có hồn của Y Jang Tuyn, người nghe muốn chết từng khúc ruột. Hình ảnh đứa bé trong đêm khuya gõ rao bán mỳ, bán hủ tiếu ùa về trong tôi như một cơn lũ không gì ngăn được. Nước mắt lăn dài trên má, tôi muốn gục xuống vì đau khổ, vì bị ai đó làm tổn thương trong tâm can...


Trung tuần tháng Bảy năm 2003, tôi về nghỉ phép. Sài gòn đang mùa mưa. Mưa lớn từng đợt gối vào nhau, vần vũ, nghiêng ngả đất trời. Đêm đầu, lạ nhà, tôi thao thức mất một lúc. Chợt văng vẳng ngoài phố đưa về tiếng gõ. Lúc đầu còn nhỏ, chắc bước chân người gõ còn xa. Dần dần, tiếng gõ đã to hẳn, rất đanh, với một âm lượng rành rọt "cắc, cắc, cắc" đều đặn, chậm rãi, thong thả. Rồi nó chuyển sang nhịp đôi " cắc cắc, cắc cắc, cắc cắc" dồn dập, mời chào, năn nỉ, thúc dục ... Cứ thế, những tiếng gõ buông vào khuy khoắt, nghe buồn não đến thảm hại. Tôi nhỏm dậy hỏi mẹ nằm kế bên:

- Mẹ ơi người ta gõ gì thế, khuya lắm rồi ?

- Con cứ lục sục thế thì làm sao mà ngủ được. Thằng nhỏ đi rao mỳ, rao hủ tiếu để mời khách đấy mà.

Mẹ tôi vừa trở mình vừa trả lời.


Bây giờ tiếng gõ đã xa dần. Chắc không kiếm được khách, người gõ rao mỳ lại phải đi thêm một con phố nữa. Đôi chân bé nhỏ mang theo tiếng gõ sang hẻm khác. Âm thanh buồn rớt lại thưa thớt, yếu dần trong tiếng mưa rơi. Tôi nằm như bất động, lấy tay vén mớ tóc xòa trên trán mới biết nước mắt mình đã đẫm ướt một bên má.


Hôm sau, lúc ăn sáng, tôi quay sang hỏi tiếp chuyện đêm trước.

- Mẹ, con chưa hiểu hết cái vụ gõ rao bán mỳ, bán hủ tiếu hồi đêm mẹ ạ.

- Những xe mỳ, xe hủ tiếu rong, thường họ ấy đỗ một chỗ. Rồi chủ ấy mướn bọn trẻ đi rao hàng. Đứa trẻ có trong tay hai thanh tre, loại tre cật, thật đanh, thật già, bề ngang lớn chừng hơn cây đũa cả. Khi gõ chúng vào nhau, nó thay cho lời rao hàng, khắp các ngõ phố, tận trong các hẻm đều nghe được.

- Những đứa bé ấy lớn bằng nào hả mẹ?

- Từ chín, mười tuổi tới mười hai, mười ba.

- Có bé gái đi rao mỳ gõ thế không?

- Những năm trước có một con bé. Nó mười lăm rồi, mà còm nhom còm nhách. Đi rao mỳ gõ kiếm thêm vài đồng cho ngoại nó, phụ chút tiền ăn. Lần ấy, cũng vào mùa mưa thế này, con bé bị người ta làm bậy. Mà khốn nạn, nó chưa kịp dậy thì, chưa trở thành một thiếu nữ, đêm ấy thân phận đã thành người đàn bà. Rồi con bé bị ngẩn ngơ. Chủ cũng chẳng buồn thuê nữa. Từ đấy các xe mỳ, xe hủ tiếu rong chỉ tuyển người rao mỳ gõ là các bé trai.

 

       

 

Tôi chết lặng cả người khi nghe mẹ kể. Cái âm thanh buồn hơn cả tiếng mõ chùa của thằng bé rao mỳ gõ, chèn lấy ngực tôi, cào xé lòng tôi.

Đất nước đã hết chiến tranh tự bao giờ. Yên hàn đã trở lại từ Nam ra Bắc. Khắp nơi vóc dáng quê hương thay da đổi thịt. Hiện đại hóa nhanh đến chóng mặt. Thế mà, ngay nơi đây giữa Sài gòn rất phồn hoa vẫn thế ư ?

Có bao nhiêu đôi chân nhỏ vẫn lang thang, lầm lũi khi đêm xuống, để mưu sinh bằng cái nhịp gõ rao mỳ kia? Còn bao nhiêu đô thị khác ở phía Nam này chịu chung cảnh ngộ như thế ? Những bước chân mòn mỏi, lê lết trên ngõ phố. Những âm thanh cay đắng của tiếng gõ rao mỳ. Những ánh mắt thơ ngây nhòe lệ đi trong hư vô, mong manh với những đồng tiền còm cõi. Đau lòng đến thế cơ mà. Nó có làm ai đó quay đi gạt lệ không?


Mỳ Gõ ! Tôi những muốn đừng có món ăn đêm này nữa. Để mái tóc xanh của các em không phải ngâm sương. Để những đôi chân nhỏ không phải sải dài trong khuya khoắt. Để âm điệu buồn nát lòng của tiếng gõ rao mỳ đừng bao giờ rót vào đêm lạnh.



Mời ACE nghe bản MỲ GÕ sáng tác của Trần Bắc Hải , qua giọng ca của Y Jang Tuyn

http://mp3.zing.vn/bai-hat/My-Go-Y-Jang-Tuyn/ZW68F6DI.html

 

Cologne 27.11.2013

 


Người post: ThuKK

Ngày đăng: 28-11-2013 23:11






Xem 1 - 10 của tổng số 16 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThongNV
04/12/2013 15:49:12

Mình hoàn toàn nhất trí với quan điểm của NghiPH. Cũng như Mì Gõ, những gánh hàng rong ở Hà Nội, một thời cho là “quê”, là lạc hậu và vì thế mà các nhà quản lý muốn dẹp bỏ. Những người bảo vệ “gánh hàng rong” cho là thọc gậy bánh xe, cản bước tiến của lịch sử. Nay, nhiều khách du lịch phát biểu, nếu Hà Nội không có phố cổ, hàng rong, thức ăn vỉa hè . . . thì chúng tôi không đến Hà Nội du lịch. Điều quan trọng là chúng ta biết quản lý nó theo một phương thức mới.



Từ: Guest Hà Vinh
02/12/2013 11:56:18

Đọc Mỳ Gõ mà thương quá đi. Nhớ SG lắm chị Thu ơi !



Từ: NghiPH
01/12/2013 18:05:58

Mỳ gõ là cái độc đáo của đất Sài Gòn. Có lẽ nó còn tồn tại dài dài. Cái chính là cần bảo đảm sự an toàn cho các cháu làm nghề này.



Từ: Guest Kim Thu
01/12/2013 16:25:10

@VAD, ơ kìa, Thu đăng bài này bên Forum Ukraina mà, tại Bạn không vào Diễn đàn đó để đọc mà chỉ chăm chú trên FB. Thường xuyên vào Diễn đàn Ukraina nhé, nếu không đọc trên này cũng được. Ở bên trang WEB KGU này, phong phú hơn rất nhiều VAD ơi. 



Từ: Guest VAD-Taskent
01/12/2013 13:24:37

Rất hay có đường link từ bài Mỳ Gõ trên FB mà mình vào được trang web này. Thu ơi, từ nay mình sẽ theo đọc bài của các bạn tại đây nhé .



Từ: Guest Kiệt
30/11/2013 21:33:38

Cái món mỳ gõ này không thấy có ở Hà nội nhỉ. Hay là phố Hà nội nhỏ, chỗ nào cũng có quán xá, hàng ăn bụi san sát... nên không cần đến dịch vụ "gõ" ? 



Từ: 3Chai
30/11/2013 19:09:43

Cảm ơn Kim-Thu và các bạn đồng cảm. Bài hát này có nhiều kỷ niệm, mình xin chia sẻ với các bạn.


Mình viết "Mỳ gõ" khoảng năm 2003-2004 khi ở ĐH Oxford. Trong bữa tiệc các bạn tổ chức tiễn mình trở về Australia mình đem bài này ra hát. Trước khi hát có giới thiệu qua về nội dung. Thấy mặt ai cũng căng thẳng chờ đợi. Mình hát xong, một bạn vẻ thất vọng ra mặt, hỏi: "Tao tưởng là một bài hát buồn lắm, hóa ra là một bài vui".


Trở về Adelaide ít bữa, chúng mình tổ chức BBQ từ thiện tại sân vườn nhà, bán vé vào sân lấy tiền ủng hộ đồng bào da cam. Sân nhà bữa đó khoảng 5 chục người. Bạn bè ủng hộ, mang tranh đến bán đấu giá, mang rượu vang đến mời mọi người mua xổ số trúng thưởng. Cuối buổi được khoảng nghìn tư đô.  Mình cho trẻ con mỗi đứa một cái vỏ chai bia bên trong thả cái nắp chai đã bóp bẹp, xếp hàng rồng rắn lên mây vừa đi vừa lắc vỏ chai theo điệu Mỳ gõ. 


Ngày hôm nay mình bận việc phải chạy ra ngoài, mẹ Nở cho thằng cháu nội Mỳ gõ. Nó cứ ngồi nghe đi nghe lại mãi. Buổi tối chở mấy mẹ con bà cháu ra bãi biển, dọc đường đi nó lại đòi nghe. May mình vừa được Kim-Thu nhắc là bài số 9 nên lắp cái đĩa vào là mở trúng ngay. Nghe hết bài số 9 thì sang bài số 10. Ông cháu không thèm nghe, khóc tu tu đòi tua lại bằng được bài cũ!


 


 



Từ: Guest Sơn Leningrad
30/11/2013 12:15:26

Sống mãi ở Sài gòn từ sau khi về nước. Cũng vẫy thấy tiếng gõ vang lên trong khuya khoắt của món mì đêm. Cũng biết động lòng thương xót bọn nhỏ lắm, mà không tả nó được như Thu. Mình thật sự xúc động khi đọc bài này. Rất cảm ơn Thu.



Từ: Guest BM
29/11/2013 19:17:12

Cần nhại theo ý tưởng mới: Đồng âm tương khí, đồng chí


(hướng) tương cầu,... đúng là tấm lòng nhân hậu gặp nhau!


 


Nếu có phút nghe lời rao đêm lạnh


ta sững sờ, chợt canh cánh lo âu,


đời thật bất công, buồn, chẳng có phép màu


đời vẫn thế, đâu cơm rơi, cơm vãi,...


 


Nghe tiếng trẻ, không phải lời thơ dại


đang học bài hay hát tiếng bi bô


mà là lời rao, trong đêm tối mơ hồ,


sơm mưu sinh, trong dòng đời gió bão,...


 


Lòng tự hỏi lòng, trong bao nhiêu đạo,


có đạo nào xóa hết những gian lao


có đạo nào xóa được đói nghèo


cho tiếng trẻ chỉ bi bô cười nói,...


 


Để đêm tối, và tháng ngày tươi mới


lũ trẻ con sẽ ríu rít bên nhau


nhóm học nào má cũng ửng sắc màu


bầu đôi má và lung linh mắt sáng,...


 


Lũ trẻ có tương lai sáng lạn


thế giới đẹp tươi, chẳng còn nữa đói nghèo,


và "người với người sống để yêu nhau"


ngây thơ mãi mọi nụ cười con trẻ!


 



Từ: CucNT
29/11/2013 18:51:59

Em đang sống giữa Sài gòn, đêm đêm nghe tiếng Mỳ gõ và cả tiếng rao "Ai bánh giò nóng đây" mà xót xa thương cảm. Nghe bản nhạc "Môi tím chân trần" và tiếng lòng tha thiết của chị Thu em càng cảm phục tấm lòng người viết và người bình. Phải lắng nghe, phải tường tận, phải thấu hiểu người viết và người nghe mới có được những xúc cảm lệ ứa như thế.  Tình thương đó không chỉ dừng lại trên trang viết mà đã được anh Hải nhân lên để chính bản thân anh và mọi người cùng biến thành hành động. Những bản nhạc của anh Hải đã được bán đi và lấy tiền ủng hộ giúp đỡ người nghèo khó. Viết là khó nhưng chỉ viết thôi thì chưa đủ. Cho em được cảm ơn anh Hải và tất cả anh chị em cũng như chị Thu (người đã tích cực ủng hộ những việc làm nhân nghĩa của anh Hải). Em thấy mình nhỏ bé!




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s