KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 17 Tháng mười hai. 2013

ĐỒNG ĐỘI




Tác giả: ThongNV

 Đêm ấy, hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, chúng tôi cắt qua những khoảnh ruộng còn vương mùi thuốc đạn và làng mạc bị cháy rụi vì bom napan. Bên ánh lửa leo lét từ những mảnh gỗ còn sót lại của ngôi nhà bị cháy, vang lên tiếng khóc thảm thiết của một bà má già đang bới tìm xác những đứa cháu của mình. Chúng chết do đạn pháo của địch bắn sáng nay. Má than vì sao người chết không phải là má, mà lại là bọn trẻ.

Đào công sự xong, tôi nằm gối đầu lên ba lô, dưới bụi cây trứng cá mọc ven thành hố bom cũ xòe tán che kín một bên bờ, giấc ngủ ập đến. Bỗng trời đất chao đảo, tôi có cảm giác như bị một trận bão siêu mạnh quăng quật. Mặt tôi bỏng rát như bị ném cả thúng cát vào, cả vùng sống lưng đau nhói. Tôi choàng mở mắt, một khoảng trời sáng rực sau đám bụi và khói, toàn bộ khu vực xung quanh trống hoác, chẳng còn cây cối gì nữa. Mấy cái gùi của bọn tôi lủng lẳng móc trên cành cây, rách bươm. Sờ lưng không thấy máu, may là chỉ bị gạch đá bắn vào. Tôi bò lồm cồm lên khỏi hố bom, định gọi đồng đội, nhưng thôi vì chắc ai cũng bị ù tai rồi. Tôi bước xuống hầm, cả căn hầm tối om. Soi đèn pin, tôi nhận ra hai đồng đội ngồi dựa vào vách hầm, từ hai bên khoé miệng của mỗi người, hai dòng máu chảy xuống. Biết họ bị thương, tôi đưa tay kiểm tra, miệng gào to, hỏi xem bị thương vào chỗ nào. Đáp lại tiếng gào thét của tôi, là dòng máu từ hai cái miệng há hốc ấy trào ra, rồi nó ồng ộc xối xuống đất ngay trước mặt tôi. Tôi ứa nước mắt, bất lực vì không có cách gì để cứu.

Liên lạc đại đội đến, chìa trước mặt tôi mảnh giấy, thông báo hầm chỉ huy bị trúng bom, toàn bộ ban chỉ huy đại đội tại trận địa hy sinh. Tôi phải về ngay tiểu đoàn bộ họp khẩn. Phát hiện chính trị viên tiểu đoàn Xuân chiêu hồi, tiểu đoàn trưởng Thọ cho hội ý gấp cán bộ chỉ huy các đại đội. Thấy tôi đi họp, anh đoán được tình hình đã vỗ vai tôi, nói: - Nhớ giữ liên lạc với tiểu đoàn.

Trận bom ấy, đại đội chúng tôi hy sinh 12 người (trong đó có hai cán bộ đại đội, một cán bộ trung đội) và 4 chiến sỹ bị thương. Thế là từ giờ phút ấy, ba cán bộ trung đội chúng tôi phải đảm đương nhiệm vụ chỉ huy đại đội chiến đấu.

 Khoảng 12 giờ đêm, chúng tôi được lệnh di chuyển sang khu vườn của ấp khác, đào công sự chuẩn bị cho trận chiến đấu ngày mai. Tiểu đoàn trưởng Thọ xuống đơn vị, giao nhiệm vụ cho tôi chỉ huy đại đội. Tiếng pháo cầm canh vẫn bắn suốt đêm từ nhiều hướng đến. Lửa từ những ngôi nhà vẫn leo lét cháy. Pha lẫn trong gió Lào khô khốc là mùi khét của xác gia súc và người bị chết cháy do pháo bom.

  Hôm sau, địch nống ra càn sớm, các đơn vị bạn chạm súng với địch. Chúng lui ra, gọi pháo bắn và máy bay đến dội bom. Chúng tôi lại gồng mình đội bom, đội pháo. Pháo bom vừa dứt, bốn chiếc xe tăng lừ lừ tiến thẳng vào trận địa của đại đội tôi. Nơi đơn vị tôi đứng chân, là địa bàn của đại đội hỏa lực, nhưng do tên Xuân chiêu hồi, nên tiểu đoàn đã bố trí lại trận địa. Đoán được sự thay đổi này, Xuân đã chỉ điểm để địch cho xe tăng chọc thẳng vào sườn tiểu đoàn, chia cắt các đơn vị. Đại đội tôi chỉ còn lại một khẩu B41 duy nhất không bị bom vùi do Toàn làm xạ thủ. Tôi chỉ đường và yêu cầu anh tiếp cận thật gần để bắn cho chắc ăn. Tôi bảo Vệ, pháo thủ phụ B41 di chuyển đón đường để lắp đạn và thay thế nếu Toàn có mệnh hệ gì. Tôi nín thở chờ đợi, chỉ vài phút thôi mà cảm thấy thời gian trôi đi lâu bằng cả một năm. Một ý nghĩ lóe trong đầu, nếu Toàn không diệt được một chiếc tăng ngay từ quả đạn đầu, thì đại đội tôi sẽ ra sao? Tôi đang tính đến tình huống xấu nhất, thì một tiếng nổ đinh tai, khói lửa trùm kín chiếc xe đi giữa. Xe tăng cháy, lính bộ binh địch lùi lại. Nhưng chỉ vài phút sau, quân địch lấy lại tinh thần, ba chiếc xe tăng còn lại vừa bắn, vừa lao nhanh về trận địa chúng tôi. Chúng đè lên công sự, ném lựu đạn US vào hai hầm thương binh đang trú ẩn. Một chiếc chồm qua đống gạch của căn nhà đổ nát, lao về phía công sự nơi Toàn và Vệ đang lắp đạn cho khẩu B41. Tôi nghĩ bọn này đã nhìn thấy các anh, nên cho xe lao đến để nghiền nát hỏa lực của ta. Tôi chưa biết bằng cách nào để chi viện cho họ, vì không còn quả lựu đạn nào bên người. Khi chiếc xe còn cách công sự của Toàn một tầm bắn gần, thì anh nhô hẳn người để khỏi vướng chướng ngại vật, chĩa khẩu B41 vào xe bóp cò. Bọn lính trên xe ném lựu đạn về phía công sự của anh. Đạn B41 và lựu đạn nổ gần như đồng thời. Toàn và cả chiếc xe tăng chìm trong biển lửa. Những tiếng kêu thét thảm thiết vang lên. Đám lính theo xe lùi lại, bắn như vãi đạn về phía chúng tôi. Những người còn sống sót của đại đội tôi bị dồn về góc ấp, người bị thương, người mất súng, quần áo mặt mũi ám thuốc súng và bùn đất, vỡ trận. Ngay lúc ấy, liên lạc đại đội trở về cùng các tay súng của tiểu đoàn bộ đến chi viện, nổ súng đánh vào phía sau quân địch. Một phát B41 bắn đứt xích của chiếc tăng đang áp sát chúng tôi. Tôi xốc lại đội hình, cùng với lực lượng chi viện đánh bật bộ binh của địch ra khỏi trận địa. Chiếc xe tăng còn lại hoảng hốt chạy ra ngoài cánh đồng, nã pháo về phía chúng tôi.

Sau trận ấy, Toàn được cấp trên đề nghị Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Chiến công giải phóng và danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng. Hai mươi năm sau, tôi tìm về quê Toàn, nơi đầy gió và cát trắng, thì được biết không có người đại diện để nhận những phần thưởng cao quý mà Nhà nước đã truy tặng cho anh. Bố anh là bộ đội địa phương đã hy sinh trong một trận chống càn trước đó, má và hai em bị chết vì một quả “pháo đĩ” * trong đêm.

Chúng tôi thu vũ khí của địch. Tìm những thứ có thể ăn được để ăn lấy sức tiếp tục cho trận chiến mới. Tôi hướng dẫn đồng đội, dùng súng M79 thu được bắn vào hầm cát, lấy đầu đạn thay lựu đạn.

Khoảng 3 giờ chiều, một trung đội địch bí mật thọc vào sườn đơn vị chúng tôi. Tình huống này đã được Thân, Trung đội trưởng Trung đội 2 dự định trước, nên đã bí mật giấu mấy can xăng kiếm được trong ấp, sau mấy mô đất trên cánh đồng, cách bìa làng vài chục mét. Do đất đá bị cày xới, cây cối đổ ngổn ngang, nên bọn địch đến gần vẫn chưa phát hiện ra công sự của ta. Khi những chiếc giày đầu tiên đặt lên sát bờ công sự, Thân nổ súng. Đồng đội đồng loạt điểm xạ. Nhiều thằng đổ vật xuống ngay miệng hầm. Bị bất ngờ, những tên sống sót chạy dạt ra. Quân ta ném đầu đạn M79 theo. Nghe tiếng nổ, tụi nó chửi nhau chí chóe, tưởng là bị sửa lưng. Chúng cụm lại sau mấy mô đất, bắn như mưa đạn vào rìa làng. Thân cho ném lựu đạn vào nơi giấu những can xăng. Nhiều tiếng nổ gần như đồng loạt, xăng cháy bắn tung tóe. Bọn địch đứa chết, đứa quằn quại, đứa vừa chạy, vừa cố dập lửa. Tôi nghĩ, đây là đợt tấn công cuối cùng trong ngày của địch.  

  Một vật nhỏ ném vào vai, tôi quay lại, thấy Trung đội trưởng Hà đầu quấn đầy băng, cánh tay phải đeo băng treo trước ngực, tay trái ra hiệu có địch phía sau. Một tên lính mặt trẻ măng, cầm súng chĩa lên trời, mắt nhìn ngơ ngác, đi thẳng về phía công sự của tôi. Tên lính cách tôi hơn chục mét. Tôi ngắm giữa ngực nó, toan điểm xạ hai viên, nhưng chần chừ chưa nhấn cò, vì thấy nó đi một mình, vẻ tìm đường đi hơn là tìm chúng tôi. Tên lính phát hiện ra công sự của tôi, bốn mắt gặp nhau, nó hoảng hốt rồi quay người chạy thục mạng về phía cánh đồng. Hà hỏi sao tôi không bắn. Tôi nói nhỏ: “- Tớ thấy nó trẻ lắm, mắt ngơ ngác như tìm đường về, nên không nỡ . . .”. Hà thở dài: “- Tụi nó bắt lính đến cả học sinh rồi”.

Màn đêm buông xuống. Chúng tôi mai táng liệt sĩ, vẽ sơ đồ mộ chí, cùng nhân dân đưa thương binh về hậu cứ. Kết thúc trận đánh mở màn chiến dịch mới.



(*) “Pháo đĩ” là loại pháo bắn vu vơ, không theo tọa độ, do gái điếm phục vụ lính pháo binh địch bắn nghịch.


Người post: ThongNV

Ngày đăng: 17-12-2013 22:10






Xem 1 - 10 của tổng số 20 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest ngoc Lợi
01/01/2014 08:59:03

đọc bài viết của anh ,minh lai nhớ về đồng đội của mình ở đại đội 25 (vận tải) E48 F320A Quân đoàn 3 , những người đang còn sống va những đồng đội đã hi sinh trong suốt quãng thời gian đơn vị tham chiến ở các mặt trận ác liệt : Bắc đường 9 năm 67 + 68 ; đường 9 Nam Lào 70+71 ; tay nguyên 72+73+74+75 và trận đánh chiếm căn cứ đồng dù Củ chi 30/4/1975 . sau mỗi chiến dịch ác liệt ấy mình lại được phát một huy hiệu kỷ niệm , da 45 năm qua rồi bây giờ mỗi lần có dịp dư họp mạt cựu chiến binh mình vẫn cẩn thận gắn đủ 5 chiếc huy hiệu kỷ niêm chiến trường ấy lên ngục và cảm thấy như hình bóng Đồng Đội hiện về chung vui . Nhớ lắm Đồng đôi ơi , ước gì có cơ hội găp lai Đồng đội thời khói lửa ây .



Từ: ThongNV
22/12/2013 22:38:57

Cám ơn tất cả các bạn đọc đã đồng cảm với suy nghĩ của tôi về "Đồng đội".



21/12/2013 14:47:08

Em thì vẫn biết điều này: Anh Thông còn nhiều kỷ niệm lắm, hai chữ đồng đội sẽ hành trang theo anh trong suốt đoạn đường còn lại, cả khi đất nước đã từ lâu có thanh bình. Những kỷ niệm ấy sẽ trở nên sống động, tạo một thăng hoa cho người cầm bút, tác phẩm sẽ ra đời. Đọc truyện ngắn của anh, không bao giờ chán. Có lẽ vì người viết là người trong cuộc, nó thật, nó xúc tích, nó gần gũi. Bọn em lại đợi đọc những câu chuyện tiếp theo của anh .


* Hạnh ơi, Hạnh nói "Người thứ 41" làm chị nhớ lại bộ phim ấy quá.



Từ: Guest Hân
20/12/2013 18:47:04

Mỗi lần đọc truyện ngắn của TG Nguyễn Văn Thông tôi đều rơi nước mắt, trăn trở và suy ngẫm. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt như vậy mà nhân vật " tôi" trong "đồng đội" vẫn xử lý một tình huống đầy tình người. Sáng nay mấy ông bạn già ngỗi uống cafe bàn luận về "ĐỒNG ĐỘI" mọi người đều nhất trí là chỉ có người sinh ra trong một gia đình có truyền thống trọng nhân mới có hành vi cao thượng như vậy. Tuy nhiên, mấy cựu chiến bình đều cho rằng vào thời điểm ấy hành vi cao thượng này là một sự đi trước thời đại. Những người đi trước thời đại hoặc rất thành đạt hoặc bị vùi dập dã man. Không biết số phận của nhân vật tôi trong ĐỒNG ĐỘI khi đó như thế nào.


Đại diện cho các bạn già chúc tác giả mạnh khỏe và không quên tiếp tục về "Bài ca người lính".


 



Từ: HanhLM
20/12/2013 15:39:35

Chiến trang thật khốc liệt và dữ dội! Ký ức của người lính trở về sau chiến trang mãi hằn sâu sự khốc liệt, dữ dội đó. Thật quý là anh đã luôn chia sẻ những ký ức đó, và chắc anh sẽ nhẹ lòng đôi chút vì sự đồng cảm của bạn bè. Cám ơn Anh rất nhiều!


Câu chuyện mang dáng dấp bộ phim "Người thứ 41" của Liên Xô.



Từ: ThanhLK
20/12/2013 09:59:45

Mình nhất trí cao với em CucNT rằng: “Văn của Nguyễn Văn Thông là như vậy, luôn làm cho ngưới đọc không thể bỏ qua mà phải suy tư ám ảnh”.


Sắp kỷ niệm ngày 22/12/2013, xin chân thành chúc anh Thông và các cựu chiến binh người KGU luôn vui khỏe, hạnh phúc và mãi giữ được “chất lính cao đẹp” trong mình.


 



20/12/2013 09:28:38



Chiến tranh đã đi qua, nhưng những vết thương của chiến tranh luôn hằn sâu mãi với thời gian; nhất là những người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu: sự tàn khốc, những hy sinh mất mát, tình đồng chí đồng đội, thậm chí cả những điều trăn trở khi cùng là con người nhưng ở hai đầu chiến tuyến …mình cảm nhận được tình người ở chi tiết này trong suy nghĩ của Thông.


Cảm ơn ThôngNV với bài viết này nhé.


Cũng như Meomun và mọi người mong đơi: tác giả lại tiếp tục "Bài ca người lính" nhé!


 



Từ: LyTM
19/12/2013 17:19:12

Đồng đội hay tình người,...?


Chiến tranh đã xa vời,


vẫn sục sôi lửa đạn


vẫn thét gầm hung hãn


những âm thanh một thời,


tiếng khóc nghẹn muôn nơi!


 


Cũng chỉ là con người


của một thời chinh chiến,


hủy diệt và tan biến,


nước mắt mặn xót da


đâu chọn mầu địch-ta!



Từ: CucNT
19/12/2013 14:09:57

Truyện không dài nhưng đề cập được thật nhiều vấn đề, 1 chính trị viên Xuân làm nhiệm vụ "tuyên huấn" nhưng lại chiêu hồi, 1 người lính bình thường mang tên Toàn đã anh dũng hơn bất cứ 1 người chỉ huy nào, 1 nhân vật "tôi" chứng kiến bao đau thương trước mất mát của nhân dân của đồng đội đủ lý do căm thù để bắn nát đầu kẻ địch đã tha cho đối phương khi cảm nhận mắt anh ta ngơ ngác như kẻ tìm đường.


Trong cuộc chiến tàn khốc đó, người lính nghe tiếng khóc xé lòng của người mẹ khi kêu  trời sao không để mẹ chết thay con, nỗi đớn  đau khi chứng kiến đồng đội bị thương nặng mà không thể cứu chữa, nỗi xót xa khi sau chiến tranh những vinh quang mà Toàn được tôn vinh đã không người nhận. Người lính đó không những đã tha chết cho đối phương mà còn day dứt bởi sự nghiệt ngã của cuộc chiến để họ phải vét cả học sinh đi lính cũng như ở phía bên mình có bao Thiếu sinh quân đã mang áo chiến binh thay cho tấm áo học trò. 


Người đọc cảm nhận được ở câu chuyện 1 thời tàn khốc khắc nghiệt  của cuộc chiến và 1 tấm  lòng vị tha của người viết. Văn của Nguyễn Văn Thông là như vậy, ai đọc xong cũng không thể bỏ qua mà nặng lòng suy tư, ám ảnh!


Cảm ơn anh!



Từ: ThongNV
19/12/2013 10:48:29

 


* Hoa NT: Là bác sĩ ở chiến trường có sự khổ tâm về nghề nghiệp, khi nhìn thấy thương binh đau đớn dưới con dao mổ của mình mà không có cách gì giúp đỡ vì  không có thuốc gây tê, gây mê. Đã nhiều lần mình thấy bác sĩ  mổ phải nhờ y tá chấm nước mắt.


* Hiên VC & Nghị PH: Đúng người lính cũng là một con người, nên cần phải xử xự với nhau theo tình người. 


*ThoaNP: Hàn gắn những vết thương về tinh thần do chiến tranh gây ra mới là vấn đề khó khăn và phức tạp.


 


 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s