KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 11 Tháng mười hai. 2013

KHI DÂN “CÃI CỌ” NGHE GIẢNG VỀ VẬT LÝ HẠT NHÂN HIỆN ĐẠI…




Tác giả: Meomun

 (Với lòng ngưỡng mộ chân thành từ một người thuộc lớp đàn em đến các anh chị khoa Lý KGU)

Tháng trước, mình có đọc trên web KGU bài thơ “Bạch Dương”, tác giả là một nhà vật lý, đồng nghiệp của giáo sư Đào Tiến Khoa. Sau khi post lên, bài thơ nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của nhiều người KGU. Mọi người bình luận rôm rả và câu chuyện đi đến nhận định những nhà vật lý là những người đa cảm và giàu tâm hồn nhất.  Nữ Đại sứ Huyền thì trích dẫn để khẳng định vật lý là môn khoa học tự nhiên lãng mạn nhất trong các môn khoa học cơ bản, cái nhìn của vật lý là cái nhìn chính xác nhưng đôi mắt của vật lý là đôi mắt thi vị và lãng mạn…

 

Suy ra từ người KGU thì cũng thấy quá đúng. Tuy các nhà vật lý lúc nào cũng luôn bận rộn, nhưng dấu ấn về trí tuệ, sự bay bổng và lãng mạn của họ trên văn đàn KGU góp phần đáng kể để trang web KGU có gì đó đặc biệt với bạn bè.  Người KGU vẫn nhớ những bài thơ tình của giáo sư Mai Xuân Lý xốn xang một thời trai trẻ với “lá Klion xanh xanh”, với biển không còn màu xanh khi vắng bóng “em”. Rồi những câu thơ như dòng phù sa lặng lẽ mà sâu nặng bồi đắp bến bờ của “Đệ Nhất Lục Bát” Đỗ Khắc Tuấn, những câu thơ rất trẻ trung, yêu đời “lao xao cuộc sống” của anh Dương Mạnh Cơ. Anh Đặng Thanh Lương bâng khuâng “thời gian” với những “cảm nhận đầu đời” về tháng ngày trong trẻo đã qua với những “Bé”, những “Mây” và cả khoảng lặng xao xuyến “Helsinki những ngày nắng ấm” và trong những ngày thảm họa hạt nhân Nhật Bản vẫn lung linh hình ảnh “một loài hoa dại” vươn lên trong nắng xuân... Những hồi ức sinh động về “cái thuở ban đầu lưu luyến”, hay là “chuyện tình Kommunalnik” của anh Trần Quý Huy, mà anh chị em vẫn quen gọi thân mật là anh Khửu, tiếc là anh dạo này núp hơi kỹ. Còn một trong hai tác giả của “những vần thơ tình ngô ngọng thời sinh viên” cũng là dân vật lý chính gốc - giáo sư Nguyễn Hoàng Lương, một người nhìn có vẻ rất khô khan và nghiêm khắc.  Xuất hiện có một chút xíu từ thuở hồng hoang mới lập web là chị Nguyễn Quê Hương, cô gái hiếm hoi trong làng toán lý, nhưng bài viết của chị về bạn bè cùng khóa, với văn phong đặc biệt mà chắc chắn chị được thừa hưởng từ người cha, nhà văn Nguyễn Thành Long làm mình nhớ mãi, rất mong được tiếp tục đọc những dòng viết của chị.  Mình rất ấn tượng với những bài viết rất giàu thông tin và đáng suy ngẫm nhưng không kém duyên dáng và cả hài hước của anh Phan Thanh Diện, chuyên gia Liên Xô học- Nga học của KGU, của một người đọc nhiều biết rộng như anh Ngô Văn Mơ (Văn)- dân Vật lý KGU duy nhất mà mình được hân hạnh "quen biết" từ thuở mình còn là sinh viên, rồi giáo sư Đào Tiến Khoa, anh Phạm Văn Hoài với bài viết về VL76 với chân dung rõ nét của từng người trong khóa, tóc dài, quần loe, chịu chơi mà học giỏi, tài hoa. Tất cả họ đều là dân vật lý KGU mình đấy thôi! Họ tài hoa quá, làm đôi khi mình cũng ước ao, giá mà mình có chút xíu tố chất của họ. Nhưng chỉ “đôi khi” thôi, vì nếu có được trí thông minh như họ thì mình cũng chẳng dám dấn thân và hy sinh cho khoa học được như họ!  Thời phổ thông, chả hiểu sao mà càng học lên thì mình lại rơi vào chuyển động "dốt dần đều" với các môn tự nhiên, nên vật lý cũng là nỗi ám ảnh của mình vào cuối cấp Ba. Vì thế, những ai giỏi  toán, giỏi Lý cũng gợi cho mình một cái gì đó bí ẩn và sự khâm phục.

 

Đêm hôm trước, chừng 2 h sáng mình lên mạng thấy email của chị Phương Thoa thông báo về seminar của giáo sư Đào Tiến Khoa,được tổ chức vào 8 h sáng hôm sau ở Đại Học Sư Phạm TP HCM, chủ đề về “Origins of elements”. Lúc đầu, mình lơ đãng vì thấy nó quá xa lạ với sở thích cá nhân, có nghe cũng chả hiểu gì mà cũng chẳng cần thiết cho cái cần câu cơm- nghề nghiệp của mình. Nhưng rồi mình chợt nghĩ hay là cứ thử nghe xem, lại có dịp được chiêm ngưỡng “nhân tài Đất Việt” tận mắt nữa!

 

Thế là sáng sớm hôm sau, mình lấy can đảm đến hội trường Đại Học Sư Phạm, nơi GS Khoa sẽ có buổi seminar. Hiểu nỗi “sượng sùng” của người ngoại đạo như mình trong một seminar chuyên ngành, GS trấn an: “Yên tâm đi, chắc em hiểu được 50%!!! Mà tới chỗ nào không hiểu hay không muốn nghe nữa thì cứ việc ra về! Đây không hẳn là một seminar, mà là một buổi gặp gỡ thân mật với các sinh viên, nghiên cứu sinh thôi!”

Mình mang theo cái e dè của người ngoại đạo bước vào hội trường. Xung quanh mình toàn là các bạn trẻ, rất trẻ, thế mà nhiều bạn đang là nghiên cứu sinh. Một tình cờ thú vị là mình gặp lại bạn cũ, PGS- TSKH Lê Văn Hoàng, là người tổ chức seminar này. Bạn Hoàng người Huế, nói năng vẫn duyên dáng, nhỏ nhẹ, rất Huế như ngày xưa, ngày mà bọn mình “lác cả mắt” khi được học cùng với một người vừa đi thi Olympic vật lý ở Bulgary về. Hơi xấu hổ là mình phải hỏi nhỏ anh Khoa là “ai thế, em nhìn thấy quen quen”, còn bạn thì đọc rõ cả họ tên mình, đúng là trí nhớ của nhà vật lý!  GS Khoa nhìn quanh và hỏi mình: “- Chị Thoa có đến không? Có khi “bà ấy” chỉ gửi mail thông báo thôi chứ chẳng tới đâu nhỉ!”  

 

Chắc tại anh Khoa nhắc quá nên bài giảng bắt đầu được một lúc thì thấy chị Thoa đi vào. Từ trên bục giảng, mình thấy anh Khoa cười rạng rỡ. Rồi trong bài giảng, thỉnh thoảng anh Khoa lại chêm vào vài câu trêu chị Thoa, kiểu như: “- Cái này chắc bà Thoa biết rõ” ,  hay là “phải thế không chị Thoa?”, làm sinh viên hết thảy quay đầu lại nhìn xuống bàn cuối, nơi chị Thoa đang ngồi nghe chăm chú như một sinh viên.

Hóa ra bài giảng của GS Khoa không chỉ về “origins of elements” như trong email thông báo, mà còn về lịch sử vật lý hạt nhân hiện đại, phần này thì mình hiểu gần hết (!!!) vì tóm tắt về tiểu sử của các nhà bác học từ thời Pitagor, Galie, Copecnic… cho đến một số nhà vật lý hạt nhân hiện đại, nhưng đến phần các học thuyết của họ thì mình mải mê xem ảnh và…thử kiểm tra lại trình độ tiếng Anh của mình, vì bản trình bày Powerpoint cũng bằng tiếng Anh. Buồn cười, mình thấy có cụm từ như “the heart of the matter”, chắc chắn dân học luật như mình chỉ biết “matter” là “vấn đề”, nhưng đến khi anh Khoa giảng (bằng tiếng Việt và nhiều khi chen lẫn tiếng Anh vì nhiều thuật ngữ khó tìm ra từ tương ứng bằng tiếng Việt) thì mình mới hiểu “matter” còn có nghĩa là “vật chất”, và “the heart” không chỉ có nghĩa là “trái tim” mà còn có nghĩa là “trung tâm”, hihi.

 

Mình cũng thích phần về lịch sử tạo thành vũ trụ và nguồn gốc các nguyên tố, vì GS Khoa giảng rất sinh động và cuốn hút.  GS sử dụng hình ảnh minh họa và tóm tắt các ý chính rất rõ ràng, nên các bạn trẻ rất chăm chú lắng nghe và có vẻ hiểu bài, mình đoán thế. Thỉnh thoảng GS ngừng lời, hỏi xem có ai biết khái niệm này chưa, nghe đến cái tên này chưa! Đến “Hubble” thì mình cũng hòa theo tiếng “có ạ” của vài bạn sinh viên, vì mình cũng biết được “Hubble telescope” là mang tên một nhà vật lý học người Mỹ, hihi! Có lúc GS cũng hơi thất vọng khi thấy các bạn trẻ lắc đầu, GS quay sang trách nhẹ TS Hoàng “Cái này phải hỏi thầy Hoàng tại sao thôi!” Còn mình, mình bị cuốn hút vào những hình ảnh minh họa thật đẹp về những red-giants, super-giant, “Supernova” và “Crap Supernova” với đủ màu sắc được ghi nhận qua những ống kính viễn vọng hiện đại nhất. Mình mơ màng nghĩ tới những ngôi sao khổng lồ khi kết thúc vòng đời của mình thì tạo ra những vụ nổ supernova mà đến khi ở trái đất nhìn thấy được qua những ống kính viễn vọng thì quá trình đó đã xảy ra trước đó cả ngàn năm.

(ảnh trên slide về "Crab Supernova", có hình con cua thật!)

Cả khi “chết” đi rồi, sau tiếng nổ “bùng” kéo dài hàng bao nhiêu năm thì những siêu sao mới đó lại bắt đầu một quá trình mới, một quá trình tái tạo năng lượng, bởi vật chất không ngừng chuyển động, như lời GS Khoa nói. Đang nghe GS Khoa giảng, mình lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “trong tiếng thở của thời gian rất khẽ” và tự hỏi không biết nhà thơ có được nghe giảng về khái niệm tương đối và tuyệt đối của không gian-thời gian trong vật lý hiện đại không!!! Mình ấn tượng đoạn GS Khoa kể về cô thực tập sinh Jocelyn Bell và phát hiện của cô về “pulsar” (mà mình hiểu một cách văn vẻ là “mạch đập của ngôi sao”, chả biết đúng không), nhưng cuối cùng người đoạt giải thưởng Nobel năm 1974 không phải là cô ấy, mà là người thầy của cô. Sự kiện đó cũng đã làm dấy lên những ý kiến phản đối trong giới chuyên môn lúc bấy giờ về sự bất công và phân biệt đối xử. Còn GS Khoa cũng hài hước: “- Thì sinh viên mới là người ngồi gặm bánh mì, uống Cola-cola dài dài để theo dõi thí nghiệm chứ ông thầy thì chỉ lâu lâu đến xem qua tình hình thế nào thôi!” khiến sinh viên đang nghe đều cười rộ lên vui vẻ.

 

GS cũng chia sẻ về những đam mê, những khao khát của người làm công tác khoa học trong chặng đường gian khổ kiếm tìm lời giải liên quan đến bản chất của những hiện tượng, những hy sinh và niềm hạnh phúc khi thành công, dù chỉ là ban đầu và trước mắt chúng ta, điều chưa biết thì mênh mông còn điều đã biết luôn hữu hạn. Qua trao đổi của GS với TS Hoàng lúc chưa bắt đầu hội thảo, mình biết là GS đã có được 1 học trò “ruột” rất có năng lực là em Lộc, người được xem như sẽ tiếp bước con đường của GS. Hàng năm, ngoài công việc chính ở Viện Năng Lượng Nguyên Tử, GS còn tham gia công tác giảng dạy, đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Mình cũng hiểu sơ qua về những khó khăn, những ưu tư của các thầy trong việc đào tạo thế hệ kế thừa ở môi trường Việt Nam, nhất là ở những môn khoa học cơ bản.

Mình dự kiến chỉ ngồi nghe bài giảng của GS Khoa đến chừng 9.30 thì quay về công ty để làm việc, nhưng mình cũng như các sinh viên, cũng quên luôn khái niệm thời gian (mà vừa được nghe thầy giảng qua) để ngồi nghe đến gần hết buổi sáng một cách hào hứng. Qua bài giảng, mình cũng cảm thấy là các nhà vật lý từ ngàn xưa quả thật đã rất lãng mạn với những giấc mơ chinh phục các vì sao, chinh phục vũ trụ. Là một người KGU, mình rất tự hào khi nghe TS Hoàng giới thiệu về KGU-Moldova là nơi đã đào tạo GS Đào Tiến Khoa, một chuyên gia về vật lý hạt nhân hàng đầu và nhiều nhà vật lý có tên tuổi như GS Mai Xuân Lý, PGS Hoàng Dũng, Nguyễn Mạnh Đức…

 

Kết thúc seminar, mình “báo cáo” với GS Khoa là mình hiểu được 50%, nhưng là 50% của phần giới thiệu tóm tắt về các nhà bác học từ cổ chí kim thôi! Cám ơn GS Khoa!

 

(Chị Thoa:- Cho mình xin soft copy bài trình bày của Khoa nhé!)


Người post: VanNH

Ngày đăng: 11-12-2013 13:01






Xem 1 - 10 của tổng số 85 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Meomun
06/01/2014 09:34:12


@Anh Khoa: Thấy ảnh hạt neutrino anh post đẹp qúa, em gửi mọi người xem ảnh "hạt của Chúa" (Higgs) bị vỡ ra sau khi va chạm với...(gì thì em không nhớ nổi!!!)



Từ: Meomun
03/01/2014 08:50:15

Ảnh đẹp tuyệt vời đầy ma mị, em không tưởng tượng đó là ảnh chụp của một hiện tượng vật lý, cứ như là có sự sắp đặt nghệ thuật ấy nhỉ! 


Anh Khoa ơi, anh mới đưa ra một khái niệm mới: "Fan Vật Lý", hihi vui thật, cứ y như fan bóng đá, fan MU hay fan của Nole vs Nadal... Các fan vật lý chắc không thể ồn ào và suốt ngày cãi nhau ầm ĩ trên các diễn đàn như các fan và anti-fan của các ngôi sao thể thao rồi. Các fan Vật lý chúc các anh chị năm mới nhiều sức khỏe và luôn giàu tình yêu, niềm tin và nhiệt huyết với con đường đã chọn, dù vất vả và đòi hỏi nhiều hi sinh.      



Từ: HienVC
03/01/2014 08:32:46

@KhoaDT : Ảnh đẹp quá Khoa ơi !


Nhìn ảnh hạt neutrino thế này mới hiểu tại sao các nhà VL lại mất hàng chục năm thiết kế ra thiết bị, lắp đặt và ngồi rình " xác xuất" để " tóm được những khoảnh khắc như thế này ở giữa Nam cực băng giá.


Đúng là tình yêu lãng mạn vô hạn đối với thiên nhiên !


Cảm ơn Khoa một lần nữa.



Từ: KhoaDT
31/12/2013 15:55:39

Cám ơn các ACE đã đánh giá được những nét lãng mạn của các nhà vật lý. Tuy nhiên, cũng như các ngành khoa học khác, nghiên cứu VL là một sự nghiệp thực sự không dễ và nhiều khi đòi hỏi người ta hy sinh trọn vẹn những năm đẹp nhất của đời cho công việc. Trong ảnh dưới đây là "dấu vết" đo được của các hạt neutrino bay từ ngoài vũ trụ xa xôi (xa hơn nhiều những thiên hà mà được biết đến) với một năng lượng khổng lồ (~ 10^15 (1 triệu tỷ) eV) mà hiện nay dân VL không hiểu được xuất sứ từ đâu. Để đo được những event như vậy, các nhà VL đã mất ~ 30 năm thiết kế, xây dựng một detector siêu nhậy, sau đó đặt vào giữa một khối băng không lồ IceCup ở giữa Nam Cực trong đk nhiệt độ luôn vài chục âm độ C. Khó có thể hình dung sự cố gắng phi thường này của tập thể các bác học và trong điều kiện khắc nghiệt như vậy thì phải có niềm đam mê khoa học vô cùng lớn (cùng tình yêu LÃNG MẠN vô hạn đối với nature) thì mới có thể đến thành công. Các kết quả dưới đây được nhiều bình chọn quốc tế đánh giá là một trong 10 sự kiện KH lớn nhất của 2013. Happy New Year 2014 tới tất cả các fan của Vật lý!


 




Từ: HienVC
30/12/2013 21:26:53

 


Eistein là một nhà VL vĩ đại, điều này ai cũng biết và đồng thời cũng là một dreamer vĩ đại. Nhưng nghe đoạn đối thoại sau thì chắc chắn ông phải là một người hóm hỉnh có thừa.


Albert Einstein nói về thuyết tương đối của mình, có một anh chàng hay nghi ngờ hỏi:
- Trí thông minh của người mạnh khỏe như tôi không thể chấp nhận những cái mà nó không nhìn thấy.


Einstein đứng yên lặng một lúc rồi trả lời:
- Được, điều đó có vẻ có lý lắm. Giờ ông đặt trí thông minh của ông lên bàn đây, và tôi có thể tin rằng ông có một bộ óc thông minh.


 


 



Từ: Meomun
30/12/2013 10:35:45
Chào anh Cơ - VL75! Ngày cuối năm, thấy bức ảnh Eureka- Archimed của anh vui quá! Mong sao mỗi chúng ta, cả những nhà vật lý hay là những ...nhà khác, thậm chí có khi chỉ là "lều" thôi, cũng luôn tìm thấy trong cuộc sống của mình những điều thú vị để luôn phải kêu lên: Eureka!



PS: MM được 1 người có liên quan đến vật lý giới thiệu cuốn sách: Einstein's dream của Alan Lighman, xin được giới thiệu lại cho các anh chị và tất cả những người nào quan tâm đến chuyện "vật lý vs thơ ca".

       

Bìa trước

It is ten minutes past six by the invisible clock on the wall. Minute by minute new objects gain form. In the dim light of morning the young patent clerk sprawls in his chair, head down on his desk. For the past several months, he has dreamed many dreams about time. His dreams have taken hold of his research. But the dreaming is finished. Out of many possible natures of time, imagined in as many nights, one seems compelling. Not that the others are impossible. The others might exist in other worlds. The patent clerk is Albert Einstein. In his dreams he imagines new worlds, in which time can be circular, or flow backwards, or slow down at higher altitudes, or take the form of a nightingale. Einstein's Dreams is an enchantment and a literary adventure, one which Salman Rushdie has compared to Italo Calvino's Invisible Cities: "And I really can't think of higher praise. It is at once intellectually provocative and touching and comic and so very beautifully written. Quite frankly I haven't been so excited by a novel, let alone a first novel, for a very long time".


30/12/2013 10:18:51

SỰ LÃNG MẠN CỦA VẬT LÝ!!!




Từ: Meomun
25/12/2013 13:56:00

@Chị Thoa: Cám ơn chị Thoa cho biết thêm thông tin về GS Trịnh Xuân Thuận. Thấy chị nhắc tới "Gặp gỡ VN", hè vừa rồi (tháng 8 thì phải) ở Quy Nhơn cũng diễn ra hội nghị hàng năm của các nhà khoa học quốc tế theo sáng kiến của giáo sư Trần Thanh Vân.    Trong hội nghị có 1 số nhà bác học đã đoạt giải Nobel, đặc biệt có nhiều nhà vật lý nổi tiếng thế giới là người gốc Việt. Em được biết có 1 số anh chị là người KGU hoặc "liên quan đến KGU" cũng tham gia hội nghị này.



Từ: ThoaNP
23/12/2013 23:30:14

Mình được gặp GS Trịnh Xuân Thuận từ năm 2000 ở Paris (bữa đó cùng ăn cơm ở nhà vợ chồng GS. Phạm Xuân Yêm). Lúc đó, biết được GS sẽ sang VN dự Gặp gỡ VN 4 (thì phải, không nhớ chính xác con số), mình viết mail về Trường đề nghị Nhà Trường tổ chức cho GS đến nói chuyện với SV. Lúc đó ở Trường không quan tâm (chắc do người giới thiệu là dạng vô danh tiểu tốt), nên cũng chẳng ai thèm phản hồi mail mình cả. Hơn chục năm sau, khi GS trở nên nổi tiếng hơn với VN thì Trường mình và ĐHQG-HCM mới ra sức mời chào GS đến nói chuyện. Nhưng nói thật, sức khỏe GS bây giờ không còn được như xưa nên các buổi thuyết trình cũng phần nào kém cuốn hút hơn trước đây.


Tuy học ĐH và sau ĐH (toàn những Trường sừng sỏ: CalTech, Princeton) và dạy ở Mỹ (ĐH Virginia) nhưng do từ nhỏ học Trường Pháp ở SG nên tiếng Pháp với ông như tiếng mẹ đẻ, các sách của ông toàn viết bằng tiếng Pháp. Ông được Tổng thống Mitterrant mời làm cố vấn tháp tùng trong chuyến thăm VN, và hình như đó là lần đầu tiên GS. TXT quay lại VN. Mà MM rất hăng hái nói khi thấy anh Khoa hỏi về space telescope Hubble; thầy hướng dẫn luận án TS của GS TXT chính là cha đẻ của kính viễn vọng không gian Hubble đấy.



Từ: Meomun
23/12/2013 08:11:17

Thông thường thì Vật lý quả khó hiểu thật, mà vật lý thiên văn chắc lại càng mịt mờ, nhất là đối với người như MM. Nhưng có một nhà vật lý thiên văn gốc Việt, giáo sư Trịnh Xuân Thuận, với những tác phẩm của ông như "Hỗn độn và hài hòa", "Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ..." khiến cho những người đọc (là dân ngoại đạo) cảm thấy dễ hiểu và thích thú với những lý giải về vật chất, về vũ trụ...một cách lãng mạn và cuốn hút. Chắc nhiều anh chị đã có dịp đọc những tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận.     




Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s